Qua vụ gửi gắm thằng cháu ngoại không thành, phu nhân giận chồng đến bầm gan. Tưởng có điều gì thay đổi nên ông ấy đốc chứng ra như thế. Nhưng phu nhân để ý trong một thời gian dài, không thấy thái sư có biểu hiện nhỏ nào đáng ngờ trong quan hệ vợ chồng. Thậm chí, ông ấy cũng quên luôn cả chuyện đó. Trong khi bà ấm ức như đông kết thành khối ở trong lòng.
Thấy Trần Thủ Độ vẫn chăm chút việc nhà, tận tâm với việc nước. Phu nhân không giận chồng nữa. Bà thương ông suốt đời lận đận. Cả thân, tâm không một lúc nào được thư thái nhàn hạ. Chưa xong việc nọ đã lo tới việc kia. Vừa lo xong việc san định hành luật, lại phải để mắt tới việc sưu chép điển lệ. Mới lo tha tô thuế, khẩn hoang, lập ấp, đã phải lo đến việc đắp đê phòng lụt. Vừa đi kiểm định hộ khẩu đã phải lo đến việc binh bị, phòng khi có họa xâm lăng. Không việc gì là ông ấy không phải lưu tâm đến.
Nghĩ lại chuyện cũ, phu nhân cảm thấy như mình có lỗi lớn với chồng. Cũng may mà ông ấy đã không chiều theo ý ta. Nếu ta nhờ vả được một việc, thì các bà vợ các ông quan khác sẽ theo đấy mà nhờ vả chồng họ, hoặc chỗ quen biết này khác, tới hàng trăm ngàn việc khác nhau. Thử hỏi, nếu mỗi người trong bộ máy quốc gia, ai có chức có quyền cũng thao túng như vậy, thì luật pháp còn có giá trị gì nữa. May thay, ông ấy là người trực tâm trực tính, nên đã dẹp bỏ ngay được cái lợi riêng nhỏ bé. Cho đến nay, vẫn chỉ là ông ấy treo tấm gương sáng đầu tiên về kỷ cương, phép tắc.
Song có một điều mấy năm nay phu nhân thường áy náy lo ngại. Đó là việc hoàng hậu Chiêu Thánh con gái bà, sau cái lần sinh hoàng tử Trịnh năm Quiù Tị (1233), được vài ngày, thằng bé chết yểu. Con ta vì thương khóc nhiều mà sinh bệnh. Từ ấy tới nay đã ngót năm năm, con ta vẫn mặt võ mình gầy. Tội nghiệp con bé, mới mười lăm tuổi đầu đã sinh nở. Thế là từ bấy tới nay, cứ mỗi ngày mỗi khô héo đi, không thai nghén gì nữa. Trong khi nhà vua thì sức lực ngày một cường tráng. Nhà vua cũng đã trưởng thành về tư chất. Đang dần dần để tự mình lèo lái lấy công việc triều chính. Nhà vua cần có một người vợ đẹp đễ nâng khăn sửa túi, để hầu hạ, vuốt ve, để có con nối dõi tông đường. Tất cả những đòi hỏi bình thường đó, con ta hầu như bất lực. Ta đang lo chữa chạy thuốc men cho con gái. Khốn nỗi việc này không thể kéo dài lâu hơn nữa. Bởi nhà vua đã lớn, đã ý thức được các việc cần làm và phải làm. Nếu mai đây nhà vua say đắm một mỹ nhân nào, mà phế truất con ta. Ôi cái việc thay bậc đổi ngôi đó, ta không thể nào chịu đựng được. Không thể nào chấp nhận được. Nhưng phải tính toan lo liệu ngay từ bây giờ, không thì muộn mất.
Nghĩ vậy, phu nhân bèn đem những nỗi băn khoăn hãi sợ trong nước cờ đang toan tính, bày tỏ hết với thái sư.
Trần Thủ Độ chăm chú lắng nghe. Ông thấy phu nhân có vẻ hoảng hốt thật sự. Chần chừ một lúc. Ông ậm è lên tiếng:
- Đúng như bà nói. Cảnh nó có con đường của nó. Thân trai tráng mạnh khoẻ, nó không thiếu gì phi tần. Nhưng còn ngôi chính thất? Còn người kế vị? Ờ, cũng may mà bà sớm nghĩ ra. Để tôi còn suy ngẫm thêm.
- Giời ơi, đến lúc này mà ông còn suy ngẫm. Ông suy ngẫm xong thì con gái tôi ra đứng đường. Hoặc giả nó không giữ được mồm miệng lại bị đẩy vào lãnh cung.
Trần Thủ Độ đứng phắt dậy, đi đi lại lại trong gian phòng lung linh ánh nến. Ông cứ đi như thế, một lúc lâu sau dừng lại trước bức “Sơn thủy họa” của Vương Duy1. Thái sư như quên hẳn câu chuyện đang nói dở dang với phu nhân. Ông bị hấp dẫn bất ngờ vào khuôn tranh. Thường ngày bức tranh vẫn treo ở đấy, nhưng ông không để ý mấy. Nó cũng chỉ là những ngọn núi lô xô, xa gần cùng với một dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Nhưng hôm nay bất chợt, ông bắt gặp một cái gì như là sự vĩnh cửu. Những dãy núi đá sừng sững chôn sâu vào lòng đất, vẻ như thách thức với cả không gian và thời gian. Ngay cả dòng sông như bắt nguồn từ trên trời cao, và kéo thành một vệt dài vô tận cùng với chân trời xa thoáng đãng. Lác đác một vài cây tùng trổ ngang sườn núi, với bộ rễ gân guốc như khoan sâu vào lòng đá. Toàn cảnh bức tranh thể hiện một suy tư thâm trầm của tác giả, muốn biểu cảm cái đẹp, cái hùng, cũng vĩnh hằng như vũ trụ. Bỗng nhen lên trong đầu óc kiêu dũng của vị tướng một ước mơ táo bạo: “Ta phải xây dựng vương triền Trần, cũng trường cửu như mơ ước của người họa bức tranh này”.
Thấy chồng bị cuốn vào bức tranh, phu nhân tỏ vẻ khó chịu. Bà không hiểu, ba cái ngọn núi chết với một dòng sông giả kia, có gì mà ông ta phải ngắm kỹ thế. Mới mẻ gì cho cam. Nó ở đấy từ bao giờ bà không rõ. Chỉ biết khi bà về đây, đã thấy treo. Mà lạ, từ mấy năm nay vào ở hẳn đây, ngày nào ông ấy chẳng trông thấy nó. Vậy mà hôm nay?
Dứt luồng suy tư, Trần Thủ Độ ngoắt quay sang phía phu nhân. Ông nói:
- Bà định thế nào?
Thấy phu nhân im lặng, Trần Thủ Độ lại tiếp:
- Tôi hỏi chuyện con Chiêu Thánh ấy, bà tính sao?
Phu nhân ứa nước mắt:
- Nghĩ thương nó quá ông ạ. Bố chết. Mẹ đi lấy chồng khác. Bản thân nó thì mất ngôi. Ừ thì nó nhường ngôi cho chồng. Nhưng ông cũng thừa biết, nó không nhường không được. Bây giờ lại đang lo mất luôn cả vị nữa. Bản thân thì đau yếu. Thế là mất hết. Cả ngôi lẫn vị đều mất.
Phu nhân thở dài, lấy vuông khăn trầu lau ráo mấy giọt nước mắt vừa ngoen. Bà ngẩng nhìn chồng, nói:
- Ông ạ, tôi có hỏi con Chiêu Thánh, thì nó bảo từ ngày nó yếu mệt đến giờ, sự buồng the ơ hờ đã làm cho nhà vua ít lui tới, tình cảm không còn đằm thắm nữa. Tôi có cho xem xét, thì biết nhà vua hay cho đòi mấy đứa con gái mới tuyển được vào cung hồi cuối năm ngoái tới hầu.
Gật gù giây lâu, Trần Thủ Độ nói:
- Hay là bà xem, kiếm trong số đó, đứa nào xinh đẹp, con nhà lương dân, chọn cho Cảnh một đứa. Đưa vào hàng phi. Để nó còn kiếm đứa con nối dõi chứ. Con Chiêu Thánh thế thì còn sinh nở gì được nữa.
Nghe chồng nói, phu nhân giẫy nẩy lên:
- Giời ơi, mọi việc ông đều sáng suốt, sao việc này ông lại tối tăm thế!
Trần Thủ Độ hết đỗi ngạc nhiên. Ông không hiểu việc đó có gì làm phu nhân nổi giận. Đã toan đứng dậy bỏ đi thì phu nhân níu áo ông lại, làm lành:
- Để tôi nói cho ông nghe. Thế ông không thấy cái họa khác máu tanh lòng ư? Ông không thấy vì có tôi được tiến kinh, các ông trong họ Trần mới được tiến triều? Rồi dần dần quyền hành mới lọt vào tay các ông sao? Họ Trần muốn giẫm vết chân họ Lý chăng, mà định đưa con gái nhà khác vào hàng phi? Nó được chính vị rồi, lại được nhà vua sủng ái, rồi sinh được hoàng nam, giời ơi nó phế truất con mình lúc nào không hay. Ngay cả tôi, cả ông nữa, chắc còn được như thế này mãi hay sao?
Trần Thủ Độ cười khẩy:
- Bà quá lo xa. Còn tôi, thằng Cảnh không dám trái ý. Nó làm hoàng đế chứ làm giời tôi cũng vặn cổ.
Lại đến lược phu nhân cười giễu:
- Vì ông chuyên quyền, lại áp chế cả vua nữa, ông mới lắm kẻ hằn thù. Chỉ cần Cảnh dám trái ý ông một tẹo, là có kẻ về hùa chống lại ông ngay. Mấy lại ông cứ tưởng, ông còn khoẻ mạnh tinh anh cho đến lúc tuổi già chắc. Ông đội đá ở đời mãi được chăng? Trần Cảnh đã gần hai chục tuổi. Nó cũng vỡ vạc nhiều điều. Ông gà mờ quá, anh em nó cũng gây dựng vây cánh cả rồi đấy. Liệu ông có còn sai khiến được nó mãi không?
- Giời ơi! Bà làm tôi rối cả ruột. Làm sao mà chúng nó qua được mắt tôi. Vậy ý bà định thế nào, nói thử tôi nghe.
- Tôi định, nhưng ông không quyết thì định làm gì?
Phu nhân nói với vẻ hờn mát - Tôi cứ phang phác, ông liệu xem nhé: Trần Cảnh phải có một người vợ khoẻ mạnh, phải có cơ sinh đẻ. Nhưng người đó không phải là ngoại nhân.
- Ý bà định nói, nó phải lấy người trong họ? - Ông nhìn phu nhân mỉm cười ý nhị. - Như tôi với bà ấy? Tôi tưởng thế là đủ rồi. Nay Trần Cảnh đường đường một vị quân trưởng, lại theo gương chú làm cái chuyện hôn nhân lộn xộn ấy, để người trong nước họ cười cho à? Để cái bọn múa bút khoe văn nó chửi tôi đời đời trong sử sách hay sao?
- Giời ơi, ông mà cũng sợ cái bọn hủ nho ấy học chửi à? Ông sợ sử sách ư? Tay ông làm ra lịch sử cơ mà? Vả lại, ông phải nhớ rằng, chính ông đẻ ra cái vương triều Trần này, ông phải có kế sách gìn giữ cho nó trường cửu. Nếu không, chắc gì đã trọn được đời ta?
Phu nhân chợt nói đến chuyện trường cửu, Trần Thủ Độ sực nhớ cái tứ mà ông vừa đọc thấy trong bức “Sơn thủy họa”. Đúng như vậy, cái chí của ông vẫn muốn làm một việc gì đó cực lớn, để nó trường tồn cùng với non sông đất nước. Ông vẫn muốn xây dựng một quốc gia giàu mạnh, do họ Trần nhà ông đời đời nhiếp thống. Phải mạnïh hơn cả thời Lý của Lý Thánh Tông, để người phương Bắc phải nể trọng. Có như thế, mới cùng họ song song trường tồn. Muốn vậy, việc tổ chức quân đội từ nội binh đến ngoại binh phải chặt chẽ, tinh luyện. Việc nông tang phải được phát đạt thịnh vượng. Phải để cho người làm ruộng được no đủ và có dư lúa gạo. Dự trữ trong dân là cách tích trữ lương thảo khôn ngoan nhất. Kho đụn nào của nhà nước mà chứa xuể số thóc vét được trong dân. Phải nuôi dưỡng cho muôn dân ý chí làm giàu, cũng như ý chí quật cường dân tộc. Phải đời đời vun đắp cho các người ở ngôi quân trưởng là những người thông sáng. Muốn vậy phải đặt ngôi vua dưới sự giám sát của một đấng quyền uy nào đó. Nếu kẻ trị vì tỏ ra u tối; phải kịp thời phế bỏ, chọn người khác lên thay. Vậy là ai muốn ở ngôi cũng đều phải lo tu đức, sửa mình. Song muốn giữ cho vương triều được toàn vẹn mà đề người ngoại tộc lọt vào, tránh sao khỏi sự dòm ngó từ ngoài. Trần Thủ Độ đang suy nghĩ rất dữ về cái mưu không cho người ngoại tộc lọt vào của phu nhân. Như thế nghĩa là người trong họ phải lấy lẫn nhau? Anh chị em phải lấy lẫn nhau? Đấy là điều chưa từng có trong lịch sử cổ kim. Ta với phu nhân là chuyện đã rồi. Chẳng qua ta chỉ muốn diễn cho ngoạn mục một tích trò mà ta sáng tạo. Nên ta phải thủ tất cả các vai, từ vua quan đến đĩ điếm. Ai ngờ tai họa lại giáng xuống đầu ta. Không. Không thể như thế được. Vả lại cánh họ Trần ở trong hoàng cung này, có con cái nhà nào đến tuổi cập kê có thể lọt mắt xanh Trần Cảnh?
Nghĩ vậy, Trần Thủ Độ liền quay lại nói với phu nhân:
- Không được bà ạ. Tôi đã suy xét kỹ rồi. Lịch sử sẽ cho tôi là một tên loạn luân đê tiện. Vả lại, tôi đã kiểm xét, đám con gái họ Trầøn trong hoàng cung này chẳng có đứa nào ra hồn.
Ngập ngừng giây lát, Trần Thủ Độ lại lên tiếng - suy cho cùng, tôi vẫn ngại cái bọn nho sĩ, nó đóng đinh mình vào sử sanh như một tên tội đồ. Thực tình, tôi ngại bọn họ lắm bà ơi!
- Ông mà cũng ngại bọn trói gà không chặt ấy nữa à. Tay ông làm ra lịch sử, ông sợ gì họ nào. Phu nhân chép miệng - Mấy lại họ chỉ cao đạo thế thôi, chứ anh nào cũng nhát, cũng tham cả đấy. Ông cứ đe nẹt xong, thí cho mỗi tên mươi mẫu đất để dưỡng già, lại không tranh nhau mà chép: “THÁI SƯ TRỌNG KẺ SĨ MÀ THỰC CÓ LÒNG NHÂN”.
Chỉ có mười chữ để đổi lấy mười mẫu đất, tôi đố anh nho sĩ nào dám cứng lòng. Nếu không thế, ông cứ chặt đầu tôi. Phu nhân mỉm cười, mặt hơi vênh, vẻ như thách thức.
Thái sư đi đi lại lại trong đại sảnh, đầu hơi cúi, vẻ trầm tư. Thoắùt ông đứng trước phu nhân nói:
- Tôi đã nghĩ kỹ rồi bà ạ. Nhân cách kẻ sĩ thời nay, đúng như bà nói. Nếu tôi đe nẹt họ, rồi lại vờ kính trọng họ, và thí cho họ một chút lợi lộc, là họ lăn sả vào chân tôi như một lũ chó đói nịnh chủ. Trong một trăm đứa, ắt hơn chính chục đứa sẽ làm như vậy. Nhưng nhất định sẽ có dăm bảy đức khinh tôi, và nhổ toẹt vào các thứ mà tôi đem ra phỉnh dụ chúng. Dẫu tôi có dùng gươm chém chúng, thì chỉ chém được một đời nó thôi. Còn như nó mà dùng bút chém tôi, thì nó chém tới cả muôn đời con cháu tôi nữa kia.
Trần Thủ Độ lắc đầu, vẻ như người đã biết kính sợ. Ông nói – Chớ có dại mà coi thường sức mạnh của chữ nghĩa, được viết ra từ những kẻ sĩ có nhân cách cao. Thái sư hạ giọng – Điều mà tôi sợ là sợ ở chỗ đó, bà có hiểu không?
Ngưng một lát, thái sư lại tiếp – Còn bà cứ nhắc đi nhắc lại cái chuyện tay tôi làm ra lịch sử để làm gì? Bà nói thế, cũng có phần đúng. Nhưng tôi lại không thể dùng chính cái bàn tay ấy mà che lấp được lịch sử.
Phu nhân biết tính chồng vốn là người cứng rắn. Ông ấy không bao giờ chịu khuôn theo ý người khác. Bà tự nhủ: “Cách tốt nhất là phải biến được ý ta thành ý của thái sư. Thế thì có nhảy vào lửa ông ấy cũng không từ nan”. Nghĩ vậy, phu nhân dẽ dàng thưa:
Ông ạ, thấy ông vất vả sớm chiều, lúc nào cũng chăm lo cho cái nghiệp lớn của họ ta. Tôi trộm nghĩ lúc vắng ông, nay thực tâm bày tỏ. Nếu thấy không được, ông cũng tha cho. Rồi bà tươi cười nhìn chồng: - Khôn ngoan cũng thể đàn bà. Mọi điều lớn nhỏ tôi đều xin theo ý ông.
Thái sư lấy làm đẹp ý. Ông đặt nhẹ hai tay lên bờ vai phu nhân, từ tốn nói:
- Dựng nghiệp cho nhà Trần là ở tôi với bà, nhưng cái chính vẫn là do bà.
Phu nhân quay lại nhìn chồng tỏ vẻ biết ơn.
========================.
1. Vương Duy (Wang wei 698-789) là một thi họa nổi danh đời Đường. Ông được coi là người đã sáng lập ra Nam phái sơn thủy họa. |
|
|