Phế truất chức trưởng ngõ Tôi bây giờ là dân Hà Nội, ở Hà Nội gần ba mươi năm, thế đủ là chuẩn giới thiệu mình dân Hà Nội và con cái khai quê Hà Nội.
Năm 1980 tôi bắt đầu học đại học ở Hà Nội. Hằng tuần, cứ chiều muộn thứ Bảy từ trường sang nhà chị gái. Hồi đó nhà anh chị tôi ở số 17 phố Phạm Đình Hổ. Ngày đó sinh viên đói lắm, thăm anh chị và các cháu thì phần ít, phần nhiều là kiếm bữa no. Ông anh rể rất chiều cậu em vợ, những quán ngon như phở Thìn, hay mấy quán cà phê, anh đều dẫn cậu em vợ tới. Tôi biết hương vị cà phê và thuốc thơm là do anh rể dắt đi quán, cho thưởng thức.
Những lúc đói san sẻ cho nhau mới quý. Nó ngon và quý hơn thời bây giờ no đủ, rất nhiều. Anh chị tôi làm người nhà nước, tháng ba cọc ba đồng, hai con nhỏ, vẫn bao bọc cậu em. Chủ nhật tôi ăn cơm trưa xong, bà chị gái nhồi mấy cân mì sợi, chai nước mắm, ít mì chính vào chiếc ba lộn cho thằng em. Đầu những năm tám mươi, mốt của sinh viên là cậu nào cũng cố kiếm cái ba lô bộ đội, xéo hết túi phụ ngoài và lộn ra, đeo lủng lẳng trên vai, đó mới là sinh viên. Quãng một giờ trưa anh rể đèo tôi ra bến Nứa. Trên đường ra bến, bao giờ anh cũng tạt vào quán, chiêu đãi thằng em thêm trầu nữa, khi cốc cà phê, lúc cốc bột đậu xanh và anh em nhâm nhi điều thuốc lá thơm. Quãng hai rưỡi tôi lên xe buýt về trường.
Từ Hà Nội sang trường có chục cây số, hai rưỡi lên xe, mà có khi năm giờ mới sang tới nơi. Chen nhau lên xe, đợi khoảng hơn tiếng, nó mới bắt đầu rời bến, rồi lề rề bò qua cầu Long Biên. Có hôm tắc cầu, cả tiếng đồng hồ xe chưa qua nổi. Khốn nạn nhất là quãng thời gian trên xe chen nhau để chờ nó chạy. Tôi phải đi sớm cốt kiếm chỗ ngồi, còn nếu phải đứng, đành chọn nơi sát thành xe. Đứng ở đây, áp mặt và hai tay giơ ra, chống lên thành xe. Có thế đứng vậy mới chịu nổi làn sóng chen nhau, gồng tay lên mà chống.
Đói, về nhà anh chị được bữa cơm, nên ăn cố. Ăn từ trưa, hai rưỡi chiều mới lên xe, bụng vẫn no anh ách. Khi no, chen nhau mới khổ. Đúng là chen ợ mì ra và ngửi, thì đủ mùi hôi người. Nam giới còn đỡ, nữ giới chen xe, cơ cực khổ. Lợi dụng cảnh chen nhau, đám nam sinh cứ quây lấy chị em, tỵ cọ vào người ta. Nghe lại cảnh chen xe, vợ tôi bảo, một chị học ở trường sự phạm Xuân Hoà kể, có bận lên trường bị đám nam sinh chà sát, ướt cả quần, áo, lúc tới trường phải thay.
Hồi mới ra trường, dịp đang hợp đồng, tôi ở nhà chú thím. Chú tôi công tác cả tuần, chỉ về nhà ngày chủ nhật. Ở nhà có ba mẹ con và thêm thằng cháu. Ít bà thím nào tốt vậy. Lại chuyện đói và san sẻ. Sáng tôi đi làm, bà thím chuẩn bị cạp lồng cơm cho thằng cháu. Thức ăn gồm rau luộc, mấy miếng đậu và cơm. Bao giờ cạp lồng suất trưa của tôi, bà cũng đơm nhiều hơn cạp lồng cơm của bà. Suất ăn của bà chỉ có rau, còn cạp lồng của tôi thêm đôi ba miếng đậu kho.
Nhà tôi giờ ở ngã tư Vọng. Ngã tư nổi tiếng. Trước đây thời Pháp thuộc, nó là vùng ngoại ô, người ta bảo, xuống mãi cống Vọng cơ mà, gần đó là nhà thương Bạch Mai, rồi mấy nhà hát cô đầu. Coi đây là quê mới, tôi làm báo, nên từng tìm hiểu và viết vùng ngã tư này.
Phố vọng gần trại đói Giáp Bát năm đói Ất Dậu. Nhiều người Hà Nội gốc, nếu giờ qua đây, khó biết đâu là phố Làng Tám xưa. Nay nó là con đường Giải Phóng mở qua, hai bên nhà cửa san sát. Đã biết trước địa điểm ấy khó tìm, nên tôi gặp một cụ già gần tám mươi tuổi, dân gốc ở đây, nghe hỏi về trại cứu tế, cụ bảo, có biết trại ấy, nhưng bây giờ, không còn rõ.
Theo biển đề đường Giáp Bát, tôi rẽ vào làng Tám. Giờ làng Tám thành phố rồi. Dừng trước nhà thờ làng Tám, tôi tạt vào một quán nước. Trong lúc uống nước, trò chuyện, biết bà chủ và mấy nhà xung quanh đều dân mới ở đây. Vừa hay lúc đó có ông già chừng bảy mươi đi qua, bà chủ nhanh nhảu giới thiệu ông cụ là dân gốc và mời vào. Hỏi ông về cái trại cứu tế Giáp Bát, địa điểm ấy nay ở đâu, ông ớ ra, rồi lắc đầu, bảo không biết. Vâng, điều xảy ra cách nay hơn 60 năm rồi. Có thể lúc đó ông còn nhỏ, không nhớ nổi, hoặc nhà cũng trong cảnh chạy ăn từng bữa, hơi sức đâu để ý đến cái trại tế bần kia.
Ngày đó tức đầu năm 1945, khi nạn đói xảy ra, Tổng hội Cứu tế lập trại Giáp Bát để cứu người đói. Trại nằm trên khu đất rộng khoảng 25 mẫu, gồm vài dãy nhà, tổng số 32 gian. Tất cả những người đói các địa phương vào thành phố xin ăn, được gom về đây. Tổng hội kêu gọi lòng từ thiện để tổ chức nấu cháo bố thí. Vào tháng tư năm 1945 số người trong trại khoảng 5.000 người.
Về trận đói, dân nội thành ít bị ảnh hưởng hơn so với dân quê. Dù sao chính quyền Pháp - Nhật hồi đó cần bộ mặt thành phố đỡ ảm đạm, nên dân được mua gạo theo chế độ tem phiếu, lúc đó dân ta quen gọi là gạo bông. Tuy ít bị ảnh hưởng hơn, nhưng cảnh đói của kẻ quê, thì dân nội thành rất rõ. Hàng ngày dòng người đói lũ lượt kéo đi xin ăn khắp ngõ và xác người chết rải rác trên phố.
Chuyển xác đói, người ta dùng xe ba gác và xe móc. Lúc đó trên nhiều tờ báo đưa tin quyên góp thừng, chiếu, bao cói của các nhà hảo tâm để bọc xác đói. Hay xem mẩu tin trên báo Bình Minh, ra ngày 2/5/1945: "Ai thấy xác đói tại phố nào, thì thông báo cho Hội Hợp thiện ở 125 đường Henri d’ Orleans…"
Để thành phố quang quẻ, không còn người đói, chính quyền thành phố xua họ ra ngoại ô và tập trung vào hai trại, một tại Giáp Bát, một tại Cầu Giấy. Mặc dù trong trại có cứu tế, nhưng vẫn xảy ra cảnh chết đói. Thật thảm thương, xe chở gạo vào trại, lúc ra lại đưa xác đói đi chôn. Xác đói ở trại Giáp Bát và nhặt nhạnh tại phía Đông, phía Nam thành phố, gom xuống chôn ở nghĩa địa Hợp thiện, làng Mai Động. Xác bó chiếu, bao cói, có xác để trần, tất cả đổ xuống chôn chung hố.
Muốn hình dung về mức độ ghê rợn của trận đói năm 1945, hãy tham khảo công trình nghiên cứu của Tiểu ban hợp tác Việt - Nhật về nạn đói 1945 ở Việt Nam, do giáo sư Văn Tạo và giáo sư Furuta Motoo làm chủ đề tài, nghiên cứu từ năm 1991-1995. Công trình này ngoài tư liệu lưu trữ trong nước, quốc tế, các văn bản chính quyền hồi đó và báo chí, nó còn điều tra trên thực địa tại 23 địa điểm, thuộc 21 tỉnh thành, từ Quảng Trị đến Quảng Ninh.
Nhiều nhân chứng kể lại, có gia đình và dòng họ bị chết hết, nhiều xóm, làng bị xoá sổ. Một vài con số thông kê số người chết đói: Thái bình chết 28 vạn, Nam định chết 21 vạn,...
Thật là vô tình nếu sự kiện bi thương của dân tộc và bao số phận đớn đau bị lãng quên. Một tượng đài đói năm Ất Dậu rất cần phải dựng lên. Dựng để nhớ, dựng để không bao giờ dân tộc Việt này xảy ra thảm cảnh ấy nữa.
Ở vùng ngã tư Vọng, cũng cần kể thêm vài câu chuyện nữa, để nhớ về một thời nghèo khổ, lúc nào cũng đói và cái gì cũng chung.
Khu tập thể của tôi Mỹ ném nhiều bom đạn. Sau chiến tranh, năm 1973 cán bộ từ các nơi sơ tán lục tục kéo nhau về. Dân Hải Dương còn kéo lên ủng hộ, dựng mấy dãy nhà tranh. Trong khu còn đám nhà xây lỗ mỗ, cái biệt thự thời Pháp xây, cái thời ta xây.
Công trình ta xây, mang dấu ấn là mấy khu vệ sinh tập thể, dạng tự hoại. Bình thường, nếu các ống khí thông thoáng, thì chả làm sao. Đằng này nó lại tắc và có chuyện kinh hồn xảy ra. Vào một buối sớm, quãng sau năm tám mươi, chắc là tờ mờ sớm, vì ông kia phải bật diêm dò đường. Cả khu tập thể đang trong giấc nồng, choàng tỉnh giấc. Tiếng nổ long trời lở đất, dân túa ra xem, nháo nhác hỏi nhau. Bom đạn gì chăng. Hoà bình rồi sao còn bom đạn nhỉ.
Những rồi họ được giải đáp. Đó là tiếng nổ hố ga. Nơi nhà vệ sinh quang cảnh thật hãi hùng, mái tốc, phân nước vung vãi. Có cả máu.
Sau vụ này câu phát ngôn hài hước của ông nhạc sỹ Nguyên Lương được truyền khẩu nhau. Sáng ra, khi ông nhạc sỹ kia đến, thấy quang cảnh hỗn độn, buột miệng than:
- Ôi thôi! Một ngàn cái đít lại bơ vơ rồi!
Cái ông bật diêm mò mẫm, bị ga nổ toác mặt. Tai nạn nặng đến mức, sau nhiều tháng điều trị, khi xuất viện, còn hằn trên mặt ông ta toàn sẹo, dáng đi thì lệch lệch. Bị nặng vậy, mà sống khá dai, ông còn sống tiếp đến khoảng năm 2000 mới mất. Lúc sống thì độc thân, một mình thui thủi, lúc chết cũng kèn thờ, trống tế, vợ con khóc và người đến chia buồn tha thiết. Thấy bảo gian nhà của ông để lại, giá đến hai chục cây vàng!
Ngõ nhà tôi trông ra khu nhà vệ sinh này. Sau đó nó thành bãi rác của khu tập thể. Mấy nhà quanh đó suốt ngày ngửi mùi hôi thối. Ông Chu Nguyễn bạn tôi, bảo: Mỗi lần ra đổ rác, tôi thấy ngượng quá, bằng đem đổ thối vào nhà ông. Thế nên, cứ rình lúc nào ông vắng nhà, tôi mới đem ra đổ. Con tay nhà báo Lê Quốc, có mặt tôi, vẫn đổ thẳng tay.
Một Tết vào lúc trước giao thừa, có bà bày mâm cỗ gà xôi ra ngõ cúng trời đất. Thắp hương khấn khứa xong, bà này vào nhà, tàn tuần hương, định ra tạ và hạ lễ, thì không thấy cỗ đâu. Bà này im thin thít. Thành tâm cúng trời đất, các ngài hưởng rồi, ai lại chửi.
Có bà già từ quê ra chơi, mang con gà và túi quà, gồm ổi và chuối. Bà gõ cửa và hỏi nhà. Trong ngõ người lớn đi làm vắng cả, các nhà chỉ còn đám trẻ con. Bà kia hỏi đám trẻ tên chủ nhà, đám trẻ bảo đúng là tên bố mẹ chúng, chúng mở cửa cho bà vào. Bà nọ ra Hà Nội khám bệnh, định vào nhà cô cháu họ nghỉ nhờ. Bà chỉ biết mặt bố mẹ chúng, không tường đám trẻ; còn đám trẻ thấy bà nhà quê, xưng là bà họ mình, lại có túi quà to, sướng quá, xúm vào ăn. Túi ổi, chuối nhiều như thế, chúng xơi gần hết. Mấy đứa trẻ nhà hàng xóm giáp bên cứ đứng chầu mồm, chúng không cho một quả. Đến tầm tan ca chiều, bà già và vợ chồng nhà kia ngỡ ngàng nhìn nhau, vì họ không có họ hàng, không quen biết. Hoá ra bà già kia có họ với nhà hàng xóm trùng tên ở giáp bên. Quà bà mang ra đám trẻ ăn tiệt rồi, may có con gà, lũ trẻ bé qúa, chưa mang ra giết thịt. Mấy đứa cháu họ của bà nhà quê chầu mồm lúc trước, chỉ còn quà con gà, đành ăn thịt vậy.
Nhà tôi tổng diện diện tích có chín mét vuông mặt đất. Tôi mua lại, vì diện tôi không được cơ quan phân nhà. Đó là gian nhà kho cấp bốn, cưa đôi. Chín mét vuông, bố trí bếp, nơi tắm rửa và chỗ ngủ cho bốn nhân khẩu, gồm mẹ già, hai vợ chồng và con gái, lúc đó tôi chưa sinh cháu thứ hai. Trước cửa lại là bãi rác tập thể, nên lúc nào nhà cũng đóng cửa im ỉm chống mùi hôi. Sống thật ngang súc vật. Tôi nghĩ, kiểu gì cũng phải phá nhà ra ra xây lại, chỉ mỗi tội chưa có tiền.
Hồi đó dân trong ngõ tín nhiệm bầu tôi là trưởng ngõ. Tôi phân vân nhận hay không, cuối cùng quyết định nhận. Trưởng ngõ quản lý khoảng năm mươi hộ dân. Nói quản lý cho oai, chứ thực ra chỉ có hai việc. Thứ nhất là đi đến các gia đình thu đủ các loại tiền, bao gồm: tiền lao động công ích, tức tiền đắp đê, tiền ủng hộ thiệt hại bão lụt, tiền quyên góp cho người nghèo, tiền thương binh liệt sỹ, tiến góp để công an chống trộm, tiền cho các cháu thiếu nhi dịp hè,… nhiều khoản lắm. Thứ hai là hàng quý ra văn phòng uỷ ban phường họp, nghe chế độ chính sách mới, rồi tình hình chính trị, an ninh phường, quận, thành phố và cả nước. Những buổi họp đó tôi thường ra ngủ gật, vì mình suốt ngày nghe và tuyên truyền chính sách trên đài, nên nắm quá kỹ.
May đến thời tôi là trưởng ngõ, không còn phong trào vợ chồng cãi nhau, hay nhà mất cái bơm xe đạp, cái nồi cơm điện, cũng đến trình ông trưởng ngõ giải quyết. Chồng họ ngoại tình theo gái, vợ chồng đánh chửi nhau, ông trưởng ngõ hàn gắn vết thương làm sao được. Chẳng nhẽ ông trưởng ngõ đến bù đắp tình cảm cho bà vợ đang bơ vơ chăng?
Một bận các bà hội phụ nữ mời ông trưởng ngõ tôi đi dự họp, nội dung là kế hoạch hoá gia đình. Vợ tôi áp dụng rồi, nay các bà định sử dụng tôi đến từng nhà vận chị em và phát bao cao su, mình có làm được không, sợ nhất, họ vận động ông luôn ông trưởng ngõ làm gương, mang xẻo cái quý của mình đi, chỉ nghĩ tôi phát hoảng, vội vàng từ chối ngay.
Về phụ cấp, mỗi tháng trưởng ngõ tôi được hưởng sáu mươi ngàn đồng.
Tôi nhận trưởng ngõ không phải vì định cống hiến chung cho dân ngõ, mà mục đích là nhỡ ra sau này phá nhà mình ra xây, thì dân đỡ kiện. Cái mục đích đơn giản ấy cũng không xong. Ông trưởng ngõ vừa dỡ nhà, dân nửa ngõ đã xúm vào kiện, không có giấy phép xây, mà giám tự tiện phá nhà. Tôi xin, thi xin ở đâu ra bây giờ, ra đường xin ư? Lúc cần phá thì không được, lúc xây lên khang trang lại cứ đòi phá. Cũng may nhà tôi xây xong không bị dỡ, dù dân trong ngõ dân kiện hăng lắm. Tôi phải mất công, mất của lên trình bày hết lượt với ông phường, ông quận. Dân mình rất buồn cười, chỉ thích cùng khổ chung thôi, nghĩa là ai ai cũng khổn mới vui, mới hoà mình và có tính sống cộng đồng cao.
Sau khi tôi phá nhà mình, dân trong ngõ không tín nhiệm tôi nữa, họ họp lại, đồng thanh phế chức trưởng ngõ của tôi. Tôi chả tiếc, vì mục đích không kiện đã không xong. Thôi thì ai muốn kiện cứ kiện, gọi là tôi thành anh chí rồi.
Nay nhà tôi xây bốn tầng, cao chót vót, như cái tháp áp - phen chống giời. Tôi cứ đùa rằng, nó động đất cỡ ba, bốn độ rích te, đổ là cái chắc. Giờ thì cả ngõ, cả khu, cả thành phố đồng thanh dỡ nhà ra xây, chẳng ai còn thời gian kiện cáo nhau nữa, ai cũng dỡ nhà, ai cũng xây, thành phố đâm khang trang. Song nghĩ, hơn mười năm trước, tôi là tốp người tiên phong, đang lý phải được ghi công chứ! |
|
|