Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Nặng Gánh Cang Thường Tác Giả: Hồ Biểu Chánh    
    Ông Thân Nhơn Trung giải y cân rồi vào thơ phòng đóng cửa lại, dặn quân hầu hễ có khách nào đến thì cứ thưa rằng ông đi khỏi. Ông lục đục trong thơ phòng cho đến chiều mà cũng không chịu ra ăn cơm.
    Thân phu nhơn không hay việc chi hết, tưởng ông có bịnh nên mở cửa vào thăm. Bà thấy ông đương ngồi chống tay trên ghế châu mày ủ mặt, thì bà hỏi ông có việc chi mà buồn lo như vậy. Ông bèn thuật đầu đuôi mọi việc lại cho bà nghe, sau rốt ông lại nói rằng: Tôi tiếc thằng Thanh Tòng nó mắc đi du học, chớ nếu có nó ở nhà thì ai mà dám nhục tôi. Ðể nó về đây rồi sẽ coi .
    Bà vừa nghe nói như vậy thì bà giựt mình nên bà hỏi rằng:
    - Ông đợi thằng Thanh Tòng về mà chi? Quan Thái úy lỗ mãng đánh ông, thì ông cứ vào tâu với Thánh thượng, xin Thánh thượng làm tội ổng. Mình có chứng cớ ổng chối sao được.
    - Tâu Thánh thượng mà làm gì? Ví dầu Thánh thượng có làm tội Lê Niệm đi nữa, cái nhục của tôi lại rửa được hay sao? Huống chi người là em rể của vua, người làm quan tới chức Thái úy, bất quá Thánh thượng quở trách lôi thôi rồi can gián hai bên hòa với nhau, chớ không lẽ Thánh thượng chém giết gì. Tâu với Thánh thượng thì tôi tâu, mà tôi cũng đợi thằng Thanh Tòng về đây tôi biểu nó đánh Lê Niệm mà trả thù cho được tôi mới nghe.
    - Ông không nên tính như vậy. Ðã biết Thanh Tòng với Lệ Bích chưa phối hiệp với nhau, nhưng mà hai trẻ đã hứa hôn, ông đã cho phép con mình kêu quan Thái úy bằng cha rồi, có lẽ nào bây giờ ông lại xúi nó đánh lộn với cha vợ nó.
    - É! còn cha con gì nữa mà kể. Cha chả! Cha vợ lại bằng cha ruột hay sao? Nếu thằng Thanh Tòng là con thảo, thì nó phải lo rửa nhục cho cha nó, nó phải trọng cha nó hơn thiên hạ hết thảy.
    Thân phu nhơn ngồi trầm ngâm một hồi rồi bà đáp rằng:
    - Tôi biết con tôi lắm: thà là nó dứt tình phu thê, chớ nó không đành để lỗi niềm phụ tử, thà là nó chết, chớ chẳng bao giờ nó chịu ai nhục tông môn nó. Nếu chừng nó về đây mà ông biểu, thì chắc nó đi báo thù cho ông liền. Cha chả! Mà con mình còn nhỏ dại quá, tôi sợ lắm ông!
    - Bà sợ nỗi gì? Sợ nó đánh không lại lão Lê Niệm phải hôn? Hứ! Khéo lo dữ! Như nó đánh không lại thì nó chết cho tròn danh tiết. Chớ sợ chết rồi nhịn thua người ta, sống mà chịu nhục thì sống làm gì?
    - Tôi nghe quan Thái úy võ nghệ cao cường lắm ông.
    - Vậy chớ con mình nó dở lắm hay sao?
    - Dầu nó có giỏi đi nữa, nó cũng là con nít nó sánh với quan Thái úy sao được, mà ông muốn cho nó tranh đấu.
    - Bà không hiểu, bà đừng có cãi...
    Ông Thân Nhơn Trung nói chưa dứt lời, bỗng có một tên quân hầu bước vào bẩm rằng Công tử Thanh Tòng du học đã về, nên xin vào bái kiến cha mẹ. Ông đổi buồn làm vui, hối quân ra đòi Công tử vào. Bà ngó ông và nói rằng: Việc nhà để thủng thẳng rồi sẽ tính, xin ông đừng có vội lắm . Ông gặc đầu đáp rằng: Bà đừng lo. Ðể mặc tôi liệu lượng .
    Thanh Tòng bước vô, sau lưng lại có tên gia thần là Tô Hộ với hai người lạ mặt, tướng mạo đường đường, oai phong lẫm lẫm, đi theo nữa. Bốn người bái kiến ông bà. Ông Thân Nhơn Trung thấy hai người lạ, không biết là ai, nên hỏi con. Thanh Tòng vòng tay thưa rằng: Thưa cha mẹ, hai người nầy là anh em ruột với nhau, người lớn tên Ðinh Long, người nhỏ tên Ðinh Hổ. Cha mẹ khuất sớm, anh em dắt nhau rảo bước giang hồ, tìm thầy chọn bạn mà luyện tập nghiệp võ nghe văn, chờ cơ hội ra phò vua giúp nước. Khi con vào tới Hoành Sơn con gặp anh em họ Ðinh, con thấy người có khiếu anh hùng, có tài hào kiệt, con kết làm bằng hữu. Nay con trở về, con dắt về bái kiến cha mẹ. Xin cha mẹ vui lòng cho anh em họ Ðinh ở trong dinh với con, đặng ba anh em con ôn nhuần kinh sử, rèn tập kiếm cung, chờ lịnh trên mở hội cầu hiền, con sẽ lập công danh mà đền nợ nước .
    Ông Thân Nhơn Trung nghe nói như vậy thì ông lấy làm mừng. Ông hỏi thăm căn nguyên quê quán, mới hay anh em họ Ðinh gốc ở Thuận Hóa; Ðinh Long đã được 25 tưổi, còn Ðinh Hổ mới có 22 tuổi. Bà Thân phu nhơn mừng con, nhưng bà sợ chồng tỏ việc thù oán cho con nghe, nên bà lật đật hối con dắt anh em họ Ðinh ra nhà khách coi biểu gia đinh quét phòng dọn chỗ cho anh em họ Ðinh nghỉ. Bà lại dặn dò Tô Hộ hãy coi cơn nước mà đãi khách cho tử tế. Ðinh Long với Ðinh Hổ tạ ơn ông bà rồi theo Thanh Tòng và Tô Hộ mà đi ra khách đường, Thanh Tòng thấy cha mẹ vui lòng cho anh em họ Ðinh tá ngụ, thì chàng mừng rỡ, nên biểu gia đinh đứa lo dọn phòng, đứa lo dọn cơm lăng xăng.
    Ðến tối Thanh Tòng đương ngồi đàm luận với khách bỗng có một tên gia đinh ra mời Công tử vào hậu đường cho ông dạy việc. Thanh Tòng lật đật kiếu khách rồi theo tên gia đinh mà vào trong. Khi chàng bước vào thì thấy cha ngồi tại ghế giữa khí sắc nghiêm trang, còn mẹ ngồi bên tả nhìn chàng trân trân, mà coi buồn bực lắm. Chàng khoanh tay đứng trước mặt cha mà chờ lịnh.
    Ông Thân Nhơn Trung ngó con hỏi rằng:
    - Cha cho con đi du học gần một năm nay, con đi đâu tài học của con bây giờ ra thể nào, đâu con thưa cho cha nghe thử coi.
    - Thưa cha, con nhờ ơn cha mẹ rộng lượng cho phép con rảo khắp giang hồ đặng tìm thầy kết bạn mà học thêm cho quảng kiến đa văn, trót mấy tháng nay chẳng có giây phút nào mà con dám lãng chí xao lòng, ngày con luyện võ, đêm con tập văn, con quyết khoa sẽ tới đây thế nào con cũng đề danh bảng hổ. Con dạo non sông gần khắp hết, con kết bằng hữu cũng nhiều. Vô tới Hoành Sơn may con lại gặp ông Trần Kim, ông dạy thao lược binh thơ rành rẽ. Không lẽ con dám khoe với cha mẹ, chớ thiệt con tưởng nghề văn nghiệp võ của con bây giờ từ trong triều ra khắp châu quận ít ai mà hơn con nổi.
    - Cha mẹ sanh có một mình con, mà con học được như vậy thì cha mẹ mừng cho con đó. Nầy con, mà làm con người ở đời chẳng phải tập văn hay luyện sức mạnh đó là đủ. Ðứng làm trai trong võ trụ con phải biết trung, biết hiếu, biết lễ, biết nghĩa nữa mới được. Cha còn lo sợ điều đó lắm; nếu con văn hay võ giỏi, mà con bất trung bất hiếu, thì cái tài của con đó cũng không ích gì.
    - Thưa cha, mấy lời cha nói đó con cảm phục lắm. Làm người mà không biết trọng hiếu, trung nếu có tài cao sức mạnh, thì càng hại cho nước nhà, càng nhục cho tổ tông chớ có ích gì. Tuy con còn nhỏ dại, song con cũng hiểu trong sự học phải lấy hiếu, trung, nhơn, nghĩa làm gốc; con học là học đặng phò vua giúp nước, học đặng trả ơn mẹ nghĩa cha, học đặng lấy chút công danh mà làm cho hiển vinh tông tổ.
    - Con lập chí như vậy thì phải lắm. Ðạo làm trai phải phơi gan trải mật mà phò vua giúp nước, phải khắc yết[1] ghi tâm mà trả thảo đền ơn. Mà cha thấy thế thường người ta gọi rằng hiếu là do nuôi dưỡng cha mẹ, cung kính cha mẹ, thương yêu cha mẹ, chẳng dám để cha mẹ phiền não, chẳng dám làm cha mẹ mang nhục. Cha nghĩ cái hiếu như vậy đó chưa đủ đa con.
    - Dạ, thưa cha, ơn sanh thành dưỡng dục minh mông như trời như biển, chất ngất như núi như non, phận làm con phải lo đền đáp, làm được điều nào thì mừng điều nấy, chớ có biết sao mà dám gọi là đủ được.
    - Ờ con nói như vậy thì hiệp ý cha lắm. Nhưng mà để cha hỏi thử con điều nấy: làm con muốn cho trọn thảo cùng cha mẹ thì chẳng nên làm điều chi nhục nhã đến cha mẹ. Còn như cha mẹ làm điều chi mà bị sỉ nhục, thì phận làm con phải liệu làm sao hử con?
    - Thưa cha, sách thánh hiền dạy rằng: ví như cha mẹ làm điều chẳng phải. mà bị sỉ nhục, thì đạo làm con phải theo mà can gián. Như can mà cha mẹ không nghe thì phải khóc lóc theo mà can hoài chằng nên mỏi chí, can cho đến chừng nào cha mẹ động lòng, tránh đường quấy trở vào nẻo phải, chừng ấy mới thôi. Con là đứa có học, tự nhiên con phải noi theo đạo thánh hiền, chớ có lẽ nào con dám để sai sót.
    - Con nói đó là nói khi nào cha mẹ làm quấy nên bị nhục. Còn như cha mẹ làm phải, mà đứa tiểu nhơn nó ghen hiền ghét ngõ[2], nó kiếm chuyện mà làm nhục cha mẹ, dường ấy phận làm con phải liệu làm sao kia chớ.
    Thân phu nhơn nghe chồng hỏi tới đó thì bà lo sợ, nên bà xăng văng xéo véo ngồi không yên, bà đứng dậy mà thưa rằng: Thưa ông, con nó đi đường xa mới về, nó mệt mỏi chưa nghỉ ngơi được, mà ông theo hỏi dần lân hoài, nhọc trí nó tội nghiệp lắm ông . Ông trợn mắt đáp rằng: Bà có mệt thì vào trong mà nghỉ, để cho tôi nói chuyện với con, sao bà lại cản tôi? Bà sợ nên bà lặng thinh ngồi xuống, không dám nói nữa.
    Thanh Tòng bèn thưa với cha rằng:
    - Thưa cha, ở đời nếu con làm xấu, thì tự nhiên mẹ cha cũng xấu; còn cha mang nhơ thì con cái đều nhơ. Danh giá trong nhà là danh giá chung, mỗi người đều phải lo giữ gìn cho toàn vẹn. Nếu người nào ghen hiền ghét ngõ, họ làm nhục cha mà cha không thể trả thù được phận làm con thì con phải thay thế cho cha mà lấy máu rửa hờn, dầu con có chết con cũng cam lòng, chớ sống mà để nhục danh giá cha mẹ, thì sống làm sao được.
    - Phải. Con nói phải lắm. Ðược như vậy mới phải trang hiếu tử, mới đáng mặt anh hùng. Nếu cơn mà biết trọng danh giá thì cái nhục của cha mới có thể rửa được.
    Thanh Tòng nghe cha nói câu sau đó, thì chàng chưng hửng, đứng ngó cha trân trân, ý muốn hỏi coi có việc chi mà cha nói như vậy. Ông Thân Nhơn Trung ngồi nhắm con một hồi rồi ông mới nói rằng: Ớ nầy con, để cha phân cho con rõ. Số là hồi sớm mơi nầy, có đại triều, lịnh Thánh thượng xét cha công dày tuổi lớn, nên gia phong cha làm chức Tả Tướng quốc, lại giao cho cha phải lãnh dạy dỗ Ðông cung Thái tử. Trong bạn đồng liêu có người thấy cha được Thánh thượng yêu dùng thì sanh lòng ganh ghét; lúc bãi chầu, đón cha tại ngọ môn mà sỉ nhục cha, rồi còn đánh cha gãy hết một cái răng nữa... .
    Thanh Tòng vừa mới nghe cha nói bấy nhiêu đó thì lửa giận phừng phừng, nên hét lớn lên rằng: Cha chả? Thằng nào mà to gan dữ vậy? Xin cha nói tên nó cho con biết, con sẽ đi báo thù cho cha liền bây giờ đây .
    Bà Thân phu nhơn ngồi biến sắc. Ông gặc đầu rồi chậm rãi đáp rằng:
    - Nói tên người đó, không phải là khó chi lắm. Nhưng vì cha sợ e hễ cha nói rồi, cái lòng báo oán, cái khí anh hùng của con nó giảm bớt đi chăng, nên cha không muốn nói chớ.
    - Thưa cha, cha phân như vậy thì tội nghiệp cho con lắm. Chữ phụ thù bất cộng đái thiên, thà là con chết, chớ con nhịn người ta sao được mà cha nghi ngại. Xin cha nói tên người đó cho con biết.
    - Ờ nếu con muốn biết thì cha nói cho con biết. Người nhục cha hồi sớm mơi đó là Thái úy Lê Niệm là cha vợ của con, chớ không phải ai đâu lạ.
    Thanh Tòng nghe rõ rồi thì chết điếng trong lòng nên rưng rưng nước mắt mà nói rằng: Té ra cha vợ của con!... Cha vợ con đánh cha gãy răng... . Chàng sửng sốt một chút rồi chàng châu mày trợn mắt mà thưa rằng: Thưa cha, xin cha hãy an nghỉ cho khỏe. Việc thù oán nầy để mặc con liệu cho. Con nói thiệt, thà là con chết, chớ con không thể để cho cha mang nhục được .
    Ông Thân Nhơn Trung nói rằng: Vì căn duyên của con nên hồi sớm mơi cha nhịn nhục hết sức; mà quan Thái úy người không nghĩ, đã mắng cha rồi còn đánh cha nữa. Vậy con hãy liệu đánh[3] lấy; bên thì hiếu, bên thì tình, con phải cân phân cho kỹ .
    Thanh Tòng đáp rằng: Xin cha an nghỉ, cha để mặc con lo cho . Ông bèn đứng dậy đi vào phòng mà nằm. Bà thấy Thanh Tòng đứng trơ trơ, bà mới bước lại vỗ vai con mà nói rằng:
    - Nầy con, việc nầy phải đề thủng thẳng mà tính, con đừng có hốt tốc, nghe hôn con. Cha con giận, ổng nói như vậy, chớ con cũng phải nhớ quan Thái úy là cha vợ của con, đa nghé.
    - Thưa mẹ, xin mẹ an lòng, không có sao đâu mà sợ.
    - Quan Thái úy không phải là người tầm thường; ổng có tánh nóng nảy, chắc là có ai xúi ổng, hoặc là tại cha con nói xốc ý ổng sao đó, nên mới sanh sự như vậy. Từ hồi trưa cho đến bây giờ mẹ cứ khuyên cha con hãy dằn lòng đợi đến ngày đại triều làm sớ mà tâu với lịnh Thiên Tử. Vậy con phải chậm chậm mà chờ lịnh Thiên Tử phân xử thì hay hơn.
    - Mẹ dạy như vậy thì phải lắm. Ngặt vì dầu Thánh thượng có làm tội quan Thái úy, cái răng của cha con cũng không thường được, sự nhục của cha con, con cũng nhớ hoài.
    - Phải, mẹ cũng biết thù cha là trọng, nhưng mà một câu nhịn bằng chín câu lành, vậy con phải dằn lòng, chẳng nên hốt tốc rồi sau con tự hối. Thôi, con mới về mệt mỏi, con ra trước mà nghỉ, để mai rồi mẹ sẽ nói nữa.
    Thân phu nhơn đi vào phòng. Thanh Tòng đứng ngẩn ngơ một hồi rồi chàng lần đi ra nhà ngoài.
    Trong đêm ấy Thanh Tòng lấy cớ mệt mà khuyên anh em họ Ðinh phải nghỉ, rồi chàng vào thơ phòng chấp tay sau đít đi qua đi lại mà suy nghĩ hoài. Cha chả là khó liệu! Phận làm con thì phải báo thù cho cha. Cha mình sanh mình ra, nuôi mình cho nên vai nên vóc, lại còn cho mình ăn học cho thông nghề văn, giỏi nghiệp võ, dạy mình đêm ngày cho mình biết luân lý cang thường. Nay cha mình bị người ta làm nhục, mà vì niên cao kỷ trưởng lưng mỏi gối dùn, không có sức rửa hờn đặng. Mình là đạo làm con, không lẽ mình điềm nhiên tọa thị; mình là đứng anh hùng, không lẽ mình nhịn thua để đợi cha mình làm sớ mà kiện với Thánh Hoàng. Thế nào mình cũng phải báo thù, trước trả thảo cho cha, sau giữ danh giá cho tông tổ. Làm như vậy mới đáng mặt trượng phu, làm như vậy mới trọn niềm hiếu tử... Mà báo thù làm sao cho được! Người thù là cha vợ của mình. Nếu mình vì thù cha, vì danh giá, mà đối địch cùng cha vợ mình, ví như mình dở mình chết, thì là trọn thảo cùng cha, rạng danh nam tử, dầu có chết mình cũng cam lòng. Còn như rủi mình thắng cha vợ mình, thì còn gì là nghĩa châu trần, còn gì là niềm phu phụ. Thanh Tòng nghĩ tới đó chàng ứa nước mắt. Một bên thì là hiếu, một bên thì là tình, tình đã thâm, mà hiếu cũng trọng. Nếu được tình thì mất hiếu, nếu được hiếu thì mất tình. Biết làm sao cho tình hiếu vẹn toàn, biết làm sao cho hai bên hòa thuận? Niềm chồng vợ tuy chưa chung chăn gối, nhưng mà từ ngày đã hứa hôn rồi thì lòng dặn lòng sanh tử giữ đồng. Duyên nợ gì mà chưa hiệp lại muốn tan, ai xui khiến nỗi đất bằng sóng dậy.
    Chàng tư lự suốt đêm, khi thì giận cái nhục của cha, quyết đi báo cừu, không thèm kể ai hết; khi thì rầu nỗi tóc tơ bối rối, sợ lỡ tay rồi phải ăn năn, bởi vậy chàng đi ra đi vô hoài, nằm ngồi không được.
    Ðến sáng, yến sáng mặt trời dọi vào cửa sổ, tiếng chim quyên kêu inh ỏi trên nhành. Thanh Tòng đứng chống tay dựa cửa mà ngó ra vườn, chàng nghĩ rằng: phụ thù là chí trọng, danh dự là chí tôn, tại sao mà mình dụ dự. Mình phải báo phụ thù mình phải báo danh dự chớ. Nàng Lệ Bích dung nhan thiệt là đẹp, văn chương thiệt là hay, mà trong triều ngoài quận không có gái nào sắc đẹp bằng, văn hay bằng hay sao, mà ta đi mê nàng, đến nỗi quên phụ thù, bỏ danh dự. Huống chi mình mới hứa hôn mà thôi, chớ chưa chung chăn gối, thì có nghĩa chi đâu mà mình sợ phạm, có tình chi đâu mà mình sợ bạc. Thà là mình chết vì cha, chớ sống vì vợ, sống càng thêm nhục sống mà làm chi? Dầu thế nào mình cũng phải giáp mặt kẻ thù của cha mình; nếu mình dụ dự thì mình mang lỗi với cha mình lắm.
    Thanh Tòng liền kêu một tên gia đinh mà biểu bắc ngựa thắng yên rồi dắt ra trước cửa mà chờ. Chàng rửa mặt, thay áo, buộc dây đai, mang độc kiếm, rồi lén cha mẹ ra cửa thót lên lưng ngựa, nhằm dinh quan Thái úy Lê Niệm mà thẳng tới.
    

Xem Tiếp Chương 3Xem Tiếp Chương 14 (Kết Thúc)

Nặng Gánh Cang Thường
  » Xem Tập 1
  » Đang Xem Tập 2
  » Xem Tiếp Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc