"Bây giờ em muốn gì hãy nói thật với anh, anh có đủ bình tĩnh để đợi đến giờ này và nói với em bằng tất cả bình tĩnh, anh đã nổi giận và đau đớn, nhưng anh đã đè được xuống để nói với em. Muốn gì, em hãy nói rõ cho anh biết, chúng ta đủ khôn lớn để quyết định công chuyện”.
"Em không có ý kiến, em không có gì để bàn cãi cùng anh!"
"Đừng dối, có, vì em đã nhìn thằng Đại uý bạn thằng Minh với con mắt khác lạ. Chưa bao giờ em nhìn ai như thế, em cũng không nhìn anh một lần nào được như vậy. Em ngủ với nó, em ân ái trần truồng với nó chắc anh không đau đớn bằng lúc chiều trong bữa tiệc khi em nhìn nó, bữa tiệc giới thiệu em với bằng hữu. Em đâm anh nhát dao trong lúc anh không ngờ nhất”.
"Nếu có một cái nhìn quan trọng như thế kia thì có chuyện gì xảy ra nữa? Em đã có thai với anh, tháng sau Tết đám cưới, sẽ có chuyện gì xảy ra?"
"Có, vì anh không còn em nữa, chỉ còn cái xác vô tri, thân xác nặng trĩu dục tình để anh hân hoan mang nó đến hết đời”.
"Em đáng ghê tởm và khinh bỉ đến thế sao?”
"Nếu anh ghê tởm và khinh bỉ được em thì dễ dàng biết bao, anh đã có em rồi, thân thể tinh khôi của em một tuổi dậy thì xa xưa anh đã đặt chiếc hôn đầu tiên đến bây giờ… Chuyện thể xác thì anh đã quá đủ với em, nhưng không phải thuần tuý như vậy, anh yêu em. Yêu, đúng với nghĩa sống bám vào đấy để cho mình ý nghĩa sống. Ba mươi năm ở thành phố này không chuyển dịch, không mới mẻ, anh từ nhà đến trường qua phố, đá gỗ thấy anh chắc cũng bật cười, anh mang nhiều hoài bão, anh xây nhiều dự định, nhưng anh đã làm được việc gì ngoài một vài bài thơ đăng báo ở Sài Gòn, mấy chứng chỉ triết học, anh làm một tháng được một ngàn sáu trăm đồng, có tiền mua bao thuốc, uống ly cà phê… Đâu phải đời anh chỉ có thế, nhưng anh yếu sức rồi, anh kiệt lực, anh vùng vẫy lấy đẹp, anh chui trong cái tổ tò vò chặt cứng tô nên bởi nước bọt của chính đời mình, và vì thế, bốn năm nay, em cần thiết như một cuộc phiêu lưu mộng tưởng, em là thiên đường mơ ước có kích thước, có hình khối, anh yêu em và trút vào đó hết phần đời cuối cùng của anh. "Anh lý luận tội nghiệp". Em là giải thích cuối cùng để anh sống. Nhưng trong buổi chiều này khi em nhìn thằng cha ấy anh đã thấy hết, hết thật, và khi anh lại nhà mẹ bảo em chưa về, chưa về có nghĩa là em đi cùng hắn với thằng Minh. Thế thôi, một cuộc đi chơi phiếm, nhưng anh biết kết quả nó vô cùng, anh không quan trọng hoá cuộc đi chơi đó nhưng nó làm sáng tỏ cái nhìn của em lúc buổi chiều. Anh đã nghĩ đúng và bây giờ anh đau đớn nhưng gắng lắng xuống để nói cùng em…" Bằng nói thật đều đặn, hai tay bỏ trong túi, đầu cúi xuống.
Quỳnh Như ngồi im không trả lời, nàng không có phản ứng gì ngoài nỗi im lặng. Quỳnh Như thấy điều Bằng nói đúng nhưng câu chuyện cũng chỉ có thế. Thuấn sẽ đi và nàng thành người vợ, người vợ bình thường như tất cả mọi người đàn bà đã làm. Giải thích với Bằng thế nào đây? Quả thật nàng đã nhìn Thuấn khác lạ, nàng đã nhìn xúc động, mãnh liệt cao hơn và trắng hơn cả xúc động thể xác trong cơn tình ái. Nhưng hình như cũng chỉ có thế, nàng cũng không có đủ can đảm đẩy sự việc đi xa hơn. Chỉ có thế, chút cỏ may dính ở gấu quần, lượng nắng vàng trên mặt nước, nét bi thương có hình ngang trái. Có thể Quỳnh Như dừng ở chỗ này, nàng khao khát sự mới lạ trong mối tình, nhưng làm sao để nói với Bằng? Làm sao cho Bằng hiểu được nỗi buồn chán âm ỉ sao mỗi lần ân ái nồng nhiệt, sợi tóc mai đẫm vào trán, hơi thở dồn dập, lần mò tìm chiếc quần lót, ngửi mùi đàn ông chán chường từ Bằng bốc ra. Đời sống một người con gái chỉ chừng này? Những ước mơ dậy thì, những rung động ngất ngây cho một mối tình vĩ đại ở đâu?
Làm sao nói với Bằng nỗi chán chường mê man khi cơn bão dục tình thổi qua còn đọng lại trong thân thể chút nhơm nhớp đàn ông như lớp bùn trên đất khi con nước rút đi. Làm sao phá vỡ thứ keo đặc cứng ướt đẫm dính chặt vào mỗi tế bào đã nguội lạnh, thứ keo do chính Quỳnh Như cùng Bằng cấu tạo. Làm sao nói được với Bằng?
"Em không nói gì? Không phản đối lời anh nói? Em chấp nhận?”
"Không phải thế, em van anh, không có chuyện gì xảy ra hết. Em bây giờ là vợ của anh rồi, không có gì xảy ra hết".
"Nhưng còn ánh mắt của em khi buổi chiều, cái nhìn như dao cắt, nhìn như đổ thuốc độc vào người anh".
"Có thứ tội nào được xác định bằng cái nhìn. Không có gì cả, anh ta người Bắc, mặc đồ rằn ri, em thấy lạ, em hơi tò mò, chỉ có vậy, anh tin?"
Bằng nói cuối hơi thở. Anh tin, anh cố gắng tin. Chàng lầm lũi đi ra cửa, bước chân nặng nề.
Quỳnh Như liếc nhìn đồng hồ, 7 giờ 45. Mình xa chàng đã gần hai giờ, không biết đêm nay Thuấn có trở lại?
"Thôi nghe ông, đi chơi như thế đã đủ rồi, ở nhà để có chuyện gì tôi còn nhờ ông, tình hình có vẻ nghiêm trọng lắm, hai ông Lạc và Minh đi phép, ông đừng đi đâu nữa đấy”. Tiểu đoàn trưởng nhẹ nhàng trách. Thuấn im lặng, chối từ điếu thuốc được mời.
"Ông giận tôi đấy à! Bố khỉ, tối hôm qua ông say, ngày hôm nay ông đi từ sáng lỡ có hành quân tôi đi một mình sao, vừa thôi, ít nhất ông cho tôi nói cho đỡ tức chứ!”
"Dạ vâng, Thiếu tá còn dặn gì nữa?"
"Đ… vào. Viên Thiếu tá nổi sùng. ĐM… Tôi chỉ muốn ông đừng đi nữa thôi. Khi nào hai ông kia về tôi cho ông đi phép”.
"Vâng". Thuấn chào thật nhanh bước ra. Viên Thiếu tá lầm bầm chửi thề… "Mẹ, thằng nhỏ không biết điều”.
Thuấn đi về nơi đóng quân, bực dọc khó chịu, điếu thuốc trên môi cứ mãi rít vào, trời lạnh, sương mù dày đặc, cứ có cảm giác vương vít khó chịu. Đã thế ông vọt đi Huế chơi cho biết mặt. Bản tính ưa chống đối được dịp bùng lên, thêm duyên cớ, Quỳnh Như, khuôn mặt thanh tú, và thân thể đầy đặn dỏng dỏng cao đang chờ đợi, tội gì cứ đeo cứng vào mối tình tuyệt vọng Bích Trân. Bích Trân giờ này ở đâu? Năm năm trời không thấy mặt, chờ đợi phải có hy vọng gặp… Thuấn chờ Bích Trân thêm bao nhiêu năm? Không một dấu vết. Nhưng khi ngồi lên xe trong bóng tối tìm công tắc, Thuấn chợt thấy mệt. Mệt, con đường trước mặt xa xôi nguy biến, sự liều lĩnh vô ích và khối tình xưa chắn lối… "Thuấn ơi! Em mười tám tuổi, yêu và sống hết mình cho một người, nhưng yêu anh để sống trong nỗi chờ đợi hoài hoài ngày anh về, và ám ảnh cái chết cứ mãi mãi trong người làm sao em chịu nổi. Thôi em xa anh trước để để tránh ngày phải mất anh…" Bích Trân đã viết bức thư ngắn ngủi đó trước ngày xa Thuấn… "Em chưa bao giờ khóc trước mặt một người nào, thuở bé bị đánh đau bao nhiêu em cũng cắn răng chịu đựng, em chỉ khóc khi ở một mình, gặp anh sao em muốn khóc hoài, khóc mê mải. Hình như mười tám năm em gánh chịu tan thành nước mắt hạnh phúc trước mặt anh. Tối hôm qua em đã khóc một lần chót, em nhất định như thế, em khóc cho tình ta. Em đi, đừng bao giờ anh tìm kiếm". Không phải là bức thư, nhưng là lời trăn trối cuối cùng Bích Trân để lại cho Thuấn. Thuấn không phải chỉ nhớ, những nét chữ, màu sắc, mùi giấy đã khắc chặt những nét hằn sâu trên trí não Thuấn sống trong không gian vây bủa bởi mối tình ngắn hạn bi thiết đó. Năm năm, những giây phút ngặt nghèo khi chiếc trực thăng bốc cháy lao xao, tiếng hét của những người xung quanh, ngoài kia trời xanh xoay đảo theo sự cuốn tròn của độ rơi, rừng dừa dưới đất dâng lên ào ào đủ để thấy rõ cái chết, chết cụ thể, chết có thể đếm bằng thời gian, xa bằng khoảng cách, chết sờ được, ngửi được, mê man và sát mặt. Trong những giây phút ngắn hạn thiên thu đó, Thuấn đọc lại hết bức thư, nhìn lại hết nét chữ xiên xiên đều đặn, tờ giấy viết thư cong queo, chữ “em” ốm yếu, Thuấn thấy lại toàn khối tình yêu sáng rực một lần trước khi giáp mặt cái chết. Sống với tình yêu Bích Trân như thế vừa đúng năm năm. Nhưng bây giờ Thuấn đang rồ xe máy, con đường về Huế đen tối xa hun hút, mười bảy cây số và đồng ruộng lặng lẽ, ếch nhái kêu vang động thê lương. Thôi, phải đóng cho đủ vai trò, tìm lại mặt thật của tình yêu và chính mình trong đó. Bích Trân đâu, về đây dự phần anh hoả táng tình em. Thuấn lái xe nôn nóng, cảm giác nôn nóng quen thuộc đã bỏ qua từ lâu. Quỳnh Như, nước da trắng mát, đôi mắt đen, bầu ngực căng tròn quyến rũ, bao năm rồi Thuấn không có được cái thân thể nồng nàn quyến rũ đó, Thuấn chỉ có những ly rượu, rượu mê mải và những cơn ái tình nhơ nhớp thô bạo.
Thuấn chỉ có những cơn tình ngắn ngủi thô bạo đó, lượng sóng tinh khiết đã kéo ra khơi, còn lại trên bát ngát linh hồn thứ rác rưởi khô héo của một đời gian nan. Thuấn không có thì giờ và cơ hội để nắm được trong tay giọt sương linh thiêng của tình yêu. Chiến tranh và Bích Trân quét một nhát cuồng phong trên đời Thuấn.
"Sao Đại uý không có bồ có vợ gì cả". Thằng Thiên đã hỏi như thế.
"Mày coi có bà già nào chỉ tao tới, lấy liền, còn mục học sinh con nhà lành "tìm bạn bốn phương" tao không ham, lẩm cẩm và nhà quê bỏ mẹ…" Thuấn đã nói với gã lính thân tín như thế. Gã lính cười, nó biết đâu cơn sụp đổ điêu tàn trong lòng Thuấn. Nhấn thêm gaz, chiếc xe chạy như cơn hốt hoảng muốn chạy trốn nỗi tang thương, muốn bắt kịp hình dáng sáng tươi của thanh xuân. Quỳnh Như, thịt da bí ẩn đợi chờ Thuấn trong bóng đêm cùng với nỗi cảm xúc nhiệt thành bất chợt. Thuấn mở lớn hai mắt, máu dồn lên thái dương, hai tay bấu chặt tay lái. Một con người thật quen thuộc nào được hồi sinh. Xác ma trong giây phút âm dương hoà hợp chợt đứng dậy, hối hả sống cùng đời.
Ánh đèn xe quét vội lên mặt hàng rào nhà Quỳnh Như. Một bóng trắng thấp thoáng. "Anh". Tiếng nói thảng thốt mừng rỡ cuối cơn nôn nóng, rất cuồng nhiệt. Thuấn thắng mạnh, tắt đèn, nhảy xuống xe, bước về chiếc cổng gỗ đang lay động. “Em”. Trong bóng đêm mờ sương buốt giá, dưới tàn cây xanh, hai người im lặng sít sao chặt chẽ, chỉ có tiếng thở đứt khoảng và nụ hôn sũng ướt. "Anh lái xe lại đàng kia, tắt đèn đợi em lấy áo choàng".
Quỳnh Như biến ra khỏi nhà. Trong nhà vang tiếng hỏi: "Tối rồi, đi đâu?” Quỳnh Như không trả lời, nàng khép tà áo chạy nhanh hơn. Đàng kia tình yêu, cuộc phiêu lưu kỳ lạ đang chờ đợi.
"Anh quẹo phía trái".
"Đường gì tối mò vậy?"
"Đường Âm Hồn, ngã này ít người quen, em không muốn cho họ thấy".
"Em sợ?"
"Cũng không hẳn thế, anh đi về phía tay trái nữa, lái chậm để em chỉ đường…”
Bây giờ xung quanh là bóng tối, mặt hồ đen thảm hơi bùn non, cá đớp mồi nghe xa xăm.
"Hồ này là hồ gì? Lạnh và vắng quá…"
"Hồ Tĩnh Tâm, thuở xưa vua đến đây chơi… Bây giờ mình đang đứng giữa một giả sơn, ban ngày đẹp lắm”. Thuấn kéo Quỳnh Như ngã xuống. "Khoan để em lót chiếc manteau, nền đá dơ lắm”. Thuấn cởi chiếc áo saut cuốn tròn một cục. Gối cho em đấy. Thuấn thấy hàm răng của Quỳnh Như sáng trắng. “Anh có nghĩ em bất thường?”
"Không". Thuấn kéo Quỳnh Như sát vào người.
"Anh với em cùng thấy tương lai cuộc tình ngắn hạn, gắng sống cho đủ”. Quỳnh Như gật đầu trước khi chìm đắm vào nụ hôn. Thuấn hít thật đầy qua lớp áo mỏng, mùi thịt da Quỳnh Như như khối không khí được nén lại nặng trĩu kích thích.
"Khi em ra với anh, ở nhà biết?"
"Nhưng em bất kể, em không còn với anh bao lâu nữa".
"Người Huế vốn kín đáo”.
"Nhưng đâu phải không biết liều lĩnh”.
"Lần đầu tiên anh quen với một người Huế, bề ngoài của em không phản chiếu gì con người bên trong của em hết, lúc về nơi đóng quân, anh còn lấy làm lạ phản ứng của em".
"Vì anh là thứ điện làm em bốc cháy, anh là loại người giúp người khác sống hết mình".
"Anh chẳng thấy được quý tính ấy, nó như thế nào?"
"Đừng đùa, em nói thật, anh có cái vẻ người bạn thân từ lâu, gây cho người ta ý muốn được tâm sự”.
"Anh không biết điều đó, nhưng anh biết được người nào thương hay ghét mình ngay lần gặp đầu tiên".
"Anh đã nói điều này khi chiều rồi, anh có đoán được hành động của em không?”
"Có, nhưng không đến nỗi như thế này, anh nghĩ em chỉ có một thoáng cảm tình, thứ "hồn bướm mơ tiên".
"Và anh thụ động?”
"Em muốn anh làm những gì? Em đã có chồng…"
"Mới lễ hỏi thôi, chưa đám cưới, nhưng em muốn nói về phần anh, anh không biết liều lĩnh?”
"Liều lĩnh". Thuấn cười nhỏ. "Anh biết chứ, nhưng liều đến đâu, mang em đi, thú thật anh không nghĩ đến điều đó, vì anh… mệt, anh mệt thật tình, sống đã khó, mang thêm một tình yêu trắc trở anh làm không nổi".
"Anh hối hận về em?"
"Không, anh hãnh diện và sung sướng được yêu em, em đánh thức anh dậy, anh ngủ mê hơi lâu. Anh muốn được yêu, anh đi tìm điều này". Rất nhiều thành thật trong giọng nói. Thuấn thấy rõ nỗi thành tâm cay đắng. Hai mươi sáu tuổi, số tuổi vững vàng và đẹp của người thanh niên, nhưng Thuấn đã không sống cùng với nó. Trên chiếc chiếu thanh xuân của đời mình chàng chỉ thấy lúc nhúc hỗn độn những buồn phiền có hình khối, mùi vị, thứ mùi vị lạ lùng của thây người chết bốc lên theo vết thương tím thẫm máu bầm. Hơi chết, hơi thuốc súng hỗn hợp hoà tan thành khối không khí nhạt nhoà xanh tươi, tuổi thanh xuân của Thuấn lên men kinh dị trong môi trường đó. Tuổi hai mươi sáu của Thuấn đầy dẫy tiếng động rên siết của xe nhà binh đi qua cầu hãm lại, chiếc thùng gỗ ném xuống … Bục! Tiếng rơi lạnh tanh đắng cứng như lưỡi dao đi xuống một đường cổ trần trụi. Tuổi trẻ của Thuấn chỉ có niềm vui khi bỏ đá vào ly và lượng rượu màu vàng chảy xuống, đường suối thênh thang đoản mệnh bọt bèo, thuốc độc của thượng du mời uống vào để bay là đà trên mặt trời lận đận…Tuổi trẻ hai mươi sáu của Thuấn giống như lớp tro tàn của ngôi nhà bị cháy, còn trơ lại chiếc cột đen đúa sừng sững giữa một trời mây xuống thấp.
"Sao anh yên lặng?"
"Không, anh bàng hoàng với tình yêu của em". Quỳnh Như nằm hẳn trên người Thuấn, nụ hôn mê mái bằn bặt.
"Em làm anh thèm muốn!"
"Không quan hệ, em chìu anh… Em cũng thế…"
Thuấn lần tay mở hàng nút áo, thịt da xôn xao trống trải, hai cồn ngực của người thiếu nữ vừa trở thành đàn bà cứng ngắc. Thuấn di động hơi thở trên đó, Quỳnh Như run thiêm thiếp dưới nụ hôn. Lâu lắm Thuấn mới lại có cảm giác này, làm chủ được thân thể người khác, thân thể giới hạn nhưng có những rung động mở ra vô cùng.
"Anh yêu em". Nhiều thành thật và sung sướng trong tiếng nói thì thào. Quỳnh Như không phải ôm Thuấn bằng hai tay nhưng bởi sức mạnh thèm muốn của một đời mơ ước. Đêm yên lặng, mặt đá cứng, nỗi u tịch rì rầm trong lá nhỏ, dưới mặt hồ cảnh vật thấp thoáng tan vỡ, lung linh. Mối tình này cũng vậy. Chút nước tìm được trong sa mạc bốc cháy uống cho hết, uống mê man. Quỳnh Như cào cấu rên siết trên mối tình đột khởi do nàng vừa xây đắp.
"Anh, em chết mất, bỏ anh sao được… Anh thân yêu".
"Thôi, anh phải về, khuya rồi".
"Anh về đâu?”
"Về ngoài chỗ đóng quân, cây số 17”.
"Đâu được, bây giờ Việt Cộng đầy đường, anh làm sao về được?!!”
"Không quan hệ, anh hành quân vùng này suốt mấy tháng, chỉ có du kích, để đèn mắt mèo chạy cái ào sức mấy tụi nó biết…"
"Không, em van anh, lỡ có chuyện gì em ân hận suốt đời… Hay anh vào nhà em".
Thuấn mỉm cười. "Em định tập cho anh thành Casanova tân thời? Phần anh, thì không kể, ngại cho em…"
"Không cần, em bất chấp tất cả để gần anh, em cũng lạ với chính mình, không hiểu sao em yêu anh đến thế. Buổi chiều khi anh về, em đếm từng phút, bảy phút, hai mươi ba phút, mỗi phút em nhớ anh theo một cách khác, hình như có khối gì thật nặng đè lên trái tim, em thở không nổi… Cơm chiều không ăn nhưng em không đói, nếu tối nay anh không đến chắc em không ngủ được. Không phải là tình yêu thuần tuý, nhưng là cơn điên bất ngờ làm nổ tung niềm ấm ức của đời em. Không phải em bị quyến rũ gì ở anh nhưng anh làm em thấy rõ mình, anh làm em sống hoàn toàn cho mình". Quỳnh Như ngồi rũ xuống, tóc đen hơn bóng đêm. Từ trong khối đen xôn xao đó Thuấn nghe tiếng nói và nhịp dập của quả tim. Đã từ lâu Thuấn không nghe lời này, những lời của người nói cho người.
"Được, em vào nhà mở trước cửa sổ đợi, anh chạy vào trong chỗ tiền trạm gởi cái xe xong sẽ đến cùng em…"
Quỳnh Như gật đầu, nụ hôn không rời trước khi chia tay. Cửa sổ phòng Quỳnh Như đã mở sẵn, bóng người thiếu nữ thẫm hơn nền trời. Thuấn leo vào, cửa sổ đóng chặt lại. Ngoài kia trời cuối năm xứ Huế rét cóng được xua tan.
"Sao anh đầy mồ hôi thế này?"
"Anh chạy từ trong tiền trạm ra… Để anh cởi bớt áo, nực quá…”
"Đừng cởi áo trời lạnh lắm, mười bốn độ, vào nằm sát em…"
"Em không thẹn với anh? Tiếng cười khúc khích ấm áp…"
"Chỉ một lần với anh và thôi, đừng nói gì nữa, em muốn nằm im…"
"Anh cũng thế, năm năm sau này anh chưa nằm trên giường civil một lần, chỉ ngủ võng, về hậu cứ nằm giường sắt nhà binh, anh bắt đầu lạnh rồi. Nằm trong chăn với em ấm thật, buổi sáng gặp em anh đâu nghĩ đến lạc thú này… Quỳnh Như…"
"Gì anh?"
"Em có thể bỏ nhà vào Sài Gòn ở với anh?"
"Em cũng nghĩ thế nhưng chắc không được, không thể được?”
"Lý do chính?"
"Rất nhiều lý do nhưng trở ngại chính là anh và em… Hỏi thật lại mình có muốn sống hẳn với nhau không?"
Thuấn im lặng, câu nói Quỳnh Như như ánh sáng lóe lên trong căn phòng đồ đạc đã được dọn đi, người chủ trở về tìm kiếm sau thời gian dài vắng mặt. Thuấn cảm thấy khó khăn, chàng khẽ chuyển động cánh tay. Quỳnh Như biết ý, ngửng đầu dậy, cánh tay được rút ra, Thuấn khoanh trước ngực.
"Anh đừng nghĩ ngợi, mình chỉ có một chút thời gian để sống cho nhau, những quyết định mai sau chưa tính được trong lúc này, một biến cố trọng đại nào sẽ giúp cho mình thấy được ý định có cần chung sống với nhau hay không”.
"Em quá khôn!"
"Không phải, nhưng vì là đàn bà em có linh cảm nhạy hơn đàn ông, hơn nữa em khởi đầu tai nạn này…"
"Tai nạn?"
"Tai nạn mê đắm…”
Bốn cánh tay xoắn tròn lấy thân hình chặt hơn nụ hôn không vừa đủ, phải cấu vào thịt, phải ngậm chặt vào xương, phải ép sát, cào cấu rên siết để uống cho hết lượng cảm xúc, hít cho hết hơi khoái lạc. Không đủ, thân thể như thành trì không chinh phục được, có những khoảng sâu xa xôi quyến rũ mê đắm mãi không tìm thấy… Đây rồi, thân thể có những vật dụng riêng, những quý vật thần bí và tuyệt vời.
Bằng rú gaz, chiếc xe gắn máy chạy nôn nao trên con đường đầy núi và bóng tối. Trời lạnh, sương mù, ánh đèn xe vệt một đường vàng úa trong khối không khí xám đục. Sương quá dầy không thấy gì ngoài một khoảng đường đất đỏ, xe lên dốc xuống dốc rú tiếng lớn, tiếng rú nghe nhức nhối vọng lên trong đêm khuya được gió mang đi xa len lỏi vào trong rừng dương… Tóc Bằng xoã xuống trán, bay ngược đàng sau, người chông chênh nhún nhảy theo đà nẩy của thân xe. Lâu lắm Bằng không có hành động hung bạo này, Bằng đang đi dưới chân Ngự Bình, hai bên sườn núi mồ mả mông mênh dằng dặc. Quá khứ của người Huế đưa nhau ra nằm hai bên sườn núi này. Đây là quê hương của người chết, số đông gấp đôi những người đang sống dưới thành phố. Có những ngôi mộ của năm 1900… Đến nay là 70 năm, bảy mươi năm già của nghĩa địa có bề ngang từ An Cựu qua Nam Giao và dài dài lần theo hướng Nam. Bằng ước tính chiều dài khoảng mười cây số. Ba mươi cây số diện tích đủ chỗ cho bao nhiêu người nằm xuống? Mộ trắng, mộ đen, thánh giá hay hoa sen nằm chen chúc hỗn độn dưới ánh đèn của chiếc xe gắn máy, Bằng tưởng tượng hàng trăm ngàn bộ xương người dưới đất đồng loạt đứng dậy, hàng triệu tiếng la từ khe hở của quan tài theo chân cỏ, cọng hương vang lên the thé giãy giụa. Hồn ma nào chẳng có uất ức? Người Huế có những cái chết đẹp như cụ Hường Phong sáng sớm trước khi chết tự tay pha ấm trà nhỏ, bước chậm rãi ra vườn hái bông hoa lài, một hoa cắm ở bàn Phật, một thả vào lớp nước xanh bốc khói. Cụ Hường tụng một đoạn kinh Thuỷ Sám; tiếng tụng kinh chậm rãi khoan thai rọi sáng căn nhà thờ u ám, tiếng tụng kinh lách qua chân cửa sổ sơn đỏ bay là đà trên lá ổi, lá sầu đông… Cụ Hường Phong điểm tiếng mõ nhẹ nhàng, nhẹ dần, nhẹ dần, giọng kinh chuyển sang chơi vơi mơ hồ như âm thanh rạt rào của tiên tri sóng hư vô vọng từ nơi xa. Cụ Hường chết khi rơi xong tiếng mõ cuối cùng. Nhưng người Huế cũng có những cái chết kinh khiếp, chết như bà Bộ Vĩnh, như cụ Ngáo. Bà Bộ Vĩnh giàu nứt vách đổ ngói, bà Bộ Vĩnh giàu với vàng phải tính bằng ký lô. Lụt năm Thìn rút đi, người ta đói khổ thiếu đường phải chết như năm Thân, năm Dậu, bà đem vàng ra phơi đầy sân đỏ chóe cả trời.
Nhưng khi bà Bộ Vĩnh chết không có được cái quan tài, thân thể bó trong chiếc chiếu rách buộc chặt bởi sợi dây thừng, con cái đi vắng, hàng xóm lo chạy lụt, xác bà triệu phú giàu nhất Huế nổi lềnh bềnh trong căn nhà rộng thênh thang, lũ chuột đói bò lên trú ẩn, chúng ăn vào cái phao nổi đó trong những ngày mưa gió … Nước rút đi, cái xác chết của người có vàng phơi đầy sân còn lại một đống xương nhơ nhớp. Những người chết sung sướng và tang thương của xứ Huế đều được chôn ở đây. Bằng đi qua quá khứ quê hương với một đầu óc nổ tung phẫn nộ… Bằng nghĩ đến cái nhìn của Quỳnh Như với gã lính Nhảy dù, người chàng lao đao muốn nôn khan.
Bằng biết Quỳnh Như từ thuở bé, người con gái bề ngoài lặng lẽ đó có một mơ ước kỳ lạ, nàng mơ những điều không thực, nàng ao ước được nguy biến, nàng muốn sống theo nghịch lý hỗn loạn. Sức Quỳnh Như không thực hiện được. Bằng cũng vậy, nên hai người níu kéo dày vò nhau trong không khí đặc quánh chán nản của một xứ Huế khép kín. Họ đưa nhau vào chốn ào ạt dục tình để đánh nhau từng đòn chí tử thê thảm và tuyệt vọng… "Cái quần lót đâu?…” “Lỡ có thai rồi sao?” Những phút giây biến động hạn hẹp trôi qua, phút giây bềnh bồng trong thiên đường có cường độ và kích thước, những phút giây ngắn ngủi bèo bọt đó chấm dứt thật nhanh và họ thấy lại nhau… Thấy thật rõ, loài chim cuốc vụng về lủi vào bụi cây hoang để tưởng đang thong dong trong cảnh rừng thẫm bóng. Bằng biết Quỳnh Như qua bạc nhược của mình. Gã lính xuất hiện đúng lúc.
Bằng thấy nhức mỏi, rũ rượi, có đổ vỡ toàn diện của chiếc gương soi rõ được thảm thương đời mình. Chiếc xe chạy lồng lộng, núi ban đêm xao động dưới ánh đèn quấy đục sương giăng.
Đến cổng chùa Từ Nghiêm, Bằng không tắt đèn, bẻ cổ xe để ánh đèn rọi xuống thung lũng trước cổng chùa. Đáy thung lũng tím thẫm, hàng ngàn côn trùng rả rích thê lương. Bỗng chốc tiếng rì rào buồn nản như vụt tắt, vạn vật chìm thấp xuống một vùng đen tối mịt mùng… Tiếng rì rào lạ lại nổi dậy ở một góc núi xa hơn. Bằng bấm còi xe, trong chùa có ánh đuốc, hai bóng nhỏ hiện ra dưới ánh sáng lập lòe của ngọn lửa.
"Ai đó, làm chi mà khuya khoắt rứa?"
"Tui, thầy Bằng đây hai điệu, hai điệu vô nói với thầy Trí Không có tui cần gặp, chuyện quan trọng dưới Viện Đại học”.
"Dạ". Hai chú điệu tất tả đi vào.
"Có gì vậy, anh Bằng?"
"Vâng, rất quan trọng". Bằng tắt đèn, bóng tối dày đặc, rừng xung quanh đen thẫm. Chuyện quan trọng, thật ra đến mai Bằng nói cũng vừa nhưng biến cố của buổi chiều, cuộc cãi lộn với Quỳnh Như làm Bằng lao đao, một mình đi lên núi trong đêm khuya, Bằng muốn phá vỡ hết nỗi hốt hoảng riêng ta trong lòng.
"Tôi sẽ nói vắn tắt xin thầy quyết định mau chóng. Hôm nay là hai mươi chín Tết còn một ngày nữa là cuối năm, có những biến động vô cùng quan trọng, lệnh tổng phản công được ấn định rồi, thầy không cần biết điều đó, sau giờ quân đội Cách mạng làm chủ thành phố Huế, chính quyền hiện tại, tôi ở trong Uỷ ban Thanh niên, thế nên hôm nay đến đây mời thầy gia nhập Uỷ ban đó, thầy phụ trách về thanh niên Phật tử".
"Tôi?" Đại đức Trí Không khẽ rùng mình: Thanh niên Phật tử những người trẻ tuổi hào hùng, bỗng chốc bùng lên tàn ác. Thanh niên Phật tử, Đại đức Trí Không đã thấy hôm đốt phá Thư viện Mỹ, đám tuổi trẻ quần xanh áo trắng mang dép nhào vào biển lửa, cấu xé, gào thét trên từng trang giấy, trên mỗi mẫu tự, họ say sưa cuồng sát trên đống chữ nghĩa vô tri một cách ma quái. Đại đức sẽ phụ trách dẫn dắt họ, tuổi trẻ phải có mục tiêu, nhưng mục tiêu nào của họ đây? Người Mỹ, thật ra chỉ là tên gọi tổng quát sức mạnh siêu đẳng của văn minh Tây phương. Đất nước này là nơi nôn mửa của các nền văn minh, Tàu, Ấn, Nhật, Pháp và bây giờ là Mỹ… Tất cả sự no nê thừa thãi trong lòng các thứ văn minh kia đã đổ xuống đây. Họ nôn xuống để tiêu tan cơn thặng dư khó chịu gây thành chứng choáng váng tăng máu… Đại đức Trí Không sẽ thống lĩnh đám trẻ tuổi hăng hái, đã trút giận hờn trên những trang sách ngoại ngữ khó đọc, sách mà tuần trước họ đã kính cẩn nghiêm trang xếp hàng đi mượn sách… Đại đức Trí Không sẽ làm lãnh tụ đám trẻ tuổi xôn xao ấy để nói những gì… Người Mỹ bẩn thỉu, Đế quốc mới… Chiến tranh phi nhân, chiến tranh của bọn lính đánh thuê… Cực quá thầy ơi! Trung sĩ Tròn của Tiểu đoàn mười chín Nhảy dù, loại lính tàn ác nhất của lũ Nguỵ, cởi chiếc áo, lạnh quá, hai xương vai nhô lên gầy guộc không căng nổi lớp da nhăn nheo… Tui bốn mươi hai tuổi rồi thầy… Đại đức sẽ đưa tuổi trẻ về đâu?
"Thế nào, thầy chấp nhận?"
"Nếu tôi không…"
"Thì những người chỉ huy quân đội Giải phóng sẽ suy diễn: Chùa đã cho lính Nhảy dù ở, thầy đã có những liên lạc chặt chẽ với đám sĩ quan”.
"Những điều vô lý, ai cấm được họ vào đây, câu chuyện giữa họ và tôi có liên hệ nào đến chính trị?”
"Những người chỉ huy kia không nghĩ như thầy, chùa này tồn tại hay không do quyết định của thầy!!”
"Nhưng tại sao lại chọn tôi?"
"Thầy là nhà sư trẻ có sinh hoạt gần với thanh niên, không phải tôi chọn thầy, nhưng chính Mặt trận ra lệnh tôi móc nối với thầy vào công tác".
"Bao giờ khởi sự?" Nhà sư đè xuống xao động để nói giọng bình thản…
"Thầy cứ ở chùa, đừng đi đâu, sẽ có người đến đón ngày mai hay mốt, thầy cứ giữ cây súng này".
"Tôi không biết bắn súng và để làm gì?" Đại đức Trí Không luồn hai tay vào cánh áo rộng, bàn tay siết chặt vào nhau kìm xuống cơn hỗn loạn. Nhưng không được, giọng nói đã có nét bi phẫn, người tu hành nhìn thấy một giờ phút sắp đến phải nổ viên đạn quái ác vào một người nào đó… Đại đức Trí Không thở hắt ra… "A Di Đà Phật…" Cuộc đấu tranh kinh hoàng đã đến, nhà sư gọi đấng Chí tôn sự trợ lực.
"Súng này là súng rouleau, bóp cò là nổ, có đạn sẵn trong đó. Mặt trận đã tiên liệu trước vì thầy không biết bắn súng, đáng lẽ người ta phát cho thầy loại K.54”.
Nhà sư muốn hỏi K.54 là gì, nhưng thôi, một lớp lo âu đã che lên linh hồn yên tĩnh. Khẩu súng lục ở tay, bộ áo quần tu hành không được tiên liệu để mang vũ khí, nhà sư giấu trong vạt áo nâu, hai tay ở ngoài ôm lấy… "Thôi anh Bằng về". Bóng nhà sư thẳm hơn bóng đen của rừng, đêm gió thổi luồn qua rừng dương dưới thung lũng nghe vật vã. Bằng đưa chân lên đạp máy, chàng thấy mệt mỏi thật sự.
Bằng cho xe đi chậm, lạnh cuối năm như dao cắt, buốt giá luồn sâu trong thịt xương. Bằng run rẩy đốt điếu thuốc, đóm lửa lòe lên trong đêm trông như ma trơi. Bằng nhìn đồng hồ: 10 giờ 45 phút, thở hơi khói vào sương mù. Muốn tan thành thứ khói vô tri.
10 giờ 45 phút, Thuấn chồm lên người Quỳnh Như.
"Sao anh khoẻ thế, lần thứ ba…!!!"
"Anh nhịn lâu rồi, để anh thoả thuê trên em bù lại…" Tiếng nói đứt khúc vì hai đôi môi đã gắn chặt.
"Nhẹ anh, mạnh quá đau em, em có cảm giác lên thật chậm nhưng chắc chắn khi anh nhẹ nhàng em mới có cảm giác đó”. Quỳnh Như thì thào, năn nỉ, từng tiếng động một di động khó khăn tạo thành những câu nói đứt khoảng…
"Anh tu hơn tháng nay…"
"Và trước tháng nay?"
"Cũng thế, anh thuộc loại nặng tình dục nhưng không thể ôm một thân thể khác phái nếu không xúc động. Năm năm nay anh không có sinh hoạt thú vị này… Tạm nghỉ, để luận về tình yêu?…"
"Dạ, em mệt muốn ngủ, khi có đủ em muốn ngủ, những đầu ngón tay căng cứng… Em thiếp đi thật thần diệu… Anh bảo anh năm năm nay?”
"Ừ, gái điếm chỉ đến khi quá độ chịu đựng, chóng vánh và thuần tuý của động tác cơ học để cái của anh được đụng chạm, khích động thế thôi…”
"Không qua một cô gái nào với chút tình yêu?"
"Không, hoàn toàn như thế, tuy anh lông bông nói xạo cả ngày, nhưng anh thấy già, già cằn cỗi, sau trận Đồng xoài, em biết trận Đồng Xoài năm 1965? Đấy, anh tập uống rượu sau trận đó… Rượu làm cho dục tình tăng nhưng lại chặt đứt phần tinh tế của sinh hoạt yêu đương. Rượu đốt cháy thật nhanh những cảm xúc linh diệu của động tác ái ân… Nên anh đã đi qua tuổi trẻ mình không tình yêu. Tình yêu, với số tuổi và cách thế sống lính tráng anh quan niệm hơi thô bạo. Tất cả sinh hoạt phong phú tinh thần phải được thể hiện trên ân ái, anh không đến nỗi tuyên bố được như ông nội nào đó – Chiến trường của tôi là cái giường – Anh không được như vậy, nhưng bảo anh yêu kiểu ái tình cao thượng, tặng cái hoa pensée, hỏi em có thích màu tím không, có thích nhạc Trịnh Công Sơn… Tình yêu là kết hợp của hai cô đơn!!! Những cái đó không có anh, anh là lính Nhảy dù, thực tế và cụ thể. Yêu là sống hết và cho đủ, yêu là sống trong người yêu… Hà hà, hôm nay anh luận về tình yêu kỹ quá, ra vẻ có học lắm rồi… Lấy anh điếu thuốc”.
"Suỵt, anh nói nhỏ, bà già em nghe được thì khốn".
Thuấn nghĩ thầm, nếu có thể anh yêu bà luôn. Thuấn bằng lòng với ý nghĩ mất dạy thoáng qua.
"Anh bảo năm năm nay anh không yêu nhưng trước kia thì sao?"
"Trước kia có, có một lần độc nhất, choáng váng, ngất ngư, người nặng như đá, hút chặt vào da như đỉa, một lần rồi kiệt lực luôn. Lúc đó anh mới ra trường, nửa trẻ con, nửa người lớn. Từ bao nhiêu năm trước, lúc mới ra trường, anh đã thấy mệt, mệt rõ ràng, không phải đợi đến năm nay lúc hai mươi sáu tuổi, sáu năm đi như con ma dọc hết nửa nước Việt Nam. Nhưng từ lúc mới hai mươi mốt tuổi đó, còn ham đội mũ đỏ, mặc áo hoa rằn ri, anh đã thấy trước một đời sống phiền muộn và nhọc nhằn. Hơn ai hết anh không sợ khổ, khổ thể xác chỉ là cách tôi luyện bắp thịt. Lúc học Biệt động quân, từ Ninh Hoà tới Dục Mỹ mười bốn cây số anh chạy chỉ khoảng năm mươi phút. Anh hai mươi mốt tuổi, bắp thịt dẻo dai như con ngựa rừng, cơ thể qua khổ cực dễ dàng không chút khó khăn, nhưng lúc đó anh đã thấy đời sống nhà binh khép lại từ từ, như thằng người ngồi trên nóc nhà nhìn nước lụt đang lên từng phân, từng tấc rõ ràng, nước dâng có tiếng động róc rách ngấm thành một lớp loang sẫm trên cây cột màu vàng… Hơn nữa anh không thích làm lớn, chắc chắn như vậy vì em thấy làm lớn ở đất nước này để làm gì, mở hotel cho Mỹ mướn, mở trại heo… Làm Tướng để có đủ bộ ba, phương tiện, lo hộ chuyện đó sao? Anh không ham. Hay làm lớn để đi xe bọc nệm trắng, xua quân ào ạt vào mục tiêu, trên trời có Đại tướng, Tổng thống gọi máy nói liên lạc từ trực thăng xuống để nói chuyện… “Danh dự tất cả quân lực ở trong tay anh…” “Vâng, tôi nghe rõ Mặt trời", xong anh thúc lính tiến chiếm mục tiêu, tịch thu súng 12 ly 7, súng cối 82 ly, hoả tiễn 122 ly, rồi được gắn Bảo quốc huân chương, được mấy thằng ở đài truyền hình, truyền thanh rà cái máy vào mặt để hỏi. Xin Trung tá cho biết diễn tiến trận đánh… Làm lớn để được chừng đó, anh đâu cần… ĐM, có cái thằng khoá đàn em của anh mới Thiếu uý khi được phỏng vấn hỏi đến tương lai, nó trả lời: “Ít nhất tôi phải được làm Tướng", bố khỉ, làm Tướng để được hút Craven A mua bằng tiền quỹ hoả thực, có sĩ quan tuỳ viên bật hộp quẹt thì làm chó gì, Tướng vậy là Tướng giấy…"
"Anh có vẻ cay cú?"
"Chẳng phải, nhưng anh muốn nói rõ tâm trạng của mình lúc ấy, em thấy anh đã mệt từ cuộc đua khởi đầu… Và lúc đó, đồng thời cái “tai” nạn thiên thu xảy đến…” Thuấn ngừng nói, lặng hút điếu thuốc đang cháy đỏ.
"Rồi thế nào nữa?"
"Rồi… hết, chỉ có vậy, anh bị đè cứng, hết nhúc nhích!" Thuấn dí điếu thuốc vào chiếc dĩa dùng làm gạt tàn thuốc, xoay người lại… Thôi, không nói nữa. Luận hoài, mệt… Ôm anh…"
Quỳnh Như nhích người ra. "Nhưng tại sao anh không nói rõ chi tiết tai nạn gì đấy?”
"Em không cần biết!" Thuấn lăn vào kéo môi trên phần ngực trắng hồng… Quỳnh Như bất động, nhìn lên trần nhà.
"Anh vẫn còn muốn giấu em".
"Không phải đâu, nhưng chuyện ấy không liên hệ gì đến em, đừng lộn xộn, em muốn đóng vai người tình đau đớn hả?”
"Bắc kỳ đểu!”
"Không phải, nhưng anh với em có cả ngàn ngăn cách, mình gặp nhau được bao nhiêu lâu… Từ bốn giờ chiều đến bây giờ hai giờ mười phút, chưa được mười hai tiếng, em biết để làm gì? Trước mười hai giờ này em biết anh là ai?… Ngày mai anh về chỗ đóng quân, mốt chết, em làm gì được, em khóc, đòi ngã xuống huyệt anh, đâu được, em có chồng, người ta lại đưa anh vào nghĩa trang quân đội trong Sài Gòn, em sẽ làm sao? Em lên Phú Bài nhảy tàu bay theo anh?!! Hà… hà, không phải thô bạo nhưng đó là sự thật, em với anh thấy cả khởi đầu lẫn kết cục của tình yêu. Anh yêu em, có, nếu yêu theo nghĩa gần và rõ nhất. Anh yêu em vì muốn sống cho mình thật đầy đủ, ôm em trong tay, thấy hạnh phúc nhưng rồi sẽ được bao lâu? Anh sợ khi có ý nghĩ muốn chiếm giữ em đời đời, đời đời… nghe kinh bỏ mẹ… Anh có giữ đời đời cho anh được không? Em đừng trách anh thô bạo, hãy trách đời sống, đời độc địa kinh khủng vây bọc tấn công và biến đổi anh… Thôi mệt, không nói nữa… Ôm anh, hôn nữa…” Mở trận chiến ái tình mới! Quỳnh Như im lặng, trong nụ hôn nàng thấy mặn ở môi, giọt nước mắt nào đã chảy nàng không ngăn nổi. Thuấn thở dài. |
|
|