Thiệt quả chiều bữa sau đạo nghĩa-binh mới tới Giồng Trấn-Định. Thanh-Nhân ra lịnh cho tướng-sĩ nào có gia-đình ở Ba Giồng thì được phép về nhà nghỉ chơi ba ngày rồi sẽ tựu lại giồng Thuộc-Nhiêu mà nghe huấn-lịnh. Còn các tướng-sĩ gốc ở phương xa, không có thân-nhơn trong vùng, thì theo Thanh-Nhân lên Thuộc-Nhiêu mà ở. Các võ-tướng và văn-sĩ đều ở xứ xa, nên cả thảy đều về nhà Thanh-Nhân.
Từ khi Đỗ-Thanh-Nhân cùng các bạn đồng-chí đem nghĩa-binh Đông-Sơn lên đánh lấy thành Phan-Trấn, Đỗ Nuơng-nương ở nhà hàng ngày cứ luyện tập võ-nghệ luôn luận. Nhưng tập dượt một mình riết rồi cũng buồn, nàng mới đi khắp giồng Thuộc-Nhiêu khuyên các bạn gái từ 15 đến 20 tuổi mỗi buổi chiều, nếu không bận việc nhà, thì tựu lại võ-trường nàng sẽ ra công luyện tập cho biết võ-nghệ như trai, dầu không phá trận hãm thành, thì cũng được gân cốt nở-nang, thân-thể khỏe mạnh.
Bạn gái ghi tên thọ-giáo đếm được vài chục. Đỗ Nương-nương khởi tập chạy, tập nhảy rồi tập đánh quyền. Chừng nàng lên Phan-Trấn diễn võ được quan quân khen tài, nàng hừng chí hài lòng, nên trở về Thuộc-Nhiêu nàng mới tập cho bạn gái đánh đoản đao cho thành-thục rồi sẽ tập bắn.
Một buổi chiều, Đỗ Nương-nương đang tập cho mấy chị em tại võ-trường, thình lình có người báo tin có một đám người đông lắm, ở ngoài đường cái đi vô giồng, không biết họ là ai và đi đâu vậy.
Đỗ Nương-nương lật-đật mang cung tên vào lưng, tay cầm đoản đao, xông ra mé giồng mà xem, mộn-đệ cầm đao chạy theo sau. Nàng đứng ngó một hồi rồi nói: “Binh Đông-Sơn của mình về… Phải. . . chắc-chắn binh của mình. Có cờ rõ-ràng. . . Cha tôi đi đầu. . . Kỳ dữ hôn ! Tại sao bỏ thành mà về ?”.
Thiệt quả nghĩa binh Đông-Sơn trở về. Thanh-Nhân vời Minh-Giám đi đầu, phía sau đi theo từng tốp mỗi tốp có người chỉ-huy đi trước. Đỗ Nương-nương đợi binh đi tới mới bước ra chấp tay thi lễ và hỏi: “Tại sao cha rút nghĩa-binh về ? Giặc đoạt thành lại hay sao ?”.
Thanh-Nhân đáp: “Không. Đông-Sơn nhượng thành lại cho Chúa giữ, chớ không có ai đoạt được. Để tối cha sẽ cắt nghĩa cho chư tướng nghe, rồi con sẽ hiểu. Nghĩa-binh Đông-Sơn về cho toàn-vẹn thinh-danh, về đặng lo việc lớn, chớ không phải sợ ai hay là thua đâu mà con nghi-ngại. Hãy trở về cho mau đặng biểu làm thịt trâu heo mà đãi tướng-sĩ”.
Nương-nương với mấy bạn gái theo vòng binh trở về giồng, tay mỗi nàng đều có cầm đao, coi dường như nữ-binh ra nghinh tiếp nghĩa-sĩ Đông-Sơn.
Về tới nhà, Thanh-Nhân ra lịnh tướng sĩ rã ra, người lo giết trâu heo, kẻ lo nấu nướng, làm rần rần đặng ăn bữa cơm tối. Ăn uống rồi, Thanh-Nhân gom hết tướng-sĩ lại võ-trường và để Minh-Giám cắt nghĩa cho mọi người hiểu cơ mưu của cấp Chỉ-Huy tại sao giao thành cho Tân-Chánh Vương mà rút về Ba Giồng, về đặng tránh cái họa to sắp tới nay mai, mà cũng về đặng gây thêm lực-lượng rồi thừa cơ-hội mà cử-đồ đại-sự, chớ ở Phan-Trấn là chỗ giặc hầm-hầm quyết đánh. Thế-lực Đông-Sơn chưa đủ mà chống giữ nổi, nếu cương-quyết ở lại thì phải thất bại, phải hư-hao, rồi Đông-Sơn mang tiếng thua Tây-Sơn, mà còn sợ e không tròn đạo tôi Chúa. Bây giờ chư-tướng hiểu mưu-kế của Bộ Tham-Mưu thì ai ai cũng kính-phục, nên không tức giận về sự bỏ thành mà về.
Đúng ba ngày, các tướng-sĩ ở Ba Giồng tề lựu lại đủ. Thanh-Nhân vời Minh-Giám cắt nghĩa mưu kế một lần nữa cho lớn nhỏ hiểu đặng khỏi nản chí, rồi tuyên-bố một chương-trình hành-động. Chương-trình gồm năm điểm:
1.- Tổ-chức đất Ba Giồng thành một căn-cứ quân-sự vừa vững-chắc, vừa phong-phú;
2.- Tổ-chức cuộc làm ruộng nuôi thú, bắt cá làm mắm, để cung-cấp lương-thực cho binh đội;
3.- Lập đồn lũy tại địa-điểm trọng yếu để đặt binh phòng-thủ;
4.- Tổ-chức do-thám các nơi và đặt ban liên-lạc giữa cuộc do-thám với căn-cứ để đưa tin-tức về cho mau lẹ, đặng cấp chỉ-huy biết rõ tình-hình mà huy-động cho hiệp thời;
5.- Tổ-chức cuộc vận-động đặng khuyến-khích hạng trai-tráng xin gia-nhập cho đông mà bành-trướng lực-lượng của nghĩa-binh Đông-Sơn thêm cho lớn.
Thanh-Nhân giao cho Nguyễn-Lượng với Trần-Hạo tùy khả-năng của mỗi tướng-sĩ mà phân ra:
- Một tốp chuyên lo nuôi trâu bò, heo cùng gà vịt;
- Một tốp chuyên lo vô đồng bắt cá để làm mắm;
- Một tốp xây đồn, đắp lũy, đào hào để ngừa giặc. Võ-Nhàn với Lê-Văn-Quân lãnh nhiệm vụ quan-sát địa-thế, chọn địa-điểm trọng-yếu rồi đứng coi xây đồn lũy.
Giao cho năm văn-sĩ Phạm-Háo-Nghĩa, Lê-Thứ-Tiên, Dương-Trung-Cự, Huỳnh-Thiên-Hà và Triệu-Bá-Vạn lãnh tổ-chức cuộc do-thám đặng báo tin tức và hoạt-động tuyên-truyền đặng rủ thanh-niên gia-nhập binh đội cho đông.
Các võ-tướng không có phận-sự đặc biệt thì chia nhau ở khắp ba cái giồng mà thôi-thúc làm ruộng-rẫy, nuôi lục-súc và bắt cá làm khô, làm mắm.
Phân-phát công việc rồi thì tốp nào theo tốp nấy bắt đầu lo phận-sự liền, lo một cách rất hăng-hái. Ban ngày mắc làm việc chung để kiến-trúc căn-cứ thì ban đêm rảnh rang giồng nào theo giồug nấy, sĩ-tốt phải tựu lại mấy võ-trường đã có sẵn đặng tiếp tục tập luyện võ-nghệ dưới sự chỉ dẫn của mấy võ-tướng.
Lê-Văn-Quân với Võ-Nhàn quan-sát địa-thế để lập đồn-lũy mà phòng-thủ Ba Giồng, hai người đi xem giáp vòng rồi thì đồng ý đề nghị:
1.- Lập một dãy đồn kiên-cố dọc theo hữu-ngạn sông Vũng-Gù từ vàm Rạch Chanh xuống tới vàm Rạch Kỳ-Sơn để che, chận phía trái cho giồng Trấn-Định và giồng Cánh-Én;
2.- Lập một dãy đồn dọc theo ngọn rạch từ chợ Tân-An qua chợ Mỹ-Tho để phòng-thủ mặt tiền cho giồng Trấn-Định chận giặc do đường thủy đổ bộ lên phía đó;
3.- Lập một dãy đồn dọc theo tả-ngạn Tiền-Giang từ vàm Rạch Xoài Hột lên vàm Rạch Cai-Lậy để che đậy mặt tiền giồng Thuộc-Nhiêu;
4.- Còn phía Đồng Tháp Mười là phía sau đất Ba Giồng thì khỏi lập đồn luỹ, nhưng phải tổ-chức hệ-thống cho binh-đội có thể ẩn-núp đặng gom lực-lượng để phản công khi Ba Giồng bị giặc chiếm, binh Đông-Sơn phải tạm lui về đó mà chống giữ.
Lê-Văn-Quân với Võ-Nhàn trình bày sáng-kiến đó cho Thanh-Nhân với Minh-Giám biết. Hai người nầy đi xem địa-thế rồi phê y. Quân với Nhàn lập tức đốc bình lính xây đồn đấp lũy, chung quanh mỗi đồn có đào hầm, có đóng cừ làm cho binh giặc tấn-công không thể hãm đồn được. Giữa lúc nghĩa-binh Đông-Sơn rần-rộ kiến-trúc căn-cứ thì Đỗ Nương-nương hô-hào khuyến-khích bạn gái cũng tập luyện, lập thành một đội nữ-binh kể được 100 người. Nữ-binh cũng hùng-hào hăng-hái như nghĩa-binh, nam nữ kình nhau mà nêu cao linh-thần chiến-đấu, bởi vậy quân-đội Đông-Sơn càng ngày càng thêm mạnh-mẽ.
Trong tám tháng thì đồn lũy lập xong, lương-thực đủ dùng, căn-cứ Ba Giồng tổ-chúc hoàn-bị. Bây giờ mới xây tại mỗi giồng một thành trung-ương để cho vị chỉ-huy ở mà điều-khiển các đồn lũy ở ngoài. Thanh-Nhân phái Võ-Nhàn chỉ-huy giồng Thuộc-Nhiêu, Lê-Văn-Quân chỉ-huy giồng Trấn-Định và Nguyễn-Lượng chỉ-huy giồng Cánh-Én.
Căn-cứ kiến-trúc xong thì binh số đã lên tới ba ngàn.
Thanh-Nhân với Minh-Giám lấy làm hài lòng vì Tây-Sơn có đến đây cũng không dễ thắng Đông-Sơn được. Với hệ-thống phòng-thủ vững chắc đã tổ-chức đó, một lính trong đồn có thể chống vời ba lính công-hãm rất dễ dàng.
Theo tờ cáo trình của tốp do-thám gởi về mấy tháng nay thì trên Phan-Trấn (Sài-gòn) Đại Nguyên-Soái Lý-Tài ngày đêm cứ ăn hút, không thấy tổ-chức cuộc phòng-thủ gì hết. Trong mấy đồn dọc theo mé sông xuống Nhà Bè thì cho lính thủ le-the, nếu giặc tới thì chạy, chớ không có sức mà chống cự. Lính trong thành cũng không thấy tập-luyện, mỗi ngày chúng thả đi từng tốp vô làng vô xóm bắt gà vịt, hái trái cây, hiếp-đáp dân ở thôn-quê, có khi cướp giựt tới áo quần hoặc tiền bạc nữa, làm cho dân quê thán-oán và mến tiếc nghĩa-binh Đông-Sơn.
Minh-Giám nghe tình-trạng như vậy thì cười mà nói với Thanh-Nhân: “Cầm binh như vậy thì chết rồi. Vậy mà làm đại tướng nỗi gì. Ông thấy chưa, mình tách ra là phải lắm, ở chung-chạ, mình sẽ chết theo bọn bất lương đó, chết mà vô-danh”.
Cách ít bữa có tin về báo rằng, người ta đồn rùm binh Tây-Sơn vào gần tới, đi cả trăm chiến-thuyền. Không biết có thiệt như vậy hay không, nhưng thấy trong thành Phan-Trấn quan quân rộn-rực lao-xao lắm.
Thanh-Nhân bèn cỡi ngựa đi khắp ba giồng mà báo tin ấy cho các chỉ-huy trưởng hay và căn-dặn phải thêm binh cho các đồn đặng phòng-thủ cho nghiêm-nhặt, bất luận binh tướng của ai, hễ kéo qua địa-phận thì phải đánh bắt hết, dầu xưng là binh triều cũng không dung.
Cách vài bữa nữa, Háo-Nghĩa hỏi dọ trên Phan-Trấn trở về cho hay Thái-Thượng Hoàng cùng với mấy quan Hộ-giá trốn đi ngã nào không biết, rồi đêm sau Tân-Chánh Vương cũng trốn đi nữa mà cũng không ai biết đi ngã nào.
Thanh-Nhân nghe như vậy thì cười mà nói: “Có Đại Nguyên-Soái Lý-Tài, là một cựu tướng Trung-Quốc cầm binh thì còn sợ gì mà trốn”.
Bữa sau có tin về báo Nguyễn-Huệ điều-khiển một chiến thuyền vào Bến-Nghé, đổ bộ hơn hai muôn binh lên lấy thành Phan-Yên, Lý-Tài run sợ nên dắt binh trốn trước, bỏ thành trống cho giặc chiếm.
Vài bữa sau lại có tin Nguyễn-Lữ đổ bộ lối một muôn binh ở Mô Xoài (Bà-Rịa) do đường sứ kéo vô chiếm Biên-Trấn (Biên-Hòa) bắt Lý-Tài tại vùng Châu-Thới mà chém. Binh của Lý-Tài rã tan hết.
Trước kia Thanh-Nhân nghe lời Minh-Giám nhượng thành Phan-Yên cho Tân-Chánh Vương rồi rút binh Đông-Sơn về Ba Giồng, tuy không nói ra, song gần hai năm nay trong lòng vẫn ấm-ức hoài. Hôm nay mới thấy rõ Minh-Giám thật cao-kiến, nếu mình không nghe lời thì bị họa to. Vài ngàn binh Đông-Sơn làm sao mà chống nổi ba muôn binh Tây-Sơn, lại binh ấy do Nguyễn-Huệ chỉ-huy thì mong gì thắng được mà dám chống.
Nếu mình chống-cự thì nghĩa-binh Đông-Sơn chết hết, hai Chúa cũng bị cầm, lực-lượng và danh-giá đều tiêu-tan, còn gì mà mong cử đồ đại-sự.
Minh-Giám cậy các văn-sĩ phân nhau giả đi buôn bán mà rảo khắp trong miền Tiền-Giang vả Hậu-Giang thám-dọ coi Thái-Thượng Hoàng với Tân-Chánh Vương trốn chỗ nào đặng lập thế rước về, rồi sẽ lo mưu phục quốc.
Giặc dữ đã tới bên hè, hai Chúa đã mở mắt mà nhận thấy thiệt hư hay dở. Chánh là lúc Đông-Sơn phải đứng dậy gióng trống phất cờ ra mặt anh-hùng mà so tài so trí với Tây-Sơn rồi hoặc phải bị tiêu-diệt trong nhứt thời, hoặc sẽ được danh thơm đến thiên-cổ. Thanh-Nhân nóng-nảy nằm ngồi không yên, muốn kéo hết mấy ngàn binh lên Phan-Trấn đặng tranh-hùng với Nguyễn-Huệ.
Minh-Giám ngăn cản nói rằng hiện thời xuất binh có hai điều bất lợi:
1.- Tây-Sơn có ba muôn binh, còn Đông-Sơn chỉ có ba ngàn, một chống với 10, không dễ gì thắng nổi;
2.- Lữ, Huệ mới chiến-thắng, oai danh của tướng-soái đương lừng-lẫy, tinh-thần của sĩ-tốt đương lên cao. Đông-Sơn chiến với một đạo binh như vậy thất sách.
Thanh-Nhân giận nên hỏi:
- Nói như ông vậy thì mình phải ẩn núp để chúng nó hoành-hành, thâu đoạt cả đất Gia-Định của mình hay sao ?
- Chánh tôi chờ dịp đó, chờ cho Tây-Sơn phân binh đi đánh các trấn, rồi tôi sê chận đánh riêng từng tốp, mới có thể thắng được.
- Ví như chúng nó đem đại binh vây đánh đất Ba Giồng thì mình phải bỏ căn-cứ mà tránh hay sao ?
- Không. Nếu gặp trường hợp như vậy thì mình đánh chớ. Dịp may của mình, làm sao mà bỏ qua được. Ba Giồng có hệ thống phòng-thủ kiên-cố. Hệ-thống ấy mình tổ-chức bí-mật, binh giặc không hiểu nổi. Chúng nó thấy mấy đồn tự-nhiên áp vào công hãm, không dè có cừ cản trở, có hầm gài chông. Hễ giặc tới bị cừ cản thì trong đồn lớp tên bắn, lớp lao phóng ra, làm sao chịu nổi. Tốp nào qua khỏi rào cừ thì phải rớt xuống hầm chết hết, chạy không khỏi. Với hệ-thống phòng-thủ của mình dầu một mà chống với chục mình cũng chắc thắng, sợ gì mà không dám chiến. Tôi nói thiệt cho ông biết, tôi tính thối về Ba Giồng mà tổ-chúc căn-cứ đây là có ý đào huyệt sẵn để chôn binh tướng Tây-Sơn. Nếu chúng nó mù quáng kéo nhau rần-rộ đến đây, ấy là chúng nó nạp mình cho cọp.
Đỗ Nương-nương nãy giờ đứng sau lưng cha mà nghe nói chuyện, nàng được biết rõ bí-ẩn của hệ-thống phòng-thủ Ba Giồng, thì nàng kính-phục tài-trí của ông Minh-Giám vô cùng. Nàng thầm nghĩ, Đông-Sơn có vị quân-sư như vầy thì lo gì không được thành công mỹ-mãn.
Thanh-Nhân cũng phỉ dạ, bèn giao cho Minh-Giám chỉ-huy phòng thủ giồng Thuộc-Nhiêu với Võ-Nhàn. Thanh-Nhân qua ở giồng Trấn-Định phụ lực với Lê-Văn-Quân và gìn giữ luôn đến giồng Cánh-Én.
Đỗ Nương-nương ở nhà thừa lúc ông Minh-Giám rảnh-rang nàng hỏi ông lại về cách phòng thủ đất Ba Giồng. Ông sẵn-sàng cắt nghĩa chiến-lược cho Nương-nương nghe và vui miệng ông còn dạy thêm rằng, ví như giặc bị thất một trận rồi thất kinh không dám léo lại gần mấy đồn nữa, chúng kiếm khoảng trống mà xâm nhập, thì phải gài bẫy kín đáo mà gạt chúng, hoặc đốt khói đốt lửa làm nghi binh, hoặc đào hầm rồi che đậy cho chúng không dè phải sa hầm mắc bẫy mà bị giết.
Nhờ có dịp nầy Đỗ Nương-nương mới được biết chiến-lược là môn trọng-hệ cho người cầm binh xuất trận. Làm tướng có sức mạnh, có can-đảm, chưa chắc ra trận mà thắng được, phải biết chiến lược, biết tránh cái mạnh và biết thừa chỗ yếu của giặc thì tấn-công mới chắc thắng. Nàng ghi nhớ những lời của Minh-Giám dạy phòng khi hữu sự nàng có thế tiếp giúp cho binh Đông-Sơn.
Thanh-Nhân với Minh-Giám chờ gần một tháng mà không thấy binh Tây-Sơn qua lại gần đất Ba Giồng. Thanh-Nhân hăng chiến mà chiến không được thì bực-tức khó chịu.
Tình-cờ Háo-Nghĩa đi dọ-thám trở về báo tin Nguyễn-Huệ dem hơn một muôn binh do đường thủy vào các cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba-Lai cửa Cổ-Chiên, lục-soát các vùng mà tìm Định-Vương với Tân-Chánh Vương. Đạo binh Tây-Sơn vào sông Cổ-Chiên đến Ba-Vát gần Cái-Mơn, đã bắt được Tân-Chánh Vương nạp cho Nguyễn-Huệ giết rồi. Còn Định-Vương thì bặt tin, tìm không ra, nên không biết có chạy xuống miệt nầy hay là chạy lên vùng Biên-Trấn, đặng có rừng núi mà núp cho kín.
Thanh-Nhân với Minh-Giám nghe Tân-Chánh Vương thì hại thì không mấy động lòng, nghĩ vì Tân-Chánh Vương gieo họa tự-nhiên sanh họa. Đã vậy mà dầu Tân-Chánh Vương có mất, miễn Định-Vương còn thì cuộc trung hưng phục quốc cũng còn có thể mong-mỏi.
Té ra cách nửa tháng sau, Trung-Cự với Bá-Vạn trở về báo tin Định-Vương với đoàn tùy-tùng trốn trước nên qua Hậu-Giang rồi lần xuống Cà-Mau, về Ba Giồng cho có binh Đông-Sơn phò-tá. Chẳng dè đại binh của Nguyễn-Huệ một tốp vào cửa Gành-Hào, một tốp vào cửa sông Đốc vây bắt được mà giết nữa, còn đoàn tùy-tùng không biết có thoát khỏi hay là đã bị giết luôn.
Minh-Giám Nghe Định-Vương thọ hại thì lộ sắc buồn rồi ngồi lơ lửng dường như đánh cờ bị chiếu bí, đương tìm nước mà cứu tướng.
Thanh-Nhân vỗ bàn mà nói lớn: “Ối ! Còn chúa cũng vậy, mà không còn Chúa cũng vậy, ta cứ một mực tranh-đấu mà giữ đất nước Gia-Định là đất nước của tổ-tiên ta rưới mồ hôi nước mắt mà khai-thác. Nếu không có Chúa thì ta thay thế đánh đuổi Tây-Sơn, hiệu-triệu nhơn-dân ứng nghĩa để bành-trướng lực-lượng rồi ra quét sạch luôn đàng ngoài, khắc-phục tất cả giang-sơn đem về một mối”.
Minh-Giám nói:
- Được vậy thì đáng công mình lắm. Nhưng mà việc lớn quá không biết Trời có giúp cho mình hay không ?
- Làm việc gì cũng phải liệu sức, phải ngó trước dòm sau, không nên nhắm mắt làm liều rồi phải ăn-năn hối-hận.
- Người ta nói: “Thời thế tạo anh-hùng” chánh là lúc nầy. Nếu nhút-nhát bỏ qua cơ-hội, sợ sau tìm không gặp nữa.
- Ông muốn kêu binh lên đánh Phan-Trấn liền bây giờ hay sao ?
- Chớ còn chờ đợi gì nữa ?
- Vậy thì phải cho người đi do-thám tình-hình của giặc rồi sẽ định kế tấn-công.
Minh-Giám bèn sai Trung-Cự chở một thuyền dừa, chuối lên Phan-Yên giả đi bán đặng quan-sát tình-thế coi Tây-Sơn còn nhiều hay ít và đóng hết trong thành hay là phân ra mà đóng nơi nào.
Trung-Cự vừa mới đi thì có một tên quân của Nguyễn-Lượng sai về báo có một toán binh Tây-Sơn gồm 50 tên với một tướng chỉ-huy ngồi hai chiếc thuyền nhỏ vào sông Vũng-Gù bị binh của Nguyễn-Lượng vây bắt được hết, hiện giờ đương giam tại giồng Cánh-Én mà chờ lịnh.
Thanh-Nhân với Minh-Giám liền bắt ngựa cỡi xuống giồng Cánh-Én mà tra vấn.
Toán quân Tây-Sơn bị bắt đây từ tướng chỉ-huy cho tới mấy chục sĩ-tốt đồng khai rằng Nguyễn-Lữ với Nguyễn-Huệ đem ba muôn binh vào đến Mô-Xoài mới phân thủy bộ tấn-công Biên-Trấn một lượt, Nguyễn-Lữ thâu Biên-Trấn bắt giết khách Lý-Tài, Nguyễn Huệ do đuờng thủy vào Bến Nghé lấy thành Phan-Trấn rồi đuổi theo bắt giết Tân-Chánh Vương tại Ba-Vát và Thái-thượng Hoàng tại Cà-Mau. Mới có lịnh của Chúa Tây-Sơn gởi vào đòi Huệ, Lữ về gấp. Huệ tính để lại năm ngàn binh trấn thành Phan-Yên, dưới quyền điều-khiển của Tổng-Đốc Châu và đương sửa-soạn chở đại binh trở về Qui-Nhơn. Tổng-đốc Châu mới sai binh từ toán đi các sông, rạch kiếm coi có ai tụ-tập muốn dấy loạn thì bắt đem về trị tội. Toán quân nầy xuống tới Vũng-Gù tình-cờ bị sa lưới trở tay không kịp.
Thanh-Nhân với Minh-Giám nghe rồi thì ngó nhau mà cười, dạy Nguyễn-Lượng cầm tù hết cả bọn rồi lên ngựa trở về Thuộc-Nhiêu chờ thêm tin của Trương-Cự rồi sẽ chọn ngày xuất-chinh. |
|
|