Vẩn Thạch rít hơi thuốc cuối cùng cho đến khi hai đầu ngón tay nóng bỏng hắn mới chịu ném cái tàn thuốc nhỏ xíu ấy đi. Nắng xế đã lên tới đầu bức tường trước mặt gần đụng hàng rào kẽm gai phía trên. Hắn để ý tới vệt nắng ấy đã gần một tiếng đồng hồ và rõ ràng hắn thấy thời gian bò đi như con rắn mối. Hắn khám phá ra thời gian không còn trừu tượng nữa mà có thực, chững chạc từ tốn, lạnh lùng trườn đi từ mấy triệu năm nay và hắn cũng cảm thấy có một cái gì trong hắn đang trườn đi theo từng nhịp đập trái tim, từng hơi thở, trườn đi về phía bên kia hoàng hôn, qua một cõi gió bụi hôn mê trước khi về thế giới của lãng quên.
Hắn hoàn toàn chán nản có lẽ không hẳn vì cuộc sống tù túng này nhưng vì hắn thất vọng cuộc đời. Xã hội con người lộn xộn, sống như ăn cướp, sống khốn nạn còn hơn con vật. Vì thế hắn ngồi nhìn thời gian trôi đi với tâm trạng dửng dưng. Cả ngày hắn ngồi nhìn vệt nắng trườn đi từ một xó xỉnh nào đó, bò qua đống rác, leo lên chiếc xe hơi phế thải mục nát rồi mới đến bức tường xám ngoét.
Ngày ngày hắn nhìn bọn can phạm bằng con mắt xa lạ thẫn thờ, con mắt ấy cũng đã từng nhìn những kẻ đang đi ngoài phố kia.
Buổi sáng khi các phạm nhân được thả ra sân để làm vệ sinh thì Thạch ngồi lặng yên nơi thềm giếng nhìn loài người tranh giành nhau giữa những gánh chè cháo bún xôi để tìm một chỗ ngồi ăn trong bụi bặm. Người nào người nấy tóc tai rối bù, bẩn thỉu. Những phạm nhân già chống những que củi khô khẳng khiu, xê dịch qua lại như ma quỷ.
Chín giờ điểm danh. Mọi người xếp hàng ngồi dưới đất. Cán bộ nói chuyện dài dòng, giảng giải lẩm cẩm một hồi, rồi lùa mọi người vào trong những khung sắt.
Xong một buổi sáng.
Vẩn Thạch bắt đầu quan sát vệt nắng quen thuộc của hắn từ lúc ấy cho đến xế chiều.
Vệt nắng bây giờ chỉ còn là một vệt mờ phất phơ trên ngọn dừa cao. Một lát nữa nó sẽ biến mất. Người cai tù đi tới với xâu chìa khoá lủng lẳng. Tiếng chân của ông ta càng lúc càng gần rồi bóng ông hiện ra ngay trước cửa phòng giam Thạch. Phía sau lưng ông là một thanh niên trắng trẻo khá đẹp trai nhưng ủ rủ. Dường như anh ta mới khóc nên đôi mắt đỏ hoe.
Người cai tù mở cửa, rút cây sắt ra. Ông ta già cả, lụm khụm, phải cố gắng lắm mới đẩy được cánh cửa. Giọng ông đầy mùi rượu:
- Vô đi. Quỷ nhỏ.
Người thanh niên lách mình vô phòng. Lão già lại hì hục đóng cửa rồi chầm chạp bỏ đi.
Thạch hỏi người thanh niên nọ:
- Thẩm vấn gì lâu vậy?
- Không. Em mới về nhà.
- Sao sướng vậy?
- Có người bảo lãnh.
- Vậy mà khóc nỗi gì?
Nhưng anh bạn trẻ lại ràn rụa nước mắt, ngồi bệt xuống góc tường ngay sau lưng Thạch. Thạch hỏi:
- Người yêu bỏ đi lấy chồng phải không?
Người thanh niên chồm tới:
- Trời ơi! Sao anh biết? Chắc em chết quá anh ơi.
- Thôi, nín đi. Kiếm người khác.
Anh ta khóc rống lên.
Thạch gom được một ít thuốc lá lấy từ những tàn thuốc người ta vứt xuống đất. Hắn hỏi người thanh niên nọ:
- Có giấy không. Xin một miếng.
Anh bạn trẻ không trả lời, mò mẫm trong túi một lúc rồi lôi ra một tờ giấy bằng bàn tay đưa cho Thạch. Hắn tiếp lấy, thấy tờ giấy có đóng dấu đỏ liền đưa ra ngoài sáng coi. Thì ra đó là cái giấy phép xuất trại. Tờ giấy đơn giản đến độ làm Thạch ngạc nhiên. Nó chỉ vẻn vẹn có mấy hàng chữ viết tay của viên quản đốc nhà giam, nội dung như sau:
Quản đốc Trung tâm K.35. Cho phép phạm nhân Lê Xuân Cang được ra cổng. Lý do: Về giải quyết việc nhà. Kể từ 14 giờ ngày 20 tháng 8 năm 1987 đến 16 giờ cùng ngày.
Phía dưới chỉ có một con dấu đỏ và chữ ký nguệch ngoạc của người quản đốc.
Thạch vấn tờ giấy cho thành điếu thuốc nhưng cất vào túi áo, không hút, mặc dù hắn đang thèm thuốc đến chảy nước miếng.
Hồi kẻng vang lên báo hiệu giờ ăn chiều.
Thạch không tham dự vào cuộc giành giựt ấy. Hắn cầm cái ca nhựa ra sau bếp đứng nhìn đống rác.
Những người nấu bếp la lối:
- Đi chỗ khác, lẩn quẩn làm gì đó.
Thạch nói:
- Có miếng gỗ nhỏ nào cho xin miếng.
Gã đầu bếp nói:
- Cơm cháy thì có.
Thạch bỏ đi, dùng chân xới đống rác lên như gà bươi. Lon bia, gốc rau muống, đầu cá, lông gà, dép đứt quai… A! Một chiếc guốc mộc gãy, Thạch nhặt lên bỏ gọn vào túi quần rồi vội vàng chạy lại bàn ăn nơi bọn cướp giựt đĩ điếm xì-ke đang tranh giành. Thạch xúc một chút cơm vô cái ca nhựa, đứng lùi ra sau nhai uể oải cho hết giờ.
Những dãy người lại ngồi san sát nhau, đen thui như mộ bia ngàn đời bị bỏ quên trong nghĩa địa.
Bài giảng đạo đức kết thúc và mọi người trở vào phòng giam. Lát sau Thạch được gọi ra gặp người nhà.
Đó là một người đàn bà xa lạ. Bà ta nói:
- Tôi là má của Thục.
- Chào bác, Thạch nói. Bác đã thăm được Thục chưa?
- Rồi. Tôi ra để bảo lãnh cho nó về Sài Gòn. Đáng lẽ nó đến đây thăm anh nhưng nó bận đi công việc với chồng nó nên nhờ tôi đến gởi anh chút quà và chúc anh gặp nhiều may mắn.
Thạch ngồi lặng thinh, rồi hắn nói:
- Những điều bác nói làm cháu rất bất ngờ. Thế Thục có viết thư cho cháu không?
- Không. Thôi, chúc cậu khỏe nhé. Tôi phải về đây.
Người đàn bà nói xong quay lưng đi liền.
Thạch nhún vai, không ngó ngàng gì đến giỏ quà nhưng vì hắn không được phép để giỏ quà lại nên phải xách vào trại. Hắn lục soạn các thứ xem có thư từ gì của Thục không nhưng chỉ có mấy thứ đồ ăn, trái cây và thuốc lá.
Khi đi ngang chỗ lão già gác cổng ngồi, Thạch chuồi cho lão mấy bao thuốc jet và một lô thịt cá hộp. Lão già hơi ngạc nhiên nhưng hắn nói:
- Cháu có nhiều lắm.
Rồi hắn xách giỏ quà vô trại.
Người thanh niên bị bồ bỏ đang ngồi khóc thút thít trong xó. Thạch thảy cho anh ta trái táo rồi lấy điếu thuốc rê vấn lúc nãy ra, đổ bỏ hết thuốc xong nhét tờ giấy vào túi áo. Hắn nằm dưới đất ngủ thiếp đi.
Nửa đêm tất cả đều im lặng. Ngoài sân trại giam không một bóng người. Gió rầm rì thổi. Hắn cảm nhận sự xa cách khốc liệt với bên ngoài và hiểu ra rằng mình sẽ không bao giờ gặp lại Thục nữa. Cũng như những người đàn bà khác. Thục cũng sẽ chỉ còn là kỷ niệm. Hắn thao thức cho tới sáng, cho tới lúc mặt trời vừa ló và hồi kẻng vang lên inh ỏi.
Vẩn Thạch ngồi dậy, xem xét lại tờ giấy trong túi áo, xong nối đuôi theo mọi người ra xếp hàng ngoài sân điểm danh.
Sau đó hắn đi vào cầu tiêu lấy mẩu gỗ, mảnh giấy và một con dao nhỏ ra, cất ở một chỗ kín trên mái rồi bước ra sân.
Cái cầu tiêu chật hẹp và hôi thúi ấy biến thành phòng làm việc hàng ngày của hắn. Làm con dấu giả là nghề của hắn, nhưng làm trong một điều kiện khắc nghiệt như thế thì hắn chưa từng trải qua. Trên mảnh gỗ của đôi guốc mộc, mỗi ngày khắc một vài chi tiết, hắn rị mọ làm suốt tuần mới xong công việc. Sau đó là phải giả tự dạng của viên quản đốc trại giam. Đến chiều ngày thứ tám hắn mới hoàn tất công trình của mình. Dĩ nhiên tờ giấy mang tên hắn, ngày giờ ra cổng được hắn nghiên cứu cẩn thận. Hắn chọn giờ ăn trưa để hành động và nếu mọi việc trôi chảy thì hắn sẽ ra đến thành phố chậm nhất là 13 giờ.
Hắn dùng thuốc đỏ để in con dấu. Thuốc đỏ ấy hắn xin được ở trạm xá. Tuy dụng cụ thô sơ nhưng con dấu hắn làm cũng khá sắc sảo và giống như thật.
Đúng như hắn dự tính, khi kẻng báo giờ ăn vang lên và lão già xách xâu chìa khoá đến mở cửa thì hắn bám ngay lấy lão. Thấy mặt hắn lão biết rằng mình sắp được món nhậu hay ít ra cũng gói thuốc như thường lệ. Lão vui vẻ hỏi:
- Đêm qua ngủ được không?
- Ngủ ngon lắm. Nhưng ăn thì không được. Bác thấy cháu thường ra ăn ở căng tin.
Lão nói:
- Đó là cậu có tiền nếu không thì cũng như người ta.
Thạch vỗ vai lão:
- Xin phép bác cháu lại căng tin một tí nhé.
Lão phất tay cho Thạch đi.
Nhưng hắn không đến căng tin. Hắn tiến ngay ra cổng, chìa tờ giấy phép.
Hắn tưởng mình sẽ bị hạch hỏi lôi thôi nhưng không, người lính gác chỉ nhìn qua tờ giấy rồi phất tay cho Thạch bước ra.
- Nhớ vô đúng giờ. Người lính nói.
- Bảo đảm mà.
Thạch biếu anh ta một gói jet rồi xăm xăm đi ra đường cái. Khi đã đi khuất sau những lùm cây hắn bước nhanh như chạy. Năm phút sau hắn đón được một chiếc Honda thồ và bảo chở về Cam Ranh.
Hơn hai giờ chiều hắn đã có mặt trong khu vườn của mình, nơi túp lều tranh hắn và Thục đã sống hai tuần lễ thần tiên. Hắn nằm gục mặt xuống chiếc giường tre đầy bụi bặm. Vất vưởng trong trí hắn mùi thơm quen của mái tóc dày.
Tuy vậy hắn biết là mình không có nhiều thì giờ nấn ná ở đây. Hắn bật dậy ngay, ra sau bếp lấy cái cuốc chim, đi lẫn vào vườn chuối. Hắn dừng lại chỗ cây chuối tiêu nhỏ nhất và bắt đầu đào bới. Hắn lôi từ dưới hố lên cái hộp sắt trong đó có một gói giấy được bọc nylông bên ngoài. Hắn mở gói giấy, kiểm tra lại số vàng và những giấy tờ tuỳ thân rồi bỏ gọn vào túi.
Nửa giờ sau hắn đã có mặt trên một chiếc xe tốc hành chạy đường Nha Trang Sài Gòn. Hắn ra đi với một cái tên mới.
|
|
|