Đến Munich, chúng tôi mới biết rằng nếu tôi muốn đi thăm bố mẹ tôi, chúng tôi phải vượtqua biên giới nước Áo một cách bất hợp pháp. Nước Áo vẫn còn bị chiếm đóng bởi bốn cường quốc và chính các cường quốc ấy thành phố cho chúng tôi hộ chiếu sau nhiều tháng dài chờ đợi. Tôi không muốn chờ đợi.
Chúng tôi, Georges và tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ làm phép cưới theo nghi thức tôn giáo và sau đó chúng tôi sẽ tìm đủ mọi cách để đi thăm bố mẹ tôi.
Tôi rất sợ phép cưới tại nhà thờ. Nhưng được nuôi dạy trong một gia đình ngoan đạo, tôi muốn trung thành với truyền thống gia đình.
Tại Munich, chúng tôi ở tại nhà của một người bạn cũng nghèo như chúng tôi, nhưng giàu lòng tương thân tương ái. Một ít lâu sau đó, một hôm vào lúc tám giờ sáng, tôi đứng bên cạnh Georges nghiêm nghị, trong một ngôi nhà thờ nhỏ ở Munich. Đứng trước bàn thờ và nghĩ đến những bà già móm đang lẩm bẩm đọc kinh cầu nguyện, tôi có cảm giác rằng cái lưng của tôi rộng như một tấm phản. Không biết các bà già ấy có khám phá ra rằng cô dâu không còn có thể gài nút áo măng tô của mình lại được nữa hay không? Ôi, nếu tôi có một cái áo măng tô thật rộng, tôi đã có thể che giấu được tôi với đứa con của tôi! Nhưng bởi vì tôi chỉ có cái áo cũ này, mọi người đều có thể thấy rõ ràng là tôi đang mang bầu.
Chúng tôi quỳ xuống trong lúc linh mục cử hàng lễ Misa. Tôi lạnh nhưng trên ghế qùy đọc kinh tôi không thể kéo hai vạt áo măng tô sát vào người được. Tuy nhiên, tôi không muốn con tôi cảm lạnh, tôi chỉ nghĩ tới nó. Tâm hồn lâng lâng trong một niềm tê mê khó tả, trong lúc cầu nguyện, chính với đứa con của tôi mà tôi đã thề trung thành suốt đời..Ra khỏi nhà thờ, tôi muốn thú thật với Georges rằng những lời thề nguyền, tôi chỉ đã thốt ra khi nghĩ đến đứa con của tôi. Nhưng khi Georges quay về phía tôi, tôi thấy nét mặt cảm động của anh, nên tôi đành im lặng.
Bàn tay trái của tôi trong bàn tay anh, còn bàn tay mặt thì tôi đặt lên trên cái áo măng tô của tôi, chúng tôi đi ăn sáng.
Vị linh mục già, với nụ cười hiền lành và vô ngã, đã cho chúng tôi địa chỉ của một trong những người bạn thân của ngài, một linh mục tại một làng nhỏ gần biên giới nước Áo.
Mới tang tảng sáng chúng tôi đã đáp chuyến tàu địa phương đưa chúng tôi đến ngôi làng đang ngập nước mưa. Chúng tôi băng qua con đường chính và đi vào một con đường hẻm quanh co theo sườn núi. Ngôi làng nằm sâu trong cái thung lũng nhỏ ấy, có lẽ cũng ít có ánh mặt trời ngay cả vào tháng Bảy. Chúng tôi cứ đi theo cái bản đồ mà vị linh mục già đã vẽ trên nửa tờ giấy để chúng tôi khỏi phải hỏi thăm đường với dân trong làng.
Tôi quay về phía Georges.
- Anh có thấy trong những hòn núi kia có cái gì giống như là một con đường không?
Anh nhìn chung quanh như thuyền trưởng một con tàu và lắc đầu:
- Anh không tưởng tượng được bằng cách nào vị cha xứ ở đây sẽ đưa chúng tôi vượt qua biên giới được.
Áo măng tô của chúng tôi càng lúc càng nặng hơn vì nước mưa và chúng tôi đứng lại trước một ngôi nhà nhỏ được chăm sóc chu đáo bên cạnh một con đường hẹp và dốc. Georges kéo sợi dây của cái chuông nhỏ trước cửa. Tiếng chuông mau chóng được át đi bởi cơn mưa tầm tã. Nhìn về phía hòn núi dựng đứng ngay ở phía sau ngôi nhà, tôi thấy một con suối đầy bọt chảy ào ào từ trên cao xuống thung lũng.
Cửa mở một cách đột ngột, một người đàn bà tóc hoa râm đứng nơi ngưỡng cửa có vẻ hiền lành và ngạc nhiên vì sao chúng tôi đến tận nơi này.
- Chúng tôi có thể gặp cha xứ không, thưa bà? – Georges hỏi và vì anh nói tiếng Đức rất thành thạo nên đã xua tan được sự phân vân của bà quản gia.
Không cởi áo măng tô ra, chúng tôi bước vào trong phòng ăn, nơi đó một bộ đồ ăn đã được dọn sẵn và một bình cà phê lớn bằng đất nung.
- Các người hãy ngồi xuống đi – bà quản gia bảo với chúng tôi - Cha xứ vừa cử hành lễ Misa xong, trong vài phút nữa ngài sẽ đến đây để ăn sáng.
- Em đói bụng kinh khủng – tôi nói nhỏ vào tai Georges và tôi thấy ổ bánh mì thôn quê với bơ tươi càng lúc càng có vẻ ngon lành hơn.
Cha xứ đã đến và tiếp chúng tôi rất niềm nở, nhất là khi ngài biết chúng tôi được bạn thân của ngài giới thiệu. không hỏi rõ lý do vì sao chúng tôi đến đây, ngài rung cái chuông đồng nhỏ để gần đĩa thức ăn của ngài, sau đó ngài bảo bà quản gia đem đến hai cái bát nữa, cha xứ mời chúng tôi ăn sáng với ngài.
Đã từ lâu rồi, tôi chưa bao giờ ăn ngon như hôm ấy. Trong khi ăn, chúng tôi trình bày điều dự định của chúng tôi.
Linh mục lập tức tỏ vẻ rất âu lo:
- Biên giới gần đây thôi – ngài nói – Nhưng Cha không muốn liều lĩnh làm một việc như thế. Các con hãy trở lại Munich và hãy an tâm chờ đợi hộ chiếu.
Tôi thất vọng não nề, nhưng tôi nói:
- Thưa Cha, con đang đợi ngày sinh nở, con phải gặp bố mẹ con trước ngày đứa bé chào đời.
Cha xứ nhìn tôi với đôi mắt hoảng hốt.
- Con muốn đi bộ để vượt qua biên giới trong lúc chờ ngày sinh nở sao?
Tôi phải thuyết phục ngài:
- Con van Cha, Cha hãy tin con. Con còn đi bộ được rất giỏi. Vị linh mục ở Munich có nói với chúng con rằng chỉ phải đi bộ mười cây số thôi. Chúng con sẽ đi chầm chậm, nhưng con phải gặp bố mẹ con, con sẽ không có được một chút an tâm nếu con không thể gặp được bố mẹ con.
Và tôi phải nói thêm để chứng minh:
- Con đã đi bộ ba mươi lăm cây số với bố mẹ con khi chúng con đã phải vượt qua biên giới Áo – Hungari. Lúc bấy giờ con không đợi ngày sinh nở, nhưng đó cũng là một thành tích đáng kể.
Khuôn mặt tinh anh của cha xứ, rực rỡ vẻ già nua cao quý, đã trở nên dịu dàng:
- Khốn khổ thay! Tội nghiệp thay thế hệ đầy thử thách của các con!
Tôi rất xúc động đến nỗi bàng hoàng vì những lời ấy, những lời đáp từ quá khứ trở lại trong trí não tôi như một tiếng vang, một tiếng vang vọng xa xăm nhưng rõ ràng và buồn bã. Ông Radnai trong căn hầm…Trong thời kỳ ghê sợ Budapest bị vây hãm…Khi ông Radnai nhìn tôi, đôi mắt ông nhoà nước mắt và dịu dàng một cách lạ lùng, ông thuộc hạng người bị ngược đãi, bị hãm hại mà sự dã man của thế gian làm cho ông phải run sợ. Nhưng ông không còn nghĩ đến chính ông mà nghĩ đến những thanh niên vì chúng còn muốn sống… Thế hệ tội nghiệp, ông nói trong những đợt phi cơ oanh tạc dữ dội. Lúc bấy giờ tôi mười lăm tuổi và, thời kỳ đó, những lời ấy làm cho tôi tràn trề một niềm hãnh diện phi thường, một niềm hãnh diện vô hạn có khả năng triệt tiêu sự sợ hãi.
- Christine..Christine…
Giọng nhấn mạnh của Georges đã làm cho tôi trở lại với thực tế sau phút bàng hoàng.
Cha xứ tỏ vẻ lo âu.
- Con thấy trong người không được khoẻ phải không?
- Ồ, không, cám ơn Cha, con khoẻ, con chỉ suy nghĩ mà thôi..
Cha xứ đứng lên:
- Các con, điều quan trọng là đừng để cho ai thấy trong lúc chúng ta leo núi – nhìn tôi với vẻ phân vân, chính ngài lo âu khi nghe tiếng "núi" do ngài vừa thốt ra. Tôi uốn cong mình, ưỡn ngực ra và thóp bụng vào để chứng minh tôi thanh mảnh và thể thao biết bao, sẵn sàng đương đầu với cuộc đi dạo không đáng kể này.
Trong tiền phòng, linh mục lấy áo măng tô đen và cái dù đen của ngày và gọi:
- Bà Hilda đâu?
Bà quản gia xuất hiện.
Ngài nói:
- Một giờ nữa Cha sẽ trở về.
Ra khỏi nhà, chúng tôi đi vòng quanh ra phía sau vườn nhà. Sau vài phút bước đi dưới cơn mưa tầm tã ấy, chúng tôi vượt qua bờ rào và leo lên dốc đứng, rải rác lá thông và lá rừng mục nát.
Chúng tôi đi hàng một. Cái dù đen của cha xứ đu đưa ở giữa những cây cối như một cây nấm. Nước kêu bì bõm trong giày của tôi và tôi nắm tay Georges đang đi sau lưng.
Trời đột ngột bớt mưa và tôi có cảm giác hình như dân làng, đứng tựa cửa sổ, đang nhìn chúng tôi một cách chăm chú. Chúng tôi dễ bị người ta trông thấy xiết bao, chúng tôi giống như những con kiến lớn đang leo núi một cách vụng về, được hướng dẫn bởi một cái dù.
Khi chúng tôi lên đến đỉnh núi, mưa đã dứt hẳn và dưới chân núi, chúng tôi thấy trải dài trước mắt một đồng cỏ mênh mông và ở rất xa, chúng tôi thoáng thấy một nông trại, còn bị bao phủ trong sương mù. Chúng tôi còn đoán biết được những con bò sữa, nhỏ như những giọt nước.
Vị linh mục già nói với chúng tôi:
- Khi đến nông trại ấy, các con đừng sợ. Những người ở đó rất tốt bụng. Gần cái trại ấy các con sẽ thấy một con đường sẽ dẫn các con vào trong một khu rừng nhỏ. Các con cũng sẽ thấy một nhà thờ nhỏ, nơi đó cha cử hành lễ Misa vào ngày chủ nhật, cứ hai tuần một lần và sau cái nhà thờ nhỏ ấy, các con sẽ có đường quốc lộ, một con đường bê tông. Đó đã là nước Áo. Đi theo con đường ấy, các con sẽ thấy một ngôi làng, từ đó có một chuyến tàu lửa đưa các con đến Kufstein.
Linh mục quay gót ngay lập tức, không đợi chúng tôi nói lời cám ơn và ngài biến mất sau các cây cối.
Thế là chúng tôi đang ở bên một bờ thế giới mà chúng tôi còn chưa biết, cô độc, chỉ có hai chúng tôi với nhau, phó mặc cho may rủi ở biên giới vô hình chia cách hai quốc gia.
- Nào, chúng ta đi thôi – Georges nói với tôi và chúng tôi bước di trong cỏ cao ướt sũng nước, làm cho hai chân tôi lạnh cóng. Nhưng vì sao sự lạnh lẽo lại làm cho tôi khó chịu được trên con đường sẽ đưa tôi đến gặp bố mẹ tôi?
tôi hân hoan với ý nghĩ đã lập được một thành tích lớn. Tôi nhìn trước chân tôi. Tôi không muốn vấp váp một cách vô ích. Tôi nghĩ đến đứa con của tôi mà đây là cuộc hành trình đầu tiên của nó.
Khi tới nông trại, tôi gặp mấy đứa nhỏ, chúng nhìn chúng tôi với những cặp mắt ngơ ngác trong lúc chúng tôi bước vào trong nhà bếp của nông trại.
Khi bà chủ nhà biết rằng chúng tôi đến đây theo lời chỉ bảo của cha xứ, bà đặt lên trên bàn hai bát sừa còn nóng và hai ổ bánh mì lớn. Bà không nhận số tiền mà Georges trao cho bà và cô con gái lớn của bà đưa tiễn chúng tôi đến tận ngôi nhà thờ nhỏ. Khi chúng tôi đã đặt chân lên trên con đường lớn, con đường trên đất nước Áo, tôi bắt đầu run.
- Can đảm thêm một chút nữa, chúng ta sẽ đến được nhà ga – Georges nói với tôi.
Nhưng tôi chỉ thấy một ngôi làng cũng xa lắc xa lơ như cái nông trại khi chúng tôi đã thoáng thấy nó từ trên đỉnh núi.
Tôi bước đi như một người máy và mặt trời chỉ còn để lại trên cánh đồng một vạch màu vàng yếu ớt. Georges nhìn đồng hồ của anh.
- Bốn giờ rưỡi – anh nói.
Chúng tôi đã ra đi từ ngôi làng ở bên kia núi lúc tám giờ rưỡi.
Tôi muốn nói chuyện với Georges, bỉêu lộ những tư tưởng thầm kín của tôi, nhưng anh rất ghét tôi đả động đến những tình cảm tương phản của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi muốn nói với anh rằng mặc dù tâm hồn anh khép kín, chúng tôi không bao giờ cảm thấy hoà hợp xiết bao như trong cuộc hành trình rồ dại này.
- Này Georges?
Tôi đã kêu tên anh để làm cho anh chú ý đến tôi.
- Em mệt lắm phải không?
- Ừ, nhưng điều ấy không quan trọng một chút nào, em muốn nói với anh rằng…
Tôi năn nỉ anh một cách thầm lặng "anh hãy giúp đỡ em, chúng ta có một cơ hội duy nhất và tuyệt vời để hiểu thấu nỗi khó khăn riêng và chia sẻ tâm tư, tình cảm của nhau".
Nhưng anh không để ý nhận thấy gì cả.
Đến gần nhà ga, tôi không còn đi được nữa, tôi lết.
Toa tàu trống trơn, tôi có thể nằm trên một cái ghế dài.
Tôi nhắm mắt lại và nghĩ rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi là cuộc hôn nhân thật sự, không phải như một cuộc hôn nhân mà tôi đã thấy cử hành tại sứ quán Pháp ở Budapest năm 1945, để có thể xuất cảnh với một giấy thông hành! Nhưng tôi không muốn hồi tưởng tất cả những chuyện xưa cũ ấy. Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ kể lại những chuyện ấy.
Georges đánh thức tôi dậy ở Kufstein.
Tôi thấy lại nhà ga nhỏ giống như lúc tôi ra đi cách đây một năm. Trời đã tối khi tôi đến gần căn nhà gỗ nơi bố mẹ tôi ở. Nơi cửa sổ có ánh đèn. Tôi ra dấu cho Georges và chúng tôi nhìn bố mẹ tôi ngồi lặng lẽ chung quanh một cái bàn. Gian phòng đã có sự thay đổi. Tôi thấy đâu đâu cũng có sách, bố tôi đang viết và mẹ tôi đang mạng một cái áo sơ mi. Mặc dù mệt lử, tôi cũng chần chờ, tôi sợ quấy rầy sự yên tĩnh của bố mẹ tôi một cách đột ngột.
Khi tôi gõ cửa, mẹ tôi ra mở và sửng sốt vài phút khi trông thấy chúng tôi.
Tối hôm ấy vui vẻ biết bao! Tôi sung sướng tìm lại được một sự an tâm mà tôi đã cảm thấy thiếu thốn kinh khủng. Bố mẹ rất niềm nở với Georges, đã ôm chặt anh vào lòng như một đứa con trai trở về nhà sau một chuyến đi du lịch xa dài ngày. Khi biết được rằng tôi đang đợi ngày sinh nở và chúng tôi đã vượt qua biên giới một cách bất hợp pháp, bố mẹ tôi sửng sốt đến nỗi không tìm được lời nào để nói ra.
Mẹ tôi đặt tôi nằm trên giường và chèn nhiều cái gối chung quanh tôi. Tôi nằm mà ăn bữa tối. Tôi muốn cười và khóc vì sung sướng . Tôi yêu bố mẹ tôi biết bao! Và nhờ có bố mẹ tôi mà tôi sắp trở thành lại là một đứa con gái nhỏ, dù chỉ trong thời gian hai ngày…
Sự trở về của chúng tôi đã kích động lòng người trong trại tị nạn và cuối ngày thứ hai, ông trưởng trại đã phái một nhân viên đến cảnh cáo chúng tôi rằng ông muốn xem giấy tờ của chúng tôi sáng ngày hôm sau.
Sáng hôm sau, chúng tôi buộc lòng phải từ giã Kufstein để trở về Paris, bằng cách đi ngược chiều con đường đã đưa chúng tôi từ Paris đến Kfustein. Bố tôi tiễn đưa chúng tôi đến tận biên giới Áo – Đức
Một cuộc ly biệt ruột đau như cắt. Ngày hôm ấy tôi đã tự hứa với mình rằng tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm để có được bố mẹ tôi bên cạnh suốt đời.
Trước khi đáp xe lửa từ Munich đến Paris, tôi đã đi khám thai tại một bác sĩ chuyên môn theo lời dặn của mẹ tôi, bác sĩ đã khám cho tôi và nói:
- Hông của bà rất hẹp. Có thể có những rắc rối. Bà phải cẩn thận. Bà cần phải có một bác sĩ giỏi lúc lâm bồn…
Chúng tôi đã đáp xe lửa trở về Paris ngay tối hôm ấy. |
|
|