Nhà vua triệu Quốc Tuấn về kinh sư theo học. Cầm tờ cáo(1) trong tay, Trần Liễu băn khoăn. Ông không hiểu đây là hảo ý của Thái tôn hay là ác ý của Thái sư? Họ định cho con ông theo học để đào luyện thành tài, hay họ trừ trước các mối lo? Thằng bé mới mười lăm tuổi, nhưng chững chạc như một chàng trai hai chục tuổi.
Bao nhiêu năm qua, ông đã không ngại gian lao, tốn kém, đón thầy về dạy Quốc Tuấn đủ các môn võ thuật, quyền pháp, binh pháp và cả văn chương nữa. Mới sáu tuổi đã có thơ hay, chữ tốt. Ai cũng khen thằng bé có quí tướng, và sau này sẽ trở nên một tay hữu ích cho đời. Tiếng là anh vua, nhưng bị trầy trật thăng lên giáng xuống. Nay coi như bỏ. ÔÂng mong mỏi Quốc Tuấn sẽ nối chí ông, làm việc lớn ông chưa làm được. Bây giờ người ta định bứt thằng bé ra khỏi tay ông, thế thì ông còn răn dạy, còn thôi thúc nuôi chí cho nó làm sao được.
Nếu ta ỉm tờ cáo này đi, không cho Quốc Tuấn biết, tức là không cho nó về kinh sư thì có nghĩa là, ta đã chống lại mệnh triều đình. Họ sẽ khép ta vào tội “khi quân”. Chà chà, Trần Liễu chép miệng: “Có nhẽ ông Thái sư mong điều này lắm!”. Tay cầm tờ cáo, hết đọc mặt trước lại lật sang mặt sau, rồi giơ lên trời soi xem có thấy thêm điều gì không. Sự thật, vương vẫn nghi đây là mẹo của ông chú. Bắt thằng Quốc Tuấn đi, tức là ông ấy dứt được mối lo sau này. Hai là, nếu ta cưỡng mệnh vua, ông chú sẽ cứ chiểu theo hình luật mà trị. Nếu việc đó xảy ra, ông sẽ cộng thêm cái tội họp quân ở sông Cái năm trước - Hừ, Trần Liễu cười khẩy - Đã thế thì điều đó không bao giờ xảy ra nữa, ông chú ranh ma của tôi ơi!
Đưa mắt nhìn về phía lầu thưởng nguyệt, chợt thấy Quốc Tuấn ở nhà tàng thư đi về tầu ngựa. Trần Liễu gõ hai tiếng chuông. Rồi ông sửa lại khăn, áo ngồi ngay ngắn trên kỷ.
Quốc Tuấn ló đầu vào cửa, vòng tay lễ phép nói:
- Thưa cha, gọi con.
- Phải, con vào đây có chút việc ta muốn bàn.
Quốc Tuấn hơi bối rối. Vì từ trước chưa làm gì có chuyện bàn bạc. Ý cha thế nào, Quốc Tuấn cứ răm rắp tuân theo. Nay cha cho bàn, có nghĩa là mình đã lớn chăng? Cha cho mình đã đủ trí lực để trở thành người lớn chăng?
Quốc Tuấn khoanh tay đứng bên mép kỷ, chờ lĩnh ý cha.
- Con ngồi. Trần Liễu vừa nói vừa chỉ tay về phía chiếc đôn sứ kê cạnh kỷ.
Khi hai cha con đã ngồi đối diện, Hoài Vương đưa tờ cáo cho Quốc Tuấn.
Quốc Tuấn cầm tờ giấy Long tiên màu vàng, có điểm các vẩy bạc lưa thưa vẽ hình rồng, chữ viết đẹp như khắc và nhẩm đọc. Mắt chàng thiếu niên vụt sáng lên, đôi má ửng đỏ. Dường như chàng cho đó là một ân sủng của nhà vua dành cho chàng.
Thấy niềm vui hiện trên khuôn mặt tuấn tú thơ trẻ của con, khiến Hoài Vương đau lòng. Dường như đây là một sự tranh chấp nguồn hy vọng của ông. Ngay cả đứa con đẻ đứt ruột ra, chăm bẵm, nuôi dạy thế mà nó cũng không hiểu được ông. Trong lòng ông như có một sự rạn nứt. Nhưng ông lại nghĩ: “Quốc Tuấn sẽ là một người hiếu, nghĩa, trí, dũng. Không. Con ta không thể làm trái ý ta. Chẳng qua tuổi trẻ hiếu kỳ, chúng thích được bay nhảy. Nhất lại về kinh sư với chú rụôt là đức vua, và ông họ làm thái sư thống quốc, điều đó đáng cho nó hãnh diện lắm chứ”.
Thấy con đã đọc xong, Hoài vương liền hỏi:
- Ý con thế nào? Ông nhìn con thăm dò.
Với tính hồn nhiên của tuổi trẻ, Quốc Tuấn nói:
- Thưa cha, con nghĩ đây là một ân huệ lớn nhà vua ban cho con. Quốc Tuấn nhìn lại Hoài vương với vẻ ý nhị - Và cũng là món quà của chú tặng cha.
Vương Liễu làm như không để ý lời con, ông lại hỏi:
- Cha muốn biết con có thích về kinh không?
- Dạ, thưa cha, con nghĩ đây không chỉ là ơn vua, mà còn là lệnh của hoàng thượng.
- Nếu con muốn, ta sẽ có biểu trần tình với nhà vua.
- Thưa cha, con không hề nói là con không muốn. Lòng con còn ước ao được về kinh sư để mở mang sự hiểu biết của con. Nhất là đường học vấn, kể cả võ lẫn văn. Nay chú con đã có lòng như thế, con nghĩ không nên phụ. Dạ thưa cha, đối với con, đây lại là nghĩa quân thần.
Đắn đo giây lát, Hoài vương nói:
- Thôi đựơc, con lo soạn sửa hành lý để sớm mai về kinh. Song có một vài điều, ta cần nói với con. Trước hết, cha muốn nói về binh pháp Tôn - Ngô, con đã nắm được những điều then máy. Nhưng như thế không có nghĩa là con đã đủ tài làm tướng. Con phải để tâm nhiều lắm đến địa hình của đất nước, chắc mai đây phải dùng đến. Phép làm tướng, trong khi bầy thế trận hoặc lâm trận mà không nắm vững địa hình, tức là thủ bại. Con đừng hoài vọng quá nhiều về những giáo điều trong sách. Sách chỉ mang tính ước lệ, nó gợi mở cho suy nghĩ của con, chứ nó không thể quyết định được. Thấy con chăm chú lắng nghe, Trần Liễu lấy làm hài lòng và có phần yên tâm - Thôi được, đêm nay ta sẽ viết vài lời về cho chú.
Về tới kinh sư, Trần Quốc Tuấn vào ngay nội điện trình thư cha, và được Thái tôn ân cần thăm hỏi. Quốc Tuấn thấy ấm áp như ở nhà. Có điều rằng trong cung điện của đức vua, cái gì cũng sang hơn, quí hơn, đẹp hơn những thứ mà trong vương phủ Quốc Tuấn có. Quốc Tuấn nhìn những thứ lạ lẫm ở kinh kỳ, ở nội điện. Còn Thái tôn lại nhìn Quốc Tuấn với tấm lòng ưu ái. Quốc Tuấn có dáng vóc to khỏe. Da dẻ tươi nhuận, sắc mặt hồng hào. Nhà vua tự nhủ: “Thằng bé còn ít tuổi, mà trông có vẻ đường bệ khác thường. Cháu ta dường như có được cái uy thiên bẩm. Vài tuổi nữa, chắc còn khá hơn nhiều”. Thái tôn đem lòng yêu mến. Nhà vua thầm khen: “Thái sư có con mắt tinh đời. Chính Thái sư tâu xin cho Quốc Tuấn được về kinh”.
Chợt có một điều làm nhà vua băn khoăn: “Vậy thì Quốc Tuấn sẽ ở đâu? Ở với ta là điều không phải nói. Nhưng... nhà vua thấy nhói buốt trong lòng. Thật là khó xử. Trước đây Quốc Tuấn cũng đã có lui tới dinh phủ của Hoài vương. Từng tiếp xúc với Thuận Thiên, khi ấy là mẹ kế. Nay thì ngôi bậc đã đổi. Thuận Thiên đã là hoàng hậu. Vậy nếu Quốc Tuấn ở với ta, sẽ gây lúng túng cho cả ba người. Vừa nghĩ tới nhà công quán hoặc quốc tử viện, Thái tôn bèn gạt phắt. Cuối cùng nhà vua nghĩ tới bà chị ruột - Công chúa Thụy bà. “Phải, Quốc Tuấn ở với cô ruột nó là hay nhất. Ta sẽ nhờ công chúa săn sóc”.
Thụy bà là một người khoan nhân, đức độ. Quốc Tuấn xa mẹ, cần có bàn tay dịu hiền chăm sóc. Để Quốc Tuấn nghỉ tạm trong nội điện, nhà vua lên kiệu đến thẳng dinh công chúa Thuỵ bà. Thái tôn vừa ngỏ lời, công chúa cười vui, nhận lời ngay. Bà còn dò hỏi:
- Nếu em bằng lòng, chị sẽ nhận thằng Quốc Tuấn làm con nuôi.
Thái tôn không còn mong gì hơn thế nữa. Nhà vua cảm động nói:
- Nếu sau này cháu Quốc Tuấn nên người, công ấy là của chị.
Công chúa nhả miếng bã trầu vứt đi. Hai ngón tay vội tém vành môi, rồi nhổ phì phì những vụn trầu dính ở mép, ở môi. Bà từ tốn đáp lời em:
- Bệ hạ ban ơn cho chị sớm quá. Cứ để khi cháu nó trưởng thành đã.
Thái tôn mừng rỡ, hai chị em chuyện trò mãi không thôi.
Thụy bà, bấy lâu vẫn có chỗ áy náy ở trong lòng. Nghĩa là hồi Thuận Thiên hoàng hậu sinh được hoàng tử Quốc Khang. Chẳng nói thì ai cũng biết Khang là con ai rồi. Nhưng từ khi hoàng đích trưởng tử Trần Hoảng sinh, và được sách lập ngay làm Đông cung thái tử. Bà chưa hiểu danh phận của Quốc Khang sau này ra sao, bèn hỏi:
- Hoảng được lập rồi, còn Khang thế nào? Có phải họ Trần ta rồi thành lệ không em? Chị sợ không chính được vị rồi sau này khó lắm. Như Vương Liễu đấy, Liễu cứ hục hặc mãi, suýt binh biến.
Thái tôn buồn rầu nghĩ lại các việc đã qua. Nhà vua không trách chị, nhưng tự trách mình. Với vẻ mặt rầu rầu ngài hỏi.
- Thưa chị, nhìn bề ngoài thì thế đấy. Chị còn lạ gì, Khang có phải con đích của em đâu. Nhưng lớn lên, tuỳ tài định chức. Bây giờ đã biết thế nào mà dám nói trước. Để cho qua chuyện này, em xin chị lo dùm việc nuôi dạy, bảo ban cháu Quốc Tuấn. Em sẽ tìm thầy văn, thầy võ thật giỏi để rèn dạy cháu. Không biết sao em thấy mến thằng bé quá. Và em cứ hoài vọng nó sẽ là chỗ dựa trụ cột nhất của triều đình mai sau.
- Bệ hạ khỏi lo, dù cực nhọc đến mấy, chị cũng không ngại. Vả lại, chị cũng phải có trách phận với cháu nữa chứ. Ngay cả khi bệ hạ không uỷ thác cũng thế thôi.
- Dạ, được thế, em cũng yên tâm. Thôi kính chị, em về. Đã bước gần tới kiệu, Thái tôn còn quay lại hỏi công chúa Thuỵ bà:
- Thưa chị, bao giờ thì cháu Quốc Tuấn có thể về bên này được ạ?
- Bệ hạ cứ về đi. Mai chị sẽ sửa một cái lễ sang bên ấy để xin Quốc Tuấn. Phải làm cho có đầu có đuôi kẻo cháu nó tủi thân. Đừng để cháu nghĩ nhầm về chị em mình, rằng nó bị rẻ rúng.
- Vâng, chị nghĩ thế là phải. Kính chị, em về.
- Kính bệ hạ, mai chị sang
Được Quốc Tuấn về ở, công chúa Thuỵ bà vui lắm. Thuỵ bà săn sóc, quí mến như con ruột, khiến Quốc Tuấn yên tâm như khi còn đang ở ấp Yên Sinh vậy. Hàng ngày Quốc Tuấn vào điện Tập Hiền, để nghe quan Tư nghiệp quốc tử giám giảng kinh sách. Và mỗi tháng giành hẳn ra mười ngày để sang điện Giảng Võ, nghe giảng về binh thư và tập bầy, tập phá các thế trận.
Trần Thủ Độ đích thân giám sát việc học binh thư, đồ trận của Trần Quốc Tuấn. Một hôm Thái sư chứng kiến cảnh Quốc Tuấn phá trận. Khi thầy đã bầy xong, hỏi Quốc Tuấn:
- Đây là trận gì?
Quốc Tuấn nhảy phắt lên mình ngựa, ra roi đi vòng quanh trận một lượt, rồi trả lời thầy:
- Thưa sư phụ, đây là trận “bát quái”
- Tiểu tướng nói ta nghe cách phá.
Quốc Tuấn nói cách phá thế trận mạch lạc, khúc triết lắm. Thầy bảo.
- Vậy con phá đi. Nhưng nghe ta dặn trước khi vào trận. Điều cốt yếu con phải xác định cho thật rõ phương hướng chính của bốn cửa Đông - Tây - Nam - Bắc. Lâm trận phải bình tĩnh, gan dạ và vững tin vào cái mệnh của mình.
Quốc Tuấn cúi đầu, tỏ vẻ biết ơn sư phụ, lên ngựa xông thẳng vào trận. Vừa vào trong cửa, tự nhiên cổng thành khép lại rồi có tiếng nổ vang ầm. Cả người, ngựa lăn xuống hố. Rồi không biết bằng cách nào, chàng lại vọt từ hố lên. Ai nấy đều có cảm giác đó là một viên thiên tướng. Vì chỉ có tướng nhà trời mới lên được như thế.
Ngay từ khi Quốc Tuấn tế ngựa vào phá trận, Trần Thủ Độ đã biết ngay rằng cháu ông xác định nhầm phương hướng. Nhẽ ra phải đánh từ cửa chính đông sang cửa chính tây, rồi đánh vòng từ chính nam sang chính bắc, thì phá xong ngay. Nhưng Quốc Tuấn lại đánh vào cửa đông – nam. Thế trận trở nên rối loạn. Quốc Tuấn bèn đánh trở lại, nhưng cửa thành đã bịt kín. Tuy vậy, Quốc Tuấn vẫn tỏ ra bình tĩnh. Dường như chàng thiếu niên này biết rõ, chàng không đánh vào cửa tử, nhất định không nguy hiểm gì cho tính mạng. Song gặp rắc rối là chắc. Điều quan trọng nhất lúc này, là phải bình tĩnh mới tìm được lối ra. Xem xét thế trận xong, Quốc Tuấn bèn thúc ngựa đánh thẳng sang cửa chính tây. Lập tức lửa bốc cháy như một bể dầu sôi, ngựa không dám nhích lên nửa bước. Liều, Quốc Tuấn đánh gấp sang cửa bên cạnh. May thay, đó chính lại là cửa tây - bắc, đối diện với cửa đông - nam.
Thế là cửa thành bật mở. Và chàng thoát ra được ngoài.
Đám thiếu niên trong hoàng tộc, cùng con cái các thế gia, được theo học tại Quốc học viện và Giảng Võ đường, Quốc Tuấn nổi lên như một ngôi sao chói sáng. Thật là một trang văn võ toàn tài. Không những Quốc Tuấn được các bậc bề trên yêu trọng, mà cả đám thiếu nữ con các nhà gia thế gia vọng tộc, cũng ném theo con mắt xanh ngưỡng mộ. Nhất khi Quốc Tuấn ở võ trường trở về, ngạo nghễ ngồi trên lưng con tía mật được phủ bằng cỗ yên nạm bạc, đầu đội mũ trụ vàng, chân dận hia đen, thêu đôi con chim hạc đỏ, lưng dắt thanh bảo kiếm, và cây cung đeo vắt ngang vai, thì có hàng đàn hàng lũ đám con gái, con trai trong thành chạy theo. Và cứ thể đồn thổi cái tin con trai của Hoài vương Liễu, một trang tuấn kiệt vừa xuất hiện tại kinh sư. Ngay cả điều đó cũng làm cho thái sư Trần Thủ Độ và nhà vua hài lòng.
Phu nhân thái sư, cũng luôn lui tới cung của công chúa Thuỵ bà, thăm viếng và uý lạo Quốc Tuấn. Người đẹp lòng và tỏ ta kiêu hãnh nhất là công chú Thuỵ bà. Thật ra mỗi người đều có một sở cứ riêng để yêu thương Quốc Tuấn, cũng như có trăm ngàn lẽ để tự hào về chàng thiếu niên tài kiêm văn võ ấy. Các bậc quốc sĩ cũng như các bậc cố lão trong đám quan văn quan võ, đều quả quyết rằng: nếu qua thi tuyển, Quốc Tuấn có thể đứng đầu bảng võ bảng văn. Hay ít ra văn cũng phải đạt tiến sĩ, võ thì tạo sĩ (2). Nhưng có ai hay, ở hương ấp Yên Phụ xa xôi kia, Hoài vương Liễu đang nở từng khúc ruột mà bấy lâu quặn thắt. Ông sung sướng nhất là việc ông xét đoán con không lầm. Vì vậy, việc nuôi dạy, và đón thầy về trợ giúp ông, trong sự rèn luyện tài năng và nhân cách của Quốc Tuấn, quả là không vô ích một chút nào. ÔÂng hy vọng, mai đây Quốc Tuấn có thể làm nên sự nghiệp lẫy lừng. Nhưng vương cũng tự cười thầm mình, vì có chút hơi đa nghi. Vậy là cũng rõ, thái sư thường không chấp trước các việc đã qua. Rõ ràng ông ta là một người khắc bạc đến tàn bạo, song cũng là con người độ lượng khác thường. Ở ông ta có gì thật khó hiểu, chứ không nhất quán như chú em ta. Một đấng thiện vương. “Mà cùng phải, nếu không có thái sư rắn tay cầm cương thì không biết cỗ xe dân tộc này, đất nước này đã rẽ theo ngả nào, hay lại lao đầu xuống vực”. Khi đã không can dự vào các việc rối rắm, để cho cái tâm thư tĩnh, thường người ta có được những phút suy nghĩ đúng đắn, gần đạt tới cõi thiện, tức là đạt tới sự giản đơn của chân lý. Và có lẽ trong đời Trần Liễu, sau bao cuộc toan tính không thành, đây là phút giây đúng đắn nhất mà ông có được.
Một bữa nọ, Trần Thủ Độ thấy rộn lên ở trong lòng những ý tưởng bấy lâu ông hằng suy nghĩ. Ông bèn lên kiệu tới thẳng nội tẩm gặp nhà vua. Đang lúc Thái tôn chơi trò trốn tìm với hoàng tử Hoảng(3). Thái tử lúc này gần bốn tuổi. Đã chạy nhanh, nói sõi. Thái tử vận chiếc áo dài màu đỏ, đội chiếc mũ trắng có đính hồng ngọc, cổ tay, cổ chân đều đeo vòng ngọc bích, vòng bạc để kỵ nắng gió. Thái tử có nước da trắng hồng, đôi mắt lóng lánh, cũng phát sáng chẳng kém gì mấy viên ngọc trên mũ. Nom thái tử đẹp như một tiên đồng.
Nhìn cha con nhà vua đang vui đùa, thái sư vui lây cái tình thơ trẻ. Ông cứ đứng ngắm nhìn mãi, cho tới khi thái tử chợt nhìn thấy Thủ Độ, bèn khoanh tay: “Chào ông!”. Lúc ấy thái tôn nấp ở sau gốc cột mới ló ra. Nhà vua có vẻ hơi lúng túng.
- Thưa chú…
- Bệ hạ cứ chơi với thái tử đi. Chú rảnh, ghé thăm các cháu thôi. Không có việc gì hệ trọng đâu.
Nhà vua liền gọi mấy tuỳ nữ dẫn thái tử đi chơi. ÔÂng mời thái sư vào bàn trà, rồi sai pha loại trà quí. Cầm chén nước trên tay, thái sư cứ hít hà mãi mùi hương. Đoạn mặt ông ngẩn ra như đang muốn nhớ lại một cái gì đó chưa rõ nét.
Ngầm đoán được ý thái sư, nhà vua lựa lời hỏi:
- Thưa, chắc chú thấy vị trà này hơi quen quen?
- Đúng thế - Trần Thủ Độ mỉm cười - Chú cứ ngờ ngợ trà này chú đã được uống ở đâu, mà nghe có mùi sương móc. Hẳn là không phải trà Hàng Châu(4).
- Chú có trí nhớ tốt thật. Đây là loại trà quí trên Yên Tử, Phù Vân quốc sư mới gửi về cho mấy bịch. Cháu cứ để dành, dùng vào lúc có khách quý. Hoặc giả khi nào trong lòng náo động, dùng ấm trà này, tự thấy trong lặng khác thường. Để rồi đưa sang biếu chú một bịch.
- Chả hoá ra chú lại có được cái duyên may - Trần Thủ Độ vui lắm. Ông vừa nói vừa cười hồ hởi - Bữa nay chú cũng tự thấy lòng trong lặng, nên muốn đến bàn với bệ hạ đôi điều.
- Chắc Quốc công có điều gì răn dạy.
- Nghĩa vua tôi, bệ hạ nói thế, chú khó nghĩ quá. Hôm nay định đến tâu với bệ hạ vài việc.
- Dạ, chú cứ dạy, Thái tôn nhìn Thủ Độ và thầm đoán xem có điều gì hệ trọng lắm không. Nhưng nhà vua xét đoán sao nổi một con người từng trải như thái sư.
- Theo sự thẩm định của hoàng thượng, hiện tình nước ta như thế nào? Trần Thủ Độ hỏi nhà vua với vẻ thăm dò, xem sự trưởng thành của Thái tôn đã tới mức nào, để ông còn liệu.
Thái tôn bị hỏi bất ngờ, nhưng vốn là người thông tuệ, lại nắm vững công việc triều đình, nhà vua vui vẻ nói luôn một hồi khiến quốc công lấy làm thích thú. Rõ ràng là nhà vua đã điều hành được bộ máy quốc gia một cách vững chắc. Và người dân khắp nước đều hướng về kinh sư bái vọng.
Tuy nhiên, nhà vua đôi lúc còn băn khoăn chưa rõ nội tình đất nước khi ông còn nhỏ tuổi, Thái tôn bèn hỏi:
- Thưa Quốc công, xin Quốc công gia ân cho cháu được biết vào các năm đầu của triều ta, có những điều gì quan yếu nhất?
Quốc công chậm rãi thưa:
- Tâu bệ hạ, nếu kể từ khi bản triều ta nắm quyền đại thống, việc làm đáng kể trước tiên là san định được bộ hình luật. Điều đáng nói là việc san định bộ hình luật này, tiến hành ngay trong lúc vừa thống nhất được thiên hạ. Mọi sự còn ngổn ngang. Nạn đói đe doạ. Trộm cướp đầy đường. Lòng người chưa ổn. Chính nhờ có bộ luật vừa nghiêm chính, vừa khoan thứ, nên ta ổn cố xã hội được mau chóng. Tiếp đó ta lại tha bớt tô thuế, tạp dịch. Vét kênh, đào mương, đắp đê, phòng lụt. Liền năm được mùa, người dân phải đóng góp ít. Đời sống dân chúng từ phường phố đến thôn ấp, đã thoát được cảnh lầm than đói khổ. Theo đó, ta ban hành bộ Quốc triều thường lễ. Nhờ có bộ sách này mà ta thống nhất được nghi lễ, phong tục. Có lệ tục mới được hình thành, lại có các tục lệ phiền toái, cổ hủ phải bãi bỏ. Người dân lúc đầu chưa quen. Sau thấy thuận tiện, mọi người nô nước làm theo. Thành thử thuần phong mỹ tục đã in được vết Trần trong nền văn hoá Đại Việt. Còn các việc về sau này chắc bệ hạ đã tường.
- Thưa chú, các việc gần đây như soát tù, đại xá và miễn một nửa số tô ruộng cho thiên hạ, là vì mùa hè đại hạn, màu đông lại mưa lũ. Sợ có điều gì thất đức, Trời giáng hoạ, cháu cảm thấy run sợ, nên phải sửa mình. Còn như việc tu bổ Quốc tử giám là việc làm để vừa lòng các bậc lão thần, và các tầng lớp nho sĩ trong nước. Vả lại, một nước văn hiến, phải lấy việc chăm lo đạo học làm đầu. Các việc ấy, tự tay cháu làm, nên hiểu được giá trị của nó. Nhưng đến việc chia nước làm mười hai lộ như ý chú, thay vì hăm bốn lộ như triều Lý đã chia. Điều đó quả thật cháu không hiểu. Nhưng cháu nghĩ, việc gì chú đã làm đều là có chủ ý và có lợi cho dân, cho nước. Thoáng một chút băn khoăn, Trần Thủ Độ thầm khen: “Biết nghi hoặc trước mỗi việc làm, là điều cần thiết đối với những ai có trách nhiệm, có lương tâm. Vậy là cháu ta đã đủ sức lèo lái được con thuyền quốc gia. Phải. Đã đến lúc cần phải trao lại toàn bộ quyền bính cho nhà vua”. Thái sư cười, nói :
- Việc bệ hạ băn khoăn thế là phải. Chú chỉ muốn nói một điều. Việc chia nhỏ ra cho vừa tầm tay với, như nhà Lý làm trước đây là đúng. Nó đúng với nhà Lý hồi quốc sơ. Bởi chưng, nhà Đinh - Lê tiếng rằng đã hình thành một quốc gia, song vẫn còn non yếu lắm. Việc phòng thủ phải dựa vào núi rừng, hang động. Việc tổ chức bộ máy nhà nước, đều nhất loạt nằm trong tay một viên đô giám. Từ châu quận lên đến triều đình đều theo đó mà làm. Vua là một tổng đô giám. Mọi việc còn đơn sơ lắm. Vì sao vậy? Là vì dân trí còn mù mờ. Ngay cả những người đứng đầu bộ máy nhà nước cũng mù mờ, chữ nghĩa chẳng có, lễ giáo cũng không.
Sang đến nhà Lý, cõi bờ mở rộng. Văn hiến tỏ sáng. Kỷ cương lễ nghĩa rõ ràng. Thế nước đã vững, đủ sức hùng cứ một phương. Có thể sánh ngang với nước lớn lân bang. Hóa nên kinh sư phải là nơi giữa thanh thiên bạch nhật. Là nơi tụ hội của bốn phương. Do đấy nhà Lý đã dời đô về thành Đại La. Bộ máy hành chính lập tức được lập ra, để điều hành công việc quốc gia. Các lộ phải chia nhỏ như thế thì quan mới sát dân, mới điều khiển được dân. Ấy là bởi năng lực quan lại thời ấy còn có hạn. Nhiều người làm quan mà chưa biết chữ. Việc sổ sách giấy tờ: sổ đinh, sổ điền, sổ binh, sổ lương, tô thuế, mọi thứ giấy tờ phải tính toán, phải nhập tâm, mà châu to lộ lớn kham sao nổi.
Thấy Thái tôn chăm chú lắng nghe, Trần Thủ Độ ngừng lời, chiêu một hụm nước, lại nói:
- Tâu bệ hạ, triều ta, dựa trên các việc nhà Lý đã làm. Nhưng có cải biên đi cho hợp với hiện tình đất nước. Ta đã lập được bộ máy từ làng xã đến triều đình. Các chức sắc đều được chọn lựa chặt chẽ, lại được triều đình cấp cho lương, bổng. Các xã quan đều là những người ít nhiều có chữ nghĩa. Các quan lại từ châu, quận trở lên, phải là những người xuất thân có học. Bộ máy của ta đã tinh vi, lại được người có học thức nắm giữ. Hóa nên gom lại có lợi hơn. Vừa bớt được số chức dịch, vừa dựa vào đó để tổ chức các đơn vị dân binh lớn, khi cần nhà nước điều động nhanh hơn. Lương thảo cũng tập trung vào những kho đụn lớn hơn, tiện cho việc cung cấp hoặc chuyển vận. Chia lại bộ máy không những tiện cho việc hành chính, mà còn tiện cho việc dụng binh. Tâu bệ hạ, bấy lâu nay thần canh cánh lo việc nhà Tống với việc quân Thát- đát dòm ngó. Mừng rằng bệ hạ đã đủ trí lực, tài đức, thần xin thành thật tâu trình. Từ nay mọi việc trong ngoài: Phán, xử ra sao xin trao lại để bệ hạ điều hành, thần không dám dự quyết nữa. Nếu bệ hạ còn tin yêu, chỉ xin dự bàn. Duy có một việc, thần cho rằng thần cần phải giúp bệ hạ, ấy là việc binh nhung. Tuy nhiên, nếu cất nhắc được đám tướng trẻ tài đức, xin bệ hạ cho thần được lui về di dưỡng tinh thần là hay nhất. Bởi từ khi nhà Trần ta mở nghiệp, hạ thần đã theo hầu đức tiên quân đánh dẹp từ thuở còn niên thiếu. Lại kíp tới khi tiên quân uỷ thác cho việc phụ chính, trong nước năm bè bảy mối, trong triều cũng rối rắm nhiều bè, lúc nào thần cũng lo sợ như ngồi trên miệng núi lửa. Nay nhờ hồng phúc tổ tiên, mọi việc đều có mối rường, kỷ cương. Xin bệ hạ hãy nắm lấy.
Trần Thủ Độ dứt lời, chợt thấy nét mặt Thái tôn buồn rười rượi. Nhà vua nói:
- Dạo trước cháu đem Khuê Kình đến thưa với chú điều tâm huyết đó, là cốt tránh thiên hạ dị nghị. Chứ không phải lòng cháu có chút hồ nghi. Phụ hoàng đã bỏ cháu đi từ buổi còn thơ dại. Nhờ có chú chèo chống, thế nước nay đã vững. Chú cháu họ tộc đến lúc cùng hưởng lộc thái bình, chú lại định bỏ cháu bơ vơ chăng? Cháu cứ muốn chú sống lâu, mạnh khoẻ, minh mẫn và mãi mãi nắm giữ trọng trách quốc gia.
Trần Thủ Độ rưng rưng cảm động:
- Vẫn biết bệ hạ có lòng quý mến chú, nhưng tình thế bây giờ khác lắm rồi. Bộ máy nhà nước cần phải được mở rộng cho những người tài đức bên ngoài tham gia. Không thể chỉ chuyên chế trong tay một số người họ Trần ta được. Kẻ sĩ bất mãn. Dân chúng cũng bất mãn. Nước là của trăm họ. Trời cho họ Trần ta có phúc lớn thì được ở trên trăm họ. Nhưng còn bộ máy, phải mở rộng hơn nữa cho người ngoài vào. Nếu không, các khoa thi Nhâm thìn (1232), Kỷ hợi (1239) ta tuyển lựa các thái học sinh để làm gì? Mong bệ hạ xem xét cho kỹ, kẻo vì tình riêng mà quên cả việc lớn thiên hạ.
- Dạ thưa chú, chú đã dạy thế, cháu xin chú coi sóc cho việc binh nhung. Nhưng mỗi khi quyết việc gì hệ trọng, cháu sẽ thỉnh chú để chú xem xét. Thưa chú, có tin tức gì bên kia biên ải đưa về không ạ? Nhà Tống với quân Thát xâu xé nhau đến đâu rồi.
- Tâu bệ hạ, Nhà Tống ươn hèn cứ lùi dần. Vừa đây, Tống Lý tông vì lòng tham muốn lấy lại phủ Khai Phong do quân Kim chiếm đóng, nhưng không đủ lực. Đã nhận lời hiệp tác cùng đánh Kim với quân Thát -đát. Nhưng diệt xong Kim, Thát-đát quay sang diệt Tống. Vua tôi đại bại chạy dài xuống phía nam.
Thái tôn gật gù vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Một lát, nhà vua hỏi:
- Thưa Quốc công, theo ý cháu, trước sau rồi người Thát-đát cũng chiếm được Trung Hoa. Song, chiếm cho hết được dải đất mênh mông ấy không phải là chuyện một mai một chiều có thể làm nổi. Vì vậy ta vẫn còn có thời cơ lo việc giữ nhà.
- Tâu hoàng thượng, đúng như vậy. Nhà Tống tuy yếu hèn, nhưng dân Tống và lớp sĩ phu không dễ gì khuất phục nổi họ. Bên kia biên ải im ắng lắm. Lính Tống nhút nhát, nhu nhược. Lỡ có việc gì tranh chấp xảy ra ở vùng biên thuỳ, các biên tướng Tống thường làm ngơ hoặc nhượng bộ. Còn biên ải phía tây nước Đại Lý do quân Thát-đát chiếm giữ, cũng không có động tĩnh gì. Có điều ta phải đề phòng. Thát-đát có lối đánh kỵ binh sở trường. Quân tinh nhuệ lại thiện chiến, mỗi ngày chúng có thể tiến hàng trăm dặm, thoắt tới, thoắt lui, xuất quỷ nhập thần, khiến quan quân Tống phải lao đao. Tâu hoàng thượng, bấy lâu thần đang canh cánh lo cách đánh, đỡ thế nào để quân kia không phát huy được cái sở trường của nó.
- Dạ, việc đó chú nên hiệp các tướng lại mà bàn. Chú phải lo cử lính viễn thám cải dạng đi sâu vào đất Thát, xem xét việc tổ chức binh, lương, quân mã, quân bộ, quân thuỷ và phương lược dụng binh của họ thế nào, để còn liệu cách chống đỡ. Thưa chú, việc này lớn lắm, quan hệ đến sự mất còn của nhà nước Đại Việt. Chú thử xem sức quân, lòng dân như thế, liệu quân Thát vào cõi, ta có đủ sức đánh không?
- Tâu bệ hạ, lòng bệ hạ yêu dân như con. Luôn lo lắng chăm chút cho họ. Chắc họ cũng chỉ mong có dịp để tỏ lòng trung với nước. Xin bệ hạ cứ bình tâm. Thần xin tận lực lo việc này. Dạ, bữa nay đến gặp bệ hạ, xin tâu có mấy việc như vậy. Chào bệ hạ, chú về.
Thái tôn toan đứng dậy tiễn Trần Thủ Độ, chợt nhớ ra điều gì. Nhà vua giơ tay ngăn lại:
- Thưa Quốc công, hai khoa thi trước, nhà nước cũng lựa được khá nhiều anh tài. Nay bổ dụng đã hết. Vả lại để cho kẻ sĩ đua tài ra sức giúp nước, cháu định từ nay, việc thi thái học sinh cứ bảy năm một lần. Dạ, theo cháu sớm hơn nữa e không được, mà muộn hơn chắc nhiều người nản. Nếu chú thấy thế là được, sang năm triều đình sẽ ban lệ này, để lớp sĩ phu an tâm rèn rũa việc học.
- Bệ hạ nghĩ thế nào là đúng, cứ thế mà quyết. Chú chữ nghĩa lõm bõm không dám lạm bàn việc văn. Chỉ mong sao nước có nhiều người tài đức.
- Xin Quốc công từ nay đừng nhắc đến việc chữ nghĩa nữa. Quốc công không có thời gian để nghiền ngẫm tam giáo, cửu lưu đó thôi. Cớ sao Quốc công lại tự nhún mình thái quá làm vậy. Nhà vua nói và nhìn trên khuôn mặt quắc thước của ông chú, để dò tìm xem ý tứ Quốc công ra sao. Trần Thủ Độ vừa nở một nụ cười tươi, làm khuôn mặt ông bừng sáng. Nhà vua nói tiếp:
- Quốc công chẳng thấy, biết bao người chữ nghĩa giỏi đến phát rồ lên, nhưng có làm được việc gì ra hồn. Chung qui cũng chỉ là bọn thợ nói, ích gì cho thiên hạ. Còn như Quốc công, chữ nghĩa tuy ít thật, nhưng Quốc công đã làm biết bao việc lớn. Có nhẽ trước Quốc công, chưa ai làm được như thế. Và sau Quốc công, chắc gì có người theo được. Quốc công là bậc kỳ tài có một không hai trong lịch sử nước nhà mà không tự biết, hoặc không cần biết đến.
Trần Thủ Độ cười lớn. Tiếng cười vang lên với vẻ sảng khoái khác thường. Đoạn ông im bặt và nói dằn từng tiếng.
- Vương thượng ơi, sao lại coi thường người có chữ nghĩa được. Nhớ hồi mới dấy nghiệp, thế nước rối như một búi bòng bong, nếu không được Hoàng tiên sinh - một bậc cao sĩ dạy bảo cho đường đi nước bước, thời thần cũng chỉ là một tên võ phu, với một số võ công nhì nhằng. Rồi nhắm mắt lao vào con đường tranh chiến với các phe phái, đẩy đất nước vào cảnh nồi da xáo thịt. Chớ làm sao có thể tạo dựng được nghiệp lớn cho nhà Trần hôm nay.
Bỗng Trần Thủ Độ có vẻ bùi ngùi. Cặp mắt ông mơ màng nhìn vào một cõi xa xăm nào đó. Một lúc sau, ông mới lại cất được nên lời:
- Tới nay, thần vẫn còn hận vì đức mỏng nên không lưu giữ được tiên sinh. Không, ngày ấy hoàng thượng còn nhỏ lắm. Thần đã thờ tiên sinh như một bậc quốc phụ, lại mời tiên sinh tham dự triều chính. Nhưng tiên sinh một mực chối từ. Người chỉ nhận làm môn khách của thần, chứ không chịu làm chính khách của nước. Đúng là những người có đức lớn, không dễ gì lấy quyền uy và phú quí, vinh hoa để lôi kéo họ được. Sai khiến họ, quả là một điều khó. Cực khó.
Thái tôn tỏ vẻ bùi ngùi vì nuối tiếc đã không giữ lại được một bậc quốc sĩ.
Thái tôn cũng cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ tới sự thiếu vắng quan thừa chỉ - người đã khai mở cho nhà vua nhiều điều tốt đẹp. Thái tôn nói đầy vẻ tiếc nuối:
- Thưa Quốc công, việc Hoàng tiên sinh bỏ đi là tự ý ông ta không muốn ở lại giúp đời. Còn như việc ra đi của quan thừa chủ, mới làm trẫm ân hận. Suốt đời ân hận. Xin quốc công từ nay hãy vì trăm họ mà trồng cây đức, sao cho người hiền không bỏ chúng ta đi nữa.
Trần Thủ Độ tự nghĩ: “Quan thừa chỉ bỏ đi, chẳng riêng gì nhà vua ân hận, chính ta còn cảm thấy tủi hổ và đau lòng khôn nguôi. Bởi chưng kẻ nắm giữ trọng trách quốc gia, mà để cho người tài đức phải bỏ nước ra đi, đấy là sự phỉ nhổ, sự khinh thị của họ đối với bộ máy nhà nước. ÔÂi, ta cho đó là một vết nhơ, một sự nhục mạ đối với thái sư thống quốc như ta”. Chợt nhớ, nhà vua vừa dặn. Với vẻ nghiêm trang kính cẩn, Trần Thủ Độ đáp:
- Tâu thánh thượng, nếu việc đó còn xảy ra, xin bệ hạ hãy chém đầu thần để giữ nghiêm phép nước.
================.
1. Cáo : Một loại văn hành chính cung đình. Tuỳ theo mức độ quan trọng khác nhau mà dùng các thể khác nhau như: Chiếu, chế, cáo, biểu v.v….kiểu như thông tri, chỉ thị, giấy triệu tập….của ta bây giờ.
2. Tạo sĩ: một bằng cấp về ngạch võ, tương đương với bằng tiến sĩ bên văn.
3. Trần Hoảng sau là Thánh tôn. Anh là Trần Quốc Khang không được lập, vì khi Thuận Thiên về với Trần Cảnh, đã có mang với Trần Liễu ba tháng. Khang chính là con của Liễu.
4. Thủ đô cũng là đất ăn chơi của nhà Nam Tống. |
|
|