Khôi đặt tách cà phê xuống bàn rồi nhịp tay theo từng tiếng nhạc. Kế bên anh, Thông ngồi tựa vào ghế, miệng phì phèo điếu thuốc lá.
Anh chàng rít một hơi khói và nói:
- Nhìn mày không giống thằng hai lần thất nghiệp chút nào cả. Tướng tá phong độ như vậy mà phải phụ cậu Tư khiêng tivi, đẩy tủ lạnh nghĩ cũng uổng. Uổng nhất là cái bằng cấp bị treo giàn bếp.
Thấy Khôi vẫn làm thinh, Thông chém thêm một câu nữa:
- Để mày tin Kiều Ngân. Tao dám cá anh nó với thằng Trí chơi mày đó.
Khôi hơi nhỏm người lên:
- Dù sự thật đúng như lời mày nói, cũng chả liên quan tới Ngân, đừng có lôi cô ấy vào.
- Hì ! Hì! Ai dám lôi bồ của mày vào. Nhưng mà lời tao nói là đúng đấy. Thằng cha Hải thừa biết công ty đó tuyển nhân viên đi thu mua lông vịt, chớ không phải tuyển nhân viên phần mềm, vậy mà thằng chả đưa mày vào với những lời hứa vịt.
Ngừng một chút để xem qua phản ứng của Khôi, Thông nói tiếp:
- Thằng cha Hải đoán trước là mày sẽ bỏ cái hãng cầu lông xuất khẩu ấy dù mày có bị mất điểm với em Ngân. Mày tiêu rồi, con nhỏ Ngân là đứa coi trọng địa vị danh lợi.
Khôi nhổm dậy uống nốt chút cà phê trong tách rồi cộc lốc đứng lên:
- Mày trả tiền đi, tao đi đây.
Thông la với theo:
- Đợi tao với thằng quỷ. Mới nói động tới Kiều Ngân của mày là quạu rồi. Khó coi thật!
Không thèm đếm xỉa tới Thông, Khôi xăm xăm bước qua đường. Giờ này chắc là tiệm của cậu Tư mở cửa rồi. Anh phụ khiêng thùng không của tivi, radio, cassette, đầu máy ra ngay cửa và chồng chúng lên cho thật cao, cho đụng trần nhà là vừa.
Sau gần một tháng chịu đựng ở hãng cầu lông xuất khẩu ấy, Khôi lại bỏ việc. Anh thấm thía trò đời thêm chút nữa khi phải đi rong xe chạy tới chạy lui những trạm thu mua lông vịt rải rác khắp thành phố để lựa chọn trả giá và chở về.
Công việc này cũng không dễ ăn lắm, nhưng lão giám đốc có cái tướng thấp lè tè như vịt ấy chẳng hề thông cảm gì cả. Lão hết chê anh mua nhầm lông vịt ướt khi cân nặng ký sẽ lỗ, đến khi chê anh mua trúng lông vịt ốm nên xơ xác, phải loại bỏ nhiều.
Lão chê lắm thứ đến nỗi đêm ngủ Khôi nằm mơ thấy mình cứ lún dần, lún sâu ngập đầu trong cái đám lông trắng toát ấy.
Sáng thức dậy, sửa soạn đi làm, Khôi bải hoải thật tình khi nghĩ đến lông vịt.
Tại sao anh lại làm cái công việc chán ngắt ấy? Lẽ ra Khôi nên nghỉ ngay khi lão vịt bầu khinh khỉnh cho anh biết ở cái công ty liên doanh này không cần chuyên viên vi tính, mà đang cần người đi thu mua lông vịt. Có phải lúc đó anh chần chừ không dứt khoát được vì nghĩ đến Kiều Ngân không.
Cuối cùng, sau lần thứ ba bị chê là mua toàn là lông xơ với lông ướt, Khôi hầm hầm cự lại lão và sang phụ với cậu Tư của Thông.
Từ ngày đó đến nay, anh không hề gặp Hải, Khôi không muốn nghĩ đến cái điều Thông đã vừa nói, nhưng mỗi đêm trăn trở, anh thấm và đau vô cùng. Hải là bạn thân của Trí, anh ta cùng phe với nó là lẽ đương nhiên, chỉ có anh là cả tin nên mới bị chơi khăm như vầy. Khôi biết Thông chả bao giờ có ý ác với mình, nhưng nếu cậu ta không nói ra, vẫn hay hơn là động tới nỗi đau mà anh đang cố quên.
Đỡ lấy hai cái thùng tivi mà Khôi vừa mang tới. Thông cười cầu tài:
- Không giận tao chứ mầy?
Khôi nhún vai:
- Không! Nhưng đừng bao giờ mày nhắc đến chuyện này nữa.
Thông chế giễu:
- Định trốn tránh sự thật hả?
Thấy Khôi quằm mặt xuống, Thông lắc đầu cười. Chồng hai cái thùng cao lên xong, anh chàng khoanh tay đứng nhìn đường, mồm huýt gió một tình khúc quen thuộc.
Đang dựng mấy hộp ăng-ten vào góc cửa, Khôi bỗng nghe Thông kêu lên đầy ngạc nhiên:
- Ây cha! Cái thằng cha trưởng giả rởm này cuỗm được ở đâu một em xinh xắn thế kia!
Tò mò nhìn qua bên kia đường, Khôi thấy Quỳnh Hương (nếu đúng là Quỳnh Hương trong cuốn tự bạch) từ sau chiếc xe Dream bước xuống. Cô đang tíu tít cái gì đó với cái gã trắng trẻo, đẹp trai rồi đi vào trung tâm thương mại đối diện với cửa hàng.
Hầu như ngày nào Khôi cũng nhìn thấy cô và gã bồ đưa đón nhau, anh còn biết cả gian hàng cô bán, nhưng mà anh không còn quan tâm đến Hương như lần đầu gặp cô nữa. Với Khôi, cô hoàn toàn xa lạ. Sự náo nức được làm quen với một cô gái đẹp đã không còn ở trong anh nữa. Lúc này Khôi đang nản mọi thứ và muốn thu mình lại với nỗi cô đơn, chán chường chưa từng có.
Giọng Thông lại vang lên:
- Con bé nào mà gặp thằng này thì khổ.
Khôi thờ ơ hỏi:
- Mày biết gã đó sao?
- Nó ở cùng xóm với tao mà.
- Chỗ nào? Tao đến nhà mày hoài mà sao không thấy nó?
Thông tỏ vẻ khinh bỉ:
- Nó y như con rùa thụt đầu trong mai chả hề giao tiếp với ai thì làm sao mà mày thấy cho được. Ở cùng xóm mười mấy năm rồi, nó chưa bao giờ cười với tao lấy một cái, nói chi là qua lại. Mẹ! Cũng mới ngóc đầu lên đây thôi mà làm bộ làm tịch như giàu có ba đời, sang ba họ. Con nhỏ kia chắc cũng thuộc loại hàng mã như nó vậy. Vậy mới xứng đào xứng kép.
Khôi nghi ngờ:
- Mày có nói quá không đấy? Trông họ cũng đâu đến nỗi nào!
Thông cười khẩy:
- Con bé đó thì tao không biết thật, nhưng thằng Cường thì đúng là thứ xài không vô. Nhà nó cũng khá giả, vậy mà nó nhẫn tâm đem ông bố hơi lẩm cẩm bỏ vào viện dưỡng lão.
Khôi nhướn mày:
- Có chuyện đó nữa sao?
Thông bĩu môi:
- Thời buổi này chuyện gì mà không xảy ra. Nó là thằng hất cả mâm cơm vào mặt mẹ ruột, vì bà nấu không đúng ý của nó mà tao từng kể với mày đó. Lần đó hội Phụ nữ phường gặp nó phê bình kiểm điểm gì đó chả biết. Má tao trong hội Phụ nữ nên bà rành nó quá. Cái thằng vừa mất dạy vừa bất hiếu, nhưng ra đường đố ai mà biết được. Mấy bà cụ hăm he: Nếu mà còn hỗn với mẹ nữa thì mấy bà thưa đến cơ quan của nó. Chắc là nó sợ mất việc nên dạo này bớt hỗn rồi.
Tự nhiên Khôi thấy bực. Chút tình cảm bé xíu dành cho Quỳnh Hương vụt biến đâu mất và lòng anh chợt trĩu xuống vì một nỗi buồn vu vơ. Nếu Quỳnh Hương không phải là cô bé răng khểnh trong cuốn tự bạch ấy, chắc là Khôi không thất vọng như thế này đâu.
Mắc mớ gì tới anh chứ? Thật là tức cười. Thông chê anh lẩn thẩn như một cụ già tám mươi đâu có sai.
Thông đưa cho anh điếu thuốc, rồi nói:
- Tao đi làm đây! Vào công ty không có mày thì cũng buồn lắm. Thằng Trí dạo này gáy còn hơn dế. Hôm qua nó khoe em Ngân viết thơ cho nó. Mẹ, ý nó muốn tao bắn tin này cho mày. Lẽ ra tao im vì đâu ngu mà trúng kế của nó, nhưng tao tức vì thấy mày thương con Ngân quá, thành ra phải nói. Kiều Ngân của mày đã thay đổi rồi, tao biết chắc là như vậy.
Khôi nuốt nước bọt:
- Ngân viết thư cho Trí là đúng, dầu sao ba nó cũng là ân nhân của Ngân mà!
Mắt Thông hấp háy:
- Mày không biết ghen hay không dám ghen vậy? Nói thật, mày nên de nó trước khi nó đá mày. Làm đàn ông để cho bồ đá vì sa cơ lỡ vận thì nhục lắm.
Dứt lời Thông bước đi thật nhanh, anh chàng sợ Khôi nổi nóng vì những lời nói cay độc nhưng trần trụi của mình.
Ngồi một mình giữa gian hàng máy móc đầy ắp, Khôi cố đẩy ra những điều vừa nghe được ra khỏi tâm trí của mình bằng cách nghĩ tới những chuyện khác mà không được.
Từ ngày đi Singapore tới nay, Kiều Ngân chỉ có gửi cho anh một bưu thiếp duy nhất với lời lẽ mang đầy tính chất thông báo những việc đang làm nơi đất khách quê người hơn là bày tỏ tình cảm khi phải xa nhà, xa người yêu. Khôi đã xem đi xem lại nhiều lần những toà nhà chọc trời trong tấm ảnh, đọc tới đọc lui những dòng chữ của Ngân viết. Anh cố tình hiểu, suy đoán nhưng vẫn không nhận ra được thêm một chút tình ý nào của Ngân ngầm ẩn chứa riêng cho anh. Cô đã ghi lại số điện thoại và địa chỉ cho Khôi, nhưng mà anh cũng không biết sẽ viết gì và nói gì nữa, khi bây giờ anh làm việc tại đây, nơi mà Kiều Ngân không mấy thích.
Kiều Ngân viết thơ cho Trí vì áp lực của gia đình hay vì cô đã thay đổi như lời của Thông nói. Khôi biết Thông không ưa Ngân vì tính khinh người và tự phụ của cô. Thông hay mai mỉa, móc ngéo Ngân mỗi lần gặp mặt cô.
Thông từng bảo rằng: “Suốt đời Khôi sẽ khổ nếu mà làm chồng của Ngân”. Anh hỏi: Tại sao? Thông nhún vai đáp: “Về hỏi cô Nghiêm, Ngân là học trò của cô ấy, cổ sẽ nói cho mà nghe”.
Khôi chưa bao giờ hỏi mẹ mình về điều này, vì mẹ của anh không thích Ngân.
Một mối tình gặp nhiều chống đối. Chính vì vậy mà Khôi mới chiều lụy Ngân, khi thấy vì yêu anh mà cô bị gia đình trách nhiều thứ. Bây giờ anh lại thất nghiệp, mọi mũi dùi lại chĩa vào cô, nếu cô bỏ rơi anh để chạy theo Trí thì tốt nhất là anh nên chấp nhận sự thật này cho rồi.
Đang ngồi trầm ngâm với bao nhiêu cay đắng khi nghĩ về số phận, tình yêu. Khôi giật mình vì bị đánh vào vai cái bốp.
Anh ngượng chín người khi nghe giọng của ông Tư vang vang:
- Mày bị bồ đá sao mà ngồi thừ người ra vậy? Sáng nay tao chưa mở hàng đó nghen.
Nói dứt xong ông cười ha hả:
- Tao đùa thôi mà! Có chuyện gì nói cho tao biết được không?
Lấy vội gói thuốc đưa cho ông, Khôi hỏi:
- Sao mà cậu biết cháu bị bồ đá?
- Nhìn mặt của mày thì biết ngay mà. Kinh nghiệm mà mày. Hồi tao trạc tuổi của mày và thằng Thông bây giờ, cậu đã cạo trọc đầu một lần vì bị thất tình. Lần đó tao hận đời đen bạc đến mức đã thề không thèm yêu nửa. Ai dè tóc vừa ra lởm chởm, thì tao đã yêu lại rùi...
Vỗ vỗ nhẹ vào vai Khôi, đầy vẻ thân tình, ông Tư nói tiếp:
Cậu có nghe thằng Thông kể lại chuyện của mày. Nếu con bé đó coi công danh sự nghiệp nặng hơn tình yêu, thì mày nên quên nó đi.
Khôi thầm rủa Thông trong bụng. Chẳng biết cái thằng lắm điều này đã nói gì với cậu Tư, mà ông lại an ủi anh như vậy.
Rít một hơi thuốc, ông Tư thủng thỉnh nói:
- Trước khi cưới mợ Tư, cậu quen nhiều lắm và khổ vì đàn bà cũng nhiều lắm.
Khôi nói vô cho có chuyện:
- Chắc là mợ Tư là người làm khổ cậu nhiều nhất chớ gì?
- Đâu có! Kể ra chắc chú mày không tin đâu, cậu chỉ nhìn thoáng thấy bà ấy có một lần thôi là cưới rồi.
Khôi nhìn ông Tư đầy ngạc nhiên:
- Chắc cậu bị tiếng sét ái tình à?
Ông Tư cười cười:
- Sấm sét gì mày ơi! Lúc tao đang chán đời, ông bà ngoại thằng Thông bắt cưới vợ. Thế là lấy. Nói thật lúc đó là ai, tao cũng gật đầu đại cho rồi. Không quen biết, không yêu thương vậy mà sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc mấy chục năm rồi. Tình yêu đôi khi là một giấc mơ đẹp, còn duyên nợ mới là hiện thực ràng buộc nhau cả một đời. Yêu mà không duyên nợ rồi cũng chia tay thôi.
Khôi hỏi:
- Có khi nào cậu nhớ tới người cũ không hả?
- Có chớ! Nhớ nhiều nữa là khác.
- Cậu không yêu mợ Tư sao?
Ông Tư trầm ngâm:
- Cậu không yêu bà ấy như yêu những người khác, nhưng mà không thể sống mà thiếu bà ấy được. Mợ Tư là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần của cậu. Tình nghĩa vợ chồng còn thiêng liêng hơn tình yêu gấp bội lần.
Khôi gật gù như đồng ý với những lời ông Tư vừa nói, nhưng trong thâm tâm anh không hiểu tại sao ông vẫn hạnh phúc với người ông không yêu.
Nheo nheo đôi mắt có nhiều vết chân chim, ông Tư hỏi:
- Nghe nói gia đình của con bé đó muốn nó lấy chồng giàu chứ không thích kẻ lỡ vận như mày làm rể. Đúng không?
Khôi chưa kịp trả lời, ông đã nói tiếp:
- Thằng Thông không nói với cháu, nhưng nói nói với cậu về gia đình của con bé đó, và gia đình của thằng Trí đang chuẩn bị cưới hỏi. Thông sợ cháu chịu không nổi. Nhưng cậu lại nghĩ khác. Đàn ông mà! Chuyện gì mà không vượt qua được. Nếu vì trắc trở nào khác còn buồn, đằng này họ đã bội bạc khi mình đang thất thế, thì còn có gì mà tiếc.
Khôi lắp bắp:
- Thằng Thông nói với cậu hồi nào vậy?
- Tối hôm qua.
Khôi ngồi chết trân trên ghế. Lẽ nào có chuyện này nữa. Hôm tiễn Ngân ra sân bay, cô vẫn còn thì thầm “I love you” kia mà!
Ông Tư bước ra đón hai người khách đến coi hàng. Người đàn bà lớn tuổi lên tiếng khi chợt nhìn thấy Khôi.
- Ai như Khôi phải không?
Anh giật mình đứng lên khi cô gái đi với bà ta dài gịong:
- Thì nó chứ còn ai. Nhìn tướng giống ông chủ ghê chứ! Sao? Dạo này khá không em?
Khôi gượng cười:
- Bác và chị Tuyết đi chợ à?
Kiều Tuyết gật đầu:
- Nghe nói trung tâm thương mại bên kia có nhiều gian hàng nữ trang đẹp lắm. Chị và mẹ định đi sắm sửa cho con Ngân.
Khôi liếm môi:
- Ngân sắp về chưa chị?
Nhướn đôi mày kẻ thật đậm lên. Tuyết làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Ngân không cho em biết ngày nó về sao?
Mẹ Ngân vội chen vào:
- Thằng Trí nói chắc chắc cuối tháng này Ngân về.
Kiều Tuyết tủm tỉm cười:
- Về sớm càng tốt. Ngân về thì tổ chức cưới sớm. Nè Khôi! Chuẩn bị lương tháng để đi ăn đám cưới của Trí và Ngân nhé!
Khôi giận tái mặt vì những lời nói vô tâm, ác độc của Tuyết. Anh mím môi nói:
- May mà Kiều Ngân có được Trí. Cậu ta xứng đáng với gia đình của chị lắm đó!
Kiều Tuyết châm chọc:
- Biết nhận xét vậy là khá. Lâu quá không thấy em lại chơi, ba mẹ chị tưởng em bận làm ở công ty nào lớn lắm. Ai ngờ em chê hãng cầu lông vì thích làm culi cho cái tiệm bé xíu này.
Nhìn quanh một vòng với vẻ coi thường, Tuyết chép miệng:
- Biết tới chừng nào em mới được phân nửa của Trí hả Khôi?
Khôi đanh giọng:
- Đây là chỗ mua bán, tôi không rảnh để nghe chị nói tào lao.
Kiều Tuyết trâng tráo:
- Đuổi khéo à? Vào mua đồ mà được tiếp đón như thế nào thì quá là bất lịch sự đấy.
Nãy giờ im lặng đứng nhìn, ông Tư vội bước tới, giọng mật ngọt:
- Cô và bà cần mua gì?
Kiều Tuyết khinh khỉnh:
- Tiệm của ông không có món đó vì nó mắc lắm! Hừ đúng là cái chỗ quá tệ mà, mất công người ta bước vô hết sức. Mình đi thôi mẹ.
Mẹ của Kiều Ngân đứng trước mặt Khôi, giọng hằn học:
- Nếu mà cậu đã chọn chỗ này để làm việc thì cậu đã tự mình dứt tình với con Ngân rồi. Từ giờ trở đi đừng làm phiền nó nữa. Tháng sau gia đình tôi gả nó vào nơi môn đăng hộ đối, vì vậy cậu không được đi tìm nó. Liệu mà nhớ đấy!
Khôi còn đứng trơ ra vì những lời nói của bà thì ông Tư đã cười gằn:
- Bà đã nói nhiều quá rồi đó, thưa bà Kiều Yến. Hừ! Mấy chục năm mới gặp lại. Cái quan điểm tham lam danh lợi phụ bần hàn đó bà đã truyền lại cho con gái của mình rồi sao?
Khôi thấy mẹ của Ngân tái mặt đi vì bị gọi đúng tên. Bà trợn tròn mắt nhìn mãi ông Tư thật lâu rồi lắp bắp:
- Ông là... là Văn. Là Văn phải không?
Ông Tư nhếch môi:
- Thì là tôi đây chớ ai. Làm gì mà bà xúc động dữ vậy?
Kiều Tuyết cau mày hỏi mẹ:
- Ai vậy mẹ?
Bà Kiều Yến gượng gạo lắc đầu, rồi hấp tấp nắm lấy tay của con gái bước vội ra đường. Ông Tư lặng nhìn theo với nụ cười bí hiểm.
Khôi ngập ngừng:
- Cháu thành thật xin lỗi, sáng sớm bác chưa buôn bán được gì lại xảy ra chuyện.
Ông Tư xua xua tay:
- Người ta cố ý chứ đâu phải là mình đâu. Như vậy mà lại tốt cho chú mày đấy. Gia đình họ đã nói rõ rồi, không phải thắc mắc nữa chứ! Bà ta là như vậy đó. Cháu không thất nghiệp nếu mà không đúng tiêu chuẩn chọn rể thì cũng không lọt vào cửa nhà của bà ta đâu.
Khôi thở hắt ra, có thể là cậu Tư nói đúng. Trước đây bà Yến không bằng lòng cho Ngân quen anh, nhưng lúc đó anh còn đường bệ, nên bà chưa thẳng thừng chống đối ra mặt. Bây giờ anh chỉ là thằng culi con, đương nhiên là bà phải gả con của mình vào nơi xứng đáng chứ. Xét cho cùng thì Kiều Ngân cũng chẳng có lỗi gì cả, anh thật không xứng đáng với cô kia mà!
Im lặng một lúc, Khôi khẽ hỏi:
- Cậu biết bác ấy à?
Cười khẩy một cái, ông Tư nói:
- Hồi đó vì Kiều Yến mà cậu đã cạo đầu. Cô ta là mối tình đầu đời ngu ngốc nhất của cậu, là người đàn bà mà cậu luôn nhớ tới. Bởi vậy dù mấy chục năm xa cách, gặp lại cậu vẫn nhận ra. So với trí tưởng tượng của cậu, Kiều Yến không khác mấy.
Khôi ngạc nhiên:
- Cậu vẫn còn yêu bác Yến sao?
Ông Tư lắc đầu:
- Cậu vẫn nhớ tới Kiều Yến, nhưng mà không còn yêu chút nào. Nhớ để tự răn mình. Nhớ ngày xưa, bà ta chê cậu nghèo, gia đình tầm thường nên bây giờ cậu mới có cơ ngơi như thế này. Cậu tự hào mình đã làm nên với hai bàn tay lao động. Cuộc đời còn dài, cháu không có gì mà phải nản lòng hết.
Khôi vẫn còn thắc mắc:
- Hồi đó bác Yến có yêu cậu không?
Ông Tư hơi mơ màng:
- Chắc... là có! Nhưng mà cô ta yêu theo cách riêng của mình. Hai đứa cũng thề non hẹn biển y như bao nhiêu cặp tình nhân trên trái đất này. Lúc đó gia đình cậu còn đang gặp thời. Cuộc tình kéo dài được ba năm. Đùng một cái hãng dệt của nhà cậu bị cháy. Thế là xong! Cô ta quay lưng đi, dửng dưng, tàn nhẫn và trâng tráo y như con bé lúc nãy.
Vẫn giọng đều đều vô cảm. Ông Tư nói tiếp:
- Với cậu bây giờ, mọi thứ trên đời đều không có ý nghĩa gì hết. Nhưng con người thì lạ lắm! Chán nản nào người ta cũng vượt qua. Cậu lại quen lại, yêu và lại thất tình. Thường thì đàn ông nghèo dễ bị tình phụ và bị thất tình lắm. Lúc đó ở nhà bắt cậu cưới vợ. Thế là cưới. Rồi con cái đùm đề, hai vợ chồng nghèo nương nhau mà sống, không có tình yêu rồi cũng trở thành yêu. Nhờ người vợ hết lòng hy sinh cho chồng con, cậu mới có ngày hôm nay. Ngẫm lại tình cảm cậu dành cho Kiều Yến đâu phải là tình yêu, mà là nỗi đam mê chết người của thời mới lớn. Cậu đã vượt qua cơn mê đầu đời đó.
Ông Tư cao giọng phán:
- Bữa nay nghỉ bán. Mày ngồi coi tiệm đi, tao đi mua rượu và mồi. Cậu cháu mình lai rai. Tao uống mừng vì gặp lại cố nhân. Mày uống để chia tay với người yêu muôn thuở. Đời người ta chẳng mấy khi uống rượu vì lý do độc đáo như vầy đâu.
Nói dứt lời, ông Tư bỏ đi một mạch ra đường. Khôi thở dài ngồi phịch xuống ghế.
Nên uống cho say lắm chứ. Vì nếu không say thì sao mà anh chịu nổi những chuyện xảy ra vừa qua.
Thế là chấm dứt cho một mối tình luôn bị dè bĩu từ mọi phía. Chấm dứt đúng như là ý muốn của nhiều người, và biết đâu đó trong đó còn có cả Kiều Ngân của anh nữa.
|
|
|