Hà nội 1945 “Elyette Bruchot, con tránh chỗ cửa sổ đi, con có nghe mẹ nói không?”
Tôi cứ làm như không nghe mẹ nói gì. Tôi tiếp tục nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài đang có một cuộc mít tinh rất lớn trước quảng trường Nhà Hát lớn Hà Nội. Tôi nhìn rõ tất cả Cuộc mít tinh này do Cộng Sản lãnh đạo. Năm tháng trước đây, tháng Ba năm 1945, bọn Nhật đã ra lệnh cho chúng tôi phải dọn đồ đạc và rời bỏ ngôi biệt thự của chúng tôi, ngôi biệt thự mà cửa sổ của nó là liên hệ duy nhất của tôi với thế giới bên ngoài. Chúng tôi đã phải bỏ lại tất cả chỉ kịp lấy quần áo, dọn đến căn hộ này, căn hộ của một người bạn thời còn trẻ của mẹ tôi. Khi bọn Nhật đuổi chúng tôi ra khỏi nhà, chúng đã bắt bố dượng tôi và tất cả những người Pháp khác nhốt lại. Thế là mọi sự tan vỡ tất cả. Bọn Nhật không biết cách cai trị Việt Nam. Từ Chiến tranh thế giới tới nay, chính là những người Pháp như bố dượng tôi đã làm việc đó thay cho họ. Bây giờ thì mọi thứ đều hỏng cả. Đê vỡ ở nông thôn, đồng ruộng ngập nước, mùa màng hư hại. Tất cả những người làm ruộng ở nông thôn kéo về thành phố, nhưng thành phố cũng chẳng có gì để cứu họ khỏi chết đói. Nạn đói hoành hành. Hàng ngàn người chết. Mỗi ngày xe kéo rơ-moóc chở xác chết qua nhà của chúng tôi. Chúng tôi bỏ chạy và đóng cửa sổ lại vì mùi hôi thối chịu không nổi. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là nốc cô-nhắc vào để xua đuổi vi trùng đi. Lúc đó tôi mười lăm tuổi và khỏe mạnh nhưng chúng tôi chỉ đủ thực phẩm để ăn qua ngày, khó mà kéo dài được lâu. Những ngày hôm ấy, ngày 22 tháng Tám, 1945, khi tôi nhìn ra cửa sổ thì những gì tôi trông thấy đã làm thay đổi tất cả. Bất thình lình, trên bầu trời, ngang qua con sông, ngay trên sân bay tôi thấy xuất hiện một cái dù. Rồi hai máy bay. Tin tức lan đi rất nhanh. Người Mỹ đã đến. Đó là phái bộ Patti. Hầu hết các sĩ quan OSS của Mỹ ngồi trên một máy bay. Chiếc còn lại chỉ Jean Sainteny và các quan chức của nước Pháp Tự do. Viên sĩ quan OSS nhảy dù và chạm đất đầu tiên là Lou Conein - người sau này là chồng tôi.
Lou Conein tình nguyện nhảy dù đầu tiên và tới đất trước khi hai máy bay hạ cánh là để xem người Nhật sẽ đón tiếp họ ra sao. Người Nhật vẫn còn quân lính vũ trang kiểm soát sân bay Hà Nội và các lực lượng quân sự của họ ở Đông Dương chưa đầu hàng. Hai trái bom nguyên tử đã được ném xuống Hiroshima và Nagasaki hai tuần trước đó, vào ngày 6 và ngày 9 tháng Tám và cuộc chiến tranh coi như kết thúc nhưng không ai có thể nói trước là chúng sẽ phản ứng ra sao khi người Mỹ đến. Quân lính Nhật Bản không tỏ thái độ thù địch, mà cũng chẳng nhiệt tình gì lắm trong việc đón tiếp Conein, và ông này đã ra hiệu cho hai chiếc máy bay biết rằng họ có thể hạ cánh an toàn. Hai chiếc máy bay này bay từ Côn Minh, miền Nam Trung Quốc tới.
Archimedes Patti, thiếu tá chỉ huy phái bộ OSS đi Việt Nam - OSS Office of Strategic Services, là cơ quan tình báo của Hoa Kỳ trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, tiền thân của CIA sau này - không có quan hệ tốt với người Pháp nhưng Lou Conein thì lại khác. Lou Conein giao hảo tốt với người Pháp là những người muốn lập lại sự hiện diện của Pháp trên nước thuộc địa lâu đời này khi Chiến tranh thế giới II đi tới chỗ kết thúc. Vì những lý do nghề nghiệp cũng như những lý do cá nhân, Archimedes Patti và Jean Sainteny không thích nhau. Conein là một người nhập quốc tịch Mỹ nhưng sinh ra ở Paris và nói tiếng Pháp. Ông là một người phàm ăn tục uống, nói năng dí dỏm tế nhị, tính tình dễ dãi, chơi với ai cũng được. Sau này, Jean Sainteny đã trao cho ông một huân chương Bắc Đẩu bội tinh của Pháp, đó là sự đánh giá rất cao về khả năng của ông trong giao dịch với cả hai phía.
Archimedes Patti và Jean Sainteny phần lớn làm việc theo cảm hứng cá nhân của từng người chứ không theo những chỉ thị cụ thể của chính phủ họ - vấn đề là ở chỗ đó. Tình hình căng thẳng của họ, đầy những oán thù lặt vặt, lại phát triển thông qua những định kiến tự nhiên của họ, với tư cách là người Mỹ hay là người Pháp: một người là Mỹ gốc Ý thuộc đời thứ nhất, nhiệt thành chống chủ nghĩa thực dân, cho mình là hơn người vì nước mình đã thắng trong cuộc chiến này; còn người kia, có thể là vì thông minh hơn và tự hào hơn, lại quá nhạy cảm với sỉ nhục và hèn kém của nước mình. Nhưng chịu trách nhiệm thực sự phải nói là do tính chất hai mặt và không rõ rệt trong chính sách về Đông Dương của cả hai nước Mỹ và Pháp trong những ngày cuối cùng hỗn độn của cuộc Thế Chiến II, đặc biệt là sự rối rắm trong chính sách của Mỹ.
Cá nhân ông Franklin D. Roosevelt thì chưa bao giờ nghi ngờ về những gì ông muốn ở Việt Nam, Lào và Campuchia, cả ba nước hợp lại thành Đông Dương. Khi vị ngoại trưởng của ông hỏi về vấn đề Đông Dương, dưới ánh sáng những lời cam kết trước đây của Mỹ sẽ giúp khôi phục lại đế quốc thuộc địa của Pháp sau chiến tranh, Roosevelt đã trả lời ngày 24 tháng giêng năm 1944, rằng: “Mỗi trường hợp đều phải giải quyết riêng biệt, nhưng trường hợp Đông Dương đã hoàn toàn rõ ràng. Nước Pháp đã bòn rút ở đây một trăm năm rồi. Nhân dân các nước Đông Dương cần được hưởng một cái gì hơn thế”. Nhưng biến ý đồ cá nhân của mình thành hiện thực chính trị lại là một việc khác. Các cường quốc - Mỹ, Anh, Nga - đang bận rộn vẽ lại đường biên giới các nước khi chiến thắng đã gần kề, và Roosevelt muốn tách Đông Dương ra khỏi nước Pháp mà đặt nó dưới sự “uỷ trị”, coi như Mỹ, Anh và Nga là người bảo trợ, còn Pháp và Trung Hoa thì đóng vai lép vế hơn, cho tới khi thực hiện một cuộc tuyển cử thực thi quyền tự quyết, để cho người Việt Nam tự cai quản đất nước của mình. Thực tâm của Roosevelt phù hợp với tình cảm chống thực dân của đại đa số người Mỹ.
Nhưng tới đây thì ông lại thấy mình bất đồng sâu sắc với người bạn và người đồng minh, Winston Churchill của nước Anh. Roosevelt và Churchill đồng ý với nhau về hầu hết mọi vấn đề liên quan đến nước Pháp. Cả hai người đều không ưa De Gaulle, một viên thiếu tướng xuất hiện ở London sau khi nước Pháp sụp đổ, rồi tuyên bố mình là người đại diện cho nước Pháp Tự do. Chẳng ai bầu mà cũng chẳng ai bổ nhiệm De Gaulle, ngoại trừ ông ta, với cái vẻ kênh kiệu, có phần quá đáng ngay với người Pháp, làm cho Roosevelt và Churchill khó chịu. Hơn nữa, cả hai không hiểu vì sao họ, hai nhà lãnh đạo được bầu lên của hai nước dân chủ lớn nhất thế giới, lại phải đưa lén lút De Gaulle trở lại nước Pháp hậu chiến chỉ vì ông này cứ dán mãi cho mình cái nhãn tự quyết. Dù sao thì đối với hai ông, tướng De Gaulle vẫn còn khá hơn những người Pháp đã quay đít chạy mất khi quân Đức vừa xâm lăng, bỏ Paris để lập một chính phủ ở gần miền trung nước Pháp, ở Vichy, hợp tác với bọn phát xít, nói là để “giúp đỡ” đất nước họ - họ cũng tự coi là những người yêu nước - qua một giai đoạn lịch sử khó khăn. Những người Pháp theo phái Vichy đã hợp tác với Nhật ở Đông Dương, bố dượng của Elyette Bruchot cũng nằm trong đám đó, cho tới những ngày cuối cùng, họ định làm một cuộc lật đổ người Nhật nhưng đã bị đập tan và nhốt vào khám trước khi cuộc lật đổ bắt đầu. Sự hợp tác của Vichy ở Đông Dương là một lý do khác, theo ý kiến của Roosevelt, để tách thuộc địa này khỏi nước Pháp.
Tuy nhiên, Winston Churchill chống lại kế hoạch của Roosevelt, không phải vì thương yêu nước Pháp, mà bởi vì nó đe doạ sự tiếp tục cai trị của Anh trên các thuộc địa của họ. Miến Điện, Singapore, Mã Lai và Ấn Độ, những bộ phận của Vương quốc hợp nhất của Churchill sẽ ra sao? Liệu chúng nó có được ban thưởng quyền tự quyết không? Churchill nói với Roosevelt, “tôi không phải là vị Thủ tướng đầu tiên của Đức Vua chủ trì sự giải tán Đế quốc Anh”. Hai nhà lãnh đạo đã từng có những cuộc thoả hiệp trong thời gian chiến tranh và nói thật mà nghe, Đông Dương không phải là vấn đề họ quan tâm lắm trong toàn bộ những vấn đề phải giải quyết Roosevelt đã gợi ý cho Đông Dương hưởng chế độ “uỷ trị” trong lần gặp gỡ với Churchill và Stalin ở Cairo và Teheran, và sau đó ở Yalta. Khi đề nghị của ông không được người Anh tán thành, ông cũng không ép, mà giữ một đường lối trung dung. Một năm sau khi ông nói với ngoại trưởng của ông rằng nhân dân Đông Dương đáng được hưởng một chế độ tốt hơn sự thống trị của Pháp, lúc này ông đã quá mệt mỏi và sắp chết, lại nói một cánh chung chung rằng: “Tôi không muốn dính líu vào bất cứ quyết định nào về Đông Dương nữa”. Ông mặc kệ tất cả. Chắc chắn là ông không muốn giúp cho người Pháp lấy lại Đông Dương nhưng đồng thời ông cũng không làm gì để giúp người Việt Nam tống cổ người Pháp đi.
Chính trong những hoàn cảnh như vậy mà Archimedes Patti, Lou Conein và những nhân viên OSS khác được phái tới Côn Minh, miền Nam Trung Hoa, tiền đồn gần Đông Dương nhất. Tướng William Donovan, người đứng đầu cơ quan OSS đã gọi Patti từ châu Âu về Washington vào giữa năm 1944. Donovan mời Patti đi ăn tối và nói ông muốn Patti thành lập một tổ chức tình báo ở Đông Dương. Patti nói được tiếng Pháp và hình như đó là khả năng chủ yếu của ông để được chọn giao nhiệm vụ này. Patti biết rằng Đông Dương nằm đâu đó ở châu Á nhưng ông phải hỏi Donovan xem chính xác nó nằm ở đâu. Khi ông đã xác định được vị trí của Đông Dương rồi, Donovan mới nói cho ông biết cú điện thoại mà ông này vừa nhận được từ Tổng thống Roosevelt, để thảo luận xem chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Dương sẽ ra sao. Patti thấy rất mù mờ. Hình như không có chính sách nào được viết thành văn bản, đúng là chỉ có một số lời tuyên bố của Roosevelt, của bộ trưởng ngoại giao và của tổng tham mưu trưởng.
Sau này, Patti đã kể lại với một nhà báo rằng “chính sách của Mỹ - như tướng Donovan đã truyền đạt cho tôi - là trong sứ mạng của tôi ở Viễn Đông, tôi sẽ không ủng hộ người Pháp giành lại thực địa cũ của họ mà tôi cũng không ủng hộ người Việt Nam giành lại độc lập”
Với lệnh đó của tướng Donovan, Patti đã đến làm việc tại một văn phòng người ta dành cho ông ở tổng hành dinh của OSS và bắt đầu nghiên cứu những tài liệu hiếm hoi về Đông Dương. Ông đã ở lại đó trong sáu tháng.
Trong khi Archimedes Patti đang nghiên cứu kỹ về Đông Dương thì Lou Conein đang chuẩn bị nhảy dù xuống miền Nam nước Pháp, với tư cách người đứng đầu một nhóm ba người của OSS. Conein cao sáu bộ()(thực ra có hơn năm bộ nhưng ông ta nói thêm cho tròn), tóc nâu sẫm; mắt xanh, môi dày với nhúm tóc ở giữa trán, làm cho ông ta như con sư tử ngái ngủ. Lou Conein sinh ra ngày 29 tháng Mười Một năm 1919, đường Vaugirard, Paris. Cha ông đã phục vu trong quân đội Pháp, chết sau đó ít lâu và mẹ ông đã gửi ông lúc năm tuổi đến ở với bà dì, bà này đã lấy một người Mỹ và ngụ tại Kansas. Lou đã lớn lên như một người Mỹ và đã quên hết tiếng Pháp ông học nói hồi nhỏ. Ông học không giỏi. “Tôi là một học sinh tồi”, Conein nói. “Rất tồi là khác”. Nhưng còn lâu thì ông mới ngốc nghếch. Khôn ngoan và sắc sảo, là hai từ mà những người sau này biết ông đã dùng để mô tả ông. “Tôi không có cảm nghĩ rằng sau này lớn lên mình sẽ thành người Pháp nhưng tới năm 1939 tôi quyết định gia nhập quân đội Pháp, chủ yếu là vì ở Kansas không có việc gì để làm và tôi cũng muốn phiêu lưu mạo hiểm một chút, thế là tôi đi theo một chiếc tàu chở mấy con la từ Missouri đi Bordeaux. “Ông đã tìm được bà mẹ ruột của mình ở Paris và bà đã sống với ông và Elyette trong mười chín năm cuối cùng của đời mình. Với cương vị một người lính, ông được phân về một sư đoàn quân chính quy đóng ở biên giới Bỉ đúng vào lúc quân Đức mở cuộc chiến tranh chớp nhoáng. Cũng như bất cứ người nào khác, ông đã bỏ chạy và chạy không ngừng cho tới miền Tây Nam nước Pháp, tới xứ Basque, trên dãy Pyrénées. Ông cùng với một người bạn, sống sót được nhờ những thứ ăn cắp được ở những trang trại lân cận, và chờ đợi, không làm gì hơn cho đến khi đất nước được tồ chức lại thành một vùng bị quân Đức chiếm đóng và một vùng nước Pháp của Vichy, rồi ông đi Bắc Phi, từ đó đi Martinique, rồi đi New Yord, tại đó ông gia nhập quân đội Hoa Kỳ vào cuối năm 1941 và đi Hawai, với chức trung sĩ trong một đơn vị pháo binh dã chiến. “Tôi phải quỳ xuống mà cảm ơn Chúa đã cho tôi vào quân đội”, Conein nói. “Nếu không thì tôi vẫn còn ở Kansas mà xúc phân ngựa”. Không ai hình dung nổi Conein quỳ xuống mà cầu nguyện nhưng người ta có thể đồng ý với ý kiến của ông về quân đội. Năm 1943, ông được cử đi học làm sĩ quan. “Họ cần bia đỡ đạn, và tất cả những ai biết đọc biết viết đều được gửi đi trường sĩ quan. Ba người tuyển quân cho cơ quan OSS đến Fort Benning và đòi gặp bất kỳ ai biết nói tiếng nước ngoài. Họ kiểm tra hiểu biết của tôi rồi gửi tôi từ đó về OSS với hàm thiếu uý. Họ đưa tôi tới ở chỗ Congressional Country Club, bên ngoài Washington một thời gian. Sau đó, một hôm họ gọi chúng tôi lên và cho biết là họ cần người tình nguyện để cho người Anh huấn luyện và nhảy dù xuống châu Âu để giúp cho các nhóm kháng chiến ở đó đánh lại quân Đức”
Lou Conein đã lập nghiệp trong một đội biệt kích do Anh huấn luyện. Bình thường khoẻ mạnh, tập luyện tốt, can đảm, không sợ mạo hiểm khó khăn, ông thích làm nổ tung mọi thứ và rất giỏi về môn đó. Hơn nữa, ông có khả năng giao tiếp với mọi dân tộc khác nhau. Ông nhảy dù xuống vùng Tây Nam nước Pháp ngày 15 tháng Tám năm 1944, đúng ngày đánh vào miền Nam nước Pháp trong Chiến dịch Anvil.
“Một sĩ quan Anh và nữ điện tín viên của ông ta đã ở đó hai năm rồi nên chúng tôi không gặp phải những vấn đề như những người phải tổ chức từ đầu với những nhóm người ô hợp”, Conein kể. “Nhóm kháng chiến của chúng tôi gồm có khoảng hai ngàn người. Một trong những vấn đề lớn nhất của chúng tôi là cánh Cộng sản trong kháng chiến. Lúc đó hiểu biết của tôi cũng chưa mở mang tới mức hiểu được Cộng sản là gì. Một thiếu sót của chương trình OSS là không huấn luyện chính trị. Chúng tôi không hiểu được rằng có những cuộc xung đột giữa tướng De Gaulle và tướng Henri Giraud và giữa Roosevelt với De Gaulle. Chúng tôi cũng không hiểu được cuộc đấu tranh giữa phái nước Pháp Tự do với phe nước Pháp thuộc địa. Thế là một hôm tôi bị Cộng sản Pháp bắn. Chúng tôi có một trận đánh dàn trận với họ ở Toulouse. Hai bên đều có người chết. Thật là điên khùng”.
Conein ở lại Pháp cho tới tháng Chạp năm 1944, rồi ông được gọi về Mỹ và được bảo cho biết là chuẩn bị đi Trung Quốc. Cuộc chiến ở châu Âu đi vào chỗ kết thúc. Những nhân viên tình báo OSS được phái đi Côn Minh để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đổ quân vào đất Nhật. Ông được giao nhiệm vụ huấn luyện các đội biệt kích cho phe Trung Hoa Quốc gia. Tháng Tư năm 1945, sĩ quan chỉ huy cho tìm ông.
“Tôi nghe anh nói tiếng Pháp”, đại tá nói.
“Vâng, thưa ngài”, Conein đáp.
“Được, vậy thì anh đi Đông Dương”
“Ở đâu vậy thưa ngài?”
“Ở chỗ mà bọn Nhật vừa đánh đổ bọn Pháp và bọn Pháp đang cầu cứu chúng ta. Chúng ta sẽ gửi tới đó vài nhóm huấn luyện”.
Côn Minh là nơi được chọn làm trụ sở cho bốn phải bộ - Mỹ, Anh, Pháp và Trung Hoa. Khi người Nhật bắt những người theo phái Vichy ở Việt Nam vào tháng Ba 1945, có một bộ phận của đạo quân thuộc địa 8.500 người chạy vượt qua biên giới vào lục địa Trung Hoa. Conein bây giờ là đại uý, đã tập hợp một nhóm năm người, cho họ một số vũ khí và dự trữ, tổ chức một chiếc máy bay cho họ nhảy dù vào một toán quân Pháp này. Bộ phận quân Pháp này gồm có một trăm năm mươi người, kể cả một số người gốc Việt Nam, trong đó có Nguyễn Văn Vỹ, sau này là một viên tướng của Sài Gòn, và một số người khác mà sau này Conein sẽ hợp tác khi ông là nhân vật của CIA. Sau khi đã trang bị và huấn luyện, Conein hướng dẫn họ vượt qua núi vào lãnh thổ Đông dương đánh vào bộ chỉ huy một sư đoàn của Nhật. Trận đánh thắng lợi và toán quân này lại rút lui trở về địa điểm của họ bên trong lãnh thổ Trung Hoa. Vài ngày sau, Conein nhận được mệnh lệnh trở về Côn Minh. “Ông được phái đi Hà Nội”, ông được báo cho biết như vậy.
Trong lúc đó thì Archimedes Patti đang đi thị sát năm ngày ở biên giới Việt Nam, theo dõi hoạt động của OSS. Ông đưa một nhân viên OSS vào Việt Nam để tổ chức một mạng lưới vượt và chạy trốn cho những phi công Mỹ bị quân Nhật bắn rơi. Cùng với nhân viên này là một người Việt Nam tên là Hồ Chí Minh, người này sẽ đưa anh ta tới gặp các chiến sĩ kháng chiến Việt Nam là những người có thể tổ chức mạng lưới nói trên. Patti làm quen với ông Hồ Chí Minh trong sáu tháng sau đó và có dịp gặp gỡ ông Hồ khá thường xuyên trong năm tuần lễ, từ 26 tháng Tám 1945 ngày ông Hồ vào Hà Nội cho tới ngày 1 tháng Mười, khi phái bộ Patti giải thể.
Lúc họ gặp nhau đầu tiên, ông Hồ Chí Minh đã năm mươi lăm tuối và là một nhà hoạt động chính trị được đào tạo ở Liên Xô, hoạt động đã hai mươi lăm năm, gần bằng thời gian mà Patti đã sống. Nói được nhiều thứ tiếng, đi nhiều nơi trên thế giới, tron ba mươi lăm năm hoạt động gần dây, ông đã sống ba mươi lăm năm ngoài lãnh thổ Việt Nam, manh nhiều tên gọi khác nhau. Ông là một trong những người sáng lập ra Đảng cộng sản Pháp lẫn Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã trở lại miền Nam Trung Hoa năm năm trước đây để giúp dựng lên Việt Nam Độc lập Đồng minh - gọi tắt là Việt Minh - mặt trận này đã được thành lập năm 1941 trong một cuộc mít-tinh của Đảng Cộng sản Đông Dương. Việt Minh bao gồm cả những phần tử không Cộng sản và bất cứ cá nhân hay đoàn thể nào muốn tham gia đầu tranh để “giải phóng dân tộc” - trước mắt là kháng chiến chống Nhật. Ông Hồ và những người bạn của ông đã bỏ ra hai năm để xây dựng tổ chức Việt Minh. Đội du kích đầu tiên được thành lập từ năm 1943, nhưng phải mất một thời gian thì nó mới thực sự tác chiến được. Trên thực tế, hoạt động của OSS ở miền Nam Trung Hoa và hoạt động chống Nhật của Việt Minh diễn ra gần như đồng thời. Sau này, Archimedes Patti đã được hỏi ông có cảm tưởng gì về ông Hồ Chí Minh.
“Thực ra ông không gây ấn tượng cho tôi bao nhiêu, thành thực mà nói như vậy”, Patti nói. “Đối với tôi thì ông chỉ là một ông già Việt Nam. Trừ có một điều là trước khi từ giã ông nói với tôi: “Nếu ông cần sự giúp đỡ gì thì tiếp xúc với những người sau đây”, rồi ông đưa cho tôi một bản danh sách lúc đó chẳng có ý nghĩa gì với tôi ở Côn Minh cả. Sau đó những người này đã đến trụ sở của chúng tôi ở Côn Minh, cho chúng tôi một số tin tức quan trọng về hoạt động của quân Nhật ở Đông Dương. Chúng tôi bắt đầu nhận được tin tức mà không mất tiền - không có đòi hỏi gì kèm theo, đó lả điều chưa từng có. Tin tức đó tương đối chính xác. Lúc đầu chúng tôi không tin những tin tức đó. Nhưng nó khác với tin của Pháp. Thế là chúng tôi ít nhiều cũng bắt buộc phải đọc những tin do Việt Nam cung cấp, và chúng tôi thấy rằng những tin ấy rất tốt… Tôi mới nói với cấp trên của tôi ở Trùng Khánh, với sự kính trọng đối với ông Hồ Chí Minh, ông dứt khoát là một người Cộng sản, không có vấn đề gì trong đầu tôi cả. Nhưng ông không phải là một người Cộng sản của Moscow. Ông là một người yêu nước sử dụng những phương pháp và kỹ thuật của Cộng sản để đạt mục đích mà thôi”.
… Tuy nhiên, nói rằng ông Hồ Chí Minh hoàn toàn không được ai biết đến là nói quá. Cũng như nói rằng ông vào Hà Nội giữa sự hoan hô của quần chúng, so với Lênin, Mao hay Castro vào thời điểm đó trong sự nghiệp cách mạng của họ, thì ông gần như không ai biết thật. Có thể là ông sẽ được nhiều người ủng hộ hơn nếu tình hình chính trị thời Pháp cai trị khác đi. Ông có phong cách được người Việt Nam quý chuộng thậm chí trái ngược với quan niệm của họ về Cộng sản nữa. Khắc khổ, nhỏ nhẹ, ông giống như một người ông nhân từ, mặc dầu điều đó không khớp với những tài liệu nói về sự cương quyết của ông. Bằng bất cứ giá nào, người Pháp cũng không cho phép bất cứ chính đảng nào tồn tại ở Việt Nam, cho đến khi Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp năm 1936. Họ truy lùng bỏ tù và thỉnh thoảng còn bắn chết bất cứ ai bị coi là cổ động chính trị. Vì vậy mà hoạt động chính trị ở Việt Nam, dù là quốc gia hay Cộng sản đều phải tiến hành dưới hình thức những âm mưu lật đổ, những thủ đoạn. Tình hình lộn xộn đến nỗi ông Hồ Chí Minh, trước đó được biết với cái tên Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Tất Thành, chỉ lấy lại tên cuối cùng của mình mấy năm trước đó thôi, và nhiều người bối rối không hiểu có phải cả ba tên đó chỉ một người không. Ông Hồ Chí Minh biết rõ vị thế bấp bênh của mình lúc đó. Hơn nữa, ông biết rõ rằng ông không thể trông cậy nhiều ở Liên Xô trong khi nước này đã bị tàn phá trong chiến tranh và đang tập trung gìn giữ cái sân sau của mình ở Đông Âu trong quỹ đạo của chủ nghĩa Cộng sản. Ông cũng không thể nhờ vả gì nhiều ở những người Cộng sản Trung Hoa đang bận tâm với cuộc cách mạng của chính họ. Chắc chắn là ông không thể không biết rằng Hoa Kỳ sẽ ra khỏi cuộc chiến này với tư cách một nhân tố chi phối trong mọi công việc của thế giới và ông cần phải khai thác tình thế đó theo cách có lợi cho ông.
Giữa tháng Tám 1945, lực lượng của ông Hồ Chí Minh đã tiến vào cướp chính quyền ở Hà Nội. Cách tính toán thời gian của họ xem ra tuyệt hảo. Nó đã diễn ra trong thời gian có chỗ trống quyền lực ở Việt Nam khoảng gần một tháng, giữa lúc bom nguyên tử rơi xuống Nhật Bản với lúc các lực lượng chiếm đóng của đồng minh tới nơi.
Jean Sainteny, người đại diện cho nước Pháp Tự do, đã cố gắng từ Côn Minh đến Hà Nội trong hai tuần, mặc dầu lúc đó rõ ràng là chiến tranh đã kết thúc. Charles de Gaulle đã chỉ định ông làm người đại diện cho Pháp ở Đông Dương. Ông này về sau đã thừa nhận rằng những chỉ thị ông nhận được ở cấp trên không rõ ràng gì hơn của Patti. Sainteny nói rằng bức điện duy nhất ông nhận được lúc quân Nhật đầu hàng là “chúng ta đã bị lạc hậu trước tình hình. Chúng tôi tin tưởng ở ông… mà tuỳ cơ ứng biến”. Sainteny cho rằng nói như vậy có nghĩa là ông phải lập lại sự hiện diện của Pháp ở Đông Dương. Nhưng ông không có phương tiện đi lại của ông và Patti từ chối cho ông một phi đội máy bay. Patti nói rằng ông không muốn giúp Sainteny vì ông đã được lệnh không giúp cho người Pháp. Tuy nhiên, cũng trong thời gian ấy ông phái một sĩ quan OSS của ông di theo Võ Nguyên Giáp, người tư lệnh quân sự của ông Hồ Chí Minh, cùng với quân đội ông đi từ Hoa Nam về Hà Nội. Patti nói rằng đó là một cuộc hành quân càn quét sự kháng cự của quân Nhật, nhưng Việt Minh cũng đã mở đường thâm nhập nhiều vùng ở nông thôn kiểm soát toàn bộ dân chúng nông thôn và kết quả rõ ràng nhất là đã để cho ông Hồ Chí Minh và quân đội của ông vào Hà Nội trước người Pháp.
Patti và những sĩ quan OSS của ông đi lại tự do ở Hà Nội nhưng Sainteny và người Pháp lại nhận được sự đón tiếp kiểu khác từ phía người Nhật từ khi họ đến. Lúc nào họ cũng bị canh giữ và Sainteny cho rằng trong vụ này có bàn tay của Patti. “Tôi thường xuyên có lính Nhật mang súng cắm lưỡi lê canh gác và Patti thường đến để biết chắc rằng chúng tôi đang bị người Nhật - kẻ thù chung của chúng tôi - canh gác. Đám người này đã đầu hàng trước đây hai tuần”
Trong thời gian đó, Patti và các sĩ quan OSS của ông đã chụp ảnh chung với ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Hồ Chí Minh đã gọi Patti một buổi chiều để hỏi ông có biết lời văn của bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ không. Ông Hồ nói rằng ông định trích dùng lời văn đó trong bài diễn văn ông sẽ đọc vào ngày 2 tháng Chín năm 1945, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Patti không nhớ chính xác lời lẽ nhưng đã cố gắng để giúp đỡ ông.
Ông Hồ Chí Minh đã đọc diễn văn trên lễ đài, bên kia quảng trường mà từ căn hộ bên này cô Elytte Bruchot đã nhìn qua cửa sồ để mà xem. Bài diễn văn đó bắt đầu: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng…”
Buổi lể của ông Hồ đang tiến hành thì có một phi đội máy bay Mỹ bay qua quảng trường. Các phi công nghiêng cánh, Patti nói rằng đây chỉ là sự tình cờ. Ông nói rằng có thể là máy bay bay ngang qua đây và nghiêng cánh vì tò mò thấy quần chúng tụ tập bên dưới. Dù sao thì quần chúng cũng cho rằng nghiêng cánh có nghĩa là một lời chào mừng và thêm một bằng chứng cho thấy người Mỹ cương quyết ủng hộ Hồ Chí Minh và những người Cộng sản của ông.
Sự thực là Harry Truman, người đã lên nhậm chức sau cái chết của Roosevelt, ngày 12 tháng Tư năm 1945, đã theo một chính sách mâu thuẫn như người tiền nhiệm của ông. Truman nói rằng ông giao vấn đề về Đông Dương lại cho các tư lệnh quân sự của ông. Tháng Sáu năm 1945, tại hội nghị Postdam, các vị tham mưu trưởng quyết định là phần phía nam Việt Nam sẽ đặt dưới sự kiểm soát của huân tước đô đốc Mountbatten, tư lệnh tối cao chiến trường Đông Nam Á. Từ đó dẫn đến quyết định là quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng của Thống chế Tưởng Giới Thạch sẽ tiến vào Bắc Việt Nam để nhận sự đầu hàng của Nhật ở Hà Nội và một lực lượng nhỏ quân Anh cũng sẽ làm như vậy ở Sài Gòn. Quân đội Trung Hoa quốc gia đã sẵn sàng thừa nhận chính phủ Hồ Chí Minh ở miền Bắc nhưng ở miền Nam, người Anh lại chiều theo người Pháp là những người đang tìm cách lấy lại phần đất này từ tay của Việt Minh. Ngày 12 tháng Chín năm 1945, người Anh cho đổ bộ xuống Sài Gòn một tiểu đoàn lính Gurkha và một đại đội lính Pháp Tự do. Mười một ngày sau với sự giúp đỡ của người Anh, Pháp đã lật đổ những người đại diện của ông Hồ Chí Minh ở Sài Gòn. Với miền Nam Việt Nam đã trở lại dưới quyền kiểm soát của Pháp, sân khấu lại chuyển dịch lên phía Bắc, nơi ông Hồ đang có những tính toán khác.
Ông Hồ nhận thức rằng những vấn đề ông đang gặp phải khiến ông phải thương lượng với Pháp. Đất nước đã lâm vào nạn đói do mùa màng thất bát và do sự cướp phá của quân Nhật. Một trong những việc làm đầu tiên của ông là xoá thuế cho dân và ngân khố của ông trống rỗng. Ông tìm sự thừa nhận và viện trợ từ bên ngoài, những bức thư của ông gửi đi, kể cả gửi cho Tổng thống Truman đều không được trả lời, ngay Liên Xô cũng không quan tâm giúp đỡ ông. Ông bị bỏ rơi với năm mươi ngàn quân chiếm đóng Trung Hoa quốc gia ở miền Bắc, và bọn người Hoa này ngày càng xử sự như những lãnh chúa mà không hề muốn về nước.
Khi ông Hồ bắt đầu thương thuyết với Pháp, ông đã bị một số phần tử trong Việt Minh công kích. Ông bảo họ hãy nhớ lại lịch sử. Lần cuối cùng người Tàu đến, ông nói, chúng đã ở lại một ngàn năm. Người Pháp thì yếu và chủ nghĩa thực dân đang diệt vong. Cuộc thương thuyết đã làm cho người Việt Nam, Pháp và Trung Hoa ngồi lại với nhau. Người Trung Hoa miễn cưỡng đồng ý rút đi. Jean Sainteny đã ký với ông Hồ một thoả ước ngày 6 tháng Ba 1946, thừa nhận Bắc Kỳ (tên cũ của miền Bắc) là một nước tự do trong Liên hiệp Pháp. Theo những điều khoản của thoả ước thì mười lăm ngàn quân Pháp sẽ đóng ở miền Bắc và sẽ được thay thế bằng quân đội Việt Minh mà Pháp nhận sẽ huấn luyện và trang bị trong vòng năm năm tới.
Ông Hồ được mời sang Pháp để thương thuyết về các điều khoản cuối cùng của bản thoả hiệp án, và ông đã lên đường trên một chiến hạm Pháp. Ngày hôm trước, viên cao uỷ Pháp ở Sài Gòn, hình như tự ý hành động, tuyên bố rằng miền Nam Việt Nam cũng là một nước tự do với những quy chế mà chính phủ của ông Hồ ở Hà Nội đã được thừa nhận - một hành động đã củng cố thêm cho sự kiếm soát của Pháp ở miền Nam, được biết dưới tên cũ là Nam Kỳ. Cuộc thương thuyết tiến triển không tốt. Vào giờ chót, ông Hồ đã ký một bản hiệp ước khẳng định lại những điều đã ký với Sainteny, với giả thuyết rằng những cuộc thương thuyết sẽ tiếp tục vào đầu năm 1947. Nhưng các sự kiện đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát.
Bây giờ nhìn lại, người ta thấy rằng không thể nào tránh được một cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp. Bản Tuyên ngôn Độc lập của ông Hồ Chí Minh rất được lòng dân, làm cho họ xúc động và căm phẫn khi thấy quân Pháp trở lại theo những hiệp định được ký kết. Chính phủ Pháp do những người thuộc đảng Xã hội dưới quyền Léon Blum có thái độ hoà giải với ông Hồ Chí Minh nhưng lại không có một sự kiểm soát cần thiết để tránh những sự xung đột địa phương giữa lính Pháp với Việt Minh, để cho họ cứ va chạm nhau, xảy ra nhiều sự cố, có nhiều người chết. Tình trạng căng thẳng cứ gia tăng và tới ngày 19 tháng Mười Hai, quân đội Việt Nam đã cắt hết điện, nước và tấn công quân Pháp bằng súng nhỏ, moọc-chê và đại bác. Quân Pháp phản công và chiếm lại phần Hà Nội do Việt Minh chiếm. Hồ Chí Minh và những người của ông đã rút vào trong rừng và từ đó mà lãnh đạo một cuộc chiến tranh du kích chống Pháp trên cả nước Việt Nam. Cuộc chiến tranh đã bắt đầu
Từ đó Lou Conein ở bên Đức. Sau khi Chiến tranh thế giới II chấm dứt, ông mới xét lại bản thành tích của mình. Ông rất giỏi về gián điệp và phá hoại, ông biết cách giết người bằng tay không, có thể tháo lau vũ khí trong mấy giây đồng hồ và nhảy dù không chê vào đâu được. Nhưng tất cả những cái đó không giúp được gì cho ông trong cuộc sống dân sự, chỉ có một việc mà ông biết làm và đã được huấn luyện đến thành thạo: hốt phân ngựa ở Kansas. Conein quyết định ở lại quân đội. Tổ chức OSS đã chấm dứt hoạt động nhưng một đơn vị tình báo đặc biệt sẽ sớm được thành lập, một tổ chức đặc nhiệm làm việc cho tới khi có Cục Tình báo Trung ương ra đời năm 1947, và Conein tham gia ngay, đâu biết rằng việc ông trở lại Việt Nam trong nhóm của Lansdale chỉ là vấn đề thời gian.
Chú thích:
Bộ (foot - đơn vị đo chiều dài của Anh) bằng 0,3048m |
|
|