5. Ngày này năm ngoái
Nửa khuya, mạ thức giấc rồi đánh thức cả Thục dậy. Mạ quả quyết là nghe có tiếng chân người ở ngoài sân. Nhưng Thục buồn ngủ lắm, đêm trước đón giao thừa rồi thức luôn gần đến sáng. Sáng nay đi chùa, đi thăm bà con rồi trở về nhà lo nấu nước dọn khách. Cứ hết người này đến người khác làm Thục muốn choáng váng rồi. Nhưng mạ không chịu, mạ cứ đập vào vai Thục:
"Thục, dậy, dậy. Có người.
Thục quay mặt vô vách:
"Mạ tưởng tượng rồi.
"Không, tau e như năm ngoái đó a tề. Cũng tối mồng Một, tau cũng nghe tiếng chân trong vườn rồi bắn nhau, đánh nhau.
Thục càu nhàu:
"Mạ tưởng tượng ra đó. Sợ chi mà một năm rồi còn sợ.
"Thục, con lắng tai nghe thử coi.
Nghe mạ quả quyết, Thục cũng chột dạ. Năm ngoái cũng vậy, nửa đêm mạ bảo có tiếng chân ngoài đi trong vườn rồi không ai tin hết. Anh Phước nói chắc mấy con chồn con cáo chi rình ngoài chuồng gà. Lát sau là đạn bắn vỡ trời. Rồi chạy loạn suốt một tháng. Khi về lại, căn nhà đầy lỗ đạn, căn nhà bếp sụp hoàn toàn, nhưng lạ, nhà chính vẫn đứng trơ trơ, đầy dấu tích đổ nát mà không đổ xuống. Bên đó vẫn còn bàn thờ ông bà, nhưng bàn thờ ba thì thiết tại căn nhà nhỏ ở thuê này. Từ hôm chạy loạn về, mạ không dám trở về căn nhà cũ nữa, mà thuê căn nhà kế cận. Thục lắng nghe. Quả thực thỉnh thoảng có tiếng xào xạc rồi tiếng lốp đốp. Một lát Thục nhận ra tiếng động ngoài sân rồi, Thục nói với mạ:
"Mạ ơi, không phải mô. Mấy quả bàng khô rụng lộp độp đó.
"Thiệt không?"
Mạ hơi nhỏm người lên rồi lại nằm xuống. Thục đã hết buồn ngủ, mạ nói đốt giùm tao cây đèn sáp. Thục mò xuống gối kiếm bao diêm và đốt đèn. Ngọn nến sáng lung linh, chiếc bóng của Thục chiếu lên vách thật đồ sộ. Thục thấy mạ đưa tay quệt nước mắt rồi sịt mũi.
"Mạ khóc đó hả? Răng mà khóc hoài, chuyện như từ đời xưa rồi. Tuy càu nhàu mạ nhưng lòng Thục đã nao nao. Năm ngoái cũng giờ này, ngày này, tiếng súng bắt đầu nổ. Gia đình Thục chạy thoát được vùng kiểm soát của Việt cộng nhưng ba Thục sau đó bị bắt đi. Về sau, Thục với mạ và anh Phước cứ nghe ở đâu có hầm xác là vội vã tới. Đi có mười mấy hầm mới nhìn ra được xác ba. Nằm phơi cả buổi sáng trên cỏ không sao, khi mạ con Thục tới nơi thì xác như rữa ra, rồi chảy nước vàng. Mạ ngất xỉu, rơi xuống đống nước vàng hôi hám đó. Đem được xác ba về chôn cất tử tế rồi mà mạ như mất hồn. Nhiều đêm mạ tỉnh dậy, đốt ngọn nến ngồi một mình, đôi lúc rủ Thục cùng thức, cùng ngồi luôn. Cứ ngồi ủ rũ, gục mặt lên đầu gối, hai mạ con ít nói chuyện với nhau. Mà hễ nói là mạ khóc. Thục thấy mạ cứ lắng tai nghe ngóng mãi, an ủi mạ:
"Thôi mạ, gần sáng rồi, mạ ngủ đi một tí.
"Ngủ răng được mà ngủ con ơi. Năm ngoái ba bị bắt đi rồi chết, biết ngày mô mà cúng mà kỵ. Trời ơi, nhà tui có ai ăn ở thất đức mô mà chết không biết ngày ri trời.
Thục cũng mủi lòng, nước mắt tuôn trào ra. Từ hơn tháng nay, mạ thắc mắc mãi ngày chết của ba. Mạ tính ba bị bắt ngày mười một, chắc cũng mười mấy hôm sau mới bị giết. Mà không phải ba bị giết, hình như ba bị chôn sống. Cả hầm xác đó không có ai có dầu gì chứng tỏ là bị thương. Thục nhớ lại khi đứng bên hầm xác, nhìn những xác chết nằm rải rác đắp bằng giấy báo, Thục lạnh cả xương sống, và cảm giác đó vẫn còn ở lỳ trong xương sống nàng, cứ mỗi lần Thục nhớ lại là xương sống nàng như buốt giá và đầu óc còn choáng váng. Đến bây giờ mỗi lần nhìn thấy những vạt nắng vàng trải trên cỏ là Thục liên tưởng đến những vạt nắng đã trải trên miệng hầm ở Bãi Dâu.
Có tiếng lục đục ngoài căn nhà ngoài. Chắc anh Phước đã nghe tiếng mạ khóc. Rồi tiếng dép của anh Phước kéo tới gần cửa buồng. Tiếng anh vọng vào:
"Chi rứa mạ?"
"Tau nghe có tiếng chân ngoài vườn, chắc ba mi về. Thiệt mà, từ hôm tìm ra xác ba mi, tau nghe tiếng chân đi ngoài sân hoài rứa đó. Chắc ba mi về thăm nhà.
Thục rùng mình. Giọng nói của mạ tỉnh bơ như chuyện có thực. Anh Phước càu nhàu:
"Xì. Tưởng chuyện chi".
Rồi anh trở lại giường bố. Mạ lại tiếp tục khóc, kể lể:
"Cúng ngày mô đây tụi bây ơi".
Dì Vạn cũng trở mình, dì ngồi lên. Giường bố của dì kê bên cạnh giường mạ con Thục:
"Chi rứa chị. Lại khóc rồi".
Rồi dì đập muỗi đôm đốp, vừa càu nhàu:
"Đã nói phần anh vắn số có rứa thì thôi. Bộ mình chị có chồng chết hay răng mà khóc trù trù rứa. Năm ni để chị coi, người ta cúng từ mồng Hai trở đi, cúng đầy cả tháng".
"Ừ hỉ. Rứa thì sau ngày mồng Một, ngày mô mình cũng cúng, răng cũng trùng một ngày".
Dì Vạn gạt đi:
"Chị răng tào lao quá. Thôi thì sống khôn thác thiêng. Chị cứ chọn một ngày cúng rồi anh về. Rứa có phải không? Phải không thằng Phước? Mi còn thức hay ngủ rồi".
Anh Phước nói lớn:
"Còn thức chớ dì. Dì nói phải đó".
Thục đưa cái khăn mùi xoa dấu dưới gối cho mạ:
"Thôi mạ, ngủ đi".
Nhưng mạ Thục vẫn ngồi. Đầu tóc không bới rũ rượi xuống mặt, xuống cổ. Bà cứ khóc sụt sùi và kể lể:
"Ba tụi bây chết là hết ma. Có đứa mô dám qua bên nhà thắp hương cho ông bà mô. Có chi mà sợ".
Thục không nhịn được nữa. Căn nhà bỏ hoang một năm, mái nhà chỉ dựa hờ vào mấy bức tường loang lổ đạn. Đã không dám ở mà cũng không dám dọn nhà đi. Thục gắt nhỏ:
"Mạ nói răng lạ rứa. Qua bên đó lỡ sập nhà răng".
"Cả năm ni có sập mô. Để đó, tao qua tao thắp. Sáng mai dì Vạn đi với tui nghe".
Dì Vạn dỗ mạ:
"Ừ, thôi ngủ đi. Ai đời cái nhà đẹp rứa mà bỏ không, cỏ mọc tùm lum. Coi như cái nhà ma".
Câu nói của dì Vạn làm Thục càng Thục ấy căn nhà huyền bí thêm. Người ta đồn căn nhà đó nhiều ma lắm. Dạo Tết vừa rồi trong vườn chôn nhiều xác chết lắm mà không biết ở đâu. Cứ đào lỗ vùi xuống. Nhiều người nói trẻ con chết người ta đem vào giấu trong vườn, rồi một gia đình đào cái hầm trong đó, hầm sập chết hết. Hôm mới trở về, Thục không vô nhưng anh Phước kể lại tường đầy vết máu và giữa nền nhà còn bầy nhầy những miếng da, miếng thịt, hôi thúi lắm.
Dì Vạn nói tắt đèn cho mạ mi ngủ. Thục thổi tắt ngọn đèn. Một lúc mạ cũng nằm xuống bên Tâm, nhưng Thục không thấy gì hết. Thục thấy mình cũng hoà tan trong bóng tối.
Bên ngoài như có cơn mưa nhỏ. Sáng ngày ra chắc cỏ xanh lắm, và mấy cây mai vàng sẽ sạch hơn, tươi hơn. Thục nhắm mắt. Mạ nhắm mắt hay mở mắt rứa mạ? Có mở mắt, mạ cũng chẳng trông thấy gì hết. Có tiếng ghế bố kêu lắc cắc, tiếng quẹt diêm rồi mùi khói thuốc. Thục nhìn qua, dì Vạn hút thuốc Cẩm Lệ, đốm lửa khi lớn khi nhỏ và mùi thuốc làm Thục ho sặc sụa.
Sáng hôm sau Thục dậy sớm và đi ra sân. Trời vẫn còn mưa lất phất, hạt nhỏ như bụi. Những hạt bụi trắng bám đầy trên lá cây. Khu vườn bỗng tươi mát hẳn. Thục nhìn qua khu vườn và ngôi nhà cũ. Căn nhà vẫn sừng sững. Nhưng lạ lùng, Thục thấy căn nhà thật um sùm, chả bù với những ngày mùa đông vừa qua, lá cây rụng hết, căn nhà nằm chơ vơ và luôn luôn như sắp sụp xuống. Thục chạy ra góc vườn nhìn sang. Bên sân, mấy cây mai vẫn nở vàng rực và Thục nghe có nhiều tiếng chim hót. Mấy chậu cây của ba mọc đầy cỏ, chỉ có chậu hoa tỷ muội thì sống dai ghê. Mùa hạ vừa rồi Thục nhìn sang thấy chậu khô queo, đất nứt nẻ, rứa mà chừ cũng xanh um, có hoa trắng nở chi chít từng chùm. Thục đứng dậy mà có thể tưởng tượng ra hương thơm của tỷ muội ngát mũi.
Thục định bụng sẽ nói với mạ về làng bán cái vườn cau rồi tu sửa lại ngôi nhà. Dù răng đi nữa thì cũng là mồ hôi nước mắt cả một đời của ba. Sửa mà không ở cũng được, để làm cái nhà thờ. Thật ra Thục sẽ không dám bước chân ra khỏi nhà, khi nghĩ tới trong vườn còn chôn bao xác người. Dì Vạn đã có lần nói với mạ là kêu người tới sửa sang, dọn rửa rồi coi đào tìm xác chết, nhưng mạ nói ba chết rồi, còn chi nữa mà làm lại. Mạ bỏ bê luôn và mạ cũng không muốn trở về đó nữa.
Thục thấy có mấy con chim sẻ vừa sà xuống sân, và nhảy chóc chóc đuổi nhau nơi bực thềm. Thục định lấy một hòn đá ném sang, nhưng nàng sợ hòn đá sẽ làm khuấy động sự yên tĩnh của căn nhà. Thục bỏ đi vào.
Dì Vạn đang tét bánh tét ra từng khoanh đặt lên đĩa.
Thục đói quá định cầm một miếng ăn thì dì nạt:
"Khoan, để cũng ba đã. Đi rót nước mau".
Thục rót ly nước trà bưng đặt lên bàn thờ ba. Mạ đang ngồi têm trầu nơi bàn lớn kê giữa nhà, sát bàn thờ ba. Mắt mạ đỏ hoe, chắc đêm qua bà khóc nhiều lắm. Thấy Thục, bà nói:
"Sáng ra tau ra sân thấy có bàng mô mô. Tau nói đêm qua ba tụi mi về mà đứa mô cũng cãi tau".
Dì Vạn cười:
"Chị răng hay nói tào lao. Chết rồi chớ mô nữa mà về. Bộ chị ưa anh thành ma, không siêu thoát được hay răng".
Dì Vạn bưng dĩa bánh đặt lên bàn thờ. Mạ Thục lại nói:
"Ông có ở đây mô mà cúng. Ông ở bên nhà nớ tề. Để tui đem bánh đem hương qua cúng ông".
Anh Phước đã thay xong quần áo. Anh nghe mạ nói liền tán thành:
"Đúng đó. Con đi với mạ. Mạ có sợ không?"
Thục thấy mạ ngần ngừ:
"Ừ, cũng dễ sợ".
Anh Phước cau có:
"Tui đã nói với mạ bữa trước Tết không bẻ mai bán mà. Để nó nở toát hết, uổng quá chừng".
"Ba tụi bây khi sống ông ghét đứa mô bẻ mai lắm. Kệ, để đó cho ba bây".
Dì Vạn cười. Rồi dì đi tới bên mạ:
"Chị cho miếng trầu. Ít vôi hí. Túi qua ăn miếng trầu nhiều vôi một chút mà phỏng cả miệng".
Anh Phước chọc:
"Dì phỏng miệng cho hết noái. Trong nhà dì vô địch nói nhiều".
"Chớ răng, bộ khi mô cũng khóc như mạ bây. Tao cũng goá chồng chớ bộ mạ bây goá chồng thôi a răng".
"Ôi, chồng dì chết hồi xa lắc xa lơ".
"Thì chị không nhớ răng? Hồi đó cũng Việt Minh giết. Sáng ra thấy xác cột chùm hai ba người vất nơi dốc Nam Giao đó. Cũng lâu rồi chớ ít ỏi chi".
Dì Vạn nói xong giơ tay chùi miệng, quẹt nước trầu loang ra hai bên mép rồi lau vào vạt áo nâu. Mạ Thục vẫn thắc mắc về cái nhà.
"Đêm qua tui nằm nghĩ đi nghĩ lại. Thằng Phước nó nói sửa lại cái nhà thiệt đúng. Phải sửa lại dì hí?"
"Tuỳ chị chớ".
"Trước tui buồn tui để kệ. Chừ tui thấy bỏ hoang cũng uổng".
Anh Phước chen vào:
"Mạ thiệt. Khi ri khi tê, biết mô mà lần".
Thục ngồi vắt hai chân lên nhau, đu đưa. Căn nhà thân yêu của Thục mới ngày nào đầy tiếng cười nói mà giờ đã lạnh lẽo. Làm sao Thục quên được những buổi tối, dưới ánh đèn sáng dịu, ba mạ Thục bắt ghế ngồi ngoài sân. Dì Vạn ngồi khâu áo, anh Phước học bài. Còn Thục thì mở cửa sổ đứng mơ mộng nhìn ra ngoài vườn. Những cây cối già nua, lúc nào cũng hết sức thân ái. Còn cả bức tường nơi phòng riêng của Thục nữa, những lần bị đòn Thục đóng cửa nằm khóc và lấy móng tay vạch ngang dọc lên tường. Những vòng tròn những mắt mũi đầu người, bây giờ vết đạn có xuyên qua không? Còn cái ổ kiến lớn nơi cây mít sau vườn nữa. Cây mít gần cửa sổ và thỉnh thoảng có những chú kiến đen chân cao lạc vào phòng của Thục. Thục đặt chú kiến lên một ngọn lá mít vàng, nhìn chú bò quanh quất rồi lát sau tung cả ngọn lá, cả chú kiến ra ngoài vườn, cho chú trở về nhà. Nơi phòng của anh Phước còn có những dòng công thức anh học và ghi chi chít lên tường. Tất cả bây giờ lẫn lộn với những vết đạn, vỏ đạn, với máu người thịt rữa, Thục nhắm mắt lại. Dì Vạn nói một câu gì đó mà anh Phước cười lớn. Thục bừng tỉnh ngơ ngác:
"Cái gì mà dì cười rứa?"
Dì Vạn không trả lời và tiếp tục cười. Mạ nạt:
"Dì cháu bây sướng lắm đó mà giỡn".
Thục lẳng lặng bỏ ra sân. Nàng lui lại góc vườn nhìn qua căn nhà cũ. Sáng mồng Hai năm trước, đã có người chết trước cổng nhà, nơi cây nhãn trước ngõ. Rồi chạy loạn, rồi trở về mất luôn cảnh ấm cúng ngày nào.
Cả ngày hôm đó Thục thấy mạ không vui mà cả nhà cũng không ai vui. Bà con đã đến thưa thớt. Ai cũng có tang, không muốn đến thăm nhau sợ đem xui xẻo.
Buổi chiều hôm mồng Hai, Thục đứng với anh Phước ở sân, nhìn xéo qua góc vườn. Hai anh em vừa nhìn vừa kể lại những kỷ niệm nơi căn nhà cũ. Mắt Thục mờ đi, và qua màn lệ mỏng, Thục thấy khu vườn nhòe đi và rộng mênh mông. Mái ngói rêu mốc nham nhở vết đạn. Rồi Thục thấy như căn nhà vừa rùng mình, chao nghiêng. Thục cầm chặt tay anh, dụi mắt:
"Anh".
"Chi rứa em?"
"Em thấy căn nhà vừa chao một cái".
"Anh cũng thấy rứa".
Nhưng căn nhà vẫn đứng sừng sững. Anh Phước định nói một câu gì đó, anh vừa há miệng thì bỗng một tiếng ầm. Cả căn nhà bỗng sụm xuống êm rơ. Bụi trắng bay cao, bốc lên khỏi những đọt cây rồi tan trong mưa bụi. Dì Vạn chạy ra, rồi mạ chạy ra. Mạ dụi mắt, mạ giơ tay chỉ, nhưng bà cũng không nói được lời nào. Mấy cánh tay cùng chỉ về phía vườn, nơi ngôi nhà bây giờ chỉ còn là đống gạch vụn.
Rồi bỗng mạ khuỵu xuống từ từ. Mắt bà trợn ngược lên như đã tin được chuyện xảy ra trước mắt là có thật. Khu vườn bên căn nhà cũ vẫn xanh um, sạch sẽ. Những đọt cây xanh vươn cao, như muốn che lấp hết đống gạch ngói. Mạ vẫn mở to mắt, nhìn đăm đăm về phía ngôi nhà đổ, hai chân khuỵu xuống thấp dần như sắp đổ theo với căn nhà. Nhưng rồi mạ gượng kịp. Bà đứng dậy, tay vẫn chỉ về bên vườn, giọng nửa khóc nửa cười:
"Nó đổ, nó đổ thiệt rồi".
Thục đứng yên. Mạ ôm mặt đi vào nhà. Tội nghiệp căn nhà của ba, những rung chuyển của bom đạn làm nó rạn vỡ, và đúng một năm sau, kể từ ngày phát súng đầu tiên thức tỉnh thành phố Huế, ngôi nhà sụp đổ theo. Anh Phước vẫn đứng như chôn chân xuống đất. Thế là hết. Thục dứt mọi tính toán, lo âu về căn nhà.
Khu vườn vẫn xanh um, ôm ấp đầy kỷ niệm của gia đình Thục. |
|
|