Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Tình Hận Tác Giả: Ngô Viết Trọng    
    Quang Thiệu buồn rầu, ái ngại hỏi lại:
    - Tôi nghe người nhân thấy người lâm nguy thì ra tay cứu giúp chứ cần chi biết lai lịch người thọ ơn thưa ông Cả !
    Cả Lục nói như phân trần:
    - Xin ông đừng lấy làm lạ thấy chúng tôi có vẻ tò mò. Tôi chỉ muốn biết sơ một vài điểm cần thiết để có thể phỏng đoán bệnh trạng mà chữa cho ông anh thôi.
    Quang Thiệu im lặng chốc lát rồi ngùi ngùi:
    - Thôi, tới nước này tôi cũng không giấu ông làm gì nữa. Người bệnh đây chính là Hoài vương Trần Liễu, còn tôi là môn khách của người tên là Trần Quang Thiệu. Chúng tôi đang gặp nạn lớn, sống chết xin tùy lượng ông Cả vậy!
    Cả Lục vô cùng ngạc nhiên, thắc mắc:
    - Vậy ra quí ngài là yếu nhân của triều đình, kẻ thôn dân không biết cam thất lễ ? Nhưng sao vương gia lại mớ nói ra những lời gì khác lạ vậy? Phải chăng đã xảy ra chuyện gì? Tại sao tiên sinh không thông báo với bất cứ viên chức thôn xã nào về bệnh trạng của vương gia? Tôi nghĩ rằng bất cứ địa phương nào cũng có nhiệm vụ tìm mọi cách thông báo hoặc đưa vương gia về triều để kịp thời cứu chữa cho người, sao tiên sinh không tính chuyện ấy?
    Quang Thiệu bất đắc dĩ phải kể lại mọi chuyện đã xảy ra. Nghe xong, Cả Lục nói:
    - Vậy sáng mai tôi phải trình việc này với cậu tôi để ông ta tính sao!
    Quang Thiệu ngần ngại:
    - Xin ông Cả tha lỗi, liệu trình lại với ông cụ có thể gây sự nguy hiểm không đây.
    - Tiên sinh cứ yên lòng. Cậu tôi một đời chỉ biết cứu người, không màng danh lợi cho nên ông mới từ quan về ở ẩn. ông là một thầy thuốc có tài, đã từng làm ngự y trong triều. Nếu không nhờ tay ông ta, tôi sợ mình không đủ sức chữa cho vương gia. Tuy nhiên, để ngăn ngừa chuyện có thể lộ ra đến tai triều đình, xin tiên sinh cũng như vương gia phải giữ kín tông tích. Xin hai vị từ nay coi như thân nhân của tôi cho tiện.
    Quang Thiệu nghe Cả Lục nói thế thì cám ơn rối rít.
    Hôm sau, vừa tảng sáng, Cả Lục thân hành sang nhà ông cậu. Sau khi nghe cháu trình bày đầu đuôi câu chuyện, ông cậu cười:
    - Cậu cũng không ngờ cháu to gan đến thế. Chấp chứa phản tặc mắc tội tru di tam tộc như chơi đấy. Nhưng làm việc nhân nghĩa thì trời không phụ lòng đâu. Cháu đã có lòng như vậy thì cậu đâu tiếc sức. Tuy nhiên, phải hết sức cẩn thận đấy.
    - Dạ, cháu sẽ hết sức cẩn thận.
    Quang Thiệu ở nhà hồi hộp đợi chờ. Một chốc sau thì Cả Lục trở về với một ông già. Quang Thiệu ngạc nhiên thấy ông già mặt quen quen. Hình như đã gặp nhau đâu đây rồi.
    - Kính chào cụ!
    - Không dám, kính chào tiên sinh!
    Hai người chào nhau trước khi Cả Lục kịp giới thiệu. Qua giây phút ngạc nhiên, Quang Thiệu chợt nhớ ra đây chính là ông già câu cá mà Hoài vương và ông đã thấy hôm kia . Quang Thiệu mừng rỡ như gặp được người quen cũ.
    - Xin tiên sinh cho phép tôi vào thăm vương gia một tí.
    Quang Thiệu và Cả Lục đi trước, ông già theo sau. Ông bước lại đứng cạnh giường Hoài vương quan sát. Lúc ấy Vương hơi tỉnh táo, nghe tiếng động Vương mở mắt ra thấy ông già thì lộ vẻ ngạc nhiên. Vương lại nhìn về phía Quang Thiệu như muốn hỏi. Quang Thiệu biết ý giải thích:
    - Vương gia, đây chính là cụ già câu cá mà mình gặp hôm kia. Cụ chính là một viên quan ngự y của triều đình đã hồi hưu. Vương gia yên trí cụ sẽ chữa lành bệnh cho ngài.
    Đến lượt cả cụ già lẫn Cả Lục ngạc nhiên, Cả Lục hỏi:
    - Thì ra vương gia và tiên sinh đã gặp cậu tôi rồi?
    - Không, thật ra bữa đó chúng tôi đã thấy cụ khi cụ đang câu cá nhưng chúng tôi ẩn mặt không dám lại chào.
    Cụ già vái Hoài vương một cái:
    - Lão là Phạm Lũy, kính chào vương gia, xin tha tội thất lễ!
    Vương nhẹ gật đầu, mặt có sắc vui nhưng không nói gì, tỏ vẻ mệt nhọc. Sau đó vương lại nhắm mắt. Cụ Phạm nhìn sắc mặt rồi xin phép xem lưỡi, sờ trán, sờ lưng và cầm tay vương bắt mạch rất cẩn thận. Quang Thiệu im lặng lo lắng chờ đợi.
    Thấy cụ già đã ngừng tay, Quang Thiệu nôn nóng hỏi:
    -Thưa cụ, bệnh tình vương gia ra thế nào?
    - Lẽ ra bệnh chưa đến nỗi nào, nhưng vì uất khí bên trong xung lên quá dữ dội làm kinh mạch đảo lộn hết, khiến bệnh chóng trở nên kịch liệt. Nếu để chậm một hai ngày nữa có lẽ khó phương cứu chữa... Bây giờ gặp lão thì tiên sinh cứ yên chí.
    Cụ Phạm trở ra ngoài hết thuốc và chỉ cho người nhà Cả Lục cách sử dụng. Sau đó, Cả Lục mời cụ cùng ngồi Quang Thiệu uống trà.
    Uống xong một ngụm nước, Quang Thiệu thưa:
    - Kính thưa cụ, thưa ông Cả Lục, tính mạng vương gia nếu không gặp nhị vị chắc không xong rồi. Chúng tôi thật mang ơn nhị vị như ơn trời biển tái tạo. Nếu sau này chúng tôi được giải oan mà trở về triều thì nhất định vương gia sẽ không quên ơn ấy đâu...
    Cụ Phạm khoát tay:
    - Xin tiên sinh đừng bận tâm chuyện đó làm gì. Cứu nguy giúp khốn là sở nguyện của chúng tôi. Bây giờ chúng ta cầu sao cho vương gia chóng phục hồi sức khỏe, tai qua nạn khỏi là chúng tôi mừng rồi. à, tiên sinh có thể cho lão biết tình trạng Cựu Hoàng Chiêu Thánh bây giờ ra sao không? Đáng tiếc, một người sắc nước hương trời như vậy mà số phận hẩm hiu ?
    - Thưa cụ, chính tôi cũng không biết gì. Tôi theo Hoài vương đi bên ngoài nên rất mơ hồ về chuyện xảy ra ở trong triều.
    Cụ Phạm thở dài:
    - Không ngờ thời buổi này lại xảy ra những chuyện động trời đến thế!
    - Thưa cụ, tôi nghĩ chắc cụ đã quá chán chốn bụi hồng nên mới về đây tìm thú lâm tuyền!
    - Vâng, thưa tiên sinh, cuộc đời dâu bể lắm chuyện thị phi, lão phu phần chán ngán công danh, phần tuổi già sức yếu nên về qui ẩn chốn này cũng hơn năm năm rồi. Lão phu là ngự y từng phục vụ các triều Cao tôn, Huệ tôn, Chiêu Hoàng nhà Lý rồi đến triều Thái Tôn nhà Trần. Tuy đã qui ẩn, lão phu vẫn nguyện mình còn giúp đời được gì thì cứ giúp. Tiên sinh cần gì cứ nói, lão phu rất sẵn sàng giúp đỡ nếu được.
    - Thưa cụ, việc chữa bệnh cho vương gia là chính yếu trước mắt. Chúng tôi đội ơn nhị vị quá nhiều rồi. Nhưng sau này có thể chúng tôi còn làm phiền cụ và ông Cả Lục nhiều nữa.
    - Không sao, xin tiên sinh cứ việc! ở triều xảy ra bao nhiêu chuyện lớn lao như vậy mà lão đây có hề nghe gì đâu! Nếu vương gia và tiên sinh không đến đây không biết bao giờ lão mới biết được. Rõ là ếch ngồi đáy giếng.
    Chừng mươi hôm sau Hoài vương đã hoàn toàn bình phục. Sợ ở lại lâu có thể gây liên lụy cho gia đình người ơn, Hoài vương cáo từ lên đường. Bấy giờ thì hai ông đã có đủ áo quần ngụy trang để có thể trà trộn trong dân chúng. Cụ Phạm Lũy cảm thấy ái ngại cho hai người, đề nghị:
    - Vương gia về đâu bây giờ? Theo lão nghĩ chỗ này coi như chốn thâm sơn cùng cốc ít ai biết tới, Vương gia cứ yên tâm tạm dung thân một thời gian đã. Lão sẽ cho người về kinh dò xem tình hình rồi tính dọi theo cũng được, cần gì mà vội!
    Cả Lục cũng ân cần mời mọc mấy lần. Hoài vương thấy tình ý chủ nhân như vậy bèn chịu nương náu ở đó một thời gian nữa: Từ đó cụ Phạm hằng ngày vẫn hay qua lại thăm viếng, an ủi hai người. Cụ muốn giúp Hoài vương khuây khỏa bằng những ván cờ, những cuộc đàm đạo thơ văn...
    Nhưng chỉ được vài ngày, Hoài vương lại tỏ vẻ ray rứt khó chịu. Chuyện vợ đã đành cam phận, còn các con nữa, bây giờ chúng ra sao! Những dấu hỏi cứ đập vào đầu khiến Hoài vương không thể nào nguôi ngoai được Trên mặt vương lúc nào cũng hiện rõ vẻ khổ não. Mấy hôm sau, trong một lần uống trà cùng cụ Phạm và Cả Lục và Quang Thiệu, Hoài vương nói.
    - Ta rất cảm kích tấm chân tình của cụ Phạm và ông Cả dành cho ta. Ta cũng rất cảm kích lòng trung thành, chung thủy của Quang Thiệu đối với ta lâu nay. Kể từ giờ phút này, ta không muốn phiền nhiễu ai nữa. Công chúa Thuận Thiên đã về tay người khác, lẽ sống của ta cũng không còn. Vả lại, ta còn hai vương tử vô tội Tuấn và Doãn, chúng cần sống. Ta vui lòng nhận lãnh sự oan khuất, ta muốn chịu chết để cứu lấy hai vương tử. Cha mẹ nào mà chẳng thương con! Ta đã thấy ác mộng về chúng nhiều lần. Những hình ảnh hai trẻ thơ ngây bị đày đọa hoặc bị giết thê thảm cứ hiện lên tâm trí ta, ta không chịu nổi nữa. Hôm nay ta quyết về triều một mình. Quang Thiệu không nên theo ta làm gì nữa, đừng hi sinh vô ích, hãy tìm đường sống cho mình. Các người đừng bận bịu vì ta nữa nhé!
    Cụ Phạm hết sức xúc động nói:
    - Vương gia đã quyết lòng thì lão không dám cản. Tuy nhiên, lão cũng xin tiễn vương gia mấy lời chân thành: Lão đã cho người thăm dò và được biết, chính Hoàng Thượng cũng đau khổ như vương gia. Đã có lần Hoàng Thượng bỏ triều trốn vào núi tu hành nhưng rồi Thái Sư đem bá quan lên rước trở về lại. Hoàng Thượng rất thương và rất lo lắng cho số phận của vương gia. Nhưng ngược lại, triều đình đã có lệnh, bất cứ giới chức nào cũng được phép "tiền trảm hậu tấu" khi gặp vương gia. Vậy, xin vương gia nghĩ kỹ lại. Chỉ có Hoàng Thượng là người có thể che chở cho vương gia. Dạo này Hoàng Thượng chán nản việc đời nên hay rong chơi sông hồ. Tốt nhất là vương gia làm thế nào để diện kiến được Hoàng Thượng thì may ra an toàn. Vương gia còn sống thì nỗi oan khuất sẽ có ngày được tẩy rửa. Xin vương gia liệu lấy!
    Quang Thiệu cũng xúc động nói:
    - Vương gia nói vậy chứ tôi nỡ nào bỏ vương gia giữa lúc này! Nếu tôi sợ khổ, sợ chết, tôi đâu có theo vương gia đến bây giờ! Nhưng tôi nghĩ rằng, nỗi đau khổ quá lớn đã làm tổn hại đến sự suy nghĩ chín chắn của vương gia. Vương gia nên nén lòng ẩn nhẫn một thời gian nữa, chính tôi sẽ đích thân theo dõi, dò xét tình hình thế nào rồi chúng ta về triều cũng không muộn.
    Nhưng Hoài vương cương quyết nói:
    - Không, ý ta đã quyết. Nếu không chết vì triều đình thì ta cũng chết dọc đường mà thôi. Quang Thiệu! Nếu ông thương ta, hãy bảo trọng cái thân, sau này có dịp ông dìu dắt che chở các vương tử cho ta, biết đâu chúng trả thù được cho ta! Đó là điều ta kỳ vọng đấy!
    Quang Thiệu rưng rưng nước mắt:
    - Tôi xin hứa trước mọi người, tôi sẽ hết lòng làm những việc vương gia ủy thác. Nhưng bây giờ, tôi xin được theo chân tới khi nào vương gia gặp được Hoàng Thượng. Tôi không muốn vương gia mắc mớp bọn tiểu nhân dọc đường!
    Hoài vương lắc đầu:
    - Không được! Nếu ta gặp hoạn nạn dọc đường, ông nổi nóng nhảy vào rồi cũng gặp không may thì sao? Vậy là tuyệt đường trông cậy của ta rồi!
    Cụ Phạm lên tiếng:
    - Nếu vương gia đã quả quyết như vậy thì xin cứ việc Nhưng xin phép cho lão được tổ chức một bữa rượu tiễn chân, ngày mai vương gia hãy lên đường!
    
- o O o -

    Hôm ấy, vua Thái Tôn đang ngự thuyền rong chơi trên sông Thao. Trước và sau thuyền rồng đều có thuyền chở những lính hộ vệ. Thình lình một anh dân chài ăn mặc rách rưới đến gần một người lính xin ra mắt vua. Y nói có chuyện cơ mật cần báo cáo gấp. Người lính trình lại, vua ngạc nhiên cho đòi vào. Sau khi lục xét kỹ khắp thân thể người lạ, tên lính hầu dẫn y đến trước mặt vua. Vừa thấy vua, người lạ bỗng quì xuống khóc tức tưởi Vua bỡ ngỡ một chút rồi lật đật bước tới đỡ người ấy đứng dậy, hai người ôm nhau mà khóc. Bọn lính hầu vô cùng ngạc nhiên cảnh tượng lạ đời ấy. Sau đó chúng mới biết người lạ chính là Hoài vương Liễu. Thái Tôn truyền lấy quần áo cho Hoài vương thay rồi cho quân hầu ra ngoài hết. Xong ngài hỏi vương những chuyện đã xảy ra trong thời gian vừa rồi...
    Sau khi Hoài vương thành thật kể lại mọi chuyện với vua Thái Tôn, vua ngậm ngùi:
    - Cái giống phản chủ nó đã làm cho vương huynh lâm tình cảnh thảm thiết như thế đó ! Nếu trẫm hồ đồ một chút thì hai vương tử cũng mang khốn rồi!
    Hoài vương chợt thấy nhói trong lòng. Vua Thái Tôn đâu có ghét bỏ gì vương đâu! Vua vẫn nặng tình, vẫn thương cảm vương cơ mà!
    - Thế bây giờ tình trạng hai vương tử như thế nào?
    - Vương huynh yên chí! Hai cháu vẫn mạnh khỏe. Sau khi Thái Sư đã ra lệnh tịch biên gia sản và phân tán kẻ ăn người ở trong phủ vương huynh, trẫm đã cho đưa hai đứa về hoàng cung, cho ở phòng riêng, vẫn cất cử giáo sư giỏi dạy dỗ và cho người hầu hạ săn sóc chúng đàng hoàng.
    - Cám ơn bệ hạ. Thế viên quản gia Đinh Lang bây giờ ở đâu?
    - Tên phản chủ ấy bây giờ đang ở trong phủ Thái Sư Chính hắn đã báo cáo với Thái Sư rằng vương huynh tổ chức nổi loạn, vương huynh còn tiếc gì hắn nữa?
    - Tôi vẫn tin tưởng và đối đãi với nó như bát nước đầy thật không ngờ được!
    Hoài vương bùi ngùi nghĩ đến cảnh tan nát không thể nào hàn gắn được của mình. Vương lại nghĩ về Thuận Thiên công chúa. Bây giờ nàng còn nhớ đến ta chăng? Nàng vui hay nàng buồn? Vương nhìn vẻ mặt thông minh, hiền lành của vua Thái Tôn rồi nhớ đến gương mặt diễm kiều của Thuận Thiên, lòng vương đau như cắt. Sao trời bắt ta khổ thế này? Thuận Thiên diễm lệ tuyệt trần nàng ơi! Ôi, người cùng ta môi kề má áp bao nhiêu năm bây giờ để cho kẻ khác dày vò! Mỉa mai thay, kẻ ấy lại là em ruột ta! Nó đang ngồi trước mặt ta đó! Nếu không có nó thì ta đâu đến nỗi mất vợ! Nó không cố tình cướp đoạt thật nhưng chính nó lại là cái nhân gây nên chuyện! ôi chao là nhục nhã! Tại sao ta phải sống nhục như thế này? Lòng sân hận đang ngùn ngụt bốc lên trong người làm cho Hoài vương xâm xoàng...
    Giữa lúc đó, một viên thị vệ bước vào:
    - Muôn tâu, Trần Thái Sư đến xin gặp bệ hạ !
    Vua Thái Tôn nói với Hoài vương:
    - Lũ tai mắt của Thái Sư nhanh đến thế là cùng!
    Vương huynh hãy tạm lánh vào trong khoang thuyền một chốc vậy.
    Hoài vương chợt tỉnh người, chân tay rụng rời. Ông bước vào ngăn trong của khoang thuyền, mồ hôi ra như tắm. Thuyền Thái Sư đã cặp sát thuyền ngự. Thái Sư tay cầm kiếm tuốt nắp bước qua thuyền ngự, đi thẳng đến trước mặt vua Thái Tôn:
    - Bệ hạ, nghe giặc Liễu vừa đến đây, thần xin mạn phép trừ hắn để tuyệt hậu hoạn!
    Vua Thái Tôn đứng chắn cửa vào:
    - Thái Sư, Hoài vương đến đầu hàng đấy. Xin Thái Sư bỏ qua cho!
    Thấy vua Thái Tôn che chở Trần Liễu, Thủ Độ nổi giận quăng cây gươm xuống sông, nói lớn:
    - Tao thật là con chó săn! Biết đâu anh em mày hòa thuận với nhau hay nghịch ý nhau!
    Vua Thái Tôn khuyên lơn mãi Trần Thái Sư mới chịu cho êm.
    
- o O o -

    Sau khi Hoài vương đã yên ổn về triều, vua Thái Tôn lấy đất các ấp An Phụ, An Dưỡng, An Sinh và An Bang giao cho Hoài vương làm thực ấp. Sau đó, vua cải phong cho Trần Liễu thành tước An Sinh vương. Tin hoàng huynh Trần Liễu được xá tội và được cải phong làm An Sinh vương truyền đi làm dân chúng xa gần có vẻ hài lòng. Chỉ mấy hôm sau thì Trần Quang Thiệu cũng trở về ra mắt vương. Quang Thiệu trình cho vương biết, Đinh Lang, người quản gia của vương trước đây chính là người ám hại vương. Tiếp tay Đinh Lang, còn vài người khác nữa, ông đang phanh phu tìm hiểu thêm để vạch tội chúng. Quang Thiệu cũng kể thêm về Đinh Lang như thế này:
    Đinh Lang vốn là kẻ tham lam, gian ác. Trước đây khi nhắc lại chuyện này. Nhưng với lòng khảng khái đã được bồi đắp, khơi sáng lâu nay, cộng thêm một ý thức hận thù to lớn vì bao nhiêu người thân của mình đã bị tàn sát dã man mà người cha vừa gợi lại, Doãn uất hận nói:
    - Con rất thương mẹ con và con đã hứa với mẹ như thế!
    Đôi mắt vương sáng ngời lên. Một nụ cười chợt lóe trên gương mặt khắc khổ, vương hỏi lại Doãn:
    - Con hứa với mẹ như thế nhưng con có chắc dám làm không?
    - Con đã hứa thì dù có chết con cũng làm? Con thù hận những kẻ gian ác!
    - Tốt lắm! Cha tin con. Thế nếu cha bị người khác làm nhục con có đủ can đảm trả thù cho cha không?
    - Con cũng sẵn sàng hi sinh mình để rửa mối nhục cho cha!
    - Vậy con có biết vì sao thân thế cha ra như vầy không?
    - Cha bị người ta làm nhục!
    - Phải, cha bị người ta làm nhục. Người ta đã cướp vợ của cha. Không những cha bị nhục mà chính con cũng bị xúc phạm. Chính con đã bị tước đoạt mất nguồnthương yêu nhất đời. Con bị tước đoạt tình mẫu tử, con đã thành một kẻ bơ vơ. Với cha, mẹ con là lẽ sống, mẹ con bị người ta giựt đi thì lẽ sống của cha cũng không còn. Cha hận mình tài hèn sức kém, phải bó tay khuất phục trước kẻ thù. Có thể cha không còn sống trên cõi đời này bao lâu nữa. Con hãy hứa với cha sau khi cha nằm xuống, con phải trả thù cho cha, rửa nhục cho mình! Con hứa nhé !
    - Phụ vương yêu quí! Con hứa chắc! Hãy tin con!
    An Sinh vương nghe con hứa chắc lấy làm sung sướng lắm. Bất giác vương nhảy vụt xuống đất chắp tay quì xuống trước mặt Doãn làm Doãn cũng hoảng hốt nhảy theo xuống ôm lấy cha. Thế là hai cha con ôm nhau khóc vùi một hồi. Sau đó An Sinh vương vỗ vai Doãn nói qua tiếng nấc:
    - Con yêu quí! Nhờ con cha đã vơi bớt một phần nỗi đau lòng.
    - Xin lỗi phụ vương kính yêu, phụ vương có thể cho con hỏi một điều không?
    - Được mà! Con cứ hỏi.
    - Thưa cha, cha hay ngâm câu thơ "Hầu môn nhất nhập thâm như hải, Tùng thử Tiêu lang thị lộ nhân" là ý nghĩa gì?
    An Sinh vương nhìn con:
    - Đồng bệnh tương lân (cùng bệnh thương nhau) đó con. Một lần vô cửa hầu như lặn xuống biển sâu. Từ đây chàng Tiêu trở thành khách qua đường. Cha nghĩ tới chuyện một người họ Tiêu đời Đường có vợ đẹp, đang sống với nhau nồng thắm thì người vợ bị cưỡng bách đưa vào làm thiếp cho vị quan tước hầu Quách Tử Nghi. Người họ Tiêu thương nhớ vợ quá nên thỉnh thoảng lại giả khách qua đường đi qua nhà họ Quách nhìn vào, cầu mong được thấy bóng vợ. Cha thấy nỗi khổ của mình mà thông cảm người xưa là vậy. Thật ra thì họ Tiêu còn có phước hơn cha nhiều, ông ta vẫn còn chút hi vọng thấy vợ mình còn cha thì không bao giờ! Thôi, con có thể trở về. Cha hoàn toàn trông cậy ở con!
    Trong cùng một dòng tộc, đời nào cũng có vài người giống nhau. Trường hợp Thái tử Hoảng và vương tử Doãn lại càng đặc biệt hơn: đã cùng dòng tộc bên nội lại cùng một mẹ . Hễ nhìn Thái tử Hoảng, Thuận Thiên hoàng hậu lại nghĩ ngay đến vương tử Doãn. Vẻ cười, lời nói, cách đi đứng chơi đùa của Thái tử hình như không khác chi vương tử Doãn ngày xưa. Điều đó làm cho hoàng hậu thương nhớ vương tử Doãn khôn nguôi. Mà nhớ đến vương tử Doãn, Thuận Thiên lại không tránh khỏi liên tưởng đến người xưa. ở bên người chồng hiện tại, nhất là một người chồng đủ đức khoan dung nhân ái, mà nghĩ đến người khác thì cũng là một tội lớn, theo quan niệm đạo đức phương đông. Biết đâu khi tiết lộ tâm trạng đó lại tạo ra những rạn nứt khó lường đối với tình thương yêu của người chồng hiện tại! Những tâm trạng mâu thuẫn đó cứ dày vò hoàng hậu Thuận Thiên. Nàng rất khó mở miệng để nói với chồng nỗi nhớ đứa con riêng của mình. Và nàng cứ chịu ray rứt, đau khổ, mỗi ngày một héo hắt thêm. Vua Thái Tôn hết sức lo lắng, cho ngự y săn sóc hằng ngày. Khi rảnh rỗi vua lại đến thăm viếng hoàng hậu hết sức ân cần. Một hôm, vua hỏi hoàng hậu với giọng tha thiết:
    - Đạo người quân tử bắt nguồn từ vợ chồng, ta đã cố gắng hết mình để sống cho trọn đạo. Hậu có gì phiền muội về ta xin cứ thành thật tỏ bày. Ta lúc nào cũng hướng về điều phải. Chẳng lẽ hậu không tin ta sao?
    Thuận Thiên hoàng hậu thưa:
    - Hoàng Thượng ở với thần thiếp từ trước tới nay thật không có điểm nào làm thiếp buồn được. Thần thiếp chịu ơn mưa móc của Hoàng Thượng sâu dày lắm rồi. Sở dĩ thần thiếp có chút phiền muội nào đó thì thật hoàn toàn riêng tư. Hoàng Thượng đã có lòng hỏi đến thần thiếp cũng xin thưa thật, thần thiếp nhớ vương tử Doãn lắm. Bệ hạ cho vương tử vào thăm thần thiếp một lần thì mẹ con thiếp sẽ đội ơn bệ hạ vô cùng.
    Vua Thái Tôn cười hiền hòa:
    - Ồ, tường chuyện gì. Cha mẹ nào chẳng có lòng thương con! Hậu đã muốn thì trẫm đâu nỡ ngăn trở!
    Thế là vua cho thái giám đi vời vương tử Doãn đến.
    - Tiểu thần Trần Doãn xin bái kiến hoàng hậu nương nương!
    - Trời ơi, con của mẹ, chúng ta là mẹ con, đừng khách sáo, miễn lễ!
    Mẹ con gặp nhau bao xiết vui mừng, xúc động. Hai người lại có dịp ôn lại thời quá khứ, từ khi vương tử Doãn còn là đứa bé như Thái tử Hoảng bây giờ. Đang thao thao nhắc chuyện cũ, Doãn bỗng cười nói với mẹ như khoe :
    - Mẹ ơi, ngày trước con có hứa sẽ trả thù cho mẹ, con vẫn nhớ mãi và nhất định sẽ làm! Mẹ cứ yên chí!
    Thuận Thiên bỗng ngớ người ra. Thật tình, Thuận Thiên là người sống nhiều về nội tâm nhưng dễ tính, không sâu sắc, rất cam phận. Ngày trước trong cơn đau đớn khi cả gia tộc mình bị giết hết, nàng xúc động mà nói với con muốn trả thù. Nàng cũng biết tức quá mà nói vậy chứ có muốn làm cũng không cách gì làm được. Bây giờ qua thời gian nàng cũng quên dần đi, không ngờ con mình nhắc lại việc ấy. Thuận Thiên lặng người một chốc rồi hỏi lại:
    - Làm sao con nhớ chuyện đó kỹ vậy?
    Vương tử Doãn thưa:
    - Mẹ ạ, Phụ vương nhắc lại cho con. Con cũng hứa trả thù cho Phụ vương nữa !
    Thuận Thiên hoàng hậu sợ hãi hỏi kỹ lại trước sau. Vương tử Doãn bèn kể lại cho hoàng hậu nghe hết đầu đuôi chuyện cha nói với mình. Hoàng hậu cau mày chắc lưỡi:
    - Không ngờ chuyện lại rối rắm thế này! Con hãy nghe mẹ dặn đây! Mẹ không được ở gần con nên dù muốn cản con cũng không được. Mẹ chỉ biết khuyên con đừng bao giờ nói với ai những chuyện đó nữa! Con cũng phải khuyên cha con cẩn thận. Đừng có đem tâm sự gởi gắm cho ai quá dễ dàng không xong đâu.
    . Thưa mẹ, con biết lắm chứ! Con chỉ nói với mẹ thôi!
    - ừ, như vậy thì mẹ mới yên lòng ! Cha con bây giờ sức khoẻ ra sao?
    Vương tử Doãn rưng rưng lệ thành thật nói:
    - Người thương nhớ mẹ lắm, cứ bỏ ăn bỏ ngủ hoài nên sức khỏe hết sức suy tàn. Mỗi lần nhìn cha con cũng thấy đau lòng.
    Hai dòng lệ từ từ bò xuống gò má hoàng hậu. Nàng lặng lẽ lấy khăn lau cho mình rồi lau cho vương tử Doãn. Xong, nàng ôm hôn lên đầu Doãn mấy cái...
    Sau cuộc gặp vương tử Doãn, trong lòng hoàng hậu Thuận Thiên lại nẩy sinh thêm nhiều nỗi buồn phiền. Nàng lo sợ cho sự nông nổi của vương tử Doãn. Nàng xót xa cho người chồng cũ đang gánh chịu bao nỗi cô đơn cay đắng. An Sinh vương là kẻ bị oan khuất thật tình chứ có tội lỗi gì đâu? Chính nàng cũng là kẻ bị ép uổng bỏ chồng cũ để theo chồng mới ? Vậy tại sao nàng không được quyền thương nhớ, lo lắng cho người chồng cũ? Mà khổ nỗi, người chồng mới của nàng cũng đâu vướng lầm lỗi nào! Người đó cũng rộng lượng, quân tử và cũng hết mực thương yêu nàng! Vậy phải chăng nghĩ về người cũ thì lại mắc tội vong ân với người hiện tại? Càng suy nghĩ hoàng hậu càng thấy mâu thuẫn rối bời...
    Tại sao lại vô lý đến thế được? Nàng nghĩ từ cái vô lý này tiến sang cái vô lý khác. Tại sao nàng phải khuất phục phụng sự một dòng họ đã tàn nhẫn tiêu diệt cả dòng họ của nàng? Tại sao nàng phải hi sinh để gầy giống cho họ? Hình ảnh vua Huệ Tôn tức thiền sư Huệ Quang, cha của nàng bị treo cổ hiện ra trước mắt nàng. Hình ảnh các ông, các bác, các chú của nàng loi ngoi dưới hố đất chôn tập thể khóc lóc rên xiết cố trườn lên, bị bọn tay chân của Thái Sư Thủ Độ đạp vào mặt, dập lên từng xẻng đất hiện ra trước mắt nàng. "Sao tôi khổ thế này?". Hoàng hậu bưng mắt lại, gục mặt xuống gối khóc nức nở.
    Từ đó, hoàng hậu lại càng ngày càng gầy yếu, khô héo, mệt mỏi. Vua Thái Tôn lo lắng vô cùng, ngài cho nhiều ngự y đến chẩn bệnh cho hoàng hậu. Nhưng các ngự y không tìm ra bệnh. Vua lại cho yết thị cầu thầy thuốc trong dân gian nhưng bệnh hoàng hậu vẫn vô phương. Sâm nhung quế phụ bồi bổ bao nhiêu hoàng hậu cũng chẳng khá lên được. Người ta đồn đại là hoàng hậu mắc tâm bệnh. Năm này qua năm khác, sức khỏe hoàng hậu vẫn tiếp tục đi xuống.
    Đến năm Mậu Thân, bệnh của Thuận Thiên hoàng hậu trở nên nguy ngập. Bà nằm liệt giường không còn ăn uống gì được nữa. Vua Thái Tôn thương xót vài ngày lại đến thăm một lần.
    Một hôm, lần đó có vua Thái Tôn đến thăm, hoàng hậu có vẻ tỉnh táo, bà thều thào nói với vua:
    - Thiếp bạc phước chắc không còn được sống để hầu hạ Hoàng Thượng nữa. Trước khi nhắm mắt, thiếp xin Hoàng Thượng một ân huệ cuối cùng, Hoàng Thượng có vui lòng chăng?
    Vua Thái Tôn buồn rầu nói:
    - Muốn gì ái hậu cứ nói, không cứ là một ân huệ, dẫu hậu muốn trăm ân huệ trẫm cũng bằng lòng.
    Đôi mắt hoàng hậu sáng lên vẻ cười. Bà thều thào nói tiếp:
    - Cám Hoàng Thượng rộng lòng ban ân. Vậy, thiếp xin Hoàng Thượng hai điều. Thứ nhất thiếp muốn được thấy mặt vương tử Doãn trước khi chết. Thứ hai, xin Hoàng Thượng nghĩ đến tình cũ đối với Chiêu Thánh công chúa mà gả nàng cho một người nào đó đàng hoàng để nàng có chỗ nương dựa.
    Vua Thái Tôn nói:
    - Ái hậu cứ yên chí. Trẫm đã phong Trần Quốc Khang tước Tĩnh Quốc vương, nay trẫm lại phong cho Trần Doãn tước Vũ Thành vương để cho chúng hiển hách với đời. Trẫm sẽ cho người đi vời Trần Doãn đến thăm ái hậu. Còn việc Chiêu Thánh công chúa, trẫm cũng sẽ lo cho nàng như ý hậu muốn.
    Hoàng hậu mừng rỡ nói:
    - Trần Doãn được phong tước Vũ Thành vương ư! Tạ ơn bệ hạ , tạ ơn bệ hạ!
    - Thôi, ái hậu nghỉ cho khỏe! Trần Doãn sẽ đến bây giờ!
    Vua Thái Tôn bước ra ngoài. Điều cầu xin của hoàng hậu làm ngài chợt bâng khuâng nghĩ về người cũ. Lâu nay ngài không hề gặp lại Chiêu Thánh công chúa. Người đàn bà tuổi bốn mươi không chồng không con lại mang trong người bao nhiêu tủi hận ấy bây giờ ra sao? Ngài biết những luật lệ khuôn phép thắt ngặt trong cung có thể làm cho những người có tâm hồn phóng khoáng điên đầu lên được. Họ chỉ có một môn giải trí trường kỳ là bài bạc... Ngài biết trong cung có môn giải trí thông dụng nhất là lối chơi đổ "lục phủ . Đó là một môn chơi quí phái, văn nhã, nhẹ phần ăn thua, và có thể nhiều người cùng tham gia được. Điểm hấp dẫn của môn chơi này là sự tranh Trạng, đoạt Trạng của nhau. Điểm hấp dẫn giật gân đó đã làm cho bao nhiêu "người đẹp già" ghiền ngồi đến niễng lưng, mục xương sống không hay.
    Vua Thái Tôn sực nhớ trong một lần đang ân ái với
    Thuận Thiên hoàng hậu, khi vua nói các bà trong cung
    hay chơi "lục phú" thì hoàng hậu thủ thỉ: " Xin bệ hạ thông cảm cho họ. Những người đàn bà trong chốn cung đình, ngoại trừ bọn nô tì lăng xăng công việc, đều phải "hưởng" một cái nhàn rộng lớn đến độ chán chường. Thêu thùa ư? Thêu thùa cũng chẳng làm được gì và thêu thùa mãi cũng chán. Kể chuyện với nhau ư? Quanh quẩn đó mãi rồi cũng không còn chuyện để kể ngoại trừ chuyện bươi móc nhau. Phần đông chỉ biết tụ lại bên nhau đánh bài để giết thời gian...".
    Ngài không biết khi nói với ngài như thế, hoàng hậu có ngầm nhắc ngài nên lưu ý đến Chiêu Thánh công chúa không. Không biết một vị cựu Hoàng Đế cựu Hoàng hậu như Chiêu Thánh lại có thể hòa đồng được với hạng người nói trên không?
    Chắc nàng phải mang một nỗi cô độc gậm xé trong lòng ghê gớm lắm! Phải chăng nàng đang ở trong một địa ngục? Ta có thể đày đọa người từng thương yêu mình đến thế sao? Ta phải làm một cái gì để chuộc tội với nàng...
    
- o O o -

    Hoàng hậu đang nhắm mắt thiêm thiếp thì vương tử Doãn bước vào. Vương tử quì xuống trước giường mẹ :
    - Hài nhi bái kiến nương nương hoàng hậu!
    Hoàng hậu hé mắt ra nhướng lên mừng rỡ:
    - Hài nhi thương yêu của mẹ đó à!... Cha con...
    Bà bỗng ngoẹo đầu lại nhắm mắt bất động. Có lẽ vì hoàng hậu xúc động quá độ. Một người hầu vội lại gần quan sát cho rõ. Bà vẫy tay gọi một người khác:
    - Đem cái gương lại đây !
    Bà cầm gương đưa trước mũi hoàng hậu chốc lát rồi khóc thút thít:
    - Hoàng hậu đi rồi!
    Vương tử Doãn hoảng hết đứng dậy chồm người tới úp mặt lên thân thể hoàng hậu nức nở:
    - Mẹ ơi!
    Và vương tử Doãn cũng ngất đi.
    
    
- o O o -

    Dịp ấy, vương tử Doãn ở lại cung hoàng hậu cho tới khi việc tẩn liệm hoàn tất. Sau đó, Doãn về trình bày lại sự việc với cha. An Sinh vương nghe xong lăn lộn gào khóc thê thảm. Vương ra lệnh cho tất cả mọi người trong vương phủ phải để tang cho hoàng hậu một thời gian ba năm. Có người khuyên can cho đó là việc làm không đúng nhưng vương không chịu nghe .
    Từ đó An Sinh vương ngày càng héo hắt thêm. Nhiều lúc vương đã trở thành người quẫn trí. Có một thời gian, ngày nào vương cũng nhắc đến chuyện trả thù. Vương tử Doãn quá thương cha nên vẫn hay lập lại với Vương lời hứa của mình.
    Một buổi sáng Doãn vào thăm cha, thấy cha mặt mũi lem luốc, tóc tai bù xù, áo quần dơ đáy, đang nằm lăn lóc dưới nền nhà. Doãn bực bội lên tiếng:
    - Người nhà đâu hết lại để cha ta thế này?
    - Dạ... dạ...
    

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 6 (Kết Thúc)

Tình Hận
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Chết Cho Tình Yêu
» Cầm Thư Quán