Phật Nguyệt : " Tả Tướng Thủy Quân " Chuyện trò hồi lâu, bà góa nói với cô con gái đang ngồi vót nan bên chõng tre : " Tôi đi dỡ mấy củ khoai về luộc ăn cho vui miệng ! ". Người con gái vẫn đều tay đưa lưỡi dao, ngước mắt nhìn người đàn bà mái tóc đã điểm bạc và nói : " Thôi mẹ! Nói chuyện một lát rồi ta đi ngủ thôi mẹ ạ ! ". Bà góa bước ra khỏi cửa, quay lại cười : " Đã khuya khoắt gì đâu. Với lại vườn khoai cũng gần nhà đây thôi mà ! Chờ tôi một lúc ! ".
Người con gái sắp những chiếc nan tre vót trắng bóng, óng mượt cho gọn lại, rồi hai tay chắp vào đầu gối, mơ màng nghĩ ngợi.
Bà goá đẩy cửa bước vào, tay cắp rổ khoai, nói với ra ngoài : " Các bác, cứ vào cả đây, nhà có ai đâu ! ".
Người con gái ngạc nhiên khi nhìn thấy có ba người đàn ông lạ bước vào căn nhà lụp xụp. Cả ba đều cao lớn lực lưỡng, làm cho gian nhà như thấp hơn, bé hơn.
Quần áo họ rách rưới và gương mặt họ xanh xao. Tóc họ bờm xờm rủ trước trán. Một người trạc bốn mươi tuổi, đeo một cái đẫy nhỏ bên vai, còn hai người kia trẻ hơn có đeo dao ngắn bên sườn.
Người con gái không nói gì, chăm chú nhìn những người mới đến và tất cả im lặng một lúc. Bà mẹ nói với người con gái : " Nàng hãy sắp nước mời các bác đi. Tôi ra vườn dỡ khoai thấy các bác nằm bên luống khoai, thế là tôi đưa các bác ấy về nhà ".
Người con gái rót mấy bát nước chè xanh bốc khói đưa mời. Những người mới đến đón bát, uống thong thả. Họ đã tươi tỉnh hơn và đưa mắt nhìn quanh nhà.
Bà goá lại nói : " Để tôi đi luộc khoai cùng ăn. Các bác cứ ngồi chơi và nói chuyện với... à, nàng đây là... ".
Người con gái đỡ lời :- " Mẹ luộc hộ con, để con tiếp chuyện các bác ấy ".
Sau đây là những lời trao đổi giữa người con gái và ba người mới đến :
- Các bác ở đâu đến đây ?
- Chúng tôi từ xa đến, mỗi người một nơi, và chúng tôi đã gặp nhau.
- Sao các bác lại nằm ở vườn khoai của bà mẹ ?
- Chúng tôi không thuộc đường và... đói !
Một người nói cho rõ hơn :
- Đói, không đi được nữa, nằm tạm đấy !
Im lặng một lúc.
Người đứng tuổi nói :
- Tôi bị chúng nó hành hạ khổ quá, làm gỗ ở rừng. Quán trên thượng nguồn đây. Còn các anh này là dân chài, chúng nó bắt đóng bè mảng đưa gỗ về xuôi. Chúng tôi rủ nhau trốn.
- Các bác định về đâu ?
- Nghe nói ở vùng này có nàng Phật Nguyệt. Nàng chiêu mộ dân xiêu dạt các nơi về làm ăn. Chúng tôi muốn tìm theo nàng Phật Nguyệt.
Người con gái chợt cười. Ba người mới đến lúc này mới để ý ngắm kỹ cô gái.
Nàng tuổi độ đôi mươi, da ngăm đen, gương mặt trái xoan rất tươi, mắt nhỏ và dài. Khi nàng cười, má lúm đồng tiền. Nàng mặc váy ngắn, áo cộc tay nhuộm nâu non, yếm tơ mỏng mịn. Họ để ý thấy áo nàng không có miếng vá nào nhưng nàng lại không đeo vòng tai, vòng tay hay chuỗi vòng cổ.
Bà goá từ trong bếp bước ra :
- Để vùi khoai một lúc ăn mới ngon. Chỉ tí nữa là được thôi. À, các bác nói muốn tìm nàng Phật Nguyệt à ? Thì nàng chả là...
Người con gái cắt ngang lời bà goá :
- Mẹ ơi, mẹ dọn khoai cho các bác ấy ăn, còn con, con về đây mẹ ạ. Sáng mai mẹ đưa các bác ấy đến gặp nàng Phật Nguyệt, mẹ nhé ! "
Làng Yển bên sông Thao có ông Đinh Văn Bôn làm nghề bốc thuốc là người nhân hậu, hiền lành, được nhân dân yêu mến và quý trọng. Không những ông mát tay hay thuốc mà lại sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, nhiều khi chỉ chữa hộ không cần trả công. Có những đêm trời rét như cắt da, ông vẫn ra đi theo lời mời để chữa trị các con bệnh cấp cứu hiểm nghèo. Nhà ông thuộc vào loại khá giả trong vùng, có của ăn của để. Tuy vậy ông vẫn không được vui vẻ, thường vẫn phàn nàn " dao sắc không cứa được chuôi ", vì làm bạn với bà Phí Thị Vang đã mười năm mà vẫn hiếm muộn không được mụn con nào. Tới năm ba mươi tuổi, bà Phí Thị Vang mới có mang, sinh được một gái. Hai vợ chồng mừng rỡ đặt tên con là Phật Nguyệt. Nguyên chữ Đinh là họ ông và chữ Phí là họ bà đặt bên nhau thành chữ Phật, ý ông muốn nói con gái là vầng mặt trăng của của cả hai vợ chồng.
Chẳng may Phật Nguyệt mười lăm tuổi thì bố mẹ lần lượt qua đời, Phật Nguyệt mồ côi cả bố lẫn mẹ, nhưng với tuổi mười lăm nàng đã sớm biết suy nghĩ và tự do lo liệu được mọi việc gia đình. Vả lại họ hàng làng xóm đều giúp đỡ nàng mà chẳng ai có bụng lấn át hay có ý coi thường nàng.
Cơ nghiệp của bố mẹ để lại có một nếp nhà gỗ năm gian, ba sào vườn và vài mẫu ruộng. Vườn trồng dâu để nuôi tằm. Tháng năm kén tằm vàng óng phơi trước sân trước ngõ mọi nhà. Cả làng Yển đều nuôi tằm kéo tơ bán cho lái các nơi về ăn hàng. Ruộng làng Yển là chân ruộng chiêm trũng, lại thường ngập nước sông nên cũng chẳng được bao nhiêu hạt lúa.
Phật Nguyệt có những suy nghĩ khác người. Và những suy nghĩ ấy nàng thường bày tỏ với một người đàn bà góa đã có tuổi mà cả làng đều quen gọi là " bà góa ", ở một túp lều nhỏ bên sông. Người đàn bà này có lẽ là một người khổ cực nhất trong những người khổ cực của làng Yển và của cả châu Thanh Hoa này nữa. Khi mới sinh ra, người đàn bà ấy đã không biết bố mẹ là ai, vì là con đẻ rơi bỏ góc vườn, người ta nhặt và nuôi làm phúc. Người đàn bà ấy suốt đời lam lũ vất vả, làm đày tớ các nhà giàu, làm nô tì cho những nhà quan đô hộ. Bốn mươi tuổi mới lấy được chồng thì chồng lại bị giặc bắt đi phu chết dấp dúi nơi ma thiêng nước độc. Bà đẻ được mụn con gái lại bị dịch sởi mang đi. Bà góa thường than thở : " Giặc cướp chồng, trời cướp con, tôi ăn ở hiền lành, ăn ngay nói thật mà sao khổ thế này hở trời ! ".
Bà góa ở một mình trong túp lều lụp xụp mặc dù Phật Nguyệt vẫn mời bà về ở với mình, bà vẫn cứ khư khư ra vào túp lều lụp xụp.
Phật Nguyệt suy nghĩ và bất bình khi nhìn các cảnh trái ngược, những tên quan đô hộ và bọn tay sai thì vàng bạc đầy kho, thóc lúa đầy bịch, no nê phè phỡn, đày tớ nô tì hàng chục hàng trăm, còn nhân dân thì hầu hết chui rúc trong những túp lều lụp xụp, ăn đói mặc rách.
Nàng càng căm phẩn khi thấy những cô gái trẻ xinh tươi và làm lụng chăm chỉ bị bán vào các cửa nhà quan, cửa nhà giàu, phải kéo dài một cuộc đời đày đọa máu hòa nước mắt.
" Ruộng chiêm là chiêm bao ", cả vùng đất đồi gò bên sông Thao này khổ vì nạn nước, nước sông nước đồng. Có làm mà chẳng có ăn. Nhưng mặc dân mất mùa đói kém, giặc vẫn thu cho đủ thuế đủ lương, vẫn bắt người đi phu đi tráng, dù cho nước ngập trắng đồng, dân sờ không thấy lần không ra một hạt gạo. Bà góa nói với nàng : " Dân mình lành quá, chịu khổ nó quen rồi. Với lại cũng là cái số cả ! ".
Tới năm vừa rồi, giặc vét thóc gạo tơ lụa các làng các chợ, làng Yển gần như mất trắng tay. Nhân dân khắp nơi đều xôn xao phẫn uất.
Phật Nguyệt nói với bà góa : " Chúng ta có làm mà không được ăn, giặc kia ngang ngược quá chừng ! Chúng coi dân ta như chó lợn ! Không lẽ cứ sống mãi trong cảnh địa ngục trần gian này sao ? " Bà góa nói : " Dân thì muốn đuổi giặc đấy, nhưng phải có một người tài giỏi đứng lên mới được. Nàng thử xem như mẹ góa này, như dân chạ ta đây, làm gì được kia chứ ! ". Phật Nguyệt muốn đem thân mình mà cứu dân báo quốc mới tìm đến ông chú, ngỏ bày tâm sự. Ông chú là một nhà nho không đỗ đạt, ở làng làm thầy đồ dạy học.
Ông chú nghe cháu nói, giật mình, không ngờ cháu lại có những ý nghĩ táo bạo như vậy. Cháu nói một lần cháu nói hai lần, nghe nói mãi chú cũng lạ lùng và kính phục cháu. Ông chú nói : " Đây là việc lớn, không phải chuyện đùa. Đã làm phải kín đáo kiên trì. Này cháu ơi, dòng nước sông Thao đỏ đặc phù sa chảy êm ả giữa đôi bờ đồng xanh núi biếc. Sông Thao nuôi ta mà ta vẫn khổ. Phải chăng sông ấy là dòng máu hòa nước mắt của dân Nam chảy mãi không bao giờ dứt ? ".
Cháu nói : " Sao chú lại nói những lời buồn chán như vậy ! Cháu quyết đứng lên, chú phải giúp cháu. Sông Thao là mẹ hiền, châu Thanh Hoa người đông, của nhiều, chẳng lẽ không có người hào kiệt hưởng ứng chúng ta sao ? ".
Chú cháu bèn tìm họp người máu thịt được vài ba người, cùng bàn việc dời non lấp biển.
- o O o -
Ba người ở ruộng khoai về làng Yển ở được sáu tháng vỡ đất làm trại, trồng sắn cày ruộng. Ông chú đến gặp gỡ, cùng nói chuyện làm ăn và giúp đỡ ba người trong mọi việc, nhưng vẫn kín đáo không nói gì tới những việc chọc trời khuấy nước.
Một hôm ba người đến gặp Phật Nguyệt, nói rằng : " Người có lòng không dám ngõ cùng nhau, bao giờ mới nên được việc lớn ? Nhà sắp đổ có gỗ tốt sao không dùng ? ". Phật Nguyệt tươi cười nói : " Gỗ có ngâm lâu mới dùng được bền. Nay cũng đã tới lúc vớt lên dựng cột được rồi, tiếc rằng còn thiếu ". Ba người hăng hái nói : " Chúng tôi đều có thù sâu với giặc, nàng cần gì xin cứ sai khiến ! ".
Phật Nguyệt nói : " Còn chờ đợi gì nữa ! Nay đã đến lúc cần đến các tráng sĩ đấy. Tìm người có tài có chí cùng nhau mưu việc, đó là một. Tích lương trữ thóc tính kế lâu dài, đó là hai. Tụ khởi nghĩa binh, rèn đao tập gậy, đó là ba. Học trò của chú tôi có một vài người, nhưng lực còn ít quá, mong các tráng sĩ xắn tay áo cho ! ".
Ba tráng sĩ vui vẻ nhận lời, bèn tìm các bạn cùng chí và những người giỏi đánh đáo múa gậy, đưa đến gặp Phật Nguyệt. Các học trò của chú cũng ra sức kết giao hào kiệt, tập luyện võ nghệ. Phật Nguyệt họp dân làm binh, chia thành đội ngũ. Mọi người tôn Phật Nguyệt làm chủ.
Lại nói về ba tráng sĩ ở ruộng khoai. Người cao tuổi nhất là Lê Bảo Hoàn mưu cơ trí lự, vốn chỉ là dân cày nghèo, vì trong một cuộc đấu vật ở làng lỡ tay quật mạnh con một tên cường hào ốm đến ba tháng, sau rồi nó bị què, nên phải bỏ làng ra đi. Hoàn bị giặc bắt đi phu lại tìm cách trốn, trốn đã nhiều lần, nhân một lần thấy tên quản phu người Hán đánh một người đàn bà trẻ bằng roi da đầu bọc đồng, mới xách bổng tên này lên ném xuống chân rừng. Giặc trói Hoàn lại đánh suốt ngày, nửa đêm Hoàn được Vũ Giao và Đào Lộc đến cởi trói đưa đi.
Vũ Giao và Đào Lộc đều là dân chài nòi, bơi lặn như cá, đã có lần hai người hai dao nhọn lặn sông đâm chết thuồng luồng, người ta gọi là dũng sĩ. Hai người và Lê Bảo Hoàn bàn nhau cùng đi tìm Phật Nguyệt để mong có thể thành được chí mình.
Có ngày nhân lúc bàn việc, Lê Bảo Hoàn nói với Phật Nguyệt : " Nàng là phận gái mà có chí lớn, nay sự nghiệp đã bắt đầu, chúng tôi rất mừng. Nhưng múa đao đánh gậy là việc nhỏ, còn như chém tướng phá thành, đến giặc không ngờ, đi giặc không biết, một người nghĩ cho trăm người, đánh thì được, giữ thì vững, đó mới là những việc người nghĩa chủ phải lo ! ". Phật Nguyệt nghe tráng sĩ nói, thấy sáng ra nhiều, mới cùng ông chú và Lê Bảo Hoàn đi xem xét địa thế trong vùng, vẽ bản đồ từ sông vào tới đất giữa, từ ngược về xuôi, định trước thế tiến thế thoái, chỗ đánh chỗ phục. Phật Nguyệt lại lập một đội thủy binh giao cho Vũ Giao và Đào Lộc quản lĩnh, còn Lê Bảo Hoàn thì cùng ông chú lo mọi việc quân lương và huấn luyện sĩ tốt.
Khi lực lượng đã mạnh, Phật Nguyệt đi các trang nói với các trang chủ : " Mọi người hãy cùng đứng dậy ! Các trang hãy dựng giáo lên ! Giặc đánh một thì mười trang đến cứu, giặc kia dẫu khỏe cũng không bằng chúng ta cùng một bụng. Sức chúng ta đã mạnh rồi ! ". Mọi người đều một lòng theo Phật Nguyệt. Từ đó không trang nào chịu đi xâu đi phu cho giặc, không trang nào chịu nộp thóc nộp tơ cho giặc. Giặc về xách nhiễu thì dằng dai chống lại, đánh trống làm hiệu tiến, đánh mõ làm hiệu lui. Quả nhiên giặc không còn lùng sục hoành hành được như trước.
Một hôm nhân lúc thư thả, ba tráng sĩ nói với Phật Nguyệt : " Chúa anh hùng đã ra đời, nàng đã biết chưa ? ". Phật Nguyệt ngạc nhiên hỏi lại. Ba tráng sĩ nói : " Ở Mê Linh có cháu ngoại Vua Hùng là Trưng nữ chủ đang mưu cứu nước, hào kiệt bốn phương đều theo về, nàng còn chờ gì nữa ! ", nói rồi đưa cho Phật Nguyệt tờ hịch cứu nước của Trưng nữ chủ. Phật Nguyệt xem xong mừng rỡ nói : " Những điều Trưng nữ chủ nói thật trúng ý ta, nay phải làm gì ? ". Các tráng sĩ đều vụt đứng dậy, nói : " Thời cơ đã đến, còn chờ gì nữa ! Ta hãy đến gặp nữ chủ in người dạy bảo cho ". Ngay hôm sau Phật Nguyệt và vài chị em thân tín đi cùng Lê Bảo Hoàn về gặp Trưng nữ chủ.
Ngày Trưng nữ chủ làm lễ tế cờ ở Hát Môn, Phật Nguyệt dẫn đầu hai nghìn nghĩa quân nam nữ sông Thao về hội với các anh hùng cả nước.
Trong cuộc khởi nghĩa chống Tô Định, Phật Nguyệt được phong là Thao giang thượng, tả tướng thủy quân. Nàng lập nhiều công lớn nên khi bình xong giặc được phong là công chúa.
Phật Nguyệt lấy làng Yển làm thực ấp, mở bến mở chợ, từ đó Yển trở nên một nơi sầm uất đông vui.
Theo lệnh của Vua Trưng, Phật Nguyệt cùng các tuỳ tướng đi tìm đất hiểm yếu để lập đồn trại, mới vào vùng đất giữa, trang Thanh Cù nghỉ lại đêm ở một toà miếu nhỏ. Hôm sau, Phật Nguyệt chọn tuyển ở trang Thanh Cừ mười lăm người làm bộ hạ, lại bàn với các cụ sửa lại cổ miếu, cử người trông nom đèn nhang. Phật Nguyệt đặt ở đấy một đồn quân gọi là đồn Gò Voi. Phật Nguyệt lại cho đào một con ngòi từ Yển vào Thanh Cù gọi là ngòi Cài để tiện việc đi lại.
Vài năm sau, Mã Viện theo lệnh vua Hán cầm quân sang xâm chiếm lại nước Nam. Sông Thao là đường tiến quân chiến lược của Mã Viện tiến đánh Bạch Hạc, vì thế Mã Viện giao cho phó soái Lưu Long tiến theo đường này. Phật Nguyệt chống cự với Lưu Long ở mạn ngược sông Thao nhiều trận đẫm máu, giặc bị kìm chân không xuôi về nam được. Ngày mồng mười tháng hai năm Quý Mão, Lưu Long dùng kế phục quân đang đêm bao vây phá vỡ đại đồn của Phật Nguyệt. Phật Nguyệt tả xung hữu đột thoát được vòng vây, chạy theo bờ sông một thôi đường, ngoảnh lại quân tướng không còn ai, sau lưng lửa bốc rực trời, giặc lại chận đánh ở phía trước. Phật Nguyệt kêu to một tiếng, phóng ngựa xuống sông, nước réo lên ầm ầm, tự nhiên xoáy thành vực lớn (1).
Phật Nguyệt được thờ ở các xã Thanh Vân, Phương Lĩnh huyện Thanh Ba, Vĩnh Phú.
Đền thờ Phật Nguyệt ở Phương Lĩnh có đôi câu đối :
" Tích trù Động Đình uy trấn Hán
Phương lưu thanh sử lực phù Trưng "
Nghĩa :
" Sự tích hiển hánh còn lưu ở Động Đình, uy trấn nhà Hán. Danh thơm lưu truyền sử xanh, sức mạnh phù vua Trưng ".
Chú thích:
1. Phật Nguyệt công chúa là một người con gái anh hùng của sông Thao, vì bất bình trước cảnh lầm than của nhân dân mà tuốt gươm đứng dậy, kiên trì mưu trí, thu phục được hào kiệt, làm nên được công trạng hiển hách. |
|
|