Sáng hôm sau, tôi lơ đãng, nghĩ vẩn vơ và tức tối bố mẹ tôi. Chúng tôi đi rất sớm tới đường Maria Hilferstrasse và trong một cửa hàng, chúng tôi đã tìm mua được một chiếc va li rẻ tiền bằng các tông. Bố tôi rất lo âu. Chiều nay chúng tôi phải rời ngôi nhà của bà Wagner để đến ở tại khách sạn Granben. Tôi xách cái va li bằng các tông ấy và nghĩ đến các va li da mà chúng tôi đã có ở Budapest thời tiền chiến. Trong những chuyến du lịch, những chiếc va li ấy thật sự là những cái tủ nhỏ lưu động, trong đó chúng tôi có tất cả những gì cần thiết. Tôi sẽ không bao giờ quên những cuộc đi du lịch ở Hungari ấy. Tôi, một đứa con gái nhút nhát và được nuông chiều ở trong một buồng hạng nhất, áp mặt vào cửa kính để nhìn các ngôi nhà nhỏ mà đoàn tàu vượt qua, đầu máy khạc ra khói và mồ hóng. Ôi các nhà ga Hungari, chúng xinh đẹp biết bao! Chúng đợi chúng tôi ở giữa một thung lũng, bên bờ một cái hồ và ở giữa những cánh đồng lúa mì. Nếu xuống xe, bịt mắt lại tôi cũng có thể nhận biết nơi đó là đâu chỉ nhờ mùi hương của nó. Mùi hương của những cây tùng, cây bách và của những con suối là thông điệp của đồi núi, sương mù ẩm ướt với mùi nhựa cây, đó là Kolozsvar, mùi thơm của những vỏ hàu và những loài rong rêu và cơn gió hiu hiu lấm tấm những giọt nước, đó là hồ.
- Kìa, cái con mộng du! – Mẹ tôi kêu lên, vì khi băng qua đường, tôi đã không nhìn sang trái sang phải – Con gái yêu của mẹ, hãy thức dậy đi con!..
- Tuổi trẻ vô tư – bố tôi nhún vai thở dài.
Tôi khép mình trong sự im lặng của tôi, tôi không nhìn các con đường đang nhộn nhịp những người vội vã đi tìm chỗ tị nạn tại các khu vực mà trong các tháng sắp tới sẽ là ku vực của các cường quốc Tây phương.
- Và con mơ mộng…- bố tôi nói tiếp – Con quên rằng chúng ta đang ở Vienne, với vài Schillings trong túi và đang đứng trước một tương lai bấp bênh…
Không, còn lâu tôi mới quên rằng chúng tôi đang ở Vienne. Tôi đang nghĩ đến Wanda và đến quyết định của tôi về việc viết một quyển tiểu thuyết về cô ta. Nhưng tôi có một vấn đề nan giải. Làm sao có thể diễn tả được cả cuộc đời tình ái mà không có một kinh nghiệm nào khác ngoài cái nụ hôn mà ký ức mơ hồ còn đọng lại nơi tôi cho đến bây giờ? Nhưng để trấn an chính mình, tôi nghĩ đến Emily Bronté. Ẩn mình trong một dòng tu kín, Emily Bronté đã có thể viết "Les Hauts de Hurlevent".
Chúng tôi về đến Kleeblattgasse. Chúng tôi muốn chào từ biệt bà Wagner, bố tôi đập cửa phòng bà nhiều phút nhưng không có ai trả lời. Một lát sau, chúng tôi rời khỏi nhà trọ với cái va li đầy áo quần.
Khách sạn Graben toạ lạc tại một con đường yên tĩnh và sang trọng, rất gần Herrengasse. Tiền sảnh hôi mùi bụi bặm, phòng tiếp tân, với những hộp thư trống rỗng, những chiếc chìa khoá treo trên một tấm bảng, trông có vẻ buồn bã như nét mặt của một người bị mất trí muốn tìm lại những kỷ niệm của mình nhưng vô hiệu quả. Người gác cổng bỏ tờ báo xuống, nhìn chúng tôi đến gần, rồi cầm xem tờ giấy mà bố tôi đưa cho ông ta. Trong lúc ông ta đọc, tôi thấy bàn tay ông hơi run run.
- Ông có quốc tịch nào? – Ông ta hỏi.
- Hungari – bố tôi đáp.
- Năm 1912 tôi có ở tại Budapest – ông ta nói.
Ông ta đứng dậy và tìm chìa khóa một hồi lâu. Cầm chìa nơi tay, ông ta đi ra và ra dấu cho chúng tôi đi theo.
Ông ta bảo:
- Người Pháp bảo các người đến đây…Các người sẽ ở lại đây lâu không?
Bố tôi không trả lời.
Lên tới lâu ba, ông ta rẽ qua tay mặt và chúng tôi lặng lẽ bước theo ông ta. Tấm thảm màu đỏ đã bạc màu làm êm chân đi. Cử chỉ của người gác cổng để mở cửa phòng số 43 là cử chỉ của một người phục dịch nhưng giọng của ông ta thì đầy khinh khi. Ông ta nói:
- Nếu các người thấy không đủ ấm, hãy nói với người Pháp cung cấp than cho chúng tôi, chứ đừng chỉ cung cấp khách không mà thôi.
Ông ta đi tới phía cửa sổ, kéo bức màn và mở một cánh cửa.
- Các người cũng có một phòng tắm . Trước chiến tranh, đây là một gian phòng sang trọng. Một gian phòng đắt tiền…
Bố tôi, đột ngột nổi giận, đã đuổi khéo ông ta:
- Được rồi, ông bạn già thân mến của tôi, chúng tôi sẽ tìm được tất cả những gì chúng tôi cần…
Người gác cổng đi rồi, tôi lấy cái chìa khoá còn treo ở bên ngoài. với cái chìa khóa ấy, chúng tôi làm chủ căn phòng này…
Mẹ tôi xếp áo quần của chúng tôi vào trong những cái tủ to, trong đó có ít nhất năm mươi cái móc áo quần và mười lăm cái hộc.
Với một miếng xà phòng, tôi vào trong phòng tắm và đóng cửa lại, như có phép lạ, nước rất nóng. Trần truồng, tôi đứng trên tấm thảm nhỏ có tên của khách sạn, đợi cho bồn tắm đầy nước và vài phút sau, tôi dầm mình trong nước đến tận cổ. Thật là một cảm giác kỳ lạ, một niềm hạnh phúc gần như đau đớn. Mắt nhắm lại, tóc ướt đẫm, tôi nằm trong bồn tắm. Tôi có cảm giác rằng tắm xong tôi sẽ hiểu hết bứt rứt mệt mỏi. Đã tám ngày rồi, tôi bơi trong mồ hôi và nước mắt, cho nên hai chân tôi, lội bộ trong nhiều ngày, bây giờ duỗi dài ra một cách thoải mái và tôi nghe như một tiếng trống xa xăm, tiếng đập của trái tim.
Tôi tắm xong, mẹ tôi bảo tôi đi ngủ một chút. Bố tôi đã đi rồi. Tôi chui vào một cái mền bằng lông tơ vịt biển, đinh ninh sẽ trỗi dậy ngay khi mẹ tôi tắm xong. Khi tôi thức dậy, thì đã bảy giờ tối. Bố tôi đang viết, cúi xuống trên bàn trong ánh sáng màu hồng của ngọn đèn đầu giường. Nét mặt mệt mỏi và ánh mắt đăm đăm của ông làm cho tôi xúc động kêu lên:
- Bố!
Ông xoay mặt về phía tôi tươi cười.
- Con đã ngủ thật ngon, con yêu dấu ạ!
- Mẹ đâu rồi?
- Mẹ con ở dưới nhà bếp của khách sạn. Có thể bà đang pha cà phê hay nước trà gì đấy. Họ đã cho phép bà làm điều đó.
Tôi sẽ giữ mãi kỷ niệm thời gian chúng tôi ở tại khách sạn Graben. Ôi, cuộc sống của chúng tôi tại đó thật khó tả. lâu ngày rồi, rốt cuộc thân thể chúng tôi cũng đã nổi lên phản kháng. Chúng đã chịu đựng trong thời kỳ căng thẳng, nhưng ở đây, trong lúc chúng tôi được nghỉ ngơi, cũng có dịp bỉêu lộ sự bất bình của chúng. Mắt cá chân mẹ tôi sưng vù lên đến nỗi bà phải nằm liệt giường bốn ngày. Bố tôi bị chứng mất ngủ, mặt xanh lét và tôi phải vật lộn với những cơn ác mộng. Cú sốc về thể chất và tinh thần mà chúng tôi phải chịu đựng phơi bày ra những hậu quả của nó torng thời gian thư giãn ấy.
Ngay cả mấy năm sống ẩn dật bên bờ hồ Balaton, bố tôi đã có thể dạy học để kiếm đủ tiền chi dụng cho gia đình, bây giờ, ở đây, chúng tôi phải sống tuỳ thuộc vào các tổ chức cứu trợ. Từ sáng đến tối, bố tôi phải điền vào hết bản kê khai này đến bản kê khai khác. Nước Áo được chia làm bốn khu vực cho bốn siêu cường quốc. Chúng tôi muốn đến Innsbruck trong khu vực Pháp. Viên sĩ quan phụ trách hồ sơ của chúng tôi nghĩ rằng người ta sẽ nhận chúng tôi trong trại tị nạn ở Kufstein, cách Innsbruck năm mươi cây số. Nhưng trước hết phải vào được trong khu vực do quân đội các nước Tây phương chiếm đóng và muốn thế thì phải vượt qua đường ranh ở Euz. Đó là một con sông nhỏ gần Linz. Cầu xe lửa ở đó một bên do quân Nga và một bên do quân Mỹ canh giữ. Tìm tự do là nguyên lý của một cuộc sống bình thường, nói rằng tự do là quyền căn bản của con người, điều ấy thật dễ dàng. Cái khó khăn vô vàn bắt đầu là lúc mà người ta đối diện với vấn đề ấy một cách thật sự.
Ít ra, thời ấy, tôi còn chưa biết rằng một con người mệnh danh là "người tị nạn" phải có số phận của một chính trị gia xu thời, rằng đương sự phải đóng vai một anh hề, một diễn giả dở của một xã hội Tây phương bị chia cắt, một nhân vật tội nghiệp, nói năng, kể lể, cố gắng thuyết phục, một chính trị gia hoạt đầu, thay đổi lý tưởng như một con tắc kè thay đổi màu da.
Thành phố Vienne còn để lại nơi tôi những gì? Cái cảm giác say sưa của một sự khám phá. Sự khám phá thành phố nước ngoài đầu tiên. ThỜi niên thiếu, tôi như là một cô gái bị giam cầm trong một ngôi nhà nhỏ và trong những truyền thuyết lớn. Bố mẹ tôi đi du lịch và tôi, tôi chờ đợi ở Hungari. Tôi cũng đã đi du lịch các nước Tây phương lần đầu tiên, nhưng không có giấy thông hành và hành lý gì cả.
Thành phố Vienne dễ thương, thành phố Vienne không có các buổi khiêu vũ, thành phố Vienne nghèo đói, đối với chúng tôi còn là thời kỳ của những niềm hy vọng không pha lẫn một chút chua xót đắng cô ấy nào. Tôi đã mua được vài tờ giấy trắng và một cây bút chì. Và trong lúc bố mẹ tôi đi đến các văn phòng và các tổ chức cứu trợ, tôi ở trong phòng khách sạn. Tôi muốn viết tiểu thuyết về Wanda. Tôi đã mến yêu cô ấy và đồng thời nguyền rủa cô. Cô ấy đã ngồi gần một bên tôi, vô hình, và cô chế nhạo tôi, với nụ cười khiêu khích chàng cô, tin chắc vào nhan sắc của mình. Tất cả những gì tôi còn thiếu về kinh nghiệm – toàn thể cuộc đời – tôi thấy bằng lời nói hoặc việc làm hung bạo. Tôi cũng trả thù. Tôi cho một tên da đen ghen tuông xé toạc áo ngủ của Wanda, cho cô ta bị tái tai bởi một anh Mỹ có dòng máu dân tộc thỉêu số trong người, cô ta sẽ bị một tình nhân người Pháp bỏ rơi và bị một người Tiệp bắt cóc. Tôi buộc Wanda phải có những sự ôm ấp, ghì siết, hổn hển, những cái hôn man rợ và những hành vi phản bội đê hèn. Tôi đã viết tất cả các sự kiện ấy ra giấy, nhưng nội dung của những chương tiếp theo sau đó ghê tởm đến nỗi trước khi bố mẹ tôi trở về, tôi đã xé bỏ tất cả và liệng vào sọt giấy trong phòng tắm.
Thoát ra ngoài một mình không phải là dễ dàng. Theo bố mẹ tôi, là bản doanh của bọn buôn thịt phụ nữ da trắng, ở đó bọn côn đồ giăng những cái bẫy kín đáo để sập những thanh nữ trong trắng ngây thơ. Ôi! Bố mẹ tôi đã làm cho tôi khó chịu với những chuyện cũ rích như thế của họ. Tôi muốn có một cuộc nói chuyện đối mặt với thành phố Vienne của tôi, một cuộc hẹn hò tình tứ với các công viên lãng mạn của nó, kỷ niệm của một lúc chỉ có hai đứa chúng tôi với nhau. Sau khi mua giấy và bút chì, tôi còn lại vài Schillings. Một buổi chiều, tôi ra đi mà không báo cho bố mẹ tôi biết khi chỉ có một mình, tôi nhìn tất cả với con mắt khác hơn và trong tấm gương của một tủ kính, tôi thấy tôi có mái tóc vàng hoe, hình dáng mảnh khảnh và thái độ rụt rè. Nếu tôi có một chút son nơi môi, theo tôi nghĩ, có thể tôi sẽ là một cô gái gần như đẹp..Tôi vào trong một tiệm cà phê nhỏ và kêu một tách cà phê, ở đó tôi đã hút điếu thuốc đầu tiên kể từ khi rời khỏi Hungari, thuốc chỉ còn một nửa vì đã rơi bớt trong túi áo tôi. trước mặt tôi, có một bà già đang cho con chó của bà ta ăn những mảnh vụn bánh mì. Nửa giờ sau, tôi đã ra khỏi tiệm cà phê và chạy về khách sạn.
- Con đi đâu làm bố mẹ lo quá!
Tôi không nén nổi bực tức:
- Lạy Chúa, bố hãy để cho con yên, con đã lớn rồi!
Tôi thường hối hậnsau khi đã nóng nảy với bố mẹ tôi.
Ngày hôm sau, chúng tôi đi để người ta chụp hình. Đây là cái máy chụp hình tự động đầu tiên mà tôi thấy. Một người đàn bà tươi cười bảo tôi ngồi trong một cái buồng nhỏ xíu, ánh điện sáng choang. Bà ta ôm đầu tôi và xoay mặt tôi về phía một tấm gương nghiêng nằm ở tận phía sau cùng của cái phòng nhỏ như cái hộp ấy. Bà ta bảo tôi:
- Hãy cười đi!
Tôi không muốn cười. Tôi sợ thấy cái mặt tôi in trên giấy láng. Tôi đã sống những năm tháng âm thầm gần bên bờ hồ Balaton không có lấy một tấm ảnh. Tôi tránh nhìn vào gương, hình như không thấy ngay chính mặt của mình, tôi ít đau khổ hơn vì sự cô đơn của tôi. nhưng ở đây tôi là con mồi của cái con thú sáng trưng ấy, nó muốn cắn tôi và đốt cháy tôi với ánh sáng chói chang của nó. Sau sáu lần bấm máy, đến lượt bố mẹ tôi.
Mười phút sau, người ta trao những tấm ảnh nhỏ cho chúng tôi. trước mặt tôi là một khuôn mặt mệt mỏi và ốm nhomùi, tóc vàng hoe và lông mày đen nằm trên một cái cổ áo nhung cũ của chiếc măng tô của tôi.
Bố mẹ tôi cũng được chụp hình như thế. Ba cái đầu của những kẻ phạm trọng tội, ba khuôn mặt của những người ngốc nghếch, ba tấm ảnh có khuôn mặt nhìn nghiêng kỳ khôi. Đó là kỹ thuật chụp ảnh mới.
Hai ngày sau, chúng tôi nhận được thẻ căn cước giả là người Áo. Tôi thấy tấm ảnh của tôi với cái tên là Elise Meyer. Khuôn và cái tên không phải là của tôi. Chúng tôi đã được tự do hay là những người mắc bệnh mất trí nhớ?
Tôi là con gái của hai ông bà Meyer. Nhưng trên tàu hoả, nhất thiết không được mở miệng nói một tiếng nào. Chúng tôi là người Áo đi thăm bà con ở Innsbruck, người ta căn dặn chúng tôi "Các người đừng làm lộ sự giả dối của mình bằng giọng nói. Người Nga rất nghiêm ngặt, đây là trạm kiểm soát chót của họ. Họ rất cứng rắn, họ nhìn hành khách với giấy tờ của hành khách với vẻ đa nghi. Lẽ tất nhiên sự nguy hiểm khá lớn. Nếu các người được may mắn…Nếu không, họ sẽ trả các người lại cho các nhà chức trách Hungari
Vì sợ, chúng tôi đâm ra im lìm. Tối hôm ấy, khi rời khách sạn, chúng tôi đã lặng lẽ bước xuống cầu thang.
- Các người đã ra đi rồi sao? – Người gác cổng hỏi.
Chúng tôi chỉ gật đầu chào.
Ra đến ngoài đường, chúng tôi đi đến trạm xe lửa, chúng tôi luôn luôn không nói một lời nào. Mạng sống của chúng tôi đang lâm nguy. Nhưng nếu sáng ngày mai chúng tôi đến được Innsbruck, chúng tôi sẽ được tự do thật sự!
Câm nín, tôi đã tạm biệt thành phố Vienne, mặt đầm đìa nước mắt, thỜi kỳ ấy tôi rất mau nước mắt.
Đúng tám giờ tối, chúng tôi đã có mặt trên sân ga, chen chúc giữa một đám đông. Có những người lính Mỹ da đen, gần bên chúng tôi, có một nữ tu nghiêm nghị, với một cái mũ vải hồ cứng hình bướm trên đầu và xa hơn nữa có hai người lính Nga.
Tàu lửa đến và chúng tôi lên một toa. Trong đó có những chiếc ghế dài đủ choa ba người ngồi. Bố tôi ngồi trước mặt tôi, mặt tái mét, gần bên ông là hai người thường dân, một người đàn ông ăn mặc lam lũ, có vẻ khổ sở nghèo nàn và một người đàn bà với một cái giỏ thật bự trên đầu gối. Tôi cảm thấy đau nơi cổ, tuy không đau lắm nhưng đau dai dẳng không dứt. Đó là một mạch máu đập mạnh, như thể tôi có một trái tim khác ở bên dưới lỗ tai trái. Trái tim thật của tôi đập thình thịch trong ngực. Tôi buồn nôn. Tôi muốn nói với bố mẹ tôi rằng tình trạng căng thẳng này không thể chịu đựng nổi, thà đi xuống và trở lại khách sạn sống một cuộc đời vô tri vô giác như cỏ cây. Bây giờ đã mấy giờ, ngay cả điều ấy tôi cũng không thể biết được, bởi vì, một khi đã ngồi trong toa xe rồi, tôi không còn có thể hỏi giờ bằng tiếng Hungari hay tiếng Đức. Tôi biết rằng tàu sẽ khởi hành lúc hai mươi giờ rưỡi và chúng tôi sẽ đến trước cây cầu quyết định hai mươi bốn giờ kém hai mươi. Một cuộc hành trình ba giờ và bốn mươi phút.
Xe lửa chạy êm ái, không lắc lư, như thể lướt trên một đường dốc. nhắm mắt lại, tôi muốn ngủ hay giả vờ ngủ, nhưng không thể được. Bị buộc phải ngậm câm, đầu tôi tràn đầy những ý nghĩ…Tôi có thể nói chuyện một cách sôi nổi suốt cả đêm. Thật là nhục nhã kh người ta phải sợ đến như thế và cố bám riết vào vận may với một sự cầu khẩn âm thầm trong lòng. Và tất cả chỉ vì một khoảng cách nhau vài cây số. Người ta là kẻ chiếm đóng hay là người giải phóng, tuỳ theo người ta sinh ra ở phía Tây hay ở phía Đông. Nhưng giữa hai bên chỉ có những con người mà số phận phó mặc cho những biến chuyển chính trị đẩy đưa. Trong những lúc ấy, mở to mắt, áp mặt vào cửa kính, tôi chỉ còn biết thù hận con tàu. Bên ngoài, trời tối thui. Tôi không tìm đâu ra được một chút ánh sáng. Nếu người Nga thấy được chúng tôi, chúng tôi sẽ bị đưa về lại Hungari! Lúc chúng tôi vượt qua biên giới Hungari để đến nước Áo, chúng tôi đã chạy bộ. Trong lúc kiệt sức, chúng tôi đã có thể nằm xuống đất ẩm ướt và giấu mặt vào trong lá mục. Nhưng con tàu này chạy với một tốc độ nhanh đến chóng mặt, như một cái nhà xác di chuyển với những xác chết ngồi trên những chiếc ghế dài. Tôi nhìn xuống dưới chân tôi. Tôi muốn được tụt xuống núp dưới cái ghế ấy!
Mẹ tôi ngủ gà ngủ gật, hay nói đúng hơn, bà giả bộ làm như vậy. Mí mắt trái của bà giật giật. Bố tôi nhìn một điểm vô hình. Miễn là những người Áo đích thực là người Áo không thấy vẻ sợ hãi của chúng tôi!... Cái gia đình thường dân Meyer ấy vì sao mà run sợ? Người đàn ông ốm o ngồi bên cạnh bố tôi đã đọc xong tờ báo của mình, ông ta xếp nó lại và lơ đễnh để nó rơi xuống chân. Tôi không dám lượm cũng không dám hỏi mượn tờ báo ấy, dù nhờ nó thời gian sẽ trôi qua nhanh hơn. Cửa toa mở ra, một nhân viên soát vé người Áo đi băng qua toa chúng tôi ngồi, sang đầu kia toa. Phải chăng đó là dấu hiệu chúng tôi sắp đến cây cầu quyết định? Mẹ tôi mở mắt ra, nhưng mi mắt trái của bà vẫn giật giật. Người đàn ông lượm tờ báo lên và bà nữ tu nắm chặt cây thánh giá nơi chuỗi hạt của bà. Người đàn ông ngồi phía trước mặt tôi bắt đầu nói chuyện với người đàn bà ngồi bên cạnh ông ta, bà này đang gọt vỏ một trái táo bên trên cái giỏ của mình. Mẹ tôi nhìn tôi, bà cũng có vẻ đói bụng. Người đàn bà kia chìa cho người đàn ông nửa trái táo và ông ta ăn một cách ngấu nghiến. Bây giờ tất cả mọi người đều nói và sự ồn ào ấy càng làm nổi bật lên sự câm nín của chúng tôi.
Ở bên ngoài, đột ngột có ánh đèn. Tàu chạy chậm dần, rồi ngừng lại. Những ám hiệu do quân Nga hét lên xé tan màn đêm. Những tiếng nói ấy bắt buộc chúng tôi phải run sợ trong một toa xe lửa, phải cô đơn giữa một đám đông và nguyền rủa chuyến đi. Bố tôi thọc tay vào túi áo vét, chắc là ông muốn rút cái thẻ căn cước của ông ra, ông không thấy nét mặt phản đối của mẹ tôi, bà phải nói bằng tiếng Đức "Khoan đã…hãy đợi chúng hỏi đã…" Người đàn ông ngồi phía trước mặt tôi nhìn vào chúng tôi như thể ông ta vừa khám phá ra sự hiện diện của chúng tôi và bà nữ tu thì nhìn vào chuỗi hạt của bà.
Đó là lúc chúng tôi lo âu hồi hộp hơn hết. Lính Nga đã đến. Người xét thẻ căn cước đội một mũ lông thú, ông ta nhìn các hành khách, so sánh mặt hành khách với ảnh trong thẻ. Đến hàng ghế của chúng tôi, ông ta ngước mắt nhìn tôi rồi nhìn tấm thẻ căn cước. Ông ta thấy giống như đúc. Sau đó, ông ta xem giấy tờ của bố mẹ tôi. Tất cả đều hợp lệ. Người đàn ông ngồi bên cạnh bố tôi cầm trong tay trái một trái táo khác và bỗng tôi hiểu ra rằng ông ta ăn vì sợ. Người Nga lấy tấm thẻ của người đàn ông kia, nhìn và nói vài lời với một người Nga khác. Người đàn ông kia, bất động với nửa trái táo trong tay, chờ đợi như bị thôi miên. Không còn tiếng lao xao trong toa xe trong toa tàu nữa, tất cả mọi người đều im lặng, đều lắng tai nghe, nhưng không ai dám quay đầu, cũng không ai dám nhìn. Người Nga ra dấu cho người đàn ông kia và nói với ông ta bằng tiếng Đức "Hãy đi xuống…"
Ông ta rời khỏi toa tàu, có một người lính Nga đi kèm. Bà nữ tu cầu nguyện. Bà ta cầu nguyện cho ai? Cho người không quen biết kia? Sự chờ đợi vô tận ấy làm cho tôi khiếp đảm mà tôi chưa bao giờ biết đến cho tới bây giờ.
Mồ hôi toát ra và chảy dài trong lưng tôi, mặt tôi ướt nhèm. Tôi không còn muốn nhìn nét mặt thiểu não của bố mẹ tôi. Tôi nhắm mắt lại để liều mạng đắm mình vào trong những giấc mộng của mình. Tôi muốn đi đến một đất nước mà ở đó không có những cuộc kiểm soát, bắt bớ. Tôi muốn rời khỏi châu Âu. Ở Kufstein, chúng tôi có thể lựa chọn một đất nước định cư như người ta lựa chọ một tấm vải trong một cửa hàng. Chúng tôi sẽ có thể chọn một đất nước thật xa châu Âu, như nước Úc, hay một nước ở Nam Mỹ…
Tàu lại bắt đầu chạy. chúng tôi đã ở trên cầu và trông thấy ánh đèn của thành phố Linz càng lúc càng gần hơn. Rõ ràng là chúng tôi đã thoát nạn.
Tàu lại ngừng. Bà nữ tu quay đầu về phía tôi. Rụt rè, tôi mỉm cười. Bà ta cũng mỉm cười đáp lại.
Cửa toa tàu mở ra và ba đại diện của ba cường quốc bước vào. Viên sĩ quan người Pháp chào tất cả mọi người bằng cách đưa ngón tay chạm sơ qua mũ ca lô của mình. Người đại diện nước Anh ra tay nhận các giấy tờ và người đại diện nước Mỹ vặn đinh ốc để mở nắp một cái hộp lớn và dài bằng kim loại. Không nói cho chúng tôi biết trước, ông ta xịt một thứ bột màu vàng vào chúng tôi, như thể chúng tôi là những con cá mòi phải ướp muối. Ông ta mở hé áo măng tô của bố tôi để xịt thêm một ít bột vào trong đó. Bố tôi ngạc nhiên đến nỗi không có lấy một phản ứng bất bình. Hai vai của bà nữ tu cũng dính đầy thứ bột màu vàng ấy. Mẹ tôi nhận được phần bột nhiều nhất vào trong lưng, phần còn lại trong bộ ngực của bà. Người Mỹ có thể xịt bột DDT mà không sợ nguy hiểm, vì ông ta mang găng tay cẩn thận. Ông ta mở nút trên áo măng tô của tôi và xịt vào cổ tôi. Tôi phải xoay mặt một cách đột ngột vì má tôi cũng dính đầy bột DDT. Quá sức chịu đựng của tôi, tôi gục đầu vào vai mẹ tôi và khóc.
Mãi đến lúc xe lửa đã chạy trong khu vực Mỹ, chúng tôi mới đi ra ngoài hành lang để nói chuyện. chúng tôi đã ở trên đất của một châu Âu tự do, con tàu đã trở thành thân thiện đối với chúng tôi. Tôi mở cửa kính, không khí lạnh bao trùm lấy chúng tôi thật dễ chịu mát mẻ. Trở vào trong toa, tôi ngồi thu mình vào xó góc của mình, mệt lử, tôi cố ngủ. một hành khách tắt ngọn đèn chính và chúng tôi ngồi yên bất động, như đã được xông hương thơm để ướp xác, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn chong đêm. Đến Linz, một cặp vợ chồng trẻ đã ngủ rồi. Đối với hai người ấy, đó là một chuyến đi không có cảm xúc, họ đã không phải vượt qua suối vàng ở âm phủ để tìm lại nụ cười. Bà vợ có thai để hai bàn tay dịu dàng êm ái trên bụng mình, để che chở giấc ngủ cho đứa con sắp chào đời. Đối với tôi, chuyến đi này đau khổ xiết ao, với những áo quần dán vào một thân hình lo âu, với những nét ủ dột trên một khuôn mặt vắng bóng tuổi thanh xuân, với những nỗi phiền muộn sâu độc của một tâm hồn mà định mệnh đã dành cho sự sầu não! Những nét mặt của bố tôi, trong chỗ nửa sáng nửa tối hình thành một cái mặt nạ lạ lùng, nơi đó sự già nua pha lẫn với vẻ ngạc nhiên. Mẹ tôi ngủ với vẻ mặt dịu dàng như thể bà ý thức được rằng không nên động đậy nếu không muốn thức dậy.
Bên ngoài, màn đêm không để lộ những điều bí mật của nó. Bên ngoài, đó là sự tự do vô hạn và không có sắc thái khác nhau. Chúng tôi tìm kiếm gì ở đây? Chúng tôi khởi hành từ đâu và tới cái đích nào? Trong tình trạng nửa ngủ nửa thức ấy, tôi lưỡng lự. Tôi muốn có thêm hai mươi tuổi nữa, có những quan niệm đã nảy nở đầy đủ. Tôi muốn gợi lại những kỷ niệm của tôi, nhưng tôi chẳng có gì ngoài lòng khao khát muốn được hoàn toàn tự do, tôi muốn vươn tới tất cả, sẵn sàng nếm mùi, thưởng thức, sờ mó, tôi muốn xua đuổi những ảo ảnh, thay thế chúng bằng những ấn tượng hữu hình.
Tuy nhiên, ở bên ngoài, như một phép lạ, bình minh đã ló dạng. mới đầu chỉ là một cái phông nhỏ màu xám, rất xa, trong khoảng không vô tận. Sau đó xe lửa chạy như bay giữa một đám sa mù màu hồng, những màu sắc mới chớm hình như dán sát vào các cửa kính đẫm nước, ngọn đèn chong đêm màu xanh mất đi mãnh lực độc ác của nó, những khuôn mặt lờ đờ bây giờ đã trở thành trẻ trung một cách tuyệt vời, không có nét nhăn và vô tư lự. Người ta có thể nói đó là những đứa trẻ đẹp như những tiểu thiên thần đi chơi trong đường hầm màu xanh và trắng.
Bà xơ dựa vào lưng ghế gỗ, bà có vẻ trầm tư mặc tưởng, nước da bà trong trẻo như ngọc trai. Tất cả đều sáng ngời, đó là phép lạ của ánh bình minh.
Người đàn ông trẻ tuổi ngồi trước mặt tôi, vươn vai, duỗi mình, ngáp ngắn ngáp dài. Và phép lạ đã hoàn tất, cảnh tượng ấy dù đã mất đi cái ảo ảnh quyến rũ của nó, tôi biết, chính mắt tôi đã thấy có những ngày như thế… cho nên, kể từ ngày ấy, tôi thích bình minh. |
|
|