Phong trào tòng quân
Cuộc kháng chiến chống pháp đã chuyển từ giai đoạn “phòng ngự” sang giai đoạn “cầm cự” và đang tích cực đẩy mạnh sang “giai đoạn “tổng phản công”. Tin thắng trận từ các chiến trường dồn dập đưa về làm nức lòng dân ở vùng hậu phương lớn Thanh, Nghệ Tĩnh. Tôi có chân trong đội tuyên truyền của xã, có dạo thức trắng từ đêm này qua đêm khác. Lúc thì đi dán ca dao cổ động in li-tô trên các bức tường, lúc thì cầm loa phát thanh tin chiến thắng, lúc lại soi đuốc viết khẩu hiệu lêu nong lên cót dựng khắp các ngả đường... Tôi say mê đi làm công tác tuyên truyền hơn đi học.
Phong trào “dồn sức người sức của ra tiền tuyến” ở làng tôi lên rất mạnh, mặc dầu mất mùa, đói kém, tinh thần của mọi người vẫn lên cao như diều gặp gió. Các cụ già tập trung ở đình làng đan sọt cho dân công, các bà mẹ tất tưởi rủ nhau đi làm nhiệm vụ “hội mẹ chiến sĩ”. Những đêm làng tổ chức hoan tống dân công thật là vui, người ta đua nhau biếu quà cho dân công lên đường: loong gạo, loong muối, niêu tôm kho, bánh thuốc lào... còn tôi thì sáng tác ca vè để đọc trong các buổi hoan tống.
Thanh niên hăng hái hưởng ứng phong trào tòng quân. Anh Hiền phi ngựa đến tận từng nhà để tuyển quân, nhiều người lén lút gặp anh để xin được trúng tuyển.
Hồi đó tôi học ở trường trung học Nguyễn Xuân Ôn, đây là ngôi trường lớn ở Huyện phía Bắc Nghệ An do giáo sư Cao Xuân Huy sáng lập và làm hiệu trưởng. Trường là trung tâm văn hoá của huyện. Thầy giáo là những trí thức nổi tiếng trong tỉnh và một số tri thức từ Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Bình ra. Cán bộ của huyện thường về trường nói chuyện chính trị và thời sự, thỉnh thoảng anh Hiền cũng cưỡi ngựa tới trường nhưng anh không diễn thuyết bao giờ, anh ít nói và không có tài hùng biện. Anh chỉ kiểm tra công tác quân sự của trường, thỉnh thoảng dẫn cán bộ về dạy võ cho học sinh. Lúc rỗi rãi, anh đứng nói chuyện bằng tiếng Pháp với các thầy. Hầu hết giáo viên của trường đều là tú tài, rất giỏi tiếng Pháp. Có lẽ anh cảm thấy trình độ Pháp văn của mình còn non, không dám nói chuyện lâu với các thầy, chỉ nói vui một số câu rồi tìm cớ lảng đi nơi khác. Nhưng nhiều học sinh thì cứ nghĩ bụng: ông cán bộ quân sự này vốn học thức cao, ít ra cũng “tú tài Bắc”. Họ nhìn anh bằng con mắt kính nể.
Phong trào tòng quân làm dấy lên một không khí sôi nổi khắp nơi và tràn vào trường Nguyễn Xuân Ôn. Cứ đến giờ nghỉ là nam nữ học sinh túm tụm từng nhóm bàn tán về việc tòng quân. Họ truyền nhau những tin tức mới lạ. Cử nhân Phan Đương cũng đã tòng ngũ. Ông là cử nhân duy nhất của hai huyện Yên Thành và Diễn Châu, bà con thường gọi một cách tôn kính là “ông cử Đương”. Bây giờ ông cũng xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao. Các võ sĩ nổi tiếng như Hoàng Võ, Mạnh Hổ cũng dứt bỏ võ đài và cảnh gia đình giàu sang để xông pha trận mạc. Nghe đâu võ sĩ vô địch Trung Kỳ Châu Giang cũng đã ra chiến trường…
Trong số những nhân vật ấy, họ bàn tán nhiều về tướng Đặng Văn Việt. Chẳng hiểu ông làm cấp chỉ huy gì trong quân đội, nhưng trí thức và cử nhân trong huyện cứ gọi ông là “tướng”. Ông là con trai cụ Đặng Văn Hướng ở xã Nho Lâm, cháu nội hoàng giáp Đặng Văn Thuỵ đã từng làm quan giữ chức tế tửu dưới triều Nguyễn. Thời chính phủ Trần Trọng Kim, cụ Hướng làm tỉnh trưởng Nghệ An. Sau cách mạng tháng Tám, cụ được Bác Hồ mời giữ chức bộ trưởng không dự bộ nào. Tướng Đặng Văn Việt thông minh và sớm giác ngộ cách mạng. Đầu kháng chiến chống Pháp, ông chỉ huy nhiều trận đánh lớn. Giặc Pháp phải gườm ông và gọi ông là “con hùm xám đường số 4”. Cuộc đời ông bắt đầu được thêu dệt đôi nét huyền thoại. Bọn lính thực dân thường bị ám ảnh về cái tài xuất quỷ nhập thần của ông và càng sợ hãi khi cái biệt danh “con hùm xám đường số 4” lan truyền trong hàng ngũ chúng. Một lần, toán lính lê dương đang hành quân trong rừng bỗng một tên hét toáng lên “con hùm xám”, cả lũ hốt hoảng bỏ chạy tán loạn, súng ống vứt lung tung. Du kích ta chạy ra nhặt súng đạn. Một lần khác, bọn chỉ huy đang ngồi trong đồn, chụm đầu trước tấm bản đồ quân sự để bàn kế hoạch tiêu diệt đơn vị vệ quốc đoàn đóng bên kia suối, một tên lính khác nổ súng, hàng chục tên khác cùng nổ súng. Bọn chỉ huy chẳng hiểu đầu đuôi gì, cũng cầm súng bắn vung vãi. Sau lúc nổ súng loạn xạ, chúng định thần lại, tên lính nổ phát súng đầu tiên khai rằng: “Tôi thấy con hùm xám chạy qua trước mặt!’’ Viên chỉ huy tức giận, cầm súng bắn thằng này chết ngay tức khắc…
Họ truyền cho nhau những tin chiến sự. Tin chiến sự trộn lẫn phong vị huyền thoại của thời buổi chinh chiến, tạo ra trong tâm hồn giàu mơ mộng của học sinh nỗi bồn chồn cảnh xông pha trận mạc. Cuốn “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm tuyệt đối cấm lưu hành và cấm dạy trong nhà trường, nhưng học sinh lén lút truyền tay nhau đọc. Hình ảnh người chinh phu thấp thoáng trong tâm trí họ.
Anh Hiền vẫn cùng một số cán bộ quân sự về trường động viên phong trào tòng quân. Anh cưỡi con ngựa quen thuộc, nhưng y phục đã thay đổi: đội mũ lưới, mặc áo trấn thủ, đi giày đen, bên hông đeo khẩu súng lục. Quân trang ấy ít nhiều gợi chút lãng mạn tráng sĩ trong một số học sinh, nhất là học sinh con nhà giàu có đã từng đọc sách văn học Pháp. Cái chất lãng mạn ấy thực sự đã góp phần kích thích lòng yêu nước, xả thân vì nền độc lập của Tổ quốc đối với thanh niên. Chúng tôi chép vào sổ tay và thuộc lòng bài thơ “Ngày về” của Chính Hữu, bài “Tây Tiến” của Quang Dũng. Trong một cuộc mít tinh động viên học sinh tòng quân, anh hiệu đoàn trường cao hứng đọc “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Hàng trăm học sinh ngồi im phăng phắc, dỏng tai nghe. Anh Hiền không có tài nghệ múa gươm và múa côn. Cho nên mỗi lần đến trường anh dẫn theo vài chiến sĩ để biểu diễn một số bài võ Tàu và võ dân tộc. Không những các bạn nam mà cả các bạn nữ sinh cũng rất mê xem múa võ bằng côn và đại đao.
Một buổi sáng mùa xuân, nhà trường tổ chức lễ ghi tên tòng quân. Không khí thật là trang nghiêm. Có ảnh Bác Hồ trên bàn thờ Tổ quốc với câu khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”. Anh Hiền và một số cán bộ Huyện đội về dự. Có cả mấy nhà sư tu ở chùa Sò.
Buổi lễ được thông báo trước một tuần nên các cô giáo thầy giáo đến sớm hơn ngày thường. Nam nữ học sinh hầu như không vắng người nào. Bà con ở gần trường kéo tới khá đông.
Sau nghi lễ thông thường, đến mục ghi tên vào tòng quân. Đây là tiết mục thiêng liêng nhất, hồi hộp nhất. Mọi người im lặng, chờ đợi… Anh hiệu đoàn trường mời thầy hiệu trưởng Cao Xuân Huy lên ghi tên đầu tiên. Hàng trăm cặp mắt chăm chú theo dõi. Thầy mặc áo lương dài, quần trắng, từ từ đứng dậy, rời khỏi ghế, bước thứ nhất, rồi bước thứ hai, chậm chạp từng bước đến chiếc bàn trải khăn trắng và trên bàn đã đặt sẵn một cuốn sổ với cây bút. Anh hiệu đoàn trường trịnh trọng mở cuốn sổ và trao bút cho thầy. Thầy cúi xuống, cầm bút ký tên lên trang giấy… Tiếng vỗ tay hoan hô kéo dài. Thầy lững thững từng bước trở về ghế ngồi. Hàng ngày, thầy luôn đi bộ chậm rãi, gương mặt trầm tư. Dẫu đường xa thầy vẫn đi bộ chậm rãi. Ngày nào thầy cũng đi bộ từ nhà đến trường, từ trường về xa dài gần ba kilômet. Khi có việc thầy vẫn đi bộ từ Diễn Châu ra Cầu Giát dài hai chục kilômet, đi bộ từ Diễn Châu lên Đô Lương dài gần bốn chục kilômet. Học sinh đã quen nhìn thầy đi bộ chậm rãi. Nhưng lúc này, thầy chỉ đi bộ năm mét để ký tên vào cuốn sổ tòng quân, mọi người vẫn rưng rưng xúc động...
Tiếp theo thầy Cao Xuân Huy là nhà sư. Anh hiệu đoàn trường đỡ nhà sư đứng dậy. Nhà sư dáng người mảnh khảnh, mặc áo cà sa, tay chống gậy bước rất chậm. Lúc đến trước bàn có quyển sổ, nhà sư cẩn thận đặt chiếc gậy bên bàn, chắp hai tay vái rồi mới cầm bút ký. Tiếng hoan hô vang dậy. Nhà sư đứng trước mặt các thầy và trước đông đảo học sinh cúi đầu, chắp hai tay trước ngực… Anh Hiền vội vàng bước tới, cầm chiếc gậy đưa cho nhà sư. Nhà sư bất ngờ nhìn thấy anh, một tay cầm gậy trúc, một tay giơ trước ngực. Bên cạnh nhà sư mảnh khảnh là anh Hiền dáng người to cao, bận quân phục, hông đeo khẩu súng lục.
Lần lượt các thầy cô, rồi học sinh lớp đệ tam đệ tứ lên ký tên.
Kết thúc buổi lễ, hiệu đoàn trưởng trao cho anh Hiền cuốn sổ tòng quân. Anh cảm ơn, rồi lên ngựa phi ra giưa đường số Một trở về huyện.
- o O o -
Buổi sáng, học sinh vẫn đến trường đông đúc. Các lớp vẫn học đều đặn các giờ văn học, sử học, vật lý, Pháp văn, Anh văn… Thầy Cao Xuân Huy vẫn đi từng bước chậm rãi từ nhà đến trường, từ phòng hiệu trưởng đến lớp, giảng bài cho các thầy giáo học chương trình dự bị đại học. Nhưng trong hàng ngũ giáo viên đã bắt đầu có sự phân hoá về ý thức thời cuộc và nổ ra một số cuộc tranh luận. Đôi lúc các thầy dùng tiếng Pháp cãi nhau quyết liệt. Học sinh xôn xao bàn tán…
Đùng một cái, có giấy của cấp trên gửi về trường gọi một số thầy giáo và học sinh nhập ngũ. Việc tòng quân không còn ý niệm lãng mạn xa xôi mà đã trở thành sự thật. Sự thực là một số thầy giáo, học sinh nhận giấy báo chuẩn bị xếp bút nghiên theo việc đao cung. Ngày chia tay đang đến dần lòng họ bộn rộn chờ đợi một sự thay đổi lớn trong cuộc đời. Có nữ sinh ngồi trong lớp cứ cúi mặt lau nước mắt khóc người yêu sắp đi vào một cuộc chinh chiến trường kỳ.
Trong số người lên đường lần này có thầy Đặng Văn Nhị, anh trai của tướng Đặng Văn Việt, thế là thầy sắp rời mái trường bình yên ở vùng quê tự do, sắp rời học sinh thân yêu, sắp rời tổ ấm gia đình. Hôm nhà trường tổ chức lễ hoan tống anh Hiền có về dự, anh không phát biểu ý kiến chính thức trong buổi lễ mà chỉ cùng với học sinh đứng xung quanh thầy anh nói: “chúc thầy noi gương người em trai là tướng Đặng Văn Việt lập nhiều chiến công làm rạng rỡ gia đình và quê hương”. Nghe nhắc đến tên Đặng Văn Việt thầy Nhị sung sướng ứa nước mắt và cả đám học sinh cũng xôn xao, trên gương mặt họ ánh lên niềm tự hào.
Sau buổi lễ hoan tống, không khí trong nhà trường khác hẳn. Thầy Cao Xuân Huy vẫn chậm rãi từng bước từ nhà đến phòng hiệu trưởng rồi từng bước từ phòng hiệu trưởng vào lớp giảng bài cho học sinh dự bị đại học. Nhưng các lớp đệ tân, đệ tứ đã vắng một số người. Thầy Cao Xuân Hạo tổ chức cho một số nữ sinh tập hát đi biểu diễn ở hội nghị văn nghệ liên khu IV và ở nhiều đơn vị quân đội. Dáng ngưòi thầy nhỏ nhắn, luôn luôn mang chiếc đàn ghi-ta, trở nên hấp dẫn đối với nữ sinh về hình ảnh một chiến sĩ nghệ sĩ trong thời kỳ chiến tranh. Những bài hát do thầy sáng tác mang nội dung kháng chiến, nhưng nhạc thì man mác đượm buồn cho nên rất phổ biến trong các trường học và cả quân đội. Ngoài những buổi biểu diễn trước đông dảo công chúng từng nhóm nữ sinh vẫn thường hát cho nhau nghe: “Có cô thôn nữ giặt áo bên sông miệng cười hiền, hoa dịu lòng trường chinh… bao anh lính măng tơ cùng bà mẹ già cười đón gió lành… đời quân nhân vui như trời xuân…”
Trong tâm trạng chờ đợi đến lượt mình được gọi nhập ngũ, không ít học sinh chểnh mạng việc học hành. Tôi và một số bạn bè học lớp đệ nhất chưa đến tuổi tòng quân cho nên không được ký tên vào cuốn sổ tòng quân. Chúng tôi háo hức mong được mặc áo lính, tự rủ nhau đến những nơi có bộ đội đóng quân xin được khám sức khoẻ để làm liên lạc, mẹ cho vải để may áo, tôi tự đến gặp thợ và bảo: khi may áo nhớ cái cầu vai - chỉ cần áo có cầu vai là ra dáng một người lính. Suốt ngày này qua ngày khác tôi và mấy đứa bạn cùng làng như Trần Tế, Cao Cự Bội, Lương Trọng Yêm, Võ Đình Đấu rủ nhau đi tìm đơn vị bộ đội để khám sức khoẻ. Dĩ nhiên là chúng tôi phải bỏ học, trốn học. Nhiều hôm đi biền biệt suốt ngày đến tối mịt mới về, không dám về nhà ăn cơm mà trong túi lại không có tiền đành ăn chịu phở bà Tuyết ở cầu Đạu, ăn chịu nhiều quá bà Tuyết phải lên tận làng gặp bố mẹ chúng tôi để đòi gạo. Chuyện vỡ lở cha mẹ tôi biết được, buồn rầu, bực tức, mắng chửi tôi. Anh Hiền nghe được, hỏi, tôi trả lời: “em rất muốn đi bộ đội. Tìm khắp trong huyện nơi có bộ đội đóng để xin làm liên lạc đơn vị anh…” Nghe xong anh đứng bần thần nhìn tôi, chỉ nói một câu ngắn ngủi: “tuổi em tuổi học…”
Sang ngày sau, ngày sau nữa, rồi ngày sau nữa chúng tôi vẫn trốn học để xin đi bộ đội. Chiều hôm ấy anh Hiền đi công tác qua làng dừng ngựa trước ngõ rồi rẽ vào nhà. Trong câu chuyện giữa mẹ tôi với anh Hiền tôi nghe loáng thoáng câu anh nói: “thằng Xí thích đi bộ đội cứ cho nó đi, thời buổi chiến tranh mà” tôi sướng rơn cả người…
Hai hôm sau anh tôi lại từ huyện trở về, cho tôi một con dao găm, một cái cung và mấy chục mũi tên. Anh dẫn tôi ra vườn và dạy tôi phóng dao găm vào cây chuối và cầm cung nhằm bắn trái bưởi việc luyện tập của tôi khá thành công. Anh khen “Thằng này có năng khiếu quân sự”… Hồi đó anh Đồng là em trai của anh Hiền và là anh của tôi làm trưởng ban quân báo huyện đội xin cho tôi làm nhân viên tình báo, tôi hoàn toàn thôi học trường Nguyễn Xuân Ôn.
Bắt đầu bước vào nghiệp binh đao, trận thử thách đầu tiên vượt quá sức tưởng tượng của tôi, làm công việc này điều kiện tối thiểu là phải gan dạ không sợ giặc đã đành, càng không được sợ ma. Giặc thì chưa giáp mặt còn ma thì ngay đêm ấy…
Đêm ấy… Huyện đội tổ chức tập trận giả cho dân quân ba xã phía nam sông Bùng. Anh Hiền dẫn tôi đến nghĩa địa làng Xuân Viên, bảo tôi ngồi bên một ngôi mộ, khi nào có người đến liên lạc dẫn đi đâu mới được đi. Tôi phải ngồi xuống và anh lẳng lặng đi về phía lèn Hai Vai.
Trời mưa phùn lâm thâm, rét, bóng tối dày đặc tưởng cắt ra được từng miếng. Thưa thớt trong nghĩa địa có những khóm tre, gió bấc rít từng cơn, tre kẽo kẹt. Trời ơi cái tiếng tre kẽo kẹt sao mà nghe rùng rợn đến thế, lúc thì như tiếng ma đưa võng, lúc thì như tiếng trẻ khóc, lúc thì phát ra âm thanh sắc nhọn như tiếng dao đâm, gươm khua… Tôi cố thu nhỏ người lại nghiến chặt hai hàm răng, hai tay nắm hai hòn đất. Trước mặt tôi hiện ra những bóng đen chập chờn, nhảy nhót bay vút lên trời rồi toả rộng ra trùm lên tôi. Tôi rụt cổ xuống nhắm nghiền mắt định hét lên một tiếng thật to nhưng chợt nhớ mình là nhân viên quân báo hét to sẽ lộ bí mật. Tôi ngồi im thin thít như hòn đất nhắm tịt hai mắt, nhưng mắt càng nhắm trước mặt tôi càng hiện muôn hình thù quỷ quái: hình cụt đầu, hình cụt tay, hình thì cụt chân. Tôi liều mạng vùng chạy được vài ba bước lại ngồi thụp xuống. Kinh hãi quá khiến người tôi toát mồ hôi. Có cách nào, có cách nào thoát khỏi nơi đây? Bốn bề mênh mông nghĩa địa, mồ mả nhấp nhô…
Từ trong vẳng ra tiếng gà gáy, chân trời phía đông dần dần sáng lên. Tôi mừng quá. Sáng rồi. Sao chưa có ai tới báo tin gì cho tôi cả? Đầu kia nghĩa địa có mấy người bước tới, người hay ma? Người hay ma? Người hay ma? Nghe mẹ tôi nói: ban đêm ma rời khỏi mồ để đi kiếm ăn, khi gà gáy sáng thì ma lại trở về mồ của mình. Vậy thì đích thị đây là ma nhưng vì trời hưng hửng sáng nên tôi bớt sợ. Tôi rụt cổ, trố mắt nhìn. Người thật chứ không phải là ma. Mấy người tiến đến gần tôi. A, có anh Hiền, anh Hiền đã ra với tôi, tôi reo oà và giàn giụa nước mắt. Anh ôm chặt lấy tôi: “Em có thấy ma không?” tôi trả lời ra vẻ mạnh bạo: “Chẳng có ma gì cả. Em chỉ nhớ anh. Một đêm ngồi ở đây bằng mười năm xa anh”. Anh giơ tay xoa đầu tôi: “Thằng này có gan làm quân báo”.
Trận thử thách thứ hai còn dữ dội hơn. Ban chỉ huy quân sự huyện đội đột nhiên về đóng ở nhà tôi trong một đêm. Các anh ăn cơm vội vàng rồi họp bàn việc gì rất bí mật. Họp xong anh Hiền gọi tôi vào nhà trong nói nhỏ “Em cầm cái gậy này xuống cắm ở bến đò Oan để làm vật hiệu, cắm gậy xong em cầm nắm thóc này rải dọc bờ sông Bùng quãng bến đò Oan. Nghe ba tiếng “Bến đò Oan” tôi run bắn cả người. Bến đò này đã có nhiều người trẫm mình vì oan ức, con dâu bất hoà với mẹ chồng, anh em cãi vã nhau, láng giềng chửi mắng nhau… uất quá không chịu được đành kết liễu cuộc đời ở đây. Tôi mấp máy môi hỏi “Để làm gì hở anh?” Anh nghiêm nét mặt: “Anh đã dặn em nhiều lần rồi, việc quân cơ cấp trên bảo làm gì thì em cứ làm không được hỏi lại… Gậy đây, nắm thóc đây em đi ngay kẻo chậm giờ”. Trong tình thế cưỡi lưng hổ tôi làm theo lệnh anh như một cái máy, nắm thóc bỏ vào túi.
Một cầm chặt cái gậy, một tay cầm chặt hòn đá. Trời tối như bưng. Trong đầu tôi cứ mường tượng thấy trăm hình ma, bóng quỷ mà bà con làng xóm thường kể cho nhau nghe. Bao nhiêu oan hồn thường hiện lên những lúc vắng vẻ để hiếp đàn bà con gái, xô cụ già ngã xuống sông, bắt trẻ con lôi về địa ngục… Chúng hiện ra đủ hình thù kỳ dị: lúc thì thè lưỡi ra cuốn trẻ em vào miệng, lúc thì há mồm như chiếc gầu dài đỏ rực lửa, lúc thì giơ cánh tay dài ngoẵng từ dưới nước lên ôm choàng cổ con gái dậy thì… Vào lúc chính ngọ và ban đêm không ai dám bén mảng tới bến đò. Thế mà bây giờ tôi dám vác xác tới đó, không những chỉ đến bến đò Oan mà còn phải đi dọc bờ sông có nhiều người tự vẫn. Hay là... hay là rủ thằng Bá cùng đi? Thằng Bá gan cóc tía may ra hắn dám liều. Nhưng Bá lại vắng nhà, đành phải đi một mình thôi, việc quân cơ không được chậm trễ.
Bến đò vắng tanh vắng ngắt chỉ có bóng đêm cùng đom đóm chập chờn. Tiếng cá lóc bóc làm cho không gian càng thêm mênh mông hoang vắng, rùng rợn, tôi lạnh toát cả người. Lạnh từ chân đến óc. Cầm cái gậy thật chặt tôi nói thầm “Ma quỷ đến đây tao đập vỡ mặt”, tôi làm ra vẻ bình tĩnh cắm gậy xuống bùn và ấn sâu xuống rồi bước rất nhanh xuống bờ sông, vừa đi vừa rải nắm thóc… Làm xong hai việc quan trọng là cắm cái gậy và rải thóc tôi phăm phăm tìm đường về… Cống Cửa Thung kia rồi! Ánh đèn lập loè trong mái lều dân chài. Tự nhiên tôi thở mạnh, tim đập dồn dập, chân vừa chạy vừa run, tôi chui vào lều. Thì ra không phải dân chài mà là anh Hiền đang ngồi với ban chỉ huy quân đội địa phương, người tôi nhẹ tênh sung sướng như vừa được sống lại. Tôi ôm chặt lấy anh trào nước mắt, anh mỉm cười: “Em đã hoàn thành nhiệm vụ” - “Vâng em hoàn thành xuất sắc”. Anh xoa tay rất mạnh lên đầu tôi như xoa đầu một đứa trẻ mới lên năm lên sáu.
Anh và ban chỉ huy dẫn tôi đi ngược lại bờ sông, anh soi đen pin xuống bãi để thấy rõ những hạt thóc tôi rải, đến bến đò Oan tôi hăm hở chỉ cái gậy tôi cắm lúc nãy. Anh đến tận nơi nhổ cái gậy lên: “Thế là em đã qua thời kỳ thử thách từ nay em được chính thức là đội viên quân báo”. Lúc này tôi mới hiểu rằng các anh giao cho tôi cắm cái gậy và rải nắm thóc chỉ là để thử gan tôi xem có sợ ma hay không.
|
|
|