Hai người trở về nhà trong lớp sương mù mùa thu, Erơnênếch đưa cho bố mẹ Asiác chiếc đèn dầu và họ gả Asiác cho anh.
Erơnênếch cuối cùng cảm thấy hạnh phúc vì đã được san sẻ những ân huệ nho nhỏ như mọi người chồng khác. Khi lẳng lặng rời khỏi nhà, bụng nghĩ chắc Anarơvích cũng thích cười một tí với Asiác, anh không giấu vẻ hãnh diện. Thế là cuối cùng anh cũng đã trở thành một người đàn ông thật sự. Anh không cho phép Sicsic làm xáo trộn hạnh phúc của mình, và che giấu ý nghĩ cho rằng cách đây khá lâu Anarơvích không có khả năng làm cho phụ nữ cười, kể cả chuyện mỉm cười thôi.
Ông già Ululích qua đời vào mùa đông tiếp theo. Ông không có bệnh tình gì đặc biệt cả. Ông chỉ ngủ và quên dậy. Đó là một điều không may lớn. Nếu người nhà biết trước rằng ông sẽ chết thì họ mặc cho ông bộ quần áo tang và đưa ông đến một nơi xa nhà trước khi ông trút hơi thở cuối cùng. Làm như thế, con ma sẽ không làm nhiễm độc ngôi nhà họ đang ở.
Giữa đêm họ buộc phải rời ngôi nhà mình đang ở, xoá hết mọi dấu vết để khi họ đi xa dựng ngôi nhà khác thì không bị kẻ chết trả thù. Erơnênếch không hề sợ một người sống nào hết, nhưng lại rất hãi người chết. Người nào muốn doạ được anh thì trước hết phải chết đã. Người chết có thói quen tồi tệ là tóm bắt người sống để họ được sống lại, vì thế họ cố gắng làm bằng được dù chẳng phải dễ gì.
Nỗi lo sợ con ma đã át đi lòng thương xót ông già Ululích. Để chiều lòng con ma, tang lễ được cử hành long trọng.
Trước cửa các ngôi nhà nấm mới, mọi người vảy nước đái và nói: "Đây là nước của chúng tôi, uống đi." Họ hy vọng nếu con ma Ululích tìm thấy đường về uống phải thứ nước ấy, ắt nó sẽ không thích mà bỏ đi. Họ còn đặt bẫy giả xung quanh nhà để con ma sợ bị sập bẫy bỏ đi xa. Rõ ràng là sống không phải dễ dàng gì mà sống được nhưng chết cũng không hẳn là đã chết.
Mùa hè tới, Anarơvích và Sicsic đi về phía có nhiều tuần lộc. Họ lẳng lặng ra đi không từ biệt. Bà Pauti mẹ Asiác đang ốm, lại già không thể đi xa được, nên Erơnênếch và Asiác đành phải ở lại mặc dù họ cũng rất muốn ra đi.
Họ đối xử rất tốt với mẹ già. Sau khi ông chồng Ululích chết, cô con gái kia đã đi với Kiđốc, giờ đây bà còn biết dựa vào ai khác nữa. Họ vẫn nuôi bà mặc dù bàn tay khô cứng của bà không còn khâu vá được nữa và hàm răng mòn đến lợi vì suốt cả đời nhai da giờ đây không thể nhai mềm da được nữa. Họ nhường cho mẹ già những miếng thịt mềm, nhất là Asiác nhai và bón thức ăn cho mẹ. Như vậy là cô ta đã đền đáp lại mẹ những gì cô nhận được hồi còn bé. Đó là một sự phân công hợp lệ. Nhưng cũng như mùa đông, mọi thứ đều có kết thúc và cái kết thúc ấy đã đến.
Bà Pauti hiểu rất rõ vì sao giữa đêm Erơnênếch và Asiác chở mình trên xe kéo qua biển băng rộng lớn, sáng lấp lánh dưới ánh sao đêm. Trong suốt cuộc hành trình không ai nói một lời, kể cả lúc họ dừng xe. Erơnênếch trải tấm da tuần lộc lên mặt biển để người mẹ già có thể chết thoải mái. Sau đó lòng ngổn ngang, chân lảo đảo, anh quay lại xe kéo. Trong khi càu nhàu với chính bản thân mình, anh giả vờ sửa lại sợi dây chó kéo xe. Còn Asiác, để trấn tĩnh cô vứt cho lũ chó những mẩu cá lạnh băng. Nhưng khi chúng tranh giành, cắn xé nhau liền bị cô trừng trị nặng hơn thường lệ.
Trong khi đó, đĩnh đạc ngồi yên trên tấm da, bà Pauti lo lắng nhìn cô con gái.
Asiác đang có thai, có lẽ nó không biết gì về việc mình sắp đẻ cả. Chưa bao giờ nó được xem người đẻ, bà mẹ tự nhủ, trong chuyện này chẳng lẽ nó chỉ bắt chước những con chó cái cũng đủ sao?
- Lại gần đây, con gái bé bỏng của mẹ. Có bà mẹ già vô ích muốn nói chuyện với con.
Asiác lại gần, cô chăm chú lắng nghe và trân trọng lời mẹ nói.
- Con đang có mang, và ít hôm nữa thôi, chắc con sẽ sinh ra một đứa bé. Con cần nhớ tất cả những gì mẹ dặn. Khi đau đẻ, con quỳ hai đầu gối xuống cho dễ sinh. Nếu đẻ ở trong nhà thì con hãy cất các tấm da đi kẻo giây bẩn. Sau đó con đào một hố nhỏ dưới cửa mình để đỡ khi đứa bé chui ra. Con phải tìm mọi cách để cho dễ đẻ. Khi sắp đẻ, đứa trẻ rất sốt ruột nên con thấy nó cựa quậy hoài trong bụng. Nhưng còn cần phải nhớ phút giây cuối cùng đáng sợ nhất là khi đẻ xong đứa trẻ vẫn dính liền với mẹ. Điều đó khác hẳn với chó, chó khi sinh ra chúng đã tự do rồi. Vì vậy, con phải tìm mọi cách tách ra: với con dao sắc, với con dao cùn, hay bằng răng. Cần phải tách ngay không thì chết cả hai.
- Ôi, mẹ biết nhiều thế.
- Bây giờ hãy lắng nghe đây. Khi đứa bé ra đời con cần phải xem nó là trai hay là gái. Nếu là con trai thì dùng lưỡi liếm sạch nhớt rồi xoa mỡ cá, rồi sau khi để nó ngủ đẫy giấc thì lấy nước tiểu tắm rửa cho nó, nhưng nếu sinh con gái thì phải bóp cổ cho nó chết ngay lập tức.
- Vì sao?
- Nên biết rằng trong suốt thời kỳ cho con bú người mẹ không thể đẻ con khác. Như vậy, nuôi một đứa con gái vô ích làm chậm việc đẻ một đứa con trai. Tuổi già đến rất nhanh và người ta rất cần có một đứa con trai đã lớn để kiếm thức ăn cho họ. Một khi con có một đứa con trai, lúc ấy con có thể đẻ thêm một đứa con gái nữa cũng được. Nhưng con cũng cần biết rằng có những bố mẹ không giết con gái của mình nếu trước lúc sinh đã có người hứa lấy nó làm vợ, và chuẩn bị thức ăn nuôi đứa bé ấy lớn. Nếu không nuôi thì con phải giết nó ngay, vì nếu để lâu thì con sẽ thương nhớ nó. Con bé bỏng của mẹ, con đã hiểu tất cả những lời mẹ dặn chưa?
- Con tin con hiểu gần như tất cả.
- Vậy thì có người hạnh phúc.
Để tạo dịp cho con gái đi xa, bà Pauti không nhìn con gái nữa, mà chăm chú nhìn vào bóng tối xa xăm, nơi đất liền ngăn cách với biển như là nhìn thấy nó lần đầu tiên trong đời. Bà thấy rất nên tôn trọng các quy tắc quan hệ đúng mực. Những quy tắc này yêu cầu phải vui vẻ khi gặp nhau và làm ngơ lúc chia tay. Chuyện Asiác và Erơnênếch tiễn biệt bà là không đúng, và bà nhận thấy họ đã ra đi.
Khi những tiếng chó sủa đã tắt lặng trong bóng đêm, bà Pauti vẫn còn thấy đôi vợ chồng trẻ thân thương. Đó là nhịp điệu cuộc sống không hề thay đổi kể từ những ngày còn thơ ấu. Bà ngượng ngùng vì không thấy hoàn toàn hạnh phúc sau cuộc sống giàu sang và đầy đủ. Bà vẫn ôm ấp nguyện vọng khác: được thấy, được nghe và có thể được bồng bế trên cánh tay già xương xẩu đứa cháu mới ra đời. Trong khi kiên trì đợi chờ cái chết, bà luôn nghĩ tới con gái, tới ngôi nhà nấm bằng băng nhỏ bé, mà ở đó người ta đang đợi chuyện sinh nở thần kỳ. Bà nhìn thấy rõ tất cả những gì xảy ra như mình đang ở đó.
Tất cả chỉ trừ một việc.
Trong khi bà già ngồi trên mảnh da chờ chết thì đứa trẻ của Asiác lại muốn ra đời sớm, có lẽ vì sự thôi thúc với nỗi đau của mẹ nó. Trong chuyến về, Asiác luôn cảm thấy nó quẫy đạp dữ dội nhưng cô không than thở một câu.
Khi xe về đến nhà, những con chó con trong nhà chui ra khỏi đường hầm vừa sủa vừa giũ tuyết bám vào bộ lông óng mượt. Trong khi Erơnênếch tháo xe, Asiác không dỡ đồ đạc như thường lệ, cô lao xuống xe và chui ngay vào nhà. Cô châm đèn, cởi áo ngoài và nằm ngửa trên ghế dài bằng băng chờ đợi.
Erơnênếch chui vào nhà. Sự có mặt của anh làm cô khó chịu.
- Anh có nhớ miếng thịt lưng bò biển mà mùa xuân vừa rồi chúng ta chôn ở bờ biển không? - Asiác hỏi mắt nhắm nghiền.
Khi nhớ ra khuôn mặt Erơnênếch ánh lên vui sướng:
- À con bò biển lớn nhất mà tôi giết được!
- Thịt nó bây giờ chắc ngon lắm rồi. Có một người đàn bà ngu ngốc muốn ăn một miếng.
Khuôn mặt Erơnênếch nghiêm nghị:
- Đó là một hành trình dài và có người đã mệt rồi.
- Có chuyện xảy ra là một người đàn bà khó tính và hay làm phiền muốn ăn miếng thịt bò đó.
- Trong kho dự trữ có thịt hải báo rất béo - Erơnênếch an ủi - và có một cái gan phủ đầu mốc.
- Trên thế gian này giờ đây có một người đàn bà không muốn ăn gan, ăn thịt hải báo béo mặc cho nó rữa mềm đến đâu, mà chỉ muốn ăn thịt lưng bò biển thôi.
Cuối cùng, trước sự khăng khăng của vợ, Erơnênếch phải đổi ý và anh thường băn khoăn tự hỏi vì sao mình không cho vợ một cái tát. Nhưng anh không tìm thấy câu trả lời. Đó cũng là những câu hỏi khó mà Erơnênếch không biết trả lời. Anh tức giận dậm chân chửi rủa. Nhưng rồi cuối cùng anh phải xoa thêm lớp dầu lên mặt, ra buộc lại xe và đi lấy thịt bò biển.
Asiác cảm thấy rùng mình vì ớn lạnh, mặc dù lúc đó cái thai nóng hơn ba lần da gấu. Cô dùng chân đẩy khối băng chắn lối ra vào, rồi không rời khỏi giường cô vốc một nắm tuyết hơ lửa đèn cho chảy và uống hừng hực.
Đứa trẻ đạp mạnh, cơn đau làm Asiác run run mím chặt môi, trong khi chân co quắp lại. Asiác buồn nôn và khát nước kinh khủng. Tóc dính chặt vào trán, mặt đẫm những giọt mồ hôi nóng bỏng. Asiác cắn môi đến bật máu.
Chiếc bấc đèn trôi trên mỡ bắt đầu nhấp nháy và toả khói mù mịt theo lỗ hổng trên vòm nhà bay ra ngoài. Đến lúc phải khêu đèn, nhưng người đàn bà không nhìn thấy. Trái lại, cô cố gắng rời khỏi cái ghế băng, kéo gọn tấm da trên sàn và dùng cái chải quần áo đào một cái hố trên băng. Sau đó cô kéo giày xuống tận đầu gối rồi quỳ chờ trên hố, một khuỷu tay chống lên ghế băng và tay kia lên đống tuyết ăn. Ánh sáng màu vàng của ngọn đèn cứ yếu dần, sau đó chuyển sang màu nâu rồi cuối cùng tắt lịm giữa bóng đêm dày đặc. Đứa con đầu lòng của Asiác ra đời, đầu đập vào đáy hố băng.
Cảm thấy đứa trẻ đã ra rồi, Asiác cong người lại và dùng răng tách rời mình đứa bé. Hầu như ngay lúc đó, tiếng thét của đứa bé vang lên khắp nhà. Asiác vội vàng châm đèn để xem mình đẻ ra con trai hay con gái.
Đó là một đứa con trai. Thấy nó khóc khoẻ, cô mỉm cười vì nhớ đến Erơnênếch. Cô liếm khối thịt đỏ hỏn đó cho đến sạch bóng, từ vết chàm xanh ở cuối xương sống. Cô dùng tấm lông cáo lau khô bôi mỡ cho con. Sau đó cô vội vàng đặt nó lên ghế băng vì lên cơn đau hậu sản.
Sau cơn đau cô thèm ăn vô cùng và ăn ngấu nghiến chiếc nhau vừa đẻ ra theo gương chó cáo, vì theo kinh nghiệm cô biết loài chó không bao giờ nhầm. Bọc thịt nhớp nháp, ngọt lịm đó làm cô no. Cảm thấy yên lòng, thoả mãn, cô chui vào túi da.
Thằng bé khóc thét lên, cô vội vàng ấn vú vào miệng nó, thằng bé bú chùn chụt làm cô đau, nhưng đồng thời cũng gây ra cảm giác mới - cảm giác về sự khoái lạc thể xác.
Cũng như ở loài động vật hoang dã, cảm giác này đã bị lãng quên suốt thời gian cô có mang. Để bảo vệ cái thai, cô buộc phải tập trung toàn bộ sức lực để chống chọi lại với thế giới bên ngoài, kể cả chồng cô.
Trong suốt một thời gian dài, Asiác từ chối chồng, cô không biết rằng anh, cũng như cô, không hiểu gì hơn về cái chức phận làm mẹ giờ đây đang ngự trị trong cô lấn át cái chức phận làm vợ.
Khi Erơnênếch mang thịt bò biển về, anh hà miệng, mắt mở tròn xoe vì ngạc nhiên. Bên cạnh đầu Asiác anh thấy một túm tóc đen như bồ hóng ló ra ngoài túi da.
- Xảy ra chuyện một người đàn bà đẻ một đứa con trai - Asiác cười ngượng ngùng - Không đẹp hay sao?
Cô nâng đứa trẻ lên cao.
Erơnênếch lắc đầu nghi ngờ.
- Người ta thấy chó con còn đẹp hơn - Anh nói và ngồi xuống quên phủi bụi băng dính trên áo.
- Khi nó lớn, nó sẽ khá hơn - Asiác khẳng định - Bây giờ nó đã có tất cả những gì cần có. Cả đến tên nữa. Nó tên là Papích.
- Cô chắc thế à?
- Em chắc.
- Sao cô lại biết nó tên là Papích? - Erơnênếch hỏi vợ.
- Bởi vì một người đàn bà vô ích thích cái tên ấy.
Erơnênếch đặt thằng bé lên tuyết, ngạc nhiên nhìn nó vì anh chưa quen với địa vị làm bố mới mẻ này.
- Để nó nằm trên tuyết có thể bị lạnh đấy - Asiác nhận xét. Lúc đó Erơnênếch đặt nó lên đùi và xem kỹ từ đầu đến chân. Anh cười khoái chí khi thấy các bộ phận của nó đều nhỏ xíu cả. Asiác bực tức chồng vì cô thấy anh chàng thợ săn tí hon của mình khoẻ mạnh, giống người lớn thực sự: vai vuông, tay ngắn, ngực nở, xương hàm rộng, mắt một mí đen láy, long lanh trên khuôn mặt bóng như bôi mỡ.
Erơnênếch muốn lên tiếng đảm bảo chắc chắn rằng con mình không hề thiếu bộ phận nào: móng tay mềm mại nhú ra trên các ngón tay béo mập, chiếc mũi tẹt hầu như ẩn kín dưới hai cái má bầu bĩnh, chiếc miệng tròn xinh xinh, cái lưỡi hồng hồng...
- Asiác!
Erơnênếch thét lên. Anh đứng dậy đầu đập vào vòm nhà, tay cầm một chân Papích xách lên làm nó khóc thét lên, mặt tím bầm.
- Sao thế? - Asiác hoảng hốt hỏi.
- Nó không có răng!
Nghe nói thế, Asiác hoảng hốt, cô dùng ngón tay lần sờ trên lợi thằng bé, mặc nó khóc. Erơnênếch nói đúng, chẳng thấy răng của nó đâu cả.
Asiác ngồi phịch xuống ghế, lần đầu tiên Erơnênếch thấy trên mặt cô xuất hiện những giọt nước mắt không vui.
- Chắc cô đã phạm phải điều cấm kỵ nào đó rồi - Erơnênếch nghiêm khắc hỏi.
- Không, em biết là không mà.
- Thế cô có ăn lẫn thịt động vật dưới biển với động vật trên cạn không? Hay cô đã để chung đồ hải sản với đồ trên cạn?
- Không bao giờ.
- Vậy thì cô đã đập chết một con hải cẩu hay một con tuần lộc trắng hay khâu vá ngoài trời? Vì sao cô không thú tội?
- Vì em không làm những chuyện ấy! Có thể chính anh là người mắc phải điều cấm cũng nên. Nghĩ đi, nghĩ kỹ lại xem.
- Một người đàn bà nói với chồng như thế ư! Rồi sẽ đi đến đâu?
- Chúng ta hãy nghĩ kỹ đến điều mình sẽ phải làm - Asiác nói, cô cắn môi, cố kìm nước mắt, bởi vì cũng như Erơnênếch cô chưa biết là cần phải làm cái gì.
Erơnênếch quay lại, ho, càu nhàu và chửi rủa. Sau đó anh gượng cười và cố làm như là chuyện đó không quan trọng.
Asiác là người đầu tiên nói ra điều hai người đều biết.
- Chúng ta sẽ bỏ nó trên tuyết. Càng làm sớm càng tốt.
Erơnênếch vuốt ve đầu vợ và an ủi:
- Em sẽ có những đứa con khác, những đứa sinh sau này chắc chắn sẽ có răng.
Mặc dù còn rất yếu, nhưng Asiác cũng muốn tiễn đứa bé Papích trong chuyến đi cuối cùng này. Bà Pauti chắc vẫn sống nếu không có con gấu nào đến ăn thịt. Và ý nghĩ là con mình được đi sang thế giới vĩnh cửu trên tay bà ngoại nó đã phần nào làm giảm nhẹ nỗi đau trong lòng Asiác.
Không có con gấu nào lại gần bà già và họ gặp bà ở chính nơi mà họ đã để bà lại. Bà ngồi nghiêm trang trên băng giữa khoảng trắng mênh mông như nữ thần biển cả. Bà bị cóng nhưng cuối cùng bà đã há được miệng và thốt ra những lời kỳ lạ.
- Có một bà già kiêu ngạo biết làm thằng bé mọc răng.
Theo lời bà Pauti giảng giải thì cần đợi đến mùa hè, các thần Tuyết và Gió mà bà có quan hệ mật thiết mặc dù bà đã già, sẽ lắng nghe lời thỉnh cầu của bà. Lúc đó Papích sẽ có răng. Mặc dù Asiác và Erơnênếch không tin lắm vì các bà già thường hay nói những chuyện viển vông, xa vời như mặt trăng xa cách mặt băng. Họ quyết liều vậy.
Bà và cháu được đưa trở lại nhà. Erơnênếch phải dựng thêm một chiếc nhà nấm bằng băng nữa ăn thông với ngôi nhà cũ để ở. Bà Pauti có thể ở riêng với cháu mà không bị ai quấy rầy, nhất là khi bà nói chuyện với các thần Gió và Tuyết.
Đôi khi Asiác phải sốt ruột đợi trước cửa cấm để vào cho con bú.
Ngoài sữa mẹ, từ những ngày đầu họ đã cho Papích ăn mỡ cá voi bằng cách cho mút ngón tay thấm mỡ của bà và mớm cho ăn gan cá. Bà già trái lại, hầu như không ăn uống gì cả. Bà xọm xuống chỉ còn da bọc xương, chiếc mũi ngày càng nổi lên giữa hai má tóp, hằn đầy nếp nhăn. Tuy thế đôi mắt bà tràn đầy sức sống hơn cả cặp hải báo trẻ trên biển.
Papích lớn lên trông thấy. Asiác hoài công thăm dò lợi và cô càng trở nên thầm lặng. Ban đêm nhiều lần tiếng khóc thút thít của cô đã đánh thức Erơnênếch. Anh rút tay khỏi túi da và sờ sẫm khuôn mặt đầy nước mắt của vợ.
Asiác hờ hững dùng kim tam giác và các sợi gân chó và tuần lộc may áo và khâu giày da hải báo cho con. Cô uể oải dập mềm và chải da. Khi gió từ các dãy núi xa thổi về, cô bỏ ra ngoài và chệnh choạng đi lang thang trên băng dưới vòm trời đầy sao. Đôi khi cô giật mình vì đã bắt đầu nói thành tiếng một mình như Erơnênếch.
Thân thể khoẻ mạnh, xinh xắn của cô, hơi sồ sề trong thời kỳ có thai, giờ đây đã thon lại như trước. Mùa đông mọi người đều phải ngủ nhiều, nhưng cô hầu như không ngủ. Cái mũ băng trùm lên đỉnh thế giới này có thể chứa đầy hạnh phúc. Nhiệt độ thân thể con người đủ để sưới ấm khoảng không gian bé nhỏ của nó. Nó có đủ mỡ, thức ăn và mọi tiện nghi khó có thể hình dung được. Qua bức tường dày người ta nghe vọng tiếng gầm giận dữ của cơn bão bên ngoài, tiếng nước biển vỗ dưới nền băng. Ngôi nhà nấm bằng băng là thế giới nhỏ tràn đầy thân thuộc, ánh sáng màu vàng nhạt gợi lên sự ấm cúng, ngọn đèn mỡ hải báo toả mùi thơm ngậy, thịt đang mềm rũa và một người đi săn tài nghệ đang ngáy trong túi da. Nhưgn đối với Asiác thì cô cảm thấy mặt trời lâu mọc trở lại quá. Khi nào mặt trời ló ra, mọ người lại sẽ đi săn suốt ngày. Công việc bận rộn sẽ làm cô nguôi quên mối lo âu, đang đè nặng. Dưới ánh mặt trời người ta có thể lần theo dấu chân tuần lộc và giương bẫy săn bò biển. Nhiều tốp người sẽ gặp nhau, có thể cười nói và săn bắn với nhau.
Hy vọng chữa được cho Papích tắt dần và giờ đây cô hối hận đã giữ nó lại để nuôi.
Xa nó bây giờ thì sẽ đau đớn vô cùng.
Mùa xuân tới. Trời sáng dần, bình minh còn lấp lánh những vì sao, sau đó chân trời nhuộm một màu tím đậm dần dần chuyển sang màu đỏ thắm, đỏ tươi, vàng sẫm, vàng tươi... rồi cuối cùng, mặt trời hiện lên. Theo thói quen cũ, Asiác tắt đèn, đổ bỏ mỡ cặn, rót mỡ mới rồi thay bấc.
Từ chân trời, sự sống xuất hiện xua tan màn sương mù ban đêm và giấc ngủ đông của con người. Thân thể tê dại vì giấc ngủ dài giờ đây đã có cảm giác trở lại, máu chảy nhanh trong người. Ai nấy đều trở nên năng động, hăng hái chuẩn bị dây kéo xe, gọt nhọn vũ khí, xem lại cung tên.
- Chúng ta sẽ bỏ lại hai người - Erơnênếch nhăn nhó nói, anh đứng thẳng người, bộ ngực nở nang bôi dầu bóng loáng.
Asiác cảm thấy tim mình lạnh lẽo hơn ngôi nhà băng bị bỏ hoang.
- Nhưng giờ đây chúng ta đã yêu quý đứa trẻ vô cùng. Nhất là mỗi khi nó bập bẹ, nó cười.
- Phải nhưng nó cười với cái miệng không răng.
- Một bà mẹ ngu ngốc có thể dùng miệng bón thức ăn nuôi nó lớn lên.
- Vậy khi cô chết ai sẽ nuôi nó? Đàn ông nhạo báng nó, đàn bà sẽ suốt đời trêu chọc nó!
Erơnênếch quay lại và hậm hực lo chuẩn bị xe.
Đúng lúc họ sắp sửa ra đi, bà Pauti từ trong nhà chui ra, bế thằng bé trên tay.
- Có chuyện xảy ra là răng nó đã nhú lên. Có thể mang nó đi theo, còn tôi thì không cần đi.
Rõ ràng ngón tay Asiác đã dò thấy hai đầu nhọn. Bà Pauti cam đoan những răng khác sẽ tiếp tục mọc ra, hoàn chỉnh, trắng toát, thừa sức nhai cả thịt sống. Bà già làm cách nào được như thế thì không ai biết. Nhưng người ta biết chuyện đó thực sự đã xảy ra bởi vì tay lái buôn Ittimangơnếch, người mùa hè sau đó đã gặp Erơnênếch, Asiác và Papích và bán cho họ một bong bóng đầy chè đổi lấy một vài tấm da cáo, đã kể chuyện ấy cho một người khác nghe.
Asiác ôm cổ mẹ, ngửi mặt mẹ trong khi mũi cô cọ mũi mẹ già, khuôn mặt đẫm nước mắt. Erơnênếch giậm chân thình thịch.
- Mẹ phải ở lại với chúng con - Asiác nói, dở khóc dở cười - Chúng con sẽ làm gì nếu sau đó lại đẻ ra những đứa trẻ không răng?
- Con không lo, các thần Gió và thần Tuyết đã hứa với mẹ là tất cả con cái của con sẽ có răng, mặc dù thời gian đầu còn chưa nhìn thấy. Có chuyện xảy ra là một bà già đã mệt mỏi sau một hành trình cuộc đời dài dằng dặc. Bà rất yếu và buồn ngủ. Mùa xuân không làm máu bà chảy mạnh.
Ra đi lúc đó là không đúng, họ bèn dỡ đồ đạc và trở vào nhà. Ở đây họ dùng chè, cười nói và sờ răng Papích. Erơnênếch bỏ vào miệng Papích những miếng thịt nhỏ khiến đôi khi Asiác phải thò ngón tay vào họng thằng bé moi ra những miếng thịt quá lớn có thể làm cho nó nghẹt thở. Họ ăn ngon lành cho đến khi Asiác ngủ gật vì quá mệt. Erơnênếch còn tiếp tục ăn một mình cho đến khi ngủ thiếp đi.
Lúc đó bà Pauti liền đứng dậy và lặng lẽ ra khỏi nhà. Bà dùng chuôi dao buộc cổ bầy chó ngừng sủa.
Bộ quần áo trong làm bằng lông diệc biển rất quý bởi vì phải mất bao công phu tết từng chiếc lông nhỏ bé với nhau bà cởi ra để lại cho Asiác. Bà chỉ bận trên mình bộ đồ da chó đã sờn và hầu như đứt hết đường khâu.
Bầu trời màu chì, từng cơn gió lạnh réo lên, cản bước tiến của cái thân hình già nua khô cằn đã dùng kiệt sức lực trong mùa đông vừa qua. Bà chỉ nghe thấy chính tiếng chân va lạo xạo trên tuyết và dưới chân là biển cả rung động, biển nhân hậu, biển nhiều cá ngon.
Bà cứ dấn bước cho đến khi mồ hôi ra ướt đầm mình, điều mà bà đã biết là cần phải tránh ngay từ thuở còn bé trừ khi đã chui vào trong túi da. Bà tiếp tục đi với chút sức tàn còn lại để cho mồ hôi ra nhiều hơn nữa. Cuối cùng bà đứng lại, trên một gò băng nổi lên giữa cánh đồng băng tuyết lạnh, thở dốc mồ hôi ra như tắm. Đôi mắt mệt mỏi không còn nhìn thấy ngôi nhà nấm bằng băng thân thuộc nữa.
Bà ngồi xuống bình tĩnh đợi mồ hôi đóng băng.
Chiếc áo băng xiết chặt vào thân thể. Lúc đầu bà cảm thấy xương thịt mình cũng đông lại đau đớn vô cùng. Sau đó cảm giác này giảm dần, đầu óc lú lẫn đi, máu ngừng chảy, người hôn mê. Cảm giác lạnh cũng mất đi. Bà vui mừng và hoàn toàn yên tâm chờ đợi cái chết đến.
Bà thấy lờ mờ bóng dáng một con gấu đang đi trên tuyết và bà vui mừng nghĩ là Erơnênếch đã nhìn thấy con gấu trắng to lớn này rồi. Con gấu nặng đến bốn trăm cân thận trọng tiến lại gần bà. Gấu chưa tin hẳn đó là con người vì người này giống gấu quá. Vẻ ngoài nặng nề, tai dựng đứng, mõm lắc lư, đôi mắt cảnh giác trên chiếc đầu to hình tam giác. Nó gầm gừ và thở ra những đám hơi mù mịt.
Bà Pauti không nén được nụ cười, khi nghĩ đến chốc nữa thôi con vật hùng mạnh ấy sẽ bị một nhóm người nào đó xé xác. Nhưng điều đó hiện giờ khó mà xảy ra được. Chắc chắn là một ngày nào đó con gấu sẽ gặp Erơnênếch trên đại dương mênh mông trắng, và người đi săn sẽ ném cho nó một quả cầu mỡ có dấu sự chết chóc bên trong, rồi sẽ đuổi theo nó cho đến khi giết được. Và trước ngôi nhà bằng băng mới dựng lại vang lên tiếng reo cười. Bà Pauti thấy Erơnênếch đang mổ con thú, Asiác lôi các bộ phận ra và Papích cắn ngập bộ răng đã mọc đầy đủ vào miếng gan nghi ngút. Chỉ một loáng con gấu đã không còn nữa mà chỉ còn lại vết máu bắn lên tường nhà lấp lánh.
Bà đoán biết tương lai vì bà tường tận quá khứ. Sự giao tiếp gần gũi với vạn vật làm cho bà hiểu rõ và chấp nhận không oán hờn cái quy luật muôn đời bi thảm của thiên nhiên. Con thịt này chết đi để nuôi sống con thịt khác là cần thiết.
Bà cần phải chết để con gấu có thể sống cho đến ngày Erơnênếch giết nó, nuôi sống Asiác và Papích với thịt của thịt chính bà.
Và như thế là bà sống lại với những người thân yêu một cuộc sống vĩnh cửu.
Cuối cùng khi con gấu quyết định lại gần thì bà Pauti đã lạnh cóng, hầu như không nhận thấy hơi thở nóng hổi của con vật phả ngay vào mặt mình. Rồi, hầu như không cảm thấy đau đớn chút nào, khi bà đi vào giấc mơ vĩnh cửu và yên lành. |
|
|