Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Hà Nội - Tình Nhân ( Phần II ) Tác Giả: Nguyễn Hiếu    
    Nói về hình thức bề ngoài thì kể từ cụ Cai Tiên, bố đẻ của hai ông Cả Biên và ông hai Tuy hất lên hai ba đời nữa có thể xem là không được ưa nhìn lắm. Da thiết bì, mặt vuông gần như miếng gạch bát, chân tay lại ngắn ngủn, đen xạm. Gia cảnh cũng không thể coi là nghèo nhưng cũng không thể xếp vào loại giầu với hơn mẫu ruộng ngòai đồng, một mái nhà lợp giạ bốn gian hai trái cùng gian bếp và chuồng nuôi bò lợn gà khuôn lại quanh khu sân đất có hàng cau liên phòng cao lênh khênh và chiếc bề nước ngót nghìn gánh. Vườn cũng chẳng ra vườn khi chỉ là những rẻo đất quanh nhà và bếp được bó lại bằng hàng râm bụt sơ xác trồng dong giềng và một vài cây ớt chỉ thiên hoang. Chả biết dòng họ Nguyễn Văn của cai Tiên trước đây gốc tích ở đâu chỉ biết đến đời cai Tiên thì đã được coi là người gốc rễ ở cái làng Phùng Quang này. Cũng chẳng rõ là gốc gác có theo đạo hay không nhưng đến đời cai Tiên thì coi như là nhà có đạo gốc. Chỗ trang trọng nhất và được coi như linh thiêng nhất trong nhà thì treo đầy mẫu ảnh và tượng Chúa Giê su tuẫn nạn trên cây thánh giá. Chuỗi mẫu ảnh lúc nào cũng có mạng nhện chăng diễn tích sáu ngày khổ hạnh của Đức Chúa con, ảnh thiên thần có cánh rước thánh giá, ảnh thánh Phao lồ… Kể ra nhà cai Tiên cũng khó mà khá được khi ở căn làng nhỏ thuần nông thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông cũ này đa phần là dân theo đạo. Dân theo đạo Phật mà người ta quen gọi là dân bên đời chỉ chiếm khoảng trên dưới hai ba mươi nóc nhà đa phần nằm gần mạn phía ngoài rìa làng, nơi ngày ngày đến quá xẩm tối tầu điện chạy leng keng từ mạn Ngã tư sở nhan nhản nhà lục xì chứa đầy bọn gái điếm cùng đám cờ gian bạc lận tá túc và tác yêu tác quái đến thủ phủ tỉnh Hà đông. Nhìn vào ảnh thấy ông bà, rồi bố mẹ của cai Tiên, nhất là phía đàn bà con gái cũng chưa phải là những người có khuôn mặt giống như mặt Đức mẹ Đồng trinh. Đã là đàn bà, con gái theo đạo thì mũi phải thẳng, nhọn khiến mặt như nhô hẳn về phía trước khắc hẳn khuôn mặt bầu bầu bánh đúc, dái tai dầy và tù của những người đàn bà bên đời lúc gặp điều vất vả kể cả khi chồng say hay uất ức việc gì ngoài đường về giải cơn đều trút vào vợ bằng thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Những lúc ấy đàn bà bên đời chỉ biết "lạy trời lạy phật "để khi về già lại suốt ngày lần tràng hạt cầu kinh tuy vẫn nhằng nhẵng sống trên đời với con cháu nhưng lòng dạ đã mong muốn được hầu dưới toà sen. Những người đàn bà theo đạo cũng có đôi mắt gần như rập theo đôi mắt dài, nhỏ, luôn nhìn xuống của Đức mẹ đồng trinh. Hồi trẻ khi chưa vượt ra khỏi luỹ tre làng để ăn vào đũa thiên hạ, Cai Tiên còn là gã thanh niên ngù ngờ. Cơm rưới tương và chan nước bể nhộm nhoạm ăn với cà xé thì Cai tiên (hồi đó còn gọi là cả Tiên)khi ra giàng cũng có để ý đến một cô gái hình như có tên là Pháo thuộc dân đi đời ở ngoài dìa làng. Cô này từ khuôn mặt đến lòng dạ hiền lành và phúc hậu lắm. Qua ý tứ Pháo xem chừng cũng có vẻ hơi ưng Cả Tiên. Cũng dễ hiểu thôi. Cái giống con gái ở thôn làng cách đây hơn thế kỉ thì biết gì đến vẻ đẹp và sự hào hoa. Khi biết mặc yếm một chút chỉ thấy con trai con gái dù xấu dù tốt cũng phải kết thành một đôi nhận phần đất bố mẹ chia ra để vẩy cái nhà hay nói đúng hơn là túp lều ở tạm trên nền đất ấy, rồi sinh con, đẻ cái cho chúng nó ăn lớn lên, trong khi mình thì thành ông thành bà rồi sửa soạn cỗ hậu sự chờ ngày nghe kèn "tò te… ". Thế là xong một đời. Chỉ có điều oái oăm hai nhà lại theo hai thứ đạo linh thiêng khác nhau. Thế cho nên đâu như có lần cô cậu gặp nhau trong lúc xẩm tối của một chiều vào mồng năm tết. Lúc ấy đình làng chưa hạ cây nêu thì cô đã sụt sịt bảo cả Tiên là" tôi rất quí anh, nhưng bố mẹ tôi không thể gả tôi cho anh vì nhà anh đi đạo". "Theo đạo thì đã làm sao? Cả làng này đều thế chứ mình gì nhà tôi". Cả Tiên chạnh lòng bênh bố mẹ. Pháo không nói gì bởi ả vốn ít nhời song hình như từ đấy có ý khác đi nhiều. Sau lần đó hai người cũng vẫn còn gặp nhau ở những chỗ đông người nhưng rồi tình cứ nhạt dần cho đến lúc cô Pháo này được gả cho con một nhà phú ông ở làng Cót mạn Cầu Giấy. Lấy tấm chồng này về tiền của thì Pháo chả phải lo nghĩ gì vì bố chồng Pháo còn cho cậu ruột của Pháo vay đâu như năm, sáu đồng từ hồi hai người đi hội Chùa Đăm. Thế nghĩa là nhà ấy có bát ăn bát để. Bởi nhẽ ngoài việc nhà chồng Pháo có gần hai mẫu ruộng thì lại có thêm nghề đan lát nong nia, dần sàng. Bố mẹ cô Pháo cũng chẳng phải lo nghĩ gì về sự vênh nhau trong thờ cúng vì nhà bên chú rể có ông nội đã từng là từ đình làng Cót. Chỉ duy có điều đến khi đến đón dâu cô Pháo mới giật mình vì chồng cô là một đứa trẻ khèo cả chân lẫn tay, mồm luôn luôn há hốc liên tục để giãi chẩy ra hai bên khoé mép tạo thành vệt trắng bợt phía dưới khuôn mặt dài thưỡn ngô nghê. Cái đầu to tướng lởm chởm tóc luôn nghếch lên kiểu như bọn trẻ con chuyên mang súng cao su đi bắn chim bồ câu trộm. Khi nhà giai đến rước dâu thì cả Tiên đang đi bừa. Thấy có đoàn người kéo dài đi đầu là các vị quan viên áo thụng tím, tay dơ cao bó hương cháy âm ỉ đi vào cổng làng. Tiếng người huyên náo rầm rĩ ngoài mấy ngõ của cánh dân đi đời kề gần đình thì cả Tiên liền cột bò vào cây ruối cụt trên gò chạy ào đến phía rạp đám cưới. Cậu cả mướt mải chen chen lấn lấn mãi mới chui qua được vòng người đang đứng vòng trong vòng ngoài. Ngay lập tức cả Tiên rùng mình khi nhìn thấy chú rể. Thế này thì còn trời đất nào nữa. Tưởng nhà nó kén được thằng con rể nào ra hồn hơn ông vậy mà bây giờ. Đúng là nhà mày thật vừa đểu vừa ngu vừa khinh người rẻ của Thật quá lắm. Chẳng còn ra thể thống, đầu xuôi đuôi ngược gì. Chẳng còn coi người làng người nước đi chung một cổng làng, hưởng chung làn gió bụi tre nữa. Đúng là cái đồ có mắt mà như mù. Người thế này mà cũng gọi là đàn ông, con trai ư. Con bé Pháo trông thế kia mà lại rơi vào tay thằng dặt dẹo thế kia à. Cả Tiên mấy lần định gào lên hay ít ra đến bấm cho đến tím bầm, dứt da rứt thịt con ranh ngu đần kia. Nhưng rồi cứ như người bị ma làm gã quanh quẩn chui hết chỗ này sang chỗ khác trong cái đám đông người hôi xì mùi hôi nách, mồ hôi và bụi đường, cuối cùng gã đến được chỗ đối diện với cô dâu giương mắt nhìn trừng trừng mong cô dâu trông thấy gã để hai cặp mắt đối vào nhau. ý của Cả Tiên muốn là sau cái nhìn đối đầu ấy có về đến nhà chồng, ăn ở rồi kể cả thằng dặt dẹo ấy có làm mày sinh con đẻ cái thì mày hãy nhớ cái nhìn này của tao mà nhớ đời. Nhưng khổ một nỗi mắt Cả Tiên đã trợn lên đến đau cả hai vành mi thì mặt cô dâu vẫn cứ cúi gằm xuống đất. Vì thế cũng như lúc chui vào, Cả Tiên khom lưng chằm chằm nhìn cô dâu một lúc thì không biết gã nghĩ ngợi thế nào gã lại gồng người cố chui ra. Đám cưới thường ở cái làng Phùng Quang này đã lắm người xem huống hố là đám cưới của rể thiên hạ lại là người dị dạng, không được lành hành cho lắm nên người xem lại càng kéo đến đông gấp nhiều lần. Chả cứ người làng Phùng mà cả các làng bên cạnh nghe tin cũng bỏ công bỏ việc ào đến. Nhưng dù cho người có thành nêm cối nhưng khi đã nhất quyết chuỗi ra thì với thân hình đậm chắc lẳn cộng thêm với nỗi bực đang như ngày càng tăng lên nên Cả Tiên tay gạt, lưng khom, chẳng mấy chốc gã đã thoát ra khỏi đám đông dầy đặc đúng vaò lúc hay ho, lì kì nhất ấy là đoạn tiến hành thủ tục cô dâu và chàng rể lễ gia tiên nhà vợ. Mấy người nhìn thấy cả Tiên chui ra đều bảo là gã dại. Chui vào được tận trong cùng, chọn được chỗ dễ nhìn nhất mà còn bỏ đi thì hoạ chỉ là thằng rồ. Cả Tiên thoát khỏi đám cưới rồi chạy thẳng ra gò Trúc. Gã nằm dài xuống ngay gốc cây nơi cột con bò nhà gã đang cũng nằm khoanh chân nhai cỏ. Gã lăn lộn một chốc rồi lốt sạch áo quần lao mình xuống đầm nước. Trong lúc hì hụp giữa làn nước gã nhận ra một điều. Lấy vợ lấy chồng nó là do duyên số, riêng thằng con trai muốn lấy được vợ đẹp thì phải có tiền, muốn giầu có thì làm ruộng chân trắng ở làng thì muôn đời muôn kiếp không thể khá được. Nghĩ như vậy nhưng phải hơn một năm sau khi gã nhìn tình cờ nhìn thấy cái Pháo đưa con về thăm nhà. Nhìn thằng bé bụ bẫm giống mẹ như tạc, cả Tiên lại nghĩ ra một điều nữa ấy là cứ lấy vợ xinh, càng xinh càng tốt thì mình xấu thế nào cũng vẫn có được con đẹp. Nghĩ ra điều này cùng với điều gã còn in đinh ninh trong đầu hôm ngụp lặn dưới đầm ngày cái Pháo cưới nên nửa năm sau cả Tiên mới nhất quyết xin bố mẹ mình cho đi theo một hiệp phu hồ ở làng bên. Đứng đầu hiệp phu hồ này tên là Mão. Một gã đàn ông hình như từ trong bụng mẹ đã biết cầm bay cầm bảng đựng vữa đựng vôi. Vì thế nên dưới tay của hiệp thợ này thì từ nhà một gian hai trái, hay thậm chí đảo lại mái ngói, sửa lại cái bếp cho đến làm cả cái đình hay nếp chùa cột bằng cây gỗ người ôm có cả cổng tam quan, trên nóc có lưỡng long chầu nguyệt hiệp thợ của gã cũng nhận tất và hoàn thành mĩ mãn. Loại thợ như gã ở vùng này vào quãng thời gian đó hiếm lắm. Nếu tay Mão này cơ chỉ làm ăn thì một là chẳng bao giờ đứt việc, hay là anh em do gã đứng đầu cũng có của ăn của để. Đấy là chưa kể tiếng lành đồn xa hiệp thợ có thể được những ông chủ thầu lớn ngoài tỉnh về thuê để đi làm nhà cửa tận Ai lao hay Nam Vang chứ đâu phải xoàng. Khổ nỗi… Mấy ngày đầu khi vào làm ở hiệp thợ ấy Cả Tiên cũng nghĩ mình chỉ ngày một ngày hai nếu tinh ý cùng với sự chịu thương chịu khó để mắt xem những bậc thợ cả, thợ hai làm, rồi mèo mù vớ cá rán, tự dựng lại được một tay thợ nào đó lành nghề kèm cặp dậy dỗ thì chẳng mấy chốc gã sẽ nắm được tay nghề, làm ăn kiếm tiền nuôi gia đình. Nếu tài giỏi hơn mình có thể tách ra thành một nhóm thợ riêng. Nhưng số Cả Tiên thật không may vì Mão, gã thợ cả mà cũng là người đứng đầu của hiệp thợ lại là kẻ có máu cờ bạc. Mà riêng với Mão, cờ bạc chỉ khoanh tròn vào tổ tôm và xóc đĩa. Đã thành nếp chả biết nên coi là xấu hay tốt mà cứ bất kì nhận công trình nào Mão đều bắt chủ ứng cho một phần ba số tiền công. Tiếng là để mua gạch, gỗ, vôi, cát nhưng ngay sau đó gã về chia qua quít cho anh em rồi lại cũng qua quít chỉ bảo cho anh em vài đường làm ăn này nọ rồi gã lại dắt tiền vào cạp quần la cà vào những xới bạc ở Ngã tư sở hay trong La khê, La cả.. Vài hôm gã lại đến xem việc làm của anh em và chỉ bảo vài điều. Nhưng Mão quả là kẻ có tài nên cũng chỉ sau vài lời tưởng như lăng nhăng cùng với vài ba đường xây trát, đục đẽo là công việc cho dù lúc ấy đang chững lại, cấn cá thế nào thì lại chẳng những băng băng chạy đâu vào đấy. Rồi như có phép lạ khiến mọi đường nét của công trình đang làm đẹp lên, bề thế và gọn gàng hẳn. Anh em phục gã một thì cả Tiên phục gã mười. Chỉ có điều đáng ra Cả Tiên chỉ nên phục tay nghề sự làm ăn của Mão thì phúc nhà gã quá đằng này gã phục luôn cả sự mê say cờ bạc của đàn anh Mão. Cả Tiên bình thì cũng đủ đầu óc để biết rằng, người nào máu mê cờ bạc dù cho người đó là thế nào rút lại cũng chỉ làm khổ vợ khổ con, còn khi có một, hai chén rồi, gã lại bô bô lên rằng đàn ông mà không biết cờ bạc, kiếm được đồng nào chỉ bo bo cho vào túi mang về nuôi vợ nuôi con là thằng đàn ông hèn. Có chơi cờ bạc mới biết đầu óc mình minh mẫn hay ngu si. Nhanh nhẹn hay là chậm chạp. Điều này tưởng thế thôi, nhưng thực ra cần lắm chứ. ở đời có phải lúc nào cũng cây ngay, gió lặng đâu mà đứng một chỗ hay đi một bứơc đã đủ thứ xô đẩy. Nhưng lúc đó ứng phó, xử sự ra sao, hay lại đành cù lần nằm đờ ra mặc cho sự đời tròn méo. Không dè những lời nói trong lúc say sưa đó lọt vào tai thợ cả Mão. Lão này có vẻ đắc ý lắm và cứ lần lần coi Cả Tiên như đứa học trò tâm phúc của mình. Chính vì lẽ đó nên cả Mão chẳng dấu diếm gì cứ lặng lẽ truyền khá nhiều bí quyết tay nghề vôi vữa và cả những mánh đỏ đen cho Cả Tiên. Gần hai chục năm sau khi vận đang lên cả Tiên bằng cái khôn, cái khéo của nghề thợ xây kiêm cai thầu cùng với những lần thắng bạc anh chàng đã có trong tay trang trại ở Ngọc hà, mấy toà nhà ở mấy phố trung tâm Hà nội. Nhưng tiếc thay, khi đã đến thời vận bĩ. Trong một lần thua bạc định mệnh tại trận đỏ đen thâu đêm gã đã nướng sạch từng ấy cơ ngơi dành dụm bao năm trời. Gã đứng dậy, lặng lẽ phủi quần rồi ngay đêm hôm đó gã lên tàu hoả chạy tuốt vào thành Vinh cố vét túi mở đồn điền định gây dựng lại cơ nghiệp nhưng cuối cùng chẳng biết ăn nên làm ra thế nào mà sao quả tạ chiếu vào khiến phận run rủi y xì như ông thầy. Cả Tiên sau một trận sốt rét đâu như dính phải do theo chúng bạn rủ rê lên tận Quì Hợp mong tìm được đá đỏ để đổi lại những thứ đã mất nhưng những cơn sốt rét chập chùng cứ tăng dần lên cuối cùng gã đã bỏ xác lại nơi đất khách quê người. Trong khi đó ông thầy cả Mão cũng sau một đêm đỏ đen, đến gần canh bốn chả hiểu duyên do sự tình thế nào đám cờ bạc bỏ đi hết để trơ khấc cả Mão nằm trên chiếc xập trong một ổ bạc. Thiên hạ chả biết vì tốt hay vì không muốn nhà người ta đen đủi hay để tránh tiếng với con bạc khác, với cảnh sát nên khuân cả Mão lúc đó đã bất tỉnh bỏ ra gần đường cái quan. Nhưng sự đời thật cũng nhiều cái ngẫu nhiên, bởi ngay tinh mơ sáng hôm đó một người giàu có ở phủ Từ Sơn đi xe hòm qua đã nhận ra ông thợ cả đã từng xây cả cơ ngơi cho nhà mình đã vực Cả Mão lên xe và đưa ra nhà thương Cống Vọng. Cả Mão đâu như nằm ở nhà thương này hơn ba tháng chữa chạy, tốn cơ man nào là tiền của. Nhưng rồi cuối cùng đốc tờ y tá cũng đành bó tay trả về để cả Mão chết dần chết mòn tại nhà. Sự tình không biết thế nào chỉ biết người quanh vùng Phù đổng bàn tán rất nhiều về việc này. Ngay cả lý trưởng và cả mấy gã tuần đinh của làng ấy chứng kiến rành rành vụ việc thợ cả Mão bị đánh nhưng cũng chỉ dám gọi vào điếm làng hỏi cho phải lệ rồi lại thả tất cả đám đánh hôi đó ra. Duyên do xâu xa của vụ này chỉ vì đám người đánh thuê đó nghe nói là do một ông chủ nào đó tận ngoài Hà nội muốn trừ khử người đứng đầu một hiệp thợ có tay nghề giỏi để loại ra khỏi làng phu hồ Hà nội một thế lực cạnh tranh. Chúng đã tìm dịp lâu lắm rồi may sao lại gặp vụ Mão bị thua bạc, nên việc đánh ác Mão vì thiếu tiền chỉ là cái cớ là thế. Biết mình không thể sống được nên Mão cho gọi Cả Tiên đến rồi thì thào đâu như gần hai ngày trời. Chả biết thợ cả Mão nói gì mà sau đó Cả Tiên cưới con gái nuôi tức là người con duy nhất của thợ cả Mão hưởng cả cơ ngơi đâu như mấy căn nhà ngoài đê Yên phụ, mấy mẫu ruộng hình như ở tận Phủ từ sơn Bắc Ninh. Người ta bảo cả Tiên sau này khi đã thay mặt bố vợ làm thợ cả rồi bất ngờ có đận vì được cử ra làm cai phu trông nom việc đê điều nên chuyển sang gọi là Cai Tiên. Tên tuổi, sự giầu nghèo, may rủi đều là cái số mà nên. Nhưng thực ra muốn nói số má thế nào không rõ nhưng điều trông thấy nhỡn tiền là con gái nuôi của thợ cả Mão tên là Thị Mùi quả là đẹp gái. Ngoài sự ăn nói dịu dàng dễ nghe rõ là người được dậy dộ chu đáo Thị Mùi lại có thân hình cao ráo lại thêm nước da trắng như ngó cần, nhất là sống mũi thật thẳng và cao giống y hệt mũi đức mẹ đồng Trinh. Mãi sau này khi làm vợ của cai Tiên rồi cô mới nói thật rằng. Cô vốn gốc tích ở làng Bùi chu Phát diệm lưu lạc lên. Khi được cả Mão đón về làm con nuôi thì cô đã dấu nhẹm đi sự theo đạo của bố mẹ đẻ vì cả Mão lại là dân đi đời. Bây giờ nhờ ơn Chúa lòng lành vô hạn nên cô lại lấy được người chồng là con dân của nước thiên đàng. Thị Mùi có vẻ hả hê thoả mãn và chỉ chờ có dịp là lại nói ra lời biết ơn với bố nuôi, mặc dù khi đi bên cạnh chồng thì thiên hạ đã xì xào không hiểu vì sao một người con gái xinh đẹp, cao ráo như thế lại vớ phải anh chồng vừa đen vừa thấp hơn vợ thế kia. Thậm chí có kẻ ác tâm lại thêm có chữ nghĩa lại đặt cả vè để chê bai sự xộc xệch này tỉ như "cô Mùi mà lấy cả Tiên như đôi đũa mốc ở trên mâm vàng". Nhưng mọi điều ong tiếng ve ấy cô đều để ngoài tai kể cả những lời đàm tiếu về việc cả Tiên mỗi khi ra phố cũng nghe anh nghe em và cả vì sự ham vui với chúng bạn còn xuống chơi bời, cô đầu, cờ bạc ở Khâm thiên, Ngã tư sở. Những lần ấy cô chỉ nhẹ nhàng rủ rỉ bên tai chồng rằng"ở bên đời việc này chẳng sao, nhưng đã là con chiên ngoan đạo thì chồng là lái tim của vợ, vợ là máu thịt của chồng. Sự này chỉ có một, không thể có hai". Cai Tiên nghe vợ nói xem ra có vẻ nể lắm. Nhưng thói quen và tính tình trong con người ta thì là một thứ sức mạnh thật khó cưỡng, vì thế nên mặc dù là dân đi đạo nhưng máu cờ bạc và chơi bời vẫn khiến cai Tiên vẫn được xếp vào loại có sừng có mỏ ở Hà thành khi trong tay ông sẵn tiền, cũng như lúc trong tay không có nổi một cắc… Chả thế mà không ít bận bà Cai Tiên đã phải nuốt nước mắt vào trong rầu rĩ vì sự đàng điếm của chồng. Khổ nhất là khi bà nghe phong thanh chồng bà gắn bó sâu đậm với một cô đầu rượu, đến mức cô này có mang với ông và chồng bà đã tậu cả một dinh cơ đâu như ở Láng cho cô này… Nói dài dòng về cội nguồn như vậy để thấy rằng sự cố của Vân ít nhiều cũng là bởi cô mang trong mình dòng máu của ông nội. Vì thế tuy là người theo đạo gốc. Thứ đạo mà người đã nguyện đi theo để thờ phụng gửi gắm cả linh hồn của mình cho sự cao xa và linh thiêng với mong sự cứu dỗi sau này trên nước thiên đàng thì phải thuỷ chung một vợ một chồng. Khi bàn tay Chúa trời đã xắp đặt ai thì người đó dù gặp phải điều gì khốn khó đến đâu trên trần gian này đều phải chịu đựng ăn đời ở kiếp để đến khi nhắm mắt được thiên thần hai cánh bay đến dẫn dắt linh hồn bơ vơ của mình về dưới chân của Chúa. Vì tin tưởng như vậy và cũng vì cái bản ngã ẩn sâu từ thời ông nội trong tâm hồn nên trong suốt cuộc đời đằng dặc của Vân dường như không lúc nào không bị vướng bận nỗi dằn vặt giữa tội lỗi và niềm đam mê gắn bó với Long. Biết là mình đang làm những việc mà không ai có thể đồng tình và chắc chắn sẽ bị trừng phạt khi về với Chúa, nhưng tình yêu kì lạ gần như định mệnh nhất là khi Long đã ở bên cô thì dường như Vân quên hết để lo lắng từng bước đi, từng miếng ăn cho anh. Kể cả lúc Vân đã từng hơn một tuần không dám ló đầu vì bị Diễm vợ Long dẫn em gái đến xé tan nát gần hết quần áo tư trang, vứt tung toé ra đường phố để rồi Vân tưởng như vì nhục nhã với bạn bè, anh em, xấu hổ vì hàng phố mà chấm dứt tất cả để gá nghĩa với một người bạn cũ của anh Phong tên là Vĩnh, là một chủ một hãng dệt chăn dạ vừa hoàn thành việc hiến công xưởng cho chính phủ. Thời gian này cũng là lúc anh chàng Vĩnh đoạn tang vợ và với sự xuất hiện của Vân cũng khiến tình cảm với người vợ đã khuất sau ba năm cùng nhạt phai để thế vào đó là ngày càng tăng một mối tình vừa nhen nhóm với Vân. Một cô gái Hà nội điển hình cả về hình thức lẫn tính tình. Trong đó hàm chứa cả sự kiêu xa và sự cõng cãnh. Nhưng thật đáng buồn. Khi anh chàng sau năm tao bẩy tuyết hò hẹn cùng sự tác động của rất nhiều xung quanh Vân để có được lời hẹn cho ngày dạm ngõ. Thì thật bất ngờ ngay sáng tinh mơ hôm đó Vân lại đùng đùng không nói không rằng bỏ sang tận bên Từ Sơn để tìm một người bạn gái cùng phố lấy chồng nghe nói vừa có đứa con gái thứ ba. Vân đi mà không hề thổ lộ với ai kể cả me cô một lời mặc dù hơn một ngày ở bên nhà bạn cô rất ân hận vì biết cuộc đi chơi bất ưng của mình đang làm me cô rất lo lắng chắc chắn sẽ rất sốt ruột. Sau đó mỗi lẫn anh chàng khốn khổ này đến thì Vân đều hững hỡ như người xa lạ kể cả lúc đối diện với anh làm như hai người chưa bao giờ biết nhau và chỉ thiếu một chút nữa thôi là trở thành vợ chồng gắn bó xương thịt với nhau suốt đời. Vậy mà… và như một sự bù trì kì lạ nào đó sau mỗi lẫn gặp Vĩnh là y như rằng Vân lại bồn chồn da diết vì ước muốn ngay lập tức phải gặp hay ít ra là trông thấy Long bất chấp tất cả mọi sự dằn vặt vì hơn ai hết cô nhận ra rằng. Mỗi quan hệ này đang ẩn chứa một tội lỗi, một sự bất bình thường, hàm chứa sự bất ổn cho cuộc sống của mình, của gia đình.

Xem Tiếp Chương 10Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)

Hà Nội - Tình Nhân ( Phần II )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Đang Xem Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Đi Qua Hoa Cúc