Không một ai trong đám hầu cận của hoàng phi tỏ ý hoài nghi về hành vi của nhà sư già mệt nhọc dựa vào thiền trượng có đầu hình chim câu [15] đứng trầm ngâm ở một góc vườn trong ngự sở. Bóng dáng những nhà tu hành hay bọn khất thực đến bên vườn để cầu xin bố thí không phải là chuyện lạ lùng.
Một thị nữ vào bẩm với hoàng phi. Nàng hững hờ nhìn qua bức mành về hướng đó. Dưới bóng những chùm lá non, nhà sư già tiều tụy trong lớp áo tu đen sờn với dáng ủ rủ. Nhìn một đỗi, hoàng phi nhận ra người đang đứng đó đúng là vị lão tăng có lần bắt gặp bên bờ hồ Shiga, nàng mới biến sắc.
Sau một lúc chần chờ không biết phải xử trí thế nào, nàng ra lệnh cho mọi người không cần phải để ý làm gì tới người đang đứng trong vườn. Bọn thị nữ vâng lời, để mặc nhà sư.
Lòng hoàng phi dậy lên một nỗi lo lắng. Lần đầu tiên nàng cảm thấy như vậy.
Trong cuộc đời mình, nàng đã từng gặp biết bao người chối từ cuộc sống hiện tại nhưng chưa bao giờ giáp mặt một người dám vứt bỏ những kiếp tương lai. Gặp người đó cũng như thấy một điềm gở. Điều này khiến nàng đâm ra sợ hãi. Tất cả những khoái cảm nàng tưởng tượng ra khi nghĩ về mối tình của vị lão tăng bỗng tan biến đâu mất. Nếu mối tình ấy trọn vẹn đến nỗi cụ dám từ chối và dâng cho nàng tất cả những kiếp về sau thì những kiếp lai sinh đó cũng không thể lọt vào tay nàng mà không tì vết.
Bà phi ngắm nghía y trang hoa lệ và hai bàn tay đẹp đẽ của mình rồi nhìn nhà sư già nua xấu xí trong manh áo sờn rách đang đứng bên một góc vườn. Kết hợp được hai thứ hoàn toàn đối nghịch như thế thì chỉ có thể là nhờ hấp lực của địa ngục. Hình ảnh đó không giống chút nào với những gì đã xảy ra trong một giấc mộng huy hoàng từng đến với nàng. Giờ đây vị lão tăng là một người ngoi lên từ đáy âm ty chứ không có dung nghi đức độ cao dày và quầng ánh sáng của cõi Tịnh Độ tỏa sáng sau lưng như nàng từng mơ. Cái ánh sáng tượng trưng cho cõi Tịnh Độ toát ra từ con người ấy nay hoàn toàn mất dạng. Không thể nhầm lẫn được, đó vẫn là vị lão tăng nàng đã thấy bên bờ hồ Shiga, nhưng cớ sao, nay lại giống một người hoàn toàn khác.
Cũng như tất cả những người sống trong cung cấm, hoàng phi Kyôgoku có khuynh hướng dè dặt đối với cả tình cảm của mình. Khi có cái gì lý ra làm cho mình cảm động hiện ra trước mắt, nàng vẫn giữ thái độ e dè đó. Cho dầu nhìn rõ bằng chứng mối tình của vị lão tăng, một mối tình không gì cao cả hơn mà nàng đã ước mơ tự thuở nào, hoàng phi chỉ cảm thấy thất vọng vì không dè nó chỉ biểu hiện dưới dáng dấp quá đỗi tầm thường.
Dựa vào thiền trượng lê bước tới được kinh đô, vị cao tăng chùa Shiga hầu như quên hết mệt mỏi. Khi lén đến khu vườn gần nơi ngự sở của hoàng phi Kyôgoku và nghĩ rằng người đàn bà yêu dấu có lẽ đang ở phía sau rèm, cụ như người vừa bước ra từ những cơn mộng ảo.
Bây giờ, khi tình yêu của cụ trở thành thanh khiết vô trần, hình ảnh kiếp lai sinh bắt đầu lôi cuốn cụ trở lại. Vị lão tăng có cảm tưởng cụ chưa bao giờ tưởng tượng cõi Tịnh Độ có thể mang một hình thái cụ thể đơn thuần như thế này. Sự mong ngóng được về cõi Tịnh Độ ai ngờ cũng giống như tình yêu nhục cảm. Giờ đây, cụ chỉ còn cần làm một thủ tục sau cùng là đến gặp bà phi để thổ lộ tình yêu của mình thì đủ xóa sạch được những vọng tưởng mê lầm của kiếp hiện tại bấy lâu gây chướng ngại không cho cụ đạt đến những kiếp lai sinh. Chỉ cần có bấy nhiêu thôi!
Khom tấm thân già trên thiền trượng để đứng cho vững, đối với cụ bây giờ cũng là chuyện nặng nhọc. Ánh nắng chói chang của một ngày tháng năm xen qua kẽ lá đổ xuống đỉnh đầu. Cụ thấy choáng váng, bao nhiêu lần phải bám chặt lấy cây gậy. Nếu bà phi sớm nhận ra điều đó và mời cụ vào thì có thể thủ tục sẽ hoàn thành chóng vánh. Và lúc đó, cánh cửa của cõi Tịnh Độ cực lạc sẽ mở ra chờ đón cụ. Vị lão tăng trông đợi mỗi điều ấy. Cụ mệt đến gần lả nhưng vẫn ráng tựa vào cây gậy mà chờ. Mãi đến khi trời đã về chiều. Thế rồi bóng tối dâng lên. Dù vậy vẫn chưa có tín hiệu gì từ phía bà phi.
Dĩ nhiên hoàng phi làm thế nào biết được vị lão tăng đã nhìn thấy cõi Tịnh Độ đằng sau hình ảnh của nàng và thông qua nàng. Nàng nhìn về mảnh sân đằng trước xuyên qua bức rèm. Nhà sư già vẫn đó. Ánh nắng chiều xế xuống sân. Cụ hãy trơ trơ.
Hoàng phi bỗng cảm thấy sợ hãi. Bà ngỡ người đứng trước mặt mình chính là hồn oan của những vọng tưởng mê lầm mà kinh kệ nhiều lần nhắc tới. Bà cảm thấy nỗi lo âu bị đọa địa ngục dâng lên trong người. Làm cho vị cao tăng đạo đức như thế vướng vào mối mê lầm thì nhất quyết cõi Tịnh Độ sẽ không bao giờ tiếp nhận nàng. Chỉ có địa ngục với những cảnh tượng khủng khiếp của nó thường ngày vẫn nghe nói sẽ đến với nàng thôi. Lúc này thì hình ảnh của tình yêu tuyệt đỉnh mà nàng ao ước đã bị phá vỡ. Được người khác yêu như trường hợp của nàng chỉ là chịu sự đọa đày trong địa ngục. Khác hẳn viễn tượng đẹp đẽ về nàng mà vị lão tăng nhìn thấy, cái mà nàng thấy chỉ là sự khủng khiếp của địa ngục xuyên qua nhà sư già.
Thế nhưng là con người kiêu hãnh, bà phi không dễ dàng gì để cho nỗi sợ hãi đó khuất phục. Mặc kệ, nhà sư già có đợi chờ đến lúc ngã quị thì đã sao! Khi đưa mắt nhìn ra ngoài qua tấm rèm và thấy hình dáng nhà sư đáng lẽ đã ngã gục vẫn còn lặng lẽ trơ ra đó, bà không khỏi cảm thấy bực bội.
Màn đêm rơi xuống. Thêm có ánh trăng dọi vào, dáng gầy guộc của nhà sư đang chầu chực trông chẳng khác nào một bộ hài cốt.
Hoàng phi Kyôgoku lo âu đến nỗi không tài nào nhắm mắt. Chẳng thèm nhìn ra ngoài rèm nữa, nàng quay lưng lại hướng ấy. Tuy nhiên nàng vẫn cảm thấy tia nhìn của vị sư già. Ôi thôi, mối tình này không phải là một mối tình tầm thường. Thế nhưng sự sợ hãi được yêu và sự sợ hãi phải bị đọa địa ngục, ngược lại đã làm cho bà tập trung được tâm trí khấn nguyện để được thác sinh vào cõi Tịnh Độ. Đó là cõi Tịnh Độ mà bà ấp ủ trong lòng và quyết tâm giữ gìn cho nó không bị tổn hại. Cõi Tịnh Độ của bà không giống cái cõi Tịnh Độ của vị cao tăng vì nó không can dự gì đến mối tình của cụ đối với nàng. Nàng nghĩ rằng nếu như mình cất tiếng gọi nhà sư, cái cõi Tinh Độ nàng đang khấn nguyện tìm về sẽ bị sụp đổ tan tành.
Nàng tự nhủ tình yêu một chiều của vị cao tăng đâu có liên hệ gì đến mình. Cụ ta tự ý yêu như thế mặc cụ. Đâu có chút lý do nào ngăn cản được con đường đi về cõi Tịnh Độ của mình!
Dù suy nghĩ như vậy, khi đêm càng khuya và trời càng thấm lạnh thì bà phi cũng mất dần tự tin. Mới đây thôi, bà còn nghĩ nếu nhà sư già có kiệt lực, ngã lăn ra chết, bà cũng chẳng đoái hoài.
Vị cao tăng vẫn đứng như thế trong vườn. Khi ánh trăng lẩn khuất, bóng của cụ hiện ra kỳ quái như một ngọn cây khô quắt.
" Không, không, ta với cái bóng kia không liên can gì với nhau hết!". Bà phi gào lên trong lòng. Cơ sự xảy ra vượt ra ngoài tầm suy nghĩ của nàng. Có thể là điều hiếm có nhưng trong một thoáng như thế này, bà phi quên quấy mình là một mỹ nhân. Bảo rằng lúc đó bà cố ý quên đi thì có vẻ đúng hơn.
Cuối cùng, bầu trời xen một vài vệt trắng. Trong cái lờ mờ của buổi hừng đông, vị lão tăng vẫn còn đứng nguyên đấy.
Hoàng phi thua cuộc. Bà đành lên tiếng gọi thị nữ ra ngoài vườn mời nhà sư đến trước rèm.
Vị lão tăng đã đạt đến mức độ vong ngã, không biết xác thịt mình hãy còn hay đã bị hủy diệt. Cụ hết phân biệt nổi kẻ đang chờ đợi mình là bà hoàng phi hay là kiếp lai sinh. Khi nhận ra bóng người thị nữ bước xuống khu vườn nửa sáng nửa tối để đến kề bên, cụ cũng không hình dung ra được những gì sẽ xảy ra tiếp đó.
Thị nữ truyền lại lời mời của hoàng phi. Lão tăng đáp lại bằng một âm thanh giống như tiếng kêu kinh hãi, không phải tiếng người.
Phía trong bức rèm chỗ bà phi ngồi tối đen, người từ bên ngoài không thể nhìn được hình dáng của bà.Vị lão tăng quì xuống trước bà, hai tay bưng mặt khóc.
Cụ khóc một hồi lâu, không có lấy một lời. Khóc và chỉ biết khóc, tưởng như tiếng khóc sẽ không bao giờ dứt.
Trong lúc đó, bên dưới bức rèm và từ trong chỗ bóng tối lờ mờ, một bàn tay trắng muốt như tuyết đang chìa ra phía ngoài.
Vị cao tăng chùa Shiga đưa hai tay ra đón nhận và ấp ủ bàn tay của người mình yêu thương. Cụ áp bàn tay đó lên trán mình, rồi lên má.
Hoàng phi Kyôgoku cảm được cái lạnh từ bàn tay thô kệch đang chạm đến tay mình. Sau một lúc, bàn tay đó bỗng nóng lên rồi dần dần ướt đẫm. Bà cảm thấy không chút thoải mái khi bàn tay của mình đang thấm ướt nước mắt của ai đó.
Thế nhưng bầu trời đã trắng bạch và khi hoàng phi nhận ra ánh sáng bắt đầu len vào sau rèm, trong lòng người đàn bà có con tim đạo hạnh này bỗng nhiên một linh cảm lạ lùng từ đâu đến xâm chiếm: không còn nghi ngờ gì nữa, cái bàn tay không quen biết đã ấp ủ tay ta bên kia tấm rèm chỉ có thể là bàn tay của chính Đức Thế Tôn.
Một cảnh tượng huyền ảo như sống dậy trong lòng hoàng phi. Đó là khung cảnh cõi Tịnh Độ với nền bằng lưu ly, với vô số lâu đài cung điện bằng thất bảo, với bóng dáng những vị thần tiên đang tấu nhạc, với những khu hồ hoàng kim trải cát thủy tinh có muôn nghìn đóa hoa sen lấp lánh ánh sáng, với lũ chim gia-lăng-tần-la ríu ra ríu rít... tất cả đều như vừa được tái sinh. Nếu trên thực tế đó là quang cảnh của cõi Tịnh Độ mà hoàng phi tin rằng mình sẽ thừa hưởng thì kể từ nay, nàng có thể sẳn sàng chấp nhận tình yêu của vị lão tăng. Hoàng phi chỉ còn đợi người đàn ông có bàn tay của Đức Phật lên tiếng gọi: "Hãy vén rèm lên!" mà thôi. Vị lão tăng có thể cầu xin nàng điều đó. Có thể nàng sẽ vén rèm cho cụ. Cũng như trong buổi gặp gỡ bên bờ hồ Shiga, có thể hoàng phi Kyôgoku sẽ cho phép nhà sư già được nhìn thấy khuôn mặt tuyệt mỹ của nàng. Và nàng cũng có thể mời cụ bước vào bên trong nữa...
Hoàng phi Kyôgoku chờ đợi.
Thế nhưng vị lão tăng chùa Shiga không thốt lên lấy một lời. Cụ không cầu xin điều gì cả. Bàn tay già nua đang nắm chặt lấy bàn tay của người đẹp cuối cùng rồi cũng buông ra. Cụ để bàn tay trắng muốt như tuyết đó trơ trọi trong ánh sáng của buổi bình minh.
Vị cao tăng đi khuất. Hoàng phi cảm thấy tim mình buốt giá.
Vài ngày sau, có tin đưa đến là vị cao tăng đã viên tịch trong thảo am của người. Từ đó, hoàng phi Kyôgoku bắt đầu ngồi nắn nót chép những trang kinh để tiến cúng nhà chùa. Đó là Vô Lượng Thọ Kinh, Pháp Hoa Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, toàn những bản kinh quí hiếm.
(Dịch xong tại Tôkyô, ngày 17/09/2007.)
Tham khảo
1) Aury, Dominique, 1983, Le prêtre du temple de Shiga et son amour (dịch Mishima theo The Priest and His Love), trong Yukio, Mishima, La Mort en Eté, Gallimard, Paris.
2) Mishima, Yukio, 1978, Shigadera shônin no koi, trong Mishima Yukio, Misaki nite no Monogatari, Shinchô Bunko, Tôkyô.
2) Morris, Ivan, 1962, The Priest and His Love (dịch Shigadera shônin no koi), trong Morris, Ivan chủ biên, Modern Japanese Stories, An Anthology, Charles Tuttle Co, Tokyo, bản in lần thứ 23, 1997.
Chú Thích
[1] - Taiheiki, tiểu thuyết lịch sử Nhật Bản ghi lại giai đoạn biến loạn tranh giành vào thời trung cổ Nhật Bản. Gồm 40 quyển, tương truyền do một nhà sư, Kojima Hôshi viết. Sáng tác khoảng 1368-75 hay 1375-79.
[2] - Ikkaku Sennin (Nhất Giác Tiên Nhân), còn gọi là Ikkasen (Nhất Giác Tiên) hay Dokkakusen (Độc Giác Tiên), người được xem như là một tiền thân của Đức Phật. Người nước Bà La Nại bên Ấn Độ, vốn do nai sinh ra trong rừng, đầu có một sừng. Tu thiền định lâu năm nên có pháp thuật. Vì oán hận nhà vua nên vị này làm cho trời hạn hán. Sau bị một dâm nữ do nhà vua gữi đến quyến rũ làm mất phép thần thông. Từ đấy mưa lại chan hòa. Sự tích này đã thành đề tài của tuồng Nô của Konparu Zenchiku (1405- khoảng 1470).
[3] - Còn gọi là Suufukuji (Sùng Phúc Tự) một ngôi chùa cổ xây từ năm 668 bên cạnh kinh đô khi đó còn là Nara. Một trong mười ngôi chùa lớn đương thời nhưng nay không còn dấu tích.
[4] - Triều đại trung cổ Nhật Bản dài khoảng 400 năm.
[5] - Tư tưởng cho rằng có một thế giới thanh tĩnh cực lạc thiên biến vạn hóa ở Tây Phương, nơi có Phật A Di Đà và chư Phật. Con người nếu tu hành có thể thác sanh về đấy. Bắt đầu ở Trung Quốc, sau trở thành một phái tôn giáo ở Nhật với giáo tổ là tăng Hônen (Pháp Nhiên, 1133-1212).
[6] - Ôjô Yôshuu, sách nhà Phật, 3 quyển do tăng Genshin (Nguyên Tín, 942-1017) trứ tác, hoàn thành năm 986, khuyên người niệm Phật để được vãng sinh cực lạc.
[7] - Hay Eshin Sôzu, tên thường dùng để gọi tăng Genshin, cao tăng phái Tendai (Thiên Thai), từng du học bên Trung Quốc.
[8] - Cữu ngưu nhất mao, chữ của Tư Mã Thiên trong bức thư gữi cho bạn là Nhiệm Thiếu Khanh."Phản lệnh bộc phục pháp thụ hình, nhược cữu ngưu vong nhất mao". Ý nói là "một chuyện nhỏ không thấm vào đâu".
[9] - Thất bảo. Còn gọi là thất trân.
[10]- Theo âm Phạn ngữ Kalavinka, thú đầu người mình chim, có giọng hát ngọt ngào, ở trên đỉnh Tuyết Sơn hay cõi cực lạc.
[11] - Theo âm Phạn ngữ Yojana, đơn vị đo lường thời cổ Ấn Độ. Một Yojana rộng đến 7 đến 9 dặm Anh.
[12] - Tức Tu Di Sơn (Shumisen) do chữ Phạn Sumeru là đỉnh núi ở trung tâm thế giới của nhà Phật, có Đế Thích và Tứ Thiên Vương cai trị, vây xung quanh bởi bát sơn bát hải.Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao lại quay vòng bên ngoài.
[13] - Thủy Quán Tưởng, chữ nhà Phật để chỉ sự tập trung tinh thần để suy nghĩ về dòng nước trong trên cõi Tịnh Độ. Đây là quán tưởng thứ 2 trong số 16 phép (thập lục quán) được giảng trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh.
[14] - Kinh Cực, tên một khu vực và cung điện trong thành Kyôto. Thường ám chỉ gia đình quyền thần và ngoại thích Fujiwara no Michinaga, đời đời có nhiều con gái gả cho các thiên hoàng.
[15] - Trượng có hình đầu chim bồ câu (câu trượng) để mừng người trên 80 tuổi vì bồ câu là giống chim ăn không bị hóc.
|
|
|