Ngày mười bốn tháng đó, Kumalo bảo vợ:
- Anh phải vô núi.
Bà vợ đáp:
- Em hiểu mình.
Vì bà thấy ông đã hai lần hành động như vậy rồi; một lần: Absalom còn nhỏ đau xuýt chết, và một lần nữa: ông muốn bỏ chức mục sư mà quản lý một cửa hàng bản xứ ở Donnybrook cho một người da trắng tên là Baxter, để kiếm được nhiều tiền hơn ở giáo đường. Còn một lần thứ ba nữa, nhưng lần này bà đi vắng nên không biết: hồi đó ông bị cám dỗ ghê gớm, xuýt mắc tội thông dâm với một cô giáo cô đơn, dễ mềm lòng ở trường Ndotsheni.
Ông nói bà:
- Mình có muốn đi với anh không? Anh không muốn mình phải ở nhà một mình.
Bà cảm động đáp:
- Em không thể đi được, vì con dâu nó sắp tới ngày sanh rồi, không biết bất thần lúc nào. Nhưng mình cứ đi đi.
Bà nấu cho ông một bình trà, gói vài cái bánh bột bắp chắc dạ cho ông mang theo. Ông lấy một chiếc áo choàng và cây gậy và leo con đường mòn đưa lên nhà viên Tù trưởng. Nhưng tới ngã ba đầu tiên, ông quẹo về phía tay lấy thức ăn, leo một ngọn đồi nữa, tiến tới những cái chồi ngay ở chân núi. Tới đây lại quẹo nữa, đi men theo chân núi về phía đông, tức về phía thung lũng Empayeni ở xa tít mù, một thung lũng đất cũng đỏ và trụi, cũng chỉ có toàn ông già bà cả, đàn bà và con nít.
Nhưng chưa tới thung lũng mới tới con đường phẳng, tới chỗ nó bắt đầu đổ xuống thung lũng thì ông bỏ con đường đó mà leo lên núi. Núi này tên Emoyeni, có nghĩa là: Ở trong gió, nó cao ngất, nhìn xuống Carisbrooke và các ngọn núi khác, nhất là mặt ngó xuống thung lũng Ndotsheni và Empayeni thì nó lại càng cao. Nó quả là bức thành của thung lũng Umzimkulu và đứng trên núi đó nhìn xuống, người ta thấy được một cảnh đẹp nhất của châu Phi.
Trời đã gần tối và Kumalo đi một mình trong cảnh chạng vạng; như vậy càng tốt vì không nên cho nhiều người biết. Nhưng khi ông bắt đầu leo con đường mòn ở giữa các tảng đá thì thấy bóng một người cỡi ngựa và có tiếng gọi:
- Phải Umfundisi đấy không?
- Thưa phải, Umnumzana.
- May quá, tôi tính lại nhà Umfundisi đây. Trong túi tôi có một bức thư gởi cho các người ở giáo đường.
Ông ta im lặng một lát, rồi nói thêm:
- Vòng hoa hôm đó đẹp quá, Umfundisi.
- Cảm ơn Umnumzana.
- Còn cái chuyện giáo đường? Umfundisi có muốn cất một giáo đường mới không?
Kumalo chỉ mỉm cười lắc đầu chứ không biết đáp ra sao. Và mặc dầu ông ta lắc đầu như thể đáp : “ không ”, Jarvis cũng hiểu ý.
- Bản đồ sắp gởi tới cho Umfundisi coi, và Umfundisi phải cho tôi biết có vừa ý không.
- Thưa Umnumzana, tôi sẽ trình lên đức Giám mục.
- Đó là việc của Umfundisi, tôi không bàn tới. Tôi chỉ muốn rằng đừng lâu lắc quá, vì tôi sắp rời khỏi miền này.
Nghe mấy lời đau buồn đó, Kumalo ngây người ra, lo sợ. Mặc dầu trời tối, Jarvis cũng đoán được tâm trạng của ông, vội nói thêm:
- Nhưng tôi cũng sẽ thường trở về đây, vì Umfundisi cũng biết, tôi có một công việc dở dang ở Ndotsheni. Này, chàng thanh niên đó ra sao?
- Làm việc suốt ngày đêm. Không lúc nào nghỉ ngơi cả.
Người da trắng khẽ cười:
- Tốt lắm.
Rồi ông ta rầu rầu nói thêm:
- Nhà tôi bây gời chỉ còn một mình tôi. Vì vậy tôi ra Johannesburg ở với con dâu và các cháu. Umfundisi biết thằng cháu nhỏ của tôi đấy chứ?
- Thưa Umfundisi, tôi biết cậu ấy.
- Nó có giống ba nó không?
- Thưa giống, Umnumzana.
Kumalo nói thêm:
- Thực tình tôi chưa thấy em nhỏ nào như cậu ấy.
Ngồi trên lưng ngựa, Jarvis quay mặt đi, và trong bóng tối, con người nghiêm nghị ít nói đó như bừng lên chút nhiệt tình.
- Umfundisi, muốn nói gì vậy?
- Thưa Umnumzana, ở cậu ấy tôi thấy có cái gì rực rỡ.
- Ừ, ừ , đúng đấy. Ba nó cũng vậy.
Rồi Jarvis nói thêm, như một người đương khát khao:
- Umfundisi, còn nhớ không?
Và biết ông ta đương khát khao, nên Kumalo mặc dầu chẳng nhớ rõ, cũng đáp:
- Thưa nhớ.
Họ làm thinh một lát rồi Jarvis bảo:
- Tôi phải đi thôi Umfundisi.
Nói vậy mà ông ta vẫn không đi. Trái lại, ông ta còn hỏi thêm:
- Umfundisi, đi đâu vào giờ này?
Kumalo lúng túng, không biết nói sao, nhưng rồi cũng đáp:
- Tôi vô núi.
Thấy Jarvis làm thinh,Kumalo tìm lời để giảng giải thêm, nhưng chưa kịp nói thì Jarvis bảo:
- Tôi hiểu, tôi hiểu lắm.
Giọng Jarvis đầy tình thương xót, làm cho ông lão khóc và Jarvis ngồi trên lưng ngựa, thấy ngượng ngượng. Ông ta có thể xuống ngựa an ủi ông lão, nhưng việc đó không nên khinh xuất. ông ta dang tay trỏ thung lũng chìm trong bóng tối bảo:
- Có một việc đương sắp xong, nhưng ở đây một công việc khác mới đương bắt đầu. Tôi còn sống ngày nào nó sẽ còn tiếp tục ngày đó. Thôi Umfundisi đi mạnh giỏi
- Thưa Umnumzana.
- Cái gì nữa?
- Umnumzana đừng đi vội, cho tôi cảm ơn đã. Cảm ơn về thanh niên đó, và về sữa. Bây giờ cảm ơn thêm về giáo đường.
Jarvis nói, giọng nửa vui mà nửa buồn:
- Tôi biết một người, người đó ở trong bóng tối cho tới khi Umfundisi tìm ra được. Nếu đó là công việc Umfundisi làm thì tôi sẵn lòng tặng.
Có lẽ câu nói có ý nghĩa gì rất thâm thúy, hoặc giả vì ở trong bóng tối, nên Kumalo hoá bạo dạn và đáp:
- Thú thật, trong số tất cả những người da trắng mà tôi được biết…
Jarvis vội ngắt lời một cách xẵng:
- Tôi đâu phải là một vị thánh.
- Cái đó, tôi không thể biết được. Nhưng Thượng Đế đã đặt bàn tay của Ngài lên Umnumzana (1)
Jarvis bảo:
- Có thể như vậy, có thể như vậy.
Rồi ông ta thình lình quay lại, chào:
- Umfundisi đi mạnh giỏi. Suốt đêm nay ở lại mạnh giỏi.
Kumalo chào lại, trong khi Jarvis thúc ngựa đi:
- Umnumzana đi mạnh giỏi.
Thực ra còn nhiều điều khác sâu sắc mà ông lão muốn nói thêm, nhưng không dễ gì mà nói. Đợi cho tiếng vó ngựa chìm hẳn trong cảnh tịch mịch rồi, ông mới bám vào các phiến đá lớn mà khó nhọc leo lên vì sức đã suy. Lên tới đỉnh, ông đã mệt đừ, hổn hển, ngồi xuống một phiến đá để nghỉ, nhìn dãy núi Ingeli và Đông – Griqualand đen sẫm ở bên kia thung lũng lớn. Nghỉ khoẻ rồi, ông tiến thêm một quãng ngắn nữa, tìm thấy chỗ mà mấy lần trước ông đã tới.
Chỗ đó là một góc trong đám đá, khuất gió, có thể ngồi bỏ chân thõng xuống được. Ông nhớ nhất là lần đầu tiên lại đó, có lẽ là vì lần đó là lần đầu, mà cũng có lẽ là vì lần đó ông cầu nguyện cho đứa con trai của ông, mà không còn lời cầu nào có thể cứu nổi nữa. Thời đó nó không biết viết, bây giờ thì nó viết ba bức thư và cả ba bức đều bảo: “ Nếu con được về Ndotsheni, thì không bao giờ con rời nơi đó nữa ”. Trong một hai ngày nữa ông bà sẽ nhận được bức thư cuối cùng trong đời nó. Lòng ông xúc động, vô cùng thương xót đứa con sắp chết đó, đứa con đã hứa sẽ không bao giờ phạm tội nữa, nhưng nó đâu có được ân xá. Nếu ông gặp được nó sớm hơn thì có thể….Ông cau mày nhớ lại những câu hỏi tàn nhẫn và vô ích này: “ Tùy ý ba, như ba nói đó. Con không biết ”. Nó trả lời như vậy để làm gì kìa?
Ông gạt bỏ những hồi ức vô ích đó đi, và bắt đầu một đêm không ngủ. Ông xám hối, rán nhớ lại hết các tội lỗi từ lần cuối cùng ông vô núi này. Có những tội ông nhớ dễ dàng như tội nói dối trong chuyến xe lửa, tội nói dối với em ông, làm em ông giận dữ đuổi ông ra khỏi nhà, khép cửa, cài chốt lại; tội mất lòng tin ở Johannesburg; tội dằn vặt làm khổ thiếu nữ sa đoạ mà ngây thơ như em bé nọ. Ông rán ôn lại kỹ tất cả các lần và cầu nguyện để được xá tội.
Rồi ông tạ ân Thượng Đế, nhớ một cách rõ rệt rằng ông có nhiều lý do để tạ ân Thượng Đế về nhiều việc. Ông xét từng việc một, tạ ân về từng việc một và cầu nguyện cho mỗi người mà ông nhớ lại. Trước hết là ông Msimangu rất thân mến đã rộng rãi cứu mạng ông. Rồi tới người da trắng trẻ tuổi ở trại Cải huấn, đã cau mày bảo ông: “ Tôi xin lỗi Umfundisi, đã thốt ra những lời giận dữ đó ”. Rồi tới bà Lithebe từ tâm vẫn thường nói: “Ở đời thì phải giúp đỡ lẫn nhau ”. Rồi tới cha Vincent chìa hai bàn tay ra bảo: “ Umfundisi muốn gì thì cứ cho tôi hay, bất kỳ là việc gì, giúp được thì tôi sẽ giúp ”. Rồi tới ông luật sư vì Thượng Đế mà lo việc ấy, và đã viết thư nhã nhặn thân mến báo tin không được ân xá.
Rồi tới ngày về Ndotsheni, bà vợ và người thân tín đi đón, còn người đàn bà vắt tấm tạp dề lên đầu đó nữa. Rồi bọn phụ nữ đợi ông ở giáo đường. Hôm đó về tới nhà vui quá, ông quên hết nỗi đau khổ của mình.
Ông trầm ngâm một hồi lâu, vì một người khác trở về một thung lũng khác, không phải thung lũng này, có được tiếp đón niềm nở như vậy không? Tại sao riêng ông lại được thấy nỗi đau khổ biến thành nỗi vui mừng như vậy? Tại sao riêng ông giác ngộ về Thượng Đế như vậy?
Một người khác không được giác ngộ như vậy, có thể là sẽ phải sống trong cảnh đau khổ bất tuyệt. Tại sao lại có cái gì thúc đẩy, ông cầu nguyện cho Ndotsheni được phục sinh. Và tại sao lại có một người da trắng, ở trên đỉnh đồi kia làm những công tác đó cho cái thung lũng này, những công tác mà người khác không bao giờ làm. Và tại sao lại xui khiến cho người đó chính là người có con bị con trai ông giết? Một người khác không phải là ông có thể nào cũng bị thúc đẩy, cầu nguyện ngày đêm không ngừng, cho sự phục sinh của một thung lũng nào khác, không bao giờ được phục sinh không?
Nhưng óc ông không thể suy nghĩ hơn được nữa. Cái đó đầu óc con người không sao hiểu nổi. Ông gạt bỏ những ý nghĩ đó đi vì nó huyền bí quá.
Rồi lại còn ông da trắng Jarvis, bà vợ mới chết, cậu bé có cái gì rực rỡ kia. Óc ông cũng không sao hiểu nổi. Nhưng ông thấy những cái đó đủ cho ông tạ ơn Thượng Đế cho tới hết đời. Và ngay bây giờ ông rán tạ ơn vài điều.
Ông giật mình tỉnh dậy. Trời lạnh nhưng không lạnh lắm. Mấy lần trước ông không bao giờ ngủ, nhưng bây giờ ông già nua rồi, đời tuy chưa tàn hẳn, nhưng cũng gần tàn rồi. Ông nghĩ tới tất cả người đau khổ, tới cô Gertrude tâm hồn nhu nhược, điên khùng. Tới những người ở Shanty Town và Alexandra. Tới bà vợ lúc này. Người ông nghĩ tới nhiều hơn cả là Absalom, con trai ông. Lúc này nó thức hay ngủ, cái đêm cuối cùng trong đời nó này, nó thể chợp mắt được không? Ông gào lên: “ Con ơi! Con, con! ”.
Gào thế rồi ông tỉnh hẳn dậy, ngó đồng hồ, thấy một giờ khuya. Quá năm giờ một chút, thì mặt trời sẽ mọc và người ta bảo lúc đó là xong rồi. Nếu con ông còn đương ngủ thì cứ để cho nó ngủ, như vậy là hơn. Nhưng nếu nó đã tỉnh dậy, thì – Ôi! Chúa Ki Tô chí nhân chí từ - xin Chúa ở bên cạnh nó. Ông cầu nguyện như vậy rất thành tâm và rất lâu.
Còn bà vợ ông đã tỉnh chưa? Có nghĩ tới cái đó không? Không vì người con dâu thì bà đã cùng tới đây với ông rồi. Và đứa con dâu đó nữa, ông quên nó chứ? Chắc chắn là nó đương ngủ, không phải vì vô tình với chồng nó, mà vì chồng nó có ân nghĩa gì nhiều với nó đâu, không nhiều gì hơn những người chồng khác của nó.
Ông nghĩ tới Jarvis có tang vợ và tang con, nghĩ tới nàng dâu của ông ta goá bụa, và những đứa nhỏ mồ côi cha, nhất là cậu bé rực rỡ hay cười đó. Cậu ta đứng trước mặt ông và bảo ông: “ Khi tôi đi rồi thì Ndotsheni mất một cái gì rực rỡ ”. Cậu nói: “ Phải, tôi hiểu, tôi hiểu ”. Cậu không bẽn lẽn, không xấu hổ, mà bảo: “ Phải, tôi hiểu ”, rồi cậu cười vui vẻ.
Bây giờ ông nghĩ tới tất cả những người châu Phi, quê hương yêu dấu của ông. Nkosi Sikelel’ i Afrika. Xin Thượng Đế che chở cứu vớt châu Phi. Nhưng ông không được thấy sự cứu vớt đó. Nó còn xa vời quá, vì con người sợ nó. Nói cho đúng, họ sợ ông, sợ vợ ông, sợ Msimangu, sợ thầy cán sự trẻ tuổi.
Mà trong những nguyện vọng, những khao khát của những người này có gì xấu đâu? Đòi được đi đứng hiên ngang trên non sông của tổ tiên mình, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đòi được tự do hưởng huê lợi của đất đai thì có gì xấu? Vậy mà những kẻ kia sợ, sợ ghê gớm tận trong đáy lòng, sợ tới nỗi phải giấu lòng tốt của mình đi, hoặc có biểu lộ ra thì lại biểu lộ một cách tàn bạo, giận dữ, cau mày nhăn mặt. Họ sợ vì họ là thiểu số. Chỉ có tình thương mới diệt được nỗi sợ đó.
Chính Msimangu, con người không thù oán ai hết đó, đã bảo:
- Tôi chỉ có một nỗi sợ trong lòng tôi, sợ một ngày kia khi họ bắt đầu có tình thương yêu, thì thấy chúng mình đã hoá ra thù ghét họ rồi.
Ôi! những lời đó nghiêm trọng và bi thảm làm sao!
Khi ông thức dậy lần nữa thì ở phương Đông trời đã hơi thay đổi; ông hơi hoảng hốt nhìn đồng hồ. Nhưng ông yên tâm lại: mới có bốn giờ. Bây giờ thì cần phải tỉnh hẳn, vì có lẽ người ta đương đánh thức con ông bảo nó sửa soạn rồi đây. Ông đứng lên, nhưng chân lạnh và tê cóng, khó đứng vững được. Ông kiếm một chỗ khác để nhìn về phương Đông, vì nếu lời người ta nói mà đúng, thì khi mắt trời ló ở chân trời là mọi sự đã xong.
Ông nghe nói buổi sáng đó, muốn ăn cái gì người ta cũng cung cấp cho. Lúc đó mà còn có người đòi ăn, thì ông cho là điều kỳ dị. Một sự bí mật thầm kín nào đó không biết rằng sắp phải chết, còn thúc đẩy cơ thể làm cho nó thấy đói chăng? Con nó có tĩnh tâm không? Có bình tĩnh bận quần áo không? Hiện lúc này có nghĩ tới Ndotsheni không?
Mắt nó rưng rưng không? Nó có chùi nước mắt không? Nó có đàng hoàng đứng thẳng lên mà ra vẻ con người không? Nó có bảo: “ Không, tôi không muốn ăn, tôi muốn cầu nguyện ” không? Ông Msimangu có ở đó với nó không? Cha Vincent hoặc một mục sư nào có tới an ủi cho nó mạnh bạo lên không? Vì nó sợ treo cổ quá.
Mà nó có hối hận không hay chỉ còn sợ hãi thôi? Lúc này còn có thể làm gì được nữa không? Có một đấng thiên thần nào xuống bảo: “ Việc phán quyết là việc của Thượng Đế, không phải của loài người. Lại đây với ta, đi với ta, con ”.
Cặp mắt nhạt nhoà của ông nhìn ánh sáng còn yếu ớt nhưng mỗi lúc một thêm tỏ ở phương Đông. Ông bình tĩnh lại, lấy gói bánh bột bắp và bình trà ra đặt trên phiến đá, đọc lời kinh Tạ Ân, bẻ bánh ăn và uống trà. Rồi ông thành tâm cầu nguyện, cứ cầu nguyện xong một điều lại ngước mặt lên nhìn về phương Đông. Phương Đông mỗi lúc một sáng lên và ông biết sắp tới lúc đó rồi. Khi ông đoán rằng việc đó đương xảy ra thì ông đứng dậy, dỡ nón, đặt nó xuống đất, chắp tay ở trước ngực. Trong khi ông đứng như vậy, mặt trời ló dạng ở phương Đông.
Phải, trời đã bình minh. Con chim Titihoya bừng tỉnh, cất tiếng hót khắc khoải. Tia sáng bình minh lướt trên đỉnh núi Ingeli và đông – Griqualand. Thung lũng lớn Umzimkulu còn chìm trong bóng tối nhưng ánh sáng sẽ giọi xuống đó. Ndotsheni còn chìm trong bóng tối nhưng ánh sáng cũng sẽ giọi xuống đó. Vì bình minh đã hiện, như nó đã hiện hàng ngàn thế kỷ nay, không hề sai chạy. Nhưng còn cái bình minh kia, cái bình minh của thời giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi của cảnh nô lệ, khỏi bị nô lệ sự sợ hãi, cái bình minh đó bao giờ mới hiện thì không ai biết được.
Chú thích:
1. Cũng như ta nói: Thượng Đế đã phù hộ Umnumzana.
Kết Thúc (END) |
|
|