TRONG NHÀ HỌ NGUYỄN Hô lê hô lê đàn từng đàn voi dữ, hô lê hô lê vó tung vó ngựa hoang. Hỡi ánh trăng vàng, hỡi người tráng sĩ, hỡi bước chân hiên ngang trên ngàn lộng gió, hỡi...
Bản hùng ca "Tráng sĩ lên đường" đang ầm ầm vang thì bị đứt đoạn bởi giọng khế chua dưới nhà hất lên :
- Này.. này. Thôi đi.. Không khéo sập nhà bây giờ.
Chàng "tráng sĩ" rơi bịch từ tầng mây thứ chín xuống đất, đốp trả liền :
- Cái nhà này có sập thì chỉ vì cái giọng dao cạo chém đứt cột đứt kèo của chị thôi.
- Giọng tôi dẫu đứt cột kèo
Sao bằng nương tử nhà chú, đến đá keo cũng lìa.
- Không sai không sai, vợ em đẹp tuyệt trần, chỉ liếc mắt cũng đủ mòn đồi bạt núi, cần chi phải cất giọng.
- Không sai không sai, chú vắng nhà quanh năm, người đẹp ấy liệu còn hay mất.
- Sao chẳng còn, vợ em phải cái là thủy chung không ai bằng.
- Chú cứ mơ đi, để lúc tỉnh giấc lại trách cuộc đời đen bạc.
- Chị đừng dọa em. Hôm nào gặp anh Thường em sẽ kể chuyện chị gửi con Thương ở nhà bà ngoại để rảnh chân rong rẩy.
- Chú Nhi ơi là chú Nhi, đến lượt chú dọa chị à. Mà chú định đi đâu đấy?
- Em ra phố chơi. Hôm nay có trò gì vui không chị?
- Có phường hát trong Hoan ra. Chú đến thử xem, biết đâu họ thiếu chân dẹp đường.
- Chị đừng giễu em, hồi còn ở Đại La bao phường lớn tha thiết mời, em còn chưa ưng nữa là cái phường bé tý tẹo tại Lý Nhân này. Em đi chơi đây, ai đến tìm chị bảo để thư lại.
- Cả mấy tháng chú trọ ở đây, có ma nào tìm đâu mà ngày nào cũng nhắc.
- Em sợ chị quên thôi, em sắp như con diều bay cao rồi, lại bao nhiêu người mong được gặp đấy.
- Tôi cũng có trong số ấy vì chú chưa giả tiền tháng này đâu.
- Chuyện đó tính sau, em phải đi đây.
....................
Từ Đan Hồng đến Lý Nhân có hai con đường. Đường vòng theo hướng tây chừng gần năm chục dặm khó đi, dân cư thưa thớt lại lắm trộm cướp còn đường kia chỉ hơn ba chục dặm, qua con dốc Đừng và dốc Cạm, thẳng đường tiện lối. Dĩ nhiên là Ngô Lâm và Dương Vân đi theo đường thẳng, nhưng cẩn thận vẫn hơn bởi đây là địa bàn của Ngân Vệ đội. Ngày đầu tiên được tám dặm vì mất thời gian tại hai trạm kiểm soát Đan Hồng. Ngày thứ hai bình yên, họ đã đến chân dốc Đứng. Con dốc có đôi sườn khá cân xứng với đường lên dốc chênh cao tám mươi trượng, dài hơn trăm trượng, xe ngựa hay người đi bộ đều rất vất vả vì lưng dốc rặt một địa hình vát, rất hiếm chỗ bằng để nghỉ chân. Kể rằng có ông khách to béo nào đó quá cám cảnh trong việc chinh phục con dốc, trước khi rời đi đã cắm cái biển "Dốc đứng. Đừng qua" nhắc nhở người đến sau. Dân làng thấy hay đặt luôn tên dốc là dốc Đứng. Những tay lái buôn láu cá nhét thêm chi phí vượt dốc Cạm và dốc Đứng vào hàng hoá khiến giá thành đội lên gấp đôi gấp ba khiến chị em phải ru con thế này :
Con ơi có muốn cũng đừng ĂN hàng vượt dốc không gừng mà cay.
Thấy Ngô Lâm ung dung vượt dốc Đứng, Dương Vân lấy làm bội phục. Thần may mắn run rủi chàng được làm bạn với người, nhác trông đã biết là kiệt xuất. Bên cạnh sức lực phi thường, Ngô Lâm có đầy đủ sự khôn ngoan, tháo vát và nhạy cảm. Chí hướng cao xa, tầm nhìn rộng, kiến thức uyên bác, ông cẩn thận chỉ bảo người bạn nhỏ, chẳng hề giấu giếm điều gì. Thời gian tuy ngắn ngủi vẫn kịp cho Dương Vân tìm thấy một người thầy và một người bạn lớn, lớn theo nhiều nghĩa. Mới rồi, ông dạy cho chàng cách điều tiết nhịp thở khi lên và xuống dốc nên họ miệng cười chân bước trong sự ghen tỵ của ông khách ngồi nghỉ mệt trên tảng đá ven đường. Ông ta lẩm bẩm điều gì đó rồi bỏ tắt qua cánh đồng. Trời tối, hai người nghỉ chân tại làng Mọc. Chủ nhà là một cụ già sống với gia đình con trai cả. Biết trước chiều nay Ngô Lâm sẽ đến nên cỗ bàn đã được chuẩn bị tươm tất. Ngô Lầm làm nhiệm vụ giới thiệu:
- Thưa cụ và cả nhà, Chàng thanh niên này tên là Dương Vân, từng sống trong thành Đại La. Chúng tôi đã cùng chia sẻ chặng đường từ đó đến đây và dễ dàng tìm thấy sự tin tưởng.
- Còn Dương Vân, đây là cụ Nguyễn Thuận, cựu danh tướng thời Khúc Tiên Quân. Đã đến tuổi xưa nay hiếm nhưng giặc Nam Hán cướp nước ta, cụ lập tức biến nhà thành căn cứ, âm thầm sống trong lòng địch, dạy con cháu liên kết với nghĩa quân chờ thời cơ nổi dậy. Lão anh hùng...
- Khà khà, cụ Thuận cười ngắt lời Ngô Lâm, Ngô gia lạc sang nhà khác mất rồi, mong quay về kẻo cậu Vân lại cười lão.
Ông con cả cũng cười và tiếp lời bố :
- Tôi nói luôn cho cậu Vân nghe là bọn con cháu chúng tôi luôn tự hào và phấn đấu noi theo gương của cha ông. Còn luận anh hùng thời thế, sau Dương gia thì phải nói đến Ngô gia đây. T ôi không định nịnh Ngô gia đâu bởi đâu chỉ mình tôi nghĩ vậy. Đi cùng với Ngô gia, cậu sẽ học thêm được rất nhiều. Tôi tên Nguyễn Thao. Đây là thằng cả Thiện, ông chỉ chàng trai ngồi cạnh cụ Thuận, đang gãi bụi râu dưới cằm, nó có trách nhiệm trụ ở nhà trông nom vườn tược. Thằng thứ hai tên là Thắng, ông chỉ chàng trai cỡ hai tư hai nhăm, đang nhìn Dương Vân bằng cặp mắt vui vẻ, anh em sẽ gặp nhau nhiều vì nó thuộc Tổng đội trung quân của Việt Nghĩa Đoàn, chỗ em ruột tôi làm phó chỉ huy. Con bé út nhà tôi sấp xỉ tuổi cậu là đội trưởng đội nữ binh dưới quyền của Từ Tâm nữ tướng.
- Nhân tiện tôi xin cáo lỗi vì đã trễ hẹn bữa trước. Ngô Lâm nói khi Nguyễn Thao dừng lời.
- Có ai trách đâu, chúng tôi lo còn chẳng hết. Tôi đoán Ngô gia sẽ đi đường Bắc Mẫu nên bảo thằng Thiện lấy con ngựa gửi bên ông Sĩ chạy tắt, báo cho anh em làng Mẫu hỗ trợ, ngờ đâu đến tận mạn sông Đăng. Nó chờ hơn ngày không thấy, về giữa đường nghe dân làng bảo có mấy người đuổi nhau qua lạch cạn.
- Vâng, dọc bờ sông Đăng, nhất là chỗ lạch cạn rải đầy vết chân, tôi chạy đến bãi bồi cũ thì thấy xác của hai tên đội viên và dấu chân ngựa nên quay lại báo tin cho anh em làng Trọng.
- Vừa về đến nhà thì bị ta quạt cho một trận vì tội chậm chạp. Cụ Thuận nói. Tưởng nó mải vui quên mất Ngô gia.
- Thật áy náy quá. Chiều mồng năm, tôi bị toán của gã Văn sáu ngón đóng lõng ở làng Phúc phải chạy rẽ sang làng Tại, làng Phụ, tính xuôi đường Bắc Mẫu. Lòng vòng hết giờ mão hôm mồng sáu mới đến ngã ba Cây Rơm thì nghe có tiếng vó ngựa. Tôi bèn nấp sau đống rơm và các bác có tin không khi tôi thấy con hắc trứ danh.
- Hỏa Thiên ưng?
Bố con ông Thao cùng bật lên. Ngô Lâm ra dấu phải.
- Vô lý, chẳng lẽ hắn bị gọi về kinh?
- Nếu về kinh thì đi đường cái mới đúng.
- Khoan đã, trước nửa đêm ngày mồng năm hắn còn theo dấu Võ Thiên Nam tại xóm dưới chân núi Tam Hoa cơ mà.
Dương Vân từng nghe cha nhắc đến cái tên Hỏa Thiên ưng, dường như hắn là trưởng đội Ngân Vệ. Tuy nhiên, trong suốt quãng đường, Ngô Lâm thường chỉ bàn về khí, vận và thế giữa hai phe đối nghịch quân Hán và Việt Nghĩa Đoàn. Toàn vĩ thanh đại sự. Chứ tình hình cụ thể thì Dương Vân mù tịt, nên nhân cơ hội này, chàng tập trung nghe để tăng lịch duyệt.
- Vẻ mặt nói lên rằng Hỏa Thiên ưng đã chạy cả đêm. Hắng nghỉ mệt một lúc thì Văn sáu ngón (Văn cửu chỉ) cùng mấy thuộc hạ, phóng ngựa như điên đến trình diện. Cả bọn làm thành một khung cảnh nhộn nhạo. Văn sáu ngón thưa “thuộc hạ nghe tin hỏa tốc báo chủ tướng đến vội ra nghênh đón”. “Ai khiến!” Cả bọn xanh mặt. “D ạ không, chủ tướng không màng đường xa mệt nhọc đến đây, thuộc hạ nghĩ tất vì việc kinh thiên động địa nên nóng lòng dẫn anh em đến hòng tranh công nhận lệnh, xin chủ tướng thứ tội”.
- Cái gã mỗi bàn tay thừa một ngón nên miệng cũng thừa cái lưỡi, ông Thao nói, hắn sợ Hỏa ưng trách tội để thoát Ngô gia.
- Hỏa ưng tức tốc đến vùng này chứng tỏ bọn chúng không chỉ nắm được lộ tuyến của Ngô gia, mà hình như còn biết cả mục đích. Cụ Thuận trầm ngâm.
Dương Vân thấy cả nhà im lặng, chàng hiểu họ đang nghĩ có phản bội trong hàng ngũ nghĩa quân, một kẻ có vị trí đủ quan trọng để nhận được những thông tin quan trọng.
Ngô Lâm kể :
- Gã Hoả ưng vẫn chưa hết cáu gắt "C ông gì mà tranh, chúng mày bỏ vị trí cho thằng khốn đó làm loạn hả?" Văn sáu ngón biết tỏng chủ tướng đả động đến ai, giả vờ hỏi "Thưa là thằng khốn nào dám làm loạn khi đội thuộc hạ liên kết với đội 5 chẹt kín vùng dốc Cạm, thằng nào xấu số thì mon men lại gần, chúng thuộc hạ sẵn sàng mở cửa đưa nó vào giữa hai bức tường thép đang từ từ ép lại. Lúc đó tùy chủ tướng xào nấu" "Khoác lác! Nếu nó để thoát, tao sẽ đem tim gan bọn bay ra xào nấu. Còn bây giờ nghe cho rõ: hăm tám tháng trước gã họ Ngô rời khỏi Dương Xá mang theo mật lệnh để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt nguy hại. Đích đến của hắn là ranh giới Giao Châu cho nên Đại tướng quân ra lệnh bằng mọi giá phải bắt được gã, dù sống hay đã chết. Thám báo cho biết hắn đang quanh quẩn trong vùng này...” Đoạn sau hắn hạ thấp giọng nên tôi chỉ đoán lõm bõm vài từ rồi lũ chim săn mồi lục tục lên ngựa về hướng làng Mẫu.
- Là thật, tôi cả ngày chờ tại làng Mẫu không thấy bọn đội 5 có biểu hiện gì khác lạ. Thậm chí gã đội trưởng Kiều Tú ngồi uống rượu mãi.
- Bởi tôi bị lộ ngay sau đấy. Chờ Hỏa ưng đi khuất, tôi yên tâm đi về hướng sông Đăng. Mạn trái sông Đăng có mấy trạm lính canh, mạn phải bao gồm cả phần bãi bồi cũ có trạm dưới hạ nguồn, thượng nguồn có đồn thường trú của Ngân Vệ đội nên Hỏa ưng đoan chắc tôi sẽ tránh đường đó. H ắn đã tính đúng nếu như tôi không tình cờ nghe được câu chuyện. Tôi ngược con đường vừa đi lúc trước, quay lại ngã ba Chợ Viễn, đang vừa đi vừa để ý sau lưng... Ngô Lâm cười... va đầu vào tên đội viên đội 6 (đội của Văn sáu ngón) vừa làm gì đó trong bụi cây. Hắn hét váng lên gọi đồng bọn trước khi bị tôi xô ngã. Nghe tiếng ý ới sau lưng, còn vài tên khác chạy đến. Bên đường người ta dựng rào cao sát để chống trộm cướp, tôi không tránh được vào đâu đó nên buộc phải chạy thi với ngựa.
- Đáng lý Ngô gia nên chạy vào trong xóm. Dân làng sẽ cản bọn lính.
- Không thể làm liên luỵ đến mọi người. Khi tôi chạy ra bờ sông Đăng thì một tên đội viên tách ra đi báo cho Hỏa ưng, chỉ còn hai tên đuổi theo. Mùa này sông Đăng ít nước, tôi nhớ có lần cụ kể về cái lạch cạn gần cồn Cát. Lúc ấy bọn chúng đuổi ngay sau lưng, tôi lượn sát mép nước rồi lao bừa qua sông, bọn chúng thúc ngựa theo. Nước chỉ đến bắp chân, tôi sang đến bờ bên kia trước chúng vài bước ngựa. Cả một khoảng trống toàn là cát.
- Bên đấy vẫn là bãi bồi, lên đến bờ còn tới trăm trượng nữa. Anh Thiện nói.
- Gã trước thúc ngựa đá vào mặt tôi. Tôi nhảy tránh sang bên thì gã đằng sau xông tới.
- Đội viên Ngân Vệ có lối tấn công bằng ngựa rất lợi hại, ông Thao nói, rơi vào người khác là nguy to rồi.
- May chỉ còn hai tên đó, tôi dốc sức tốc chiến, cũng hạ được chúng. Biết sớm muộn gì Hoả ưng sẽ kéo thuộc hạ đến, tôi nhảy lên ngựa gò cương phi về thượng nguồn sông Đăng.
- Ngô gia không đến thẳng đồn thường trú của Ngân Vệ đấy chứ?
- ước chừng vài dặm tôi nhảy xuống đám cỏ ven đê, thả cho ngựa chạy không rồi nấp vào chỗ khuất. Chờ cho thầy trò Hỏa ưng vọt qua, tôi bơi qua sông, thay đổi quần áo, đi một mạch về Giao Châu.
- Bọn chúng biết bị lừa thế nào chẳng thông báo chặn mọi ngả đường.
- Người của ta mạn Thường Xuân, Ván Giẽ rất đông nên đi lại hoàn toàn suôn sẻ. Mồng tám tôi đã đến điểm hẹn.
- Nghe bảo bọn họ vẫn muốn độc lập hành động?
- Chúng ta cũng không ép họ gia nhập, chỉ muốn hỗ trợ khi cần.
- Tôi vẫn chưa hiểu sao bọn họ dùng dằng lâu thế.
- Trước họ nghi ngại về khả năng của chúng ta khi so sánh với lực lượng ở Hồng Châu. Hơn nữa, ta lại công khai hoạt động. Nếu kẻ thù đem quân đàn áp sẽ hỏng hết kế hoạch của họ.
- Vì thế thủ lĩnh phải cần đến khả năng thuyết phục của Ngô gia. Chỉ mình Ngô gia mới có thể xoá bỏ khoảng cách đôi bên. Cụ Thuận gật gù.
- Tôi chỉ làm đúng lời thủ lĩnh dặn, đề cập thành thật nhất về lực lượng và kế hoạch của chúng ta. Không khó khăn lắm vì mọi người đều chung mong muốn đánh đuổi ngoại xâm đem lại tự do cho nước, cho dân. Bây giờ đã hiểu nhau, họ đồng ý cho chúng ta lập căn cứ giáp khu vực kiếm soát của họ, đồng thời hứa giúp đỡ người của ta trong Giao Châu.
- Đoàn kết là sức mạnh to lớn, mọi người đồng lòng thì chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng.
Lửa nhiệt huyết của người dũng tướng thủa nào lại bừng bừng cháy, cụ Nguyễn Thuận cười trong niềm tự hào khi con, khi cháu đã sẵn sàng tiếp nối con đường của mình.
Đêm ấy, cửa ngách nhà họ Nguyễn mở ra vài lần. Ông Nguyễn Thao cùng con trai Nguyễn Thiện lặng lẽ đến sát bờ rào, ngoài kia có những người không ngủ, lần mò tìm kiếm trong đêm. Đàn dế tấu bản nhạc ri ri hoang vắng, vũ khúc của bóng tối thoáng qua thoáng lại trên đệm cỏ. Tựa cây sấu già trơ trụi, một cái dáng cao cao khoằm khoằm đứng bất động. Lửa ma trơi tản ra rồi tụ lại, hai cha con nghe tiếng rì rào trong gió cuối thu :
- Không thấy dấu vết.. tìm kỹ chưa... đầu làng cuối xóm.. nhìn tận mắt… đi lối khác... giả chặn giữa đường... chân dốc Cạm… |
|
|