Ra Việt Bắc Trên túi dết của anh Hiền có viết hai câu thơ bằng mực nho:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Anh treo túi lên cột và bao giờ cũng để phía có câu thơ ra ngoài. Mấy đứa bạn của tôi đến chơi học thuộc hai câu thơ đó rồi đọc oang lên. Đi ngoài đường chúng cũng ngân nga: “Đã mang tiếng ở trong trời đất…” Tôi dùng phấn nắn nót viết thơ lên xà nhà, thằng Bá viết vào sổ tay. Chữ của thằng Bá đẹp nên nhiều đứa nhờ viết vào bìa cuốn sổ của mình.
Lần này, từ huyện đội về anh treo túi lên cột rồi bước ngay sang nhà hàng xóm. Anh đi chơi hết nhà này sang nhà kia đến tận trưa, mẹ bảo tôi tìm anh về ăn cơm. Anh ngồi ăn chẳng nói câu nào. Ăn xong lại đi chơi nhà bà con. Trong bữa cơm chiều, bưng bát cơm anh ngập ngừng: “Con sắp ra Việt Bắc rồi”. Im lặng một lát mẹ lại hỏi: “Bao giờ con đi?” Anh trả lời: “Chừng một tuần nữa”. Mẹ nuốt miếng cơm nhìn anh: “Nhiệm vụ cách mạng thì con phải đi. Nhớ viết thư luôn cho mẹ.”
Tôi đem khoe với bọn thằng Bá, thằng Dần, thằng Bội, thằng Yêm… là “Anh Hiền tao sắp ra Việt Bắc”. Chỉ một lát sau chúng nó kéo đến chơi tận khuya mới về. Trong giấc ngủ tôi chập chờn mơ thấy Việt Bắc với núi non trùng điệp và huyền bí, với Bác Hồ mặc quân phục cưỡi ngựa đi chỉ huy chiến dịch, với rầm rập những đoàn bộ đội và dân công ra tiền tuyến, với những địa danh Phai Khắt, Na Ngầm, Nà Phạc… mà tôi được đọc trong các thiên bút ký chiến tranh in đậm vào tâm hồn tôi như những dấu chân thần thoại… Anh Hiền được ra Việt Bắc là được ra với Bác Hồ, với chiến khu cách mạng thần thánh, anh được đặt bàn chân lên những dấu chân thần thoại như bà mẹ Thánh Gióng dẫm lên dấu chân ông Khổng lồ…
Sáng hôm sau anh dẫn tôi xuống thị trấn Diễn Châu để chụp ảnh kỷ niệm. Cả thị trấn và cả huyện chỉ có một hiệu ảnh của ông Tuấn. Ông đậu thành chung, đi dạy học một thời gian rồi mở hiệu ảnh ở Vinh. Sau khi Vinh tiêu thổ kháng chiến, ông tản cư ra Diễn Châu và lại mở hiệu ảnh. Vào thời điểm này hiệu ảnh của ông rất đông khách. Nam nữ thanh niên nông thôn kéo nhau ra chụp ảnh trước khi chia tay để đi dân công hoặc để tòng quân. Thầy giáo và học sinh trường Nguyễn Xuân Ôn là lượng khách đông nhất của ông. Ngày mai đã chia tay rồi. Hoặc ngày kia. Hoặc tháng sau hoặc năm sau… Cứ chụp ảnh sẵn nhỡ ra cấp trên có giấy về điều động đột ngột lại không kịp chụp. Thầy chụp với học trò, cả lớp chụp chung, từng đôi chụp với nhau. Tuổi học trò đầy mơ mộng, khao khát những chuyến đi xa nhưng cũng ngại ngùng nỗi chia ly. Nhiều cô khóc sướt mướt ngay tại hiệu ảnh.
Anh Hiền quen ông Tuấn chủ hiệu, nói đùa với ông mấy câu tiếng Pháp. Ông mời anh em tôi vào chụp trước, không phải chờ đợi. Hôm ấy quả thật tôi buồn lắm. Anh cũng buồn. Đây là lần cuối cùng anh em chụp ảnh kỷ niệm để rồi anh đi xa, đi xa không biết đến bao giờ mới được gặp lại…
Thế là anh Hiền đã ra Việt Bắc. Gia đình tôi có ba anh em trai. Anh Đồng làm trưởng ban quân báo huyện đội lúc mười tám tuổi, giữa tuổi mười chín thì anh mất lúc giặc đổ bộ lên Quỳnh Lưu. Còn lại anh Hiền và tôi bây giờ anh Hiền lại đi xa biền biệt. Tôi nhớ anh vô cùng. Kỷ niệm những ngày gần gũi luôn luôn hiện về với tôi trong giấc ngủ, trong sinh hoạt hàng ngày.
Mỗi lần ra sau nhà nhìn thấy đống rơm tôi lại nhớ cồn cào lúc nhỏ anh đánh trâu đi bắt chuồn chuồn giữa trưa nắng chang chang. Mẹ gọi mãi anh không chịu về. Mẹ ra tận đầu làng kéo anh về đánh một trận rất đau. Cứ mình trần như thế anh bỏ trốn biệt mấy ngày. Thương quá mà chẳng biết anh ăn ở đâu, ngủ ở đâu. Vào lúc xế chiều tôi đang thơ thẩn sau nhà thì nghe có tiếng vỗ tay khe khẽ bên kia đống rơm và kèm theo tiếng gọi rất nhỏ: “Xí ơi!” tôi ngoái nhìn thì thấy anh nấp sau đống rơm: “Em đem ra cho anh một cái áo”. Tôi vào nhà lục tìm áo đem ra, anh ôm áo rồi lại chạy biến mất…
Kỷ niệm đầy ắp gian nhà. Nhà cửa càng trở nên vắng vẻ. Những lúc rỗi rãi cha tôi thường nằm trên giường ngâm Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm. Mẹ và chị Hiền ngoài buổi làm đồng còn lo công tác hội mẹ chiến sĩ chấp hành phụ nữ xã. Dạo này cha mẹ tôi nhận nuôi một anh thương binh tên là Nguyễn Xuân Đài, quê ở Hải Dương. Anh bị cụt một chân, vừa ngồi chằm nón anh vừa hát cho tôi nghe những bài hát lúc còn ở chiến trường. Nhà có thêm người, thêm tiếng hát vui hơn trước.
Tôi viết thư, anh Hiền biết tin nhà có nuôi một anh thương binh, biết anh Đài ít hơn một tuổi. Anh Hiền viết thư về xưng “anh” và gọi anh Đài là “em”. Tôi cảm thấy vui như anh Đài là con để của mẹ tôi, là anh trai của tôi.
Ngày nào tôi cũng mong nhận được thư anh, vừa nhận được thư hôm trước hôm sau tôi lại chờ thư khác, mỗi lần có thư tôi lại đọc cho cả nhà cùng nghe. Buổi trưa đọc, buổi tối lại đọc. Bà con làng xóm cũng sang nghe. Mọi người vui như đang dự một đám hội. Vui nhất là khi anh gửi về một tấm ảnh cha tôi, mẹ tôi, chị tôi… đều khoe với bà con họ hàng làng xóm. Suốt trong tuần lễ ngày nào cũng có dăm bảy người tụ họp ở nhà tôi để xem ảnh. Người thì khen “Bác Hiền hơi gầy nhưng trông quắc thước hơn trước”. Người thì khen “chú Hiền trông oai hơn hồi ở nhà”…
Có lẽ tôi là người sung sướng nhất khi cầm tấm ảnh. Tôi cảm thấy nó quý giá vô cùng: ảnh chụp ở Việt Bắc - chiến khu thần thánh của cuộc kháng chiến. Tôi bọc kỹ ba bốn lớp giấy, cất cẩn thận vào tráp. Trừ lúc đi vắng, hễ về nhà là tôi đem ảnh ra xem. Đứng ở mọi góc độ để xem: từ trên xuống, từ dưới lên, từ phải sang, từ trái sang, tầm nhìn xa nửa mét, một mét… Tôi tưởng tượng cảnh chiến khu Việt Bắc âm u rừng rậm núi cao, thác tung trắng xoá, đèo lộng gió, đuốc sáng rực những đêm bộ đội và dân công mở chiến dịch. Trên cái khung cảnh hùng tráng ấy là tấm ảnh của anh. Anh đội mũ lưới, mặc áo trấn thủ, mặt hơi ngẩng lên, miệng cười. Chưa bao giờ tôi thấy anh cười khi chụp ảnh, kể cả lúc vui vẻ được học sinh trường Nguyễn Xuân Ôn cùng chụp chung. Đây là tấm ảnh đầu tiên anh cười. Tấm ảnh chụp từ chiến khu Việt Bắc gửi về cho quê hương, cho gia đình, cho tôi.Tôi nhìn theo ảnh để vẽ lên một tờ giấy to, tỉ mẩn tô đi sửa lại, rồi treo lên xà nhà. Còn tấm ảnh thì tôi cất kín, sợ giở ra xem nhiều ảnh sẽ phai màu. Niềm vui từ tấm ảnh cứ lan toả trong tôi từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác…
|
|
|