– Chân anh bị gãy nhưng đã được phẫu thuật, bác sĩ nói không sao, anh đừng quá lo lắng!
– Cô ở đây làm gì?
– Sao anh hỏi vậy, em lo cho anh.
– Không cần, cô đi đi.
– Anh đừng vậy mà, lúc này anh cần em chăm sóc cho anh.
– Không cần, tôi không cần cô, cũng vì cô mà ra nông nỗi này? Sao tôi lại ngu si để cho cô ảnh hưởng đến tôi như thế.
– !!!
– Tôi oán ghét cô.
– Anh!
Thê nhưng cơn ghen đã làm cho Tùng quên mất tình trạng của mình lúc này, anh điên cuồng quát lên:
– Cô đi ra khỏi đây đi, đi đi! Cô chỉ đem lại cho tôi toàn là khổ đau, cô là một thứ ma quỷ, cô đi đi.
– Anh đừng vậy mà!
– Cô còn muốn nói gì nữa, tôi chán ghét cô lắm rồi, lúc nào cô cũng lừa dối tôi, tôi đã định quên hết, đã định làm lại từ đầu nhưng cô đã không cho tôi làm điều đó, tại sao cô cứ muốn làm khổ tôi, tại sao vậy?
– Em không có, chỉ là sự hiểu lầm thôi, thật sự là em không muốn làm gì có lỗi với anh, em đã cố gắng sống vì anh.
– Vì tôi mà cô lại phản bội tôi, cô đến chỗ hẹn với người tình cũ ư?
– Em và anh ấy chỉ tình cờ gặp nhau trong bữa tiệc cưới đó thôi, anh tin em đi.
– Làm sao tôi tin cô được, cô đã nói dối tôi từ đầu tới cuối, cô nói cô về thăm ba mẹ của cô, hừ! Cô biện bạch sao vì lời dối trá ấy.
– Anh Tùng em có lỗi vỡi anh vì đã nói dối anh nhưng em làm điều đó cũng vì muốn tránh cho anh những ghen tưông nghi ngờ.
– Thôi đủ rồi, những lời giải thích thật buồn cười đến cả con nít cũng không thể tin cô, cô nói vì sợ tôi ghen mà nói dối tôi, cô có thấy lời nói của cô quá ư vô lý không? Làm sao tôi không ghen khi cô ngoại tình với gã đàn ông cũ của cô.
– Anh đừng nghĩ thế mà! Em và Kiệt giờ chỉ xem nhau là bạn.
– Ai tin cô? Khi mà cô và gã từng quan hệ sâu sắc với nhau.
Ngân đau khổ cúi đầu, cho dù cô biện bạch lẽ gì thì Tùng vẫn khăng khăng bác bỏ, chính cô đã làm mất lòng tin đối với anh, nên giờ có nói gì anh cũng không tin cô. Càng ngày mối quan hệ giữa hai vợ chồng cô càng tệ hại, cô mắc từ sai lầm này đến sai lầm khác! Chính cô cũng không thể đưa ra lời giải thích chính đáng nào để thuyết phục anh.
– Em biết việc làm của em đã khiến cho anh nghi ngờ nhưng đó là sự thật, em không biết phải làm sao cho anh tin em!
– Tôi nghĩ không còn cách nào nữa, tôi sẽ không tin vào cô, không bao giờ cô hiểu không chúng ta chấm dứt ở đây đi.
– Không!
– Cô còn nắm níu làm gì, tôi đã chán chường quá rồi, tôi không muốn sống mãi trong nỗi nghi ngờ và sự ghen tương tôi mệt mỏi lắm, cô hiểu không, chia tay đi, hãy giải thoát cho tôi đi.
– Anh Tùng!
– Đừng nói gì nữa, tôi muốn nằm nghỉ cô ra đi.
Những ngày tháng kế tiếp thật nặng nề, vết thương của Ngân cũng dần hồi phục, riêng Tùng thì không như dự đoán ban đầu, chân anh không thể đi lại được như xưa, anh tuyệt vọng và lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, tính tình của anh càng ngày càng cộc cằn thô lỗ, bất cứ điều gì không vừa ý dù lớn, dù nhỏ anh cũng có thể nổi điên lên la hét mắng chửi, anh luôn gây sự buồn bực cho những người xung quanh mình, và người gánh chịu nhiều hơn hết chính là Bạch Ngân.
Ngân cẩn thận đặt chén chè lên bàn, rồi mới khẽ khàng lên tiếng gọi chồng:
– Anh à?
– !!!
Tùng vẫn bất động ngồi nhìn ra cửa, anh như thuộc về thế giới khác, chỉ có hơn một tháng sau khi xảy ra tai nạn, mà trông anh thật xanh xao gầy gò, gương mặt của anh hốc hác với hai trũng mắt quầng thâm, ngày qua ngày anh cứ im lìm như pho tượng trên chiếc xe lăn nhìn dõi qua cửa bất động và lạnh lùng.
– Em có nấu chè cho anh, là chè đậu đen đó, anh ăn nhé!
– !!!
Ngân bưng chén chè đem lại cho Tùng, nhưng Tùng đã hất văng xuống đất.
Anh lầm lì gằn giọng:
– Đem đi!
Ngân nhẫn nhục nhìn chén chè vỡ tan tành dưới đất thì thở dài chua xót, cô nói:
– Để em lấy chén khác cho anh!
– Cô đừng làm phiền tôi!
Ngân mặc cho thái độ lạnh lùng của Tùng, cô cúi xuống lau dọn sàn nhà rồi lẳng lặng xuống bếp, nước mắt của cô chảy tràn ra mi, càng lúc Tùng càng khó hầu hạ, anh ghét hận cô ra mặt, anh cho cái chân gãy của anh là vì cô mà ra, anh trút lên oán hận lên đầu cô.
Ngân gạt nước mắt rồi chạy vội lên nhà khi nghe có tiếng đổ vỡ vang lên, Tùng đang cố với lấy gói thuốc trên đầu kệ, nhưng vì sức nặng của anh quá lớn nên đã kéo đổ cả chiếc kệ vào người nào ly tách bình lọ rơi ngổn ngang xuống đất, có cái rớt vào đầu anh, càng khiến cho anh như điên lên, anh xô chiếc kệ ra khỏi người, rồi cầm chiếc ghế ở cạnh quăng quật đập phá, tất cả mọi thứ trong tầm tay anh phút chốc trở nên đổ vỡ thảm thương, mặc dù thế anh vẫn chưa hết giận anh vừa đập phá vừa rít lên:
– Đồ rác rưởi! Đồ khốn nạn!
Anh như con thú điên cuồng vì mất mồi, tiếng gầm gừ của anh như chọc vào tai Ngân, cô ngao ngán nhìn đống đổ vỡ dưới đất rồi thở dài não nề. Cô nói:
– Anh đừng đầp phá nữa được không? Căn nhà không còn thứ gì nguyên vẹn, lỡ như mảnh vỡ cắt trúng người anh thì sao?
Tùng quay ngoắc lại trừng mắt nạt ngang:
– Câm đi, tôi muốn đập gì là quyền của tôi, cô không được xen vào, cô chẳng là cái gì ở trong nhà này cả.
Ngân nghẹn ngào chua xót:
– Em biết, em chỉ lo cho anh thôi.
– Không cần cô lo, đồ giả dối.
– Anh mắng em cũng được nhưng đừng phí sức của mình, anh đang bệnh mà.
– Không cần cô nhắc, phải, tôi biết bây giơ tôi bất lực, cô tha hồ mà cười cợt mà qua mặt tôi.
Ngân biết Tùng muốn nói gì, nên cô lẳng lặng cúi xuống thu dọn đống đổ nát không muốn trả lời anh làm gì. Thế nhưng thái độ của cô càng khiến cho Tùng như điên lên, anh vơ chiếc bình vỡ gần đó phang vào người Ngân.
Ngân đau đớn nhìn vết cắt trên tay rỉ máu, rồi cắn chặt môi quay đi, cô lại lầm lì thu dọn tiếp.
– Cô oán hận tôi lắm phải không? Sao cô không lên tiếng, khóc lên đi, van xin tôi đi, cô câm rồi sao? Đồ phản trắc!
Nói dứt câu Tùng lại phang chiếc ghế về phía Ngân, may mà Ngân đã có đề phòng trước cô né người tránh khỏi, đôi mắt u buồn của cô sầm tối, cô cầm chiếc ghế dựng vào chỗ cũ, xem Tùng như một đứa trẻ ngỗ nghịch rồi thôi.
– Cô im lặng hay lắm, cô định im lặng đến ngày giờ nào. Sao hôm nay cô lì lợm thế, không gào khóc như mọi ngày. không van xin tôi?
Ngân chớp mắt thở dài, rồi nói:
– Anh muốn em nói gì bây giờ, em chẳng còn gì để nói với anh nữa, mai em về lấy thêm tiền và thực phẩm, em có nhờ cô Hoa đến chăm sóc anh.
– Không cần, cô lại đi hò hẹn với thằng đàn ông của cô chứ gì, bây giờ tôi chỉ ngồi một chỗ, không kiểm soát được cô, tha hồ cho cô lẳng lơ ngoại tình.
Ngân quá quen với những lời mắng nhiếc ấy của Tùng, nên cô vẫn bình thản chẳng lấy đó làm buồn phiền hay tủi hổ, chỉ có hơn một tháng thôi mà cô đã trở nên chai sạn, đến chính cô cũng không ngờ.
– Anh thích thì cứ đập đi, căn nhà này cũng chẳng còn bao nhiêu thứ để cho anh đập, công việc không có, tiền bạc cũng hết, em phải đi làm để kiếm tiền mưu sinh, em không thể ở nhà chăm sóc cho anh và cũng không thể dựa dẫm vào ba mẹ, dù sao chúng ta cũng đã ở riêng, cứ mỗi lần về nhà hỏi tiền ba mẹ thấy hổ thẹn lắm.
– Hừ!
– Anh hãy cố tập quen với tình trạng của mình, đừng nóng giận nữa, điều đó chỉ làm cho sức khỏe của anh tệ đi, người làm họ không kiên nhẫn để lo cho anh đâu.
– !!!
– Em đã xin được việc rồi em sẽ cố dành dụm để đưa anh ra nước ngoài chữa trị, chân anh sẽ bình phục lại, thời gian này là thời gian anh tịnh dưỡng cho có sức khỏe để chịu sự chữa trị sau này, anh không vì em thì cũng vì bản thân mình được không?
– !!!
– Em biết anh đang rất oán ghét em, chính em cũng không thể tha thứ cho mình, em chỉ xin anh hãy cố vì bản thân mình mà sống, anh xem em là gì cũng được, một con ở hay một thứ cùi phong gớm giếc cũng được, hãy để cho em chăm sóc cho anh, khi anh bình phục rồi anh quyết định ra sao em cũng xin nghe.
Tùng ngồi rũ ra trên ghế, chưa bao giờ anh thấy thương thân mình như lúc này, anh đã là một kẻ tàn phế, chuyện gì cũng phải dựa dẫm vào người khác.
Không! Anh không muốn thế, anh phải đứng dậy bằng chính đôi chân của mình, không để cho cô ta đắc chí vì đã ban bố sự thương hại cho anh, cô ta không đáng để cho anh tức giận hừ! Chính cô ta đã tự nguyện, tại sao anh lạl không nghĩ đến điều đó, cô ta muốn mua lấy sự bình thản cho lương tâm bằng cách chăm sóc cho anh, thì anh cứ để cho cô ta được toại nguyện, có một kẻ hầu người hạ, có một kẻ để mắng chửi trút giận dù sao cũng thú vị lắm chứ.
Tình yêu dã biến thành sự oán hận căm ghét từ bao giờ Tùng cũng không hay, anh lấy sự hành hạ Ngân làm thú vui cho mình, ngày qua ngày nó như một trò tiêu khiển không thể thiếu của anh.
Ngân trao chiếc khăn lạnh cho Tùng, cô chưa kịp quay đi thì Tùng đã vất chiếc khăn vào mặt cô quát lên:
– Trời lạnh thế này mà cô không biết lấy nước ấm cho tôi rửa à?
Ngân nhẫn nhục lượm chiếc khăn lên:
– Để em thay cái khác cho anh.
– Hừ! Đồ hậu đậu vô tích sự.
Ngân không màng đến câu mắng của anh, cô hỏi:
– Trưa nay anh muốn ăn gì, em mua về làm cho anh ăn?
– Tùy cô, chẳng lẽ đi chợ mà cô cũng không biết đi hay sao?
– Vậy thì em sẽ tự chọn, em đi làm đây, thức ăn em đã kêu cô Hoa dọn ra bàn cho anh rồi.
– Cô nấu cái gì thế?
– Em nấu bánh canh cho anh.
– Tôi không ăn bánh canh.
– !!!
– Cô chạy ra quán phở của bà Tư mua cho tôi tô phở tái.
– Nhưng ...
Ngân nhìn đồng hồ, đã đến giờ làm mà cô thì chưa sửa soạn gì. Cô thở dài bồn chồn, thì Tùng đã cau mày gắt:
– Sao cô không đi đi!
– Em sợ không kịp giờ đến sở hay để em bảo cô Hoa đi mua cho anh.
– Cô ấy biết sao? Tôi không thích ăn chỗ khác, đi mua điểm tâm cho chồng mà cô cũng ngại.
– Không phải thế?
– Vậy sao cô còn đứng đó?
Ngân đành tất tả lấy xe chạy đi. Hoa gặp cô ở đầu ngõ, cô giúp việc gật đầu chào rồi hỏi:
– Cô đi đâu thế?
Ngân đáp:
– Tôi đi mua phở cho anh ấy, cô vào nhà thu dọn, rồi coi anh ấy có nhờ gì không?
– Hay cô để em đi cho.
– Không cần, cô mua không đúng ý anh ấy, anh ấy không ăn được.
Hoa chép miệng:
– Chậc! Cậu chủ khó khăn quá, ai mua mà không được, cô còn phải đi làm mà.
– Không sao, tôi đi đây không khéo lại trễ.
– Dạ vâng!
Hoa bần thần nhìn theo Ngân xấp ngữa lên xe thì ngao ngán làu bàu:
– Tội nghiệp, cô ấy thật hiền, vô phước sao lấy phải anh chồng cục tính lại tật nguyền, suốt ngày cứ la mắng hành hạ thế mà vẫn một lòng chiều chuộng chẳng hề than vãn một câu.
Ngân đi được một lúc thì đã về đến nhà, mặt mũi cô phờ phạc xám ngoét, vì cái lạnh của buổi sớm mai, cô lật đật trút tô phở ra tô nên nếm gia vị rồi mới bưng lên phòng cho Tùng.
Cô đặt tô phở còn bốc khói trước mặt chồng, rồi nói:
– Anh ăn đi còn nóng đó, em chạy hết ga, cứ sợ nó nguội.
Tùng chẳng buồn ngước lên anh gạt tô phở sang một bên rồi càu nhàu:
– Không ăn nữa!
– Ơ! Lúc nãy anh nói là muốn ăn mà.
– Lúc nãy là lúc nãy, tôi uống sữa rồi, không muốn ăn gì nữa.
Ngân sững sờ đứng nhìn chồng. anh vẫn thản nhiên ngồi đọc báo không màng gì đến công lao của cô, tô phở nằm chỏng chơ trên bàn như đang chế nhạo cô, cơn giận trào lên trong ngực nhưng Ngân cố dằn xuống. Không nên gây sự với anh ấy, đã đến giờ làm rồi, nhanh lên kẻo lại đến trễ. Ngân bưng tô phở dẹp ra sau nhà, trước cái nhìn đầy vẻ ái ngại của cô Hoa.
Ngân nói với Hoa:
– Em ăn đi kẻo uổng, cô đi làm đây.
Hoa lẩm bẩm bất mãn thay cho Ngân:
– Không ăn mà bắt người ta chạy xấp chạy ngữa đi mua cho kỳ được, thật oái oăm! Cô đi làm đi, trễ rồi, để việc tôi lo cho.
– Ừ!
Hoa tắc lưới nhìn Ngân vội vã lên xe mà chạnh lòng, cô vào nhà thu dọn, lúc đi ngang qua Tùng, cô chịu không được mới bèn lên tiếng:
– Tội nghiệp cô Hai chạy đôn chạy đáo mua phở cho cậu sao cậu không ăn?
– Tôi không muốn ăn nữa.
– Cô Hai chiều cậu quá, tôi chưa thấy có người vợ nào như cô ấy vào thời buổi này, cậu thật có phước.
Hoa thấy Tùng nhếch môi cười khẩy thì lấy làm khó chịu:
– Bộ tôi nói hổng đúng hả? Tôi đi ở cũng nhiều nơi rồi, tôi thấy chưa có ai tốt như cô Hai, lo lắng chiều chuộng cậu hết mình! Tui là đàn bà mà còn bắt ganh nữa là.
Tùng xầm mặt lầm lì nói:
– Chuyện nhà ai nấy biết, chị lo làm việc của chị đi.
Hoa liếc xéo Tùng, rồi vác cái chổi ra sau nhà nói lén Tùng:
– Xì! Làm phách thấy ớn có cô hai điên mới thương người như cậu chớ mà chịu cậu nổi! Sáng sớm đã dậy nước nôi rửa ráy cho chồng, rồi còn lo làm điểm tâm, vậy mà còn đày ải người ta, đúng là có phước không biết hưởng, lúc nãy cô Hai đi mua phở cho cậu ấy thế mà ở nhà cậu ấy còn biểu mình pha sữa làm trứng cho cậu ta ăn, có phải là cố tình hành người ta không?
Hoa hậm hực lo công việc của mình, mặc dù vào làm cho vợ chồng Tùng chưa được bao lâu nhưng Hoa cũng hiểu phần nào hoàn cảnh của hai vợ chồng họ. Thấy Ngân cực khổ vất vả vì Tùng cô cũng đâm thương Ngân, và không mấy có thiện cảm với Tùng:
Anh chồng trái tính trái nết đến nghiệt ngã.
– Cậu Hai, cậu để tôi thay áo cho cậu nghen.
Tùng lắc đầu từ chối:
– Mặc tôi, để lát Ngân về cô ấy làm.
– Chậc, giờ đã trễ lắm rồi, hôm nay chắc cô Hai bận gì rồi nên mới về trễ dữ vậy, cậu để cho tôi thay cho, lát về đỡ cho cô Hai phải làm.
– Không cần.
– Áo đã dơ rồi mà cậu!
– Cô này lạ chưa, tôi đã nói tôi không mượn cô làm mà.
Hoa phật ý nhưng không dám cãi Tùng:
– Hay để tôi dọn cơm cho cậu ăn.
– Chờ cô ấy về.
– Chậc! Cậu Hai à, mấy chuyện đó tui làm được cậu cứ để tôi làm đỡ cho cô Hai, cái gì cậu cũng chờ cô ấy, làm sao cô ấy làm cho xuể.
– !!!
– Mấy hôm nay trưa nào về cô Hai cũng cơm nước tới khi nhìn lại thì đã đến giờ đi làm, cô ấy không kịp ăn cơm, đành để bụng đói mà đến sở đó, bộ cậu không thấy sao?
– Không, cô ấy có thân cô ấy lo, tôi tàn tật như thế này làm sao lo cho cô ấy được.
– Cậu không lo thì để tôi lo giúp, cái gì cậu cũng “kén” cô ấy hết, riết rồi tôi nghe cũng kỳ, cô ấy mướn tui về coi như để làm "kiểng" ngó chơi sao?
– Cô làm không được thì cứ nghỉ tôi không ép.
– Cậu nói vậy tội tui cậu hai, tui cần việc làm mà cũng cần có lương tâm mà.
– Cô lộn xộn quá.
– Vậy cậu để tôi thay áo cho cậu nghe.
– Hừ!
Ngân vừa về đến nhà đã vào hỏi thăm chồng, từ lúc đi làm đến giờ cô càng vất vả hơn, đôi lúc cô muốn tung hô hết mọi chuyện nhưng lại cố nén để làm tròn bổn phận của mình, dù cho Tùng có khó chịu cay nghiệt cách nào cô cũng nhẫn nhục chịu đựng, vì tất cả mọi chuyện đều do cô mà ra, nếu như anh không lấy cô thì anh không phải chịu sự dày vò khổ sở, cũng chẳng xảy ra tai nạn và cũng không phải ngồi liệt trên xe lăn như bây giờ, những bất hạnh anh mang đều do cô gây ra cho anh! Tất cả đều vì cô.
Bà Toàn nghe tiếng con dâu về thì nhìn ra hỏi:
– Ngân đó à?
Ngân có phần bất ngờ, cô chào bà rồi hỏi:
– Má tới hồi nào mà không cho con hay để con đi đón má.
– Không cần, má có chân má đi, đưa đón làm gì, mấy hôm nay nóng ruột quá má mới đến thăm thằng Tùng coi nó ra sao.
Ngân e dè đáp:
– Dạ, anh ấy cũng bình thường.
Bà xầm mặt liếc xéo con dâu:
– Bình thường cái nỗi gì, ngồi liệt trên xe lăn mà bình thường sao, thật khổ thân, đang nguyên lành như thế, đùng một cái ra nông nỗi này.
Ngân thấy xốn xang vì câu than trách của bà, cô cúi mặt quay đi:
– Má uống nước, để con pha.
– Không cần, con Hoa nó làm nước cam cho má rồi, hôm nay má qua là có chuyện muốn nói với con.
– Dạ.
– Má thấy con đừng đi làm nữa, chẳng là bao mà bỏ bê chồng con không ai lo.
– Má!
Ngân dợm phản kháng thì bà đã gạt đi:
– Con tính đi, lương con có đủ chi dụng không? Con mướn người làm, rồi điện nước vừa đủ cũng có dư dả là bao, mà chồng con không ai lo, má thấy con nên nghỉ đi, ba má đủ sức bao bọc tụi con mà, vã lại má không muốn thằng Tùng nó chịu khổ.
– !!!
– Nó khổ bấy nhiêu đã đủ rồi! Hừ, mà cũng đâu ngờ lại xảy ra nông nỗi này, từ ngày lấy con nó chẳng có ngày nào vui.
Ngân cúi gầm mặt không dám nhìn vào đôi mắt sắc lạnh của bà:
– Má, con cũng đâu muốn xảy ra chuyện như vậy!
Bà nhìn Ngân như một quan tòa nhìn tội phạm:
– Bởi vì má biết con cũng không cố ý nên má mới để tới giờ phút này, bây giờ má chỉ yêu cầu con toàn tâm toàn sức lo lắng cho nó, con nghỉ làm đi, má đủ sức lo cho con má mà, còn nếu như con thấy quá cực khổ, con lo cho nó không nổi thì để má tính!
– Má.
– Má nói vậy đó, chuyện đã xảy ra rồi má cũng muốn cho nó qua đi, không muốn nhắc lại, con nên tự biết trách nhiệm của mình, từ đây cho đến khi thằng Tùng ra nước ngoài phẫu thuật, má không muốn con xao lãng việc chăm sóc cho nó.
– Thưa má, con biết má lo cho anh Tùng, con cũng chưa bỏ anh ấy ngày nào xin má yên tâm, riêng về việc làm của con, con xin má cho con tiếp tục đi làm.
Con không muốn tụi con là gánh nặng cho ba má.
– Hừ! Không muốn thì cũng đã xảy ra rồi, vả lại con má thì má lo, coi như má nhờ con vậy, con làm ơn ở nhà chăm sóc cho thằng Tùng được không?
– Má, xin má đừng nói vậy!
– Không nói vậy chẳng lẽ con muốn má cầu xin con hay năn nỉ con nữa sao?
– Con không dám.
Bà Toàn tức giận trừng mắt nhìn con dâu, từ khi bà hiểu rõ nguyên do vì đâu mà con trai mình chịu sự ấm ức bấy lâu nay, thì bà thấy căm ghét Ngân, cũng vì đứa con gái hư hỏng này mà cuộc đời con trai của bà mới bất hạnh dường ấy.
Sao lúc đó bà không hỏi cho rõ trước khi cưới về cho Tùng! Phải chi bà cẩn trọng xem xét đức hạnh của nó thì giờ, con trai bà đâu phải tật nguyền khốn khổ như thế.
– Má nói vậy con tính sao?
– Dạ!
– Sao con không trả lời? Con có chịu nghỉ làm hay không?
Ngân thở dài vì sức ép của bà cô đành cúi đầu chấp nhận:
– Dạ, con xin nghe má.
– Còn chuyện nữa, má có hỏi thì nghe nói kỳ khám định kỳ vừa rồi con không đưa thằng Tùng đi khám tại sao vậy?
– Dạ, anh Tùng không chịu đi!
– Không chịu đi à?
– Dạ phải.
– Con nuôi người bệnh mà không biết nặng nhẹ thế nào ư? Hễ nó không đi thì con cũng không đưa nó đi à?
– Má! là ý của anh Tùng.
– Hừ!Vậy nó muốn chết con cũng để cho nó chết à?
Ngân nhìn sững bà, cô ấm ức vì thái độ trách mắng của bà nhưng không dám lên tiếng:
– Con nuôi bệnh thì phải biết cái nào lợi cho người bệnh chớ, nó không chịu đi thì con không có cách nào nói cho nó nghe sao? Má tin tưởng giao nó cho con mà con lại bỏ mặc nó hay là con cũng chẳng thiết tha gì?
– !!!
– Con nên nhớ tất ca mọi chuyện xảy ra cho thằng Tùng đều do con mà ra, má chưa tính chuyện lỗi phải với con, cả ba má của con cũng thế, má mong con cố mà sửa đổi.
Ngân ứa nước mắt ngồi im nghe bà giáo huấn:
– Lúc má cưới con cho con trai má, nó là một đứa khỏe mạnh vui vẻ, còn bây giờ con đã làm cho nó ra nông nỗi này, hỏi sao người mẹ nào lại không đau lòng, không tức giận, má đối xử thế là đã tử tế với con lắm rồi, thế mà con còn bỏ bê nó, còn muốn đi làm để thỏa sức tung hoành bên ngoài, con còn có lương tâm hay không?
– !!!
– Hừ! Uổng công má vun đắp cho hai bên gia đình đề huề sung túc, Uổng công cho má giúp đỡ gia đình con thế mà cả con, cả ba má của con lại lừa má!
– Má, con xin má bớt giận, tất cả là lỗi ở con, ba má con không biết gì về chuyện này, má đừng trách ba má con. Con xin nghe má, con sẽ nghỉ làm để ở nhà lo cho anh Tùng.
– Hừ, nếu có lo thì phải cho toàn tâm toàn ý đừng có lo ở đầu môi chót lưỡi đó.
– Dạ vâng!
Đúng lúc ấy, bà Phong cũng đến thăm vợ chồng Ngân. Thật là một sự trùng hợp oái oăm. Thật ra bà Phong chỉ muốn đến gặp Tùng nhờ anh chút việc không ngờ lại gặp cả bà xui gia ở nhà Tùng, điều đó khiến cho bà căm phẫn lúng túng.
Ngân e dè đón bà từ ngoài cửa, cô hỏi bà:
– Má tới có chuyện gì không má?
– Nhà có chuyện, nên má định sang nhờ chồng con.
– Chuyện gì mà xem ra hệ trọng vậy má?
Bà thở dài:
– Là chuyện làm ăn của ba con, má nghĩ có lẽ vì chuyện của con nên ông bà bên ấy hờn ba má, má nói không phải có ý trách con, mấy lúc gần đây ba thằng Tùng có ý lơ là không muốn giúp đỡ ba con nữa công việc đang dang dở giữa chừng, ba con lo lắm.
Ngân lo lắng nói:
– Có chuyện đó sao má?
– Ừ?
– Má chồng con cũng đang ở đây!
– Vậy thì để má vô chào bà ấy, xem ý bà ấy ra sao?
Bà Toàn ra vẻ lạnh nhạt khi gặp bà phong:
– Chị cũng tới chơi à?
Bà Phong đáp:
– Dạ vâng! Tôi sang thằng Tùng coi nó ra sao!
Bà Toàn nhếch môi nói kháy:
– Chị cũng có lòng quá!
– Dù sao cũng là con mà chị!
Bà Phong nhỏ nhẹ trả lời, bà không phảI không nhận ra thái độ gay gắt của bà xui gia của mình. Có điều bây giờ bà đang thất thế, lỗi là do con gái bà gây ra, nên bà đành cắn răng nhẫn nhịn:
– Lúc này anh chị cũng khỏe chứ?
– Bà Toàn mắc mỏ:
– Khỏe sao được? Chị có đứa con bị như thằng Tùng nhà tôi thử xem chị có khỏe được không?
Bà Phong áy náy nói:
– Tôi cũng làm mẹ nên tôi hiểu, con cái ai mà không xót, dù sao thì chuyện cũng đã lỡ rồi, không có ai muốn, chị cũng đừng buồn quá, từ từ rồi chúng ta lo cho con.
– Hừ! Bà Toàn giận dữ hừ một tiếng. Từ từ lo, lỡ như con tôi nó liệt luôn thì sao?
– Con Ngân nó cũng chăm sóc cho thằng Tùng mà chị.
– Vậy chị thử liệt để cho người khác chăm sóc thử coi có sung sướng hay không?
Bà Phong nhìn sững bà Toàn, câu nói cay độc của bà Toàn còn hơn cái tát vào mặt bà. Riêng bà Toàn cơn giận như ngọn lữa bùng phát cứ thế mà cháy không thể dập tắt được, bà hằn học nói tiếp:
– Tôi mà ngờ có ngày nay, thì có chết tôi cũng không làm sui gia với chị. Vợ chồng chị lừa gạt tôi, gả một đứa con gái hư hỏng về làm dâu nhà tôi nên con trai tôi mới ra nông nổi này, uổng công vợ chồng tôi tốt với gia đình chị, tốt với con gái chị, bây giờ chị nói sao đây, con trai tôi vì con gái chị mà thê thảm dường này, cả tương lai sự nghiệp cả cuộc đời của nó giờ thì gắn với chiếc xe lăn đó, đã thế mà nó còn bỏ bê con trai tôi không thèm dòm ngó tới, nó vẽ chuyện đi làm, để có thời gian đú đởn bên ngoài.
Bà Phong khẽ chau mày, càng nghe bà Toàn nói bà càng thấy chua xót cho con gái chỉ vì một phút giây lầm lỡ mà nó phải chịu trăm cay ngàn đắng thế kia.
– Con trai tôi nó đâu cần sống nhờ vào đồng tiền của nó kiếm ra, nó chỉ cần có người lo lắng chăm sóc cho nó thôi, thế mà con gái chị lại đối xử với nó như vậy, nó què quặt làm sao mà tự làm gì một mình được chớ?
– !!!
– Giờ thì tôi chỉ xin nó lo cho con tôi tử tế, tiền bạc tôi có mà, đâu cớ phải nhờ vã ai!
Ngân bất nhẫn vì thấy mẹ chồng mắng xối xả vào mặt mẹ mình, cô khổ sở lên tiếng xen vào:
– Thưa má, tất cả là lỗi ở con, con xin má đừng làm khó má con.
Bà Toàn trợn mắt nạt ngang:
– Cái gì, bây giờ còn đổ tiếng ác cho tôi sao, tôi làm khó gì ba má cô, tôi chưa nói một tiếng nào từ lúc xảy ra chuyện tới giờ, cô là người có cha mẹ sinh ra chứ có phải từ đất nẻ chui lên đâu, không nói với má cô thì tôi nói với con chó, con mèo ngoài đường sao?
Ngân bật khóc:
– Má. Con xin má, má mắng chửi con thì con xin chịu, từ đây má dạy sao con nghe vậy, con không dám cãi lời má nữa đâu, cả anh Tùng cũng thế, ba má con không có lỗi gì cả, con xin má.
– Hừ!
Bà Phong nuốt nhục khẽ khàng lên tiếng:
– Con dại cái mang, chị nói cũng đúng là do tôi không biết dạy con, chuyện dĩ lở rồi chị hãy để cho con Ngân nó chuộc lỗi, tôi sẽ bắt nó hầu hạ thằng Tùng đến nơi đến chốn, cho đến khi thằng Tùng lành lặn trở lại, tới lúc đó thằng Tùng có bỏ nó tôi cũng không oán trách gì cả.
– Hừ?
– Làm cha mẹ ai cũng muốn cho con cái mình tốt đẹp nên người, chẳng qua vì tôi vô phước, tôi cũng xin chị thương cho, tôi hổ thẹn với anh chị lắm.
Bà Phong nói đến đó thì tủi thân rơi nước mắt, nhìn thấy thế bà Toàn cũng có phần nguôi giận:
– Chị khóc làm gì, người khóc phải là tôi mới đúng, bây giờ có trách nhau cũng chẳng được gì, có điều giận thì tôi không kềm được, giờ thì tôi chỉ lo cho thằng Tùng và mong con Ngân nó toàn tâm toàn ý chăm sóc cho thằng Tùng, cầu xin cho đôi chân nó bình phục lại có thế thì tôi mới không để tâm đến chuyện cũ nữa.
– Thôi thì tôi làm mẹ tôi cũng xin chị tha thứ cho con Ngân, gia đình tôi coi như mắc nợ ân tình của chị chúng tôi không dám quên.
– Thôi không nói nữa.
Gạt ngang rồi bà Toàn móc bóp lấy ra một xấp tiền dằn lên bàn:
– Đây là tiền chi xài trong tháng này, cô cầm lấy mà cơm nước tẩm bổ cho thằng Tùng, có điều cũng xài đúng chuyện đừng có tưởng vợ chồng tôi in được ra tiền.
Ngân nghẹn ngào cúi đầu dạ vâng.
– Tôi về tuần sau tôi đến, nếu thằng Tùng có chuyện gì thì điện cho tôi hay.
– Dạ!
Nói rồi bà cầm bóp đứng dậy đi thẳng không hỏi qua bà Phong câu nào, bà Phong ê chề nhìn theo cho đến khi bà đi khuất dạng.
Ngân quay lại quỳ sụp xuống chân bà nghẹn ngào nói:
– Con xin lỗi má, là tại con mà má mới chịu nhục nhằn như vậy!
Bà Phong xót xa vuốt tóc con gái, bà buồn rầu nói:
– Má không giận con, má chỉ thương cho con thôi, cũng một đời người mà sao con lại khổ sở như vậy, lỗi là má ép uổng con.
– Không có đâu má:
– Không, má biết lúc xưa con không bằng lòng, vì con thương ba má nên mới ưng người ta, giờ ra nông nổi này má thật ân hận, cũng vì ba má coi trọng tiền tài sự nghiệp mà làm khổ đời con.
– Má đừng nghĩ thế.
– Bây giờ ông trời quả báo mà, má mất cả chì lẫn chài, sự nghiệp cũng không giữ được mà con gái cũng khổ sở trăm chiều. Sao ba má lại hồ đồ thế.
– Má, không phải do má, mà do con hư hỏng nên đã làm cho ba má tủi nhục mất mặt với người ta, má không đánh mắng con là may lắm rồi, sao má lại tự trách mình.
– Bạch Ngân? Bà đau lòng vuốt tóc con hỏi:
Con khổ lắm phải không?
Ngân tủi thân cắn môi cố giấu vì không muốn cho mẹ thêm buồn phiền:
– Dạ không có, anh Tùng cũng tốt lắm.
– Đừng có giấu má, má hiểu mà, từ lúc má đến cho đến khi má nó mắng chửi má, thế mà nó vẫn không ra chào hỏi má một câu, má biết nó oán con, oán cả ba má.
Ngân cố chống chế:
– Không phải đâu má, anh ấy mới uống thuốc nên phải nằm nghỉ để con vô kêu anh ấy ra nói chuyện với má.
– Thôi Ngân, đừng làm phiền nó, má qua thăm con rồi má về, con cố mà lo cho nó, mong sao nó mau bình phục lại, tới lúc đó con có ly hôn má cũng không cản, chớ má thấy con sống không có hạnh phúc rồi.
Ngân buồn bã thở ra:
– Con cũng mong cho anh ấy bình phục như thế con cũng thấy yên lòng.
– Lúc này con xanh xao quá!
– Con cũng vậy mà má!
– Má biết con cực nhục lắm, có lẽ số phận đã định, má cũng đành nhìn con đau khổ mà không làm gì được, má đau lòng lắm.
– Má!
– Cũng vì má nhưng giờ có nói cũng bằng không.
Ngân không muốn cho mẹ cứ quanh quẩn buồn rầu vì chuyện của mình, cô mới nói lảng sang chuyện khác:
– Má à, lúc nãy má nói má qua là có chuyện muốn nói với anh Tùng là chuyện gì vậy má?
Bà Phong ngần ngừ rồi lắc đầu:
– Thôi con à, má nghĩ không cần nữa.
– Là chuyện gì vậy, sao má không chịu nói.
– Con thấy thái độ của má thằng Tùng rồi, má có nói ra cũng vô ích họ không giúp ta đâu.
– Vậy má tính sao?
– Để má về cho ba con hay, nếu như đã thế, có lẽ ba má cũng đảnh chấp nhận phận số, về quê kiếm miếng đất an phận dưỡng già! Chậc, chỉ tội cho ba con đổ bao công sức giờ thì trắng tay, ứ hự, lo toan vất vả cả đời, đến lúc xuôi tay nhắm mắt, tro bụi thì cũng trở về tro bụi.
Ngân chợt thấy sợ vì những lời nói buông xuôi của mẹ, chỉ mới đây thôi mà tóc của bà đã bạc đi rất nhiều, những nếp nhăn hằn sâu hơn trên trán, cô chợt thấy thương mẹ làm sao, cô chạnh lòng kêu lên:
– Má?
|
|
|