Làm Đại Sứ Trong nền văn hóa của tôi, người phụ nữ giành được sự kính trọng khi trở thành người mẹ. Người đó đã đem lại một sinh linh khác cho cuộc đỜi, góp một món quà cho cuộc sống. Khi Aleeke ra đời, tôi đã là mẹ, là một phụ nữ đã trưởng thành. Sau khi trải qua cả một vòng các trạng thái, bắt đầu từ việc bị cắt xẻo lúc mới lên năm, vòng tròn đã khép kín khi tôi sinh con vào lứa tuổi khoảng ba mươi, tôi được kính trọng hơn vì sự làm mẹ của mình. Tôi hiểu rằng nhờ sức mạnh lạ thường mà phụ nữ Somalia có để chịu được gánh nặng họ mang, đơn giản vì họ sinh ra là phụ nữ. Là một phụ nữ đang sống ở phương Tây, tôi cố gắng sức để làm những gì phải làm, và có những ngày tôi không nghĩ là mình làm được thế, tôi tưởng không qua nổi lúc cố lau sàn ở McDonald trong những kỳ hành kinh đau đớn. Giải phẫu để mở những vết sẹo còn nguyên của cơ quan sinh dục, để tôi có thể tiểu tiện bình thường. Lạch bạch suốt chín tháng mang thai, đi tàu điện ngầm đến Harlem, trèo lên cầu thang, đi chợ mua thức ăn. Chịu cơn đau suốt ba ngày và tưởng chết ngay trong phòng đẻ, trước các bác sĩ.
Thực ra tôi là một người may mắn, nếu không thì một cô gái chui rúc trong bụi rậm, đi hàng bao nhiêu dặm mới lấy được nước cho đàn dê của mình trong lúc hành kinh đau đớn sao lại có thể đứng thẳng lên được? Hoặc người vợ sẽ bị khâu tịt ngay lại sau khi sinh bằng kim chỉ như may một mảnh vải, để giữ âm đạo chặt khít cho chồng? Hoặc là người phụ nữ chín tháng mang thai vẫn phải săn tìm thức ăn trong sa mạc để nuôi mười một đứa con đang đói? Hay điều gì sẽ xảy ra với người vợ mới vẫn bị khâu chặt khít lúc sinh con? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu vào sa mạc một mình như mẹ tôi vẫn làm, cố sinh con một mình? Thật không may, tôi biết câu trả lời cho câu hỏi ấy. Nhiều người đã băng huyết đến chết vì ở một mình trong sa mạc, và nếu chồng họ tìm thấy họ trước lũ chim kên kên và linh cẩu là may lắm rồi.
Khi tôi trưởng thành và được giáo dục hơn, tôi hiểu rằng tôi không lẻ loi. Những rắc rối về sức khoẻ mà tôi phải đối phó cũng là tai hoạ của hàng triệu cô gái và phụ nữ trên khắp thế giới này. Vì một nghi thức dốt nát, phần lớn phụ nữ ở châu Phi sống suốt đời trong đau đớn. Ai sẽ giúp những người phụ nữ trong sa mạc như mẹ tôi chẳng hạn – nếu không có tiền và không có quyền? Phải có người phát biểu thay cho các cô gái không được nói chứ. Vì ban đầu tôi là một người du mục như họ, tôi cảm thấy sứ mệnh của tôi là phải giúp họ.
Không bao giờ tôi giải thích nổi vì sao nhiều việc trong đời tôi lại xảy ra hoàn toàn tình cờ. Nhưng tôi thực lòng không tin vào quan niệm chỉ là tình cờ, cuộc sống của chúng ta có nhiều điều lớn lao hơn thế chứ. Thượng Đế đã cứu tôi ra khỏi hàm sư tử trong sa mạc khi tôi chạy trốn khỏi nhà, và từ lúc ấy trở đi tôi luôn cảm thấy Người đã sắp sẵn kế hoạch cho tôi, giữ cho tôi đến vì một lý do nào đấy. Nhưng nếu có một lý do thì nó là gì vậy?
Có lần, một nhà văn của tạp chí thời trang Marie Claire hẹn phỏng vấn tôi. Trước cuộc gặp, tôi đã nghĩ nhiều đến những điều muốn nói trong bài báo. Lúc gặp nhà văn Laura Ziv để ăn trưa, vừa liếc nhìn tôi đã thích chị ngay. Tôi nói:
- Tôi không biết chị muốn biết chuyện gì về đời tôi, nhưng mọi thứ khác các người mẫu thời trang đã nói hàng triệu lần. nếu chị hứa công bố, tôi sẽ kể cho chị nghe một câu chuyện hoàn toàn có thực.
Chị nói:
- Thế ư? Tôi sẽ cố gắng hết sức – và chị bật máy ghi âm.
Tôi bắt đầu kể cho chị việc cắt xẻo hồi tôi còn bé tí. Đột nhiên giữa chừng cuộc phỏng vấn, chị bật khóc và tắt máy.
- Chị sao thế?
- Tôi muốn nói là…nó kinh khủng quá..ghê tởm quá. Tôi chưa bao giờ nghĩ ngày nay vẫn có những chuyện như thế đang diễn ra.
- Nó vẫn thế đấy. Và đấy là chuyện mà người dân phương Tây chưa biết. Chị có nghĩ đến việc đưa chuyện đó lên báo của chị, tờ báo lộng lẫy, tiếng tăm mà phụ nữ nào cũng đọc không?
- Tôi hứa sẽ cố gắng hết mức có thể. Nhưng chờ ông chủ tôi quyết định.
Một ngày sau cuộc phỏng vấn, tôi cảm thấy choáng váng và bối rối vì những điều đã làm. Lúc này mọi người sẽ biết việc tôi làm. Biết điều bí mật riêng tư nhất của tôi. Kể cả những người bạn thân nhất cũng không biết chuyện xảy ra khi tôi còn là một bé gái. Là người được giáo dưỡng hết sức kín đáo ở Somalia, chuyện đó không phải là thứ để tôi nói tới. Giờ đây, tôi đang kể với hàng triệu người xa lạ. Nhưng Cuối cùng tôi quyết định, cứ để như thế. Rời bỏ phẩm giá của mình, như thể tôi đang cởi bỏ quần áo vậy. Tôi vứt nó sang một bên và đi dạo không cần có nó nữa. Nhưng tôi cũng lo ngại phản ứng của những người Somali khác. Tôi chúng tôi hình dung họ nói "Sao cô dám chỉ trích những truyền thống cổ xưa của chúng tôi?" Tôi hình dung họ lặp lại lời của gia đình tôi hồi tôi gặp họ ở Ethiopia "Cô tưởng sống ở phương Tây là cô biết mọi thứ chắc?"
Sau khi suy nghĩ rất lâu, tôi hiểu rằng tôi cần nói về sự cắt xẻo của tôi vì hai lý do. Trước hết, đây là thứ làm phiền tôi sâu sắc. Ngoài những phiền toái về sức khoẻ mà tôi vẫn còn phải chống chọi, tôi sẽ không bao giờ biết đến niềm vui sướng của tình dục. Tôi cảm thấy thiếu thốn, tàn tật và hiểu rằng không gì có thể làm tôi thay đổi cảm giác bơ vơ ấy. Khi gặp Dana, tôi yêu anh và muốn được trải nghiệm thú vui tình dục với một người đàn ông. Nhưng nếu bây giờ bạn hỏi tôi "Cô có được hưởng lạc thú ấy không?" tôi sẽ nói "Không" đúng như kiểu truyền thống Tôi chỉ đơn thuần thưởng thức sự gần gũi thân thể với Dana vì tôi yêu anh mà thôi.
Suốt đời tôi cố suy nghĩ đến nguyên nhân của tình trạng cắt xẻo. Nếu như nghĩ ra được một lý do tốt đẹp, tôi có thể công nhận việc họ đã làm với tôi. Nhưng tôi không thể nghĩ ra. Càng suy nghĩ mà không tìm ra, tôi càng trở nên giận dữ. Tôi cần phải nói toạc điều bí mật của tôi vì tôi đã phải giữ kín trong lòng suốt cả đời. Vì gia đình tôi không ở đây, không co mẹ hoặc các chị em gái tôi, nên tôi chẳng có ai để chia xẻ nỗi đau buồn đó. Tôi căm ghét thuật ngữ "nạn nhân" vì nghe có vẻ vô phương tự vệ. Nhưng khi mụ gypsy tàn sát tôi, tôi đúng là một nạn nhân đích thực. Tuy nhiên, là một phụ nữ trưởng thành, tôi không còn là nạn nhân nữa và tôi có thể bắt tay vào hành động. Với bài báo trên Marie Claire, tôi mong muốn mọi người hiểu rõ sự hành hạ này khi nghe từ miệng một người đàn bà, vì tất cả phụ nữ ở nước tôi đều im lặng.
Tôi chợt nghĩ sau khi dân chúng biết điều bí mật của tôi, họ sẽ nhìn tôi một cách kỳ quặc mỗi khi gặp tôi trên đường phố. Tôi quyết định không quan tâm. Lý do thứ hai khi làm bài báo này là hy vọng làm cho mọi người hiểu được rằng hủ tục man rợ đó hiện vẫn đang diễn ra. Không phải hàng trăm, hàng ngàn, mà hàng triệu cô gái đang chung sống với nó và chết vì nó. Đã quá muộn để thay đổi tình trạng cắt xẻo của tôi, sự huỷ hoại đã xảy ra rồi, nhưng biết đâu tôi chẳng giúp cứu vớt được người nào đó.
Khi bài phỏng vấn "Thảm hoạ cắt xẻo phụ nữ" ra đời, phản ứng thật dữ dội. Laura đã làm một việc vĩ đại, công bố nó như một hành động dũng cảm trên tờ Marie Claire. Nhiều thư ủng hộ gửi đến, tràn ngập tờ báo và Equality Now, một tổ chức đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ.
Laura kể với tôi rằng bạn đọc thực sự kinh hoàng.
"Ngày này cách đây một tháng, tôi đã kinh hãi khi đọc trong số Marie Claire tháng Ba về "tình trạng cắt xẻo" phụ nữ và không thể xua được những ám ảnh ra khỏi tâm trí. Tôi khó mà tin được rằng bất cứ ai, đàn ông hay đàn bà, lại có thể bỏ qua việc làm lạnh lùng và dã man khi xử lý giới tính mà Chúa đã tạo nên cho "bạn đời" của mình như vậy. Kinh Thánh đã dạy đàn ông "phải yêu thương vợ", dẫu cho sống trong một nền văn hóa mà Chúa không biết đến sự tồn tại, con người không thể không cảm nhận được nỗi đau đớn, sự chấn thương và thậm chí cái chết gây ra cho phụ nữ là XẤU XA! Làm sao họ có thể cho phép việc này xảy ra với vợ, con gái, chị em gái của họ? Chắc hẳn họ phải biết họ đang huỷ hoại phụ nữ bằng đủ mọi cách như thế chứ!"
"Xin Chúa cứu giúp chúng ta, chúng ta PHẢI LÀM MỘT VIỆC GÌ ĐÓ. Lúc thức dậy, tôi nghĩ đến chuyện đó, đi ngủ tôi cũng nghĩ đến chuyện dó, và suốt ngày tôi khóc vì việc đó! Chắc rằng Tầm nhìn Thế giới hoặc các tổ chức khác sẽ có người để dạy dỗ và giáo dục sao cho các cuộc hôn nhân và sự gần gũi có thể tốt đẹp hơn nhiều với đàn ông cũng đàn bà, đã từng bị như thế, và những người phụ nữ đó đã được sinh ra với các bộ phận thân thể nhất định, với lý do tốt đẹp cũng như đàn ông vậy!"
Một thư khác: hiểu hoàn toàn
"Tôi vừa đọc xong bài báo về Waris Dirie, và tôi đau thắt ruột gan vì các cô bé vẫn đang phải chịu đựng sự hành hạ và cắt xẻo như thế. Tôi khó mà tin được những trò tàn ác như thế lại đang diễn ra trong thời buổi hiện nay. Những vấn đề mà những người phụ nữ này phải đối mặt suốt đời thật không tưởng tượng nổi. Dù là truyền thống hay không, sự vi phạm trắng trợn này đối với phụ nữ trên toàn thế giới cần phải chấm dứt. Hãy để tôi xẻ phanh cơ quan sinh dục của một người đàn ông rồi khâu lại, tôi có thể đoan chắc rằng thói quen này sẽ chấm dứt ngay. Làm sao bạn có thể muốn chung sống với một người phụ nữ khi cơ thể cô ấy đau đớn dữ dội và không bao giờ ngừng? Bài báo này đã làm tôi rơi lệ và tôi viết gửi tổ chức Equality Now để thông tin xin giúp đỡ".
Một thư khác gởi cho tôi:
"Người ta đã kể nhiều câu chuyện thê thảm, và trong tương lai chắc sẽ còn nhiều nữa, nhưng Waris ơi, sẽ không thể có câu chuyện kể nào trong toàn bộ nền văn minh làm kinh hoàng hơn việc người ta đang làm với con cái họ. Tôi đã khóc và cảm động sâu sắc khi đọc bài báo này. Tôi muốn làm gì đó để thay đổi mọi việc, nhưng tôi không biết một người thì có thể làm được gì. "
Những bức thư ủng hộ làm tôi nhẹ cả người. Tôi chỉ nhận được hai phản ứng xấu chỉ trích tôi, và chẳng có gì ngạc nhiên là đều ở Somalia cả.
Tôi bắt đầu cho phỏng vấn nhiều hơn và nói chuyện tại các trường học, các tổ chức cộng đồng, chủ yếu là ở bất cứ nơi nào tôi có thể đưa vấn đề này ra công khai.
Rồi một đòn nữa của số phận xảy ra. Một hoạ sĩ hóa trang trên chuyến bay từ châu Âu đến New York đã đọc bài phỏng vấn tôi trên tờ Marie Claire. Trong chuyến bay chị ta đã đưa cho ông xếp của mình và nói:
- Bà hãy đọc đi.
Tình cờ bà xếp ấy là Barbara Walters. Sau này Barbara kể với tôi rằng bà không thể đọc hết bài báo vì quá xúc động. Tuy nhiên, bà cảm thấy đó là một vấn đề cẫn đặt toàn tâm toàn ý. Bà quyết định dùng câu chuyện của tôi làm chương trình 20/20 cho các khán giả tìm hiểu về nạn cắt xẻo phụ nữ. Ethel Bass Weintraub đã lập giải cho người thắng với tiêu đề "Cuộc hành trình chữa lành vết thương".
Trong lúc Barbara phỏng vấn tôi, tôi chỉ muốn khóc, tôi cảm thấy mình thật trần trụi. Kể chuyện trong bài báo dù sao cũng có khoảng cách giữa tôi và người đọc. Tôi chỉ phải kể với Laura, và chúng tôi là hai người phụ nữ trong một khách sạn. Nhưng khi họ quay tôi cho 20/20, tôi biết camera đang quay cận cảnh mặt tôi lúc tôi thổ lộ những điều bí mật đã giữ suốt đời, như thể có người đã mở phanh tôi ra và phơi bầy tâm hồn tôi.
"Cuộc hành trình chữa lành vết thương" ra đời vào mùa hè 1997. Ngay sau đó tôi nhận được điện thoại của người đại diện nói Liên Hiệp Quốc (UN) đã tiếp xúc với họ. UN đã xem trích đoạn 20/20 và muốn mời tôi liên hệ với họ.
Nhiều sự kiện có một vòng xoay lạ lùng. Quỹ Dân số của UN mời tôi tham gia cuộc đấu tranh chống tệ nạn cắt xẻo phụ nữ. Làm việc với Tổ chức y tế thế giới, họ đã sưu tập được những con số thống kê thật sự kinh hoàng về viễn cảnh của vấn đề này. Sau khi xem những con số ấy, rõ ràng đây không chỉ là vấn đề của riêng tôi. Tệ nạn cắt xẻo phụ nữ, hoặc như lời ám chỉ khéo léo hiện nay, là cắt xẻo cơ quan sinh dục nữ (FGM) diễn ra chủ yếu ở hai mươi tám nước châu Phi. Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 130 triệu cô gái và phụ nữ chịu tệ nạn này. Hàng năm, ít nhất hai triệu cô gái có cơ nguy trở thành nạn nhân, có nghĩa là 6000 người một ngày. Các cuộc cắt xẻo này thường tiến hành trong các điều kiện hết sức thô sơ do một bà đỡ hoặc một phụ nữ trong làng làm. HỌ không dùng thuốc gây tê. Họ dùng bất cứ dụng cụ gì có trong tay để cắt xẻo các cô gái, lưỡi dao cạo, dao nhíp, kéo, mảnh thuỷ tinh, đá mài sắc, và ở một số vùng còn dùng cả răng. Thủ tục này là quy định nghiêm ngặt do vị trí địa lý và nếp văn hóa. Ít huỷ hoại nhất là cắt bỏ môi âm vật, ngăn chặn các cô gái khỏi thích thú tình dục suốt đời. Nghiêm trọng nhất là cắt xẻo hết âm vật, thực hiện trên 80% phụ nữ Somalia. Đây là kiểu mà tôi đã nói tới. Hậu quả của việc cắt xẻo âm vật là những biến chứng trực tiếp vì bị sốc, nhiễm trùng, huỷ hoại niệu đạo và hậu môn, tạo sẹo, uốn ván, nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng máu, HIV và viêm gan B. Nhiều biến chứng lâu dài như các bệnh về niệu đạo kinh niên và định kỳ, nhiễm trùng xương chậu có thể dẫn đến vô sinh, u nang và áp xe quanh âm hộ đau đớn, tiểu tiện khó khăn, bế kinh, đọng máu kinh nguyệt trong bụng, lãnh cảm, trầm cảm và tử vong.
Khi hình dung năm nay có thêm hai triệu cô bé sẽ trải qua những điều tôi đã trải qua, tim tôi như vỡ ra. Nó cũng làm tôi hiểu rằng mỗi ngày sự hành hạ này vẫn tiếp diễn, và thêm bao phụ nữ giận dữ như tôi, những người sẽ không bao giờ giành lại được một phần cơ thể đã bị mất.
Trong thực tế, thay vì thu nhỏ lại, số lượng các cô gái bị cắt xẻo đang tăng lên. Một lượng lớn các cô gái châu Phi di cư vào châu Âu và Mỹ đang chịu hủ tục đó. Các Trung tâm Phòng chống bệnh của liên bang ước tính ở bang New York có 27000 phụ nữ đã hoặc sẽ chịu thủ tục này. Vì thế, nhiều bang đã thông qua các đạo luật làm cho FGM trở thành bất hợp pháp. Những nhà lập pháp cảm thấy tách các đạo luật ra là cần thiết để bảo vệ trẻ em đang chịu rủi ro, vì các gia đình sẽ đòi đây là "quyền về tôn giáo" của họ để cắt xẻo con gái của họ. Nhiều lần, một cộng đồng châu Phi dành dụm đủ tiền đưa một người chuyên cắt xẻo như mụ gypsy từ châu Phi đến Mỹ. Sau đó, mụ ta sẽ cắt xẻo một nhóm các cô gái một lúc. Khi không thể làm được điều này, các gia đình đã tự tay thực hiện. Một người cha ở bang New York đã vặn máy stereo thật to để hàng xóm của ông ta không thể nghe thấy tiếng la hét. Sau đó ông ta cắt phăng cơ quan sinh dục của con gái mình bằng một con dao thái thịt.
Tôi rất tự hào nhận lời mời làm đại sứ đặc biệt của Liên Hiệp Quốc và tham gia cuộc đấu tranh của tổ chức này. Một trong những vinh dự lớn nhất trong vị trí của tôi là được làm việc với những phụ nữ như bác sĩ Nafis Sadik, giám đốc điều hành Quỹ Dân số của UN. Bà là một trong những phụ nữ đầu tiên tiến hành cuộc đấu tranh chống FGM, nêu vấn đề này ra trước Hội nghị Quốc tế về dân số và phát trỉên ở Cairo năm 1994. Ít lâu nữa, tôi sẽ trở lại châu Phi lần nữa để kể câu chuyện của tôi và tăng thêm phần ủng hộ UN.
Nạn cắt xẻo phụ nữ đã tồn tại hơn bốn ngàn năm trong các nền văn hoá châu Phi. Nhiều người tin rằng kinh Koran đòi hỏi điều này, vì hủ tục này phổ biến ở các nước theo đạo Hồi. Tuy nhiên, không phải như vậy. Cả kinh Koran lẫn Kinh Thánh đều không nói gì đến việc cắt xẻo phụ nữ cho vui lòng Thượng Đế. Sự cắt xẻo này thuần tuý cho đàn ông – những người đàn ông dốt nát, ích kỷ - khuyến khích và đòi hỏi để bảo đảm quyền sở hữu những thích thú tình dục của họ với phụ nữ. Họ đòi vợ họ phải bị cắt xẻo. Các bà mẹ chiều theo vì sợ con gái họ sẽ không lấy chồng được. Phụ nữ không cắt xẻo bị coi là bẩn thỉu, dâm đãng và không thể kết hôn. Trong nền văn hoá du mục như tôi được nuôi dưỡng, không có chỗ dành cho một phụ nữ không chồng, vì thế các bà mẹ thấy họ có nhiệm vụ bảo đảm cho con gái họ có thời cơ tốt đẹp nhất, như các gia đình phương Tây thấy nhiệm vụ của họ là gửi con gái đến các trường tốt nhất. Chẳng có lý gì để mỗi năm cắt xẻo hàng triệu cô gái ngoài sự ngu dốt và mê tín. Sự đau đớn, chịu đựng và cái chết là những kết quả của sự cắt xẻo, là lý do quá đủ để ngăn chặn nó lại.
Làm đại sứ của Liên Hiệp Quốc là thực hiện giấc mơ mãnh liệt mà tôi chưa bao giờ dám mơ. Dù khi lớn lên, tôi luôn cảm thấy khác biệt với gia đình và những người du mục, tôi có thể chưa bao giờ đoán trước tương lai mình sẽ là đại sứ, làm việc cho một tổ chức có trách nhiệm giải quyết các vấn đề của thế giới. Trên phạm vi quốc tế, UN làm những gì mà các bà mẹ làm ở phạm vi cá nhân, đem lại sự thoải mái và an toàn. Tôi nghĩ trong những năm đầu đời, các bạn tôi không ngớt coi tôi là Mama, và đó là một gợi ý mơ hồ duy nhất cho vai trò tương lai ở UN của tôi. Họ trêu chọc tôi vì lúc nào tôi cũng muốn săn sóc họ và chăm nom mọi người.
Nhiều người trong chính số bạn bè ấy đã biểu lộ sự cuồng tín, cố giết tôi khi tôi trở lại châu Phi. Sau cùng, tôi sẽ phát biểu chống lại tội ác mà nhiều người theo trào lưu chính thống coi là một nghi thức thần thánh. Tôi biết chắc công việc của tôi sẽ gặp nguy hiểm, và tôi công nhận là có sợ, hiện giờ tôi đặc biệt lo lắng vì có đứa con nhỏ cần chăm sóc. Nhưng lòng trung thành bảo tôi rằng cần phải mạnh mẽ, rằng Thượng Đế có lý do đưa tôi xuống con đường này. Người có việc cho tôi làm. Đây là sứ mệnh của tôi. Tôi tin rằng từ trước khi tôi ra đời rất lâu, Thượng Đế đã chọn ngày tôi chết, cho nên tôi không thể thay đổi được ngày đó. Trong khi ấy, tôi có thể đánh liều xem sao, vì đó chính là điều tôi đã làm suốt cả đời.
CHƯƠNG 18 – NGHĨ VỀ QUÊ HƯƠNG
Vì tôi lên án nạn cắt xẻo cơ quan sinh dục nữ, một số người tưởng tôi không coi trọng nền văn hóa của tôi. Nhưng như thế là họ lầm. Hàng ngày tôi cám ơn Thượng Đế vì tôi là người châu Phi. Hàng ngày. Tôi hãnh diện là người Somali, và tự hào về đất nước tôi. Tôi đoán một số nền văn hoá khác có thể coi đấy là cách nghĩ của người châu Phi, chẳng có gì cũng hãnh diện. Tôi đoán bạn sẽ gọi như thế là kiêu căng.
Ngoài vấn đề cắt xẻo, tôi không trao đổi với bất cứ ai về cách tôi được nuôi dưỡng. Sống ở New York, dù ai cũng nói đến ý nghĩa của gia đình, song tôi vẫn thấy rất ít. Tôi không thấy các gia đình tụ tập sống cùng nhau như chúng tôi, cùng hát hò, vỗ tay, cười nói vui vẻ. Dân ở đây tách biệt nhau, không hề có cảm giác thuộc về một cộng đồng.
Một ích lợi nữa của việc lớn lên ở châu Phi là chúng tôi là một phần của thiên nhiên thuần túy, của sự sống thuần tuý. Tôi hiểu cuộc sống, dù tôi không được cuộc sống che chở. Mà đó là cuộc sống thật sự, chứ không phải là thứ nhân tạo trên tivi, tôi xem người khác sống cuộc sống của họ. Ngay từ ban đầu, tôi đã có thiên hướng để tồn tại, tôi biết niềm vhi và nỗi đau cùng một lúc. Tôi hiểu rằng hạnh phúc không phải là thứ bạn có, vì tôi chưa bao giờ có thứ gì mà tôi vẫn hạnh phúc. Trong đời tôi, thời gian quý giá nhất là lúc nhớ lại hồi sống cùng với gia đình. Tôi nghĩ đến những buổi tối chúng tôi ngồi quanh đống lửa sau khi ăn xong, cười vui vì những điều nhỏ nhặt nhất. Và lúc chúng tôi mừng mùa mưa bắt đầu và sự sống hồi sinh.
Được nuôi dưỡng ở Somalia, chúng tôi trân trọng mọi thứ giản dị trong đời. Chúng tôi mừng mưa vì nghĩa là có nước. Có người nào ở New York phải lo về việc nước nôi đâu? Cứ để nó chảy tư vòi ra trong lúc bạn đi làm việc gì đó trong bếp. Nó có sẵn đó, bất cứ khi nào bạn cần đến. BUM, mở vòi là nước chảy ra. Bạn có đủ mọi thứ nên chẳng coi trọng cái gì, còn chúng tôi chẳng có gì nên trân trọng mọi thứ.
Gia đình tôi vật lộn từng ngày mới kiếm đủ ăn. Mua được bao gạo là một dịp trọng đại với chúng tôi. Tuy vậy, ở nước tôi, khối lượng và chủng loại thực phẩm làm bất cứ ai ở một nước thuộc thế giới Thứ Ba đến đều sửng sốt. Song buồn thay, có nhiều người Mỹ đang bận rộn lo lắng đến chuyện không ăn. Bên kia quả địa cầu, chúng tôi vất vả mới nuôi nổi dân chúng. Bên này quả địa cầu, người ta mất tiền để giảm trọng lượng. Tôi theo dõi các chương trình giảm cân đầy tính thương mại trên tivi và kêu lên:
- Muốn giảm cân thì cứ đến châu Phi! Như thế kia là gì? Nếu bạn giảm cân trong lúc đang giúp dân thì sao? Bạn có nghĩ đến chuyện đó không? Bạn sẽ cảm thấy tốt lành và khác hẳn. Bạn sẽ thực hiện được hai việc lành mạnh cùng một lúc. Tôi hứa với bạn, lúc trở về bạn sẽ học được nhiều thứ. Đầu óc bạn sẽ trong trẻo hơn lúc bạn rời nhà ra đi.
Giờ đây, tôi yêu mến giá trị của từng vật đơn giản. Hàng ngày tôi gặp nhiều người có nhà đẹp, đôi khi có tới vài ngôi nhà, nhiều xe, du thuyền, nữ trang, nhưng tất cả đều nghĩ phải có nhiều hơn nữa, làm như thứ họ mua tiếp theo sẽ mang đến cho họ hạnh phúc và sự yên bình trong đầu. Tôi không cần nhẫn kim cương mới làm cho tôi hạnh phúc. Người ta có thể nói, ồ, bây giờ cô nói gì chẳng dễ, vì cô có thể mua bất cứ thứ gì cô muốn. Nhưng tôi không muốn gì hết. Thứ tài sản giá trị nhất trong đời – ngoài bản thân cuộc sống – là sức khoẻ. Con người đã huỷ hoại sức khoẻ quý giá của họ, rồi lại lo lắng đến đủ thứ bực bội nhỏ bé, vô nghĩa "Ôi chao, hết hoá đơn này đến hoá đơn khác, hóa đơn bay đến từ mọi hướng, và ..ôi, làm sao mình trả hết tất cả được?" Mỹ là nước giàu nhất trên thế giới, vậy mà ai cũng cảm thấy còn nghèo.
Và mọi người thiếu thời gian hơn cả thiếu tiền. Ai cũng kêu không có thời gian. Chẳng có tí tẹo thời gian nào "Tránh đường cho tôi, ông bạn, tôi đang vội". Đường phố chật cứng những người là người vội vã đi đây đi đó, theo đuổi những thứ chỉ có Chúa biết là cái gì.
Tôi cảm kích vì được trải nghiệm cả hai cuộc sống – một giản dị và một nhanh chóng. Nhưng nếu không lớn lên ở châu Phi, tôi sẽ không thể biết liệu có học được cách thưởng thức cuộc sống theo cách giản dị hay không. Thời thơ ấu của tôi ở Somalia đã nhào nặn nên cá tính của tôi vĩnh viễn, và giữ cho tôi khỏi sa đà vào những việc tầm thường như thành công, danh tiếng hình như đang ám ảnh rất nhiều người. Tôi hay tự hỏi "Là người nổi tiếng sẽ cảm thấy như thế nào nhỉ?" và chỉ bật cười. Nổi tiếng có ý nghĩa gì? Thậm chí tôi không biết nữa. Tôi chỉ biết là tôi suy nghĩ theo cách của người châu Phi, và sẽ không bao giờ thay đổi.
Một trong những lợi ích lớn nhất khi sống ở phương Tây là hoà bình, và tôi không chắc có bao nhiêu người nhân thức được đấy là một ân huệ. Trên thực tế cũng có tội ác đấy nhưng không phải là chiến tranh liên miên xảy ra quanh bạn. Tôi biết ơn vì được lưu trú ở đây và có cơ hội nuôi con an toàn, vì ở Somalia các cuộc chiến tranh nổ ra không ngừng từ khi phe chống đối hất cẳng Siad Barre năm 1991. Các bộ lạc thù địch chiến đấu giành quyền kiểm sóat kể từ ngày ấy, và chẳng ai biết có bao nhiêu người đã bị giết chết. Thành phố Mogadishu xinh đẹp, có nhiều toà nhà trắng do thực dân Italy xây dựng đã bị phá huỷ. Hầu như công trình kiến trúc nào cũng mang dấu vết của bảy năm chiến tranh không ngừng, các ngôi nhà bị ném bom hoặc đầy vết đạn. Thành phố không còn mảy may dấu vết trật tự - không chính phủ, không cảnh sát, không trường học.
Tôi rất thất vọng khi biết gia đình tôi không thoát khỏi cuộc chiến. Bác Wolde ab anh trai mẹ tôi, vui tính và rất giống mẹ tôi, đã chết ở Mogadishu. Ông đứng cạnh cửa sổ thì nhà ông bị súng máy quét hàng loạt. Cả ngôi nhà lỗ chỗ vết đạn, một viên bay qua cửa sổ và giết chết bác tôi.
Hiện giờ kể cả dân du mục cũng bị ảnh hưởng. Hồi tôi gặp em trai Ali của tôi ở Ethiopia, nó vừa bị bắn và suýt nữa bị giết. Nó đang đi một mình cùng đàn lạc đà, thì bị bọn săn trộm phục kích bắn vào cánh tay. Ali ngã xuống giả vờ chết, bọn trộm chuồn mất cùng toàn bộ đàn gia súc của em tôi.
Lúc gặp mẹ tôi ở Ethiopia, bà kể bà vẫn còn một viên đạn trong lồng ngực khi bị bắn chéo cánh sẻ. Chị tôi đã đưa bà đến bệnh viện ở Saudi, nhưng họ bảo bà già quá nên họ không mổ. Phẫu thuật rất nguy hiểm, và bà có thể có cơ không sống sót. Vậy mà lúc gặp bà, bà có vẻ khoẻ như một con lạc đà. Bà là mẹ, dẻo dai như mọi lúc và còn nói đùa về phát đạn. Tôi hỏi liệu viên đạn có còn nằm trong người bà không, bà nói:
- Có, có chứ, nó vẫn nguyên đấy. Mẹ chẳng quan tâm. Biết đâu bây giờ mẹ đã nấu chảy nó ra rồi cũng nên.
Những cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc cũng như nạn cắt xẻo, xảy ra chỉ vì cái tôi, vì sự ích kỷ và tính hiếu chiến của đàn ông. Tôi ghét phải nói như thế, nhưng đó là sự thật. Cả hai hành động đều xuất phát từ sự ám ảnh về lãnh thổ của họ, của cải của họ, và phụ nữ bị liệt vào cả hai phạm trù văn hoá và luật pháp.
Mục tiêu của tôi là giúp đỡ những phụ nữ ở châu Phi. Tôi mong muốn thấy họ mạnh mẽ hơn, không yếu đuối, và nạn FGM chỉ làm họ yếu ớt cả về thể chất lẫn cảm xúc. Vì phụ nữ đang là cột trụ của châu Phi, họ làm hầu hết các việc tôi thích hình dung họ có thể đạt tới độ hoàn mỹ nếu như họ không bị cắt xẻo lúc còn bé và bị thương tật suốt đời.
Dù tôi rất giận dữ vừa những điều đã làm với tôi, tôi không trách cha mẹ tôi. Tôi yêu mẹ tôi và yêu cả cha tôi. Mẹ tôi không có quyền quyết định trong việc cắt xẻo tôi, vì là đàn bà nên mẹ bất lực trong mọi quyết định. Bà chỉ đơn thuần làm với tôi việc người ta đã làm với bà, với mẹ của bà, với bà của bà. Còn cha tôi hoàn toàn không biết gì về những đau đớn ông gây ra cho tôi. Ông chỉ biết rằng trong xã hội Somalia, nếu ông muốn con gái ông có được tấm chồng, nó phải bị cắt xẻo hoặc không người đàn ông nào muốn có nó. Cha mẹ tôi đều là nạn nhân của nền giáo dục, của những thông lệ về văn hoá vẫn tiếp diễn không thay đổi hàng ngàn năm. Nhưng ngày nay, chúng tôi hiểu rằng chúng tôi có thể tránh được bệnh tật và cái chết bằng các vaccine, chúng tôi hiểu phụ nữ không phải là những con vật động hớn, lòng trung thành của họ phải giành được sự tin cậy và thương yêu, chứ không phải là những nghi thức man rợ. Đã đến lúc bỏ lại các lề thói đau đớn, cổ xưa lại đàng sau rồi.
Tôi cảm thấy Thượng Đế đã tạo nên thân thể tôi hoàn hảo lúc tôi ra đời. Sau đó con người đã cướp đoạt tôi, lấy đi sức mạnh của tôi và để lại tôi là người thương tật. Nữ tính của tôi đã bị mất cắp. Nếu Thượng Đế muốn có những bộ phận thân thể ấy mất đi, sao Người còn tạo ra chúng?
Tôi chỉ nguyện cầu đến một ngày không còn người phụ nữ nào phải trải qua nỗi đau này. Nó sẽ thành quá khứ . Người ta sẽ nói:
- Bạn có nghe tin nạn cắt xẻo cơ quan sinh dục nữ đã bị cấm ở Somalia chưa?
Rồi tiếp đến nước khác, rồi nước khác nữa, cứ thế cho đến khi cả thế giới này an toàn cho phụ nữ. Ngày đó sẽ là ngày hạnh phúc biết bao, và tôi đang làm việc vì nó. In shallah, nếu Thượng Đế gia ân, ngày ấy nhất định sẽ đến.
Kết Thúc (END) |
|
|