CON BỌ RẦY VÀ CON BƯỚM Hẳn anh đã có dịp trông thấy con bọ rầy và con bướm. Thân hình con bướm nhẹ hàng mảnh khảnh bao nhiêu thì thân hình con bọ rầy nặng nề, ồ về bấy nhiêu. Đã thế con bướm lại đặng đôi cánh to rộng như cánh buồm còn con bọ rầy thì dưới lớp cánh cứng mọc hai bên ngòai chỉ có đôi cánh vừa mỏng như the vừa bé nhỏ.
Mới trông qua chúng ta tưởng chừng như con bọ rầy không sao cất mình lên khỏi mặt đất nổi. Xét theo những định luật vật lý đã áp dùng vào hàng không, chúng ta càng khó tin rằng nó có thể bảy liệng trên không trung, dù rằng chỉ trong chốc lát.
Ấy thế mà nó vẫn bay liệng, còn bay nhanh hơn con bướm. Có gì đâu. Cánh nó bé thì nó chỉ cần máy động cặp cánh nhanh hơn và nhiều lượt hơn cánh bướm, tự nhiên rồi nó cũng cất mình lên khỏi mặt đất, tự nhiên rồi nó cũng tung hoành trên không trung như chị bướm kia chứ có thua đâu.
Con bọ rầy đã dạy chúng ta một bài học nghị lực, đừng bao giờ dùng đến hai tiếng “không đặng”.
“Không đặng”, hai tiếng tai hại đã chặn đứng bước tiến thủ của bao nhiêu bạn trẻ, đã làm cho bao nhiêu công cuộc làm ăn sụp đổ.
“Không đặng”, bao nhiêu người đã núp sau hai tiếng ấy để che đậy nỗi bất lực, tính nhút nhát, thói lười biếng của họ.
Hẳn anh đã biết có bao nhiêu công việc trước kia người ta cho rằng “không sao làm đặng”. Có cần gì tôi phải nhắc lại những gương, tích ấy. Hẳn anh cũng đồng ý với tôi rằng cả pho lịch sử tiến hóa của nhân loại đều do những người đã không biết đến hai tiếng “không đặng” viết thành.
Tôi chỉ xin kể lại một mẫu chuyện nhỏ thuộc phạm vi kỹ nghệ. Bạn đã biết vua ô tô H. Ford là một nhà kỹ nghệ có nhiều sáng kiến. Ông nhận thấy xưa giờ các nhà chế tạo kính đều làm ra từng miếng kính rời nhau. Muốn cắt ra để làm kính che gió hoặc kính cửa sẽ không sao tránh khỏi hao hớt vì cắt vụn. Ông cho mời những nhà chế tạo kính xưa giờ vẫn cung cấp cho ông để mách cho họ sáng kiến: nên tìm cách chế ra thứ kính dài và liền nhau có thể cuốn thành cuốn băng. Tất cả các nhà chế tạo kính đều lắc đầu: “không thể nào làm đặng”.
Nhưng ông H.Ford là một người “đắc lực”, ông không tin rằng việc ấy “không thể làm đặng”. Ông bèn thuê một nhóm kỹ sư hóa học chuyên nghiên cứu về cách làm kính, trả lương tháng cho họ và mở phòng nghiên cứu ngay tại xưởng ông. Mấy tháng sau hãng Ford đã có một thứ kính cuống băng để dùng. Từ đây hằng năm công ty Ford lãi thêm hằng chục nghìn mỹ kim nhờ tiết kiểm khỏi hao hớt kính vụn. Đồng thời những nhà chế tạo kính kia mỗi năm lại mất lãi hằng trăm nghìn mỹ kim vì mất một mối hàng kếch sù.
Thưa bạn, không phải ai cũng có thể nói một câu kiêu hùng như hoàng đế Napoleon: “Danh từ không thể được” không có trong quyển từ điển của tôi”. Song, tôi tưởng bất luận ai cũng có thể nói: “Nếu đó là một công việc khó, tôi sẽ làm trong một thời gian đã định. Còn nếu đó là một công việc “không thể làm” thì với “một ít cố gắng, một ít nhẫn nại, tôi cũng phải làm xong”. |
|
|