Người Pháp không tiếc của.
Người Pháp không tiếc sức.
Máy bay Phơ-rô-pông không mệt mỏi bay lượn, thả dù tiếp tế. Lũ tàn quân Lồ, từ Pha Linh chuyển về đây, ngày ngày tiếp nhận thêm bọn còn tản mát trong rừng và những kẻ từ trên trời rơi xuống, bọn đi học biệt kích mới trở về, đã lại thành một căn cứ mới.
Đoàn "nghĩa binh" lại có cơ hưng thịnh. Lại tổ chức lại các a, b, c. Các sảo quán giờ trang bị trung liên. Điện đài nhỏ loại tay đánh miệng nói, điện đài to phát tiếng tích tà tích te, ngày ngày thu phát tin tức trực tiếp với sở chỉ huy tận Hà Nội.
Lồ thoắt vui. Tính khí hắn vốn vậy. Giữa chốn rừng thẳm bên bờ sông Chảy, nơi không có tiếng chó, không mùi phân gà, Lồ vui vẻ hát:
Việt Minh là nước chảy
Người Hmông ta là núi đá
Nước đi, đá ở lại
Ta là người trời
Việt Minh mày phải thua.
Ngày nối ngày qua đi.
Đêm nối đêm qua đi.
Lồ không biết rằng lịch sử đã điểm chuông báo hiệu những ngày tàn lụi của hắn đã bắt đầu. Không ai chọn lịch sử ra đời. Nhưng lại được quyền chọn chỗ đứng trong cuộc đời. Lịch sử sẽ dắt tay anh đi, nếu anh đứng đúng chiều hướng. Và lịch sử sẽ kéo lê anh, đày đoạ, chôn vùi anh nếu anh cưỡng lại nó.
Cái mầm tuyệt vọng của Lồ trong những ngày này, hiện hình ở ngay sự phát triển cá tính của hắn, trong các quan hệ của hắn với đồng loại, với cả người vợ trung thành của hắn.
Seo Say đã yêu hắn mê mệt. Nhưng hắn dùng thói hoài nghi để đáp lại mối tình si chân thật của nàng. Đa nghi, thiển cận, độc địa, giờ đây rốt cuộc Châu Quán Lồ, trang hiệp sĩ hào hoa trong mắt Seo Say, chỉ còn là kẻ đại diện cho những bản năng tầm thường vậy thôi ư? Bên cạnh sự gan góc liều lĩnh, những thiên bẩm, Lồ tựu trung vẫn là kẻ dễ bốc đồng, dễ dao động, ngã lòng. Thêm cái lối sống bội bạc tàn nhẫn, lúc thất thế, hắn càng trở nên cực đoan trong quan hệ với những kẻ khác. Vả chăng, khi đã manh nha hiểu rằng, từ quan thầy Phơ-rô-pông đến A Linh, Xì Xám Mần đều là những kẻ rắp tâm lợi dụng hắn để chỉ huy hắn, thì tính đa nghi đố kị của hắn lại trở nên có lí và cần thiết.
Sự kiện gã vệ sĩ Phừ bỏ hắn và sau đó nỗi nghi ngờ Seo Say phản bội do A Linh gieo rắc đã khởi đầu cho cách sống dè chừng, luôn có ý thức phòng ngừa của Lồ. Ngủ với Say, từ đó không chỉ trụt một ống quần, hắn còn đeo súng. Hắn bắt nàng bỏ hết các đồ trang sức khi gần gụi hắn. Trong yêu đương, hắn vẫn giữ một khoảng cách với nàng. Và giờ đây, trừ lúc giao hoan với nàng, hắn ở một mình một hang. Nơi hắn ở có lính gác. Ai muốn vào, phải qua khám xét kĩ lưỡng và để hết vũ khí ở bên ngoài. Điều lệnh ấy, không trừ một ai. Đến nỗi một bận đến cửa hang bị giữ lại, A Linh vừa phát khùng thì tên lính gác vốn cũng họ Châu đáp: “Thời buổi này, ông Lồ bảo: đại gian tựa đại tín mà…".
Seo Say lặng lẽ quan sát những biến động trong đời sống của Lồ. Nàng buồn rầu vì thấy cái hình ảnh bấy lâu nàng vẫn chiêm ngưỡng tôn kính đã bắt đầu biến dị.
Một sớm mai, ánh nắng từ nóc hang rót xuống một vệt sáng hồng, nàng trở dậy muộn vì thao thức cả đêm qua. Cầm chiếc lược hình vành trăng thong thả trượt trên suối tóc, nàng lặng lẽ ngắm Lồ đang ngủ và bứt rứt không nguôi: ừ thì đêm đêm hắn vẫn đến với nàng đấy, nhưng cuộc ái ân còn đâu nữa những mặn nồng, vồ vập, quấn quýt của hai linh hồn đồng cảm thiết tha! Lơ đãng, nàng buột rơi chiếc lược. Cái lược sừng chạm đá phát ra một tiếng động nhỏ. Nàng vừa cúi xuống nhặt lược thì vội ngửng lên, hãi hùng vì Lồ vừa bất thần chồm dậy. Hắn ngồi trên cái ổ lá, tay sờ sờ khẩu súng. Con mắt độc nhất của hắn nhớn nhác. Đó là con mắt của kẻ có ác mộng, của kẻ sực tỉnh vì mê thấy có người kề dao vào cổ mình.
- Cái gì thế?
Lồ hỏi, mồm há hốc. Thấy nàng buông tay thu tóc, đứng dậy, hắn liền nhảy đến trước nàng:
- Đù a! Mày là tinh hổ… Mày là con hổ định ăn thịt tao à!
Say quay mặt đi, mắt ứa lệ.
- Mày là tinh thằng bé Chia trên núi Chè. Mày… ui dà… thằng bé… Mày theo tao để… hại tao.
Lồ hổn hển, mặt mất hết thần sắc. Đêm qua hắn lại mê thấy cảnh hắn bắn chết thằng bé. Hắn đã giết nhiều người. Nhưng, có ba người chết vì tay hắn mà cứ thỉnh thoảng lại sống lại trong cơn mê của hắn: đó là chủ tịch Seng, bộ đội Tích và thằng bé Chia vô tội. Đêm qua, thằng bé hiện về. Nó là đứa bé ám ảnh hắn dai dẳng nhất, hồn nó, đứa bé dưới 13 tuổi, không về được quê tổ, người ta bảo vậy.
Nghe những lời ấy của Lồ, Say thõng tay, người rung lên bần bật. Mắt nàng trợn ngược như chỉ còn lòng trắng. Chao! Nàng nhớ lại câu chuyện gã vệ sĩ Phừ kể với nàng về cái chết của em chồng nàng buổi nào. Hoá ra người mà nàng kính ái bấy lâu đâu có phải là trang nam nhi hào hiệp; hắn cũng đê hèn, xảo trá, gian ác như những kẻ nàng đã thấy nhan nhản ở cõi đời này thôi. Niềm tin của nàng thế là đã bị đánh tráo rồi.
Tuyệt vọng, nàng khuỵu xuống, ôm đầu, gục trên một phiến đá.
Lồ vùng chạy ra cửa hang.
Bấy giờ súng tiểu liên vừa nổ một băng dài ở bên kia sông Chảy.
Đó là trận tập kích đầu tiên của bộ đội huyện do Đắc chỉ huy đánh vào cái ổ phỉ mới hình thành cuả Lồ.
Bộ đội chủ lực đã đi. Đại đội độc lập châu Pa Kha vừa xong kì huấn luyện. Trưởng ban cán sự Đắc máu mê con nhà lính, vả lại không thể cứ để yên cho cái ổ phỉ của Lồ bành trướng mãi được, nguy hiểm lắm, nên đã cùng chiến sĩ Tếnh, giờ là đại đội trưởng, dẫn quân đi.
Sức chưa đủ, cũng là trận đầu thử lửa nên bộ đội châu chỉ quấy rối, tiêu hao quân địch thôi. Sau trận chống trả, Lồ họp ban tham mưu. Vừa vào họp, Xì Xám Mần nói:
- Tôi thấy nó bắn xong một đợt lại gọi loa.
- Gọi gì? - Lồ xẵng.
- Gọi na nủ về hàng!
- Hàng cái l. mẹ nó. Bây giờ chỉ có đánh lại nó thôi. - Lồ quả quyết.
Mần, A Linh, Lùng cùng cười. Ừ, phải đánh. Nhưng đánh ở đâu? Đánh Pa Kha hay Can Chư Sủ? Cả bọn nhất trí phải mở rộng thanh thế, địa bàn lên Can Chư Sủ, trên ấy có núi Chè, vượt sang nối với Lao Pao Chải ở bên kia, thành thế liên hoàn được. Nhưng ai sẽ dẫn quân đi đánh? Xì Xám Mần từ chối vì chưa quen thung thổ. Lùng nói:
- Tôi còn phải chỉ huy điện đài.
- Anh Lồ đi là phải đấy.
A Linh kết luận. Phải lúc khác, không cần nói, Lồ gánh vác ngay việc này. Mà lại còn hào hứng là khác. Nhưng bây giờ thì Lồ khôn rồi. Thì lì mặt, Lồ nghĩ: "Mẹ chúng mày, xui ông chui vào hang hùm để hại ông” rồi đập bàn:
- Không ai đi thì thôi!
Trận tập kích thứ hai của bộ đội địa phương xảy ra tuần lễ sau. Lần này có cả du kích Can Chư Sủ xuống phối hợp. Cối 60 của ta nổi uỳnh oàng vang rừng, không ngờ rơi trúng nơi Lồ đặt điện đài. Được tin ấy, Lồ hoang mang lắm. Nhưng, điều đáng sợ hơn lại liên tiếp xảy ra: bộ đội, du kích hình thành thế bao vây khu rừng. Họ thi thoảng mới nổ súng. Nhưng lại tỏ ra thật hăng hái trong cuộc tranh cướp dù máy bay Pháp thả xuống với bọn Lồ.
Thoạt đầu, Lồ nghĩ: bọn Việt Minh đói khát như thằng Lử dạo nào. Nhưng sau đó hắn hiểu ngay rằng, sự tình không đơn giản như thế. Đắc thầm nhuần chủ trương nhân đạo sáng ngời của Chính: đánh tan chứ không đánh tiêu diệt, quyết định bằng mọi cách cắt đứt nguôn tiếp tế của phỉ. Bộ đội được lệnh bắn máy bay. Các ám hiệu giả mọc lên khắp nơi. Một cái dù rơi xuống, du kích lập tức bắn xua địch rồi xông ra kéo dù về.
Một tháng trôi qua.
Du kích, bộ đội vẫn bám sát vòng vây. Đắc tranh thủ huấn luyện chiến thuật phục kích cho anh em.
"Phỉ ở vào cuối trào rồi! Thế nào chúng cũng rút chay thôi". Anh nghĩ.
Đắc đã phán đoán đúng.
Một tối, họp ban tham mưu. Lồ nói:
- Bây giờ, tập trung ở đây là không lợi. Mỗi người chúng ta phải đi một nơi.
Ý kiến ấy gây xáo động. Mần, A Linh phản đối. Lùng ừ hữ. Lồ hiểu rằng bọn này đều sợ. Chúng không có nơi nương tựa. Chúng chỉ quen dựa vào Lồ. Dựa vào Lồ, nhưng Lồ lại không thể tin được chúng. Chi bằng lúc này tách ra khỏi chúng.
A Linh rầu rầu nói:
- Trong cái thắng lớn, có cái thua nhỏ, na nủ à! Lồ cười nhạt. Những lời khuyến dụ của ả không còn gây hiệu quả như xưa, cái thời Lồ mới lập nghiệp nữa rồi. Lồ đáp thẳng thừng:
- Thua, thắng gì chưa biết, nhưng ở đây thì không có cái ăn nữa.
- Chia ra là mắc kế Việt Minh - Xì Xám Mần càu nhàu.
- Kế gì?
- Kế khu hồ thân lang, đào hầm đợi cọp, chứ còn kế gì!
- Thế thì anh tự tìm lấy cái ăn đi!
- A, anh mời tôi xuống đây tôi mới xuống chứ!
- Ai mời anh?
- Đồ đểu!
- Câm ngay!
Cả hai tên đều rút súng. A Linh len vào giữa dàn hoà:
- Các anh đừng nóng nảy, để bàn cho ra nhẽ.
Bàn gì nữa! Chúng ngồi quanh đống lửa trong hang, không nhìn mặt nhau, mặt đứa nào cũng hầm hầm.
A Linh ứa hai hàng nước mắt. Đó là lần đầu tiên trong đời ả khóc. Những mộng ước lớn mà ả đã để cả tuổi trẻ vào đấy sao lại có thể kết cục bi thảm thế này? Ừ, thì chia ra rồi lại hợp lại, hợp lại rồi lại chia ra, đó là cái mệnh đề triết học cổ Trung Hoa. Nhưng, trong cuộc vần chuyển ấy, thiệt thòi vẫn là thuộc về những cá thể không có những ưu thế riêng. Ả với Lồ là hai kẻ còn lại cuối cùng bên đống lửa khuya. Nhưng rồi, Lồ cũng đứng dậy, đi.
- Anh Lồ!
Ả kêu. Và nhao tới Lồ khi hắn vừa quay lại.
- Anh quên A Linh rồi ư? Anh chê tôi rồi ư?
Ả ập vào người Lồ. Những mong bấu víu vào hắn. Không có hắn, ả sống ra sao? Ả cảm thấy người Lồ lành lạnh. Tay hắn xoa vuốt lưng ả. Tưởng hắn xiêu lòng, nhưng khi tay hắn lần tới eo lưng ả bỗng rụt lại, ả có một khẩu súng nhỏ ở đó, thì ả hiểu: đâu có phải hắn vuốt ve âu yếm ả, hắn sờ nắn, khám xét vũ khí trên người ả đó thôi.
- Ờ, rồi ta sẽ gặp nhau, A Linh à. Cái thuở nào nhỉ, còn khó hơn nữa chứ…
- Anh Lồ! Anh Lồ!
Ả gọi tha thiết. Nhưng Lồ đã buông ả, đi vào trong hang. |
|
|