Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Thăng Long Nổi Giận Tác Giả: Hoàng Quốc Hải    
    Tự nhiên thấy nóng ruột, Trần Hưng Đạo đã cho Yết Kiêu về trước từ ba hôm. Nhưng cái buổi ra giảng binh pháp cho các tướng ở điện Giảng Võ, lúc trở về gặp An Tư công chúa, rồi hai anh em cùng ghé thăm phủ Chiêu Quốc vương tự nhiên ông lại thấy nóng nóng ở trong bụng. Thế là ông vội vã trở lại vương phủ, và ngay chiều hôm ấy ông xuôi về Vạn Kiếp. Thuận nước thuận gió, chiều hôm sau ông đã về tới thái ấp An Sinh.
    Các gia tướng Yết Kiêu, Dã Tượng ra tận bến thuyền đón chủ tướng. Các vị môn khách như Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Phạm Lãm, Trần Thì Kiến, Trình Giũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực... là các danh sĩ, danh tướng đương thời đã về qui tụ dưới trướng Trần Hưng Đạo cũng chuẩn bị xong xuôi công việc, chỉ chờ ông về, là đệ trình ông xem xét.
    Nghe các gia tướng gia thần và môn khách tâu bày xong. Trần Hưng Đạo thấy không có gì sai khác như ông đã sắp đặt lúc ra đi. Vậy thì ông nóng ruột là bởi cái gì. Ông bèn hỏi:
    - Ngoài những việc các ngươi đã kể, trong thái ấp của ta có còn xảy ra chuyện gì nữa không?
    Dã Tượng bèn tâu:
    - Bẩm đức ông, đức ông hoàng Sáu ( Trần Nhật Duật- con trai thứ sáu của Trần Thái tôn) có gửi từ Đà Giang về biếu phủ Hưng Đạo một đàn năm con voi tơ, để sung vào đội tượng binh của ta. Còn đức ông hoàng thì hẹn dăm bữa nửa tháng sẽ tới thăm ấp An Sinh.
    Hưng Đạo "à" lên một tiếng và nói:
    - Đúng. Đúng rồi, thế là ứng với điềm ta nóng bụng. Hỏi han sức khỏe và công việc của từng người xong, Hưng Đạo nói:
    - Các ông hãy về nghỉ, để ta đi thăm quân sĩ một lát, rồi đêm nay, xin các ông lại tụ hội tại đây để nghe ta nói lại các khoản mà sứ thần nhà Nguyên đòi hỏi, cùng một số công việc khác. Cấp bách lắm rồi, không gấp lên là không kịp.
    Thoạt tiên Hưng Đạo đi xem các đám dân binh luyện tập: chỗ kéo co, chỗ vật, chỗ chạy, chỗ bơi, lặn. Lại có đám tập leo trèo cây cao, cây to, bám chuyền trên các cành cây khẳng khiu, chuyền từ cây này sang cây khác. Rồi vác nặng, leo núi. Buộc túi cát vào hai bắp chân, tập nhảy cao. Đến đâu ông cũng úy lạo quân sĩ. Ông đi rồi, họ tập luyện hăng hơn. Hết đám lính bộ binh, Hưng Đạo lại sang xem đội kỵ binh tập cưỡi ngựa, bắn cung vượt qua hào rộng, đầm lầy, núi cao. Qua đội kỵ binh của Phạm Ngũ Lão, ông ghé trại thủy binh của Yết Kiêu. Ở đây quân chia làm nhiều tốp. Tốp tập đánh tay vo cướp thuyền giặc đang lao nhanh. Tốp tập lướt thuyền chặn giặc. Tốp tập đánh sáp lá cà. Tốp lại tập bơi vo, lặn sâu, lặn xa... Cuối cùng, Hưng Đạo vòng về đội tượng binh của Dã Tượng. Ở đây cũng chia làm nhiều tốp, tốp luyện voi non mới nhập trại của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật vừa trao tặng. Tốp rèn cho voi xông xáo vào các mục tiêu, các địa hình trắc trở như gai góc, cây leo, bụi cây, cây to cản đường, núi cao, nước sâu, lửa cháy... Cái giỏi của Dã Tượng là tạo được địa hình tập luyện như thật. Hưng Đạo thích thú đứng nhìn một đội ba thớt voi đi vào một nhánh đường hẹp, giữa có một cây to chắn lối. Thế là một con voi lùi xuống, hai con tiến lên lấy thân đẩy qua đẩy lại làm cho cây lung lay. Xong chúng quay đầu lại, dùng vòi nhổ bổng cây lên, ném qua vệ đường. Rồi ba con voi vừa gầm rống lên, vừa chạy ào ào như một trận bão lớn tràn qua, làm rung chuyển cả núi rừng. Lại một tốp ba thớt voi khác, đang đứng trên đường tiến quân, thì gặp một hồ nước rộng và sâu. Bờ hồ bên kia là quân giặc, đang nhất loạt bắn tên sang như mưa. Lũ voi gầm lên dữ dội, rồi ào xuống hồ nước bơi nhanh. Tới gần bờ, chúng dùng voi phun nước tới tấp, làm cho cánh quân cung nỏ ngã nháo nhào như chuồn chuồn gặp bão. Lại một tốp khác, do chính Dã Tượng điều hành. Tốp này đang dạy cho voi quen dạn với lửa. Vì voi vốn nhát lửa. Phàm thành trì bốc cháy, hoặc quân địch dùng hỏa công, voi thường bỏ chạy.
    Thấy Dã Tượng tận tụy với đội tượng binh và sáng chế ra nhiều cách đánh, Quốc Tuấn cảm động xuống ngựa, ông bước tới vỗ vào vai Dã Tượng nói:
    - Liệu có thành tựu không con? Ta có lời khen ngợi đội tượng binh.
    Dã Tượng với gương mặt biết ơn đối với sự săn sóc của chủ tướng, bèn đáp:
    - Bẩm đức ông, chắc là được. Mấy con voi này hiện đã quen với màu lửa, nay cho chúng làm quen dần với lửa.
    Hưng Đạo thấy cạnh đống lửa cháy lom rom, ngọn lửa bập bùng khi nhỏ khi to, lá mía xếp rải rác xung quanh đống lửa. Mấy con voi vừa đủng đỉnh nhai mía, vừa lơ đãng nhìn ngọn lửa.
    Lại nói, Dã Tượng xuất thân nghề rèn. Tính người ôn thuận, trung hậu, sáng dạ và hay tìm tòi chế tác. Thêm có biệt tài tôi, rèn sắt, nên các đồ binh khí qua tay Dã Tượng đúc, rèn thường chém gỗ đá ngọt như chém chuối. Là một gia nô tin cậy, được Hưng Đạo giao hẳn cho việc rèn binh khí trong quân. Kíp đến khi Quốc công lập đội tượng binh, đã giao cho nhiều quản tượng luyện voi chiến, chúng đều không theo. Dã Tượng xin làm thử, và làm được. Quốc công mừng lắm, liền cho Dã Tượng coi sóc đội tượng binh.
    Trên đường về, ông ghé thăm mấy ấp trại của đám nông phu. Ông ngó vào tận trong buồng, thấy nhà nào cũng đầy một lẫm thóc. Hỏi ra, mấy năm nay dân đã đủ ăn, không còn lo đói nữa. Hình ảnh các quân sĩ đang ham mải luyện rèn và dân tình no đủ, khiến ông thêm vững dạ. Nếu như mai đây quân Thát-đát có tràn vào xâm lấn cõi bờ, chắc là dân sẽ sát cánh cùng ông đứng lên gìn giữ mảnh non sông gấm vóc này.
    Tối đến, tại nhà đại bái đèn nến thắp sáng choang, các gia thần, gia tướng và môn khách đã tề tựu, Trần Hưng Đạo mới từ ngoài nhà thư trai bước vào. Ông vận chiếc áo thụng tía, đầu quấn khăn vành dây bằng lượt màu xanh ngọc. Tóc ông lơ phơ bạc. Ông có bộ râu năm chòm dài, rậm như râu Quan Công, và khuôn mặt vuông chữ điền. Mắt to sáng. Đôi tròng con ngươi sóng sánh như phát hào quang. Cặp lông mày lưỡi mác rậm hơi xếch, mỗi bên đều có dăm sợi dài vuốt cong lên. Toàn bộ con người ông, gương mặt ông, và dáng đi đứng của ông toát lên một phong thái uy nghi, đường bệ. Ông có giọng nói ấm áp, cứng cỏi thanh âm trong trẻo như tiếng chuông ngân, khiến như rót vào tai người nghe, không phải vì sự mê hoặc của ngôn từ, mà do uy lực của âm thanh quyến rũ. Chào hỏi mọi người, phân ngôi chủ khách xong, ông nói:
    - Ta không sợ gì cha con Hốt-tất-liệt, nhưng không biết cảnh thanh bình mà chúng ta đang an hưởng đây, còn kéo dài được bao lâu nữa? Nếu các ông ở Thăng Long, lại phải tiếp sứ giặc như ta, thời các ông hoặc là phải chém đầu Sài Thung, hoặc là phải sôi máu, vỡ tim mà chết. Sài Thung và tay chân của y đi lại nghênh ngang, từ nhà công sứ đến các nơi thờ phụng tôn nghiêm, hoặc nơi hội hè chợ búa, không còn biết kiêng nể gì. Nơi đông đúc, thì chúng phóng ngựa chạy vào. Nơi thưa vắng mà gặp ai thì roi da chúng đánh đến vỡ đầu sứt mặt. Nói năng chửi mắng thô bỉ. Từ nơi cung điện tới miếu đường, chúng đều không giữ lễ. Ngay ta đây, - vừa nói Trần Hưng Đạo vừa bỏ khăn ra cho mọi người xem, dấu máu còn đọng két trên đầu, - do đứa quân hầu Sài Thung lấy mũi tên nhọn đâm vào - Trần Hưng Đạo ghìm nén một tiếng thở dài trong lồng ngực. Ông dừng lời nhìn khắp lượt, các tướng văn, tướng võ, và gia thần. Ông đọc được trên gương mặt họ, lòng căm uất lũ giặc cậy thế ỷ quyền nước lớn, bắt nạt lân bang. Ông biết, chỉ khi nào ông truyền được lòng căm giận lũ chó kia, cho các chư tướng như lòng ông căm giận chúng, và các chư tướng lại truyền cho quân sĩ cũng được như vậy; tới khi nào cả vua quan, tướng lĩnh, sĩ tốt và thứ dân trong cả nước đều một lòng phanh thây xé xác quân giặc, thì khi ấy ông mới dám nghĩ đến chuyện ra quân và thủ thắng cha con Hốt-tất-liệt.
    Biết các thủ hạ đang nóng lòng chờ ông nói tiếp, Trần Hưng Đạo lại chụp chiếc khăn lên đầu, và thong dong nói:
    - Con sói già Hốt-tất-liệt nằm trong hang ổ ở Yên Kinh đòi nước ta cái gì, xin chư vị hãy nghe đây - Hưng Đạo cúi xuống mở nắp chiếc tráp nhỏ, lấy ra một cuốn sách, và đọc. Xong ông nói - Trước sau thì y vẫn đòi ta có sáu việc chính. Triều đình đã cân nhắc kỹ lưỡng. Nay chỉ cần nhận một trong sáu việc là nước không còn chủ quyền quốc gia nữa. Vả lại quân kia như loài hổ đói, ta nhận một, chúng đòi hai, đòi mười.
    - Quân trưởng vào chầu ư? - Không được.
    - Phải chịu quân dịch?
    - Phải nộp tô thuế?
    Đó là bổn phận của các quận, huyện trong cả nước, phải đóng góp cho triều đình. Lũ chó này ở xa ta hàng vạn dặm, dám hỗn xược hư trương thanh thế, định biến ta thành nô lệ cho chúng chỉ bằng mấy lời dọa dẫm chăng?
    Các ông có biết, Hốt-tất-liệt còn dọa vua ta điều gì không? Y nói rằng: “ Nếu cố ý kháng cự mệnh trẫm, thì ngươi cứ bồi đắp thành trì, sắm sửa giáp binh, sẵn sàng mà đợi...".
    Ngừng lời một lát, Quốc Tuấn nhìn khắp gương mặt các thuộc hạ của ông. Ông hiểu rằng, họ đã ghét cái mà ông ghét. Ông đặt cho họ một câu hỏi:
    - Vậy chớ xin hỏi các ông, có phải lần này Hốt-tất-liệt vẫn dọa ta chứ?
    Không khí im phăng phắc. Chỉ nghe thấy tiếng bấc đèn nổ lép bép, và cả tiếng muỗi vo ve trong xó tối.
    Một lát sau, Phạm Ngũ Lão lên tiếng:
    - Bẩm đức ông, theo ngu ý của tiểu tướng, lần này Hốt-tất- liệt nói thật, chứ không chỉ là việc đe suông.
    - Căn cứ vào đâu tướng quân cho những lời dọa dẫm kia là thật?
    - Bẩm đức ông, đó là do thái độ hống hách, trịch thượng, vô lễ của sứ giả. Y tìm đủ mọi cách khiêu khích, để sao cho ta nổi đóa lên là bọn chúng có cớ cất quân sang. Thái độ của Sài Thung như vậy, có nghĩa là ở Yên Kinh người ta đã sẵn sàng. Xin đức ông, với uy đức của mình, làm thế nào cho triều đình gắng nín nhịn. Và phải lấy lòng Sài Thung; dù việc đó có phải nhẫn nhục, tốn kém, vẫn còn hơn là xảy ra binh hỏa, trong khi lực ta chưa vững.
    Phạm Ngũ Lão vừa dứt lời, Nguyễn Thế Trực đã lên tiếng:
    - Bẩm đức ông, Phạm tướng quân nói rất đúng. Việc chiến hay hòa lúc này là tối quan trọng. Hòa với giặc có nghĩa là, hàng chúng nó. Là dâng nước cho quân Thát-đát một cách hèn nhát. Mà chiến trong lúc thế dân sức quân chưa sẵn sàng, tức là đánh một nước cờ liều, đem trứng chọi với đá, mất nước như chơi. Bởi thế, việc chọn lựa đường đi nước bước của ta, là không có quyền được sai. Sai là mất hết. Là không còn gì để làm lại nữa.
    Trước lời nói chân thực của hai vị tướng văn, tướng võ, Trần Hưng Đạo vô cùng xúc động. Không những ông cảm thấy yên tâm, mà còn sung sướng nữa. Bởi kẻ sĩ đã nghĩ suy, điều mà cả quốc dân cùng đau khổ. Ông yên tâm, bởi không những họ chỉ biết quan hoài đến tình thế, mà còn biết cách thoát ra khỏi tình thế. Và ông vui sướng, cũng bởi họ đã chia sẻ cùng ông, nỗi lo cho cả dân tộc. Và vì thế họ rất xứng đáng là môn khách của ông.
    Lấy làm mãn nguyện, Trần Hưng Đạo đưa tay lên vuốt vuốt chòm râu tới ba lần. Thong thả ông lại nói:
    - Thế giặc lần này không sơ sài như năm Đinh tỵ (1257). Chúng đã bình định xong Trung Nguyên. Cái đất nước mênh mông mà của cải và con người đều nhiều như cát sa mạc ấy, Hốt-tất-liệt có thể lấy cả trăm vạn quân, xéo nát bờ cõi giang san của ta không phải là chuyện chúng không làm được. Nhưng không phải việc gì chúng cũng làm được. Không phải việc gì chúng muốn là làm được. Như việc tiến đánh Nhật Bản. Đã mấy lần đi mà không đến. Thế mà bên ta còn nhiều điều thật đáng lo ngại. Như bữa trước ta đã bàn với các ông, xem có kế gì phá được cái oai hão, rằng quân Nguyên là một đội quân bất khả chiến bại. Rằng dưới gầm trời này, quân Nguyên là vô địch. Nỗi ám ảnh ấy không chỉ có ở những người nhát sợ trong dân chúng, mà nó còn có ở trong giới sĩ phu, tướng lĩnh và cả một số đại thần.
    Lại nữa, điều này ta cho là trọng yếu nhất trong sự nghiệp hưng binh. Tức là phải làm sao cho dân chúng chóng giàu. Chí ít là nhà nhà dư dật, thì ai ai cũng sẽ chăm lo đến việc mở mang kinh tế. Nếu dân chúng giàu, thì nước mới có cơ mạnh được. Theo đó, nhà nhà lại yên tâm cho chồng con sung vào quân thứ, đi luyện tập dài ngày. Như trước đây là thời bình, mỗi năm hai lần sau mùa vụ, tới hạn kỳ đám nông phu đem tiền gạo của nhà đi ở lính, để tập luyện hoặc làm các việc trong quân. Hết hạn lại về làm ruộng. Nay xét tình thế gấp gáp. Việc luyện quân đòi hỏi phải ráo riết, và dài ngày. Ngay khi họ đã thạo các việc trong quân rồi, lại phải dạy cho họ về binh pháp nữa. Bởi ta xem người lính, khác với quân cờ. Nếu họ am hiểu, nhiều khi vắng tướng lĩnh, tự họ khắc xoay chuyển được tình thế.
    Ta vẫn nói, nếu các ông có kế sách làm được các điều ta mong mỏi, thì dù có phải chia nửa thái ấp của ta cho dân chúng, và giải tỏa hết đám nông nô, ta cũng sẵn sàng. Việc này không chỉ riêng ta làm. Mà các vương hầu khác cũng sẽ phải làm. Vì mất một phần gia sản còn hơn là mất nước. Một khi nước đã mất thì thân cũng chẳng còn, nói gì đến thái ấp và nô tì. Nào, bây giờ đến lượt ta nghe các ông. Các ông cứ mạnh dạn, dù điều các ông nói có hại cho ta, nhưng lợi cho nước thì các ông chớ có nề hà.
    Lời nói của Trần Hưng Đạo như dứt từ tủy xương, từ óc não ra, khiến các quan thuộc hạ đều cảm động. Đáp lời kêu gọi của ông, ít lâu nay các tướng đều lo đến việc tìm kế sách đánh giặc, giữ nước.
    Tiếp lời ông, Trương Hán Siêu liền nói:
    - Đáp cái ơn tri ngộ của đức ông, chúng thần đã bàn tới nát nước. Điều mà đức ông hỏi, làm thế nào cho trên từ đấng quân trưởng, tới các vương hầu, dưới đến các sĩ thứ và con dân trong nước, ai ai cũng căm ghét quân Nguyên tàn bạo, và tin ở sức mình dám đánh, quyết đánh. Việc ấy, không gì hơn là phải phát hịch, bố cáo trong cả nước. Nói rõ cho mọi người biết sức địch, thế ta. Nhất là đường lợi hại của lẽ tồn vong, sự liêm sỉ của mỗi con người, và trách phận của họ trong lúc quốc gia hữu sự. Khi đã khơi được lòng tự tôn và tự trọng dân tộc trong mỗi con người, thì không còn kẻ thù nào là vô địch đối với họ nữa. Việc này xin đức ông, nếu thấy là việc cần kíp, nên phải làm ngay. Vì nếu mọi người còn chưa tin vào sức mình, thì chưa thể bắt đầu khởi sự được.
    Trần Hưng Đạo gật đầu tán thưởng. Ông ghi lời nói của Trương Hán Siêu vào trong một cuốn sổ. Phía ngoài bìa cuốn sổ đó có hai chữ lớn: "MƯU THUẬT".
    Sau Trương Hán Siêu, Trình Giũ nói:
    - Nhờ chính sách thân dân, từ đời tiên đế, đã lo cho dân được đủ ăn, đủ mặc. Nước thì đủ binh. Cho nên cuộc xâm lấn của Thát-đát năm Đinh tị đã bị đánh tan. Người dân trong nước, ai cũng tin triều đình. Cho tới ngày nay, mọi sự đều tinh tiến cả. Tuy nhiên, như đức ông nói: lực của kẻ thù lớn hơn xưa gấp bội. Cho nên, muốn thắng chúng, ta cũng phải có một nội lực khang cường hơn. Tức là quân nhiều hơn, lương thảo, khí giới nhiều hơn. Tất cả những điều ấy, đều phải trông cậy vào dân. Nếu dân cùng lo với nỗi lo của quan quân, hẳn là ta không còn sợ kẻ kia cậy mạnh nữa. Nhưng làm thế nào để dân cùng lo mối lo của quan quân?
    Trình Giũ kết thúc thâm ý của mình bằng một câu hỏi lửng.
    Phạm Lãm tiếp luôn:
    - Trình tiên sinh đặt câu hỏi, nhưng tiên sinh lại bỏ lửng. Thần dám chắc mọi điều giải tỏa nỗi quan hoài của đức ông, lại đều nằm trong câu hỏi đó. Chủ kiến của thần là: con người sinh ra có hai điều mong muốn nhất. Một là tự mình xoay xỏa lấy cuộc đời mình, không phải lệ thuộc ai, không phải sống kiếp tôi đòi. Hai là, phải có cái ăn cái mặc. Mà muốn có cái ăn cái mặc, trước hết phải có ruộng đất. Thâu tóm lại sở nguyện của con người từ thái cổ đến nay, vẫn chỉ là tự do và tư hữu. Đại Việt ta từ khởi thủy đến nhà Lý, ruộng đất vẫn là của nhà nước, gọi là quốc điền. Bản triều ta vẫn noi theo các triều trước. Duy tới năm Giáp dần (1254) Nguyên phong thứ tư đời tiên đế, mới ban hành chính sách bán ruộng công. Mỗi một diện là 5 quan. Từ đấy, nhân dân mới có ruộng tư. Từ khi có tư điền, lúa ruộng tốt hẳn lên. Mùa vụ thóc lúa nhiều hơn. Dân chúng ai cũng mong muốn có mảnh ruộng, và được làm ăn trên mảnh đất của mình. Nhưng không phải ai cũng có đủ tiền mua ruộng. Để trong dân, ai cũng có chút ít ruộng đất, theo thiển ý của tiểu nhân, nhà nước nên xẻn bớt quốc điền, để cấp cho những người không có ruộng. Lại cho dân tự khẩn hoang đất rừng, đất bãi bồi ven sông, và hạn chế phần chiếm hữu. Quá hạn giới, phải nộp cho quốc điền phần nửa, Nơi nào không có đất đai hoang hóa thì xẻn bớt một phần đất thái ấp của các vương hầu, bán cho dân. Ai không có đủ tiền được trả dần trong một hạn định. Lại nữa, số nông nô, nô tì các nhà quan hiện chiếm hữu quá nhiều. Nếu như các dân ấy được giải tỏa mà lại có thêm ruộng đất nữa, thì thần đoán chắc, chỉ trong vòng vài ba năm, nước ta không muốn sung túc dư thừa (lương thực và các sản vật chăn nuôi như trâu bò gà lợn) cũng không được. Và một khi người dân đã được hữu sản, mà trong nước có họa xâm lăng, đức ông và ngay cả nhà vua, có muốn cản không cho họ nhập quân đánh giặc giữ nhà, giữ nước cũng không được. Bởi vì sự gắn bó của dân với nước là ở chỗ phần của họ có gì trong đó. Còn nếu như, bẩm đức ông - Phạm Lãm chợt giật mình, vì ông ngại lời nói của ông có gì phạm thượng, ông nhìn Hưng Đạo như có ý dò thăm.
    Hiểu ý Phạm Lãm, Hưng Đạo tươi cười, giục:
    - Tiên sinh cứ nói hết ý mình, đừng nên lựa ý chọn lời sao cho đẹp lòng ta. Nếu ta đẹp ý mà dân bất bình, để rồi nước rơi vào tay giặc, thì cả ta và các ông đều có tội với tiền nhân, có tội với dân nước nhiều lắm.
    Được lời an ủi, Phạm Lãm hồ hởi nói tiếp:
    - Bẩm, xin đức ông và các chư huynh tha lỗi cho, ý thần muốn nói rằng, nếu người dân chỉ có mỗi cái quyền đi đánh giặc và để được chết, còn lợi thì thuộc hết thảy về nước và các quan trên, thì bẩm đức ông, nước không có nghĩa lý gì với họ cả. Và sự thể sẽ là họ trốn lính. Trốn mọi phận sự.
    Dạ, ngu ý trên đây, là thần muốn đáp ứng lòng mong mỏi của đức ông, sao cho dân chóng giàu, và người dân hết lòng với nước. Đương nhiên là phải có va chạm đến quyền của các vương hầu. Bởi lẽ ruộng đất chỉ có hạn, nay muốn quân phân cho dân chúng, nếu không xẻn bớt quốc điền và điền trang, thái ấp thì lấy đâu ra? - Phạm Lãm ngừng lời. Trong thâm tâm ông cũng lo lời nói thẳng của mình. Nhất là lại đối với người mình hằng kính trọng.
    Phạm Lãm vừa dứt lời, Nguyễn Thế Trực đã đứng lên. Ông nói:
    - Trình đức ông, nếu các việc như Phạm tiên sinh vừa nói, được triều đình chấp thuận cả, thì lo gì ta không có binh nhiều, binh mạnh. Và theo ngu ý của tiểu sinh, đức ông thử suy ngẫm xem, ta có nên đặt thành lệ miễn việc quân cho những người còn cha mẹ già yếu, không nơi nương tựa. Hoặc những người chủ gia đình, nếu thiếu họ, vợ con sẽ lâm cảnh khốn cùng. Lại nữa, các gia đình chỉ có một con trai, cũng nên miễn việc quân cho họ. Còn như cha mẹ mới mất, thì được hoãn việc quân sáu tháng. Người nào đang ở trong quân, có cha mẹ chết, cũng cho về nhà cư tang sáu tháng. Ngoài các điều tha giảm trên đây, kẻ nào vi phạm đều bị khép vào tội ngũ nghịch mà trị.
    Tiếp lời Nguyễn Thế Trực, Ngô Sĩ Thường tâu:
    - Nếu những điều khải thị lũ thần vừa tâu như hạn nô, hạn điền, cấp đất... mà được đức ông cùng hoàng thượng chuẩn cho, thì triều đình phải ban bố thành một chương luật mới, bổ túc thêm cho bộ quốc triều hình thư.
    Trần Thì Kiến rất lấy làm tâm đắc về cao ý của Ngô Sĩ Thường, ông nói:
    - Từ cổ đến nay, các học giả đã bàn nhiều về nhẽ trị loạn nhưng đều không ngoài ý của Khổng Tử. Tức là không lo ít , chỉ lo không công bằng; không lo nghèo mà lo không yên ổn. Vậy muốn cho công bằng và yên ổn thời chỉ có giữ nghiêm pháp luật. Muốn giữ nghiêm pháp luật, không gì bằng những người cầm cân nảy mực trong bộ máy quốc gia, không được đứng ra ngoài hoặc đứng trên pháp luật. Về việc này trong thời tiên đế, Thái sư thống quốc Trần Thủ Độ đã nêu một tấm gương rực sáng, không những cho đương thời, mà còn cho muôn đời con cháu.
    Nghe những lời tâm huyết đầy nghĩa khí của đám mưu sĩ và gia thần, Trần Hưng Đạo rất lấy làm cảm kích. Đúng là nuôi tướng ba năm dùng một giờ. Đúng là những người này cảm mến cái đức của ông, nên ông mới lưu giữ được họ ở lại thái ấp. Trước sau, ông vẫn đãi họ như đãi những bậc thượng khách. Và ông kính họ, như kính các bậc quốc sĩ. Mặc dù tuổi họ còn ít. Có người còn thua cả tuổi con ông như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu. Còn về đường tài năng, quả là họ chưa có gì hiển lộ, chưa có cơ hội để họ bộc lộ chân tài. Nay nước nhà bị bọn giặc ngoài dọa nạt xâm lăng, bao nhiêu điều uẩn khúc như một búi tơ vò rối, lòng còn đang ngổn ngang, chưa biết chuyển xoay thế nước ra sao, thì chính họ - những kẻ được người đời gọi là bạch diện thư sinh này đã toan tính cùng ông... Trần Hưng Đạo đang mải miết nghĩ suy về những điều mà gia tướng, gia thần của ông mách bảo, thì Phạm Ngũ Lão lại nói:
    - Các bậc huynh trưởng đã bày tỏ với đức ông đến cạn nhẽ, về các kế sách làm cho dân giàu nước mạnh. Thần tuy là một tướng trẻ bất tài, cũng xin trình đức ông một mẹo nhỏ. Đức ông thường dạy: "Quân cần tinh chứ không cần nhiều". Nay quân của ta không nhiều mà cũng chưa tinh. Vậy xin đức ông, trước hết hãy mở hội thi võ trong vùng ấp An Sinh này. Hội mở từ các xóm thôn, cứ tinh tuyển dần lên tới xã, tổng, trấn, lộ. Thi đủ các môn: vật, võ, đao, kiếm, côn, quyền, bắn cung, bắn ná... Thi bơi. Thi lặn. Lặn sâu, lặn lâu, lặn xa. Thi mang vác nặng. Thi đi nhanh, chạy nhanh, thi đua thuyền, đua ngựa. Cỡi ngựa, bắn cung... Rồi chim đưa thư, chó đưa tin, ai nuôi luyện được các loài cầm thú trên, đều được trọng dụng. Cứ là dân biết đến đâu, thi đến đấy. Biết môn nào thi môn ấy. Trong khi dân gian thi, thì các vương hầu cử người đi lựa tuyển. Nhân tài từ đấy mà ra. Nếu năm nay được một, sang năm ắt phải được hai ba lần nhiều hơn. Xin đức ông hãy cứ thử một phen - nói tới đây, Phạm Ngũ Lão ngừng lời.
    Trong cuốn sổ "MƯU THUẬT", Trần Hưng Đạo ghi gần kín những lời bàn tâm huyết - những kế sách hưng quốc, hưng binh.
    Đêm dã khuya, các đĩa đèn đã cạn dầu, những con muỗi, những con thiêu thân ngã vào ngấm dầu trương phình lên, nay bắt đầu cháy và lép bép nổ như bỏng rơm. Ngay đầu sảnh, bọn đầu bếp dã dọn sẵn cháo gà. Trước khi về nghỉ, Trần Hưng Đạo cảm kích nói thêm đôi lời:
    - Những điều các ông tỏ bày, đều là những việc cấp kỳ, không thể không làm. Có diều, các việc đó sẽ đụng chạm đến lợi lộc của một số người quyền cao chức trọng. Quả thật, việc này làm được là muôn khó. Vì rằng, từ lâu người ta dã quen sống với việc chỉ nhận thêm vào hơn là phải xén bớt di, dù là quyền hay lợi cũng thế cả thôi.
    Một phút đắn đo, gương mặt Hưng Đạo đầy đau khổ, như là ông đang vận nội công để nuốt trôi đi cả một túi mật đắng đang chẹn cứng nơi yết hầu. Sau giây lát phân tâm, Trần Hưng Đạo lại trở về với bản ngã đoan chính.
    Bằng một giọng trầm ấm, ông nói thật là khúc chiết, rành rõ:
    - Các việc trên đều phải được thực hiện. Vì nó là quyết sách sống còn của cả dân tộc và vương triều. Việc đó sẽ bắt đầu từ thái ấp An Sinh, từ phủ Hưng Đạo!
    

Xem Tiếp Chương 9Xem Tiếp Chương 27 (Kết Thúc)

Thăng Long Nổi Giận
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Đang Xem Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
  » Xem Tiếp Tập 24
  » Xem Tiếp Tập 25
  » Xem Tiếp Tập 26
  » Xem Tiếp Tập 27
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất