Trong khi Na, Tếnh, Quang Ngọc, Dung đã tìm được rễ (tức cơ sở) của mình, Khả vẫn long tong xuôi ngược. Dân đã về làng gần đủ. Nhưng gặp ai cũng cứ chi pâu ề. Ngôn ngữ bất đồng, khổ hết chỗ nói. Vào căn nhà người nghèo thấy nó trống tuênh, Khả đã ngại. Mà bước chân vào căn nhà to mới nhìn quanh, Khả cũng đã thấy hãi! Nào nơi thờ thần thổ địa, chỗ thờ thần bếp lò, thờ thần Lùng sán. Nào nơi trú ngụ của ma cửa, chỗ ở của ma lợn sề, ma trâu… Khả chịu khó tìm hiểu phong tục tập quán đồng bào lắm, nên anh càng hoảng.
Cho đến chiều ngày thứ ba, Khả mới tìm được một căn nhà một gian, hai chái, mái cỏ, vách trát đất, thấp tè. Cạnh nhà, mảnh vườn tiêu điều mọc lắt lay vài cây thuốc phiện gầy. Chuồng lợn không! Chuồng gà chẳng có! Xem ra nhà cũng neo người. Ở cái sân toen hoẻn trước nhà lúc ấy chỉ có một bà cụ gầy nhom, đang cắm cúi tẽ ngô.
"Hà! Thế mà cứ đi tìm mãi. Nhà này không bằng góc cái chuồng lợn nhà lý trưởng Giàng Súng, đích thị là bần cố nông nghèo khổ rồi còn gì!".
Nghĩ vậy, Khả mạnh dạn bước vào và ngay từ cổng đã hắng giọng:
- Chào cụ ạ!
Có lẽ bà cụ nặng tai nên Khả chào lần thứ hai bà cụ mới ngẩng dậy. Khả hơi lui lại. Mặc váy, chít khăn, rõ là đàn bà nhưng mặt lại bệch bạc, hai cái tai chuột, bẹp dúm y sì tai dân nghiện và nhất là cằm thì hình như lởm khởm mấy sợi râu bạc, người gì mà lạ thế. Mới nghĩ đến vậy Khả liền thấy bà cụ đã toét miệng cười, đon đả:
- Ôi dồ! Chào cán bộ! Cán bộ vào nhà em đi!
Khả thở đánh phào, trút quai ba lô, ngồi xuống:
- Thưa cụ, con là cán bộ tỉnh về đây công tác, thấy gia cảnh cụ neo đơn, con xin phép đến thăm cụ… trước là…
- Hà hà… nhà nghèo lắm đấy…
- Càng nghèo càng quý, cụ ạ.
- Khổ lắm đấy, áo rách cũng chẳng có. Đêm đắp bằng váy, lấy lửa làm chăn thôi.
- Thưa cụ đừng lo, nếu thực là thế thì cụ yên tâm đi. Con sẽ đề nghị trên cấp vải cho cụ.
- Cấp vải cho ta thật nhé.
Ngô đã tẽ hết, bà cụ liền đứng dậy. Chính lúc ấy Khả cũng đứng bật dậy, há hốc mồm. Ôi trời, cái váy lanh cũ của bà cụ hình như không có dải rút nên tụt hút xoà xuống mặt đất một vòng tròn, để lộ ra bên trong một cái quần đàn ông ống gấp lên tới đầu gối.
- Mời cán bộ vào trong nhà em đi! Húi, nhà nghèo lắm đấy, cán bộ à.
Tới lúc định bước đi, bà cụ mới cúi xuống và vừa nhận ra chiếc váy đã tụt, định đưa tay kéo nó lên thì ôi thôi, cái quần không dây của cụ cũng tụt luôn xuống.
- Ối! Cụ là… đàn ông ạ…
- Sao cơ?
- Cụ là đàn ông ạ?
Người nọ cười ha hả, gật gật:
- À, lão cũng như cán bộ thôi.
Khả toát mồ hôi lưng. Đã chót vào rồi, chả lẽ rút.
Suốt cả buổi chiều Khả cứ mắt trước mắt sau nhìn trộm, đề phòng con người bí hiểm nọ. May chẳng có gì xảy ra. Lão già vui vẻ nhận túi gạo của Khả, xếp chỗ nằm cho Khả, rồi lụi hụi nhóm bếp nấu cơm. Tới bữa cơm dọn chỉ có hai người ăn, nỗi lo đã vợi, Khả cười:
- Thế mà cụ làm con hết cả hồn. Thưa cụ, thế cụ tên là gì, cụ cho con biết để tiện thưa gọi ạ.
- Hế… hế… tên lão dễ gọi, dễ nhớ thôi: Sếnh, Sếnh mà.
- Sếnh?
- Sếnh! Sếnh được sáu mươi tuổi rồi. Vợ con không có. Áo quần như giẻ lót nồi. Cán bộ nhớ cho vải nhé.
- Vâng, con nhớ. Nhưng mà sao cụ lại phải mặc váy giả làm đàn bà.
- Hế! Vì người xấu nó nói: Việt Minh về gặp đàn ông Hmông là trói lại đem đi thiến.
- Ha ha… Thế bây giờ cụ còn tin thế nữa không?
- Tin một nửa thôi!
- Không tin chứ! Mà cụ thì già rồi. Còn sợ gì… cái khoản ấy… nó mất.
Lão Sếnh phùng má:
- Húi! Lão còn khoẻ lắm vớ! Cán bộ có biết con Seo Say không? Giờ nó là bà vợ ba của na nủ Lồ đấy. Xưa, nó là nhân tình của lão. Nay, nó đi rồi thì lão có đứa khác chứ. Cán bộ thấy con Seo Váy mặt trắng trắng chưa? Hay lắm đấy. Có thích không nào?
Khả ngớ người. Lão già này ranh ma ra phết. Anh vội trở lại câu chuyện:
- Cụ ơi, người phao tin nói xấu Việt Minh là không tốt đâu.
- Tốt chứ!
- Tốt gì mà lại chia rẽ người Kinh với người Hmông.
- À, là vì Việt Minh có người xấu. Giết người bên Hầu Thào này. Bắt giam ông Giàng Súng, hố pẩu này.
- Nhầm lẫn tí chút thôi, cụ ạ.
- Nhưng mà phát vải cho tôi là đúng đấy nhé. Cán bộ ghi tên tôi đi: Giàng A Sếnh.
- Cụ ăn cơm đi! Con nhớ!
Lão Sếnh bưng bát cơm, lại đặt xuống:
- Tôi nghèo lắm, cán bộ à. Xưa, tôi cũng có vợ chứ. Hai vợ chồng yêu nhau lắm, như đôi chim cu ấy chứ.
Khả đặt bát cơm. Bụng bỗng thấy ngang phứa. Anh móc túi, lấy bao thuốc lá, rút một điếu.
- Cán bộ hút thuốc đấy à? Phải bạn thì cho tôi hút mới nào!
- Mời cụ.
- Tốt quá! Cám ơn cán bộ nhé. -Gài điếu thuốc lên tai lão Sếnh bưng bát cơm, tiếp - Ờ ờ, vợ chồng lão thương nhau lắm. Đi nương có nhau. Đi chợ có nhau. Mỗi sáng ngủ dậy trên cái giường hẹp, cứ tưởng mình ngủ nhầm nhà vua, đang nằm với hoàng hậu. Ồ, nàng đẹp lắm. Đẹp như con gà trống, thu hết cả hồn chồng. Khốn khổ! Lại thu cả hồn con hổ vằn. Hổ vằn thèm nàng lắm. Vì thế nó mới bày mưu. Hôm ấy, nàng đi lấy nước. Nàng xuống sông Chảy, lúc đi lên, thấy một quả dưa to lắm nằm ở giữa đường. Nàng bê lên ăn. Ăn xong thì thấy người nặng quá, không bước đi được nữa. Thì vụt cái, hổ vằn nhảy ra, cõng nàng đi mất.
- Trời!
- Hổ vằn khôn lắm. Nó ăn thịt một con chó, để ruột vung vãi trên đường để lừa tôi, làm cho tôi tưởng vợ bị hổ ăn thịt rồi mà. Nhưng tôi biết thừa. Tôi đánh một con dao, cán ba gang, lưỡi một sải, mài bảy ngày. Chém thử, con bò đứt đôi. Mớ tóc tung lên, giơ dao đỡ, tóc đứt vụn lả tả. Tôi mới mò vào hang hổ.
- Đánh nhau?
- Đánh chứ! Ba ngày ba đêm tôi mới chém chết hổ vằn. Tôi dẫn vợ về. Đến nửa đường, nàng bảo: Anh về trước đi. Nàng đứng lại, cào hố, nằm xuống. Tôi quay lại thì… vọt từ hố nhảy ra hai con hổ con!
- Ối!
- Nàng đẻ ra hai con hổ con. Hai hổ con nhảy lên vai tôi. Tôi cầm hai con hai tay, quật vào đá chết tươi. Rồi đưa nàng về.
Khả há hốc mồm. Lão Sếnh lại ngốn sạch bát cơm. Xới bát khác, lão và lấy và để, rồi nhồm nhoàm:
- Hai vợ chồng lại ăn ở với nhau. Một hôm, tôi đang hút thuốc trong nhà, dạo đó mới hút thôi, chưa được bốn mươi ba năm như bây giờ. Nàng ngồi ở sân. Cái sân kia kìa. Nàng đang thêu áo. Thì… ào một cái, một làn gió. Nhìn ra, nàng đã biến mất rồi. Về sau, ông quản ma bảo: tinh hổ nó về bắt nàng đi đấy.
Cạnh mâm cơm ngọn đèn mới thắp khi đứng ngọn, khi bạt theo gió. Mặt lão Sếnh chìm nổi thực thực hư hư, biến dạng, biến hình. Lúc lão ngốc nghếch, lúc lão tinh ranh. Khi lão thật thà, khi lão dối trá. Câu chuyện lão kể hư thực thực hư. Khả chẳng biết đằng nào mà lần.
Đêm hôm đó, nằm với lão già trên cái cót trải trên đất lạnh, Khả không sao ngủ được. Nửa đêm, chợt thấy lão dậy, xách cây khèn đi, anh nằm im nín thở. Đợi lão đi một lúc, anh vội vùng dậy, ôm ba lô, túi gạo ra nấp sau nhà.
"Hố to rồi! Lão đi báo bọn phỉ trên rừng về úp ta đây. Mẹ cha quân lá mặt lá trái”. Khả nghĩ, run cầm cập. Nhưng, chạy đi đâu được, giữa đêm tối thế này?
Thấy bụi thầu dầu non ở cạnh nhà, Khả liền rúc vào.
Gần sáng, nghe thấy tiếng chân người, anh nằm rạp xuống đất. Lão Sếnh đã về. Cả đêm đi ghẹo gái giờ lão đứng trước cái bụi thầu dầu Khả nấp, vạch quần. Khả he hé mắt, thấy chân lão đi hai chiếc giày vải ngược chiều, vội nhắm tịt mắt.
Trời sáng hẳn Khả cắm cổ chạy về thôn.
Tới đầu thôn, gặp Na và Tếnh đang cắp súng đi tuần, anh ôm chầm lấy Na, rối rít: “Ối, anh Na, phỉ toàn dân, phỉ cả làng rồi. Tôi xuýt mất mạng với nó đây này". Na cười, Khả lại bỏ Na, chạy tiếp.
Tới trụ sở, anh mới dừng lại, chợt nhớ: phải giữ tư thế, không ông Chính lại xạc cho, vội sửa sang đầu tóc, áo quần, định bước vào thì nghe thấy A Sinh đang nói, tiếng rất thanh trong:
- Tôi nói anh Chính nghe nhé, đứng đầu dòng họ là có hố pẩu, người gốc, sau nữa có bà cô. Hố pẩu không có chức như lý trưởng. Nhưng cả dòng họ còn trọng hơn lý trưởng. Nhìn hố pẩu làm, người ta làm theo. Lý trưởng cũng phải nghe ý kiến hố pẩu đấy.
"Chà ông Chính đang tìm hiểu đặc điểm dân tộc Hmông!”.
Thế thì hiểu rồi. Giờ Chính mới bắt đầu nhập cuộc. Bây giờ mới bắt đầu thì biết bao giờ mới kết thúc để rút về tỉnh được đây!
Buồn rầu, Khả lại đeo ba lô đi.
Tà tà chiều, đang đi, chưa biết tối nay sẽ đặt ba lô ở nhà nào thì nghe thấy tiếng một phụ nữ gọi ngọt ngào.
- Anh ơi, anh đi đâu đấy, anh? Anh giúp em với nào.
Quay lại, Khả nhận ra ngay bên cạnh đường anh đi, một cô gái đang rào nương. Cây gỗ to, cô gái định ghếch lên cái chạc cây rào mà không sao nhấc nổi. Bước lại, đặt ba lô, Khả xắn tay áo. Cô gái trắng phốp, má bánh đúc, mắt bồ câu, khổ người xộ xệ nhưng mặc váy áo cũ mèm.
- Tối rồi, còn cố làm gì cho vất vả, cô gái Hmông? - Đặt cây gỗ xong, Khả xoa tay.
- Khổ lắm, anh à. Em không làm thì lấy gì mà ăn.
Không để Khả hỏi thêm, cô gái đã sa nước mắt, sụt sịt:
- Bố mẹ em chết lâu rồi. Chồng em đang yên lành thì bị Tây bắt đi phu, ngã xuống vực, khiêng về đến nhà thì không còn hơi ở ngực nữa. Giờ em còn biết nhờ cậy vào ai.
"Cô này thế thì đủ tiêu chuẩn thành rễ rồi. Có khổ. Có thù. Nhưng phải xem nhà cửa ra sao đã" - Khả nghĩ mừng thầm.
Lát sau, cô gái đi trước, Khả đeo ba lô theo sau. Anh để ý thấy gáy cô trắng nõn, mông cô bè bè, núng na núng nính lại vống ra phía sau, Khả nghĩ thầm: "Trông cứ như đầm! Loại này thì không lo là phỉ được!”.
Nhà cô đầm Hmông ba gian, trên trán cửa treo ba con dao gỗ, sống dao bội nhọ nồi, lưỡi dao bôi vôi để đuổi ma. Khả chớp chớp mắt cứ vào, mấy ngày nữa báo đội, không duyệt thì đi nhà khác vậy. Thật khổ! |
|
|