Trình khoan khoái đứng thật lâu dưới vòi sen. Sau một đường bơi dọc bờ biển dài mấy cây số, Trình đang tắm lại và sẽ dùng cơm rồi đánh một vòng quanh các quán bar để nhắm nháp rượu Tây và nhảy với các em xinh như người mẫu.
Làm việc xa nhà, buổi tối không chơi bời thì biết làm gì cho hết thời gian đây?
Tự bào chữa cho việc đêm nào cũng gần sáng mới lò mò về xong, Trình quấn chiếc khăn tắm, bước ra nguài.
Điện thoại reo, anh nhìn số gọi đến rồi mới nghe.
Giọng ông Dinh đầy bức xúc:
– Mụ Aline Quỳnh đã đặt cọc để mua miếng đất ấy dù thực lực công ty của mụ không có đủ tiền. Ba nghe tin hành lang, ông Vĩnh Kỳ đã bắt tay hợp tác với Aline Quỳnh.
Trình kêu lên:
– Không lý nào, con chẳng nghe thằng Hòa nói gì cả.
– Dĩ nhiên nó không thể nói rồi. Nhưng hư thật thế nào chưa rõ. Con thử tìm hiểu ở Thoại Oanh xem.
Trình nhăn mặt:
– Chắc gì con bé ấy biết. Con không làm thế đâu. Nếu sự hợp tác của họ không ảnh hưởng tới mình thì thôi, ba quan tâm làm gì.
Ông Dinh hối hả:
– Thương trường còn khốc liệt hơn chiến trường. Động tịnh gì của những công ty cùng ngành mình dều phải quan tâm hết. Lo xa vẫn tốt hơn lo gần.
Trình ậm ự:
– Con hiểu rồi!
Giọng ông Dinh dìu xuống:
– Tối đi chơi vừa thôi, còn để sức làm việc nữa.
– Vâng.
Tắt máy, Trình mặc vội quần áo vào. Anh ăn phần cơm đã được người phục vụ dọn sẵn rồi gọi taxi.
Đến các quán bar bằng taxi thật là sướng, Trình có cảm giác mình đang du lịch ở đâu đấy chớ không phải đang làm việc tại đây. Điều đó chắc chắn ba anh chả thích. Anh chơi và làm nhiều ngang bằng nhau, nhưng ông cụ vẫn chưa hài lòng, lúc nào ông cũng muốn Trình phải sống nề nếp hơn và toàn tâm toàn ý dốc sức cho cái ông gọi là sự nghiệp.
Đàn ông dĩ nhiên phải có sự nghiệp, nhưng đâu có nghĩa suốt ngày đầu tắt mặt tối không biết thế nào là vui chơi, giải trí. Anh khác ba mình ở cách nghĩ và cả cách làm việc.
Thâm tâm anh không tán đồng chuyện ông phá giá trong chuyện đấu thầu đất rồi bỏ cuộc để bà Aline Quỳnh bị thiệt thòi, nhưng anh cũng không thể làm trái ý ba mình.
Bây giờ chắc ông cụ đang rối trước quyết tâm của bà Aline. Có lẽ ông đã nhận ra mình sai khi để bà Aline mua miếng đất nhiều người khen là đất địa ấy.
Cú điện thoại vừa rồi của ông khiến Trình hết hứng thú vào bar, những áp lực nặng nề của ông việc tưởng đã chìm xuống sau một ngày vất vả, bỗng bùng lên làm anh hết sức khó chịu.
Trình chợt để ý, anh không muốn vào quán nhấm nháp rượu như một tay chơi sành điệu nữa. Anh muốn lang thang trên biển nên bảo taxi chạy về hướng xóm Chài. Biển ở đó yên tĩnh, người dân lại hiền hòa, anh có thể tìm một cái vòng dưới gốc dương nằm suy nghĩ mà không sợ bị quấy rầy.
Lần rồi đi với Hòa và Thoại Oanh ra đây, đã có vài người quen anh, Trình có muốn nghỉ lại qua đêm cũng dễ vì dân ở đây rất hiếu khách. Taxi ngừng, Trình trả tiền xe. Anh vừa lững thững đi vào ngõ thì nghe có tiếng xe máy thắng rít sau lưng.
Anh quay lại đúng lúc một gã đầu trọc cao to bước tới hỏi:
– Phải mày là Triệu Khánh Trình không?
Trình khẽ nhíu mày:
– Vâng, có chuyện gì à?
Không trả lời, ba gã đàn ông trên hai chiếc Future, đồng loạt bỏ xe lừ lừ bước tới.
Trình thủ thế trước những bộ mặt côn đồ đó.
– Các anh là người của ai?
Gã đầu trọc cười nhăn nhở:
– Có người nhờ bọn tao dạy mày một bài học để biết cách làm ăn cho đàng hoàng. Mày láu cá với ai thi tự biết.
Hất hàm, gã bảo:
– ... Dô tụi bây!
Cũng ngay lúc đó, Trình nghe một giọng con gái lanh lảnh:
– Các người làm gì vậy?
Trình nhận ra cô gái vừa cỡi xe đạp chạy về phía mình là Cầm Thi. Anh không muốn gặp cô vào lúc này chút nào. Bọn giang hồ này đâu e dè với con gái, nhất là cô nàng dễ thương như Cầm Thi.
Giọng Cầm Thi nghe chói cả tai:
– Ăn cướp! Bớ người ta ...
Gã đầu trọc rít lên:
– Bịt mồm con quỷ ấy cho tao.
Một thằng trong bọn nhào về phía Cầm Thi, tay vung lên đe dọa:
– Câm mồm, không thì ăn thẹo đó.
Trình nghe máu trong người chạy rần rật. Anh vòng tay đỡ Thi và bảo:
– Chạy về nhà đi Thi.
Gã đầu trọc có vẻ khoái trá:
– A! Chúng mày một bọn hả? Vậy thì ăn con nhỏ luôn tụi bây, trông nó cũng ngon cơm lắm đó.
Nghe gã côn đồ nói như vậy, Trình vô cùng lo lắng. Một mình anh không ngại gì bọn này, nhưng có thêm một người như Cầm Thi chỉ thêm bất tiện chớ không lợi thế chút nào.
Dù có học võ, Trình cũng không làm sao giải vây cho Thi được khi bọn quỷ sứ này đã biết cô chính là điểm yếu của anh.
Giọng đanh lại, Trình nói:
– Cô bé này vô can, bọn mày hãy để cô ấy đi.
Gã đầu trọc xoa hai tay vào nhau:
– Uổng vậy sao. Tao sẽ để cho em xinh đẹp đi, nhưng khi xong việc đã Thật nhanh và cũng thật bất ngờ, Cầm Thi ngồi thụp xuống hai tay nắm hai bụm cát ném mạnh vào mặt chúng, rồi cũng thật bất ngờ Thi vung tay tát vào mặt gã ở gần mình nhất.
Dù đang tối tăm mặt mũi vì đòn ném cát của Cầm Thi, gã đầu đinh vẫn lẹ làng lách qua tránh khỏi, không những vậy gã còn ôm cứng lấy cô, miệng cười nham nhở:
– Bị người đẹp đánh càng đau càng sướng.
Cầm Thi điếng hồn khi thấy mình lọt thỏm trong vòng ôm của gã đầu đinh.
Cô vội xoay người vùng ra, nhưng cô càng vùng, gã càng ôm chặt hơn.
Trước tình huống ấy, Trình nhào tới hét lên:
– Buông cô bé ra ...
Nào ngờ những gã còn lại chặn ngay trước mặt anh khiến Trình không sao tới gần Thi được.
Gã đầu trọc hất hàm:
– Sao! Mày nóng mặt rồi hả? Em gái đây là quà từ trên trời rơi xuống. Bọn tao sẽ. .... sau khi xong chuyện với mày ...
Không dằn được sự tức giận đang bừng lên trong lòng, Trình nghiến răng tung cú đá hạ đẳng vào gã đeo bông tai vừa xộc đến.
Trúng đòn, gã gập người, ôm bụng tru lên như chó dại, nhưng Trình cũng không tránh khỏi một cú đánh lền từ phía sau của bọn xấu. Cú đánh khiến anh chúi nhủi song Trình vẫn nén đau lướt người về phía Cầm Thi với hy vọng giúp cô thoát khỏi gã đầu đinh.
Nãy giờ Cầm Thi đã chứng kiến cảnh một mình Trình phải đối phó với ba gã lưu manh. Anh vừa lì vừa liều khiến cô thấy vững lòng hơn. Hành động của anh khiến Cầm Thi như được thêm sức mạnh.
Bản tính vốn bướng bỉnh, Cầm Thi đâu dễ bị khuất phục trước những kẻ như những gã này, cô đột ngột giậm mạnh gót giày vào chân gã đang ôm mình khiến gã đau đớn lỏng tay ôm cô ra.
Chỉ chờ có như vậy, Cầm Thi xoay người, và trút cơn hậm hực trong lòng bằng một cái tát mạnh vào mặt gã rồi bỏ chạy thật nhanh. Vừa chạy, Cầm Thi vừa la to khi thấy một đám đàn ông từ xóm Chài đi tới.
Thấy động, lũ côn đồ vội nhảy lên xe phóng mất. Tới lúc này Cầm Thi mới thấy run, cô ngồi phịch xuống cát, mặt tái xanh, mặc kệ mọi người hỏi thăm xôn xao, Cầm Thi để Trình trả lời.
Trình một chân quỳ, ngồi xuống trước mặt Cầm Thi, anh vừa nhìn vừa hỏi:
– Em không sao chứ?
Bỗng dưng Thi ghét anh thậm tệ, cô đoán chắc Trình đã đụng chạm gì dữ lắm nên mới bị bọn giang hồ truy đuổi vào tận đây để thanh toán.
Là con gái gia đình nền nếp lẽ ra vừa rồi Cầm Thi nên để mặc xác Trình, chẳng hiểu sao cô lại nổi máu anh thư nhảy vào cứu một gã trai lơ sát gái như Trình. Lỡ như vừa rồi không có người tới, biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp đây?
Cầm Thi thoáng rùng mình khi nhớ lại cảm giác ghê tởm vì bị gã đầu đinh to béo ôm siết vào người. Càng gớm cô càng muốn khóc vì tức nên nghe Trình hỏi Thi không thèm trả lời.
Sự im lặng rồi thái độ yêu xìu khác hẳn vẻ gan lì lúc nãy của Cầm Thi khiến Trình lo lắng. Anh sợ cô bị trúng đòn của mấy thằng cốt đột đó vô cùng.
Sốt ruột, Trình lay tay cô:
– Em ... em đau ở đâu?
Cầm Thi hất tay anh ra rồi đứng dậy đi một mạch về nhà. Cánh cổng gỗ không khóa, Thi lấy chân giận dữ đá một cái nó đã mở toang. Cô vào nhà mặc kệ con Vá chồm lên mừng rỡ.
Đằng sau, Trình lẽo đẽo dắt chiếc xe đạp đã bị tuột sên của cô vào theo, lòng rối bời bời. Anh đoán mãi cũng không ra mình đã “Láu cá” với ai để đến nỗi bị đánh hội đồng như vầy.
Cũng may chúng đã bỏ chạy, nếu không chắc cả đại gia đình ông Bửu Cầm không để anh yên lỡ như Cầm Thi xảy ra chuyện.
Con bé ấy đúng là cô gái vàng, có là nhà văn, Trình cũng không tưởng tượng nổi mình đã trải qua một hiện thực ngỡ chỉ có thể ở trong mơ.
Xưa nay toàn anh hùng cứu mỹ nhân. Nào ngờ một gã sức dài vai rộng, từng tập thể hình, học mấy năm karatedo lại được một cô bé trong giới nghệ thuật chân yếu tay mềm cứu mời mất thế chớ.
Ngồi xuống bậc tam cấp vì không được ... mời vào nhà, Trình bắt đầu tịnh tâm để rà soát lại toàn bộ công việc mình đã làm trong thời gian vừa qua ở tại thành phố biển này.
Rõ ràng anh đã hết sức cẩn trọng với các mối quan hệ gần xa . Anh không bất hòa với ai ở xứ biển này. Vậy thì tại sao nhỉ? Anh chợt nhớ đến cú điện thoại hăm dọa anh cách đây không lâu. Liệu chúng có cùng một bọn không?
Trình đưa tay lên môi. Lúc nãy bị đấm vào mặt, môi anh đập vào răng đang rướm máu. Cũng may là anh chớ không phải Cầm Thi.
Dường như nãy giờ anh cho rằng mình may mắn nhiều hơn xui xẻo. Dẫu sao cũng nhờ Cầm Thi, nếu không chưa biết anh bươu trán, sứt đầu cỡ nào nữa.
Dân gian thường nói:
Ba chọi một không chột cũng què . Đằng này bọn chúng tới bốn đứa, lại mạnh khỏe như voi và cũng có và chuyên nghiệp lắm.
Bà Mười bước ra đưa anh chai dầu.
– Xoa vào chỗ bị đánh cho tan máu bầm.
Trình nhăn nhó:
– Cháu bị dập môi ...
Bà Mười nói:
– Vậy thì ngậm muối. Nào, vào đây!
Trình ngoan ngoãn theo bà vô bếp. Bà pha cho anh một ly nước muối khá đậm đặc và ... bất anh ngậm.
Trình lại ngoan ngoãn vâng lời trong khi mắt anh đảo quanh tìm Cầm Thi.
Bà Mười ca cẩm:
– Chả hiểu sao đàn ông khoái đành đấm như vậy.
Rồi bà chép miệng:
– Mà đâu chỉ đàn ông. Con bé nhà này cũng thích động chân động tay mới khổ chớ. Lỡ vừa rồi xảy ra chuyện, tôi không biết phải nói thế nào với Út Lan nữa. Út Lan mà biết nó đánh nhau là vì cậu thì càng rắc rối to.
Trình nuốt vội ngụm nước muối mặn chát. Anh ấm ức:
– Cháu không hiểu sao bà Thoại Loan ghét cháu ra mặt, ghét ngay lần gặp đầu tiên dù cháu chưa hề làm điều gì sai quấy với gia đình.
Bà Mười liếc xéo Trình:
– Không làm gì xúi quấy à? Vậy ai là người khiến Oanh, Yến trở mặt với nhau? Nếu nghĩ tôi ru rú trong xó biển này nên không biết gì là lầm, tôi biết cả ông chú quý hóa của cậu mà. Đúng là chú cháu gì cũng một ... máu.
Trình nóng mặt vì nhận xét khơi khơi của bà Mười. Bà thủng thỉnh nói tiếp:
– Chuyện gì cũng có lý do nhưng tui hổng tiện khai ra. Tốt hơn hết cậu cứ làm theo yêu cầu của cô Lan, đừng bao giờ lại đây cũng như làm phiền Cầm Thi. Tôi sẽ không nói lại với cô Út Lan chuyện bữa nay.
Trình khó chịu lẫn tự ái khi nghe những lời kẻ cả của bà Mười. Anh cao giọng:
– Ai cũng có tự do cá nhân, dì muốn nói gì làm gì với bà Thoại Lan, cháu không quan tâm. Cháu không thích bị cấm cản khi định làm điều mình muốn, bởi vậy cháu không làm theo bất kỳ yêu cầu nào. Cám ơn dì đã cho cháu ...
ngậm muối. Giờ cháu muốn gặp Cầm Thi.
Bà Mười trợn mắt nhìn Trình như nhìn quái vật:
– Cái gì? Con bé không gặp cậu đâu.
– Ít ra cháu cũng gặp Thi để cám ơn cô bé đã giúp cháu chớ.
Bà Mười phẩy tay:
– Ơn nghĩa gì. Ối dào! Cậu về ... về đi.
Trình ngồi xuống ghế:
– Chưa gặp Thi, cháu chưa về.
Bà Mười tức tối buột miệng:
– Đúng là chú cháu một giuộc. Lỳ y như nhau và chắc chắn cũng đểu như nhau.
Mặt Trình sạm lại vì câu nói nặng ký đó. Anh đổi giọng lạnh như băng.
– Dì biết gì về chú tôi và tôi mà dám nói thế? Dì đi quá xa rồi đó.
Bà Mười xìu xuống, ngay lúc đó, Cầm Thi từ trên cầu thang gỗ bước xuống.
Cô nhỏ nhẹ:
– Con cần nói chuyện với anh Trình, dì cứ mặc bọn con.
Bà Mười ngập ngừng:
– Đây là nhà bếp, dì phải dọn dẹp bếp, nên không đi đâu hết.
Giọng Cầm Thi tỉnh bơ:
– Bọn con ra ngoài sân vậy.
Bà Mười chưa kịp nói gì thì Thi đã đi trước, Trình dù còn hậm hực cũng đành theo sau.
Tới hàng hiên, Cầm Thi ngồi xuống cái đôn sứ hình con voi, Trình ngồi xuống đối diện.
Tự dưng những nặng nề, lo lắng, bực dọc trong anh lắng xuống, Trình hấp háy mắt:
Voi còn có đôi có cặp, người ta nếu một mình làm sao sống nổi.
Cầm Thi dài giọng:
– Nhưng nhiều mình quá lại dễ chết sớm theo kiểu bị phân thây. Nếu tôi không lầm thi bọn vừa rồi tính xử anh vì anh lăng nhăng với mấy cô nàng của chúng. Đúng không?
Trình ngớ ra rồi bật cười:
– Đúng là óc tưởng tượng của nghệ sĩ. Tôi không hề lăng nhăng, có thể em không tin, nhưng đúng là như vậy. Hơn nữa, cái từ lăng nhăng với tôi hơi bị nặng. Tôi không phải tuýp lăng nhăng nên có tự ái khi nghe em nói thế.
– Vậy tại sao bọn người đó đánh anh?
Trình nhún vai:
– Tôi không biết.
Cầm Thi khịt khịt mũi:
– Hơi bị lạ nghen. Câu trả lời của anh làm tôi ân hận lúc nãy đã quá hăng hái nhào vô giúp đỡ. Anh ra đòn cũng khá lắm. Chắc cũng chuyên nghiệp đánh đấm?
Trình nói:
– Tôi là người kinh doanh nên dễ đụng chạm và dễ bị ghét. Đã bị ghét thế nào cũng bị đánh để cảnh cáo, dằn mặt. Tôi không ngạc nhiên cái trò của đối thủ nào đó, song tôi vô cùng ngạc nhiên vì em. Đúng là một bất ngờ đầy thú vị. Em là một con nhóc vừa thông minh vừa gan cóc tía.
Cầm Thi vênh mặt lên:
– Tôi không phải một con nhóc và rất ghét bị gọi như vậy.
Trình tủm tỉm cười:
– Con gái vẫn là con gái. Tôi cám ơn dù đã ân hận vì lỡ giúp tôi ... đánh lộn.
Cầm Thi bĩu môi:
– Anh không thành thật chút nào. Thật đáng tiếc!
Trình nhìn cô say đắm:
– Em muốn tôi thành thật cỡ nào tôi cũng sẵn lòng.
– Hỏi mỗi một câu, anh đã không biết thì làm sao sẵn lòng?
Trình kêu lên oan ức:
– Tôi không biết thật mà!
Cầm Thi gật gù:
– Vậy tôi sẽ hỏi cái anh biết. Bà Aline Chu là người như thế nào?
Trình đưa điều kiện:
– Trước khi trả lời, tôi muốn hỏi tại sao em quan tâm tới bà Chu?
Cầm Thi so vai:
– Tò mò. Đơn giản thế thôi.
Trình kể khá rành mạch:
– Bà Aline là việt kiều Mỹ, dù cái tên Aline nghe rất Tây. Bà Aline vượt biên cách đây phải hơn hai mươi năm. Sau khoảng thời gian dài đăng đẳng sống và làm việc ở xứ người bà ta về nước thành lập công ty Chương Thiện. Công ty này chuyên đầu tư xây dựng các khu chung cư cao cấp rồi cho người nước ngoài thuê.
Cầm Thi từ tốn:
– Tôi muốn biết về người của bà ta.
Trình nói:
– Bà ấy tên là Chu Thúy Quỳnh. Dân góc miền biển này đó. Trước kia gia đình bà Aline Chu thuộc hàng giàu có, nhờ làm hãng nước mắm, buôn bán gần khắp miền Nam. Sau một tai nạn giao thông, cả cha lẫn mẹ bà Chu đều chết cả.
Lúc ấy, vì Aline Chu chưa đủ sức quản lý hãng nước mắm, nên bà ta phải sang cho người khác rồi vượt biên.
Ngừng một chút, Trình nói tiếp:
– Bà Aline là một phụ nữ rất có cá tính. Quyết đoán, thủ đoạn, nhạy bén trong công việc. Còn ở đời thường, bà ta là một người đàn bà nhỏ mọn, thù dai và luôn ăn miếng trả miếng với người bà ta ghét.
Nói tới đó, Trình bỗng im bặt. Trong đầu anh vừa lóe ra một điều, nhưng có lẽ nào? Có lẽ nào?
Ba anh vừa nói trong điện thoại:
Thương trường còn khốc liệt hơn chiến trường . Liệu sự khốc liệt ấy có nằm trong vở kịch mang tính hành động vừa rồi không?
Giọng Cầm Thi vang lên:
– Theo anh, tôi giống bà Aline Chu ở điểm nào?
Trình không trả lời ngay, anh gật gù:
– Ra là thế!
Thấy Trình cứ nhìn mình rồi tủm tỉm cười, Cầm Thi ấm ức:
– Anh trả lời đi chớ.
Trình phán một câu:
– Đẹp! Đó là điểm chung của em và Aline Chu.
Cầm Thi nói:
– Tôi không đợi nghe anh nói điều này.
– Vì em đã biết mình đẹp à?
Cầm Thi nhấn mạnh:
– Tôi muốn biết mình giống bà Aline ở điểm nào?
Trình nghiêm nghị:
– Em có đôi mắt và sống mũi cao rất giống bà ta.
Thi liếm môi:
– Vậy tôi khác hà ta ở điểm nào?
Trình nghiêng đầu:
– Có lẽ ở cái nhìn và cách nhìn.
Cầm Thi chớp mi vì ánh mắt của Trình. Phân biệt được cách nhìn và cái nhìn của hai người được xem là giống nhau à! Cũng khá đó! Tiếc rằng cô không biết mặt bà Aline Quỳnh để xem cô giống bà ta tới bao nhiêu phần trăm.
Điện thoại di động của Trình rung lên trong túi.
Anh lấy re và nghe giọng đàn ông vang to:
– Số mày hên đó. Nhưng đấy mới là đòn cảnh cáo, lần sau mày sẽ lãnh thẹo trên mặt đó con. Nè! Cho bọn tao gởi lời thăm cô em xinh lần đã liều mình vì mày. Tao rất muốn gặp lại cô nàng.
Trình nóng mặt:
– Đồ khốn! Bảo với bà chủ mày, tao không sợ đâu. Đừng hành xử theo kiểu găng-tơ của Mỹ ở đây. Nếu bọn mày đụng tới con bé, tao thề không bỏ qua chuyện này.
Dứt lời, anh tắt máy. Cầm Thi tròn xoe mắt:
– Bọn hồi nãy hả?
Trình gật đầu. Cầm Thi ngập ngừng:
– Anh đã biết chúng là ai phải không?
Trình ậm ự:
– Tôi chỉ buột miệng thế thôi.
– Anh nghĩ đó là một người đàn bà à? Sao bà ta lại thuê người hành hung anh? Có phải tại anh ...
Mắt Cầm Thi ánh lên tia ranh mãnh khiến Trình phải gắt:
– Em lại tưởng tượng chuyện vớ vẩn gì vậy?
Mặt hất lên như một thói quen ngang bướng, Cầm Thi bắt bẻ:
– Tôi đã nói gì đâu. Anh tưởng tượng thì có. Nói thiệt đi. Bà ta là ai vậy?
Nếu không nói, lỡ như có lần thứ hai, tôi sẽ xem như hổng quen hổng biết anh đó.
Trình chép miệng:
– Phải chi vừa rồi em lơ tôi thì hay biết mấy. Giờ thi rắc rối dây cả em đấy.
Cầm Thi so vai:
– Ăn thua gì. Tôi đâu có sợ.
Trình nhìn cô, giọng nghiêm chỉnh:
– Nhưng tôi sợ. Bọn chúng đã biết em chính là điểm yếu của tôi.
Cầm Thi ngó lơ ra chỗ khác để tránh ánh mắt của Trình.
– Nói gì nghe lạ vậy? Tôi mà là yếu điểm của anh à? Tự ái ... dồn dập thật!
Trình chống tay dưới cằm:
– Tôi nói thật đó.
Thi nhíu mày lảng đi:
– Bộ vừa rồi chúng hăm dọa à?
Trình thở dài:
– Tôi không muốn em phải lo nghĩ, nhưng đúng là như vậy. Có lẽ chúng tưởng em là người yêu của tôi.
Cầm Thi thoáng đỏ mặt:
– Vớ vẩn hết chỗ nói. Tôi và Thoại Yến khác xa một trời một vực, tưởng gì kỳ cục.
Trình ngập ngừng:
– Tôi rất sợ chúng giở trò với Thi. Hay là tạm thời em về Sài Gòn một thời gian.
Cầm Thi không chịu:
– Tôi không về đâu. Bộ anh tưởng tôi dễ bị bắt nạt lắm sao?
– Vấn đề không ở chỗ bị bắt nạt. Tôi cho rằng chúng sẽ quấy nhiễu em.
– Nhưng chúng là ai? Tôi muốn biết.
Trình trầm ngâm:
– Tôi nghĩ có lẽ là bà Aline Chu.
Cầm Thi thảng thốt:
– Thiệt hả? Mà tại sao mới được chứ?
Trình vắn tắt:
– Công ty của gia đình tôi và công ty của bà Aline có đụng chạm trong làm ăn. Thoạt đầu tôi không nghĩ là bà ta, nhưng khi em muốn biết về Aline Chu, tôi đã nhắc đến tính cách ăn miếng trả miếng, nhỏ mọn, thù dai của bà ấy, trong tôi bỗng lóe lên sự nghi ngờ. Tới lúc này sự nghị ngờ ấy càng lớn đến mức tôi tin sự suy đoán của mình là đúng.
Ngập ngừng một chút, Trình trầm giọng:
– Ngoài chuyện làm ăn ra giữa gia đình tôi và gia đình bà Chu có bất hòa lớn.
Cầm Thi tò mò:
– Đó là bất hòa gì vậy?
Trình lấp lửng:
Bất hòa của bậc cha chú, tôi không tiện nói ra.
Cầm Thi gật gù:
– Chắc lại là chuyện tình cảm ...
Trình nhếch môi:
– Em nhạy bén thật. Người ta đồn cô em gái của bà Aline rất yêu chú tôi, nhưng hai người đã bị cấm đoán.
– Ông chú mà cũng là bạn của cô Lan tôi phải không?
– Vâng. Chú Luận.
Cầm Thi thắc mắc:
– Hai người đó chắc là không thành vợ thành chồng rồi, nhưng hiện giờ họ ra sao?
Trình trả lời:
– Chú tôi đang sống ở Canada với gia đình và có lẽ cũng không được hạnh phúc. Người em của bà Aline đã chết khi còn rất trẻ. Chính cái chết của bà ấy đã khiến hai gia đình chúng tôi càng đối nghịch nhau hơn.
– Cái chết của em bà Aline có liên quan tới chú anh sao?
Trình thở dài:
– Bà ấy bi bệnh tim. Bà Aline Chu cho rằng em bà ta chết vì buồn khổ.
Nguyên nhân nỗi buồn ấy chính là chú Luận.
Cầm Thi hỏi tới:
– Nhưng sự thật thì thế nào?
– Tôi không biết:
Cầm Thi chống cằm. Cô lại hỏi tiếp sau một lúc trầm tư:
– Tại sao hai người lại bị cấm đoán nhỉ?
Trình khẽ lắc đầu rồi nói:
– Sao cô Lan ngăn cấm chúng ta, em trả lời đi?
Cầm Thi phản ứng ngay:
– Tôi và anh không giống hai người ấy.
Trình có vẻ tha thiết:
– Tôi cũng mong như vậy để chúng ta có một kết thúc khác, tốt đẹp hơn.
Cầm Thi bĩu môi:
– Anh khéo tưởng tượng thật. Người mơ về anh là hai cô Oanh, Yến chớ không phải tôi.
– Nhưng tôi đâu có mơ về họ.
Một lần nữa Cầm Thi phải quay đi để tránh nụ cười nguy hiểm đầy lẳng lơ, phóng đãng của Trình.
Giọng anh trầm xuống nồng nàn:
– Hỏi thật nhé. Nếu tôi và hai cô Oanh, Yến nhà em không quen biết nhau, em sẽ nghĩ về tôi như thế nào?
Cầm Thi ngập ngừng:
– Tôi không nghĩ gì hết, vì điều đó đã không xảy ra. Tôi đã quen biết anh sau chị Oanh và Yến.
Mắt Trình thoáng những tia ấm áp. Anh nói:
Câu trả lời của Thi sẽ giúp tôi có giấc mơ đẹp vào đêm nay, thay vì phải gặp ác mộng, sau một tối bị quỷ ám.
Cầm Thi buột miệng:
– Tôi thật không hiểu ý anh.
Trình hơi chồm người về phía trước:
– Em hãy sống thật lòng, đừng đặt nặng mối quan hệ của tôi với Oanh, Yến, như vậy em sẽ thấy nhẹ nhàng và em sẽ nghĩ về tôi như nghĩ về một người bạn cần phải có.
Cầm Thi nhắc lại:
– Như một người bạn cần phải có. Anh tự cao quá. Trước đây, tôi không biết anh, tôi vẫn sống tốt đó thôi.
Trình nhấn mạnh:
– Nhưng khi biết tôi, em sẽ khác, ít ra là từ giờ trở đi, em sẽ khó lòng quên một người đã cũng em sống chết.
Cầm Thi khịt mũi:
– Tôi đang ân hận về sự bốc đồng của mình đấy. Sớm muộn gì cô Lan cũng biết, và chắc chắn sẽ bị mắng. Có một người bạn như anh chả ích lợi gì. Tôi nhớ không lầm, lần nào gặp anh, tôi cũng xui xẻo.
Trình nhăn mặt:
– Em có quá lời không vậy?
Cầm Thi khịt mũi:
– Chuyện vừa xảy ra rõ ràng là bằng chứng. Nhưng hậu quả của cái sự xui xẻo ấy chắc còn dài dài.
Bà Mười bước ra.
– Điện thoại kìa Thi.
Cô ngơ ngáo:
– Sao con không nghe chuông?
Bà Mười xụ mặt:
– Dì nói láo con làm gì. Út Lan đang chờ đó.
Thi lầm bầm:
– Chết rồi! Bão cấp mười đã thổi tới.
Liếc vội Trình một cái, cô bước vội vào nhà.
Giọng bà Lan giận dữ:
– Ngày mai con phải có mặt ở Sài Gòn cho cô. Hừ! Làm thân con gái mà tham gia vào chuyện thanh toán, đánh đấm. Cái thằng ôn dịch ấy có đáng để con liều mạng không? Lỡ có chuyện gì chỉ khổ cái thân già này thôi, chớ nó chăm sóc con được không? Phải về đầy, về ngay thôi.
Cầm Thi ngang ngạnh:
– Chả hiểu dì Mười đã nói gì, nhưng con không về đâu.
– Cô đã cấm con không giao thiệp với thằng Trình, nhưng con cãi lời, làm sao cô dám tin tưởng để con tự tung tự tác ngoài đó với một đứa như nó.
– Con không qua lại với Trình dù ảnh từng ghé nhà với anh Hòa. Chuyện vừa xảy ra chỉ là ngẫu nhiên mà thôi.
Bà Lan ngắt lời Thi:
– Ngẫu nhiên, ngẫu hứng gì cô không quan tâm. Cứ về nhà với cô.
Cầm Thi ấm ức:
– Con thấy Trình cũng đàng hoàng, sao cô lại cấm con giao thiệp? Phải tại anh ta là cháu ông Luận, mà ông Luận lại là người đào hoa nức tiếng hay không? Có thể trước đây cô và chú Luận có bất đồng, có xích mích nhưng cũng đừng vì vậy mà ác cảm với Trình, tội nghiệp anh ấy.
Bà Lan quát lên trong máy:
– Giỏi ăn nói lung tung. Thằng Trình đã đủ tai tiếng với Thoại Oanh, Thoại Yến rồi, con đừng ngu ngốc chen chân vào đứng cạnh hai đứa nó nữa.
Cầm Thi ấm ức:
– Trình và con không có gì. Con cũng khác Thoại Oanh, Thoại Yến.
– Cô khống muốn nghe con thanh minh, cô muốn ngày mai con phải có mặt tại Sài Gòn. Chơi bao nhiêu đó là quá đủ rồi.
Bỗng dưng Cầm Thi bực bội vì kiểu ra lệnh không cần giải thích lý do của bà Lan. Cô đâu phải trẻ con nữa, nhưng cãi lời bà thì cô vẫn chưa dám.
Nuốt nghẹn xuống, Cầm Thi bảo:
– Vâng.
Gác máy, Cầm Thi thẫn thờ trở ra sân:
Trình vẫn còn ngồi trên cái đôn hình con voi, giọng anh trầm xuống ray rức.
– Đã bị cô Lan mắng rồi phải không? Tôi xin lỗi.
– Có liên can tới anh đâu.
– Sao lại không! Em cho tôi là Bờm chắc?
Thi đều giọng:
– Người lớn lúc nào cũng là người đúng, tôi quen nghe mắng rồi, nếu không phải vì anh tôi cũng bị mắng vì chuyện khác. Cô Lan bắt tôi về ngay ngày mai.
Trình từ tốn:
– Cô Lan sợ em sẽ gặp rắc rối từ bọn côn đề đó. Em nên nghe lời, như vậy tôi cũng an tâm.
Cầm Thi nhếch môi:
– Không phải như vậy đâu. Cô Lan chỉ muốn nhốt tôi vào trong lồng son, ở đó tôi phải nghe lời cô tất cả mọi điều. Anh không biết đấy thôi, với những người bà con họ hàng và với cả ba tôi, tôi là một con bé ngỗ nghịch, bởi vậy cô Lan rất sợ bị mang tiấng không biết dạy tôi. Mà thật ra tôi có làm gì sai đâu chớ.
Tôi không hiểu sao tôi luôn có cảm giác mình là cái gai trong mắt họ.
Nói tới đây, Cầm Thi chợt nghẹn lời, cô mím môi lại và nghe mắt cay xè.
Trình lặng lẽ nhìn cô bé, lòng anh chợt dâng lên những cảm xúc thật lạ.
Lần đầu thấy Cầm Thi lạc lõng trong bữa tiệc mừng thọ ông Bửu Cầm, Trình đã nao nao, nhưng lúc đó anh cho rằng anh xúc động trước vẻ lạ lạ của một cô gái, rồi nữa anh chú ý tới Cầm Thi vì cô có quá nhiều điểm giống bà Aline Chu, một người đàn bà luôn khiến anh phải dè chừng trong giao dịch làm ăn.
Suốt buổi tối đó, anh cứ dõi mắt âm thầm quan sát Thi và bị cô bắt gặp, tiếc rằng anh chưa nói với Cầm Thi được mấy lời.
Khi gặp lại cô trên tàu cánh ngầm, thì giữa hai người lại bị ngăn cách bởi một biên giới vô hình được dựng lên bằng những lời cấm đoán của bà Thoại Lan.
Trình không nghĩ mình sớm tái ngộ với Cầm Thi đến vậy. Hình như giữa anh và cô bé cô duyên gặp gỡ thì phải. Không những chỉ là duyên mà còn là phận nữa, nếu không sao tự nhiên Cầm Thi lại xuất hiện đúng lúc Trình gặp họa để chia sớt nguy hiểm cùng anh? Những cô gái anh từng quen có cô nào dám vì người khác như Cầm Thi không?
Trình nói:
– Em là một cô bé giàu lòng nhân hậu, thì làm sao là cái gai trong mắt người khác cho được. Không nên suy nghĩ một cách cực đoan rồi buồn.
Cầm Thi im lặng. Một lát sau cô nói:
– Ngày mai phải về rồi, tôi không thích chút nào. Tôi vẫn muốn lang thang ngoài biển vô cùng. Nhưng giờ này đã tối quá rồi.
Trình rủ rê:
– Hay là chúng ta cùng dạo biển một lần?
Cầm Thi mở to mắt:
– Anh đi với tôi à? Được không đó?
– Nếu em không chê tôi vô dụng, không bảo vệ được em khi lỡ gặp chuyện, tôi rất sẵn lòng.
Cầm Thi nôn nao, cô đang muốn làm điều gì đó khác với những điều cấm đoán của cô Lan, cô muốn nổi loạn một lần cho bao nhiêu ức chế dồn nén lâu nay bùng nổ. Cố muốn mình sống khác trước dù chỉ một lần thôi. Vậy thì sao không cùng Trình ra biển để hưởng sự tự do trong khoảnh khắc để rồi sáng mai Cầm Thi lại rời xa biển và về nhà làm một cô gái ngoan, suốt ngày vâng dạ theo ý của cô Lan?
Chỉ nghĩ tới việc phải ép mình như lâu nay Cầm Thi đã thấy khổ sở. Cô ngẩng lên nhìn vào đôi mắt hết sức đa tình của Trình và biết mình đang dao động trước đề nghị thật hấp dẫn và đúng lúc của anh.
Dạo biển đêm với một người đàn ông đầy phong độ, đúng là lãng mạn và cũng vô cùng nguy hiểm.
Có nên thử hay không?
Trình rất mang tiếng vì đàn bà, nhưng anh ta không phải là đồ bỏ đi, Cầm Thi có thử một lần cũng ăn thua gì, hơn nữa cô không phải dạng đa cảm như chi Oanh hay yếu đuối như Thoại Yến. Vậy thì sợ gì?
Mắt Trình như vừa thôi thúc vừa thách thức Cầm Thi, khiến cô khó cưỡng lại.
Ngần ngừ rồi quyết định trong tích tắc, Cầm Thi bảo:
– Anh chờ tôi nhé.
Rồi bằng những bước chân chắc chắn, Cầm Thi xuống bếp.
Giọng thật nghiêm, cô nói với bà Mười:
– Sáng mai con về Sài Gòn, tối nay con muốn ra biển, dì không được gọi điện mách cô Lan như vừa rồi. Nếu không con sẽ bỏ nhà đi luốn, lúc ấy thì khỏi ai tìm ra con.
Bà Mười ấp úng:
– Con đi với cậu Trình hả? Trời ơi! Không được.
Cầm Thi cao giọng:
– Tại sao lại không được? Con làm việc gì cũng bị cấm, cũng không được.
Hừ! Con sắp điên lên vì tất cả những cái không được ấy rồi, dì biết không?
Bà Mười im lặng và cuối cùng nhỏ nhẹ:
– Mang theo áo lạnh rồi đi đi. Dì tin con ... là con gái phải ... phải ...
Cầm Thi vớ lấy cái áo gió treo trên móc ra, chạy ào trở ra, cô nôn nóng đến mức không nghe hết lời dặn dò của bà Mười.
Trình đón cô với nụ cười thật rạng rỡ. Với anh, đêm nay sẽ là một đêm đặc biệt. Hy vọng là Cầm Thi, cô thiên thần nhỏ bé cũng nghĩ như anh.
|
|
|