Liên Minh Lớn Nigel vẫn khăng khăng đòi đến New York với tôi. Trước đây anh chưa đến đó lần nào, song anh biết đủ thứ về thành phố này:
- New York là một nơi hoàn toàn điên rồ. Còn em, Waris ạ, em không biết làm gì, đi đâu, em sẽ bị lạc mất nếu không có tôi. Mà em ở đấy một mình sẽ không an toàn đâu, tôi sẽ đi bảo vệ em.
Vâng, nhưng ai sẽ bảo vệ tôi khỏi Nigel? Một trong những đặc tính nổi bật của Nigel là trong một cuộc tranh luận, anh ta sẽ nhắc đi nhắc lại cái lý luận méo mó của anh ta, nói nhai nhải, nói mãi…như một con vẹt hóa rồ, cho đến lúc anh ta làm bạn kiệt sức và bảo anh ta là có thể thôi được rồi. Chẳng nên cãi lý với anh ta làm gì. Nhưng lần này tôi không nhượng bộ. Tôi coi chuyến đi này là một cơ hội cho tương lai, không chỉ cho sự nghiệp của tôi mà còn là một sự khởi đầu mới mẻ, xa cách hẳn nước Anh, xa cách hẳn Nigel và mối quan hệ khó chịu của chúng tôi.
Năm 1991, tôi đến Hoa Kỳ một mình, đại diện của hãng tôi ở New York cho tôi ở căn hộ của anh ta, còn anh ta ở nhờ nhà người bạn. Căn hộ ở đường Village, ngay trung tâm náo nhiệt nhất Manhattan. Trong studio chẳng có gì nhiều ngoài một cái giường lớn, nhưng sự đơn giản ấy lại rất hợp với tôi.
Khi tôi tới đây, đại diện của tôi có hàng đống việc cho tôi, và ngay lập tức khởi động theo kiểu tôi chưa từng biết, kiếm tiền theo cách tôi chưa từng làm trước đây. Ngay trong tuần đầu tiên tôi vừa tới, ngày nào tôi cũng phải làm việc. Sau khi vật lộn suốt bốn năm tìm việc, tôi không phàn nàn gì.
Mọi sự trôi qua suôn sẻ cho đến một buổi chiều, tôi đang ở nơi chụp ảnh. Trong lúc giải lao, tôi gọi cho người đại diện để kiểm tra những cuộc hẹn hôm sau. Người ấy nói:
- Chồng cô gọi điện đấy. Anh ấy đang đến và sẽ gặp cô ở nhà tối nay.
- Chồng tôi? Anh cho anh ấy địa chỉ của tôi?
- Ư hừ. Anh ấy bảo trước khi ra đi cô đã cuống cả lên nên quên cho anh ấy địa chỉ. Chồng cô thật đáng yêu, anh ấy bảo "Tôi chỉ muốn biết chắc là cô ấy yên ổn, vì anh biết đấy, đây là lần đầu tiên cô ấy đến New York".
Tôi dập mạnh ống nghe và đứng đó một lúc, thở ra nặng nhọc. Tôi không thể tinh nổi chuyện này. Phải, tôi có thể điên rồ, nhưng lần này anh ta đi quá nhanh. Tôi không thể trách anh chàng tội nghiệp ở hãng, anh ta nào biết Nigel không phải là chồng thật sự của tôi. Và biết giải thích với anh ta thế nào đây? Chúng tôi đã làm đám cưới nhưng tôi chỉ lấy anh ta vì hộ chiếu của anh ta, và lúc đó tôi là người nước ngoài bất hợp pháp và họ sắp trục xuất tôi về Somalia. Anh hiểu chưa? Còn về những cuộc hẹn ngày mai… Phần kinh hoàng nhất là tôi đã thật sự kết hôn với Nigel theo đúng pháp luật.
Tối hôm ấy lúc xong việc tôi trở về căn hộ, tâm trí rối bời. Đúng như tôi đoán trước, Nigel đã đến và gõ cửa. Tôi để cho anh ta vào và trước khi anh ta cởi áo khoác, tôi nói bằng giọng hết sức lạnh nhạt:
- Chúng ta đi thôi. Tôi sẽ đưa anh đi ăn ngoài.
Lúc chúng tôi đã yên vị giữa công chúng, tôi giải thích rõ ràng với Nigel:
- Nigel, tôi không thể chịu đựng anh được nữa. Tôi không thể chịu đựng anh được nữa. Anh làm tôi buồn nôn! Tôi không thể làm việc được lúc anh cứ luẩn quẩn quanh tôi. Tôi không thể suy nghĩ được. Tôi đâm cáu kỉnh. Tôi rất căng thẳng, và tôi chỉ muốn anh ra đi.
Tôi biết những lời tôi nói với anh ta thật khủng khiếp, và tôi chẳng sung sướng gì khi làm anh ta đau đớn. Nhưng tôi tuyệt vọng quá. Có lẽ nếu tôi đủ tàn nhẫn, cuối cùng rồi tôi sẽ giải quyết xong với anh ta.
Nigel nhìn tôi buồn bã và thống thiết làm tôi cảm thấy mình có lỗi.
- Thôi được. Em có lý của em. Đáng lẽ ra tôi không nên đến, ngày mai tôi sẽ bay chuyến đầu tiên về nhà.
- Hay lắm. Anh đi đi. Tôi không muốn nhìn thấy anh ở trong studio lúc tôi về nhà. Tôi đang làm việc ở đây, mà không phải là ngày nghỉ. Tôi không có thời gian cho sự điên rồ của anh.
Nhưng tối hôm sau lúc về đến nhà, Nigel vẫn không suy suyển. Anh ta ngồi đó, nhìn ra ngoài khung cửa sổ của căn hộ tối đen – bơ phờ, lẻ loi, khốn khổ - nhưng lúc nào anh ta chẳng thế. Lúc tôi quát lên, anh ta đồng ý ngày hôm sau sẽ ra đi. Rồi lại hôm sau nữa. Cuối cùng, anh ta ra đi và trở về Wales. Nhưng tôi nghĩ cám ơn Trời, cuối cùng con cũng được thanh thản ít nhiều. Cuộc lưu diễn của tôi ở New York kéo dài vì công việc cứ dồn đến. Song, Nigel không để tôi yên ổn lâu. Anh ta lại bay đến New York hai lần nữa, ba lần tất cả, mà lần nào cũng không hề báo trước.
Dù tình trạng lố bịch với Nigel, mọi thứ còn lại trong đời tôi thật tuyệt vời. Tôi có một thời gian thú vị gặp nhiều người ở New York, và sự nghiệp của tôi bay vút lên như tên lửa. Tôi làm việc cho hãng Benetton và Levi s, xuất hiện trong hàng loạt quảng cáo nữ trang Pomellato, mặc áo choàng kiểu châu Phi trắng muốt. Tôi làm quảng cáo cho hãng mỹ phẩm Revlon, sau đó giới thiệu nước lọai nước hoa Ajee mới của họ. Những quảng cáo tuyên bố "Một mùi hương quyến rũ đến từ giữa lòng châu Phi, chiếm đoạt trái tim của mọi người phụ nữ". Các hãng này tận dụng mọi thứ biến tôi trở nên khác hẳn, diện mạo châu Phi đẹp kỳ lạ, cũng chính diện mạo ấy đã làm tôi mất nghề người mẫu ở London. Để giành giải thưởng Academic, hãng Revlon quay một bộ phim quảng cáo đặc biệt, trong đó tôi xuất hiện cùng Cindy Crawford, Claudia Schiffer, và Lauren Hutton. Trong phim này, mỗi người chúng tôi phải hỏi và trả lời một câu như nhau "Điều gì làm một phụ nữ thay đổi mạnh mẽ?" Câu trả lời của tôi tổng kết thực tế kỳ lạ của đời tôi "Một người du mục ở Somalia trở thành người mẫu của hãng Revlon".
Sau này tôi trở thành người mẫu da đen đầu tiên đóng vai chính trong các quảng cáo dầu Olay. Tôi tham gia nhiều video âm nhạc cho Robert Palmer và Meat Loaf. Các dự án này tăng trưởng nhanh và tôi sớm có mặt trên các tờ báo thời trang, Elle, Allure, Glamour, tờ Vogue của Italy, tờ Vogue của Pháp. Tôi làm việc với các nhà nhiếp ảnh xuất sắc nhất trong ngành, kể cả Richard Avedon huyền thoại. Dù ông nổi tiếng hơn bất cứ người mẫu nào ông chụp, tôi yêu quý Richard vì ông rất thực tế và vui tính. Và dẫu đã làm nghề này nhiều thập kỷ, ông luôn hỏi ý kiến tôi về các buổi chụp:
- Waris, cô nghĩ gì về buổi này?
Sự quan tâm của ông có ý nghĩa rất nhiều đối với tôi, Richard kết thân với người chụp ảnh đầu tiên cho tôi, Terence Donovan là người tôi rất kính trọng.
Trải qua nhiều năm tôi có cả một danh sách các nhà nhiếp ảnh ưa thích. Nghe có vẻ như có một nghề được chụp ảnh suốt ngày là thoải mái lắm, nhưng sau khi có kinh nghiệm hơn, tôi bắt đầu thấy sự khác biệt lớn lao về chất lượng, ít ra là nhìn từ đối tượng của các bức ảnhiểu này. Một nhà nhiếp ảnh thời trang giỏi là người có thể làm nổi bật cá tính thật sự của người mẫu và phát triển nó lên, chứ không phải áp đặt sự tưởng tượng định sẵn cho người mẫu. Tôi được đánh giá cao hơn có lẽ vì tôi già dặn hơn, tôi nhận thức sâu sắc hơn tôi là ai và điều đó làm cho tôi khác hẳn với những người mẫu khác. Người da đen là một ngoại lệ trong nghề này, một nghề ai cũng có chiều cao một mét tám, mái tóc óng như tơ đổ dài đến đầu gối, nước da trắng mịn như men sứ. Tôi đã làm việc với các nhà nhiếp ảnh dùng ánh sáng , nghệ thuật hoá trang và thợ tạo mẫu tóc làm tôi trông giống người không phải là tôi. Nhưng tôi không thích thế, tôi không thích cái kết quả cuối cùng. Nếu họ thích Cindy Crawford hãy sử dụng Cindy, chứ đừng lấy một phụ nữ da đen rồi đặt lên cô ta bộ tóc giả thật dài và một chùm ánh sáng làm nền tạo cho cô ta một vẻ huyền bí, một phụ nữ da đen giống Cindy Crawford. Các nhà nhiếp ảnh tôi thích làm việc cùng đánh giá rất cao vẻ đẹp tự nhiên của phụ nữ và cố tìm ra vẻ đẹp ấy. Trong trường hợp của tôi, họ biết chắc tác phẩm của họ đã bị xen ngang, áp đảo, nhưng tôi kính trọng sự cố gắng ấy.
Tôi càng nổi tiếng thì càng bị ràng buộc, lịch làm việc của tôi kín mít những cuộc chụp ảnh mẫu, những buổi trình diễn. Tôi khó mà đến hết mọi nơi đúng giờ, vì tôi vốn định kiến không chịu đeo đồng hồ. Tôi phát hiện ra nhiều chuyện rắc rối khi nói thời gian theo kiểu ngày xưa, tôi khó mà quan sát chiều dài của bóng tôi giữa những ngôi nhà chọc trời ở Manhattan. Tôi bắt đầu gặp nhiều chuyện phiền toái khi đến muộn nhiều cuộc hẹn. Tôi cũng phát hiện ra tôi khó mà đọc cho đún địa chỉ. Hãng ghi địa chỉ cho tôi, và tôi luôn luôn đọc ngược số. Họ ghi cho tôi địa chỉ 725 Broadway, tôi lại đến 527 Broadway và không biết có chuyện gì xảy ra cho mọi người. Tôi đã bị như thế ở London, nhưng vì tôi làm việc ở New York nhiều hơn tôi bắt đầu nhận ra rằng đây là một vấn đề không thay đổi được.
Lúc có kinh nghiệm và tự tin hơn vào sự nghiệp của tôi, công việc làm mẫu của tôi được nhiều người mến mộ là trên sàn diễn. Mỗi năm hai lần, các nhà thiết kế tổ chức công bố sản phẩm mới. Các buổi trình diễn thời trang bắt đầu ở Milan trong hai tuần,. Sau đó đến Paris, rồi London và New York. Những ngày nay đây mai đó của kiếp sống du cư đã rèn luyện cho tôi sức khoẻ rất tốt cho cuộc sống này, di chuyển gọn nhẹ, đi tiếp khi xong việc, chấp nhận những gì cuộc sống mang đến và làm hết sức mình.
Lúc các buổi trình diễn bắt đầu ở Milan cho cả mùa, tất cả các người mẫu đều đến đó, cùng với nhiều phụ nữ và thiếu nữ mơ ước trở thành người mẫu. Thành phố đột nhiên có quá nhiều phụ nữ xinh đẹp, dáng cao tuyệt vời kéo đến, chạy khắp nơi như những con kiến. Bạn có thể gặp người mẫu ở từng góc phố, từng bến xe buýt, từng quán cà phê. Ôi chao, một người mẫu này. Lại một người nữa. Đúng rồi, lại người nữa! Trông họ không thể nhầm được. Một số có vẻ thân thiện "Xin chào!", một số khác nhìn nhau từ đầu đến chân "Ừmm". Một số người biết nhau. Một số người hoàn toàn lạ lẫm, đến đây lần đầu, đi một mình và sợ đến chết. Một số người đi cùng nhau. Thôi thì đủ loại, đủ dạng. Nếu có ai bảo không có chuyện ganh tị là nhảm nhí. Có quá nhiều chuyện ganh tị, diễn ra hàng ngày.
Các hãng đặt lịch hẹn cho bạn, rồi các người mẫu chạy khắp Milan thử vai, cố giành được một chỗ chắc chắn trong các buổi diễn. Đây là lúc bạn nhận ra rằng nghề làm người mẫu chẳng phải lúc nào cũng có sức mê hoặc. Nó rất khắc nghiệt. Bạn có thể có tới bảy, mười, mười một cuộc hẹn trong một ngày. Và công việc rất, rất, rất vất vả, vì phải chạy đây đó suốt ngày, không có cả thời gian mà ăn và đến muộn hai cuộc hẹn khác. Cuối cùng lúc đến thử, ba chục cô gái đang xếp hàng đứng đợi. Và bạn hiểu rằng từng người trong số đó đã đến trước bạn. Lúc đến lượt, ban phải cho xem hồ sơ của bạn, lý lịch và ảnh. Nếu khách hàng thích bạn, họ sẽ yêu cầu bạn đi thử. Và nếu họ rất thích bạn, họ sẽ đề nghị bạn làm việc gì đó. Rồi thì "cám ơn cô rất nhiều. Người tiếp theo!"
Bạn không biết mình có làm được không, nhưng chẳng có thì giờ mà lo, vì bạn phải đi hết cuộc hẹn này đến cuộc hẹn khác. Nếu họ thích bạn, họ sẽ liên hệ với hãng của bạn và đặt bạn. Trong thời gian đó, tốt hơn cả bạn phải nhanh chóng hiểu rằng đừng có nấn ná ở một việc, hoặc bối rối vì mất những việc bạn thực sự mong muốn, hay cảm thấy bị thương tổn khi bị các nhà thiết kế bạn ưa thích từ chối. Lúc bạn nghĩ "Ôi, mình đã được nhận việc đó? Mình sắp được nhận việc đó?" bạn sẽ làm mình lo đến phát điên, nhất là khi bị từ chối ký hợp đồng. Nếu bạn lo lắng, bạn sẽ sớm bị tan thành muôn mảnh. Cuối cùng bạn sẽ nhận ra toàn bộ việc thử vai phần lớn là chán ngán. Hồi đầu, tôi thường lo lắng Sao mình không được nhận việc đó? Khỉ thật, mình thực sự muốn có việc ấy mà! Nhưng sau này tôi học được cách sống theo phương châm sau: Đời là thế! Họ không thích bạn, đơn giản chỉ thế thôi. Và đấy không phải là lỗi của bạn. Nếu họ thấy một người cao hai mét mốt, tóc dài vàng óng, nặng ba mươi sáu ký, tất họ sẽ không chú ý đến Waris nữa. Thế thôi, cô gái ạ.
Nếu một khách hàng đặt bạn, bạn trở lại để điều chỉnh cho vừa bộ quần áo bạn sẽ mặc trong buổi diễn. Những hoạt động này cứ tiếp diễn, thậm chí chúng tôi không biết đến toàn bộ buổi diễn. Bạn sẽ mệt mỏi và kiệt sức, không được ngủ ngon, không có thời gian ăn cho đúng bữa. Bạn sẽ càng ngày càng gầy đi, trong khi ngày nào cũng phải cố sao cho diện mạo thật xinh đẹp, thật tươi tỉnh, vì sự nghiệp của bạn phụ thuộc vào đấy. Lúc đó bạn tự hỏi Sao mình lại đi làm nghề này? Sao mình lại ở đây nhỉ?
Khi các buổi trình diễn thời trang bắt đầu, đôi khi cùng một lúc bạn vẫn phải đến các buổi thử vai vì cả quá trình kéo dài suốt hai tuần. Ngày bạn diễn, bạn phải có mặt ở đó năm tiếng đồng hồ trước buổi diễn. Các cô gái đã tập hợp ở đấy, bạn phải chờ trang điểm, rồi ngồi đấy, rồi lại chờ làm tóc, rồi lại ngồi chờ buổi diễn bắt đầu. Sau đó, bạn mặc bộ quần áo đầu tiên rồi đứng quanh quẩn vì không thể ngồi xuống làm nhàu áo! Lúc buổi diễn bắt đầu, bỗng tất cả nháo nhào như phát rồ.
- Này! Các cô ở đâu? Các cô đang làm gì đấy? Waris đâu? Naomi đâu? Lại đây. Đi ra đàng trước. Nhanh lên. Cô là số chín. Cô là người tiếp theo.
Bạn nâng quần áo lên trước mặt những người xa lạ này, những người bạn không quen biết.
- Tôi đến đây, vâng, tôi đây – mọi người xô đẩy nhau – Các cô làm gì thế này? Tránh đường cho tôi, cho tôi đi nào!
Rồi sau tất cả những công việc vất vả ấy là phần nhỏ nhất: bạn sắp diễn. Bạn là người tiếp theo, đứng ở cánh gà sân khấu. Rồi BÙM! Bạn bước đi trên sàn diễn, những ngọn đèn chiếu rực rỡ, tiếng nhạc du dương và tất thảy đều nhìn bạn chăm chú, bạn đi nghênh ngan suốt cầu diễn vì bạn đáng được như thế, và nghĩ TÔI LÀ THẾ NÀY ĐÂY! TẤT CẢ HÃY NHÌN TÔI ĐI! Bạn được các chuyên viên trang điểm và các nhà tạo mẫu tóc giỏi nhất làm tóc và trang điểm cho bạn, bạn mặc bộ quần áo đắt tiền đến mức chẳng bao giờ dám mơ mua được nó. Nhưng trong giây lát nó là của bạn, và bạn biết mình trông như cái mắc áo giá một triệu đô la. Máy ảnh bấm lia lại, và lúc rời sàn diễn, bạn không thể đợi thay đồ và trở lại đó lần nữa. Sau bao nhiêu công phu chuẩn bị, cả buổi diễn chỉ kéo dài độ hai, ba mươi phút, nhưng bạn có thể có tới ba, bốn, năm sô diễn một ngày, vì thế sô này vừa xong đã phải tất tả chạy đến sô khác.
Khi hai tuần lễ điên rồ vừa chấm dứt ở Milan, cả đoàn gồm các nhà thiết kế, chuyên viên trang điểm, nhà tạo mẫu tóc và các người mẫu chuyển đến Paris như một đoàn gypsy. Sau đó cả tiến trình ấy lập lại trước khi đến đến London và New York. Cuối cuộc lưu diễn, bạn đã mệt nhoài và khi xong việc ở New York, tốt nhất là bạn nghỉ ít ngày. Bạn sẽ đến một hòn đảo nhỏ bé ở một nơi nào đó, không có cả điện thoại để xả hơi. Nói khác đi, nếu không nghỉ ngơi, Nếu bạn vẫn cố làm việc, bạn sẽ bị tâm thần vì quá rã rời.
Trong lúc nghề người mẫu là vui tươi – và tôi thú nhận là yêu thích sự quyến rũ, vẻ tráng lệ và vẻ đẹp của nó – song có một khía cạnh tàn nhẫn dễ huỷ hoại phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ vì rất bấp bênh. Trong khi làm việc, đã có lần tôi bị nhà tạo mẫu hoặc nhà nhiếp ảnh kêu lên hoảng hốt:
- Chúa ơi! Bàn chân cô làm sao thế này? Sao cô lại có những vết thâm xấu xí khắp bàn chân thế?
Tôi biết nói gì đây? Họ ám chỉ đến những vết sẹo vì đã dẫm lên hàng trăm cái gai nhọn và tảng đá trong sa mạc Somalia, nhắc tôi nhớ đến thời thơ ấu, mười bốn năm ròng tôi đi chân trần, không giày dép. Làm sao tôi có thể giải thích chuyện đó với một nhà thiết kế ở Paris?
Trong một buổi phân vai, khi họ bảo tôi mặc thử váy mini, ngay lập tức tôi cảm thấy nôn nao cả người. Tôi bước ra và đứng trên một chân, xoay người, hy vọng họ không chú ý đến điều khó xử của tôi. Tôi có đôi chân vòng kiềng – di sản của việc lớn lên trong một gia đình du mục, không được ăn uống hợp lý. Tôi đã bị loại nhiều việc vì đôi chân vòng kiềng ấy, một khiếm khuyết về thể chất mà tôi không thể kiểm soát nổi.
Tôi đã xấu hổ và đau đớn vì đôi chân ấy đến mức có lần tôi đến bác sĩ xem liệu ông ta có thể chỉnh lại chúng được không.
- Đập gãy chân tôi đi – tôi bảo ông ta – để tôi không cảm thấy bẽ mặt nữa.
Nhưng ơn trời, ông ta bảo tôi lớn quá rồi, xương đã cố định và không thể làm được. Khi già hơn, tôi nghĩ vậy đấy, đây là chân mình, là kết quả của việc mình là ai, mình từ đâu tới. Càng hiểu rõ thân thể mình bao nhiêu, tôi càng thêm yêu cặp chân tôi bấy nhiêu. Nếu tôi đập gẫy chúng để tôi có thể bước đi trên sàn diễn năm phút, ngày nay tôi sẽ rất, rất giận mình. Tôi đập gẫy chân tay mình để làm gì – để có thể mặc quần áo thanh niên cho đẹp ư? Giờ đây, tôi tự hào vì cặp chân ấy, vì chúng có cả một lịch sử, chúng là một phần của đời tôi. Đôi chân vòng kiềng ấy đã đưa tôi hàng ngàn dặm qua sa mạc và kiểu đi chầm chậm, nhấp nhô của tôi là kiểu đi của một phụ nữ Châu Phi, nói lên tài sản kế thừa của tôi.
Một vấn đề nữa với người mẫu là ngành thời trang cũng như bất cứ ngành nào khác, phải làm chung với những người khó chịu. Có lẽ vì dễ gặp nhiều rủi ro trong một số quyết định, nên con người dễ căng thẳng. Tôi còn nhớ đã làm việc với một giám đốc nghệ thuật khó tính của một trong những tờbáo thời trang chủ yếu, bà ta – theo tôi – là hình ảnh thu nhỏ của thái độ gay gắt, đầy ác ý, làm cho mỗi buổi chụp có cảm giác như một đám tang. Chúng tôi đang ở Caribbean, chụp ảnh mẫu trên một hòn đảo nhỏ tuyệt đẹp. Nơi này tựa thiên đường, và tất cả chúng tôi ao ước có một thời gian thoải mái vì chúng tôi được trả lương để làm việc và muốn được như phần lớn những người có tiền đến hòn đảo này trong ngày nghỉ. Nhưng người phụ nữ này không nghĩ thế. Ngay từ lúc chúng tôi mới đến, bà ta đã hầm hè với tôi:
- Waris, cô cần hoà đồng với mọi người đi chứ. Đứng dậy và đi lại nào, cô lười quá. Tôi không thể chịu được phải làm việc với những người như cô.
Bà gọi điện về hãng ở New York, phàn nàn rằng tôi chỉ là một đứa trẻ to đầu và chẳng chịu làm việc gì. Những lời ấy hoàn toàn là bịa đặt, nhưng tôi chẳng coi chúng ra gì.
Vị giám đốc nghệ thuật này là một phụ nữ buồn rầu và cáu bẳn. Hiển nhiên bà ta là người thất vọng, không có lấy một người đàn ông, không bạn bè, không được ai yêu thương. Cả đời bà, bà đổ hết tình yêu và lòng say mê vào công việc này vì chẳng còn gì đến với bà. Vì vậy, bà trút mọi sự vỡ mộng lên đầu tôi, và tôi chắc mình không phải là người đầu tiên và cũng chưa phải là người cuối cùng. Sau vài ngày như thế, tôi mất cả sự cảm thông với bà. Tôi nhìn bà và nghĩ Có hai cách đối với người đàn bà nay. Mình có thể tát vào mặt bà ta, hoặc có thể nhìn thẳng vào bà ta, mỉm cười và chẳng nói gì. Rồi tôi nghĩ Tốt nhất là không nói gì hết.
Đáng buồn nhất là chứng kiến một người phụ nữ như bà giám đốc nghệ thuật này đối xử với các cô gái trẻ vừa bước chân vào nghề. Đôi khi các cô này không lớn hơn bọn trẻ mấy tí, họ từ Oklakhoma hoặc Georgria hay North Dakota bay đến New York, Pháp hoặc Italy để thử nghề. Họ thường không hiểu biết về đất nước và không biết tiếng. Họ không biết làm thế nào nếu bị từ chối và gạt bỏ. Họ chưa từng trải, thiếu khôn ngoan hoặc sức mạnh nội tâm để hiểu rằng họ chẳng có lỗi gì. Nhiều người vừa nức nở khóc, thất vọng và cay đắng vừa bay trở về nhà.
Trong nghề này có rất nhiều nghệ sĩ gian lận và bội tín. Nhiều cô gái trẻ khao khát muốn thành người mẫu và bị sa vào những mưu đồ bất lương, bị những cái gọi là hãng đem lại cho họ cơ hội thành danh. Tôi đã từng là nạn nhân của một loại kẻ cắp khi gặp Harold Wheeler, hắn làm tôi căm hận. Người mẫu là nghề kiếm tiền, chứ không phải trả tiền. Nếu ai muốn trở thành người mẫu, khoản tiền duy nhất cô ta cần là tiền vé xe đi đến các hãng. Cô ta có thể xem các trang trong danh bạ điện thoại, rồi gọi điện thoại hẹn gặp. Nếu hãng nói đến chuyện thù lao, nên chạy thôi! Nếu một hãng có tên tuổi thấy ai đó có diện mạo thích hợp, đã tìm nhiều lần, họ sẽ cùng thảo luận với cô. Sau đó họ sẽ đặt lịch hẹn và thử vai, và cô ta sẽ được làm việc.
Trong nghề người mẫu, nếu có một số người khó chịu, thì cũng có một số hoàn cảnh không phải lúc nào cũng là thuận lợi. Tôi chấp nhận một kế hoạch mà tôi biết dính dáng đến bò đực, nhưng cho đến lúc bay từ New York đến Los Angeles, rồi lên trực thăng bay vào sa mạc, tôi vẫn không biết chính xác có bao nhiêu con bò đực.
Chúng tôi đã ở hoàn toàn cách biệt trong sa mạc California, chỉ có tôi và nhóm nhân viên, và một con bò đực khổng lồ có cặp sừng dài nhọn hoắt. Tôi vào một xe móoc nhỏ để trang điểm và làm tóc. Lúc xong xuôi, nhà nhiếp ảnh đưa tôi đến chỗ con vật:
- Chào quỷ Satan đi – anh ta nói.
- Ô hô hô, chào Satan – tôi thấy thích nó – Nó đẹp quá. To lớn vô cùng. Nhưng liệu có an toàn không?
- Lẽ tất nhiên là có. Chủ nhân của nó đây – nhà nhiếp ảnh chỉ một người đàn ông cầm dây dắt Satan – ông ấy biết phải làm những gì.
Nhà nhiếp ảnh giải thích kế hoạch cho tôi. Bức ảnh sẽ dùng làm nhãn rượu. Tôi sẽ cưỡi lên lưng con vật. Hoàn toàn trần truồng. Tin này làm tôi sửng sốt, vì trước khi đến đây, tôi không hề biết gì. Nhưng không muốn gây chuyện om sòm trước những người này, tôi hình dung mình có thể làm xong.
Tôi rất thương con bò vì trong sa mạc nóng khủng khiếp, mũi nó rỏ nước ròng ròng. Cả bốn chân nó bị xích chặt cố định nên nó không thể nhúc nhích, và con vật khổng lồ này đứng đó khiêm nhường. Nhà nhiếp ảnh đặt bàn tay xuống làm bậc nâng tôi lên lưng con bò.
- Nằm xuống – anh ta vẫy cánh tay ra lệnh – Nằm vắt người lên lưng con bò, để nửa người của cô vắt lên con vật và duỗi dài chân ra.
Trong lúc phải cố sao trông thật xinh đẹp, thoải mái, vui tươi và gợi tình, tôi nghĩ Nếu con vật này hất mình xuống mình chết mất. Bỗng tôi cảm thấy tấm lưng lông lá của nó uốn cong lên dưới cái bụng trần truồng của tôi và tôi thấy phong cảnh vùng Mojave vèo qua lúc tôi bay vào không khí và rơi huỵch xuống mặt đất nóng bỏng.
- Cô không sao chứ?
- Không, không sao – lúc này tôi ra vẻ cứng rắn, cố không tỏ ra run sợ. Tôi không muốn bất cứ ai bảo Waris là kẻ nhát gan, sợ cả một con bò già – không sao đâu, cứ làm đi. Giúp tôi leo lên nó lần nữa nào.
Cả nhóm đỡ tôi dậy, phủi đất cát cho tôi và chúng tôi bắt đầu làm lại. Rõ ràng là con bò không khoái gì cái nóng, vì nó còn hất tôi thêm hai lần nữa. Đến lần tiếp đất thứ ba, tôi bị bong gân, mắt cá chân tôi sưng phồng lên và đau dai dẳng ngay lập tức.
- Anh chụp được chưa? – tôi gọi với lên từ mặt đất.
- Ô, nó sẽ đẹp lắm Nếu chúng ta có thể làm một vòng nữa…
May làm sao bức ảnh chụp với con bò đực không bao giờ ra mắt. Vì lý do nào đấy người ta không dùng nó, và tôi lấy làm mừng. Cứ nghĩ đến một tốp các ông già ngồi quanh uống rượu và ngắm tấm thân trần truồng của tôi làm trò cười, tôi rất buồn. Sau việc ấy, tôi quyết không chụp bất cứ tấm ảnh khoả thân nào nữa, đơn giảnh chỉ vì tôi không thích. Tiền không đáng với cảm giác bị xúc phạm, đứng đó trước mặt mọi người, hoàn toàn ngượng ngập và bơ vơ, đợi nghỉ giải lao để có thể chạy vồ lấy cái khăn mặt.
Dù cuộc chụp hình với con bò đực chắc chắn là tồi tệ nhất, tôi yêu thích phần lớn thời gian làm người mẫu của tôi. Nó là một hoạt động vui tươi nhất, bất cứ ai cũng có thể mong muốn. Kể từ khi Terence Donovan đưa tôi đến Bath và đặt tôi trước máy ảnh, tôi chưa bao giờ quen với ý nghĩ người ta trả tiền chỉ vì trông tôi ra sao. Với tôi, toàn bộ nghề này có vẻ như một mục tiêu khó khăn và hấp dẫn song tôi mừng vì đã gắn bó với nó. Tôi luôn cảm thấy biết ơn vì đã có cơ hội để thành công trong nghề, vì không phải cô gái nào cũng có dịp may như thế. Buồn thay, nhiều cô gái trẻ cố công vất vả nhưng thường không đi đến đâu.
Tôi nhớ khi tôi còn trẻ, đang làm hầu gái cho chú Mohammed và mơ trở thành người mẫu. Tối hôm ấy, tôi đã thu hết can đảm để hỏi Iman khởi nghiệp ra sao. Mười năm sau, tôi đang chụp trong studio của hãng Revlon ở New York, một chuyên viên trang điểm bước vào và cho biết Iman đang chụp loạt mỹ phẩm mới của chị ở phòng bên. Tôi chạy ào ra và đến gặp chị:
- Ô, tôi thấy chị đang làm với các sản phẩm mới. Sao chị không sử dụng một phụ nữ Somali chụp quảng cáo cho mỹ phẩm của chị? – tôi hỏi.
Chị nhìn tôi vẻ thế thủ và lẩm bẩm:
- Tôi không có khả năng trả công cho cô được.
Tôi nói với chị bằng tiếng Somali "Tôi sẽ làm cho chị miễn phí". Thật khôi hài, chị không bao giờ nhận ra tôi chính là cô gái nhỏ ấy, chính là cô hầu đã bưng trà đến cho chị.
Có một thực tế kỳ cục là tôi chưa bao giờ nghiên cứu nghề người mẫu thì nó lại đến với tôi, có lẽ chính vì thế tôi chẳng bao giờ coi nó là quá quan trọng. Tôi không thèm muốn trở thành một "siêu mẫu" hoặc "ngôi sao", vì tôi không hiểu nổi vì sao người mẫu lại nổi tiếng đến thế. Hàng ngày, tôi theo dõi trên báo và tivi tình hình thời trang càng ngày càng sôi nổi với những sô diễn của các siêu mẫu, và tôi tự hỏi Tất cả những cái này là gì vậy?
Chỉ vì chúng tôi là người mẫu mà một số người coi chúng tôi như nữ thần, một số lại coi như đồ ngốc. Tôi đã gặp phải thái độ sau nhiều lần. Dường như tôi tạo nên cuộc sống của tôi nhờ bộ mặt, nên ắt tôi phải là kẻ ngu đần. Người ta nói, với vẻ thiển cận và tự mãn:
- Cô là người mẫu à? Ồ, tệ quá, nói chung là chẳng có đầu óc gì hết. Cô chỉ việc đứng đó và nhìn cho đẹp mắt để chụp ảnh chứ gì?
Tuy nhiên, tôi đã gặp đủ loai người mẫu, và đúng là đã gặp một số người không được giỏi giang cho lắm. Nhưng phần lớn là thông minh, lịch duyệt, tinh tế, suy nghĩ minh mẫn và am hiểu rất nhiều chủ đề như bất kỳ những người lịch duyệt nào khác. Họ biết cách giải quyết các vấn đề cho bản thân và trong nghề, hành xử rất chuyên nghiệp. Với những người như bà giám đốc nghệ thuật bấp bênh và ác ý kia, thật khó mà có những người phụ nữ đã đẹp lại còn thông minh. Vì thế cần phải để chúng tôi vào đúng vị trí bằng cách lên giọng kẻ cả với chúng tôi, làm như chúng tôi chỉ là một đám ngu đần có lúm đồng tiền trên má mà thôi.
Tôi thấy nhiều vấn đề đạo đức vây quanh đám người mẫu và việc quảng cáo phức tạp đến không ngờ. Tôi tin rằng ưu thế có ý nghĩa nhất trên đời là bản tính, lòng tốt của con người, gia đình và bè bạn. Tôi sắp đặt cuộc sống của tôi theo châm ngôn "Mua cái này vì trông nó đẹp". Tôi bán nó với nụ cười hào hiệp. Tôi có thể là người hoài nghi và nói:
- Sao mình lại làm việc này? Mình đang giúp huỷ hoại thế giới.
Tôi tin rằng phần lớn mọi người ở bất cứ nghề gì cũng có thể nói về công việc của mình y như thế. Điều thú vị trong nghề của tôi là gặp được nhiều người xinh đẹp, được thấy nhiều nơi đẹp đẽ và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, thúc đẩy tôi muốn làm việc gì đó giúp đỜi chứ không phải phá hoại nó. Tôi đang ơ/ một vị trí làm việc để cải thiện cảnh nghèo khổ ở Somalia.
Thay vì muốn trở thành ngôi sao hoặc người nổi tiếng, tôi thích nghề người mẫu phần lớn vì tôi cảm thấy mình là công dân của thế giới có khả năng đến những nơi kỳ lạ nhất trên hành tinh này. Tôi đi du lịch vì công việc, chúng tôi đã đến một số hòn đảo nhỏ xinh đẹp và tôi trốn ra bãi biển mỗi khi có dịp để chạy tha hồ.
Tôi cảm thấy được tự do trong thiên nhiên, được trở lại với mặt trời là một cảm giác thật tuyệt vời. Sau đó tôi trốn vào bóng cây và ngồi im lặng, lắng nghe chim hót.
Ái chà chà. Tôi sẽ nhắm mắt lại, ngửi mùi ngọt ngào của những bông hoa, cảm nhận mặt trời trên mặt tôi, lắng nghe tiếng chim và làm như đang được trở lại châu Phi. Tôi cố giành lại cảm giác thanh thản và yên bình còn nhớ được ở Somalia, dường như tôi lại được về nhà. |
|
|