Phượng Vy rụt rè bước vào quán cà phê máy lạnh sang trọng mà lòng nhấp nhỏm lo lắng. Cô đảo mắt tìm và nghe tiếng ông Thuần gọi mình thật khẽ.
Trong chiếc áo sơ mi màu nhạt ngắn tay và chiếc quần xám, ông có vẻ trẻ trung hơn nhiều so với đêm hai người gặp lần đầu làm Vy phải chớp mắt vì hơi khớp mà chả biết tại sao. Bước đến kế bên, ông Thuần tự nhiên nắm tay Vy dẫn đến cái bàn đặt bên dưới một dãy những giò phong lan đang nở hoa đủ màu thật đẹp mắt.
Cái không khí lành lạnh, cái không gian im ắng khác những quán cà phê bát nháo Vy từng vào với bạn bè làm cô không dám bước mạnh chân. Ngồi thu mình trong chiếc ghế bành êm ái, Vy có cảm giác mình giống con thỏ con ngờ nghệch vừa lạc vào một thế giới lạ và không biết phải làm gì cho đúng nữa.
Ông Thuần mỉm cười:
- Trông em ngơ ngác như con nai thật tội. Chắc là chưa bao giờ đến những nơi như vầy phải không?
Phượng Vy hơi đỏ mặt. Cô thẳng người lấy lại vẻ tự tin thường có và nói như bào chữa:
- Những nơi thế này thường dành cho những người lớn đã đi làm để bàn công việc hơn là dành cho bọn nhóc sinh viên nghèo như chúng cháu.
Khoanh tay ngạo nghễ, ông Thuần cao giọng:
- Đó đâu phải là quy luật. Nếu có tiền, dù là quy luật người ta cũng phá vỡ được mà.
Phượng Vy nhếch môi:
- Chú tin vào sức mạnh của đồng tiền quá nhỉ?
Ông Thuần thản nhiên xác nhận:
- Sống ở nước ngoài một thân một mình không nơi nương tựa, không tin vào mãnh lực đồng tiền thì khó tồn tại lắm.
Vy cãi:
- Nhưng có nhiều thứ mà đồng tiền không mua được.
Ông Thuần nói:
- Tôi biết mà! À, em uống gì nhỉ? Ở đây có nhiều món độc đáo lắm!
Phượng Vy nghiêm nghị:
- Vào quán cà phê cháu chỉ uống cà phê thôi!
Ông Thuần quay sang nói với người phục vụ:
- Hai cà phê và hai dĩa bánh plan.
Người phục vụ vừa đi khuất Vy đã nôn nóng hỏi:
- Chú sẽ nói gì về ba cháu đây?
Ông Thuần từ tốn:
- Tôi sẽ nói sự thật, và sự thật luôn làm người ta khổ sở. Em nhắm xem mình có chịu đựng nổi không?
Phượng Vy do dự rồi đáp:
- Nếu đã là sự thật thì cháu không còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận. Mấy hôm nay cháu đã chuẩn bị sẵn tinh thần nên mới đến gặp chú.
Ôm đầu, ông Thuần im lặng. Thái độ của ông làm Vy bối rối.
Cô ngập ngừng:
- Chú làm sao vậy?
Ông Thuần khó nhọc trả lời:
- Tôi không biết bắt đầu như thế nào, dù suốt mười mấy hai mươi năm nay tôi luôn chuẩn bị cho một ngày như vậy.
Phượng Vy ngỡ ngàng nhìn ông. Mới trong tích tắc đó thôi ông Thuần như đã già đi hàng chục tuổi. Vy có cảm giác bao nhiêu đau khổ suy tư đã hiện ra hằn rõ trên trán ông. Cô không hiểu ba mình là người như thế nào mà ông Thuần lại khốn khổ đến thế khi muốn nói tới ông.
Cô thở dài:
- Nếu chú thấy ngại, cháu không dám ép. Ngay cả mẹ còn tránh né khi cháu hỏi về ba, làm sao cháu lại bắt buộc chú cơ chứ!
Đợi người phục vụ bưng cà phê đến đi khuất, ông Thuần mới nói:
- Mục đích của tôi khi về nước lần này là để tìm lại mẹ con em. Tôi đã hứa với ba em rằng sẽ đưa em tới cho ông gặp mặt lần cuối.
Phượng Vy lắp bắp:
- Sao lại lần cuối?
Giọng ông Thuần nghẹn lại:
- Vì ông không sống được bao lâu nữa. Ba chỉ gượng sống để được gặp em rồi thanh thản ra đi.
Phượng Vy nhìn ông Thuần trân trối:
- Chú... chú đã gặp ba cháu lâu chưa?
- Cách đây một tuần.
- Ba cháu hiện giờ đang ở đâu?
Ông Thuần buông từng tiếng:
- Ở Đà Lạt! Ba của em cũng chính là ba của tôi.
Phượng Vy kêu lên hốt hoảng:
- Chú nói cái gì?
Ông Thuần đau đớn:
- Tôi nói rằng chúng ta là anh em cùng cha...
Vy rung động, cô ôm đầu:
- Không thể nào... cháu không tin. Không tin!
Giọng trầm xuống, ông Thuần nhỏ nhẹ:
- Bình tĩnh lại và nghe... anh nói mọi chuyện...
Trợn trừng mắt, Vy ấp úng:
- Nhưng, nhưng... chú và mẹ cháu là... là...
Ông Thuần đau đớn:
- Đó là chuyện của mười mấy năm về trước. Hồi đó anh là con của ông chủ đồn điền cà phê lớn nhất nhì Đà Lạt, còn mẹ em là con một ông cai làm công cho ba anh. Mẹ em lúc còn trẻ rất đẹp, bao nhiêu gã trai trẻ lẫn những gã trung niên có vợ con hẳn hoi đeo đuổi cô ấy. Trong số đó anh là người may mắn được lọt vào mắt xanh của Minh Ánh.
Ông Thuần cười chua chát:
- Anh vào Sài Gòn học đại học, ở trọ nhà anh Đạt là ba của Triết được ba năm thì Minh Ánh cũng được ông bố cho vào học đại học.
Mắt xa xôi như đang chìm vào dĩ vãng ông Thuần nói tiếp:
- Đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời anh. Tiếc rằng thời gian ấy quá ngắn. Minh Ánh chỉ học được hai năm đã phải trở về vì mẹ mất.
Phượng Vy bùi ngùi:
- Mẹ em kể rằng bà ngoại mất vì bị thương hàn.
Ông Thuần gật đầu:
- Đúng vậy. Bà ngoại em rất thương Minh Ánh, khi bà mất rồi Ánh toàn gặp những bất hạnh. Cô ấy không được tiếp tục học nữa.
Vy chớp mắt:
- Mẹ nói ông ngoại nghe lời vợ kế, đối xử với mẹ rất tàn nhẫn.
Ông Thuần nghiến răng:
- Còn hơn cả sự tàn nhẫn nữa. Ông ngoại của em và ba tôi thuở đó đều tác tệ như nhau. Sau khi mẹ tôi chết, ba đã làm khổ không biết bao nhiêu đàn bà, con gái ở quanh khu đồn điền. Thừa biết tôi và Minh Ánh có cảm tình với nhau nhưng ông vẫn đang tâm chiếm đoạt cô ấy mà không hề nghĩ tới nỗi đau của con mình.
Phượng Vy ngồi im nhưng giọng đầy kích động:
- Ông ngoại của... em... không phản đối việc đó sao?
Uống một ngụm cà phê, ông Thuần nói:
- Để có tiền cung phụng cho bà vợ sau trẻ đẹp, mê bài bạc, ngoại em đã bán đứng đứa con gái duy nhất cho một... lão già nổi tiếng háo sắc nhất vùng.
Phượng Vy dán mắt vào bình hoa đông thảo có nhiều cánh rụng trên bàn, cô cố giữ bình tĩnh nghe ông Thuần nói, nhưng người cô cứ bồng bềnh, mồ hôi vã ra dù đang ngồi trong phòng máy lạnh.
Đưa tay đỡ trán, Vy lắng nghe giọng ông Thuần khô khốc: . . .
(mất 2 trang)
. . . Anh không đủ sức khuyên giải cũng như cùng Ánh vượt qua bi kịch của đời mình, đã vậy anh còn xui cô ấy phá bỏ cái thai trong bụng.
Phượng Vy kêu lên:
- Anh xúi như vậy thật à?
Ông Thuần lặng lẽ gật đầu:
- Chính vì vậy Minh Ánh mới hận anh. Cô ấy âm thầm bỏ đi không một lời từ biệt. Khi chuyện tồi tệ đó xảy ra với Ánh, anh biết anh và cô ấy không thể nào đến với nhau được nữa. Nhưng thay vì sẽ là bạn tốt, anh lại đẩy cô ấy đi xa, đi mất vì lòng ích kỷ của mình. Dù biết Minh Ánh là nạn nhân, nhưng anh vẫn không dằn được sự ghen tuông. Thay vì đi tìm xem Ánh ở đâu, anh lại lao vào rượu, học hành thì trượt dốc dài dài. Anh không về Đà Lạt nhưng vẫn nhận tiền chu cấp hàng tháng của ba.
Vy thẫn thờ hỏi:
- Rồi sau đó thì sao?
Ông Thuần nói:
- Sau đó anh được một cô bạn của Minh Ánh báo tin Ánh đã sanh được một đứa con gái. Theo địa chỉ cô bạn ấy cung cấp, anh đã gặp lại được người làm mình tuột dốc mọi mặt và nhận ra mình còn quá yêu cô ta. Qua nhiều đêm thức trắng để suy nghĩ, anh hiểu rằng chỉ có cách đi thật xa, đến một nơi nào đừng ai biết quá khứ của mình thì anh và Minh Ánh mới sống hạnh phúc với nhau được. Anh thuyết phục mãi Ánh mới đồng ý giao đứa con gái mới mấy tháng tuổi lại cho ba...
Phượng Vy ngạc nhiên:
- Nghĩa là mẹ đã từng giao em lại cho ba à?
Khẽ gật đầu, ông Thuần nói tiếp:
- Đúng vậy, và tên Phượng Vy cũng là do ba đặt cho em. Trong thời gian chờ tới chuyến đi, Minh Ánh đã đổi ý vì quá thương nhớ con.
Nở một nụ cười như đang mếu, ông Thuần thở hắt ra:
- Quá tuyệt vọng và đau khổ, anh đành đi một mình để tìm quên nơi đất khách quê người. Trước khi đi, anh đưa mẹ con Minh Ánh tới nhờ chị Liên chăm sóc giùm. Mới đó mà đã hơn hai mươi năm dài.
Phượng Vy lo lắng:
- Cô Liên có biết gì...
Ông Thuần lắc đầu:
- Không! Chị ấy hoàn toàn không biết gì hết.
Ngập ngừng một chút, ông hỏi:
- Em và Triết yêu nhau lắm phải không?
Mặt Vy thoáng đỏ lên, cô chối:
- Không phải đâu. Ảnh chỉ xem em như em gái thôi.
Ông Thuần lắc đầu:
- Nếu xem em như em gái, cậu nhóc ấy đâu cần hằn học với anh đến thế.
Phượng Vy rành rọt:
- Anh Triết đã có người yêu, cô gái ấy là con gái riêng của chú Ngôn, người sắp cưới mẹ.
Ông Thuần cụt hứng:
- Vậy à! Lẽ nào trực giác của anh sai?
Vy khẩn khoản:
- Anh đừng nói tới chuyện này nữa nghe!
Ông Thuần vỗ vỗ vào trán:
- Anh đãng trí quá, tự nhiên hỏi vớ vẩn đâu đâu.
Hai người bỗng chìm vào im lặng. Ông Thuần ngập ngừng lên tiếng trước:
- Em đang nghĩ gì vậy Vy?
Phượng Vy rầu rầu:
- Em nghĩ nhiều lắm, nhưng thật sự mà nói đầu óc em hiện giờ nặng nề nhưng lại rỗng tuếch.
Ông Thuần xoay xoay tách cà phê:
- Nhưng em sẽ tha thứ và sẽ đến gặp ba chứ?
Phượng Vy lạnh lùng:
- Dù không muốn em cũng là ruột thịt máu mủ của ba, em đâu có quyền nói tha thứ, nhưng có lẽ đừng gặp ba tốt hơn. Em ghét miễn cưỡng lắm! Hơn nữa mẹ không bằng lòng, em đâu muốn làm mẹ buồn.
Ông Thuần nhỏ nhẹ:
- Anh không tin em nhẫn tâm đến mức như vậy.
Giọng Vy rên rỉ:
- Trước đây em chưa hình dung được ba mình ra sao. Bây giờ em chưa kịp chuẩn bị tinh thần để chấp nhận sự thật đó. Xin anh đừng yêu cầu, đòi hỏi gì ở em hết.
Ông Thuần thở dài:
- Anh rất hiểu tâm trạng của em hiện giờ. Nhưng ba còn rất ít thời gian. Mong em và Minh Ánh cho ba gặp mặt, để ông thanh thản ra đi.
Phượng Vy miễn cưỡng hứa:
- Em sẽ thuyết phục mẹ.
Ông Thuần lắc đầu:
- Nếu được, em nên thuyết phục bản thân mình vì anh biết mẹ em không bao giờ tha thứ cho ba và anh.
- Biết như thế anh còn nằng nặc đòi gặp mẹ em làm gì?
- Anh gặp Minh Ánh là vì em. Hai mươi mấy năm trước anh đã đánh mất một người cha, một người yêu. Anh không còn ai thân thích ngoài em là ruột thịt duy nhất.
Phượng Vy tròn mắt:
- Thế vợ con anh đâu?
Ông Thuần hơi nghẹn lại:
- Anh không có vợ con.
Phượng Vy chót chét:
- Ở tuổi anh vẫn lập gia đình được mà. Như mẹ em chẳng hạn.
Vy cắn môi lại và nghe ông Thuần tiếp lời mình:
- Minh Ánh khác, anh khác. Dầu sao cô ấy cũng chưa trải qua cuộc hôn nhân nào. Tất cả vẫn còn mới mẻ với Minh Ánh, riêng anh đã quá chán chường rồi.
Phượng Vy chớp mắt đùa:
- Anh bi quan quá làm em hết dám yêu.
Ông Thuần vội vàng nói:
- Nếu vậy anh xin lỗi. Nếu đã yêu rồi, em cứ tiếp tục đi nhóc. Nè! Chừng nào mới giới thiệu em rể tương lai với anh đây?
Phượng Vy lắc đầu nguầy nguậy:
- Em chưa có ai đâu. Anh hỏi hơi sớm đó!
Ông Triết mỉm cười nhìn gương mặt ửng đỏ của Vy.
Ông hỏi:
- Em có dự tính gì cho mình sau khi mẹ và ông Ngôn tổ chức đám cưới chưa?
Phượng Vy chống tay dưới cằm:
- Mọi dự tính đều nằm cao hơn tầm tay với của em. Anh nghĩ xem em biết tính gì đây?
Ngần ngừ một chút, ông Thuần lại hỏi:
- Cưới xong rồi Minh Ánh sẽ ở đâu?
Phượng Vy trả lời:
- Vẫn ở với em.
- Vậy là ông Ngôn sẽ về bên vợ à?
- Chứ chả lẽ mẹ bỏ em một mình để theo chú ấy? Có một người đàn ông không ruột thịt trong nhà, nghĩ cũng khổ, nhưng biết sao hơn khi ông ta là chồng của mẹ mình.
Ông Thuần chợt trầm giọng:
- Em muốn đi Mỹ không?
Vy thảng thốt:
- Đi Mỹ để làm gì?
- Để thay đổi môi trường sống!
Vy hỏi giễu cợt:
- Em đi bằng cách nào chứ?
Ông Thuần nhấn mạnh:
- Nếu em muốn, anh sẽ lo cho em đi du học.
Vy lắc đầu thật nhanh:
- Chắc là em không muốn đâu. Mẹ có chồng nhưng đâu có nghĩa là mẹ không cần em, thương em nữa.
Ông Thuần xua tay:
- Cuộc đời này muôn màu, em không thể nói trước được chuyện gì sẽ xảy ra với mình.
Phượng Vy có vẻ lo lắng:
- Anh muốn nói chuyện gì là chuyện gì vậy?
Ông Thuần im lặng mặc cho Vy sốt ruột tròn mắt nhìn. Rồi nghiêm mặt lại, ông nói:
- Anh không tin tưởng người đàn ông đó. Chắc Minh Ánh phải suy nghĩ cho kỹ khi quyết định ở đâu, với chồng hay với con.
Phượng Vy trầm giọng:
- Mẹ muốn có một gia đình với đầy đủ vợ, chồng, con cái. Nói như anh thì còn gì nữa.
Ông Thuần chép miệng thương hại:
- Em thật ngây thơ khi nghĩ cuộc hôn nhân đó sẽ hình thành một gia đình yên vui, hạnh phúc như ý mẹ em muốn trong khi em chả thích gì ông ta.
Phượng Vy ngạc nhiên:
- Sao anh biết em không thích?
Ông Thuần thản nhiên đáp:
- Vì em đâu có ưa gì con gái ông Ngôn. Suy cho cùng ông ta cướp hết những tình cảm quý giá của em. Đúng không Vy?
Đầu Vy gục hẳn xuống khi bị ông Thuần đánh trúng tim đen, cô lặng thinh nghe ông nói:
- Dẫu sao em cũng còn anh và ba. Hai người tuy xa lạ, nhưng lại là máu mủ, ruột rà của em. Anh sẽ lo tất cả cho tương lai của em. Nếu thích em có thể sống với anh.
Vy ngập ngừng:
- Anh không trở về Mỹ sao?
- Có chứ! Nhưng hướng lâu dài anh định sẽ xin hồi hương. Anh sợ cảnh đất khách quê người lắm rồi.
Phượng Vy lảng đi:
- Chuyện tương lai xa, mình khoan bàn tới đã, em muốn biết ngày mai ngày mốt, ngày kia anh sẽ làm gì?
Ông Thuần nhỏ nhẹ:
- Anh sẽ về Đà Lạt cho ba biết đã tìm gặp em.
Vy bối rối:
- Có cần phải như thế không?
- Cần chứ ! Nghe tin này biết đâu chừng ba sẽ kéo dài được sự sống.
Vy cắn môi:
- Ông ấy bị bệnh gì vậy?
- Ung thư tuyến tiền liệt.
- Vậy lâu nay ai chăm sóc ông ấy?
Uống một chút cà phê còn sót lại trong tách, ông Thuần hơi ngập ngừng:
- Một bà giúp việc lâu nay trong nhà, cũng là bà vợ sau này của ba. Ông cưới bà Thơm là để có người trông nom tài sản, quán xuyến trong ngoài cho ông chớ hoàn toàn không vì tình yêu.
Nhếch môi một chút, ông mai mỉa:
- Ba làm gì biết yêu chứ!
Phượng Vy lầm lì:
- Anh kể chuyện này với em làm chi?
Giọng ông Thuần nhẹ nhàng:
- Để em quen với thân thế của mình.
Phượng Vy bĩu môi:
- Em đã quen làm con không cha rồi. Anh có nói gì đi chăng nữa cũng không khác được đâu.
Ông Thuần buồn buồn:
- Lúc xuống tới sân bay Tân Sơn Nhất, lòng anh vẫn nặng trĩu nỗi oán hận. Anh không tin mình có thể tha thứ cho ba. Nhưng khi về nhà, nhìn người đàn ông tàn tạ trên giường, anh đã bật khóc và anh thấm thía hiểu rằng máu bao giờ cũng chảy về tim.
Phượng Vy lạnh lùng:
- Anh xúc động vì ông ta đã là ba của anh cả hai mươi mấy năm. Còn em thì không đâu. Ông ta và em mãi mãi là người dưng nước lã.
Cô dịu giọng:
- Chừng nào anh về Đà Lạt?
- Có thể là ngày mai.
- Ông ấy còn ăn uống, trò chuyện được không?
Ông Thuần gật đầu:
- Còn. Bác sĩ dặn ba thèm gì thì cho ăn cái đó.
Phượng Vy ngập ngừng:
- Thế... Ông ấy thèm ăn gì?
Ông Thuần nhíu mày:
- Hôm trước anh nghe ba nhắc tới sầu riêng. Nhưng hôm ấy anh vào Sài Gòn, không biết bà Thơm có mua cho ông ăn không?
Phượng Vy im lặng. Cô ray rứt bởi tất cả những gì ông Thuần kể với mình. Cô đã biết ba mình là ai, mẹ đã từng khổ như thế nào, và cô hiểu dù từ khước, dù không chấp nhận sự thật cô cũng không thoát khỏi thân phận của mình.
Nhìn đồng hồ, Vy nói:
- Em phải về... ngày mai anh đi... khỏe nha.
Ông Thuần hỏi:
- Em không nhắn gì sao?
Vy lắc đầu thật nhanh:
- Không! Em không biết nhắn gởi gì hết.
Ông Thuần lại hỏi:
- Nếu cần gặp em, anh phải làm sao?
Phượng Vy đáp:
- Anh cứ tới nói với Triết. Ảnh sẽ gọi em.
- Vậy em về trước đi. Anh muốn ngồi lại đây thêm chút nữa.
Phượng Vy ngần ngừ một chút rồi bước ra cửa. Cô đạp xe lang thang ngoài phố, đầu óc đầy những suy nghĩ mâu thuẫn nhau.
Về đến nhà, Vy ngạc nhiên khi thấy Lợi ngồi trên chiếc Dream dựng trước cổng chờ mình.
Cô mỉm cười thay cho lời chào:
- Không ngờ anh biết nhà tôi.
Lợi lửng lờ:
- Có gì khó đâu, thành phố này nhỏ xíu hà.
Mở rộng cánh cửa sắt, Vy niềm nở:
- Vào nhà chơi!
Lợi lửng thửng bước tới chiếc xích đu và ngồi xuống tấm tắc khen:
- Ở đây thơ mộng thật!
Vy chớp mắt:
- Làm sao bằng nhà anh được.
Lợi nhếch môi:
- Tất cả chỉ là bề ngoài. Bên trong của nó ra sao, Vy đâu có biết.
Ngồi xuống cái đôn hình con voi gần đó, Vy hỏi thẳng:
- Anh tìm tôi có chuyện gì không?
- Bạn bè đến thăm nhau không được sao?
Vy nhún vai:
- Tôi không nghĩ anh nhiều thời gian dữ vậy.
Lợi lặng lẽ nhìn Vy, cái nhìn hơi khác thường của anh ta làm cô thấy khớp.
Cô vội hỏi lãng đi:
- Dạo này Hữu Tài có ngoan không?
Lợi trầm giọng thật đạo mạo:
- Ba mẹ tôi đã tìm cho Tài cô giáo mới, nhưng nó nhất định đòi học với Vy. Phượng Vy xua tay:
- Tôi không đủ khả năng làm sư phụ nó đâu. Nếu anh tới đây vì chuyện học hành của Tài thì thất bại rồi.
Mắt hơi nheo lại, Lợi khoanh tay hỏi:
- Nếu tôi đến vì trái tim mình thì sao?
Phượng Vy thản nhiên:
- Thì tim anh có vấn đề rồi chớ sao nữa?
Lợi búng tay thật du côn:
- Tốt! Vậy là Vy đã nhìn ra vấn đề của tim anh rồi. Vy sẽ chữa cho nó nhé!
Phượng Vy dài giọng:
- Chuyện gì nữa đây? Đã là bạn bè xin đừng quấy rầy kiểu đó mà.
Lợi lì lợm:
- Sao lại không được khi Vy chưa có người yêu?
Vy vênh mặt:
- Ai bảo là tôi chưa có người yêu?
Lợi cười cười:
- Hắn ta là ai, em giới thiệu đi! Này, đừng nói với anh người em yêu là con nhỏ Phương Anh đồng tính đó nhe!
Vy lửng lơ:
- Nếu là Phương Anh thì sao?
Lợi tỉnh bơ:
- Thì anh sẽ đánh dạt con nhỏ đó ra ngay vì trông Vy không giống dân đồng tính chút nào.
Vy bĩu môi:
- Làm như anh rành giới pede lắm không bằng. Phương Anh không phải dân đồng tính đâu.
- Anh không rành lắm, nhưng chắc phải hơn em nhiều. Không thích anh, thì mình vẫn là bạn, cần gì phải tạo một lớp vỏ bọc từ nhỏ Phương Anh.
Phượng Vy cau có:
- Tất cả cũng do anh nói trước, tôi sợ ai mà phải tạo vỏ bọc chứ!
Lợi cười cầu tài:
- Anh đùa thôi mà. Mình đi uống cà phê nhé?
Phượng Vy chép miệng:
- Tiếc là tôi mới đi về.
Trầm ngâm một chút, Vy nói như than:
- Với tôi chưa có ly cà phê nào đắng như ly cà phê chiều nay. Tôi đang buồn ghê gớm lắm!
- Sao vậy?
Vy lắc đầu:
- Tôi không thể nói được.
Lợi dò dẫm:
- Chuyện tình cảm à?
Vy buông thõng:
- Chuyện gia đình!
Lợi ngập ngừng:
- Nghe anh Hùng nói mẹ Vy sắp... sắp... có phải vì vậy mà em buồn không?
Phượng Vy liếc Lợi một cái thật sắc:
- Anh cũng nhiều chuyện thật đó.
Lợi múa mép:
- Phải nói là anh quan tâm mới đúng. Thật ra gia đình nào cũng có những chuyện buồn vui hết. Anh sống với mẹ kế nên có thể hiểu được tâm trạng của Vy mà.
Vy kêu lên:
- Ủa! Vậy mẹ Hữu Tài là vợ sau của ba anh sao?
Lợi buồn buồn:
- Mẹ tôi chết lúc tôi mười tuổi. Sau đó một năm ba tôi lấy vợ khác. Thời đại bây giờ mẹ kế khó ăn hiếp được con chồng lắm, trái lại tôi thường vịn vào cớ mất mẹ để làm tình làm tội ba mình hòng vòi được nhiều tiền để đi chơi. Nói tóm lại, đã thiếu cha hay thiếu mẹ người ta dễ trở nên hư hỏng vì được nuông chiều nhiều hơn được dạy bảo. Tôi hư hỏng cũng vì thế.
Phượng Vy bật cười:
- Anh cũng nhận ra là mình hư hỏng à?
- Con nít còn tự biết nó có ngoan hay không huống gì già đầu như tôi.
Phượng Vy trầm ngâm:
- Khi ba anh lấy vợ khác, anh có giận bác ấy không?
Lợi thành thật:
- Lúc đó không những tôi giận mà còn hận ông già nữa. Đến khi lớn hơn, tôi lại nghĩ khác. Tôi đâu có quyền bắt ông phải vì tôi mà sống một mình. Với người già, hai chữ một mình kinh khủng lắm.
Vy gật gù:
- Lúc nào anh cũng từng trải và hiểu biết.
Lợi lắc đầu:
- Không hẳn vậy đâu. Đôi lúc tôi không hiểu mình cần gì, muốn gì, thế là tôi quậy cho hả hê. Khổ nổi khi hả hê rồi tôi lại rơi vào sự cô đơn cùng cực. Tôi cần một người hiểu mình, nhưng những kẻ đến với tôi lại không quan tâm đến điều đó. Càng ngày tôi càng ngán ngẩm thế thái nhân tình hơn.
Phượng Vy dò dẫm:
- Tôi thấy Hương Nhu cũng đặt nhiều tình cảm nơi anh lắm mà!
Lợi nhíu mày:
- Chỉ thấy thôi làm sao chính xác. Phải nói Nhu đặt tình cảm ở nhiều người. Và ở người nào cô ta cũng thu về những mối lợi về vật chất. Mà thôi! Đừng nhắc tới Hương Nhu, cô ta đâu liên quan gì tới chúng ta.
Vy nói ngay:
- Có đấy! Nhu là con riêng của ông bố dượng tương lai của tôi. Tôi không muốn mẹ mình phải khó xử.
- Vy lo xa quá. Vừa lúc nãy tôi thấy Nhu đi với anh chàng kế bên nhà Vy. Chả hiểu bác gái có khó xử không khi tôi nghe anh Hùng kể rằng anh hàng xóm ấy luôn hầm hừ ra mặt với những gã thăm Vy.
Phượng Vy ngỡ ngàng :
- Anh thấy Nhu đi với Triết à?
Lợi gật đầu:
- Đúng vậy! Hai người vừa chở nhau trên chiếc Citi chừng 10 phút thì Vy về tới. Xin lỗi! Tôi không nghĩ điều này làm em xúc động dữ vậy.
Phượng Vy mồm mép:
- Tôi xúc động giùm anh đó chứ. Chả lẽ Nhu thản nhiên như không khi đi ngang qua anh?
Lợi nói:
- Tỉnh như ruồi là tính cách của Nhu mà.
Phượng Vy làm thinh nhưng trong lòng hết sức khó chịu. Những lời Triết nói đêm nào vẫn còn văng vẳng bên tai cô, Triết luôn mồm bảo "anh và Hương Nhu đã không còn gì nữa". Cũng may là cô không tin anh, nhưng sao tim cô nhức nhối thế này.
Triết đúng là giả dối, vậy mà lúc ở quán cà phê về, Vy dự định sẽ nói thật về ba, về anh Thuần cho Triết nghe để xem anh sẽ khuyên cô thế nào.
Không ngờ mọi việc khác với cô tính, anh vẫn chưa buông được Hương Nhu. Dù Vy đã từ chối Triết, nhưng dầu sao đi nữa đây cũng là một đòn đánh vào lòng tự ái của Vy. Cô phải nghỉ chơi anh luôn mới được.
Giọng Lợi đầy giễu cợt:
- Thế nào? Đã bình tâm lại chưa?
Vy bốp chát:
- Anh hỏi tôi hay hỏi chính mình vậy?
Lợi dang tay ra:
- Khi tới đây tôi đã chuẩn bị mọi bất trắc, nên tâm rất bình. Bình đến mức nếu Vy cần đi một vòng cho khuây khỏa, tôi sẵn sàng làm tài xế.
Vy bĩu môi:
- Anh nghĩ tôi sẽ đi với anh để chọc tức Triết à?
Lợi châm chọc:
- Không phải đâu! Tôi muốn em khuây khỏa thôi mà. Bản lĩnh như Vy thì đâu ngán tay nào, đúng không?
Vy làm thinh nhìn đồng hồ. Giờ này mẹ vẫn chưa về. Chắc bà đang ở bên ông Ngôn. Rốt cuộc chỉ có Vy là một mình. Nhớ tới những lời ông Thuần nói lúc nãy, cô bỗng tủi thân. Rồi cô sẽ là cái bóng thừa bên cạnh mẹ và ông Ngôn như hiện giờ cô đang thừa.
Lòng Vy chợt nhói lên khi nghĩ tới ba mình. Tại sao cô lại chối bỏ tình máu mủ ruột rà ấy trong lúc cô đang quạnh quẽ thế này chứ?
Nhìn lại, Vy bỗng quyết định chớp nhoáng:
- Anh có thể chở tôi tới đường Nguyễn Tri Phương không?
Lợi có vẻ thích thú, anh hăng hái:
- Tới đâu cũng không thành vấn đề. Nhưng Vy tới đó làm gì?
Phượng Vy ậm ừ:
- Tôi muốn mua sầu riêng.
Lợi kêu lên đầy ngạc nhiên:
- Mua sầu riêng! Em luôn có những bất ngờ. Em định tậu nỗi buồn gai góc có hương thơm ấy làm gì nhỉ? Tôi không nghĩ là em thèm ăn nó.
Vy nhăn mặt:
- Anh hỏi nhiều quá. Có chịu chở tôi không thì nói đại đi!
Lợi cười toe:
- Sao lại hỏi câu thừa thế nhỉ! Tôi đã bảo không thành vấn đề mà. Mình đi ngay phải không?
Vy gật đầu. Cô dẫn xe đạp vào nhà rồi trở ra ngồi sau lưng Lợi. Chiếc Dream lướt đi êm ru làm cô nhớ chiếc Citi của Triết.
Có một nỗi buồn gai góc đang vụt lớn trong tim cô, nhưng cũng có một niềm vui lắng đọng lại che khuất những dằn vặt lâu nay trong hồn cô.
Bất giác Vy lẩm bẩm lời ông Thuần nói: "Máu bao giờ cũng chảy về tim".
Ừ! Máu bao giờ cũng chảy về tim. Điều đó hẳn là một chân lý.
|
|
|