Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
» Tơ Hồng Vương Vấn Tác Giả: Hồ Biểu Chánh    
    Vĩnh Xuân bỏ nho học mà theo tân học, phải lãng lơ nề nếp cổ truyền đặng chăm chú tập học thức Tây Âu, là tại nghèo. Phải đuổi theo tân học mới giải thoát cái nghèo được, mà trả nợ sanh thành và thỏa mãn ân tình.
    Cả hai mục đích đều quan trọng, vì một là hiếu, hai là tình: phải đạt cho được cả hai mục đích ấy thì nợ đời mới trả xong, ân tình mới vẹn vẻ.
    Đi học lần nầy, Vĩnh Xuân được biết Cúc Hương chẳng những lo lắng cho cậu, mà ở nhà cô còn chăm nom giúp đỡ luôn cho mẹ già nữa, bởi vậy lòng cậu nhẹ nhàng, quyết chí học cho thành công rỡ ràng, cho xứng đáng vơi mỹ ý của người yêu đương mong mỏi.
    Cậu tận tâm nỗ lực học ngày học đêm, học đặng lấy danh một trò giỏi nhứt, trong lớp không có một bạn nào theo kịp. Thiệt quả nửa năm sau, Vĩnh Xuân học giỏi hơn hết trong lớp, thi môn nào cậu cũng giựt giải nhứt luôn luôn.
    Còn vài tuần rữa thì bãi trường, trên phòng văn của ông Đốc Học người ta soạn những bài thi đặng lập sổ phát phần thưởng. Một giáo sư, người Pháp, yêu Xuân, ông lấy sổ phần thưởng mà biên rồi cho Xuân coi. Xuân được một phần thưởng danh dự, một phần thưởng giải nhứt, và tám phần thưởng theo bài thi: hạng nhứt đủ các nôn, Pháp văn, toán pháp, địa dư v. v.
    Xuân lấy làm vui lòng thấy công lao cố gắng của mình kết quả mỹ mãn,. kết quả quá hy vọng một năm nay,
    Gần tới bãi trường, các giáo sư đã dạy bài vở dứt hết rồi, nên vô lớp mấy ổng giảng. bài ngoại chương trình cho học trò nghe chơi. Có khi mấy ổng cắc cớ hỏi Xuân một hai chuyện chưa dạy tới. Xuân suy nghĩ rồi trả lời trúng, thì mấy ổng khen ngợi, làm cho Xuân được thêm danh giá rất cao.
    Còn 12 bữa nữa phát phần thưởng rồi bãi trường. Chánh nhằm ngày rằm tháng 11 theo âm lịch, còn theo dương lịch thì là 12 tháng chạp. Ngày ấy lại nhân chủ nhật, không có học. Vĩnh Xuân đọc sách và nói chuyên chơi với các bạn tối ngày. Đêm ấy cậu khỏe trí vui lòng, không còn lo việc chi hết, chỉ trông cho mau tới ngày bãi trường. đặng ồm sách thưởng về cho mẹ già phỉ chí và người yêu an tâm.
    Giữa lúc Vĩnh Xuân với học trò cả lầu đều ngon giấc, tư bề vắng vẻ, trên dưới im lìm, thình lình Vĩnh Xuân thấy Cúc Hương hiện ra đứng trên đầu giường của cậu, đưa tay vỗ mặt cậu và kêu mà nói: "Anh Xuân ! Anh Xuân ! Thức dậy đặng em nói cho anh hay: Em chết rồi. Chừng nào anh về, anh ra nhà chị Hai Tỷ, chỉ sẽ thuật chuyện tại sao em chết cho anh nghe. Anh đừng buồn rầu, cứ lo học tập cho thành công, theo như lời anh đã hứa với em. Về phần em thì đã sắp đặt sự giúp đỡ cho anh ăn học đủ bốn năm. Anh khỏi lo việc đó. Em chết oan ức lắm. Em sẽ xuống Diêm đình em kiện về vụ người ta phá căn duyên của đôi ta. Em yêu cầu Diêm Vương cho phép em theo phò hộ anh ăn học cho nên danh và chấp nối chỉ điều của đôi ta lại. Vậy anh cứ lo ăn học. Chết cũng như sống, sẽ có em ở một bên anh luôn luôn. Anh đừng lo, chẳng sớm thì muộn thế nào đôi ta cũng sẽ sum híệp. Thôi, em cho anh hay một chút đó thôi, em mắc đi kiện, em ở lâu nữa không được. Em chào anh".
    Vĩnh Xuân lồm cồm ngồi dậy, đưa hai tay ra chụp Cúc Hương. Hai cái đèn treo trên lầu giọi yếng sáng khắp các hàng giường, nhưng Vĩnh Xuân không thấy hình dạng Cúc Hương, không biết cô đi ngả nào, chỉ giọng cô nói vẫn còn nghe văng vẳng bên tai.
    Trời đã lập đông, đêm khuya mát lạnh, thế là Vĩnh Xuân đổ mồ hôi dầm dề, chảy nước mắt ướt mặt. Cậu ngồi ngó trân tứ phía, nửa mệ, nửa tỉnh, dường như kẻ mất trí, mất thần.
    Cúc Hương chết ! Cúc Hương chết rồi hiện hồn kiếm mà cho mình hay ! Tại sạo lại chết ? Không có lý. Chết rồi thì làm sao mà nói đài như vậy được. Mình không nên tin. Chắc là mình cứ mơ tưởng Cúc Hương, nên chiêm bao thấy cô, chớ không phải thiệt sự.
    Mà chiêm bao thì thấy Cúc Hương hoặc ngồi buôn bán, hoặc nói chuyện với mình, chớ sao lại thấy cô kêu mình mà cho hay cô chết. Cô lại biểu chừng về thì hỏi chị Hai Tỷ, chị sẽ thuật chuyện cho mà nghe. Mình có nghĩ đến sự cô chết hồi nào đâu nên chiêm bao thấy cô chết.
    Nếu thiệt quả.Cúc Hương chết, thì mình làm sao mà học cho tới cùng. Mà học thêm nũa để làm chi ? Mình vì cô nên học thêm đặng lập thân cho cao để tạo hạnh phúc gia đình mà chung hưởng với cô. Nếu cô chết, mình xây hạnh phúc gia đình đặng hưởng với ai mà học nữa. Trả thảo cho mẹ, mình làm giáo tổng cũng có lương đủ nuôi mẹ ấm no, cần gì phải học cho nhiều mà bỏ mẹ ở nhà nghèo nàn cực khổ.
    Nhưng không có cớ gì mà tin Cúc Hương chết được. Cô yêu mình, cô tin có lời ông Tơ mách bảo nợ duyên, cộ lại ép đến trước ông Quan Đế mà thề nguyền nữa. Cô cương quyết là vợ chồng với mình, vì vậy nên cô nới giúp tiền cho mình học thêm cho cao, cô mới lãnh chăm nom mẹ mình đặng mình yên lòng khỏe trí mà học cho tinh tấn. Cô nuôi hy vọng, thấy có mòi thành tựu, chớ có điểm nào gieo rắc nghi ngờ đâu mà thất trí đến nỗi quyên sinh Không có lý mà tin Cúc Hương chết được. Chiêm bao mộng mị, không nên tin bậy mà buồn rầu.
    Vĩnh Xuân lấy khăn lau nước mắt rồi nằm lại, tín ngủ cho khỏe, không thèm nhớ chuyện chiêm bao nữa.
    Tư bề vẫn im lìm. Canh khuya vẫn vắng vẻ. Trăng rằm vẫn thinh thinh.
    Tuy Vĩnh Xuân nghĩ chiêm bao không đáng tin, song nằm nhắm mắt thì cậu thấy hình dạng Cúc Hương cứ vởn vơ trước mặt, cậu nghe lời Cúc Hương nói cứ văng vẳng bên tai, cậu bồi hồi trong lòng hoài, không thế ngủ được.
    Cậu nhớ Cúc Hương dặn chừng về thì ra nhà chị Hai Tỷ, chị sẽ nói cho biết tại sao mà cô chết. Cô lại biểu học tiếp cho nên danh, đừng buồn rầu mà bỏ dở đường công danh. Cô lại nói cô đã sắp đặt mà giúp cho cậu học đến cùng. Vậy phần cậu cũng phải giữ lời không được để thất ước. Cô lại còn nói cô đi kiện, đi thưa, thế nào vợ chồng cũng sẽ sum hiệp, đừng lo chi hết.
    Nếu Hai Tỷ biết duyên cớ về cái chết của Cúc Hương, sao chị thương Cúc Hương như em, mà chị không ngăn cản, không lập thế giải cứu, lại để cho Cúc Hương chết ?
    Nếu Cúc Hương sắp đặt để giúp cho cậu có phương thế học đến cùng đặng lập thân thì tự nhiên Cúc Hương biết trước cô phải chết. Đã yêu cậu nên lo xa như vậy, sao lại bỏ mà chết? Phải cô mang bịnh đau trầm trệ nhiều ngày, nên cô biết sắp chết hay sao mà cô lo lắng trước như vậy?
    Cúc Hương nói cô đi kiện với Diêm đình, cô chết có oan ức gì hay sao mà thưa kiện ? Mà thưa kiện ai ? Ai làm cho cô phải chết hay sao mà cô kiện ?
    Mà cô đã chết rồi, sao cô còn nói chuyện sum hiệp, cô dặn đừng buồn, đừng lo.
    Chuyện gì mà thắc mắc quá, hiểu làm sao cho được.
    Vĩnh Xuân cho là chuyện mộng mị không đáng tin, tuy vậy cậu vẫn nằm trăn trở hoài, ngủ không được. Cậu nằm mỏi rồi thì cậu ngồi dậy, mà ngồi cũng như nằm, trong trí cậu cứ nhớ điềm chiêm bao kỳ quái đó hoài, nên cậu thức luôn tới sáng.
    Trót mấy ngày sau cậu cử ngơ ngẩn, trong mấy giờ chơi cậu cứ thơ thẩn đi riêng một mình, biếng nói chuyện; hết vui cười, học hạng nhứt trong lớp sẽ lãnh sách thưởng cả chồng, nhưng cậu bớt mừng, bớt khoái, cứ trông cho mau tới ngày bãi trường đặng về coi chuyện chiêm bao thiệt giả lẽ nào.
    Trông thì lâu, mà rồi cũng tới. Sớm mơi 24 tháng chạp đương lịch, trường làm lễ phát phần thưởng. Vĩnh Xuân lãnh một mình tới mười quyển sách bìa đỏ, quyển lớn có, quyển nhỏ có, quyển nào cũng tốt đẹp vô cùng. Trong lúc vinh diệu được ông Đốc Học, mấy giáo sư cùng quan khách ngợi khen thì Vĩnh Xuân hân hoan, mà chừng ôm sách lên phòng ngủ, sực nhớ lại điềm chiêm bao thì sự hân hoan đó tiêu tan, rồi trong lòng bắt ngậm ngùi áo não.
    Lúc ăn cơm trưa có huấn lịnh của ông Đốc Học truyền xuống rằng tuy chiều mới bãi trường, nhưng sách đã góp rồi, mà phần thưởng cũng đã phát rồi, vậy buổi chiều học trò được thong thả đi chơi, hoặc muốn đi về cũng được.
    Vĩnh Xuân muốn về gắp. Ngặt buổi chiều không có đò phải chờ đến sáng bữa sau đi mới được. Buổi chiều cậu lo gói sách, gói tập, xếp áo quần để vào rương. Đến 5 giờ chiều cậu mới ra bến chợ, kiếm đò mà hỏi cho chắc coi sáng bữa sau đò lui giờ nào.
    Vĩnh Xuân kiếm không có đò Chợ Giồng mà lại thấy có đò Chợ Dinh. Cậu hỏi đò Chợ Giồng lên chưa tới hay sao ? Chủ đò Chợ Dinh nói đò Chợ Giồng đã nghỉ đưa cả tháng rồi và khuyên cậu đi đò bao nhiêu và về tới Chợ Dinh mấy giờ.
    Chủ đò nói: "Đò của tôi một bữa lên, một bữa xuống. Sáng mai lối 8 giờ rưỡi đò lui; chừng 2 giờ, có trễ lắm là 3 giờ thì về tới Chợ Dinh. Tiền đò 4 cắc. Tới Chợ Dinh cậu mướn xe ngựa vô Chợ Giồng, đi một mình thì 4 cắc nữa".
    Vĩnh Xuân gặc đầu nói sáng mai, lối 8 giờ, cậu sẽ chở rương ra mà đi.
    Đêm ấy nhằm lễ Giáng Sanh (Noel). Trước nhà thờ Thiên Chúa giáo người ta treo đèn đủ màu. Mà mấy nhà có đạo cũng kình nhau đốt đèn coi cho đẹp. Ngoài đường thiên hạ đi coi đèn dập dìu, phần đông là nam thanh nữ tú, y phục nhốn nha, vui cười ngã ngớn.
    Hồi chiều duy có học trò ở Mỹ Tho thì ra trước. Học trò gốc ở Tân An, Sài Gòn và Chợ Lớn thì đi xe lửa cũng về rồi. Còn lại số đông thì chờ bữa sau có tàu, có đò hoặc có xe mới về được. Mấy cậu sửa soạn áo quần rồi rủ nhau đi coi lễ rần rần. Vĩnh Xuân soạn đồ mà gói đặng sáng chở đi cho gọn.
    Vính Xuân nóng lòng muốn về cho mau. Cậu nằm dàu dàu, được phần thưởng nhiều hơn chúng bạn mà không mừng, gặp lễ Giáng Sanh mà cũng không chịu đi xem chơi với chúng bạn.
    Sáng bữa sau, mới 7 giờ, Vĩnh Xuân đã kêu xe kéo chở rương, sách, chiếu, mền đem xuống đò. Cậu đi ăn cho no bụng, rồi nhớ lần trước mẹ ăn bánh mì lạp xưởng mẹ khen ngon, cậu cũng mua vài cặp lạp xưởng, vài ổ bánh mì với thèo lèo và trà tàu đem về cho mẹ.
    Chủ đò nói không sai. Hai giờ rưỡi đò về tới Chợ Dinh. Vĩnh Xuân lên mướn xe ngựa đi Chợ Giồng. Họ đòi 5 cắc. Cậu gấp đi không thèm kèn cựa, biểu bắt kế xe đem liền lại bến đò rồi chở đồ mà đi.
    Bà Hương văn Thanh thấy con về bà mừng, nên lật đật bước ra hỏi: "Con về ngả nào mà đi xe ngựa ? Con mướn xe ở trên Mỹ Tho đưa con về đây hay sao ? Đò Chợ Giồng thì hết đưa gần một tháng nay làm má lo quá, không biết bãi trường con làm sao mà về".
    Vĩnh Xuân vừa xuống xe vừa nói: "Con về đò Chợ Dinh, rồi mướn xe ngựa về đây".
    Bà Hương văn nói: "Có đò Chợ Dinh, vậy cũng tiện".
    Anh Xa phu bưng rương và đồ đạc xuống. Mẹ con bà Hương văn rước xe vô nhà. Vĩnh Xuân lấy tiền trả tiền xe và cám ơn. Anh xa phu từ giã lên xe mà đi.
    Vĩnh Xuân lột nón và cởi áo bỏ trên ván rồi hỏi mẹ:
    -Cô Tư, con của Hia Mỹ, buôn bán gạo ở đầu cầu sắt, cô chết rồi phải hôn má ?
    -Ừ, sao con hay ?
    -Con đi đò con nghe họ nói.
    -Con đó học chữ nho với ông Giáo Huân đó mà. Nó chết chừng mười mấy bữa rồi.
    -Trời đất ơi ! Thiệt vậy hay sao má ?
    -Thiệt chớ.
    Vĩnh Xuân kéo ghế mà ngồi rồi hai tay bụm mặt khóc rống lên.
    Bà Hương văn ngạc nhiên nên bước lại gần mà hỏi: "Con quen với nó nhiều lắm hay sao, mà nghe nó chết con khóc dữ vậy ?"
    Vĩnh Xuân cứ khóc, cậu không trả lời.
    Bà Hương văn tuy không biết tâm lý học, song thấy con đương buồn thảm bà không hỏi nữa, để cho con khóc đặng nguôi bớt nỗi lòng rồi sẽ nói chuyền.
    Bà đi ra sau, tính nấu cơm cho con ăn vì đi từ sớm mơi tới giờ chắc ăn bánh chớ chưa có hột cơm trong bụng.
    Vĩnh Xuân không dọn dẹp hành lý, cứ ngồi khóc rất lâu, rồi chống tay trên bàn mà ngó ra ngoài lộ, mặt.buồn hiu, trí suy nghĩ.
    Bà Hương.văn thấy cơm cạn rồi bà mới trở ra trước, coi con đã hết buồn rầu hay chưa.
    Vĩnh Xuân thấy mẹ liền hỏi:
    -Má có biết cô Cúc Hương đau bịnh gì mà chết vậy không má?
    -Tên nó là Cúc Hương hay sao ?
    -Cô học chữ nho với con tại trường ông Giáo Huân. Thầy con thấy cô học giỏi nên đặt hiệu Cúc Hương cho cô, để kêu cho thanh nhã.
    -Má biết mặt nó, chớ không quen. Má nghe họ nói cha mẹ nó ép gả nó cho con nhà giàu nào đó ở trong Vĩnh Hựu. Nó không chịu. Hia Mỹ đánh đập rúng ép. Nó tức trí nên tự vận mà chết.
    -Vậy à ! Má nhớ cô chết bữa nào hay không ?
    -Má không nhớ nổi. Chừng mười mấy bữa chớ không lâu, nhưng không biết chắc bữa nào.
    -Con xin thưa thiệt cho má rõ: cô Cúc Hương là tình nhơn của con. Con với cô có đến chùa ông Quan Đế thề nguyền kết nghĩa vợ chồng với nhau. Cô lo buôn bán mà nuôi con ăn học. Chừng nào con học nên đanh rồi con sẽ cưới cô.
    -Vậy hay sao.?
    -Thiệt vậy, con nói giấu với má rằng chị Hai Tỷ bao cho con chớ thiệt là cô Cúc Hương. Cô đã đưa 15 đồng cho con đi học năm nay đó. Hai bộ quần áo may cho con đó là của cô, mà vóc xuyến chị Hai Tỷ đem cho má đó cũng của cô nữa.
    -Trời Phật ơi ! Nó thương con tới như vậy lận sao ? Nó đã lo lắng cho con ăn học mà nó còn lo cho má nữa.
    -Cô sợ má nghèo nàn rách rưới, con buồn con bỏ học để ở nhà làm thầy giáo mà nuôi má. Bơi vậy cô lãnh giúp đỡ luôn má nữa. Cô sợ mang tiếng, nên phải cậy chị Hai Tỷ ra mặt làm giùm.
    -Hèn chi con Hai Tỷ dặn má nếu có thiếu hụt, hoặc có chi bối rối, thì cứ cho nó hay, nó sẽ giúp má. Mẹ con mình nghèo, mà có người thương yêu, lo giúp đỡ như vậy thì may quá. Con nghe nó chết con khóc phải lắm. Bây giờ má hay cuộc tình duyên của con vỡ lở má cũng động lòng. Cha chả, con còn học tới ba năm nữa. Cúc Hương chết, con làm sao mà học tiếp cho được.
    -Con bủn rủn tay chưn, tán loạn đầu óc, con hết muốn học hành gì nữa.
    Vĩmh Xuân bước lại ván mở gói sách phần thưởng trình cho mẹ coi và nói: "Vì con mang nặng ân tình của Cúc Hương nên trót một năm nay con cố gắng học ngày, học đêm, không thèm vui chơi chi hết. Con thành một học trò giỏi nhứt trong lớp, cuối năm con mới được lãnh phần thưởng nhiều đây. Chớ chi con biết trước sẽ có việc đau khổ như vầy, năm ngoái con xin làm giáo tổng đặng giúp đỡ má, khỏi học thêm một năm mà Cúc Hương cũng khỏi bực tức đến tự tử".
    Vĩnh Xuân nói tới đó rồi khóc nữa.
    Bà Hương văn nói:
    -Tại vợ chồng Hia Mỹ ham giàu ép gả con nên mới sanh tai họa. Để thủng thẳng nghe coi ép gả cho con nhà giàu nào ở đâu và ép cách nào mà con nhỏ bực trí đến tự vận.
    -Để tối con ra thăm chị Hai Tỷ, con hỏi lại cho rõ ràng rồi sẽ liệu.
    -Ừ chắc con Hai Tỷ biết rõ.
    -Đêm rằm tháng 11 nầy con ngủ, lối nửa đêm con mơ màng thấy Cúc Hương đứng trên đầu giường vỗ mặt kêu con mà nói cô đã chết rồi, cô biểu con về hỏi chị Hai Tỷ thì sẽ biết tại sao cô chết. Cô khuyên con cứ tiếp tục học, đừng buồn rầu, đừng thối chí. Cô đã sắp đặt giúp con học đến cùng theo như lời cô đã lứa với con. Vậy con phải học cho nên danh đặng sau vợ chồng sum hiệp.
    -Chết rồi mà sum hiệp nỗi gì ?
    -Con không hiểu tại sao cô nói kỳ cục như vậy. Con không tin. Con cho chiêm bao là mộng mị. Chừng về đây nghe má nói Cúc Hương tự vận, còn chết điếng. Thiệt con không dè ở nhà có việc rắc rối bất ngờ như vầy. Con không có nghĩ đến chuyện cha mẹ cô ép gả cô rồi cô tự vận. Cha mẹ gả, cô không chịu thì thôi, chớ sao lại hủy mình đi. Giận mà làm như vậy thì thiệt thân mình, chớ có hại cho ai.
    -Con không nên trách nó. Cha nhẹ biểu mà nó không vâng lời sao được con.
    -A ! Tại "Tam tùng" nên Cúc Hương chết. Con hiểu rồi !
    Vĩnh Xuân khóc nữa.
    Bà Hương văn nói: "Cơm chắc chín rồi. Để má đi hâm đồ dọn cho con ăn rồi ra hỏi con Hai Tỷ cho rõ công chuyện. Vĩnh Xuân mở gói bánh mì lạp xưởng, trà tàu và thèo lèo đưa cho mẹ.
    Bà Hương văn đem để hết trên bàn thờ, chỉ lấy một ổ bánh mì với một cặp lạp xưởng đem vô trong đặng nướng lạp xưởng mà dọn cơn.
    Vĩnh Xuân tính ăn cơn rồi thì đi thăm Hai Tỷ liền, nên cậu không thay đồ mát. Cậu đi qua đi lại mà suy nghĩ. Thầy mình thường nói nho học giúp cho con người nắm giữ thuần phong mỹ tục. Cha chả, đàn bà con gái nếu giữ cho tròn tam tùng tứ đức thì có khi nguy hại quá. Cúc Hương cảm nhiễm nho giáo, cô bị câu: "tại gia tùng phụ" cô không được phép trái ý cha mẹ, nên cô bối rối, không biết làm sao cho khỏi lỗi với cha mẹ, mà cũng khỏi thất ước với mình. Chắc tại như vậy nên cô quyên sinh cho trọn hiếu vẹn tình chớ có gì đâu. Người học giỏi, học nhiều, biết trọng nhân nghĩa, biết suy thấp cao, nhiều khi xử sự không bằng kẻ thất học, họ cứ do tình cảm, hoặc do lợi danh, mà làm liều rồi họ được việc.
    Bà Hương văn bưng mâm cơm ra để trên ván rồi kêu con lại ăn. Vĩnh Xuân kéo ghế lại ngồi ăn với mẹ, mà vì trong lòng đau khổ, phải ăn cho đỡ đói, chớ không biết ngon chút nào hết. Cậu rán ăn cho hết chén cơm của mẹ xúc, ăn thêm một khúc bánh mì với lạp xưởng nữa, rồi buông đũa đi uống nước.
    Hồi mới về, Vĩnh Xuân tính đợi tối rồi sẽ ra nhà Hai Tỷ hỏi thăm vụ Cúc Hương. Nhưng nghe mẹ nói Cúc Hương bị cha mẹ ép gả cho con nhà giàu, cô không chịu, nên cô tự tứ, thì cậu nóng nảy quá, muốn biết chuyện cho gấp. Bởi vậy ăn cơm rồi, mặt trời chưa lặn mà cậu mặc sắc phục của nhà trường và trình với mẹ mà đi, thầm nghĩ cúc Hương vì mình mà dám chết, thì mình không được phép sợ thiên hạ đến dụ dự không đám đi hỏi thăm. Bây giờ mà còn sợ ai nữa.
    Bà Hương văn đứng trong cửa ngó theo con, thấy bộ con áo não lửng lơ, thì bà châu mày, thương ái tình của con vỡ tan, mà tương lai của con cũng sụp đổ.

Xem Tiếp Chương 9Xem Tiếp Chương 27 (Kết Thúc)

Tơ Hồng Vương Vấn
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Đang Xem Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
  » Xem Tiếp Tập 24
  » Xem Tiếp Tập 25
  » Xem Tiếp Tập 26
  » Xem Tiếp Tập 27
 
Những Khác