Jarvis ngồi trên chiếc ghế bành của con, còn bà vợ và nàng dâu trở về nhà ông bà Harrison. Sách, sách, và sách nữa, chưa thấy nhà nào có nhiều sách như vậy. Trên bàn la liệt giấy tờ, thư từ và sách nữa.
“ Thưa ông Jarvis, xin mời ông lại diễn thuyết tại Giám lý hội (1) Parkwold”
“ Thưa ông Jarvis, chúng tôi lấy làm hân hạnh được ông lại diễn thuyết ở câu lạc bộ Thanh niên Anglican Sophiatown”
“Thưa ông Jarvis, xin mời ông quá bộ lại tham dự cuộc thảo luận ở Đại học….”
Không ông Jarvis không thể lại diễn thuyết ở một nơi nào cả.
“ Thưa ông Jarvis, chúng tôi hân hạnh mời ông lại dự buổi họp hàng năm của hội Ki Tô và Do Thái…”.
“Ông bà H.B. Singh hân hạnh mời ông bà Jarvis lại dự tiệc cưới con gái đầu lòng của chúng tôi, cô Sarajini”
“ Xin mời ông bà Jarvis quá bộ lại dự dạ hội Toc. H ở thung lũng Van Wyk, cho buổi dạ hội được thêm long trọng…”
Không ông Jarvis không thể nhận những lời nhã nhặn đó được.
Trên tường bên cạnh các tủ sách, treo ba tấm hình: hình Chúa Ki Tô trên thánh giá, hình Abraham Lincoln, hình ngôi nhà trắng ở Vergelegen và bức tranh vẽ một phong cảnh đồng cỏ mùa đông, lơ thơ mấy gốc liễu trụi lá bên dòng nước.
Ông Jarvis đứng dậy bước lại nhìn các tủ sách. Riêng về Abraham Lincoln đã có mấy trăm cuốn. Một người mà sao có thể làm đề tài cho bấy nhiêu tác phẩm, chứa đầy một tủ sách. Một tủ nữa chứa các sách về Nam Phi: cuốn Tiểu sử Rhodes của Sarah Gertrude Millin, cuốn về Smuts cũng của nữ văn sĩ đó, cuốn Tiểu sử Louis Botha của Engelenburg, rồi các sách nghiên cứu về các vấn đề chủng tộc, về loài chim Nam Phi, về Kruger Park và vô số các sách khác nữa. Một tủ thứ ba đầy những sách viết bằng tiếng Afrikaans, nhưng đọc nhan đề ông chẳng hiểu gì cả. Rồi đây nữa sách về tôn giáo, về Nga Sô, về vấn đề phạm pháp, về tội nhân, có cả những tập thi tuyển nữa. Ông kiếm Shakespeare. Có cả Shakespeare.
Ông trở về ngồi ở chiếc ghế bành, ngắm nghía hồi lâu bức hình Chúa Ki Tô trên thánh giá, hình Abraham Lincoln, hình ngôi nhà Vergelegen và tấm tranh vẽ cành liễu bên dòng nước. Rồi ông kéo mấy tờ giấy lại gần.
Tờ thứ nhất là một bức thư của người thư ký câu lạc bộ Thanh niên Phi ở Claremont, đường Gladiolus gởi cho con ông, tỏ ý tiếc rằng con ông không lại dự buổi hội họp hằng năm được, và báo tin rằng con ông lại được bầu làm Hội trưởng một khoá nữa. Cuối thư có đoạn cú pháp kỳ cục này:
“ Cuộc họp hằng năm giao cho tôi cái việc mừng ông về điều đó, và đa tạ ông rất nhiều về tất cả thời gian ông đã hội họp với chúng tôi, về các vật mà ông đã tặng cho Hội. Nếu không có ông dự thì Hội này làm sao mà tổ chức được, đó là điều bí mật mà đa số chúng tôi không hiểu. Vì vậy chúng tôi nhất định bầu ông làm Hội trưởng một khoá nữa.
Tôi xin lỗi ông vì dùng tờ giấy này, nhưng xấp giấy viết thư của Hội chúng ta đã bị mất rồi do những hoàn cảnh bất ngờ.
Tôi xin trân trọng chào ông.
Washington Lefifi ” (2)
Còn tờ giấy kia có nét chữ của con ông. Chắc là những đoạn trong một bài hoặc một cuốn nào đó, vì hàng đầu là cuối một câu và hàng cuối là một câu còn dở dang chưa hết. Ông tìm không thấy những trang còn thiếu, bèn đọc những trang đó vậy:
“ Có thể chấp nhận được. Việc mà chúng ta đã làm khi tới Nam Phi có thể chấp nhận được. Phát triển những nguồn lợi lao của ta nhờ nhân công tại đó, là điều hồi xưa có thể chấp nhận được. Dùng những người không chuyên môn vào một công việc không chuyên môn là điều hồi xưa có thể chấp nhận được. Nhưng lấy cớ là những việc không chuyên môn, mà không đào tạo những thợ chuyên môn thì là điều không chấp nhận được.
“ Khi chúng ta tìm thấy mỏ vàng, phải kiếm nhân công cho mỏ, đó là điều chấp nhận được. Lúc đó lập trại cho thợ mỏ, bắt vợ con họ phải ở xa châu thành, là điều có thể chấp nhận được. Chấp nhận được vì hồi đó chúng ta chưa biết gì cả và chúng ta còn thí nghiệm. Nhưng ngày nay chúng ta đã hiểu biết rồi thì điều đó không thể chấp nhận được nữa. Khi chúng ta biết rằng như vậy, là làm gia đình họ tan tành, mà chúng ta vẫn tiếp tục làm thì điều đó không sao chấp nhận được.
“ Nếu có sự thoả thuận của thợ thuyền, thì sự khai thác tài nguyên là điều chấp nhận được. Nhưng khai thác mà làm hại cho thợ thuyền, thì là điều không thể chấp nhận được. Không thể chấp nhận được cái việc đào vàng, chế tạo sản phẩm, hoặc cấy cầy ruộng đất, nếu việc khai thác, chế tạo, trồng trọt đó cần có một chính sách duy trì cảnh khốn khổ của thợ thuyền. Không thể chấp nhận được sự gia tăng tài sản của một số người, nếu họ chỉ có thể làm giầu trên lưng người khác. Sự thực chỉ có một danh từ để gọi các hành động ấy, danh từ “ bóc lột ”. Cái đó có thể chấp nhận được hồi chúng ta mới tới xứ này, vì lúc đó chúng ta không thể lường được, sự bóc lột đó đã làm cho đời sống cộng đồng của dân bản xứ tan nát ra sao, đời sống gia đình của dân bản xứ trụy lạc ra sao, họ hoá ra nghèo khổ, hà tiện ra sao, gây tội lỗi ra sao. Nhưng bây giờ chúng ta đã thấy những tai hại đó rồi, thì việc đó không thể chấp nhận được nữa.
“ Hồi xưa có thể chấp nhận được cái việc bỏ thí sự giáo dục cho dân bản xứ, cho ai muốn cáng đáng thì cáng đáng. Nghi ngờ sự ích lợi của việc giáo dục dân bản xứ, là điều hồi xưa có thể chấp nhận được. Nhưng ngày nay đã có kinh nghiệm rồi thì điều đó không chấp nhận được nữa. Một phần do sự phát triển kỹ nghệ của ta, một phần do những nguyên nhân ngoài ý muốn của ta, hiện nay số dân bản xứ ở các thành thị đã rất đông. Xã hội thời nào cũng vì cái lợi của xã hội, nếu không phải vì những lý do khác. Lo việc giáo dục con em để dạy cho chúng biết trọng pháp luật, có những mục đích hợp với đời sống xã hội. Phải dùng cách đó chứ không cách nào khác. Vậy mà chúng ta vẫn để mặc, vài người Âu lưu tâm tới vấn đề muốn dạy dỗ dân bản xứ ở thành thị ra sao tuỳ ý, mà không giúp họ tiền và phương tiện để họ phát triển công việc của họ, cái đó không thể chấp nhận được. Vả lại, chỉ xét riêng về cái lợi của xã hội thì chính sách đó còn nguy hại là khác.
“ Hồi xưa, việc tiêu diệt một bộ lạc, nó làm cản trở sự phát triển của xứ này, là điều có thể chấp nhận được, tin rằng sự tiêu diệt đó không sao tránh được là điều lúc đó có thể chấp nhận được. Nhưng ngày nay, thản nhiên nhìn một sự tiêu diệt như vậy, mà không kiếm cách thay thế nó bằng một cái gì khác, hoặc chỉ thay thế một chút thôi, để đến nỗi cả một dân tộc bị hủy hoại về thể chất và tinh thần, là một điều không thể chấp nhận được.
“ Chế độ bộ lạc cổ truyền mặc dầu tàn nhẫn, dã man, mặc dầu có nhiều mê tín dị đoan, pháp thuật, cũng vẫn là một chế độ luân lý. Dân bản xứ chúng ta thời nay thành những kẻ phạm pháp, mãi dâm, nghiện rượu, không phải vì bản tính của họ như vậy, mà vì các chế độ trật tự chất phác, cái hệ thống tập tục, truyền thống của họ đã bị hủy hoại. Vậy xã hội văn mình của chúng ta, không thể trốn tránh được cái bổn phận thành lập cho họ một chế độ trật tự với những tập tục, truyền thống khác.
“Đành rằng thời trước chúng ta hy vọng rằng dùng một chính sách chia cách chủng tộc, thì điều đó có thể duy trì chế độ bộ lạc. Điều đó hồi xưa có thể chấp nhận được. Nhưng chúng ta chưa bao giờ theo chính sách đó một cách đúng đắn hoặc thành tâm. Chúng ta để ra một phần mười đất đai cho bốn phần năm dân số. Như vậy chúng ta làm cho – có người bảo rằng chúng ta cố ý làm cho – nhân công bản xứ nhất định phải đổ dồn về các châu thành. Thế là chúng ta phải chịu hậu quả của tính ích kỷ của chúng ta.
“ Không nên làm cho vấn đề có vẻ kém quan trọng đi. Không nên gây cảm tưởng rằng giải quyết vấn đề đó là việc dễ. Không nên coi thường những nỗi lo lắng, sợ sệt nó bao vây chúng ta. Nhưng dù chúng ta lo lắng, sợ sệt hay không thì chúng ta cũng không được trốn tránh vấn đề luân lý, vì chúng ta những người theo Ki Tô giáo.
“Đã tới lúc….”
Tới đó hết trang, Jarvis đương say mê đọc, kiếm đoạn tiếp nhưng coi hết các tờ giấy bừa bãi trên bàn, mà không thấy được thêm trang nào nữa. Ông đốt thuốc, kéo mấy tờ giấy lại gần mình và đọc lại.
Khi đã đọc xong lần thứ nhì, ông vẫn tiếp tục hút thuốc, trầm ngâm suy tư. Rồi ông đứng dậy, lại đứng trước tủ chứa sách về Lincoln, ngó lên bức hình của bậc vĩ nhân đã ảnh hưởng lớn tới con ông như vậy. Ông nhìn qua nhan đề mấy trăm cuốn sách, đẩy miếng kính qua một bên, lấy ra một cuốn. Rồi ông trở về ngồi ở ghế bành, lật trang sách. Tới một chương nhan đề: Bài diễn văn nổi tiếng ở Gettysburg, một diễn văn mới đầu không ai để ý tới, rồi sau được coi là một trong những diễn văn quan trọng nhất của thế giới. Ông lật mấy trang mở đầu, tới bài diễn văn, rồi chăm chú đọc từ hàng đầu tới hàng cuối. Đọc xong ông lại hút thuốc, suy nghĩ miên man. Được một lát ông đứng dậy, đặt trả cuốn sách vào chỗ cũ, khép tủ lại. Nghĩ sao ông lại mở tủ ra, lấy cuốn sách bỏ vào túi, rồi đẩy tấm kính khép lại. Ông ngó đồng hồ đeo tay, gõ ống điếu vào lò sưởi để trút hết tàn thuốc, đội nón, cầm lấy chiếc can.
Ông chậm rãi xuống cầu thang mở cái cửa đưa tới hành lang bi thảm đó. Ông dỡ nón ngó vết sẫm ở trên sàn. Ông không cố ý gợi lại mà tự nhiên hình ảnh em bé ở High Place hiện lên trong óc ông, một em bé chơi mấy cây súng bằng gỗ. Ông đi dọc theo hành lang, lơ đãng không nhìn thấy gì cả bước qua cái cửa mà mấy hôm trước thình lình thần chết đã ùa vô. Thầy cảnh sát chào ông, ông đáp lại bằng mấy lời bâng quơ chẳng có ý nghĩa gì cả. Ông lại đội nón lên, bước ra cửa rào. Ông do dự ngó hai phía đầu và cuối con đường cái. Rồi gắng sức bước đi. Thầy cảnh sát thở dài, vươn vai.
1. Một giáo phái của Anh: Methodist.
2. Giọng thư ngây ngô, vì người viết là một người da đen ít học.
Giọng bò mộng vang lên trong công viên. Có nhiều cảnh sát cả da trắng lẫn da đen. Nhìn thấy họ đứng đó, hô hào một đám đông như vậy, thì dĩ nhiên là thấy mình có uy lực lắm, vì giọng bò mộng gầm thét, lên cao rồi hạ xuống.
Có người chỉ nghe cái giọng đó thôi cũng đủ xúc động. Có người nhớ lại lần đầu tiên nghe giọng đó, tưởng đâu như mới hôm qua, nhớ lại sự kích động của mình, nhớ lại cảm giác kỳ dị chạy khắp thân thể như bị điện giựt. Vì giọng đó có một ma lực, có cái gì hăm dọa như chính châu Phi dồn chứa trong đó. Có tiếng sư tử gầm trong đó, trên những ngọn núi u ám.
Dubula và Tomlinson đứng nghe, nửa khinh bỉ, nửa ganh tị. Vì giọng đó có thể kích động hàng ngàn người, nhưng thiếu đầu óc ở phía sau nên không biết nên nói cái gì, mà dù có biết nên nói gì thì không đủ can đảm để nói.
Bọn cảnh sát đứng nghe, một người bảo bạn:
- Thằng cha này nguy hiểm.
Người kia đáp:
- Công việc của mình không phải là suy nghĩ về chuyện đó.
John Kumalo hô hào:
“ Chúng ta không đòi hỏi cái gì quá lố không chấp nhận được. Chúng ta chỉ đòi được cái phần xứng với công khó nhọc sản xuất của chúng ta thôi. Người ta mới tìm thấy thêm được mỏ vàng và Nam Phi lại phong phú lên. Chúng ta chỉ đòi cái phần của chúng ta thôi. Vàng đó sẽ nằm nguyên trong lòng đất nếu chúng ta không đào nó lên. Tôi không bảo rằng đó là vàng của chúng ta, tôi chỉ bảo rằng chúng ta phải được hưởng cái phần của chúng ta. Đó là vàng của mọi người, da trắng, da đen, da màu và Ấn Độ. Nhưng ai sẽ được hưởng cái phần lớn nhất đây, ai? ”
Tới đây cái giọng bò mộng gầm lên trong họng. Một làn sóng lao xao nổi lên trong lòng quần chúng. Cảnh sát ngửng lên canh gác cẩn thận hơn, trừ nhưng nhân viên đã nghe quen rồi, và biết rằng gã Kumalo này chỉ hăng tới mức đó thôi chứ không dám tiến xa hơn nữa. Sẽ xảy ra sao nhỉ nếu giọng đó gào lên những lời nó vẫn gào trong nhà riêng của nó, cứ gào lớn lên hoài, lớn lên nữa mà không hạ xuống, và nếu quần chúng cũng nổi lên theo, bị giọng đó làm cho như điên, như cuồng, mà có những tư tưởng phản loạn, chế ngự, biểu lộ uy lực và đòi chiếm hữu? Sẽ ra sao nhỉ nếu giọng đó miêu tả hình ảnh một châu Phi thức tỉnh, một châu Phi phục sinh, một châu Phi hắc ám và man rợ? Có khó gì đâu, chẳng cần có một bộ óc khác thường cũng nghĩ ra được những ý đó. Nhưng con người đó nhút nhát, nên tiếng sấm gầm lên rồi tắt dần, và quần chúng rùng mình, trở lại bình tĩnh.
John Kumalo cất tiếng hỏi:
“Đòi thêm tiền có phải là một cái tội không? Chúng ta được lãnh ít quá. Chúng ta chỉ đòi cái phần của chúng ta thôi, đủ để nuôi vợ con khỏi chết đói. Vì chúng ta được trả công ít quá. Uỷ ban Landsown bảo rằng chúng ta được lãnh ít quá. Uỷ ban Smith bảo rằng chúng ta được lãnh ít quá ”
Tới đây giọng lại gầm lên và quần chúng lại bị kích động, Kumalo nói tiếp:
“ Chúng ta biết rằng chúng ta được lãnh ít quá. Chúng ta chỉ đòi được những cái mà thợ thuyền trên khắp thế giới chiến đấu cho được, tức là cái quyền được bán sức lao động của chúng ta cho đúng giá, được nuôi vợ con một cách đàng hoàng.
Người ta bảo rằng tăng tiền công lên thì sở mỏ phải đóng cửa. Nếu vậy thì kỹ nghệ khai mỏ ích lợi gì đâu? Nếu nó chỉ sống được trên sự khốn cùng của chúng ta thì duy trì cho nó sống làm gì? Người ta bảo nó làm cho xứ này giầu có lên, nhưng chúng ta thấy sự giầu có đó ở đâu? Chúng ta phải chịu nghèo khổ để cho người khác được giầu có ư? ”
Đám đông lao xao lên như có một cuồng phong thổi vào. Này, John Kumalo, đã tới lúc cái giọng bò mộng đó nên vang lên, bay vút lên tới chín từng mây đấy. Đã tới lúc nên dùng những tiếng phẫn nộ, những tiếng man rợ, quá khích để thức tỉnh quần chúng, làm cho họ nổi xung, khởi loạn lên rồi đấy. Nhưng Kumalo biết rồi. Hắn biết rằng hắn có một năng lực rất lớn, một năng lực mà hắn sợ. Và giọng hắn hạ xuống; tiếng tan dần trên núi và âm hưởng mỗi lúc một nhỏ đi.
Người cảnh sát lúc nãy lặp lại:
- Tôi cho rằng thằng cha này nguy hiểm.
Người cảnh sát kia đáp:
- Bây giờ nghe hắn nói tôi mới thấy anh nói có lý. Còn đợi gì mà không tóm cổ thằng chó ghẻ này hả?
Người thứ nhất nói:
- Còn đợi gì mà không cho nó ăn đạn?
- Ừ, cho nó ăn vài viên đạn đi.
Người thứ nhất nói:
- Chính quyền chỉ giỡn với lửa.
- Đúng đấy.
Kumalo lại nói:
“ Chúng ta chỉ đòi hỏi sự công bằng thôi. Ở đây chúng ta không đòi được bình đẳng, tự do, không đòi bỏ chính sách phân biệt màu da. Chúng ta chỉ đòi hỏi cái kỹ nghệ phong phú nhất thế giới này trả thêm tiền công cho chúng ta thôi. Kỹ nghệ đó không có sức lao động của chúng ta. Chúng ta thôi không làm việc nữa thì kỹ nghệ đó sẽ chết. Và tôi bảo này, thà thôi làm còn hơn là làm với số tiền công như vậy.”
Các cảnh sát bản xứ lanh lẹ hơn, canh gác cẩn thận hơn. Họ đứng ở chỗ của họ như lính chiến. Ai mà biết được họ nghĩ gì về lời kêu gọi quần chúng đó: họ có suy nghĩ gì không ai mà biết được. Cuộc mít-tinh này yên lặng có trật tự. Và nếu nó cứ yên lặng có trật tự như vậy thì để mặc nó. Nhưng hễ hơi thấy có dấu hiệu hỗn loạn là họ sẽ tóm cổ John Kumalo, thẩy hắn lên xe cây, đem hắn đi. Và tiệm thợ mộc mỗi tuần lời được tám, mười hai bảng sẽ ra sao? Còn những cuộc thảo luận trong tiệm với những người từ mọi nơi tới nghe hắn thuyết nữa không?
Có những người mong được tuẫn đạo, có những người biết rằng vô khám thì uy thế của mình tăng lên, có những người sẵn sàng vô khám chẳng hề nghĩ rằng uy thế của mình tăng hay giảm. Nhưng Kumalo thuộc những hạng người đó. Trong khám có ai mà vỗ tay khen mình.
…. (1)
John Kumalo nói:
“ Tôi không giữ anh chị em lại lâu hơn nữa đâu. Đã trễ rồi và còn một diễn giả nữa đã ghi tên, và phải để anh chị em về nhà chứ nếu không thì sẽ có nhiều người bị chuyện lôi thôi với cảnh sát. Tôi thì không sao nhưng có những bạn buộc phải có giấy thông hành thì điều đó quan trọng đấy. Và chúng ta không muốn làm phiền ty cảnh sát. Tôi nhắc lại: chúng ta bán sức lao động và con người có quyền bán sức lao động cho đúng giá. Chiến tranh vừa rồi sở dĩ phát sinh là để binh vực quyền tự do đó. Nhiều lính Phi châu của chúng ta đã chiến đấu cho quyền tự do đó.”
Giọng nói lại như gầm lên. Sắp có cái gì đây.
“ Không phải chỉ riêng ở đây mà ở khắp cả Phi châu, cái lục địa mênh mông mà hiện người Phi chúng ta đương sống đây ”
Quần chúng cũng gầm lên. Câu đó có hai ý nghĩa, vô hại, một ý nghĩa nguy hiểm. John Kumalo nói theo cái nghĩa kia mà nghĩ qua cái nghĩa này.
“ Vậy chúng ta phải bán sức lao động của chúng ta cho đúng giá. Nếu một kỹ nghệ không thể mua sức lao động của chúng ta đúng giá được thì cho nó dẹp đi, chứ chúng ta đừng nên bán rẻ sức lao động để cho kỹ nghệ sống bất kỳ là kỹ nghệ nào ”
John Kumalo ngồi xuống và quần chúng hò hét vỗ tay hoan hô, như một làn sóng vĩ đại. Họ là những người chất phác, không biết rằng con người hô hào họ đó có thể trở thành một nhà hùng biện bậc nhất trong xứ nếu có thêm được một điều kiện nữa, điều kiện duy nhất mà hắn thiếu. Họ chỉ nghe cái giọng bò mộng, hăng tiết lên một lúc rồi thì xẹp, nhưng con người đó sau khi làm cho họ xẹp rồi lại có thể kích thích cho họ hăng lên được nữa.
Msimangu bảo:
- Bây giờ huynh đã nghe ông ta hô hào rồi chứ?
Stephen Kumalo gật đầu:
- Tôi chưa bao giờ được nghe thấy như vậy. Ngay như tôi đây – là anh chú ấy – mà chú ấy cũng đã bắt tôi theo ý muốn của chú ấy.
- Quả là một sức mạnh. Tại sao Thượng Đế lại cho một người có sức lôi cuốn mạnh như vậy, điều đó chúng ta không thể hiểu được. Nhưng nếu người đó là một nhà thuyết giáo thì cả thế giới sẽ theo ông ta.
Kumalo lập lại:
- Tôi chưa bao giờ được nghe thấy như vậy.
Msimangu có giọng nghiêm nghị:
- Có lẽ chúng ta nên cảm ơn Thượng Đế rằng ông ta đồi bại, vì nếu không vậy ông ta có thể làm cho xứ này ngập máu. Ông ta đồi bại vì ông ta giầu, sợ mất của cải của mình, và sợ mất cái uy thế của mình. Chúng ta không bao giờ hiểu được cái đó. Huynh muốn về chưa hay muốn nghe diễn giả Tomlinson này?
- Tôi muốn ở lại nghe.
- Vậy thì chúng ta lại gần nữa đi, ông này nói khó nghe.
- Thưa bác, đã muốn về chưa, bác Jarvis?
- Ừ về thôi cháu John.
- Thưa bác nghĩ sao?
Jarvis đáp cụt ngủn:
- Không ưa cái trò đó.
- Cháu không muốn hỏi vậy. Cháu muốn nói rằng chúng ta đã chứng kiến một biến cố, phải vậy không bác?
Jarvis càu nhàu:
- Bác không ưa cái đó. Thôi về câu lạc bộ của cháu đi.
John Harrison nghĩ bụng:
- Bác ấy già quá rồi để đương đầu với cái đó. Chẳng nên trách làm chi. Mà ba mình cũng vậy.
Cậu lên xe, cho xe chạy. Và cậu điềm tĩnh nghĩ thầm: “ Nhưng mình thì mình phải đương đầu ”.
Viên đại uý chào thượng cấp.
- Tôi xin báo cáo, đại tá.
- Sao việc xảy ra sao, đại uý.
- Thưa không có chuyện lộn xộn. Nhưng tên Kumalo đó nguy hiểm. Hắn lôi cuốn quần chúng tới một mức nào đó, rồi thì lùi lại. Nếu không có bọn chúng ta ở đó thì chắc có lắm chuyện.
- Vậy chúng ta phải có mặt ở đó, thế thôi. Thật lạ lùng, lời báo cáo nào cũng giống nhau: nó tiến tới một mức nào đó rồi thì ngừng. Tại sao ông bảo rằng nó nguy hiểm?
- Thưa đại tá, tại cái giọng của nó. Tôi chưa nghe thấy cái giọng nào như vậy, như một đại phong cầm. Người ta thấy cả một đám đông dao động lên. Chính tôi cũng cảm thấy vậy. Cơ hồ như lúc đó hắn thấy cái gì xảy ra rồi và hắn tự ghìm lại.
Viên đại tá chỉ đáp:
- Nhát gan. Tôi đã nghe người ta nói như ông. Để hôm nào tôi phải đi nghe cái giọng nó mới được.
- Thưa đại tá, sẽ có đình công không?
- Tôi cũng tự hỏi vậy. Có thể gây chuyện bực mình đấy. Mà chúng mình lúc này bù đầu rồi. Thôi khuya rồi đại uý về nghỉ đi.
- Kính chào đại tá.
- Chào ông. À, ông Harry!
- Dạ.
- Nghe nói ông sắp được thăng chức?
- Cảm ơn đại tá.
- Như vậy một ngày kia ông sẽ thay tôi. Lương cao chức lớn, uy danh này. Và đủ các nỗi lo lắng trên đời nữa. Người ta có cảm giác ngồi trên một hoả diệm sơn. Không biết có bõ không? Thôi chào ông.
- Kính chào đại tá.
Viên đại tá thở dài, kéo xấp giấy lại gần, cau mày ra vẻ suy tư. Ông ta nói:
- Lương cao, chức lớn, uy danh này.
Rồi cúi xuống làm việc.
Nếu có cuộc đình công thì tình thế sẽ nghiêm trọng. Vì có ba trăm ngàn thợ mỏ da đen ở Witwatersrand. Họ tới đây từ các miền Transkei, Batusoland, Zuzuland, Bechuanaland, Seukuniland và từ cả những xứ ở ngoài Nam Phi nữa. Họ là những người chất phác, thất học, những dân quen sống trong bộ lạc, dễ bị bọn dẫn đạo lôi cuốn. Mà khi họ đình công thì họ nổi điên lên, nhốt nhân viên trong phòng giấy, liệng ve chai, gạch đá, và nổi lửa đốt hãng. Đành rằng có tới cả trăm mỏ cất trại cho họ ở, và như vậy dễ kiểm soát họ. Nhưng họ có thể phá phách dữ dội, làm nguy tánh mạng nhiều người và làm tê liệt kỹ nghệ lớn nhất của Nam Phi, kỹ nghệ làm cơ sở cho Nam Phi, định đoạt sự sinh tồn của Nam Phi.
Có tiếng đồn đáng ngại rằng cuộc đình công sẽ không hạn chế trong các mỏ mà lan ra mọi kỹ nghệ, tới sở hoả xa, sở hàng hải. Người ta còn đồn rằng, mọi người da đen, đàn ông cũng như đàn bà sẽ đình công hết ráo; trường học, giáo đường sẽ đóng cửa. Họ sẽ ở không, cau có, lang thang trên mọi đường phố trên mọi châu thành, mọi làng xóm, trên mọi đường cái, và trong mọi trại ruộng. Tám triệu người da đen. Nhưng cái đó vô lý không tin được. Họ đâu được tổ chức để đình công như vậy, họ sẽ phải khốn khổ ghê gớm, sẽ chết đói. Tuy nhiên chỉ nghĩ tới cái điều vô lý đó cũng đủ đâm hoảng rồi, và bây giờ người da trắng mới nhận thức được đời sống của mình tùy thuộc sức lao động của người da đen tới mức nào.
Thời này, thật toàn những ưu tư, ai cũng nhận vậy. Có những biến cố kỳ dị xảy ra trên thế giới, thế giới không bao giờ để cho Nam Phi được yên.
Cuộc đình công phát ra và đã chấm dứt. Nó không lan ra ngoài các mỏ. Nó phát mạnh nhất ở Driefontein; người ta phải kêu lực lượng cảnh sát tới dùng áp lực buộc thợ mỏ da đen trở vô mỏ làm việc. Có cuộc ẩu đả và ba thợ mỏ da đen bị giết. Nhưng theo báo cáo thì bây giờ mọi sự đều yên rồi.
Hội nghị hằng năm giáo khu Johannesburg trước kia có biết chuyện mỏ miếc gì đâu. Nhưng thời đại đã thay đổi và hình như bây giờ họ không còn hạn chế hoạt động trong vấn đề tôn giáo nữa và một vị mục sư đã diễn thuyết về cái chuyện mỏ đó. Ông ta bảo rằng tới lúc phải thừa nhận Nghiệp đoàn thợ mỏ châu Phi, và còn báo trước rằng nếu không thừa nhận thì sẽ có cuộc đổ máu đấy. Có lẽ ông ta muốn nói rằng phải coi nghiệp đoàn là một tổ chức có trách nhiệm, được quyền thương lượng với chủ nhân về điều kiện làm việc và tiền công. Nhưng một người gọi là phát ngôn viên vạch ra rằng tụi thợ mỏ da đen vốn chất phác, biết quái gì về thương với lượng, chỉ để cho bọn khuấy rối vô lương tâm xỏ mũi thôi. Dù sao thì ai cũng biết rằng hễ tăng phí tổn khai mỏ lên thì sẽ nguy cho sự sinh tồn của mỏ, mà nguy cho cả sự sinh tồn của Nam Phi nữa.
Vấn đề rắc rối đó có nhiều khía cạnh quá. Người ta cứ ương ngạnh bàn về tình trạng xói mòn đất đai, về sự suy tàn của bộ lạc, về cái tội thiếu trường, số phạm pháp tăng lên, như thể tất cả những cái đó đều liên quan tới vấn đề mỏ cả. Cứ suy luận thêm chút nữa đi rồi sẽ đưa cả vấn đề Cộng Hoà vô, rồi vấn đề hai sinh ngữ chính thức, vấn đề kiều dân ngoại quốc, cả vấn đề Palestine nữa, có mà Trời mới biết cho hết được. Cho nên, tốt hơn là đừng suy nghĩ tới nó nữa.
Trong khi chờ đợi, cứ biết rằng cuộc đình công chấm dứt rồi, số người thiệt mạng ít một cách không ngờ. Mọi sự yên cả rồi, người ta báo cáo vậy, yên hết rồi.
Ở ngoài cảng vắng tanh, nước vẫn vỗ vào bờ đá. Trong khu rừng âm u và tịch mịch, một chiếc lá rụng. Sau những tấm ván đánh bóng, mối vẫn đục gỗ. Có cái gì yên đâu, trừ phi đối với bọn điên.
Chú thích:
1. Trong bản dịch tiếng Pháp của nhà Albin Michel năm 1950, ở đây còn một đoạn độ 15 hàng nữa, mà bản tiếng Anh của nhà Charles Scirbners Sons – 1959 không có, chắc là tác giả đã cắt bỏ.
|
|
|