Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Vùng Biên Ải ( Phần I ) Tác Giả: Ma Văn Kháng    
    Ấy là sự yên tĩnh sau những trận cuồng phong dữ dội, con người bị cuốn vào cơn xoáy lốc khủng khiếp với cái chết vây bủa, giăng bẫy quanh mình.
    
    Trời đất giãn ra, thật thư thái nhẹ nhàng. Nhưng, sau bao năm trời súng nổ liên miên, bây giờ lạ thế, nhìn cảnh thật mà cứ tưởng là tranh vẽ, cứ ngỡ thanh bình, tĩnh lặng chỉ là giả tạo, tạm thời. Buổi sáng, núi đồi cứ im ắng mãi sau màn sương lạnh. Trong khi cây chè già náu mình kín đáo trong bộ quần áo rêu phong trắng mốc. Và đồng ruộng thì trống hơ trống hoác, mọc đầy thứ rau đắng cằn, xanh như mầm đá.
    
    Yên tĩnh như giả tạo, lại nhuốm vẻ trang nghiêm bất thường.
    
    Cho tới lúc mặt trời dậy, vượt qua ngọn núi và gió từ xa thổi về. Gió từ xa về thong thả, thanh nhàn. Và không gian mênh mang bỗng trở nên đằm thắm vì làn hương rất quen thuộc của núi rừng, đồng ruộng. Bao lâu nay gió có mùi thuốc đạn, mùi lửa; bao lâu nay gió gieo tai ương, dịch bệnh. Giờ, gió tràn ngập hương thơm thanh khiết của lá mùi tàu, mùi hoa kim ngân cao nhã. Nhựa thông toả ra mùi thơm trang trọng. Và quanh quất đâu đây như linh hồn xứ sở, mùi thơm mộc mạc, nguyên sơ, thật sâu xa, đậm đà của cây cỏ ngải. Cây cỏ ngải mọc tràn trên bờ ruộng, trên nương đồi. Khóm ngải tàn, khóm ngải lại xanh. Những chòm cỏ ngải lá chia thuỳ, hình hệt cái lông chim, mặt trên xanh ngắt, mặt dưới ngầu phấn trắng, sau kỳ sương muối đốt cháy hoen màu gỉ sắt và bị vó ngựa chiến tranh giẫm đạp nát nhừ, giờ đã đâm chồi non tơ mạnh mẽ khác thường.
    
    Xách cái lồng chim hoạ mi len lỏi trong rừng, chốc chốc Pao lại dừng lại, ngẩn ngơ vì mùi thơm rất thương nhớ của cỏ ngải lên hương. Cao lớn, vai rộng, ngực nở, chắc khoẻ như một cây thông già mà chân Pao muốn nhảy. Cây cỏ ở đâu sống theo đất đó. Pao lại được trở về núi quê! Bao năm rồi, Pao mới lại được đi trong cái dáng chúi đấu về phía trước và bấm năm đầu ngón chân lên dốc.
    
    Pao vui, cái lồng chim cũng vui. Con chim mi nhảy lách chách. Con chim mi thật đẹp: mắt thiên thanh, chân gân hươu. Nó đã theo Pao đi mấy năm trường.
    
    Giờ thì con chim mi ngơ ngác.
    
    Pao mắc cái lồng chim lên cành thông. Con chim thò cái mỏ nhọn ra khe lồng, ngó nghiêng. Lạ gì, chim ơi? Đây là quê Pao, nơi ba năm trước, cực chẳng đã và chẳng thể cưỡng lại được mình, Pao đã ra đi. Giờ Pao mới được trở về. Vậy, mừng Pao chim hãy hót đi, chim ơi.
    - Tíu u tíu u… píu… píu… Thả tín hiệu gửi đồng loại một lần nữa rồi con chim mồi của Pao mới đứng im nghiêng đầu, lắng nghe. Và nó cũng như Pao chẳng cần phải chờ đợi lâu.
    - Tíu u tíu u píu u píu u.
    - Tíu u tíu u… píu… píu…
    
    Chim mi rừng đã đáp lời con chim mồi của Pao. Và không chỉ là một con, hai con. Mà là cả đàn, cả bầy, tất tất cả những con chim mi chủ thung từ lũng xa đến cánh rừng gần. Tất cả cùng hoà điệu líu lo, rộn ràng. Chao ôi! Vậy là lại như mọi lần. Nghĩa là cuộc đấu hót của các chú chim mi rừng đã được khơi mào từ con chim mồi của Pao. Để rồi sau đó, những chú chim mi rừng vốn hay ganh nhau tiếng hót sẽ lần lượt bay tới, và lần lượt sập bẫy của Pao ư? Không! Hôm nay, Pao không bắt chim. Can Chư Sủ không còn giặc. Pao muốn nghe chim hót. Tiếng chim là tiếng đồng vọng của đồng bào Pao với Pao. Pao đã trở về. Thằng Seo Cấu cướp Seo Ly của Pao. Bọn phản động định giết Pao. Đau đớn, căm giận, Pao đã ra đi, xa cha, xa em, xa quê hương xiết bao thương nhớ. Giờ, Pao là Cách mạng đang trở về. Pao vui trong lòng. Trong lòng Pao có chim hót, nó hót cùng bầy chim mi ngoài rừng.
    
    Nhưng, thốt nhiên, con chim mồi của Pao bặt tiếng hót. Từ bụi cây đom đóm lúp xúp bên trái Pao bay vù ra và rướn lên cao một đàn chim chào mào. Có tiếng hòn đá ném, tiếng người xuỳ xuỳ xua đuổi và tiếng con chó rít ư ử trong bụi rậm. Đứng dậy, Pao thấy một con chó vàng mặt sư tử, mõm lồm xồm lông tơ vừa xồ tới trước mặt mình.
    - Húi, húi. Xồm! Xồm!
    
    Cùng với tiếng gọi chó, Pao nhận ra một chú bé vừa ló ra khỏi bụi rậm nọ. Chú bé trạc mười ba tuổi, cao nhẳng, mặt tròn tròn, hai con mắt lớn, cổ đeo cái vòng bạc lủng lẳng chiếc vuốt hổ. Bật tiếng, Pao gọi thật to:
    - Pùa! Em Pùa!
    
    Đúng là em Pùa của Pao rồi. Nhưng kìa, tại sao trông thấy Pao nó lại bỏ chạy. Dún chân đuổi theo em, Pao gào:
    - Pùa! Anh Pao đây mà.
    
    Chú bé dừng lại bên một gốc cây páng cụt đang khoét ruột, cạnh đó là một cái túi chàm mở miệng bên trong ngọ nguậy những con sâu non trắng nõn, to bằng ngón tay cái. Pao bước lại gần em. Đưa mắt, anh nhìn thấy cách em một bụi ô rô là một người trai trẻ, vóc bé nhỏ, đang quay lưng về phía anh, cố sức kéo một bó vầu lớn. Nhìn Pao, hai con mắt Pùa bỗng rưng rưng.
    - Anh Pao! Anh A Sinh ơi! Anh Pao em về…
    - Pùa, em!
    Ôm chầm em trai, sống mũi Pao cay nhức. Hiện lên trong Pao cái buổi đêm hai anh em chia tay nhau: Pao đi xuống châu theo Việt Minh sau khi thoát khỏi tay bọn Lử, Seo Cấu và lũ sảo quán Pha Linh. Ba năm qua, chẳng lúc nào Pao nguôi thương cha, không lo cho em Pùa.
    - Em đang cày nương thì anh A Sinh gọi: có cây páng nhiều con sâu lắm. Em sang đây khoét cây páng. Em nhờ chị Seo Cả cày hộ. Anh còn nhớ chị Seo Cả không?
    Pao buông Pùa, hai mắt nhìn như soi vào mặt em.
    - Anh còn nhớ chị Seo Cả gái gầu phàng (Gái bỏ chồng đến ở nhà chức dịch trong làng) nhà Giàng ly trang không? Cả chị Seo Ly nữa. Em đi chợ, gặp chị ấy, địu con Seo Mùa…
    Pao gật đầu. Mắt Pao nằng nặng nước:
    - Cha có khoẻ không em?
    - Cha bị ho nhiều. Cha đang làm ma khô cho bà Xoá anh à - Mặt ngoảnh về phía người trai trẻ đang lôi vác vầu, Pùa tiếp - Còn kia là anh A Sinh, ở cạnh nhà ta, mới dọn đến.
    
    Người tên A Sinh đặt bó vầu, xoa hai tay, buộc lại cái khăn đầu bị tuột, khép nép bước lại. Trong cái áo choàng ngắn cũn cỡn bó chặt và cái quần rộng, trông A Sinh chỉ như một chú thiếu niên mới lớn. Tuy vậy, Pao đã nhận ra nét mặt già dặn trên gương mặt trái xoan mịn có hai con mắt sáng, linh lợi của anh.
    - Tôi là Pao, anh trai em Pùa.
    - Em Pùa nó có nói. Hố pẩu nhắc tên anh luôn!
    
    Người trai trẻ xốc cái thắt lưng phía sau gài nắm rau đắng, rụt rè:
    - Tôi cùng họ, cùng ma với anh. Trước, tôi ở Lũng Phìn, chỗ ông châu uý Hản Sào Long…
    Con xồm đuổi chim đã quay lại, đứng bên chân Pùa, nhìn Pao, gừ gừ trong cổ họng. Pùa hẩy chân, quát nó: "Im" rồi nhìn Pao, hồi hộp:
    - Anh về làng chứ, anh Pao! Làng dọn về chỗ mới rồi anh à.
    
    Can Chư Sủ, thôn chính, nơi gia đình Pao ở, theo tay Pùa chỉ, đang lặng lẽ bốc lên những ngọn khói xanh thanh bình.
    Người Hmông ăn theo nương, ở theo nương. Lửa cháy tới đâu, chân người Hmông chạy theo tới đó. Đất nương cũ đã nhạt. Tìm rừng mới, chặt cây, phạt bụi, phóng hoả, dọn dẹp bãi nương xong, Can Chư Sủ di cả dòng họ sang làng mới từ vụ mùa năm ngoái. Người cùng dòng họ, chẳng ai muốn bơ vơ, xa nhau một ngày đường; chiến tranh loạn lạc càng khiến phải nương tựa nhau, nên Can Chư Sủ giờ càng to. Gần trăm nóc nhà rải trên một bãi đá thấp thoáng bóng cây đào trên mỏm núi; nhìn xuống thấy sông Chảy xanh đen hun hút; nhìn lên thấy rừng chè cổ ngậm một vệt sương trắng. Chân làng là những mảnh ruộng xếp lớp như bậc thang, mảnh nhỏ chỉ vừa một đường bừa. Sườn làng, cữ này cây thuốc phiện non xoè lá xanh như khóm cải cúc.
    
    Làng mới lập mà lại như đã già lắm rồi. Nhà mái cỏ dày úp trên bốn mặt tường trình nặng nề, rêu phủ đỏ quạch màu quết trầu. Kiểu nhà vẫn xưa cũ: ba gian, cửa chính ở giữa, gian giữa là nơi tiếp khách nhưng lỉnh kỉnh những cối đá, nạng thồ, yên ngựa lại chìa ra một cái chân thang gỗ nhẵn bóng - đường lên căn gác tối mờ, lúc nào cũng khét đắng mùi khói.
    
    Nhiều năm đi qua, nhiều tháng đi qua rồi mà vẫn như ngày hôm qua. Vẫn là những con lợn nái già lõng thõng hàng vú lép đi đi lại lại và giũi đất trên cái sân lầy lội, tanh khằn.
    
    Vẫn là lũ gà lông đầy chân bới đống phân trâu phân lợn, cạnh bọn trẻ chơi trò chơi cưỡi lợn hay bắt bọ hung. Vẫn là những cái que dán giấy trắng cắm dọc đường làng đuổi ma và văng vẳng đây đó tiếng cây gậy tiên cúng ma nảy xóc xách. Vẫn là cuộc sống trong vòng kín bưng với một trạng thái kinh tế cô đơn, tự cung tự cấp những nhu cầu của mình. Chiến tranh lại càng khiến cho sự trì trệ thêm nặng nề. Dầu hoả thắp một thời phổ biến, nay lại quay về với mỡ lợn và đuốc gỗ pơ mu. Gà gáy thay đồng hồ báo giờ giấc. Mà thật ra cần gì phải biết đến thời gian. Thời gian chẳng đáng kể. Tương lai không có ý nghĩa. Dĩ vãng xa xôi là tất cả, chế ngự tất cả và chính nó là hiện tại.
    Căn nhà to nhất Can Chư Sủ là nhà Giàng ly trang (Giàng lý trưởng) tức lý trưởng Giàng Súng. Tường nện đất trộn đá, ngoài phết một lớp tam hợp thổ trắng xám. Lớp tường vi nọ đóng vai trò che chắn cho cái khung bên trong làm bằng gỗ. Cột gỗ sa mu kê trên đá đẽo hình đèn lồng, đế vuông. Mái nhà là gỗ ván. Cầu thang lên gác có lan can vịn. Gác rộng, sàn lát gỗ; thường khi đó là nơi hội họp của các binh thầu, seo phải (chức dịch ở thôn xã). Nhà lý trưởng Giàng Súng giàu nhất Can Chư Sủ. Giàu vì mua được chức lý trưởng ba mươi đồng bạc trắng. Vì có đám gái bị ép duyên bỏ chồng đến trú ngụ làm không công. Vì có cô cháu gái Seo Váy kết hôn với ông tư Phơ-rô-pông. Giàu vì được hưởng đặc quyền. Quan tư Phơ-rô-pông ghi trong nhật ký: “Ông chú vợ tôi - ông Giàng lý trang - giàu có vì ông đã vượt thời gian. Ông là người duy nhất ở Can Chư Sủ sống ngoài khuôn khổ chật hẹp của sự ngưng đọng. Cả làng không ai biết đồng hồ là cái gì. Còn ông, ông không ở cái thời điểm ấy. Ông đeo đồng hồ và biết vặn kim, chỉnh giờ, lên dây cót. Cả làng hỏi giờ ông như hỏi một trò chơi". Những năm gần đây, lý trưởng Giàng Súng còn vượt ra khỏi sức hút, sự trì néo của làng. Việc ấy bắt đầu bằng chuyến đưa thuốc phiện ra thị trấn tỉnh ly cách đây hai chục năm. Thuốc phiện xưa chỉ bán cho lái buôn tại làng. Nay, mọi người bán cho lão. Rồi cùng với các đặc sản như xương hổ, gạc nai, huyết lình, lão đóng vào nạng thồ, thồ ra tỉnh bán. Và từ tỉnh lão trở về với vải phin đen, xa tanh, len, dạ, pin đèn, dầu hoả, đá lửa… Làng bắt đầu có hàng hoá. Anh chàng lái buôn chính là ông lý trưởng. Nghề buôn tăng thêm tín nhiệm cho chức vị chính quyền. Chức vị chính quyền lại hỗ trợ cho nghề buôn và nghề nông thu lợi. Giàu có cũng là một thế lực. Và như vậy, giờ đây cùng lúc Can Chư Sủ có hai trung tâm thu hút, chi phối dân làng. Một là hố pẩu Giàng Lầu, người gốc của dòng họ, mang sức mạnh của phong hoá, đạo lý cổ truyền. Một nữa là Giàng ly trang, quyền thế và sang giàu, những thế lực mới của đời sống. Sáng nay, khi nhà hố pẩu nổi trống, khèn cúng ma khô cho bà cụ mất cách đây ba năm, Giàng ly trang vẫn ở nhà. Mặt dài, đuôi mắt cong âm thầm bí hiểm, đã ngót lục tuần, nhưng lão còn dẻo dai, săn chắc lắm. Mặc cái ca pốt dạ màu cứt ngựa, đội khăn đen mới, lão đang lúi húi dọn bàn nước. Ngoài trời, lúc này sương đang tã từng mảng, tan loãng. Con chó lài to bằng con bê nằm ngoài hiên hít mùi sương nhạt cả đêm đã chán, nhổm lên, bước vào nhà, đi đến cạnh một người phụ nữ mập mạp đang lúi húi nặn bánh bột ngô ở cửa vào bếp. Định nằm, bỗng nó quay ra, khịt mũi đánh hơi.Giàng ly trang ngẩng lên thì thấy lão Sếnh quần ống thấp ống cao đang khật khưỡng bước vào:
    - Hế, nhà đâu hết người mà lạnh như hang đá thế này!
    Không chào Giàng ly trang, qua gian giữa, lão Sếnh vào bếp.
    - Úi! Cái gì thế này! - Vỗ đánh bộp vào mông người đàn bà nhấp nhổm bên cối bột, lão Sếnh đưa tay lên má, cười hế hế khoái trá.
    Giàng ly trang giương mắt. Người đàn bà kêu the thé, quay ra, mặt lấm tấm bột ngô, tròn phính.
    - Seo Váy, mày có nhớ ông tư không? Hế hế… - Hềnh hệch cười, thấy Giàng ly trang cau mặt, lão Sếnh liền đổi mặt nghiêm nghị - Giàng ly trang à, tôi đã gặp ngài rồi nhé…
    "Dà, cái lão già dở khôn dở dại này, mồm cứ như mồm con chó, nói mãi một câu này mấy hôm nay rồi". Giàng ly trang nghĩ, nhưng vội quay lại, quát con lài và nhanh nhảu bước ra thềm. Ngoài sân, có hai bóng người. Hai người che hai cái ô đen, chân đi giày vải, bít tất trắng. Thấy chủ nhà, họ liền hạ ô, cúi đầu, khe khẽ:
    - Chúng tôi từ xa đến đây, muốn hỏi gia chủ: có con hắc kê, chân đen, lông đen, mào đen, mắt đen… Giàng ly trang gật đầu. Hai cái ô đen liền cụp. Hai người đàn ông thở phào, như hai bức tượng đá bước vào nhà. Vừa lúc cái đồng hồ quả lắc treo trên cột cái đổ xoè xoè và gõ kèng kèng thong thả đúng chín tiếng.
    - Hế hế… Cái đồng hồ nó thay tôi chào hai ông seo phải rồi đấy - Lão Sếnh liến thoắng - Nào, mời các ông lên gác. Chẳng còn thời giờ để bực tức với lão Sếnh nghiện nữa.
    "Chúng tôi từ xa đến, muốn hỏi gia chủ…”
    Ngoài sân lại có người. Lại cái câu ám hiệu ấy. Rồi lại có người. Người đến dồn dập sau khi phát tín hiệu, được gia chủ tiếp nhận, liền thảnh thơi bước vào nhà, lên gác. Lát sau, căn gác đã đầy người. Một bộ bàn đèn sạch bong được đặt ngay giữa sàn. Lão Sếnh sà xuống. Giàng ly trang vừa vỗ vỗ bàn tay định trách lão thì đã lại vội lập cập xuống thang.
    Ngoài sân, rộn rịch chân ba con ngựa. Ba con, con nào trên lưng cũng kềnh kệnh những bó bạt lớn, dài. Theo ngựa có sáu người. Bọn này không nói ám hiệu. Dừng ngựa một cái, từng cặp hai đứa một đứng hai bên nạng thồ, đồng thanh hự một tiếng, rồi nhấc bổng những bó bạt nặng qua đuôi ngựa. Con ngựa tọt ra, rùng mình, giũ bờm khoan khoái. Giàng ly trang xích con lài vào bếp. Ba cái nạng thồ đã đứng ở trong hiên.
    - Các anh… khiêng vào trong này. Đừng cởi vội! Theo tôi.
    Ba cái nạng thồ lại được nâng lên, theo Giàng ly trang vào một chái nhà tối om. Sáp tới Giàng ly trang một cái mặt đầy thịt:
    - Như thế là… ba mươi khẩu súng, năm hòm lựu đạn mỏ vịt.
    - Được, được…
    - Còn thóc thì đã chuyển tới ông bốn tạ. Ngoài ra là năm nghìn đồng Đông Dương. Hai trăm đồng bạc trắng. Mười súc vải. Ông Giàng A Lử bảo: ông giữ cẩn thận. Phải thật kín!
    - Nhất định rồi. Nhưng ông Lử đâu? Hôm nay chúng tôi họp ăn thề ở làng. Người nọ đáp lầu bầu không rõ ý rồi cả bọn thình thịch bước lên thang. Giàng ly trang dặn cô Seo Váy cháu gái trông dưới nhà, lên gác sau cùng. Căn gác xanh khói thuốc lào, thuốc phiện. Mờ mờ trong khói thuốc những khuôn mặt quen thuộc lầm lì. Các seo phải, binh thầu, những cai, đội, bếp mới từ các đồn binh thất thủ trở về làng. Nằm nghiêng bên bàn đèn là một người má trái có vệt sẹo dài như con giun. Cạnh đó, lão Sếnh ngồi chầu hẫu, giọng nhèo nhẽo:
    - Húi, tôi gặp ngài rồi nhé, ông Seo Cấu à. Ngài khác người thường. Hai mắt dồn một nên mắt ngài như sao. Ngài bắt được con hổ vằn.
    - Hừ!
    - Gã mặt sẹo nghển cổ - Thằng Châu Quán Lồ á?
    - Chứ gì, ngài cho chúng tôi con hổ vằn ngài bắn được nhé.
    - Im mồm đi! Tao là con dao dài ba thước, tao chặt đôi ngài của lão ra.
    - Mày là cứt con hổ thì có. Hế hế…
    Cái bàn đèn xô lệch. Căn gác ồn ồn. Một người kéo lão Sếnh dậy.
    - Các ông à, bên miền tây, ông Đèo Văn Ân được in hình trên giấy bạc cũng đi rồi.
    - Hầy, thùng nước đứt đai mà.
    - Việt Minh về, ăn gì cũng phải báo cáo đấy.
    - Chơi gái thì sao?
    - Hẹ hẹ… Chắc chuyến này Giàng ly trang hết con đường buôn bán rồi.
    - Năm 1946, Việt Minh có châu bộ ở Pa Kha. Họ bắt ông Chao bỏ tục lệ bắt dân nộp khờ cù, khờ chì (thóc khách, gà khách: một kiểu bóc lột của thổ ty) đấy nhé.
    - Con chó là hũ rượu của hổ. Ta thành hũ rượu của Việt Minh rồi, các ông ạ.
    Sau cái bàn đèn, bọn cai, đội trẻ tuổi ngồi quanh ấm nước chè, râm ran câu chuyện phiếm về Châu Quán Lồ, về vợ ba ông Đờ. Chuyện cô Seo Say từ ngày gặp na nủ Lồ đâm ra mê lú, hôm qua xách túi quần áo bỏ nhà đi đâu. Chuyện thằng bé Chia mất tích trên núi Chè. Nghi là hổ ăn thịt mà mổ bụng hổ ra, không thấy dấu vết. Rồi lại quay về câu chuyện khủng khiếp trời long đất lở mới hôm qua: Việt Minh nổ súng ầm ầm đánh các đồn Tây, đồn dõng suốt từ Hà Giang sang Pa Kha.
    Giàng ly trang đứng trang nghiêm, hai con mắt thô lố chớp chớp. Đôi môi mỏng mím chặt, bợt máu. Người có ba hồn, hồn chính ở chỏm tóc, nếu đúng thế thì lão đích thị là cái chỏm tóc của làng Can Chư Sủ này, và hôm nay, ở cuộc họp kín này. Việt Minh đánh vào châu, nhổ bốt Cấn Câu, chiếm đồn Pa Kha rồi. Việt Minh về, rồi thì sẽ mất hết. Những ai có cái sẽ mất phải cố kết lại với nhau thôi. Nên thực tình Giàng ly trang muốn cuộc họp này là có ý nghĩ như một cuộc ăn thề. Và cuộc ăn thề hôm nay lão rất muốn nó phải có được cái hùng khí giống như buổi ăn thề với Phơ-rô-pông ở đồn Pa Kha đêm hôm nào. Chỉ tiếc, tiền đầu xem chừng bất lợi.
    Lão vừa e hèm dọn giọng định bắt đầu vào việc thì từ đầu cầu thang nhô lên một cái hũ rượu và căn gác lập tức nhốn nháo hết cả lên.
    Người bê hũ rượu đậm người, mặt bụ, đờ đẫn, xanh bủng, đặt hũ rượu xuống, thở hào hển rồi đưa mắt lờ ngờ nhìn quanh như chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra.
    - Anh Giống mang rượu đến đấy à? Anh ngồi xuống đi rồi ta bắt đầu bàn việc. Nào, nghe tôi nói nhé. Ơ kìa!
    Chính lúc ấy, không muốn mà Giàng ly trang cũng ngừng lời và theo mọi người trên căn gác nghển cổ, nhìn xuống sân. Thì ra mọi người đang cùng một tâm trạng: họ đều đang chờ đợi, và cùng khe khẽ kêu:
    - Ông Lử!
    Lử! Giàng A Lử. Quan một Giàng A Lử! Đồn trưởng Lử! Hung thần của châu Pa Kha! Niềm tin cậy của người Tây! Con trai của hố pẩu Giàng Lầu! Lử đã đến thật rồi.
    Lử vụt qua cái sân lạnh, tọt vào cửa, cúi đầu, lật bật bước lên thang. Nhưng mà kìa, sao mặt hắn lại nhăn nhăn nhó nhó thế! Một tay hắn ốp bụng. Tay kia hắn úp vào mồm.
    Căn gác né ra một khoảng rộng cho Lử bước vào. Không khí náo hoạt hẳn lên.
    - Trời! Mong đỏ con mắt đấy, ông Lử.
    - Chào anh Lử!
    - Anh Lử à! Họ Giàng ta có anh mới ngẩng mặt lên được đấy.
    Seo Cấu bật lên từ cái khay bàn đèn:
    - Ô hô, Lử! Tao tưởng mày…
    Lử lắc đầu. Lử bằng xương bằng thịt đây. Lử thật đây: mặt quắt queo quằu quạu, ria mép như cái bàn chải đen sì, hai con mắt nhọn gai góc như hai mũi tên. Đồn Cán Cấu của Lử bị Việt Minh đánh tan, nhưng Lử vẫn còn đây. Và Lử đã bắn đến viên đạn cuối cùng. Lử thật đây rồi. Lử quen thuộc lắm, vậy mà lúc này đám người đang vây quanh Lử bỗng cùng ồ một tiếng nhỏ kinh sợ. Lử vừa có một cử chỉ rất lạ. Hắn ngồi thụp xuống, há miệng. Hay là hắn say rượu? Không. Mặt hắn lạnh và rắn câng. Hắn có nôn đâu. Hắn thọc tay vào mồm, ngẩng cổ và kéo từ trong mồm ra một con nhái bén. Giơ con nhái bén xám bợt đầu, chân ngọ nguậy lên cao, Lử cười nhệch nhạc:
    - Đ. mẹ! Con nhái ăn hộ con sâu. Cái răng đau nhức đỡ hẳn đi. Tại cái bữa tiệc ăn thề với ông tư đây mà.
    Người bê hũ rượu lúc nãy bước tới, tay run run nâng một bát rượu lớn. Lử đón bát rượu, ngửa cổ dốc tuột vào họng, khà một hơi, nhìn người nọ, gật gật:
    - Hà, anh Seo Giống! Cám ơn anh nhé. Anh về làng, tôi cũng về làng đây. Thua một chỗ thôi, chứ có thua tất cả mọi chỗ đâu nhỉ!
    Câu nói chí lý quá, làm hửng tất cả những khuôn mặt trên gác. Gật gù, Giàng ly trang cười hẹ hẹ.
    "Nào, bắt đầu bàn bạc nào".
    Ý nghĩ của Giàng ly trang vừa nảy nở đã tắt nghỉm. Có tiếng lão Sếnh kêu the thé ở phía đầu hồi:
    - Trông kìa, ông Lử, ông Súng.
    Chẳng phải chỉ có Lử và Súng. Mà tất cả mọi người có mặt ở trên gác đều đổ xô ra các ô cửa sổ nhìn xuống. Trên vệt đường làng qua trước nhà Giàng ly trang, thằng Pùa đi trước, dẫn đường cho một người trai trẻ đi sau. Người này cao lớn, chân bước rung đất, tay tênh tênh một cái lồng chim hoạ mi. Hai con mắt như hai lưỡi dao nhọn của Lử phóng xuống đường, dõi theo bóng người nọ.
    - Thằng Pao! Thế là tao lại gặp mày!
    
    Quên cả răng đau, Lử nghiến răng trèo trẹo và rít thầm.

Xem Tiếp Chương 5Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)

Vùng Biên Ải ( Phần I )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Đang Xem Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc
» Giữa Cơn Gió Lốc