Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Giáp Mặt Với Phượng Hoàng Tác Giả: Zalin Grant    
Washington - Sài gòn 1970

    Khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ biết rằng Thiệu muốn tiêu diệt Châu, họ đã yêu cầu Đại sứ Bunker chặn ông ta lại. Thứ trưởng ngoại giao Elliot Richardson là người quan tâm đến vấn đề này nhiều nhất, mối quan tâm này càng sâu sắc vì người trợ lý của Richardson là một người đã từng phục vụ ở Sài Gòn, đã từng biết Châu và những người ủng hộ Châu. Người trợ lý của Richardson đến Việt Nam vào cuối năm 1969, nói chuyện với Ed Bumgardner và John Vann, hai người này đã cho ông biết chiến lược của Thiệu nhằm tiêu diệt Châu. Lợi dụng việc Châu tiếp xúc với anh ông để tố cáo Châu hoạt động thân cộng sản, Thiệu tìm cách để quốc hội tước quyền bất khả xâm phạm Dân biểu của Châu, để cho một toà án quân sự bắt, truy tố Châu. Nguyễn Cao Thăng, người dược sĩ đã phân phát Vi-ta-min Trần Hưng Đạo cho các Dân biểu, phụ trách giải quyết vấn đề quyền bất khả xâm phạm Dân biểu của Châu, còn Đặng Văn Quang thì lo bố trí mọi hành động khác.
    Ngày 27 tháng Mười Hai 1969, Elliot Richardson gửi cho Bunker một bức điện lệnh một cách lịch sự cho ông phải chặn tay Thiệu lại. Elhot Richardson đã nói trong bức điện: “Tôi để ông chọn cách nào kín đáo để nêu vấn đề ra với Thiệu. Tôi nghĩ rằng việc bắt Dân biểu Châu sẽ không giúp cho chính phủ Mỹ duy trì sự ủng hộ của nhân dân Mỹ cho những cố gắng của chúng ta ở Việt Nam”. Richardson cho Bunker biết rằng Châu có một số người ủng hộ rất nhiệt tình ở Washington, ở trong cũng như ở ngoài chính phủ. “Những người này tin rằng chính phủ Nam Việt Nam chống lại Châu không phải vì ông này có hoạt động dính líu với Cộng sản mà chẳng qua là vì ông ta tích cực phê phán khuyết điểm của chính phủ Nam Việt Nam mà thôi”. Ngoài ra, Richardson nói thêm: “Có nhiều báo cáo cho thấy những lý lẽ dùng để buộc tội Châu quá yếu ớt vì ông chỉ giúp những người cộng sản chứ ông không hề thừa nhận là đã tham gia với họ”.
    Bốn hôm sau, Bunker phúc đáp Richardson, lịch sự từ chối nêu vấn đề này ra với Thiệu: “Bản thân tôi cũng không tin rằng Châu là hoặc đã là một người cộng sản trong kỷ luật, nhưng điều đó không có nghĩa là lời buộc tội của chính phủ Nam Việt Nam, nói ông ta đã giúp đỡ cho cộng sản, là yếu ớt”. Bunker nói với Richardson rằng cùng ngày hôm đó, bảy mươi đại biểu trong Quốc Hội đã bỏ phiếu tước quyền bất khả xâm phạm của Châu nhưng số phiếu đó không đủ hiệu lực cho nên có lẽ sẽ không có xét xử gì cả. Kết thúc bức điện của mình, Bunker nói rằng ý kiến của ông “không có nghĩa là tôi không đồng tình với những kết luận của ngài. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và nếu cần tôi sẽ nêu vấn đề với Thiệu theo như sự gợi ý của ngài”.
    Nhưng Bunker không bao giờ nêu vấn đề ra với Thiệu, ngay cả sau khi Tổng thống Nam Việt Nam tỏ quyết tâm phải tiêu diệt Châu cho bằng được, mà lời tố cáo gắn với hai Dân biểu khác cũng bị gán cho tội có những hoạt đồng thân cộng sản. Khi Thiệu thất bại trong việc mua chuộc Quốc Hội xoá bỏ quyền bất khả xâm phạm của Châu, ông đã cho người môi giới của mình là Nguyễn Cao Thăng lưu hành một kiến nghị đòi xét lại vấn đề. Bằng mọi thủ đoạn mua chuộc và đe doạ, ông ta muốn đạt được 102 lá phiếu để có thể bắt Châu. Đồng thời, ông ta tung ra một chiến dịch tuyên truyền nói rằng Châu là nhân viên của CIA và của cộng sản.
    Bài viết của Keyes Beech, trong lúc Châu đang trốn ở nhà ông đã gây một phản ứng mạnh mẽ ở Washington. Ông viết rằng CIA đã đề nghị đưa tiền cho Châu để lập một chính đảng, nhưng cuộc mặc cả đã thất bại, bởi vì CIA muốn Châu phải ủng hộ Thiệu. Châu muốn giữ thái độ độc lập. Bởi vì không như Thiệu, Châu cho rằng chính phủ Sài Gòn nên thương lượng trực tiếp với Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Khi Thiệu lợi dụng cuộc tiếp xúc của Châu với người anh của ông để làm cái cớ hòng tiêu diệt ông thì CIA lại từ chối làm rõ vấn đề để thanh minh cho ông. Beech đã dẫn lại một câu nói của Châu: “Đây là một thí dụ về cách của người Mỹ đối xử với bạn bè Việt Nam của họ. Tôi không hiểu rồi đây tương lai của hàng ngàn người Việt đã hợp tác với Mỹ sẽ ra sao đây”. Bài viết của Keyes Beech trong mấy hôm sau được tiếp nối bằng những bài ủng hộ Châu của Robert G. Kaiser của Wshington Post và của Terence Smith của New York Times.
    Thượng Nghị sĩ J. William Fulbright đã biết vụ này từ ba tháng trước. Dan Ellsberg, trong lúc khuyến khích Fulbright công bố những tài liệu của Lầu Năm Góc, đã cho Fulbright biết việc Châu gặp rắc rối với Thiệu, và hai nhà điều tra của Uỷ ban đối ngoại là Richard Moose và Jim Loweinstein rất quan tâm tới vụ này. Moose đã dự một bữa tiệc chiêu đãi ở Sài Gòn với Đại sứ Bunker hôm tháng Mười Hai, sau này ông kể lại rằng tại bữa tiệc đó Bunker tuyên bố rằng đã có những bằng chứng không thể bác bỏ rằng Châu là một người cộng sản, một lời buộc tội mà Bunker đã chối. Dù thế nào đi nữa thì Fulbright đã sẵn có định kiến là sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đã không làm hết sức mình để giúp Châu. Bài viết của Keyes Beech đã khẳng định lại niềm tin của ông, và hai hôm sau, Fulbright quyết định đưa ra một bản tuyên bố, sau khi nhà bình luận Joseph Kraft, nổi tiếng ở Washington hơn Beech, đã viết một bài bình luận phát huy bài của Beech.
    Những bài viết trên báo cũng như những cuộc tấn công của Fulbright để bênh vực Châu đã thúc đẩy Elliot Richardson, ngày 7 tháng Hai, 1970, gửi cho Bunker một bức điện, lời lẽ hết sức gay gắt: “Trong bức điện ngày 31 tháng Chạp, ông nói rằng chính ông sẽ nêu vấn đề ra với Thiệu nếu cấp dưới ông làm việc đó không có hiệu quả. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc ông phải đề cập đến vấn đề này một cách trực tiếp và mạnh mẽ. Tất nhiên là tôi để cho ông lựa chọn thời điểm và cách thức nêu vấn đề nhưng ông phải làm sớm và làm cho Thiệu hiểu rằng giới lãnh đạo cao cấp ở đây cho rằng ông ta đang gây tổn thất không cần thiết cho mục tiêu chung của chúng ta”.
    Bunker không còn sự lựa chọn nào khác. Hoặc là ông cãi lại một chỉ thị trực tiếp của Bộ Ngoại Giao, hoặc là ông phải trực diện nói rõ vấn đề với Thiệu. Ông thu xếp để gặp Tổng thống Nam Việt Nam bốn ngày sau đó, tức là vào ngày 11 tháng Hai năm 1970, trong đó, theo như ông báo cáo, ông đã trình bày trường hợp không nên bắt Châu theo như chủ trương của Richardson. Nhưng ông báo cáo rằng buổi tiếp xúc đã không có kết quả, Thiệu nói rằng ông ta “muốn để cho pháp luật đi theo con đường của nó”. Bunker kết thúc bản báo cáo của ông như sau: “Mặc dầu chưa được hoàn toàn thoả mãn nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm được trong tình huống này”.
    Một hãng thông tấn, trong khi phản ánh sự ủng hộ của Fulbright đối với Châu, đã phạm một lầm lẫn nhỏ nói rằng Châu là một nhân viên của CIA. Châu đánh điện phúc đáp, cảm ơn sự ủng hộ của Fulbright nhưng nói rõ rằng ông chưa bao giờ là nhân viên của CIA cả. Trong bức điện gửi Fulbright, Châu nói: “Tôi tha thiết yêu cầu ngài quan tâm tới việc tổ chức một cuộc điều tra của Thượng. nghị viện Hoa Kỳ về các hoạt động của các quan chức Mỹ và CIA ở Việt Nam đang phá hoại tinh thần quốc gia và những người yêu nước Việt Nam cũng như phá hoại hình ảnh của Hoa Kỳ”.
    Fulbright nghĩ rằng ý kiến đó cũng không tồi. Có thể là đã tới lúc mời William Colby ra trước Uỷ ban và yêu cầu ông ta giải thích vì sao một tổ chức như CIA lại quay lại chống một trong những người bạn Việt Nam gần gũi nhất của mình như vậy.
    

- o O o -

    Một cuộc điều tra trước một uỷ ban của Quốc Hội Hoa Kỳ có được quần chúng chú ý hay không là do những bài tường thuật trên báo. Bởi vì làm sao mà công chúng có thể đào bới trong cái đống biên bản dày cộp của những buổi điều trần để biết người ta nói cái gì? Công chúng chỉ đọc những bài phản ánh dài hai cột trên tờ nhật báo buổi sáng và một đoạn tin trong buổi phát thanh buổi chiều để biết được những gì đang xảy ra.
    Nhưng mấy anh chàng thư lại khôn ngoan lại có nhiều thủ đoạn khôn ngoan để ngăn chặn một cuộc điêu tra hữu hiệu. Trước hết, họ cung cấp cho các thành viên của Uỷ ban những báo cáo dài dằng dặc đầy những chi tiết đọc chán tới mệt nghỉ, rồi đưa ra những lời tuyên bố dài lòng thòng khiến cho các nhà báo cứ ngồi ngáp dài, cuối cùng cũng phải bỏ mặc các nhà điều tra làm gì thì làm. Và George Jacobson, người vừa được đề bạt làm phó cho Colby ở tổ chức CORDS nói: “Colby là viên thư lại vĩ đại nhất mà tôi được biết trong đời”.
    Khi Colby nhận được bức điện của Uỷ ban đối ngoại yêu cầu báo cáo về các hoạt động bình định, ông rất bận rộn lập ra một nhóm để về Washington báo cáo đầy đủ cho Fulbright về những hoạt động của CORDS.
    Colby sau này nhắc lại: “Lúc đó tôi nói rằng chúng ta sẽ cung cấp cho họ một bức tranh đầy đủ về tình hình. Nếu đây là một dịp để nói cho họ biết thì chúng ta phải chuẩn bị nói cho tốt. Tôi cũng không hiểu là ông Fulbright đang nghĩ cái gì trong đầu”.
    Có thể là Colby không biết chắc Fulbright, một người phản đối chiến tranh đang nghĩ gì trong đầu, nhưng ông ta có thể đoán rằng Fulbright chẳng quan tâm gì mấy tới một bức tranh toàn cảnh về hoạt động bình định. Về cơ bản Fulbright chỉ quan tâm tới hai điều - thứ nhất là khám phá chương trình Phượng Hoàng vì nó đang là mục tiêu của những phong trào phản đối chiến tranh và thứ hai giúp Châu bằng cách công bố cho mọi người biết trường hợp của ông ta. Fulbright cũng nghĩ như mọi người ở Mỹ rằng chương trình Phượng Hoàng là một hoạt động mang tai mang tiếng. Nhưng thật là mỉa mai, ông hoàn toàn không biết gốc rễ của chương trình này là do Châu vạch ra, và đó là con người mà giờ đây ông định cứu.
    Ngay từ lời tuyên bố mở đầu của ông trước Uỷ ban ngày 17 tháng Hai 1970, Colby đã bắt đầu bằng một đống chi tiết về chương trình bình định. Sau khi tranh luận với Colby một lúc về lịch sử chiến tranh, Fulbright ngưng lại đưa vào biên bản phiên họp một bài báo của Washington Post về chương trình Phượng Hoàng và nhường lời cho các thành viên khác chất vấn Colby. Thượng Nghị sĩ Stuart Symington, bang Missouri cũng không làm được gì hơn trong việc đối phó với Colby mặc dầu ông đã cố gắng cài tên của Châu vào cuộc điều trần. Tới lúc mà các Thượng Nghị sĩ tìm cách lái Colby vào việc thảo luận về chương trình Phượng Hoàng thì mí mắt của các nhà báo đã sụp xuống từ hồi nào.
    Ngày hôm sau, khi Colby đưa John Vann tới thì số người tham dự đã giảm hẳn đi. Colby giải thích rằng ông muốn cho Uỷ ban hiểu rõ từng cấp hoạt động của chương trình bình định, và Vann là người đại diện cho cấp cao nhất bên ngoài Sài Gòn. Fulbright gượng gạo cảm ơn Colby, ông có cảm tưởng là Colby đã có được một tổ hoàn hảo. “Ông làm cho tôi nghĩ rằng Việt Nam trước đây vốn là một nước cực kỳ hoang sơ, ở đó chỉ có những ngôi làng và những người theo đạo Phật làm việc thiện”, Fulbright nói. “Nhưng bây giờ thì mọi việc lại hoá ra cực kỳ phức tạp. Liệu có phải chính chúng ta đã Mỹ hoá nước này chăng?”
    Câu trả lời của Colby là: “Không, chúng ta không làm việc đó”.
    John Vann biết rằng các Thượng Nghị sĩ sắp hỏi tới vần đề Trần Ngọc Châu và cảm thấy trong lòng không yên. John Vann đứng trước Uỷ ban hôm nay không còn là John Vann bảy năm về trước chuyên cung cấp những nhận xét bi quan cho David Halberstam và Neil Sheehan, những người đã cung cấp những tia lửa đầu tiên cho phong trào chống chiến tranh nữa. Một số người biết Vann đã phỏng đoán rằng sở dĩ Vann thay đổi thái độ như vậy bởi vì giờ đây, Việt Nam đã là sự nghiệp của cả đời ông và Việt Nam đã trở thành nỗi ám ảnh của đời ông. Không nghi ngờ gì là bây giờ Vann tin rằng Hoa Kỳ đã đi đúng hướng tới chiến thắng, mặc dầu theo ước lượng của ông, con đường đó còn kéo dài một thập kỷ rưỡi nữa mới kết thúc. Sau khi khẳng định rằng ông là người chống bộ máy quan liêu, ông nói với Uỷ ban rằng ông rất vui lòng được phục vụ trong tổ chức CORDS và ông tin rằng tổ chức này đang hoạt động tốt.
    Colby và Vann đã có mối quan hệ tốt với nhau. Cả hai đều thống nhất quan điểm với nhau về tính chất chính trị của cuộc chiến tranh (những quan điểm này phần lớn Vann học được của Châu) và cả hai cùng cho rằng chiến lược nghiền nát đối phương của Westmoreland là một sai lầm, mặc dầu họ cho rằng có thể chính là những chiến thắng quân sự lớn của Mỹ năm 1967 đã đẩy Việt Cộng tới cuộc tấn công tuyệt vọng Tết 1968, và bất kể dư luận Mỹ nghĩ sao về cuộc tấn công này thì nghĩ, họ vẫn cho rằng cuộc tấn công đó là một thảm hoạ cho Cộng sản. Colby là một nhà quản lý tế nhị, biết cách ứng xử với một con người ngang tàng như Vann. Ông cũng khâm phục tài năng và khả năng làm việc, cũng như lòng can đảm phi thường của Vann. Colby cũng là con người can đảm và ông thích dong ruổi trên những con đường ở đồng bằng trên xe Vespa với Vann. Nhưng không vì thế mà Vann trở thành một con người quan liêu bàn giấy có thể lạnh lùng nói với Sauvageot về trường hợp của Châu rằng đó quả là một điều “bất hạnh”!
    Vann biết rằng những lời ông nói với Fulbright hôm nay có thể khiến cho Bunker ở Sài Gòn sa thải ông ngay. Colby đã cố gắng bênh vực cho Vann nhưng Bunker vẫn còn tức giận. Vann quyết định là ông sẽ không nói gì trong những phiên họp công khai mà báo chí có thể trích dẫn và Bunker có thể đọc. Ngồi bên cạnh Colby và tìm mọi cách tránh những câu hỏi của Fulbright về Châu càng nhiều càng tốt nhưng cuối cùng Vann cũng phải xin lỗi ngài Thượng Nghị sĩ rằng ông chỉ có thể nói về Châu trong các phiên họp kín, không có báo chí tham dự “để tránh gây tác hại tới hành động pháp lý đang diễn ra tại Sài Gòn”.
    Fulbright nói “Nhưng ông Châu lại không hề tỏ ra miễn cưỡng trong việc nói với báo chí về trường hợp của mình. Dĩ nhiên, tôi hiểu rằng ông ta tin là mình đang bị kết tội một cách vội vàng, thiếu chứng cớ, một khi quyền bất khả xâm phạm của ông đã bị bãi miễn, không phải bằng một cuộc bỏ phiếu trong Quốc Hội, mà bằng một kiến nghị mang 102 chữ ký. Đó là một tình huống không bình thường nhưng nếu ông đã không muốn thảo luận vấn đề này trong một phiên họp công khai thì tôi cũng không theo đuổi vấn đề này nữa”.
    Ngày hôm sau, sau khi Colby và những người của ông đang chôn Uỷ ban đối ngoại Thượng nghị viện trong một đống chi tiết về chương trình bình định thì Fulbright đã thay đổi ý kiến. Ông thấy rằng báo chí không còn quan tâm, những thành viên của Uỷ ban đã tìm cách lẩn tránh vấn đề. Mọi người không ai chú ý tới nữa. Ông nói với Colby rằng những ngày sau đó ông sẽ trở lại trường hợp của Châu. Vann lại bị gọi ra làm chứng nhưng ông rất thận trọng trong việc ông giao dịch với Châu có liên quan tới người anh của Châu, không nói gì đến cuộc tranh cãi tại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, cho rằng không có ai xúi Châu nói chuyện với Hiền cả. Fulbright hỏi Vann rằng có phải cấp trên của ông ở Sài Gòn bảo ông không được gặp Châu nữa từ khi ông này gặp rắc rối với Thiệu phải không?
    Vann đáp: “Thưa Ngài Chủ tịch, Đại sứ Bunker và Đại sứ Colby đã nói với tôi từ tháng Bảy rằng thực không thích hợp để dính líu vào chuyện này từ khi nó đã trở thành một câu chuyện giữa chính phủ Việt Nam với một quan chức của họ”.
    Vann có cho rằng Châu là một người cộng sản không?
    “Thưa Ngài, tôi cần phải có sự dè dặt, vì Đại sứ Bunker đã cho tôi hay rằng có nhiều việc tôi không biết. Tôi không biết những việc đó là những việc gì. Trong quan hệ của tôi với đại tá Châu và những gì tôi biết về ông ta từ năm 1962 tới nay, không có điều gì làm tôi nghi ngờ rằng ông ta không phải là một người quốc gia quyết tâm chống cộng sản”.
    “Thái độ của Đại sứ Bunker như thế nào?” Fulbright hỏi.
    “Thái độ của Đại sứ Bunker, và những chỉ thị của Đại sứ đối với tôi, thưa ngài, là tôi phải lo việc bình định ở đồng bằng, còn ông ấy lo tình hình chính trị ở Việt Nam”
    “Đó là một câu trả lời rất rõ ràng”, Fulbright nói sau khi cả phòng họp cười rộ lên. “Ông Colby, trước đây ông đã dính líu mật thiết với CIA, ông cho biết xem người phụ trách CIA ở đó có biết gì về những cuộc gặp gỡ giữa Châu với anh ông ta không?”
    Colby đã rời khỏi CIA hai năm, nói: “Thưa Ngài Chủ tịch, như tôi đã nói, trí nhớ của tôi cũng hơi lu mờ, và tôi không sát với tình hình hiện nay. Tôi lại không được tiếp xúc với tài liệu. Tôi thực lòng muốn để việc ấy cho CIA trả lời”. Colby thừa nhận rằng Châu có chuyện rắc rối với CIA. Fulbright hỏi vụ rắc rối đó liên quan với quan chức nào của ngành tình báo. “Tôi không nhớ, thưa Ngài chủ tịch”, Colby đáp. “Tôi nghĩ là rắc rối với toàn bộ chi cục CIA ở đó”. Cuộc chất vấn về Châu lúc lên lúc xuống, cuối cùng đã chìm hẳn trong đống chi tiết về chương trình Phượng Hoàng. Cuộc điều trần đã kết thúc mà không được sự quan tâm mấy của báo chí.
    Colby nói: “Ngày đầu tiên thì báo chí phản ánh rất tốt nhưng sau thì nguội dần. Tôi nghĩ rằng họ chờ đợi những cuộc bắn pháo hoa mà họ không thấy”.
    Norwill Jones, trợ lý của Fulbright, nói: “Colby là một người cực kỳ khôn khéo, hết sức tài tình. Và thật đáng chán. Làm sao anh có thể làm cho các thành viên của Uỷ ban quan tâm tới vấn đề khi mà anh có một anh chàng như thế với đủ thứ sự kiện và biểu đồ? Đúng là một cuộc vấn đáp chẳng đi đến đâu cả”.
    Cũng không hẳn là chẳng đi đến đâu cả. Cuộc điều trần này đã cung cấp những thông tin tốt nhất và chi tiết nhất về chương trình bình định trong chiến tranh. Colby đã tỏ ra rất xuất sắc trong lúc mô tả những chương trình khác nhau. Nhưng, vì muốn đưa cuộc chiến tranh tới một kết luận nhanh chóng và giúp đỡ Châu, đó là ý định ban đầu của Fulbright và bộ tham mưu của ông, cuộc điều trần đã thất bại.
    Cuộc điều trần của Fulbright đã thất bại, Châu rời khỏi chỗ ẩn nấp đi vào toà nhà Quốc Hội, trước đây vốn là một nhà hát của Pháp, ông nói rằng ông sẽ ở lại đây dưới sự bảo vệ của quyền bất khả xâm phạm của một Nghị sĩ. Từ khách sạn Caravelle và Continental tới Quốc Hội đi chỉ mất có nửa phút, hai khách sạn này là tổng hành dinh của đoàn báo chí ngoại quốc ở Sài Gòn, cho nên trong phút chốc đã có một số nhà báo tới chúc mừng Châu và chờ xem phản ứng của Thiệu. Châu cho gọi mang tới hai két bia và hai két xô-đa cam, một ít xăng-uých và bánh ngọt Pháp, làm cho không khí buổi đợi chờ này thành như một buổi hội hè.
    Hai hôm sau, ngày 25 tháng Hai, 1970, một toà án quân sự dã chiến đã xử vắng mặt Châu hai mươi năm tù. Đáp lại, Châu đã tổ chức một cuộc họp báo, trả lời mọi câu hỏi bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt nói ông biết rằng ông sẽ bị bắt nhưng để làm việc đó, Thiệu phải dùng đến lưỡi lê và súng đạn. Vào bốn giờ rưỡi chiều hôm sau, cảnh sát của Thiệu đã làm đúng như vậy. Khi nghe chúng tới, Châu gắn vào áo ngoài của mình tấm huân chương cao nhất của Nam Việt Nam mà ông được thưởng về những thành tích quân sự. Cảnh sát trước tiên đẩy năm mươi nhà báo ra ngoài, một tên cảnh sát giựt tấm huân chương khỏi áo của Châu, một tên khác đánh ông gục xuống sàn. Ông bị lôi ra khỏi toà nhà Quốc Hội, tống lên xe díp, đưa về nhà giam Chí Hoà.
    Cái kiểu bắt và giam Châu như vậy đã làm cho Elliot Richardson và các quan chức ở Bộ Ngoại Giao kinh hoàng. Nhưng toà Đại sứ của Bunker thì đón nhận tin này bình thản. Trong một bức điện nhan đề “Suy nghĩ về trường họp của Châu”, toà Đại sứ đã cố gắng đặt trường hợp này theo triển vọng của Washington. “Trong trường hợp này, điểm mấu chốt có thể nằm ở chỗ Thiệu cho rằng ông ta có thể lãnh đạo nhân dân và quân đội trong một cuộc chiến lâu dài mà muốn làm như vậy thì phải có một lập trường chống cộng mạnh mẽ và dứt khoát”, bức điện viết. “Mọi người đều biết rằng từ năm ngoái, sau khi Trần Ngọc Hiền bị bắt, Châu đã có những tiếp xúc thường xuyên với Cộng sản, thật là khó cho Thiệu, nếu ông không ra tay hành động”. Toà Đại sứ cũng thừa nhận rằng Thiệu cũng có một số khuyết điểm như đổ mấy chuyện lộn xộn này cho báo chí. “Phe của Châu rất khôn khéo trong việc sử dụng báo chí, họ tiết lộ việc khởi tố Châu cho báo chí, với những lời giải thích của Châu, la lối lên rằng ông ta chỉ muốn làm một chính khách đối lập mà thôi, thật ra phần lớn những lời la lối đó chẳng có giá trị gì trước những lời tố cáo, rồi họ lại phóng đại sự bạc đãi về thể xác. Còn về phía chính phủ thì, như mọi khi, đối xử với báo chí hết sức tàn tệ. Còn bản thân báo chí thì rõ ràng là không hề muốn tạo sự dễ dàng cho chính phủ làm việc. Một số lời nói lạc lõng của Châu đã được báo chí cố tình làm nhẹ đi hoặc phớt lờ luôn. Trong những hoạt động trước và trong khi Châu bị bắt, báo chí đã đóng vai trò người trực tiếp trong cuộc, chẳng khác nào những người ủng hộ Châu hay những người của chính phủ vậy”.
    Bức điện phản ánh thái độ của Đại sứ Bunker và chi cục trưởng CIA Ted Shackley, cũng như của William Colby, con người có trí nhớ “lu mờ”, cố tránh chuyện này càng xa càng tốt, cho rằng đây là một vấn đề chính trị không dính líu gì tới chuyện bình định ông đang phụ trách. Bộ ba này đã thành một tổ hợp biết rõ rằng bộ máy quan liêu có thể áp đặt ý muốn của nó cho bất cứ ai. Còn vị thứ trưởng đáng kính Elliot Richardson có gửi một cơn bão điện khẩn cho vị Đại sứ đáng kính Bunker để bênh vực Châu đi nữa thì ông cũng chỉ nhận được một cơn bão điện phúc đáp thưa với ông rằng tất cả những gì có thể làm được thì chúng tôi đã làm rồi! Và, cũng như trước đây, mỗi khi trong bộ máy chính phủ có chuyện bất đồng thì cuộc xung đột lại được đem tiết lộ cho báo chí biết.
    Dan Ellsberg, lúc đó đã trở lại làm việc cho công ty Rand, kề lại: “Tôi gặp Vann khi ông về Washington để làm chứng trước những buổi điều trần của Fulbright. Ông ta nói với tôi rằng Bunker đã cảnh cáo ông rằng nếu ông còn tiếp xúc với Châu thì ông sẽ bị tống ra khỏi Việt Nam. Nhưng chính lúc đó, Vann đang nói chuyện với các nhà báo để tìm cách giúp Châu. Cũng vào khoảng thời gian đó tôi được người trợ lý của Elliot Richardson mà tôi đã quen ở Sài Gòn, mời tới Bộ Ngoại Giao. Ông lấy những bức điện của Bunker ra, nhấc điện thoại lên, gọi nhà bình luận nổi tiếng Joseph Kraft và nói cho ông này nghe tất cả nội dung những bức điện mật đó. Bí mật! Không được phổ biến! Chỉ được xem mà thôi! Tôi hỏi: “Thủ trưởng của anh biết anh làm vậy không?” Anh ta đáp: “Tất nhiên. Ông ta muốn tôi làm mà. Nghe đây, tôi sẽ móc nối cho anh nói chuyện với một cặp phóng viên. Anh muốn nói chuyện với họ không?”
    Tất nhiên là Ellsberg muốn. Thế là toàn bộ câu chuyên được tung ra cho báo chí, nổ tung chẳng khác nào đạn moọc chê. Bunker bị xúc phạm rất nặng, đặc biệt do một bài của bà Flora Lewis viết, bà này biết đích thân John Vann. Tờ New York Times đăng bài của bà thành một bài mô tả cái mà báo này đặt thành đầu đề “Rạn nứt giữa Bunker và Bộ Ngoại Giao trong trường hợp của Châu”. Theo bài này thì Bộ Ngoại Giao đã ra lệnh cho Bunker không được ra tuyên bố công khai về Châu bởi vì nó mâu thuẫn với lời chứng của Vann trước Uỷ ban đối ngoại Thượng viện. Flora Lewis bình luận rằng: “Đó là một cách làm ngoại giao cho Bộ Ngoại Giao biết trước rằng lời bình luận công khai của mình không đúng sự thực”. Bà kết luận bài viết bằng một lời phê phán: “Ông Bunker, 75 tuổi, là mẫu người Mỹ truyền thống của xứ New England, nổi tiếng là con người trung thực. Nhưng chính ông là người đã chọn Thiệu làm ứng cử viên được Mỹ ủng hộ để tranh chức Tổng thống, và trên thực tế, chính ông đã lập ra chính phủ Thiệu. Ông đã cam kết sâu sắc với việc duy trì nó ở lại cầm quyền”.
    Bài của Flora Lewis không hoàn toàn đúng về chi tiết nhưng nó đã chỉ ra một khía cạnh đáng chú ý trong vụ của Châu. Như Flora Lewis đã viết, Bunker là một người trung thực, ông đã tìm cách thuyết phục Bộ Ngoại Giao, không phải một mà nhiều lần, ra tuyên bố nói rõ rằng không có quan chức nào của Mỹ khuyến khích Châu nói chuyện với anh ông ta cả. Chẳng lẽ ông ta không biết sự thực? Có thể là ông ta không biết thật, Frank Snepp và William Kolhmann tin như vậy, bởi vì ông Đại sứ chỉ được đọc những hồ sơ về Châu mà Ted Shackley và các nhà phân tích của CIA đã chọn lựa cẩn thận rồi.
    Dù thế nào đi nữa thì Bunker cũng cảm thấy rằng ông đang bị ai đó ở Bộ ngoại giao nổi giận. Ông William Sullivan, trước làm Đại sứ ở Lào nay là người phối hợp các chính sách về Việt Nam cho Bộ Ngoại Giao, là người đã bác bỏ yêu cầu của Bunker ra một bản tuyên bố công khai về Châu. Vì vậy, rất có thể văn phòng của Sullivan là nơi tiết lộ bí mật ra ngoài. Nhưng chính Sullivan cũng không tin đường giây liên lạc của Bộ Ngoại Giao, Sullivan đã gửi cho Bunker một thư riêng, đề là “ Ellsworth thân mến”, đảm bảo với ông rằng chính Sullivan đang trực tiếp điều tra xem việc tiết lộ bí mật đã xảy ra ở đâu. Sullivan kết luận: “Ở đây đang có một cố gắng phối hợp một cách thô bỉ lấy ông làm mục tiêu và lợi dụng trường hợp của Châu để làm việc đó”. Những bằng chứng mà Sullivan tìm được đã cho thấy rằng “đây là một cố gắng phối hợp rất khéo và dấu vết của nó được che đậy rất giỏi”.
    “Tuy nhiên”, Sullivan viết tiếp cho Bunker, “chúng tôi có thể nói một cách tổng quát rằng chúng tôi biết bọn người nào có dính tới vụ này. Đó là những người đã mê hoặc Châu, những người khuyến khích kiểu “giải pháp lực lượng thứ ba” ở Việt Nam, những người đó coi ông và Thiệu là trở ngại chính cho giải pháp của họ. Phần lớn đám người này hiện đang đứng ngoài chính phủ nhưng hình như chúng có ảnh hưởng và có quan hệ bí mật để chúng có được tin tức mà tiếp tục hoạt động”.
    Bunker không nhượng bộ. Ông ngồi xuống và, với sự giúp đỡ của phụ tá chính trị của ông, thảo ra một bức điện nhan đề “Về những luận điểm của báo chí trong trường hợp của Châu” dài chín trang. Ông viết rằng “Khía cạnh rắc rối nhất trong chiến dịch bênh vực Châu là luận điệu của báo chí cho rằng “nhân viên của CIA và nhân viên của phái bộ Hoa Kỳ ở Sài Gòn biết việc Châu có quan hệ với anh ông ta và mặc nhiên đồng ý với việc quan hệ đó”. Đúng là thỉnh thoảng Châu có nói với các quan chức Mỹ rằng ông ta có quan hệ vó một hay nhiều đại diện của Hà Nội, nhưng ông ta không bao giờ tiết lộ nội dung mối quan hệ đó, rõ ràng là muốn gây ấn tượng với chúng ta là ông ta có một mối quan hệ quan trọng tới mức nào đó. Chúng ta đã cố gắng thông qua ông ta mà tìm hiểu xem người có quan hệ với Châu là ai và người đó nói gì. Có lúc Châu đã đề nghị bố trí một cuộc tiếp xúc giữa người đó với Đại sứ Cabot Lodge, nhưng người tiền nhiệm của tôi đã từ chối, theo tôi hiểu, là vì một cuộc gặp gỡ như vậy sẽ ảnh hưởng tai hại tới quan hệ giữa chúng ta với chính phủ Việt Nam”. Bunker nói rằng Vann đã được phép gặp anh của Châu, nhưng cuộc gặp gỡ đó đã không xảy ra. Bunker nói tiếp: “Trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không thể có bất kỳ sự liên can nào nói rằng Hoa Kỳ đã thừa nhận cuộc tiếp xúc không được phép của Châu, càng không có việc ông ta tiết lộ với chúng ta mối quan hệ đó, khiến Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải bảo vệ ông ta chống lại sự truy tố của chính phủ của chính ông ta, một khi anh ông ta đã bị cảnh sát Việt Nam phát giác”. Bunker cho rằng ông hiểu báo chí muốn nói gì sau những lập luận này: “Tôi cho rằng những lời chỉ trích của báo chí đối với chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ trong trường hợp của Châu, nhiều khi xuất phát từ ý kiến cho rằng đáng lẽ chúng ta phải tìm hiểu xem kẻ thù đang đề nghị với chúng ta cái gì khi Châu muốn thu xếp một cuộc gặp mặt giữa Hiền với Lodge; và đáng lẽ chúng ta phải ủng hộ Châu trong việc tìm một giải pháp thoả hiệp cho cuộc chiến tranh”.
    Cùng với cơn giận dữ của Bunker, Sullivan đẩy mạnh cuộc điều tra về nguồn gốc chỗ rò rỉ tin tức. Cuộc điều tra đã dẫn đến văn phòng của Richardson.
    Dan Ellsberg kể lại chuyện này như sau: “Tôi đã nói chuyện với các phóng viên mà người trợ lý của Richardson giới thiệu, và sau đó anh ta lại gọi điện thoại cho tôi mà nói rằng “Lạy Chúa tôi, ở đây đang có rắc rối to về việc đó. Anh đã nói với các phóng viên một số điều gì đó không được phổ biến rộng rãi và bây giờ Richardson đang làm om sòm lên đây này”. Tôi nói lại với anh ta: “Anh nghe đây, đây là trường hợp của Châu và anh ta là bạn thân của tôi, nếu có ai đó bị quở phạt về việc này thì người đó là tôi đây”. Anh ta sau đó lại gọi điện thoại và nói: “Họ đang bắt đầu một cuộc điều tra và tôi đã khai anh chính là đầu mối tiết lộ bí mật”. Tôi nói: “Lạy Chúa, tôi mới nói với anh là có gì tôi chịu trách nhiệm thì anh vừa gặp họ đã khai tên tôi ra”. Anh ta nói: “Tôi thật bối rối quá, không biết nói sao bây giờ”. Tôi đáp “Anh bạn thân mến ạ, tôi là người đã tiết lộ tất cả, được chưa?” Anh ta nói “Được, chính họ đã nghĩ như vậy đấy”.
    Trong khoảng bốn mươi tám giờ đồng hồ sau khi được báo động là những nhà điều tra đang lần theo dấu vết của mình, Ellsberg lại được người vợ cũ của ông cho biết Cục Điều tra liên bang đang theo dõi ông vì đã sao chép những tài liệu của Lầu Năm Góc. Người vợ cũ này mới biết chuyện sao chép tài liệu vài tháng trước đây khi ông cho bà hay rằng nếu không may ông bị bắt và đi tù thì ông không thể gửi tiền cấp dưỡng cho bà nữa. Khi được biết là Ellsberg lại lôi cuốn cả hai đứa con vào vụ sao chép tài liệu mật của Lầu Năm Góc, bà giận quá đem chuyện này nói lại với bà mẹ kế là vợ một ông tướng thuỷ quân lục chiến. Cả Ellsberg lẫn người vợ cũ của ông đều không biết chuyện bà này đem mọi việc báo cáo cho Cục Điều tra liên bang.
    Đây không phải là lần đầu tiên mà chính phủ biết Ellsberg đã tiết lộ những tài liệu bí mật cho báo chí. Ông đã bắt đầu làm việc này từ thời kỳ có cuộc tiến công Tết, khi ông được mời tới Bộ Quốc phòng để làm cố vấn trong công việc đánh giá lại cuộc chiến tranh, do Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford lãnh đạo. Ellsberg đã cung cấp những thông tin bí mật cho Robert Kennedy khi ông này sắp sửa thách thức Lyndon Johnson trong một cuộc tranh cử chức Tổng thống, với tư cách là một ứng cử viên phản đối chiến tranh. Ellsberg đã trông thấy lời thỉnh cầu của ông Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân xin thêm 206.000 quân, một số trong đó sẽ được dùng ở Việt Nam, lời thỉnh cầu được viết rất thống thiết ảm đạm này đã bị tờ New York Times nhanh tay sử dụng với hàng tít lớn, chứng minh rằng nếu đã cần xin thêm quân thì cuộc chiến tranh tiến triển đâu có tốt như tướng Westmoreland đã tuyên bố. Chính Ellsberg đã tiết lộ cho Robert Kennedy biết việc xin thêm quân, còn có phải Kennedy nói cho tờ New York Times hay không thì ông không biết.
    Ellsberg nói: “Đó là lần tiết lộ bí mật đầu tiên của tôi, nhưng lúc đó tôi không nghĩ tới việc cung cấp bí mật cho báo chí cho đến khi tôi thấy được tác dụng của việc đăng báo tôi mới tự nhủ: “Hay thật đấy, mình thật là thằng điên mới không nghĩ là có thể tác động tới chính sách bằng cách này”. Ellsberg tiếp xúc với Neil Sheehan, phóng viên của tờ New York Times tại Bộ quốc phòng. Ellsberg: “Tôi tiết lộ cho Sheehan mỗi ngày một ít. Tôi cung_cấp cho ông ấy một mớ bí mật đã dẫn tới chuyện thải hồi Westmoreland về nước”.
    Một số phóng viên của tờ Times đã tranh cãi với nhau về giá trị những lời tiết lộ của Ellsberg và nói rằng ông đã không cung cấp cho họ những tài liệu họ yêu cầu, dưới hình thức những bức điện. Dù điều tiết lộ đầu tiên của Ellsberb có giá trị tới đâu đi nữa, ông cũng không bao giờ nói tới nó: “Tôi vẫn nói rằng những tài liệu mật của Lầu Năm Góc là sự tiết lộ bí mật đầu tiên của tôi và tôi tuyệt đối thành thực khi nói như vậy, tôi muốn dẹp bỏ giai đoạn trước kia đi, tôi không hề nói với ai và tôi cố quên đi”.
    Sĩ quan đứng đầu cơ quan an ninh của Bộ Quốc phòng đã phát giác ra Ellsberg là người đã trao tài liệu mật cho báo New York Times. Ellsberg nói: “Tôi rất ngạc nhiên là cuối cùng họ đã thôi dần và không theo dõi tôi nữa”. Ông tin rằng chính Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford đã ra lệnh chấm dứt cuộc điều tra, có thể là ông có cảm tình với việc làm của Ellsberg, cũng có thể là có một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc cũng tiết lộ bí mật cho báo chí, ông này là bạn của Clifford và có thể bị dính vào cuộc điều tra nếu nó được tiếp tục.
    Dù sao đi nữa thì hai năm sau, năm 1970, một việc tương tự đã xảy ra khi chính phủ, trong thời gian bốn mươi tám giờ đồng hồ đã phát hiện ra rằng Ellsberg không những đã tiết lộ những bức điện của Bunker về Châu mà còn trao những tài liệu của Lầu Năm Góc cho Fulbright. Khi biết rằng FBI sẽ liên lạc với Công ty Rand, nơi ông đã đánh cắp những tài liệu của Lầu Năm Góc, Ellsberg đã vội vàng tới gặp người lãnh đạo của ông. Địa vị của Ellsberg ở Công ty Rand đã lung lay vì tháng Mười vừa qua, ông đã cùng với nhiều nhân viên của Công ty thảo ra một bức thư chống chiến tranh đăng lên báo và được thảo luận rộng rãi. Nhiều nhân viên khác của Công ty cho rằng Ellsberg muốn phá hoại cơ quan nghiên cứu chiến lược này, cơ quan này sống nhờ những hợp đồng của chính phủ và thế nào Ellsberg cũng bị sa thải. Cấp trên của ông đã ủng hộ ông trong cơn bão táp vừa qua, nhưng Ellsberg biết rằng không thể trông đợi ông thông cảm hơn nữa khi chính ông đã bị FBI theo dõi vì đã đánh cắp tài liệu mà người ta đã tin tưởng giao cho Công ty Rand. Ông quyết định không nói với người lãnh đạo của mình về tài liệu của Lầu Năm Góc mà chỉ lấy cớ là đã tiết lộ những bức điện của Bunker về Châu để xin từ chức.
    Về sau Ellsberg mới biết rằng FBI đã tới Công ty Rand nhưng xếp của ông đã nói với họ rằng những tài liệu của Lầu Năm Góc không thuộc phạm vi an ninh quốc gia, rằng Ellsberg muốn lấy lúc nào cũng được, và rằng Ellsberg đã từ chức, việc bảo vệ an ninh không thành vấn đề nữa. FBI thấy rằng đeo đuổi những việc tranh chấp với một Thượng Nghị sĩ đầy quyền lực như Fulbright có nguy cơ gây phiền phức cho cơ quan của họ nên họ cũng chấm dứt cuộc điều tra.
    Bộ Ngoại Giao cũng bỏ rơi cuộc điều tra những tiết lộ về trường hợp của Châu, bởi vì nếu đưa cuộc điều tra tới chỗ kết luận thì sẽ làm cho người ta thấy rằng Bunker bị chỉ trích bởi nhân vật số hai của Bộ Ngoại Giao, không chừng có sự đồng ý ngầm của ngài Bộ trưởng cũng nên. Những vụ tiết lộ chấm dứt, hai tuần sau, sự quan tâm của báo giới lại chuyển sang một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất trong chiến tranh - cuộc xâm lăng Campuchia. Một nhóm nhỏ những người ủng hộ Châu tiếp tục tranh đấu nhưng những người biết rõ sự thật không còn theo họ nữa.
    Stu Methven, người của CIA mà Châu đã tiếp xúc đầu tiên nay đã chuyền sang công tác làm chi cục phó CIA ở Indonesia khi vụ này xảy ra. Châu đã nêu tên ông này ra làm cho con của Methven, đang học Trường Dự Bị Đại Học, gửi ông một mẫu báo New York Times, với lời ghi chú “Bố, bố chưa bao giờ cho con biết là bố làm việc cho CIA cả”. Methven cho rằng những điều xảy ra cho Châu là những điều có thể thấy trước. Ông viết: “Ngay từ lúc một người Việt Nam trở thành một người được Mỹ ưa chuộng thì người đó trở thành một phần tử đáng ngờ trước mắt chính phủ đang cầm quyền. Tốt nhất là đừng có đưa ai lên cao quá kẻo anh ta bị đánh rơi. Châu trở thành người được ưa chuộng, Nghị sĩ Mỹ nào tới thăm nước này cũng đòi gặp ông ta. Một người như Thiệu lại coi đó là một đe doạ”.
    Châu nói rằng ông đã báo cho Mike Dunn, phụ tá của Lodge biết cuộc tiếp xúc của ông với người anh. Dunn có cách giải thích riêng của ông về việc vì sao nhiều người Mỹ không lao vào bênh vực cho Châu. Dunn nói rằng: “Có rất nhiều người Mỹ quan tâm tới nước Việt Nam nhưng có rất ít người Mỹ quan tâm tới người Việt Nam. Nhưng Châu là một người phi thường. Vấn đề lớn đối với tôi là tôi không bao giờ xác định được Châu nào là Châu thật. Ông ta có ít nhất là ba nhân cách khác nhau”.
    “Một số người cho rằng Châu là một người cực kỳ nguy hiểm và ông ta như vậy thật. Trước hết, một người có nhiều tư tưởng là một người nguy hiểm. Và ông ta có những quan hệ đáng kể. Chúng tôi đã nói với nhau ở đây khá nhiều và thẳng thắn về bộ máy thư lại, và tôi muốn nói, ai là người muốn dính líu - anh biết đấy, ai muốn là người cuối cùng nâng đỡ Châu nếu việc đó vỡ lở, anh hiểu tôi muốn nói gì rồi chứ?”
    

Xem Tiếp Chương 21Xem Tiếp Chương 23 (Kết Thúc)

Giáp Mặt Với Phượng Hoàng
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Đang Xem Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story