- Đứa nào ăn chè bột khoai ra đây mau. Me chúng bay khao cả nhà đây nầy.
- Ăn gấp. Ăn gấp. Ơ. Ai ăn đậu đen bột khoai nước dừa đường cát ơ.
- Gớm, bố con nhà mầy, làm gì mà như chạy giặc vậy.
Tiếng ba tôi ngoài hiên. Rồi tiếng la của thằng Kim hỗn độn át cả tiếng đĩa nhạc mà chị Phượng đang nghe. Tôi chạy ra trước, chị Phượng lúi húi ra sau vì còn mắc phải tắt máy hát. Gánh chè đậu đen bột khoai đã sẵn sàng trong sân, mở vung thơm ngát. Ba tôi đang đỡ một chén chè, nhìn trả lại cái nguýt dài của mẹ tôi, bảo bà bán chè:
- Chị hai múc sẵn cho tôi cả chục chén trước đi. Xấp nhỏ nầy chúng ngốn mau lắm.
Rồi ông quay sang chúng tôi:
- Đứa nào ăn thì cứ ăn cho đã đi. Tiền trúng số năm bò của mẹ mầy hồi chiều đấy.
- Rõ hay cái ông nầy. Người ta trúng số mà tiền đã lĩnh về đâu nào.
Buổi chiều, khi mẹ tôi nghe radio xổ số, Kim còn mải đi bát nên chưa biết tin kết quả. Bây giờ nghe vậy nó mừng quýnh:
- A. Thế ra me trúng số. Chị Phượng, chị cho Kim mượn cái ca súc miệng bự của chị đi, để Kim lấy một ca cho vào phri-gi-đe khuya ăn.
Tuy miệng kêu chị Phượng, nhưng chưa kịp chờ ai trả lời, Kim đã ba chân bốn cẳng chạy vào trong nhà kiếm lấy cái ca mà nó muốn. Mẹ tôi nhìn theo Kim lắc đầu:
- Nó giống tính thằng Phan hồi nhỏ như hệt, tham ăn tham uống.
Nhắc tới anh Phan lại mỗi người một câu, Kim đã lấy đầy phần chè để dành của nó vào trong cái ca to tướng của chị Phượng, rồi đề nghị mua chè bột khoai bỏ trong bao ni lông gửi ra mặt trận cho anh Phan. Ơ quên, phải cho cả anh Nghĩa nữa chứ. Nó nheo mắt và nhìn chị Phượng. Mẹ tôi gắt:
- Lũ quỷ nầy, đừng có nhắc nữa mà chúng nó nhảy mũi.
Ba tôi vừa ăn sang chén chè thứ hai, vừa cười:
- Nãy giờ tôi cũng hắt hơi mấy cái liền. Chắc dì hai của xấp nhỏ nhắc rồi.
Dì hai là một nhân vật tưởng tượng do chúng tôi gán cho ba để trêu mẹ tôi. Tuy biết chắc là tưởng tượng đôi khi nhắc đến, mẹ tôi vẫn thường nguýt ba tôi vài cái thật dữ dội. Nhưng lúc nầy thì bà chỉ cười phụ hoạ thêm với chúng tôi. Câu chuyện về anh Phan có lẽ đã làm bà quên mất những cái nguýt thường lệ. Tính mẹ tôi buồn cười thế đấy.
Tụi tôi kéo thêm mỗi đứa vài miếng sang chén chè thứ hai thì đã ngấy tới cổ. Buổi khao bột khoai của mẹ tôi chưa hết đến một phần mười cái vé số 500. Hàng bột khoai đi rồi, ba tôi đề nghị ngày mai lĩnh tiền về làm một bữa chả giò, còn bao nhiêu mua quà dành cho anh Phan. Đề nghị nầy được cả nhà hưởng ứng và chị Phượng được giao cho sứ mạng đi đổi vé số.
Trước khi lên gác, mẹ tôi hỏi:
- Có đứa nào biên thư cho thằng Phan chưa?
- Có, con có viết những hai cái rồi lận. Tôi nói.
Chị Phượng cũng nói:
- Để lát nữa lên gác con viết.
- Còn con, sang năm tới con sẽ nhập ngũ và sẽ gặp anh ấy. Viết làm gì cho mệt.
Mẹ tôi thở dài:
- Tội nghiệp thằng Phan, giờ nầy chắc nó vất vả lắm.
Hai chị em rủ nhau lên gác. Tôi hỏi chị Phượng mượn cuốn truyện kiếm hiệp coi nốt. Chị nói: Cứ bày đặt hoài. Học bài đi rồi vô ngủ cho sớm. Tôi cười, bảo chị là tôi phải đọc nốt đoạn Đoàn Dự và Vương Ngọc Yến dắt nhau trốn khỏi Mạn Đà Sơn Trang để còn kể cho anh Phan nghe, và chị Phượng không cằn nhằn gì nữa.
Quả đúng như anh Phan thường nói. Tôi bắt đầu mê xem kiếm hiệp từ ngày anh Phan đi lính. Dạo còn ở nhà anh Phan hay nói: Đứa nào chưa đọc Kim Dung là chưa biết hưởng đủ thú vị ở đời. Kiếm hiệp là cái quái gì mà thú vị ghê thế. Toàn chuyện âm ma ám khí rẻ tiền thôi chứ gì. Chúng tôi đã cãi lại như thế. Và anh Phan đã nhún vai làm ra vẻ thương hại cho những kẻ bất hạnh. Tính anh Phan hay đùa cợt, làm cho tôi không hiểu nổi tình cảm thật của anh ra sao. Ngay cả Hoà cũng thế. Hoà là vị hôn thê của anh Phan, có vẻ thương anh lắm. Mẹ tôi cũng rất chịu Hoà và đương nhiên coi Hoà sẽ là con dâu của bà. Nhưng Hoà cũng từng nói với tôi là Hoà không hiểu nổi anh Phan ra sao. Hình như anh mê kiếm hiệp hơn mê Hoà thì phải.
Anh Phan vẫn cho là anh có đủ 10 thành phần công lực, nên khi sửa soạn vào Thủ Đức, anh tuyên bố: " Bọn bay ở nhà yên tâm coi tao. Tao lên đường đây và chỉ cần chín tháng nữa là tao đương nhiên trở thành một cao thủ võ lâm cho coi. Luyện một biết mười mà". Anh Phan đã làm cả nhà cười ngất. Rồi không hiểu bắt đầu ra sao mà sau đó cả ba mẹ tôi, chị Phượng và tôi, đều mê Kim Dung như điếu đổ. Chỉ có thằng Kim là nhất định không đọc, bởi nó cho tất cả các cao thủ võ lâm đều không ăn thua nổi với mấy cao thủ Rổn Rảng gì đó của nó.
Cầm cuốn kiếm hiệp của chị Phượng vừa đưa, tôi lăn quay ra giường và đọc bằng đèn ngủ. Đúng như lời chị vừa nói, chị Phượng soạn giấy bút viết thư lên bàn. Rồi chị ngồi quay lưng lại phía tôi, không viết mà trầm ngâm. Chắc lại đọc thư của chàng chứ gì. Tôi cười thầm. Cách đây bốn tháng, anh Phan được nghỉ phép một tuần mang theo người bạn về nhà. Và anh chị liền mê nhau ngay. Anh Nghĩa cũng người Bắc, nhưng gia đình anh làm ăn ở Đà Nẵng. Anh ra đời sớm hơn anh Phan, đi dạy được một năm rồi mới nhập ngũ. Có lẽ do đó tính anh trầm tĩnh hơn. Chuyện tình giữa anh Nghĩa và chị Phượng tôi cả nhà đều biết và có vẻ bằng lòng. Riêng tôi, tôi thầm nghĩ rằng họ đẹp đôi lắm và mừng. Bởi tôi quý chị Phượng của tôi lắm. Chị Phượng có khuôn mặt tròn như trăng, hai mắt bồ câu thật quyến rũ. Tính chị giống mẹ tôi như hệt: dịu dàng và chịu đựng. Tuy hai chị em xấp xỉ nhau nhưng chị thường nhường nhịn tôi đủ thứ. Chẳng hạn khi đi sắm hàng, chị nhường cho tôi xấp hàng đắt tiền hơn. Khi cuốn truyện kiếm hiệp mang về, chị nhường cho tôi được đọc trước.
- Quyên nầy, hồi chiều em đọc báo chưa nhỉ.
- Chưa. Có chuyện gì vậy chị?
- Không, chả có chuyện gì cả.
Tôi buông cuốn truyện, nhìn chị Phượng. Chị không viết thư mà lại sang ngồi bên bàn máy may soạn lên bàn lẵng đồ may của chị. Chắc lại thêu khăn cho chàng đấy chứ gì. Tôi định tiếp tục đọc, nhưng chị Phượng đã mở máy may, soạn hàng ra. Tôi đoán lầm, chị không làm khăn cho anh Nghĩa mà sửa lại cái áo sơ mi mòn cổ của ba tôi mới đưa hồi sáng. Chị nói:
- Quyên xem, tiện lợi không. Anh Phan bỏ lại mấy cái sơ mi, chị tháo cổ áo của anh may cho ba vừa khít.
Tôi nói:
- Quái, lâu quá rồi sao không thấy thư anh Phan, chắc anh ấy uýnh giặc ghê lắm.
Chị Phượng thở ra:
- Chị mới được thư anh Nghĩa hồi chiều. Đang có nhiều trận đánh lớn lắm.
- Ai chớ các anh ấy thì không lo đâu chị. Ông nào cũng có Giáng Long Thập Bát Chưởng cả mà.
Chị Phượng cũng cười:
- Ờ. Anh Phan thì mưu lược lắm. Chả thế mà hồi ở nhà anh ấy mỗi tháng vẫn lĩnh của me đến ba bốn lần tiền giặt ủi là gì.
Máy xong cổ áo cho ba tôi, chị Phượng mới đi viết thư. Tập truyện kiếm hiệp đã hết ngang. Tôi nằm yên nghe thấy tiếng bút của chị Phượng sột soạt trên giấy. Rồi tôi nghĩ đến Hoàng, tôi cũng muốn viết một lá thư cho Hoàng. Nhưng chúng tôi gần gụi nhau quá.
Ngày mai đây, sau giờ triết là tôi sẽ trông thấy Hoàng rồi. Tôi đâu có gì để viết nhỉ. Nhưng rồi Hoàng, Hoàng đang học Luật và nếu chàng rớt năm nay, chàng cũng sẽ phải đi như anh Phan, anh Nghĩa. Nghĩ vẩn vơ một lát tôi nghe loáng thoáng thấy chị Phượng hỏi một câu gì đó. Tôi nói: Hả. Chị Phượng cười nhỏ, lúc lắc cái đầu rồi lại cắm cúi viết.
Một lát, có lẽ đã xong, chị khép bớt một cánh cửa sổ lại rồi tắt đèn.
- Vào giường. Ngoài trời có vẻ đang chuyển mưa. Hai chị em nằm cạnh nhau. Chị Phượng hỏi:
- Quyên còn tem không, mai cho chị vay đỡ mấy con.
- Được, nhưng phải trả gấp đôi cơ.
- Rõ hay. Định đem chia cho Hoàng một nửa đấy hẳn.
Tôi đập vào vai chị. Chị cười:
- Nhớ hôm đầu dẫn xác lại ăn cơm, trông cứ như là cô dâu chú rể ấy.
- Còn anh Nghĩa của chị thì khá lắm đấy. Lính tráng gì mà thấy con gái là đỏ mặt, cứ như say rượu. Anh Nghĩa có nói bao giờ về phép không.
- Không. Nhưng nếu về thì sẽ cùng về với anh Phan, em quên rồi à.
Rồi chị hạ giọng nhắc lại câu chị đã nói lúc nãy:
- Không hiểu sao dạo nầy tự nhiên đánh lớn quá.
Từ phía cửa sổ, một khoảng trời bỗng bật sáng. Nhưng không phải là chớp. Đó là những trái hỏa châu vừa được thả đâu đó mà tôi vẫn thường thấy. Rồi cùng với ánh sáng ngoài trời, có những tiếng nổ của đại bác vọng tới. Bên cạnh tôi, trong thứ ánh sáng mơ hồ chập chờn của hỏa châu, tôi thấy khuôn mặt chị Phượng nghiêng hẳn sang một bên gối, những sợi tóc mỏng manh rung động liên tiếp. Hai chị em đấu mặt vào nhau, tôi nói:
- Dạo nầy đại bác nổ ghê quá. Không hiểu sao nghe tiếng đại bác nổ, em thấy nao nức quá.
- Em nao nức những gì?
- Không biết. Nhưng như là muốn khóc vậy chị.
Chị Phượng nói nhỏ, gần như thì thầm:
- Chị cũng vậy. Chị thấy đủ thứ.
Ánh hỏa châu ngoài trời vẫn tắt sáng, tắt sáng.
Tiếng đại bác càng về khuya càng có vẻ gần hơn, và hình như dồn dập hơn đêm qua. Tôi bỗng cảm thấy tôi thương mến chị Phượng dào dạt. Anh Phan. Anh Nghĩa. Rồi Hoàng. Rồi những bộ đồ trận. Mỗi tiếng nổ hình như lại làm cho một hình ảnh bật lên trong đầu tôi.
Nửa đêm, trời bỗng thật oi bức. Chị Phượng hì hục dậy mở quạt, rồi ngồi trầm ngâm trong bóng tối một lúc lâu. Còn tôi, tôi nhắm mắt lặng lẽ.
Mẹ tôi giao tấm vé số cho chị Phượng mang đổi. Ban đầu, mấy chị em tôi bàn với nhau xách ra sạp bán vé bán lại cho mau. Nhưng mẹ tôi giẫy nẩy:
- Hừ. Mất tới mấy chục bạc chứ bộ. Mấy chục mua được cả chục cam ăn vừa ngon vừa bổ. Có ai cho bọn bay không nào. Thôi, chịu khó ra ngân khố đổi lấy đi con.
Chị Phượng rủ tôi cùng đi, nhưng tôi đã hẹn với Xuyến một con bạn cùng lớp, để đến nó cùng học. Nhà Xuyến yên tĩnh, chớ ở nhà, lát nữa thằng Kim xách cái xe gắn máy của nó ra lau chùi, tôi sẽ không học hành gì nổi.
Tôi đến Xuyến chừng một tiếng đồng hồ rồi về. Con bé thật khùng. Học nửa chừng nó rủ tôi đi bơi. Tôi nhẩm tính chưa đến ngày thay nước hồ nên chê bẩn, từ chối. Xuyến đi một mình. Tôi định ghé qua Hoàng, nhưng nhớ ra giờ nầy Hoàng phải ra thư viện. Nên đành về nhà. Mẹ tôi đang cố vấn cho chị người làm xào món dứa thơm phức. Tôi thay áo xuống bếp, mẹ tôi đuổi đi. Nhưng thấy trái dứa còn một nửa trong gạc-măng-giê tôi cù nhầy vòi mẹ tôi phải cắt cho một miếng. Bộ còn nhỏ lắm hả cô. Tôi cười. Thằng Kim đã lo xong cái xe gắn máy của nó, nghe hơi, chạy vào bếp xin một miếng còn lại. Con với cái. Mẹ tôi mắng. Nó nhe răng: Bộ me tưởng dễ gì đâu có được một đứa con lớn bằng con. Đó, me đẻ ra một đứa nữa thử con coi nào. Me phải cưng con nhất mới đúng. Nghe nó lý luận, mẹ tôi chỉ biết dùng lại cách phản ứng thường lệ của bà, là lắc đầu quầy quậy.
Chừng nửa giờ sau thì chị Phượng về. Vừa dựng chiếc vê lô vào sân xong, chị đã lầu bầu kể với mẹ tôi:
- Trời đất. Mệt ơi là mệt.
Mẹ tôi nói:
- Cái gì mà mệt. Ra đổi thì có liền chớ gì. Nhờ chúng bay được chút gì là đã nghe cằn nhằn rồi. Có cất nón đi rồi vào bếp phụ đây không, cô Hai.
Chị Phượng thay áo xong, cầm tờ giấy 500 đưa cho mẹ tôi, kèm thêm cả hai tấm vé số:
- Con đưa hết me đây. Me trả cho con 52 đồng đi.
- 52 đồng gì mầy?
- 30 đồng là tiền đổ xăng và đổ nước mía cho chiếc xe và con, còn hai mươi đồng là tiền hai tấm vé số. Để con kể rõ cho me nghe.
Chị Phượng ngồi bên cạnh mẹ tôi, vừa nhặt rau, vừa tiếp tục kể:
- Thật tức cười - Chị nói. Thấy tôi giơ tấm vé số ra, có mấy bà thi nhau đến gạ đổi. Con hỏi số trúng 500 đổi bao nhiêu. Một bà đòi năm chục. Một bà đòi bốn chục. Con nói chừng bốn hay năm đồng thôi không được sao. Mấy bà mần thinh. Chắc họ rủa con lắm.
Mẹ tôi nói:
- Bọn bây đừng tưởng. Họ đứng đổi vậy mà mỗi ngày được khối tiền đấy.
Tôi hỏi:
- Thế rồi làm sao chị lại có hai tấm vé số nữa. Chắc ông đổi tiền ở ngân khố bắt chị mua phải không.
- Ở đó mà bắt.
- Rồi chị làm sao đổi.
- Thì đưa thẻ kiểm tra, vé số, rồi ký tên, lĩnh tiền, dễ ợt.
Và chị kể tiếp về hai tấm vé số, cho mẹ tôi nghe:
- Lĩnh tiền rồi, khi ra cửa ngân khố, con thấy một người đàn ông cụt chân ngồi trên xe lăn. Ông ta bầy vé số bán trên xe rồi bảo con mua dùm cho anh em phế binh đi cô. Thế là con đưa tờ 500 của me ra, bảo xé hai vé. Không may ông ta lại không có tiền thối, thành ra con đành mất 22 đồng. Xui không. Me trả con đi.
Mẹ tôi cười:
- Tao có bảo mầy mua vé số đâu nào.
Chị Phượng ngừng nhặt rau, lựa một tấm vé số cầm lên:
- Đây nầy. Tấm nầy, sẽ trúng độc đắc. Người bán vé số đã bảo con thế. Ông ta lấy cùi tay, à quên, con chưa nói để me biết là ông ta còn cụt một bàn tay nữa. Ông ta để khúc tay cụt lên tấm vé số nầy, di qua di lại. Không tưởng tượng được. Cái khúc tay cụt ấy đỏ hỏn, còn nguyên cả những bợn da đã mét vào xương. Hình như lại còn cả một miếng gân lộ ra ngoài vết hõm, cứ rung rung hòai…
- Trời ơi!
Tôi kêu lên và mẹ tôi la chị Phượng:
- Có thôi đi không nào. Mầy kể cái gì vậy. Con nầy.
Chị Phượng im bặt, để tấm vé số xuống. Tôi nhìn thấy hai con số cuối của tấm vé số là 64. Đúng là con số của năm nay.
Hình như có một nỗi kinh hoàng lặng lẽ vừa gieo xuống. Không ai nói gì nữa. Ở trên tấm vé số, bên con số 64, tôi như đang nhìn thấy một khúc tay cụt di qua di lại, và tôi nghe thấy tiếng bếp lửa sau lưng mẹ tôi đang nổ lách tách. Tôi không biết là mình nghĩ gì nữa. Nhưng may sao lúc đó vừa có tiếng máy xe ba tôi nổ ngoài cửa, rồi tiếng thằng Kim la lớn lên phía ngoài:
- A! Ba về rồi. Giờ cơm đến rồi. Giờ cơm đến rồi. Nào lên thôi. Lên thôi.
Chị Phượng nhìn tôi và mỉm cười. Tính Kim vẫn vậy.
Ra đường, nó đã cao lắm rồi, nhưng cứ về nhà là vừa hát những câu chẳng đâu vào đâu, do nó tự chế biến ra lấy.
Tiếng la của Kim và tiếng xe của ba tôi đã phá tan được phút lặng lẽ giữa chúng tôi trong bếp. Gia đình tôi vẫn vậy, từ ngày anh Phan đi, thỉnh thoảng chúng tôi thường có những sự hoảng hốt vô cớ. Nhưng được cái cả nhà ai cũng có tính hài hước, thành thử cũng đỡ. Chị người làm đã lên nhà trên dọn bàn ăn, mẹ tôi cũng đứng dậy, xếp rổ rau rồi bảo:
- Thôi chị em bay lên dần đi là vừa.
Ở nhà trên, ba tôi cho xe vào sân, rồi vào phòng trong thay sang bộ py-ja-ma thường lệ của ông, trong khi Kim đang lăng xăng ngả cái ghế xích đu ra giữa phòng cho ba tôi nằm nghỉ.
Trông cái xích đu, tôi định bụng trưa nay, ăn cơm xong, tôi sẽ lấy cái nhíp nhổ tóc sâu cho ông. Mái tóc ba tôi đã ngả màu muối tiêu từ lâu, có nhiều sợi tóc sâu mọc ngược, loăn quăn, và ba tôi thích nhổ chúng đi lắm.
Mấy năm trước còn nhỏ, ba tôi ra giá cho bọn tôi cứ 5 sợi tóc sâu một đồng. Cả hai tôi và chị Phượng trưa nào cũng không ngủ. Hai chị em nhổ có khi một buổi đến năm sáu đồng, chia nhau mua me và cóc vào ăn lén trên gác. Mẹ tôi chúa ghét con gái ăn quà vặt: Thích gì thì nói mẹ mua, ăn món gì thì nói mẹ nấu. Châm ngôn của mẹ tôi là vậy.
- Thế nào, đã có đứa nào xung phong đi đổi vé số cho mẹ chúng mầy chưa ?
- Con đi đổi rồi.
Cả nhà đã ngồi vào bàn ăn, theo lệ thường, chị Phượng sẽ phải vừa gắp thức ăn cho ba tôi, vừa huyên thuyên kể lại chuyện ra ngân khố đổi vé số mới phải. Tính chị vẫn vậy. Đôi khi một chuyện kể hai ba lần là khác. Nhưng không hiểu sao, hôm nay chị bỗng không kể chuyện đi đổi vé số cho ba tôi nghe nữa. Câu chuyện được lái sang bữa chả giò sắp tới, chị Phượng xung phong lãnh phần đi chợ. Nhưng mẹ tôi nói:
- Mầy tiểu thư lắm. Chưa có đi chợ được. Đã không biết lựa lại còn mua hớ. Để tao phải đi.
Rồi bà ngồi tính tiền: rau, thịt, cua, bánh tráng, lại còn một chai rượu chát cho ba tôi nữa.
Mẹ tôi tính một chập thì chị Phượng kêu lên:
- Ơ hay, me tính đủ các thứ phụ tùng vậy thì tấm vé số đâu còn phần nào để ra mua quà cho anh Phan nữa.
- Ờ nhỉ, mẹ tôi nghĩ ra, giá mà hôm đó bọn chúng về được thì vui biết mấy.
Bọn chúng đây là mẹ tôi ám chỉ không riêng anh Phan mà cả anh Nghĩa nữa. Thành thử chị Phượng nhìn mẹ tôi có vẻ biết ơn lắm. Vấn đề bữa chả giò liền đó trở nên sôi nổi hơn. Ba tôi đưa ý kiến:
- Tuần trước, trong thư thằng Phan chả nói có lẽ bọn nó sắp có phép về là gì. Hay mình lui bữa chả giò để chờ nó coi.
Ý kiến của ba tôi được mẹ tôi và chúng tôi hưởng ứng. Nhưng Kim thì quyết liệt phản đối:
- Trời ơi! Tại sao phải chờ. Mình cứ ăn ngay ngày mai. Rồi khi mấy ông đó về mình lại làm bữa khác có phải hơn không nào.
- Đó, thấy không. Nó lại giở thói xấu ăn in hệt thằng Phan vậy.
Chị Phượng nói:
- Ăn gì. Bây giờ là lính ở rừng rồi mà ăn với uống.
- Xin lỗi chị đi. Anh ấy vừa bắn súng vừa thổi cơm. Người ta là hướng đạo chớ đâu phải như chị. Con đề nghị má sáng mai cứ làm chả giò đi. Đừng có lo anh Phan.
Mặc dầu Kim cằn nhằn, mẹ tôi vẫn giữ quyết định lui bữa chả giò lại để chờ anh Phan. Ba tôi còn nói thêm: Yên chí. Con Quyên cứ đi báo động cho thằng Hoàng với con Hòa biết trước đi. Kim lo sợ một mặt: Thôi mà, con đề nghị chỉ mời mình anh Hoàng thôi, đủ rồi. Mấy con cua mua sẽ chẳng to gì đâu.
Ba tôi trấn an nó:
- Đừng lo. Ba cho phép cả thằng Kim rủ mấy tên bạn của mầy đến ăn nữa đấy. Thiếu bao nhiêu ba bù cho.
|
|
|