Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Người Thăng Long Tác Giả: Hà Ân    
    Theo tập tục của dân ta, người ta coi anh em đồng nhũ như một đôi bạn chung thân gắn bó với nhau vì đã lớn lên và được nuôi nấng bằng cùng một dòng sữa mẹ. Trần Nhật Duật và Hoàng Mãnh lại còn là anh em đồng tuế: anh em cùng tuổi là một cặp mà hình như thiên nhiên đã ràng buộc họ, khiến họ phải luôn luôn sống bên nhau, cùng sống cùng chết, cùng vinh cùng nhục, cùng sướng cùng khổ với nhau.
    Xưa kia, khi cả hai người còn niên thiếu, họ được nuôi chung với nhau trong một cung riêng. Họ cùng được ăn một mâm, nằm trên cùng một chiếc giường, chung một lá màn che muỗi. Tuy vậy thể chất hai người vẫn khác nhau rất nhiều. Trần Nhật Duật thuộc dòng giống một họ mà ngay khi chưa cướp được ngai vàng đã giàu có bề thế. Thế mà tính từ khi họ đã cướp được ngai vàng cho tới giờ cũng đã ba đời. Cho nên ông, hoàng tử Chiêu Văn, là một cậu bé quý tộc đã lọc giống, duyên dáng, thanh tú, lịch sự từ cách ăn mặc, cách nói năng, cách chơi bời cho chí thể chất hình hài. Cổ tay ông thon nhỏ, những ngón tay tháp bút, một mái tóc tơ đen láng. Trần Nhật Duật đẹp một vẻ thư sinh mặc dù theo lề thói tộc họ, người ta đã buộc hoàng tử Chiêu Văn luyện tập võ nghệ thật giỏi ngay từ khi còn nhỏ. Hoàng Mãnh cũng được nuôi trong gấm vóc cung đình từ năm lên một nhưng anh vẫn giữ cái thô mạnh hoang sơ của thôn dã, cái bình dị của suối sông, cái cao rậm của rừng núi.
    Hai con người khác nhau như nước với lửa ấy đã quấn quýt lấy nhau từ thuở nhỏ rất thắm thiết. Hình như thiên nhiên đã tạo ra hai thế đối lập đó để cho chúng hài hoà vẻ đẹp của trời đất.
    Hoàng Mãnh là một đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm. Trong lúc chơi đùa, nó được người ta dạy là phải nhường hoàng tử Chiêu Văn, nó cũng làm theo trừ khi có cái gì làm cho nó quá say mê đến quên cả thân phận. Trong những lúc hiếm hoi đó, nếu là một thứ đồ chơi thì Hoàng Mãnh cướp nghiến còn nếu là một chuyện cãi cọ thì Hoàng Mãnh cũng đoạt lời bằng được.
    Năm Trần Nhật Duật mười lăm tuổi, người ta xây phủ đệ Chiêu Văn bên ngoài hoàng thành. Người ta đưa cả hai cậu bé ra ở ngoài đó, triều đình cử hai quan Hàn lâm dạy Trần Nhật Duật và Hoàng Mãnh học kinh sử. Những lúc máu Đông A bốc lên, Trần Nhật Duật hay rủ người em khác mẹ là Bảo Uy vương Trần Duy đi chơi ngoài phố, hễ thấy đám vật, đám võ nào cũng sà vào thử chơi vài keo. Có bận đến nỗi xảy ra gây gổ đánh lộn với thiếu niên phường phố. Những bận ấy, chính Hoàng Mãnh là đứa đứng ra đánh mở đường cho hai tiểu vương tháo chạy. Có bận đã bị no đòn mà lúc về phủ Hoàng Mãnh còn bị quan Hàn lâm quở trách là con nhà bách tính kém lễ. Hoàng Mãnh phải cắn răng chịu nỗi bất công, nhục mạ đó để giấu tội cho Chiêu Văn vương rồi sau đó mới lựa lời khuyên nhủ người anh em học hành cho tử tế, tu thân trui rèn bản lĩnh sao cho sau này đủ vững vàng bước vào đời... Thực ra Trần Nhật Duật tuy ham chơi nhưng việc luyện võ học văn vẫn tấn tới. Đúng là một con người thông minh bẩm sinh, chẳng những lầu thông kinh sử, đọc khắp bách gia chư tử, đọc rất kĩ những bộ sách của các tác gia triều Lý, tay ghi miệng đọc mà hễ còn hoài nghi điều gì thì dù canh đã khuya vẫn không chịu tắt đèn đi ngủ. Ông lại có biệt tài về học tiếng nước ngoài, tiếng Man Lão nữa. Thời gian trôi qua, Chiêu Văn vương đã hai lần được cử giữ chức trấn thủ những lộ đất rộng dân đông như Thanh Hoá, Đà Giang, ở nơi nào ông cũng làm tốt mọi việc quân dân. Ông đi đâu, Hoàng Mãnh cũng đi theo. Triều đình đã chọn anh chính là để anh chia sẻ mọi ngọt bùi với Chiêu Văn vương.
    Bữa nay, ngồi một mình trong thư phòng, Trần Nhật Duật nghĩ về người em đồng nhũ của mình. Xưa nay chưa hề xa nhau lâu, Trần Nhật Duật không có dịp để hiểu mức độ keo sơn trong tình anh em ấy. Đã sắp đến ngày hội thề, Trần Nhật Duật mong muốn đến ngày ấy, em mình đã có một chút công danh sự nghiệp trong triều đình. Ông cũng biết Hoàng Mãnh không quan tâm một chút nào nhưng từ đáy lòng, ông vẫn thấy mình phải thực hiện được điều tâm nguyện kể trên. Và phải nhận rằng mỗi khi nhớ đến chen vào đó vẫn có đôi chút bâng khuâng trước sự chia li cần thiết.
    Trần Nhật Duật đã ra lệnh may sắm quần áo tiến triều cho Hoàng Mãnh: áo chiến vóc hồng, hia nỉ đen. Ông lại dành cho người em một thanh kiếm tốt trong bộ sưu tập binh khí rất quý của ông. Trần Nhật Duật đã đến Môn hạ sảnh để đốc viên lệnh thư gia thảo chiếu cho kịp ngày. Ông đã sai người đi đón mẹ Hoàng Mãnh về kinh để kịp dự tiệc mừng con bà nhậm chức vụ của triều đình. Trần Nhật Duật vốn là người sống với hiện tại và tương lai, chỉ những dịp ít ỏi này, ông mới trở về với những chuyện đã qua. Những chuyện ấy thường dính líu tới một trong ba người. Người thứ nhất là Hoàng Mãnh. Người thứ hai là mẹ Hoàng Mãnh. Bà họ Trương, vốn là người Thanh Hoá, lấy chồng họ Đỗ quê ở làng Xuân Lôi huyện Đông Ngàn. Ông Đỗ làm chức Bạ đầu, coi việc giấy tờ ở một vệ quân đi thú châu Ô. Khi Trần Nhật Duật được tiến tước vương, bà Trương cũng được triều đình ban cho tước tòng tứ phẩm nghi nhân. Ông Đỗ nhờ vợ cũng đâm ra sang, từ chức Bạ đầu, ông được phong chức Đại tư xã ở ngay quê nhà. Chính cũng vì bà nhũ mẫu quê Thanh Hoá mà Trần Nhật Duật đã hạnh ngộ một người...
    Năm ông mười tám tuổi, Trần Nhật Duật được cử đi tuần thú châu Ái. Ông mang nhũ mẫu đi theo để đưa bà về quê thăm nơi chôn rau cắt rốn. Nơi ấy là một làng nhỏ xanh rờn bóng dừa nằm kề biển Đông mênh mông. Anh trai bà Trương làm chức câu đương trong hương coi việc sổ sách bạ tịch. Ông ta có một cô con gái út. Cô gái ấy không có vẻ e lệ của tiểu thư khuê các, không có vẻ đài đệ của loại con chúa con vua, không có cái dáng mảnh mai lả lướt yếu mềm của dòng quý tộc. Nước da cô hồng hào căng nhựa sống, đôi mắt của cô láng ướt tình tứ, một nốt ruồi ngộ nghĩnh ở khoé miệng và cách nói năng của cô rất mộc mạc giản dị và chân thành, người con gái ấy tràn trề vẻ đẹp trẻ trung khoẻ mạnh của đồng ruộng bình dị, bình dị ngay từ cái tên bình dị đi: cô Mơ. Mơ hầu như ngược hẳn với con người Trần Nhật Duật và thật ra chính ông đang thiếu một cái gì ngược hẳn với ông như thế.
    Một duyên, hai nợ, ba tình.....
    Cuộc hạnh ngộ này có cả ba cách đó. Ai cho phép một thân vương lấy một người con gái bách tính lê dân làm vợ. Nhất là họ Trần đã có một lời nguyền độc địa: Trai họ Trần chỉ được lấy gái họ Trần. Đừng ngu xuẩn như họ Lý mà để cho ngai vàng lọt sang tay họ khác. Trần Ích Tắc biết mối tình éo le ấy đã xui em: nạp Mơ làm thiếp!
    Không được ! Đã vui duyên phận thì phải đứng ngôi chính phi chứ nạp thiếp thì chẳng những xúc phạm đến tâm hồn phong nhã của Trần Nhật Duật mà còn làm vẩn đục đến cái duyên nợ thiêng liêng của mối tình đầu. Cho nên cái việc ấy đành cứ treo lại và bây giờ Trần Nhật Duật chưa lập chính phi mà người con gái vùng biển kia cũng chưa thành gia thất. Không một người con trai làng nào dám dạm hỏi cô Mơ cả. Người ta sợ oai sợ vía một đức ông và người ta sợ cả cái phận trời huyền bí của một người đàn bà cao số.
    Cho đến bây giờ, Trần Nhật Duật vẫn còn gìn giữ một kỉ vật của Mơ. Kỉ vật ấy là một bộ xà tích bằng bạc chạm trổ rất thô. Trần Nhật Duật cầm bộ xà tích ấy trong tay, mắt mơ màng nhìn vào khoảng không vô định. Ông chợt thương chợt nhớ người con gái năm xưa. Ông còn bộ xà tích này làm kỉ vật chứ nàng Mơ chẳng có tí gì để mà ngắm mà tìm về với bến vắng người xưa...
    Trần Nhật Duật đằm trong mớ hồi niệm miên man không biết bao nhiêu lâu nữa rồi bất chợt ông cảm thấy trong thư phòng có người lạ. Trần Nhật Duật nắm gọn bộ xà tích để giấu nó đi rồi trừng mắt nhìn: Hoàng Mãnh khoanh tay đứng bên cửa từ lúc nào không rõ nữa. Trần Nhật Duật gượng cười:
    - Nhà ngươi đến đã lâu chưa?
    - Thưa đức ông, tiểu tướng đến đã lâu rồi ạ.
    Hoàng Mãnh trả lời rất cung kính nhưng trả lời xong thì anh ta lại toét miệng ra cười. Trần Nhật Duật lườm Hoàng Mãnh một cái tưởng đổ đình rồi bảo:
    - Quần áo tiến triều của nhà ngươi đã may xong rồi đấy. Thật là cờ kiếm vào tay rồi lại “rượu cần ai uống cho say, cuối mắt đầu mày kiệu võng sánh đôi”.
    Hoàng Mãnh cả cười, một vẻ ta đây thoáng hiện ra trong cái cười đó:
    - Thưa đức ông, việc nước vua giao thì phải nhận chứ còn việc vợ con thì...
    - Thì sao?
    - Thưa đức ông điện hạ, đã làm trai thì phải bốn biển tung hoành, sông hồ rừng núi là nhà, hễ vợ con vào chỉ tổ vướng víu cuộc đời thanh gươm yên ngựa giang hồ đó thôi.
    Trần Nhật Duật cười chế giễu:
    - Nhà ngươi nói du dương như thơ mã thượng. Có thể đem miệng lưỡi so sánh với miệng lưỡi của ông Tô Nghĩa Đông khi ông ta lem lém bàn về thơ sơn thuỷ kia đấy.
    Nghe Trần Nhật Duật ví mình với phái thơ sơn thuỷ và phái thơ mã thượng mà Tô Nghĩa Đông vác tự bên Tàu sang huênh hoang, Hoàng Mãnh ức quá nhưng anh ta sợ Chiêu Văn vương nên không dám cãi lại. Tô Nghĩa Đông là một văn thần nhà Tống lúc mạt triều. Khi nhà Tống bị quân Mông Cổ tiến quân tiêu diệt, Tô Nghĩa Đông lúc ấy giữ chức thị lang đã ra hàng quân Mông Cổ để cầu sống cũng như nhiều văn thần võ tướng khác của nhà Tống. Nào ngờ tướng Mông Cổ A Ta Khai rất ghét những thằng hèn nhát, phản chủ nên định đem Tô Nghĩa Đông đóng cọc nêu bêu ở chợ Dương Châu. Hình phạt đóng cọc nêu thường chỉ áp dụng để trừng trị bọn đạo tặc ở các nước dưới quyền thống trị của Mông Cổ. Đao phủ dùng một cây gỗ bằng bắp đùi dài và thẳng, thường là làm bằng gỗ liễu, một đầu đẽo nhọn. Chúng vật ngửa người bị hình phạt ra đất, trói thẳng dăng ra, dùng bò kéo để tống cái đầu cọc nhọn vào hậu môn kẻ bị tội rồi dựng đứng lên thành cây nêu ở những chỗ đông người như chợ búa phố phường để ra oai. Có những cọc nêu cao lắm. Người ta đi xa mấy chục dặm còn nhìn thấy xác người bêu co quắp trên ngọn cột nom như con khỉ ngủ. Tô Nghĩa Đông biết mình sắp bị hành tội, y liều mạng bỏ trốn. May mắn làm sao y trốn thoát khỏi ngục, chui vào được đoàn thuyền buôn từ bán đảo Lôi Châu ra đảo Quỳnh Châu. Từ Quỳnh Châu, y theo thuyền đánh cá lọt vào được vào Vân Đồn, cửa khẩu rất lớn ở biển Đông nước ta. Y vào trình quan ta trấn thủ Vân Đồn, xưng là vong thần nhà Tống. Bấy giờ các quan ta trấn thủ các quan ải biên thuỳ đã được lệnh cứu giúp kín đáo các vong thần nhà Tống. Vì thế quan trấn thủ Vân Đồn tiếp đón Tô Nghĩa Đông rất trọng vọng, mở tiệc áp kinh thết đãi cho y bớt sợ, tặng vàng bạc, tặng quần áo cho y mặc xênh xang rồi cấp thuyền, cấp ngựa đưa Tô Nghĩa Đông về Thăng Long. Tô Nghĩa Đông là kẻ có ngòi bút rất hoạt. Thoạt đầu khoác cái vỏ vong thần nhà Tống, đi đến đâu Tô Nghĩa Đông cũng múa bút làm thơ. Những bài thơ mã thượng của y đọc lên nghe như chuông, hơi thơ hào sảng có tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Các vương hầu kinh thành đua nhau mời Tô Nghĩa Đông đến dự tiệc hoặc dự các buổi bàn luận văn chương, các buổi bình thơ. Y trở thành một nhân vật huyền thoại như trong các thiên anh hùng ca thời cổ. Thơ y được truyền tụng, người ta chép cho nhau nào tuyển tập nào toàn tập Tô thi. Người ta kể truyền miệng cho nhau những chiến công của văn tướng Tô Nghĩa Đông ở hồ Phiên Dương, ở cửa quan Hàm Cốc, ở Kinh Châu, ở Giang Lăng, ở Điền Đông, ở Dương Châu, ở Quế Bắc... Những chiến công thần kì của Tô Nghĩa Đông mà, ôi kì lạ, chính y cũng chưa hề biết. Nhưng y cứ im lặng nhận tất.
    Mãi sau vong thần nhà Tống đào tẩu sang ta nhiều, nào Trần Trọng Vi, nào Tăng Uyên Tử, nào Mã Vượng, Tô Cảnh Do, nào Triệu Trung... Đột nhiên người ta thấy biến mặt Tô Nghĩa Đông một thời gian khá dài ở các đám tiệc tùng kinh thành. Rồi lại thấy y xuất hiện, lần này với điệu thơ cao đạo thoát tục toàn vịnh mây gió, trăng sao, sương mù, lừa ngựa. Nhiều người không cắt nghĩa nổi sự thoắt biến thoắt hiện của Tô Nghĩa Đông. Chỉ biết Triệu Trung thì không bao giờ chịu dự một bữa tiệc hoặc một cuộc luận bàn văn chương hay binh pháp nào có Tô Nghĩa Đông. Triệu Trung chính là viên tướng đã quần nhau với dũng tướng Thát Đát Ô Mã Nhi suốt một mùa đông tuyết lạnh lùng chung quanh cái biển hồ Phiên Dương và hiện nay là chỗ đi lại thân thiết với Hoàng Mãnh. Triệu Trung là người ít nói, cả ngày có khi không thốt một câu nên cũng chưa lộ chuyện gì với Hoàng Mãnh nhưng anh chàng tinh quái này cũng đã đoán ra uẩn khúc trong các mối rối như tơ vò đó. Thành thử bị ví với cái nhà anh Tô Nghĩa Đông, Hoàng Mãnh ức lắm. Mặt Hoàng Mãnh lầm lầm, tái đi rồi lại đỏ bừng lên, rồi lại tái đi. Anh cố gắng thưa bằng một giọng kính cẩn lạnh lẽo:
    - Kính thưa đức ông điện hạ, kẻ hèn mọn này vốn dòng ti tiện, đâu dám sánh với quan thị lang họ Tô.
    Trần Nhật Duật đâm ra thương Hoàng Mãnh, ông làm lành:
    - Nói chơi thế thôi. Em với ta cùng uống chung một bầu sữa mẹ. Em nghĩ thế nào thì cứ nói thẳng ra để ta khỏi bận lòng. Ta muốn em yên bề gia thất cho mẹ được vui lúc tuổi già. Em biết đấy, đích mẫu của ta là đức thái hoàng Thái hậu Hiển Từ vốn là người khoảnh nết không hay gần gụi các con. Sinh mẫu của ta là đức Thái hoàng thái phi lại là người thể chất yếu đuối, ốm đau quanh năm có trông nom chăm sóc gì được cho ta đâu. Chính mẹ của em mới vừa là nhũ mẫu vừa là dưỡng mẫu của ta. Mẹ cho ta bú, mẹ ủ ấm cho ta, mẹ che chở ta lúc ta còn nhỏ nhoi, mẹ chăm ta lúc ta ươn người hờn quấy. Ơn cúc dục của mẹ dẫu ta đền đáp đến bao nhiêu chăng nữa cũng không xứng.
    Trần Nhật Duật ngừng nói. Không khí thư phòng trầm hẳn xuống. Biết bao kỉ niệm hồi thơ trẻ trở về trong tâm trí dũng sĩ Hoàng Mãnh. Cái thuở chưa biết phân biệt tôn ti trật tự, bé Hoàng Mãnh thường bắt nạt bé Duật, nào cướp bánh trái, cướp đồ chơi, cướp quần áo, nào có bận còn đấm đá anh. Bà Trương bênh Trần Nhật Duật, bà đét cho bé Mãnh những trận rất đau. Mẹ đánh rồi mẹ lại thương Mãnh. Mẹ tắm cho Mãnh, mẹ ru Mãnh ngủ, âu yếm rung rinh Mãnh trong đôi tay ấm áp làm cho trí óc thơ ngây của Mãnh không sao hiểu nổi tính nết thất thường kì lạ đó.
    Rồi đến những năm tháng trai trẻ trưởng thành ở các trấn, Hoàng Mãnh càng ngày càng tài giỏi, càng khôi ngô, đẹp hùng tráng như một thần tướng nhà trời, mắt long lanh sáng như mắt quỷ, gờ mũi, đường viền quai hàm như đá tạc, một vành râu rậm đen lánh chạy từ mang tai bên này sang mang tai bên kia. Hoàng Mãnh đã làm thổn thức biết bao tấc lòng của các công nương ở các lộ anh theo Chiêu Văn vương đến trấn nhậm. Nhưng Chiêu Văn vương chưa nạp chính phi nên Hoàng Mãnh cũng dẹp chuyện vợ con sang một bên. Việc nàng Hai đang dày vò lòng anh. Bây giờ bỏ đi hỏi vợ trên lộ Đà Giang, Hoàng Mãnh cảm thấy như mình làm điều chi bạc nghĩa với Chiêu Văn vương. Ngay việc anh tiến triều nhận chức tướng quân Trấn điện, Mãnh cũng cho là nó na ná như một việc bỏ đi mà thôi.
    Hoàng Mãnh tự hào rằng không một ai hiểu nổi những khúc mắc sâu kín nhất trong lòng Trần Nhật Duật, cũng như không một ai có thể hộ vệ Chiêu Văn vương chu đáo bằng anh. Cũng có lúc trong cuộc đời phải có chia li; thật là một điều dĩ nhiên nhưng phi lí biết bao. Bây giờ nữa, nếu Hoàng Mãnh rời Thăng Long, ai sẽ là người an ủi đức ông Chiêu Văn trong những giờ khắc cô đơn làm man mác thêm nỗi buồn sẵn có.
    - Mẹ đã lên! - Hoàng Mãnh cúi đầu nói nhỏ.
    Hoàng Mãnh mừng rỡ, Trần Nhật Duật càng mừng rỡ hơn, ông đứng bật dậy:
    - Sao bây giờ mới nói? Mẹ ở đâu?
    - Mẹ ở ngoài tiền sảnh chờ anh cho vào.
    - Ô hay, cả khu phủ đệ này mẹ muốn vào chỗ nào không được. Thôi, ta ra tiền sảnh đón mẹ vậy.
    Trần Nhật Duật đi mau ra khỏi thư phòng. Ra đến cửa, ông chợt nhớ ra cái vật còn cầm trong tay. Ông liếc vội Hoàng Mãnh và giấu vật đó vào trong bọc. Hoàng Mãnh thoáng mỉm cười rồi lờ đi làm như không trông thấy gì hết.
    Trần Nhật Duật thấy bà nhũ mẫu họ Trương đỏ da thắm thịt hơn hồi bà ở trong cung nhưng vẻ mặt hơi tư lự.
    Trần Nhật Duật đoán rằng bà Trương chê nàng Hai là người Man Lão. Ông định bụng sẽ nói khéo cho Hoàng Mãnh và nàng Hai bởi vì thực ra cũng chẳng có đám nào hơn thế. Ông mời bà nhũ mẫu vào hậu đường để cho cuộc gặp mặt thêm ấm cúng gia đình. Bà Trương đã trên sáu mươi tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện lắm. Bà có một chiếc gậy lụi hun đen cầm trong tay nhưng chỉ là để cho đẹp lão, đó chính là làm dáng chứ không phải để chống cho gân cốt của tuổi già. Bà Trương đem theo một người đàn bà. Người này ôm khư khư trong lòng một chiếc đãy vải cứ như sợ mất cắp. Bà Trương thấy vậy bật cười bảo:
    - Bà đưa cho tôi cái đãy.
    Bà Trương cầm cái đãy, cởi cái lạt buộc miệng đãy ra, bà nói xởi lởi:
    - Thím Tư em dâu ông Đỗ đó. Cô ấy ao ước được lên kinh chơi một lần dối già nhưng tôi đưa cô ấy vào đây thì cô ấy lại sợ quá. Tôi đã bảo là đức ông rộng lượng lắm nhưng cô ấy vẫn chín vía còn ba.
    Trần Nhật Duật nhìn người đàn bà quê mùa mộc mạc mặc bộ quần áo may đã lâu, chắc chắn là thế nhưng chỉ mới xỏ tay đôi lần hiếm hoi trong đời người. Ông bảo bà ta:
    - Thôi cho phép bà lui.
    Người đàn bà vái lia vái lịa và theo người thị nữ đi về phía dãy nhà dành cho những người hầu gái. Bà Trương mỉm cười theo và khi người em dâu đi khuất mới ngoảnh lại lấy các vật trong chiếc đãy vải bày lên mặt sập:
    - Đây là quà quê, anh chị lòng thành mang ra.
    Bà Trương vẫn giữ lối xưng hô chị dưỡng - cậu hoàng với Trần Nhật Duật trong những lúc vắng vẻ thân tình như thế này. Chính Trần Nhật Duật cũng thích như vậy.
    - Sâu dâu để ngâm rượu này. Mật ong hoa trám này. Anh bảo thứ mật hoa trám này để người uống rượu nhiều dùng thì tốt lắm đấy.
    Trần Nhật Duật bật cười:
    - Vừa có thứ để ngâm rượu uống thích miệng vừa có thứ dùng cho giã rượu và hạ hoả. Quà của chị dưỡng sao mà khéo thế.
    Bà Trương hờn mát:
    - Chị ở chốn quê mùa làm sao mà có được quà quý. Vì thế cho nên cứ bảo tại sao chị chả dám lên kinh.
    Biết tính bà Trương, khi nào bà còn mở miệng là bà vẫn vui, Trần Nhật Duật đùa:
    - Lần này chị dưỡng không muốn lên kinh cũng phải lên.
    Bà Trương nghiêm ngay nét mặt lại. Bà nói giọng bồi hồi:
    - Cậu hoàng cho gọi chị lên kinh chắc vì việc thằng cả phải không? Thế việc đã đến đâu rồi?
    - Việc cũng mới bày ra nhưng em chắc phải xong. Chị cho em thay mặt họ nhà giai lo liệu việc này nhé.
    Bà Trương lo lắng:
    - Thì nó là em cậu hoàng. Chị chỉ lo họ người ta là thế gia phiên trấn...
    Trần Nhật Duật sửng sốt kiêu hãnh:
    - Em lại cứ tưởng chị lo chuyện gì kia chứ. Người nhà ta uy danh lừng lẫy ở bất kì đất nào trên nước Việt ta.
    Bà Trương ngắt lời.
    - Không phải chị so đo chuyện đó đâu. Ở cửa cậu hoàng, em nó là khách khanh đứng đầu hàng trăm tân khách, gia tướng, gia nô. Nó kém gì các bậc công hầu.
    Trần Nhật Duật bật cười vì ít khi ông nghe thấy bà Trương dùng lời lẽ kiểu cách chữ nghĩa hệt như một quan viên hàn lâm đến thế. Cái đó chứng tỏ bà Trương đã đem chuyện riêng hỏi ý những bậc túc nho rồi lời lẽ của họ nhập tâm bà.
    - Thế chị dưỡng ngại chuyện gì?
    - Ôi dào, nhà người ta tù trưởng cầm đầu một lộ. Lấy con cái nhà người ta thì phải ở rể trên ấy. Tôi sợ là tôi sợ chuyện ấy thôi.
    Trần Nhật Duật hỏi vặn bà Trương:
    - Thế thì mười mấy năm nay mỗi năm thằng Mãnh cũng chỉ về thăm chị được có mấy ngày thôi chứ gì. Có phải gửi rể châu Mai thì nó cũng mỗi năm về thăm cha mẹ đôi lần cơ mà. Có khác gì trước đâu nào?
    Bà Trương đột nhiên nói to lên, thật to:
    - Có khác, mà khác nhiều cơ. Khác là trước kia nó hầu hạ cậu hoàng quanh năm, bây giờ thì nó đi vui thú chỗ khác một mình nó.
    Trần Nhật Duật và bà Trương cùng im lặng. Trần Nhật Duật xúc động về tình nghĩa của mẹ con bà Trương đối với mình. Hoàng Mãnh đã chẳng gạt bỏ bao nhiêu mối lương duyên chỉ vì anh ta không muốn xa người anh em đồng nhũ đấy ư? Bây giờ bà Trương cũng vậy. Bà cũng không muốn Hoàng Mãnh xa Trần Nhật Duật. Vậy mà người mẹ nào chả mong mỏi con trai của mình sớm thành gia thất, để rồi sớm có cháu đích tôn nối dõi tông đường.
    Nhưng không phải bà Trương chỉ e ngại về mặt tình nghĩa mà thôi đâu. Có một mối lo lắng mơ hồ mà bà chưa từng suy nghĩ tìm hiểu nhưng sự mẫn cảm của một bà mẹ đã hướng bà về điều đó. Sức mạnh kín đáo và huyền bí của sự mẫn cảm ấy đã làm cho bà Trương lo lắng cho sự lẻ loi của Trần Nhật Duật. Xưa nay Chiêu Văn vương đã đảm nhiệm nhiều trọng trách của triều đình kể cả việc quân việc nước. Nào là chức trấn thủ những lộ quan trọng như lộ Thanh Hoá, lộ Đà Giang, nào là đem quân giữ yên bờ cõi, giữ yên từng vùng có kẻ phản loạn, nào là thay mặt triều đình làm giám sát các khoa thi Thái học sinh... Việc nào ông cũng làm tròn một cách xuất sắc. Tất nhiên sau một công lao xuất sắc ông lại được Quan gia trao những chức vụ trọng yếu hơn để rồi lại khen thưởng khi ông làm tròn một cách xuất sắc hơn nữa. Nhưng bấy nhiêu công việc, Trần Nhật Duật đều làm trong trường hợp có tả hữu giúp đỡ, nói cho đúng hơn là có người tâm phúc ở bên mà người tâm phúc ấy chính là Hoàng Mãnh. Bà Trương cảm thấy hình như phải có sự cặp đôi ấy, của hai tâm hồn, hai khối óc ấy để chúng bù trì cho nhau. Bà Trương mơ hồ cảm thấy những người thuộc dòng hoàng tộc như Trần Nhật Duật quen sống trong điều kiện có tả hữu đông đúc vây quanh, không quen chen vai thích cánh để mở lấy một hướng đi, không quen hay nói cho đúng hơn chưa được tôi luyện để một mình quả quyết và xông xáo vượt băng mọi ách tắc chướng ngại gay cấn trên đường đời. Bà lo cho Trần Nhật Duật chứ bà không lo cho Hoàng Mãnh trong cuộc chia lẻ này. Bà nói nhỏ:
    - Giá cậu hoàng cũng lập vương phi mà thằng cả nó cũng lấy vợ quanh đây thì chị cũng yên lòng hơn.
    Trần Nhật Duật vốn bắt gặp rất nhạy những uẩn khúc sâu kín trong đáy lòng những người ông gần gũi quen thuộc. Ông an ủi bà Trương:
    - Trước hay sau thì cũng phải lấy vợ cả thôi mà em Mãnh thì khó mà kiếm được một đám nào hơn đám này. Chị dưỡng cứ ừ đi một tiếng để em vui vẻ mà lo việc cho nó.
    Bà Trương cười, thoạt đầu nụ cười còn hơi gượng gạo rồi dần dần cũng tự nhiên. Trần Nhật Duật kể để bà Trương nghe qua những lễ vật sẽ đưa nhà gái hôm vấn danh. Ngoài cau, rượu, chè, trâu, lợn; Trần Nhật Duật còn cho dẫn cưới mười tấm đoạn đại hồng, mười hai đôi xuyến vàng, một bộ trâm, lược đồi mồi, một đôi hài thêu vóc tía. Chắc chắn theo phong tục châu Mai, nhà gái sẽ thách dẫn thêm hai mươi bốn bộ chăn gối bằng thổ cẩm, một trăm quan tiền. Tiền để phân phát cho bọn trẻ con trong vùng còn hai mươi bộ chăn gối để chia cho những người con gái họ Trịnh đã đi lấy chồng họ ngoài. Trần Nhật Duật đã sai gia nô đặt thợ thêu ở phường Tàng Kiếm dùng chỉ bạc cải những ô chữ Song Hỉ lên mặt chăn mặt gối. Những lễ vật này đúng là đồ dẫn cưới của nhà quyền quý! Hoàng Mãnh chẳng muốn lễ vật sang trọng thế. Anh muốn hôn lễ cử hành vui vẻ, thắm thiết, tưng bừng nhưng không vượt khỏi vị thế của những người dân thường trong làng quê của anh. Trần Nhật Duật can em, ông bảo hôn lễ này không phải riêng của cô dâu chú rể và hai họ, hôn lễ này còn biểu hiện sự gắn bó của triều đình với phiên trấn miền núi nữa. Chẳng những thế, Trần Nhật Duật cũng dè chừng miệng tiếng người đời chê ông nhẹ tình, không rộng rãi với người em đồng nhũ. Cái gương anh em đồng nhũ giữa thái tử Sảm nhà Lý với Đoàn Thượng cho đến bây giờ vẫn được người ta nhắc đến, kể cả những người trong họ Trần là những kẻ tử thù với họ. Trần Nhật Duật kiên quyết làm hôn lễ cho em theo ý mình. Hoàng Mãnh đành nghe lời anh nhưng Hoàng Mãnh dứt khoát đòi bỏ tiền riêng chi hết các khoản hôn lễ của mình. Anh nói:
    - Thưa đức ông điện hạ, đức ông ban thứ gì em cũng quý nhưng những khoản này phải để em chi kẻo người ta lại bảo thế nọ thế kia. Chỉ xin đến lúc cướp dâu, đức ông đi cho có một tay kiếm sắc.
    Bà Trương nghe con nói khảng khái cũng ưng ý nhưng bà sửng sốt ngẩn người ra mà hỏi:
    - Cướp dâu à? Thế là thế nào?
    Trần Nhật Duật cười và giảng giải cho bà nhũ mẫu hiểu tục cướp dâu ở châu Mai làm cho bà tái mặt đi:
    - Thế thì còn giời đất nào nữa! Đã gọi là thuận đôi vừa lứa thì mới cho làm lễ cưới chứ. Bây giờ lại còn bày ra cái trò cướp bóc phá phách này nữa. Mũi tên ngọn giáo lỡ ra mất mạng như chơi. Thôi mày về quê nội quê ngoại kiếm một cô gái quê làm vợ. Thiếu gì người đẹp đảm đang ngay các bậc vương công cũng phải thèm nhớ...
    Bà Trương vẫn há mồm mà không nói tiếp được nữa. Hoàng Mãnh liếc thấy Trần Nhật Duật bần thần cúi mặt xuống nên vội nói chữa:
    - Ôi dào ôi! Mẹ cứ lo phỗng lo loan. Đánh cướp một cô dâu thì nào có khó khăn gì. Con đưa đội dũng thủ của con lên thì hiểm trở như cửa ải Lê Hoa chúng con cũng chiếm phăng. Còn phong tục người ta trên ấy nó như vậy. Người ta giữ tiếng họ nhà người ta là họ to; người ta lại không muốn kén phải rể hèn. Mà việc này, đức Thượng hoàng đứng làm chủ hôn. Ai trái vương mệnh là mắc tội khi quân tru di ba họ. Mẹ cứ yên lòng. Việc khó nhưng đã có anh con đây.
    Bà Trương quát con:
    -Việc của mày mà mày cứ kéo anh mày vào. Cái trò đánh cướp ấy có khác gì đi trận đi mạc không nào. Mày muốn cướp gì thì mặc mày. Mày muốn cướp cả giời cũng được chứ tao là không bằng lòng để cậu hoàng cũng bôi mặt cầm tay thước đi cướp vợ cho mày.
    Trần Nhật Duật cười dàn hoà:
    - Cướp dâu mà chị dưỡng lại ví với bọn giặc cỏ bôi nhọ nồi lên mặt. Thôi... từ nay đến tháng một còn hơn bảy tháng nữa cơ mà. Đến lúc đó sẽ liệu sau.
    Bà Trương cũng cười. Đến lúc này cả ba người mới thực sự cùng một lòng bàn về lễ cưới, trước mắt là lễ vấn danh sắp tới. Bố mẹ chú rể và Chiêu Văn vương không phải đi châu Mai. Hoàng Mãnh cũng vậy. Trần Nhật Duật sẽ nhờ một ông học sĩ viện Hàn lâm thay mặt nhà trai dẫn một đoàn người ngựa mang lễ vật lên nhà họ Trịnh. Đám cưới của một tướng quân Trấn điện, sủng thần của nhà vua ắt phải vui vẻ, náo động - nhất là viên tướng đó đã từng là khách khanh trong mạc phủ của Chiêu Văn vương. Trần Nhật Duật sẽ đích thân viết lên lá thiếp hồng tên, họ, ngày sinh tháng đẻ của Hoàng Mãnh để ông học sĩ mang đi châu Mai trao cho nhà gái để so đôi tuổi hai trẻ.
    Cả ba người đều thấy trước lễ sẽ trọng thể nhưng họ đều không ngờ việc này đã được Thượng hoàng, Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải lưu tâm bàn bạc. Ngay khi được biết Hoàng Mãnh và nàng Hai nhà họ Trịnh có mối lương duyên, Thượng hoàng đã cho gọi hai đức ông vào cung Thánh Từ. Xét mối duyên này có khả năng thắt chặt thêm tình nghĩa giữa tù trưởng thượng du và triều đình, Thượng hoàng có ý sẽ giao cho ông Chính khanh Quang Lộc Tự mang biển Khâm sai đi dẫn lễ. Trần Quốc Tuấn tâu Thượng hoàng xin một ngũ lính hổ bôn hộ tống biển khâm sai. Trần Quang Khải nhấn mạnh hôn lễ này phải làm sao để các lộ thượng đạo thấy rõ triều đình rất quý các phiên trấn và cũng tôn trọng những dũng thủ có tài. Và cả ba người đều khen Trần Nhật Duật là người thông minh và tình nghĩa.
    Cung cách tiến hành lễ vấn danh tỏ rõ là họ Trần đã quyền quý ba đời, khác với cái thuở nửa dân chài nửa buôn biển, cướp biển vác đòng đi mở nước tìm một ngai vàng.
    Ngày xưa, họ Trần lênh đênh trên các triền sông Bạch Đằng, sông Luộc, sông Hoàng, sông Hoá, nghênh ngang biên hải; họ đặt tên con cái là những giống cá sông, cá biển. Ông tổ là Kình, chữ kình có bộ ngư là cá ở bên. Ông Kình sinh con đặt tên là Hấp chính là con trắm trong chữ nôm, thứ nữa là Lý, tên chữ của con cá chép, rồi đến thế hệ nữa: Khánh là con cá ngạch, Thừa là con cá dưa, Liễu là con cá nheo, Cảnh là con cá lành canh, tất cả đều có bộ ngư bên cạnh. Khi đã cướp được ngai vàng rồi, họ Trần sai bọn biết chữ soạn sách vàng dòng họ, bao nhiêu bộ ngư bỏ hết. Qua hai thế hệ bây giờ họ Trần đã là họ tôn quý, tên tuổi các con đều lấy điển trong kinh sách thật hay. Họ sang rồi thì lễ lạt cưới xin phải sang.

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 20 (Kết Thúc)

Người Thăng Long
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi