Thời gian này, tôi đã thanh toán xong tiền mua đồ gỗ và làm việc nhiều hơn nữa để tích góp một khoản làm của hồi môn. Sáng sáng, tôi làm người mẫu tại các xưởng họa, còn quấ trưa ngồi lì với mẹ trong phòng may và làm miết tới chập tối. Mẹ ngồi đạp máy cạnh cửa sổ, còn tôi ngồi bên bàn khâu tay áo. Mẹ dạy tôi cắt may áo trong, công việc khá trôi chảy. Cần phải đơm nhiều móc cài và móc khuyết, ngoài ra mỗi áo sơ mi đều phải thêu một chữ lồng. Tôi đặc biệt thành công trong việc thêu những chữ lồng này, trông cứ như đắp nổi ấy. Chúng tôi may quần áo trong của đàn ông, đôi lúc cũng may áo cánh, áo khoác hoặc quần lót của phụ nữ, nhưng toàn là những đơn đặt hàng rẻ tiền vì đường kim mũi chỉ của mẹ chưa tinh xảo với lại chúng tôi không quen biết các signora để nhận được những thứ đắt tiền. Ngồi may, tôi nghĩ tới Gino, tới đám cưới, tới chuyến đi Viterbo, tới mẹ và cuộc đời mình, nói chung nghĩ lung tung mọi chuyện nên thời gian trôi đi lúc nào không hay. Còn mẹ nghĩ gì, tôi chẳng rõ, song chắc là về một chuyện nào đó của bản thân vì nét mặt mẹ có vẻ tập trung căng thẳng, và nếu tôi muốn bắt chuyện với mẹ thì thường mẹ trả lời không trúng vào câu hỏi, đầu vẫn cặm cụi bên máy may. Trời vừa tối, tôi liền đứng dậy, rũ hết chỉ bám trên người và diện chiếc áo dài đẹp nhất, rồi ra khỏi nhà, đến chơi với Gisella hoặc đi gặp Gino nếu anh được buổi tối rảnh rang. Bây giờ tôi tự hỏi không biết dạo ấy mình sống có hạnh phúc không. có lẽ có, vì tôi chỉ tâm niệm mỗi một điều là lấy chồng và nguyện vọng ấy sắp trở thành hiện thực. Sau này tôi nhận ra rằng người thực sự bất hạnh là người mất hết mọi nỗi niềm hy vọng và lao theo một điều gì đấy mà ngay cả cảnh phong lưu, sung túc cũng không thể giúp gì được.
Nhiều lần tôi thấy Astarita đi theo tôi, bao giờ cũng vào lúc sáng sớm khi tôi đến xưởng họa. Thường Astarita đứng đợi tôi ở bên kia đường, sau một chỗ bức tường thành nhô ra. Chẳng bao giờ anh ta bước sang đường bên tôi và trong khi tôi rảo cẳng tiến về phía quảng trường, Astarita chọn một chỗ an toàn với người đi bộ, nhưng phải đối diện với tôi. Anh ta tiếp tục dán mắt nhìn tôi, song khi tôi vừa ngoảnh lại, anh ta liền giả vờ như đang đợi tàu. Vị tất một người phụ nữ có thể dửng dưng trước một mối tình như vậy, còn tôi, tuy đã kiên quyết không bắt chuyện với anh ta nữa, song đôi lúc cũng bất giác thấy thương thương anh ta. Tôi đợi một lát, chờ Gino đi xe tới hoặc chờ tàu đến, rồi đi khỏi, để lại Astarita đứng trên hè phố đưa mắt nhìn theo tôi.
Một hôm lúc về nhà ăn bữa tối, vừa bước vào phòng may tôi thấy Astarita tay cầm mũ, đứng khom khom bên bàn cùng mẹ trò chuyện. Thấy anh ta ở trong nhà mình và đoán biết anh ta đang nói gì với mẹ - chắc chắn anh ta đang lôi kéo mẹ ủng hộ mình – tôi chẳng còn thương xót anh ta nữa. Tôi điên tiết lên và hỏi:
- Ông cần gì ở đây?
Astarita đưa mắt nhìn tôi, mặt bắt đầu co giật hệt như lúc anh ta bảo anh ta mến tôi khi ngồi trên xe đi Viterbo. Nhưng lần này anh không hé răng nói ra một lời nào.
- Signor đây bảo có quen con... - Mẹ nói giọng tin tưởng – Signor ghé vào thăm con...
Qua giọng mẹ, tôi nhận thấy rằng Astarita đã nói với mẹ đúng những điều tôi nghĩ, biết đâu anh ta lại chẳng giúi tiền cho mẹ.
- Phiền mẹ ra ngoài kia một lát – Tôi bảo.
Mẹ hoảng sợ trước cái giọng khắt khe của tôi và lặng lẽ bỏ ra bếp.
- Ông cần gì ở đây?... Ra ngay – Tôi nhắc lại.
Anh ta nhìn tôi, mấp máy môi, nhưng không thốt lên lời. Anh ta trợn ngược mắt để lộ cả lòng trắng, tôi sợ anh ta chết ngất trong lúc này.
- Ra ngay – Tôi dậm chân và thét vang - Nếu không tôi sẽ gọi người đến đấy... gọi anh bạn của chúng tôi đang sống ở tầng dưới.
Sau này nhiều lần tôi tự hỏi chẳng rõ tại sao Astarita lại không dọa tố giác và dọa nếu tôi không nhượng bộ anh ta sẽ kể hết với Gino sự việc xảy ra ở Viterbo, vì tố giác chuyện đó thì rất đạt, quả là tôi có ngủ với anh ta, sẽ có người xác nhận điều đó và tôi không thể chối cãi được. Tôi nghĩ dạo ấy anh ta chỉ muốn chiếm đoạt tôi thôi, còn bây giờ thì thực sự yêu rồi. tình yêu đòi hỏi phải có sự đáp lại, có lẽ qua sự việc ở Viterbo, anh chàng đa tình Astarita không mãn nguyện, tuy tôi ngủ với anh ta, song cứ nằm im và thụ động như một cái xác không hồn. Ngoài ra bây giờ tôi đã quyết định kể hết sự thật với Gino, nếu yêu tôi, anh sẽ hiểu rõ và tha thứ. Sự kiên quyết của tôi chắc đã làm Astarita tin rằng có tố giác cũng vô ích.
Nghe tôi dọa gọi người đến, anh ta chẳng nói gì và chậm rãi bước ra cửa kéo lê mũ trên chiếc bàn dài. Tới cuối bàn, anh ta dừng lại, cúi gằm mặt chắc định nói gì đấy. Song khi ngước mắt nhìn tôi và mấp máy môi thì bao can đảm hẳn đã tan biến và chỉ im lặng trân trân nhìn tôi. Cái nhìn ấy tôi thấy mới lâu làm sao. Cuối cùng, anh ta gật đầu chào, bước ra ngoài rồi khép cửa lại.
Tôi liền chạy vào bếp và trút cơn thịnh nộ lên mẹ:
- Mẹ đã nói gì với hắn ta?
- Chẳng nói gì cả - Mẹ hốt hoảng đáp – Anh ta hỏi chúng ta làm gì... Bảo muốn đặt may một chiếc áo sơ mi.
- Nếu mẹ đến chỗ hắn, con giết mẹ đấy! – Tôi gào lên.
Mẹ nhìn tôi, vẻ kinh hoàng và đáp:
- Chẳng ai định đến chỗ anh ta cả. Mặc anh ta muốn may áo sơ mi ở đâu thì may.
- Thế hắn ta không nói gì về con à?
- Có hỏi bao giờ thì lấy chồng.
- Thế mẹ bảo sao?
- Tháng mười sẽ cưới.
- Hắn ta không đưa tiền cho mẹ đấy chứ?
- Không, vì lý do gì? - Mẹ đưa mắt nhìn tôi, làm bộ ngạc nhiên - Tại sao anh ta lại phải đưa tiền cho mẹ?
Lúc ấy tôi tin chắc Astarita đã cho mẹ tiền. Tôi xô đến và nắm chặt tay mẹ:
- Mẹ nói thật đi! Hắn đã cho tiền mẹ à?
- Không, anh ta chẳng cho gì hết.
Tay mẹ khư khư giữ túi áo tạp dề. Tôi giật mạnh cổ tay mẹ và một tờ giấy bạc gấp đôi từ trong túi văng ra. Tuy tôi chưa buông tay mẹ, mẹ đã cúi xuống vơ vội tiền, vẻ hám tới mức bao bực tức trong tôi đều tan biến. Tôi nhớ lại nỗi xúc động và niềm hạnh phúc đã trỗi dậy trong lòng tôi khi cầm đồng tiền do Astarita đưa vào cái ngày đi Viterbo ấy, và nhận ra rằng mình không có quyền lên án những tình cảm của mẹ mà chính bản thân đã trỗi dậy trước cám dỗ tương tự. Tôi ân hận về chuyện vừa xảy ra: tốt hơn hết không nên hỏi han gì cả để chẳng bao giờ phải thấy những đồng tiền ấy. Do đó, tôi bình tĩnh bảo:
- Mẹ thấy chưa, dẫu sao hắn cũng đưa cho mẹ tiền.
Và không đợi nghe một lời giải thích nào hết, tôi bổ ra khỏi bếp. Trong lúc ăn tối, tôi thấy mẹ không có ý định gợi chuyện về Astarita và tiền nong. Thấy tôi nói tới vấn đề khác, mẹ cũng chẳng nhắc nữa.
Ngay hôm sau, Gisella đi một mình – không có Ricardo - đến hiệu mứt kẹo nơi chúng tôi thường gặp nhau. Vừa ngồi xuống, cô ta chẳng cần rào đón gì cả, đi thẳng vào câu chuyện.
- Hôm nay mình phải trao đổi với cậu một vấn đề rất quan trọng.
Linh cảm thấy có điều chẳng lành, tôi tái mét mặt:
- Nếu là chuyện không hay – Tôi tuyên bố giọng ngắt quãng – mong cậu đừng nói với mình.
- Chẳng ra không hay, cũng chẳng ra hay – Cô ta vội đáp - Ấy là mình muốn báo cho cậu biết một đôi điều, có vậy thôi... Mình đã bảo Astarita là...
- Mình không muốn nghe nói tới Astarita.
- Nhưng cứ nghe cho hết đã, cậu đâu còn là trẻ con. Astarita, như mình đã nói với cậu, là một nhân vật rất quan trọng... Hắn ta là một dàn bự ở bên cảnh sát theo dõi về chính trị.
Tôi thấy yên tâm hơn, xét cho cùng, tôi đâu có hoạt động chính trị.
- Anh ta là ai thì cũng vậy, có là bộ trưởng thì cũng chẳng liên quan gì tới mình. – Tôi đáp.
- Chà, cái cậu này... – Gisella càu nhàu - Đừng ngắt lời mình, hãy nghe đã nào... Thế này này, Astarita bảo mình cậu phải đến gặp hắn ta ở bộ... hắn muốn trao đổi với cậu... không phải chuyện yêu đương đâu - Thấy tôi định phản đối Gisella vội nói tiếp - Hắn ta muốn trao đổi với cậu về một vấn đề quan trọng, có liên quan đến bản thân cậu.
- Vấn đề gì liên quan tới mình nhỉ?
- Đấy là hạnh phúc của cậu... Hắn chỉ hé cho mình biết như vậy.
Không hiểu sao, sau năm lần bảy lượt từ chối, lần này tôi lại nhận lời mời của Astarita? Bản thân tôi cũng không rõ nữa. Tôi đáp rất khẽ:
- Thôi được rồi, mình sẽ đến chỗ anh ta.
Gisella hơi nản trước sự phục tùng của tôi. Mãi lúc này cô ta mới nhận thấy mặt tôi tái nhợt nên hoảng hốt nói:
- Cậu làm sao vậy? Cậu sợ hắn là cảnh sát à? Nhưng hắn không hoàn toàn giận cậu đâu... Mới lại, hắn chẳng có ý định bắt giữ cậu, cậu sợ gì?
Tôi đứng dậy, tuy cảm thấy đứng không vững.
- Thôi được – Tôi nhắc lại – Mình đến chỗ anh ta... ở bộ nào nhỉ?
- Bộ nội vụ, ở ngay trước rạp chiếu bóng “Pochinem” ấy. Nhưng nghe mình nói đã...
- Vào lúc nào?
- Hắn ta sẽ đợi cậu từ sáng... nhưng nghe đây...
- Chào cậu.
Đêm ấy tôi hầu như không ngủ được. Tôi chẳng rõ ngoài tình yêu, Astarita còn muốn khai thác gì ở tôi nữa, song một linh cảm kỳ lạ báo trước cho tôi biết rằng chẳng nên chờ mong một điều gì tốt đẹp. Anh ta gọi tôi đến chỗ làm việc thì cũng có thể thấy rõ là việc này có liên quan ít nhiều đến cảnh sát. Như mọi người nghèo khổ, tôi nhận thấy rằng mỗi khi cảnh sát xen vào việc gì thì không thể có kết thúc tốt đẹp được. Một lần nữa, tôi lại suy nghĩ về hành vi của bản thân và đi đến kết luận rằng Astarita sau khi lượm lặt được đôi điều về Gino, lại định giở trò tố giác tôi đây. Tôi không rõ đời tư của anh, song biết đâu, anh khả nghi về mặt chính trị thì sao?Bản thân tôi chẳng bao giờ hoạt động chính trị, nhưng không đến nỗi ngu đần đến mức không biết được rằng không ít người hoạt động chống lại chính phủ phát xít và chính vì vậy nên mới có những người như Astarita có nhiệm vụ theo dõi các kẻ thù chống lại chính phủ. Trí tưởng tượng của tôi phác họa những bức tranh rực rỡ về cuộc gặp gỡ giữa tôi và anh ta mà sau đó tôi phải lựa chọn: hoặc là phải nhượng bộ anh ta, hoặc là Gino phải ngồi tù. Khổ một nỗi, bất luận thế nào tôi cũng chẳng nhượng bộ Astarita, song mặt khác, tôi lại sợ Gino bị bắt. Nghĩ đến tất cả những chuyện đó, bây giờ tôi không những không xót thương Astarita mà thậm chí còn căm thù hắn ta. Tôi thấy hắn ta hèn nhát và nhỏ mọn, chẳng những không xứng đáng sống trên đời mà còn đáng tội chết một cách khốc liệt nhất. Phải thú nhận rằng đêm ấy, ngoài bao kế hoạch khác nhau, tôi còn nảy ra ý nghĩ giết hắn ta. Song chắc đây chỉ là một cơn ác mộng được phóng đại quá đáng. Do thiếu kinh nghiệm và không kiên quyết, tôi chẳng bao giờ thực hiện được ý định của bản thân. Mãi sáng tôi vẫn không bứt ra được khỏi cơn ác mộng này. Tôi đã hình dung là sẽ bỏ vào túi xách tay con dao mài sắc mà mẹ đã dùng để gọt khoai tây, giả vờ e lệ bước vào chỗ Astarita, sau đó lấy hết sức bình sinh vung tay không hề biết run đâm cho hắn một nhát vào gáy, đúng ngay vào khoảng giữa tai và chiếc áo cổ cồn trắng tinh. Tôi hình dung mình bình tĩnh trước khi ra khỏi phòng Astarita, sau đó rảo cẳng chạy và đến ẩn chỗ Gisella hay ở chỗ người đáng tin cậy nào đó. Tuy hình dung ra những cảnh đẫm máu, tôi thừa biết mình chẳng đời nào lại có thể hành động như vậy: tôi sợ máu, sợ làm người khác bị đau, và do bản tính, tôi có xu hướng chịu đựng bất kỳ một sự bạo lực nào đối với bản thân còn hơn phải sử dụng đến nó.
Sáng ra, tôi bừng tỉnh khi mới chợp mắt được một lát và chồm dậy lúc trời tờ mờ sáng, rồi như thường lệ, đến chỗ hẹn gặp Gino. Vừa tới chỗ xa lộ của chúng tôi, tôi liền hỏi anh sau dăm ba câu trò chuyện:
- Anh có bao giờ tham gia hoạt động chính trị không?
- Hoạt động chính trị. Ý em định nói gì vậy?
- Anh có âm mưu chống chình phủ không?
Gino nhìn tôi chằm chằm và hỏi:
- Thế nào? Em cho anh là một thằng ngốc à?
- Không, nhưng...
- Không, trước hết em hãy trả lời anh đã, trông anh có giống một thằng ngốc không?
- Không – Tôi đáp – Anh chẳng giống, nhưng...
- Nếu vậy – Gino kết luận – Anh tham gia hoạt động chính trị làm cái quái gì?
- Em không rõ, song đôi lúc...
- Không có chuyện đó đâu... à mà nếu có ai bảo với em như vậy, em có thể nói trắng ra rằng Gino Molinari không phải là đồ ngốc.
Khoảng mười một giờ sáng, sau khi lưỡng lự đi quanh Bộ Nội vụ cả tiếng đồng hồ mà chưa quyết định có nên vào hay không, cuối cùng tôi hỏi người gác cổng cách thức đến gặp Astarita.
Thoạt đầu tôi leo lên một cầu thang dài và rộng bằng cẩm thạch, rồi đến một cầu thang không dài và rộng bằng cái trước, đi qua mấy cầu thang nữa cũng rộng thênh thang và ngay phòng đón tiếp có ba cửa châu vào. Tôi đã quen dần cái từ “cảnh sát” với những tòa nhà bẩn thỉu và tối om om của các cảnh sát viên dưới khu, nên rất đỗi ngạc nhiên trước vẻ sang trọng của bộ, nơi Astarita làm việc. Phòng tiếp khách có khảm tranh ghép mảnh và xung quanh treo tranh cổ thường thấy ở nhà thờ, trông giống phòng tổ chức yến tiệc. Ghế bọc da để dọc theo mấy bức tường, còn giữa phòng kê một chiếc bàn đồ sộ. Khi thấy tất cả cái vẻ sang trọng này, tôi bất giác nghĩ rằng Gisella nói đúng: Astarita có lẽ quả là một nhân vật quan trọng. Cơ hội cho thấy rõ điều này đến với tôi một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Tôi vừa ngồi xuống ghế bành thì một cánh cửa mở toang, một signora dong dỏng cao, xinh đẹp, tuy không còn trẻ, áo quần trang nhã và mặc toàn đồ đen, mặt che mạng voan bước ra. Astarita tiễn chân signora. Tôi đứng dậy, nghĩ bụng sắp tới lượt mình. Nhưng Astarita ra hiệu từ xa cho tôi, có ý muốn bảo là đã trông thấy tôi và yêu cầu ngồi đợi, còn bản thân anh ta vẫn trò chuyện tiếp với signora kia. Sau khi tiễn signora ra giữa phòng và hôn tay để chia tay, anh ta mời một ông già đeo kính có bộ râu bạc phơ, mặc bộ đồ đen, trông ra vẻ một giáo sư, cũng đang ngồi đợi ở phòng tiếp khách. Thấy Astarita ra hiệu, ông già liền đứng dậy vẻ khúm núm thở dài một cái rồi lao đến chỗ anh ta. Hai người đi khuất vào phòng làm việc, còn lại mỗi mình tôi.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là sự thay đổi trong hành vi của Astarita, lúc này anh ta ra dáng khác hẳn với khi chúng tôi làm quen nhau và khi đi Viterbo. Lúc ấy, anh ta run rẩy, vụng về và lầm lì, lúc này trước mắt tôi anh ta là một con người hoàn toàn khác: anh ta làm chủ bản thân mình, tư thế tự nhiên thoải mái, tuy nghiêm túc, đàng hoàng, giấu đi một sự ưu việt nào đó. Ngay giọng nói của anh ta cũng khác hẳn. Trong buổi đi chơi với chúng tôi, anh ta nói giọng trầm, đắm đuối, hoàn toàn như bị nén lại, còn lúc này, khi trò chuyện với signora đeo mạng voan, giọng anh ta ngân vang rành rọt, chắc nịch đều đều và bình tĩnh. Anh ta ăn mặc như lần trước, vẫn bộ quần áo màu xám sẫm, chiếc áo sơ mi có cổ cồn cao như bó lấy cổ làm anh ta quay đầu một cách khó khăn. Trong chuyến đi Viterbo, tôi đã nhìn kỹ cả bộ quần áo và chiếc cổ áo này và không thấy có gì đặc biệt, bây giờ chúng lại rất hợp với khung cảnh ở đây, rất hợp với bộ đồ gỗ đồ sộ và cân đối, cả căn phòng rộng thênh thang lẫn sự yên tĩnh, ngăn nắp bao trùm nơi đây tựa hồ như bộ quần áo thế mới ăn nhập đồng bộ với một chốn như chốn này. Gisella nói đúng, tôi lại thầm nghĩ,anh ta quả là một nhân vật quan trọng, sở dĩ anh ta lúng túng vì lúc nào cũng sẵn sàng hạ mình trước tôi chẳng qua là vì yêu tôi mà thôi.
Những suy nghĩ đó đã xua tan nỗi lo lắng trước đây của tôi, đến mức phải mấy phút sau, khi cánh cửa mở toang và ông già bước ra thì tôi vẫn hoàn toàn tự chủ. Song lần này không thấy Astarita xuất hiện nơi ngưỡng cửa.
Phòng làm việc của Astarita chỉ nhỏ hơn phòng tiếp khách một chút. Nó gần như trống trơn, vỏn vẹn thấy kê tại một góc phòng một chiếc đi-văng và hai chiếc ghế bành da với chiếc bàn lớn mà bản thân Astarita đang ngồi làm việc. Một ngày buồn bã, yên tĩnh, ảm đạm và lạnh lẽo ngó vào căn phòng qua những lớp rèm trắng treo trên hai cửa sổ, còn tôi không hiểu sao lại nhớ tới giọng Astarita khi anh ta trò chuyện với signora che mạng voan. Một chiếc thảm lớn mềm mại trải giữa sàn, còn trên tường treo vài bức tranh. Tôi vẫn nhớ một bức: những cánh đồng xanh rờn chạy mãi đến tận chân trời và vây quanh dãy núi dựng đứng.
Astarita ngồi sau chiếc bàn lớn, khi tôi bước vào, anh ta vẫn không rời mắt khỏi đống giấy tờ đang đọc, hay nói cho đúng hơn, làm ra vẻ đang đọc. Tôi nói “làm ra vẻ” vì tôi tin chắc như vậy: đây là một tấn trò thông thường, anh ta muốn dọa tôi và muốn tỏ ra, như người ta thường bảo, ta đây có nhiều quyền hành và giữ một trọng trách. Còn trên thực tế, khi tôi lại gần thì trên mặt mảnh giấy anh ta đang chăm chăm nhìn chỉ có ba hoặc bốn dòng chữ và ở phía dưới là một chữ ký. Dù anh ta cố che giấu nỗi xúc động, nhưng bàn tay chống cằm vẫn kẹp điếu thuốc lá giữa hai ngón tay khẽ run run, làm tàn điếu thuốc rơi ngay xuống tờ giấy mà anh ta xem xét vẻ chăm chú một cách cường điệu.
Tôi chống tay lên mép bàn và bảo:
- Tôi đã đến.
Nghe thấy vậy, anh ta giật mình, bứt ra khỏi đống giấy, đứng bật dậy, tiến đến bên tôi và bắt cả hai tay tôi. Anh ta lẳng lặng làm những động tác ấy cố giữ vẻ đường hoàng và thoải mái. Song tôi liền nhận thấy rằng, vừa nghe thấy giọng tôi, anh ta liền quên mất cái vai mà anh ta đã chuẩn bị để thủ và lại bị rơi vào tâm trạng xúc động không thể kìm nén được. Anh ta hôn hai tay tôi, thoạt đầu hôn một tay sau hôn cả hai, nhìn tôi bằng cặp mắt buôn phiền và thèm muốn, định nói gì đấy, nhưng môi cứ lắp bắp.
- Cô đã đến – Mãi sau anh ta mới lên tiếng bằng cái giọng lý nhí và nghẹn ngào mà tôi đã biết.
Chắc hẳn đã nhận thấy rõ sự thay đổi trong anh ta, tôi lấy lại được bình tĩnh.
- Vâng, tôi đã đến... tuy chẳng nên như vậy... Thế anh muốn bảo gì tôi? – Tôi hỏi.
- Thì cô cứ ngồi xuống đây đã – Astarita bóp mạnh tôi và khẽ nói.
Anh ta không chịu buông tay tôi ra, đưa tôi đến bên chiếc đi-văng. Tôi ngồi xuống, bỗng anh ta quỳ sụp xuống, ôm và áp trán vào chân tôi. Anh ta lẳng lặng, toàn thân run lên bần bật. Anh ta ôm chặt đến nỗi chân tôi phát đau, anh ta lặng người đi chốc lát, sau đó vươn cái đầu hói lên tựa hồ như muốn chùi mặt vào gối tôi. Tôi cựa mình định đứng dậy rồi nói:
- Anh muốn báo cho tôi một điều quan trọng, anh hãy nói đi... Nếu cứ im lặng là tôi sẽ ra về đấy.
Sau những lời ấy, anh ta đứng dậy, anh ta níu tôi và nói tiếp:
- Đúng, tôi muốn cùng cô trò chuyện, nào ta bắt đầu nhé...
- Về cái gì?
- Tôi yêu cô – Astarita vội nói – Tôi rất yêu cô, về chỗ tôi đi, ở nhà tôi ấy, cô sẽ thực sự là bà chủ nhà... như vợ tôi... tôi sẽ mua tặng cô áo dài, những trang sức quý, tất cả những gì cô muốn...
Anh ta tựa hồ nói như mê sảng, lời anh ta lộn xộn văng ra khỏi đôi môi méo xệch gần như bất động.
- Chà, anh bắt tôi đến đây chỉ để nghe những chuyện ấy thôi à? – Tôi lạnh lùng nói.
- Cô không muốn à?
- Thậm chí tôi còn không muốn nói tới chuyện đó nữa.
Kể cũng lạ, song anh ta chẳng đáp lại lời tôi. Anh ta chỉ giơ tay lên và nhìn tôi chằm chằm vẻ não nề gần như thôi miên. Anh ta dịu dàng vuốt mặt tôi như muốn ghi nhớ từng nét một. Ngón tay lướt thật trìu mến, tôi thấy chúng cứ run rẩy, rồi anh ta đưa tay vuốt nhẹ thái dương, má và cằm tôi. Đây là những cử chỉ của một người đang yêu say đắm, và tình yêu của anh ta mới tha thiết làm sao, nên tuy rất cương quyết, tôi vẫn không thể trơ trơ trước tình cảm của anh ta, dẫu sao trong một khoảnh khắc nào đó tôi đã định, do lòng thương hại, nói với anh ta dăm ba lời không đến nỗi gay gắt và cục cằn như trước. Nhưng tôi chưa kịp nói gì thì đúng giây phút đó, anh ta đứng dậy và lắp bắp nói, giọng hổn hển, nhưng còn chứa đựng một điều gì mới lạ ngoài sự xúc động và khát khao mà tôi đã thấy rõ:
- Gượm đã, thật ra... tôi muốn báo cho cô một điều quan trọng.
Anh ta tiến đến bên bàn và cầm lấy một cuốn sổ tay màu đỏ. Lúc này, khi anh ta cầm cuốn sổ đi lại chỗ tôi, tôi thấy hồi hộp. Tôi hỏi, giọng khản đặc:
- Cái gì vậy?
- Đây là, đây là... – Anh ta ấp úng và mãi sau, tuy cố gắng hết sức giữ giọng đàng hoàng và trịnh trọng mới chật vật thốt lên lời – Đây là những tin liên quan đến anh chồng chưa cưới của cô.
- À... – Tôi bật kêu lên và nheo mắt trong giây phút vì lo sợ.
Astarita không nhận thấy gì hết, anh ta lật giở cuôn sổ, băn khoăn vân vê trang giấy.
- Gino Molinari, đúng không nào?
- Đúng.
- Hai người sẽ tổ chức lễ cưới với nhau vào tháng mười, có phải không?
- Nhưng có tin báo cho biết rằng Gino Molinari đã có vợ - Anh ta nói tiếp – Chính xác hơn, đã có vợ bốn năm nay, lấy Antonieta Partini, con gái Emilia Partini đã qua đời và Diomira Lavagni. Họ có một con gái tên là Maria... Hiện nay vợ anh ta đang sống ở nhà mẹ mình ở Orvieto.
Tôi lẳng lặng đứng dậy và tiến lại gần cửa. Astarita đứng ngây người giữa phòng, tay cầm cuốn sổ. Tôi mở cửa bước ra.
Hôm ấy là một ngày đông man mác buồn ảm đạm. Tôi còn nhớ khi vừa ra ngoài phố lẫn vào đám đông, tôi liền cay đắng nhận thấy rằng sau một đứt đoạn ngắn có liên quan tới nỗi niềm hy vọng của tôi và việc chuẩn bị đám cưới, cuộc đời tôi như một con sông thoạt đầu bị bắt phải thay đổi dòng chảy, nhưng sau đó lại được đưa về lòng cũ như trước, chẳng hề có một sự thay đổi nào cả. Chắc hẳn sở dĩ tôi có cảm giác ấy là vì sững sờ trước cái tin khủng khiếp đó, tôi chăm chú đưa mắt nhìn thế giới thực tại quanh mình, nhìn một cách không ảo tưởng – người, xe cộ, nhà cửa, sau bao tháng trời hiện ra trước mắt tôi dưới làn ánh sáng thực sự, có sao phản ánh vậy, không xấu xa cũng không tuyệt vời, không quá quan trọng và không quá tầm thường, chắc trước con mắt của người chợt tỉnh rượu cũng vậy. Có thể giải thích tâm trạng này của tôi, sở dĩ như thế là do bỗng nhận thức một cách rõ ràng rằng chẳng nên gò cuộc sống thực vào những khuôn khổ khái niệm thiển cận của tôi về hạnh phúc và ngược lại, cuộc sống hình thành từ những điều thường mâu thuẫn với mọi quy luật và khái niệm, bất ngờ thể hiện ra dưới hình thức cực kỳ khó chịu, gây đau thương, buồn phiền. Nếu cuộc sống được xếp đặt đúng như tôi đã thấy lúc này và chính ngay vào cái buổi sáng xảy ra sau vụ say nọ mấy tháng, tôi lại bắt đầu sống.
Việc tri giác mới ấy về cuộc sống là sự phát hiện duy nhất giúp tôi vạch trần tính chất hai mặt của Gino. Tôi không lên án anh ta, thậm chí cũng không giận anh ta sâu sắc. Bản thân tôi phần nào có lỗi vì đã để cho anh ta lừa dối, cái giây phút thích thú khi Gino ôm hôn tôi đã ghi sâu quá đậm nét trong tôi để không nhận thấy rõ, mà lại còn tìm cách tha thứ cho sự dối trá của anh ta.
Do bị dục vọng mù quáng lôi cuốn, anh ta là một con người yếu hèn, chứ không phải là một kẻ độc ác, tôi thầm nghĩ, và tai họa - nếu có thể gọi điều này là tai họa – chính là ở chỗ vẻ đẹp của tôi đã làm cho đầu óc đàn ông quay cuồng và đẩy họ đến chỗ quên cả nghĩa vụ của mình và chẳng còn biết hổ thẹn là gì. Nói chung Gino có lỗi không kém gì Astarita, có điều kẻ thứ nhất phải dùng đến cách dối trá, còn kẻ thứ hai, tố giác. Song cả hai đều yêu tôi theo cách riêng của bản thân và tất nhiên, có thể gắn cuộc đời của họ với tôi một cách hợp pháp thì họ sẽ đem lại cho tôi niềm hạnh phúc giản dị mà tôi đã đặt lên cao hơn tất cả trên đời. Song số phận chớ trêu sao, tuy xinh đẹp, thế mà tôi chỉ toàn gặp những người đàn ông không thể đem cho tôi niềm hạnh phúc đó. Và nếu tôi chưa rõ ai là kẻ có lỗi chủ yếu trong vấn đề này, thì dẫu sao, tôi cũng biết rõ ràng có một người là nạn nhân và nạn nhân ấy chính là bản thân tôi.
Chắc một vài người cho rằng tình cảm của tôi khi để vạch mặt phản bội của Gino là kỳ cục. Song lần nào cũng vậy, mỗi khi bị xúc phạm, tôi đều có ý muốn tha thứ cho kẻ đã xúc phạm mình và nhanh chóng quên đi mọi điều sỉ nhục. Thái độ nhẫn nhục ấy chắc bắt nguồn từ sự nghèo khổ, thơ ngây và bất lực của tôi. Và nếu do bị xúc phạm mà tôi có một sự thay đổi nào đó, thì nó không được bộc lộ ra qua hành vi và dáng vẻ của tôi, nó lẩn sâu vào trong lòng tựa như một vết thương rớm máu và nhanh chóng được phủ kín bởi một lớp mô lành và đâm sẹo. Những vết sẹo ấy vẫn còn đấy, và tất cả những vận động không nhận biết được ấy của tâm hồn để lại dấu vết của chúng.
Và trong chuyện giữa tôi và Gino này đã xảy ra đúng như vậy. Tôi không hề giận Gino một giây phút nào, nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy niềm ao ước có gia đình của tôi, lòng kính trọng Gino bị sụp đổ, đồng thời kéo theo cả nỗi khát khao muốn thắng Gisella và mẹ, niềm tin của tôi vào Chúa và điều trước đây gọi là niềm tin của tôi. Tôi bất giác so sánh mình với con búp bê tôi chơi đùa hồi bé, tôi nghịch và quăng quật con búp bê tội nghiệp hết ngày nọ sang ngày kia, bỗng một bận, tôi nghe thấy dội ra từ bên trong nó tiếng loảng xoảng, răng rắc và tuy khuôn mặt hồng hào của nó vẫn tươi cười, song một điều không sao sửa được đã xảy ra. Tôi vặn ngoéo đầu nó, và từ cái lỗ nơi cổ bung ra nào là những mảnh sứ, mẩu dây, đinh ốc, các bộ phận làm nhắm mở mắt, phía trong của nó không rõ cơ man nào là những mẩu gỗ và những mẩu giẻ bí ẩn mà tôi chẳng rõ dùng vào việc gì.
Ti nhói đau, nhưng vẻ ngoài thanh thản, tôi bước về nhà. Ngay hôm ấy, tôi vẫn cứ làm nhưng công việc thường lệ, tôi không hề nói với mẹ một lời nào về sự việc xảy ra với tôi và tôi đã rút ra kết luận gì cho bản thân, song biết rằng mình không thể giả bộ cứ khâu tiếp áo cưới, nên tôi tống luôn những thứ đang khâu dở vào tủ ở phòng tôi. Nỗi buồn bất thường ấy của tôi - một người luôn vui vẻ và vô tư – không thể lọt qua mắt mẹ, nhưng tôi bảo chẳng qua vì mệt, vì thực tế thì đúng như vậy. Tối đến, khi mẹ vẫn còn ngồi may, tôi bỏ về phòng mình, không cởi áo quần và lên giường nằm. Lúc này, tôi nhìn bộ đồ gỗ đã được trang trải hết bằng tiền của Astarita với cặp mắt khác, không vui sướng và đầy hy vọng như trước. Tôi không cảm thấy đau khổ mà chỉ thấy mệt mỏi ghê gớm và thấy dửng dưng trước mọi chuyện, như sau khi làm xong mọi công việc nặng nhọc nhưng không có kết quả. Hơn nữa, tôi thấy toàn thân đau dừ và rất muốn nằm nghỉ. Mải suy nghĩ về bộ đồ gỗ và cho rằng lúc này tôi chẳng còn cần đến nó như đã mơ ước, tôi vẫn mặc nguyên quần áo và thiếp đi. Tôi đã ngủ chắc độ khoảng bốn tiếng, nhưng giấc ngủ nặng nề và không yên, tỉnh dậy trời đã tối om om, tôi gọi mẹ ầm lên. Mẹ tôi thưa và bảo không muốn đánh thức vì thấy tôi ngủ ngon quá.
- Mẹ chuẩn bị xong bữa ăn tối trước đây một giờ - Mẹ nói tiếp – Con có chuyện gì vậy? Thế con không muốn dậy à?
- Con không muốn ngồi dậy ạ - Tôi đáp và đưa tay lên che mắt vì bị chói - Mẹ mang bữa tối vào đây cho con với, được không mẹ?
Mẹ đi ra một lát sau bê chiếc khay trên để bữa ăn tối như thường lệ của tôi vào. Mẹ đặt khay nơi mép giường, tôi chống khuỷu tay nhỏm dậy, nhệu nhạo ăn đôi chút. Mẹ đứng nhìn tôi. Nhưng ăn được vài miếng, tôi không nuốt nổi nữa và buông mình xuống gối.
- Con sao vậy? Sao không chịu ăn uống thế? - Mẹ hỏi.
- Con không đói.
- Con bị mệt à?
- Con khỏe lắm mẹ ạ.
- Nếu vậy thì mẹ dọn đây - Mẹ nói rồi bưng khay đặt xuống sàn gần cửa sổ.
- Sáng mai mẹ đừng đánh thức con dậy, mẹ nhé. - Một lát sau tôi lên tiếng bảo.
- Tại sao thế?
- Con chẳng muốn làm người mẫu nữa, vì mệt chết đi được, tiền kiếm cũng chẳng được bao nhiêu.
- Thế con sẽ làm gi? - Mẹ lo lắng hỏi - Mẹ không thể nuôi con được, con đâu còn là một cô bé nữa và con tiêu khá tốn kém... Hơn nữa nhà ta phải chi tiêu nhiều... quần áo cưới của con...
Mẹ bắt đầu than thở và khóc sụt sịt. Hai tay ôm mặt, tôi chậm rãi và rành rọt nói:
- Bây giờ mẹ hãy để con yên... Mẹ đừng lo, chúng ta sẽ có tiền.
Im lặng một hồi lâu, cuối cùng mẹ lên tiếng hỏi, giọng băn khoăn và sợ hãi giống hệt như một cô hầu bị quở trách và quá sỗ sàng và đang cố xun xoe để được bỏ qua cho.
- Con có cần gì nữa không?
- Mẹ làm ơn... giúp con cởi áo quần... Con mệt bã người và thèm ngủ quá chừng.
Mẹ phục tùng ngồi xuống bên giường, cởi giày và tất cho tôi, sau đó cẩn thận để ở ghế kê nơi đầu giường. Tiếp đến, mẹ cởi áo dài, áo lót và giúp tôi mặc chiếc áo ngủ. Suốt từ lúc nãy tới giờ tôi cứ nhắm nghiền mắt và vừa nằm vào trong chăn, tôi liền co quắp và rúc đầu vào chăn. Tôi nghe tiếng mẹ tắt đèn, chúc tôi ngủ ngon dừng chân nơi ngưỡng cửa còn tôi nằm im không đáp. Một lát sau, tôi thiếp đi, ngủ say suốt đêm và dậy rất muộn.
Sáng ra, như thường lệ, tôi sẽ đến chỗ hẹn gặp Gino, nhưng khi thức dậy, tôi nhận thấy mình không thể gặp anh ta chừng nào nỗi đau của tôi chưa dịu nguội và chừng nào thái độ của tôi với sự phản bội của anh ta chưa được vô tư và bình thản như đối với một sự việc xảy ra không phải với tôi mà là với một ai đó. Cả dạo ấy lẫn mãi về sau, tôi cố tránh mọi lời giải thích liên quan tới sự dối loạn về tình cảm, đặc biệt khi những tình cảm ấy – như trong trường hợp cụ thể này – hoàn toàn chẳng phải là những tình cảm yêu thương và đáng mến. Tất nhiên tôi chẳng còn yêu Gino nữa, nhưng cũng không oán hận anh ta, vì tôi không muốn ngoài nỗi đắng cay do sự phản bội của anh ta gây nên, lại còn mang nặng trong lòng một tình cảm đau buồn và bẽ bàng, đó là lòng căm thù.
Tuy thế, sáng hôm đó tôi cảm thấy đặc biệt lười - gần như tới mức thích thú nữa – và không đến nỗi tuyệt vọng như chiều hôm trước. Mẹ tôi ra ngoài còn lâu lắm mới về, mà nếu có về thì cũng phải quá trưa. Tôi khoan khoái nằm trong chăn, đây là khoái cảm đầu tiên tôi cảm thấy vào đầu giai đoạn mới của cuộc đời tôi, khi đã quyết định từ nay chỉ đi tìm khoái cảm mà thôi. Đối với một người cứ luôn luôn phải dậy sớm như tôi, thì sự vô công rồi nghề vào một buổi sáng như thế này quả là một điều xa xỉ. Tôi đã phải chịu nén nhịn quá lâu, còn bây giờ tôi quyết định cho phép mình được hưởng cái ý ngông như vậy, và tôi sẽ luôn luôn xử sự như vậy, tôi sẽ có đủ mọi thứ mà cho tới nay, vì nghèo túng hoặc vì hy vọng một cuộc sống yên ấm trong gia đình nên tôi đã buộc phải ngoảnh mặt bỏ qua, chẳng là tôi yêu đàn ông – Tôi đã nghĩ – yêu tiền bạc, yêu những đồ vật có thể mua được bằng tiền, do đó, từ nay tôi sẽ không bỏ lỡ một cơ hội thuận tiện nào, không từ chối tình yêu, tiền bạc hay tất cả những gì tình yêu và tiền bạc có thể cho tôi. Song, đừng nên nghĩ rằng tôi có ý định như vậy là do đau buồn, oán hận hoặc để trả hận. Ngược lại, tôi đã khoan khoái nghĩ tới điều đó, cảm thấy trước mọi lạc thú. Bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó chịu đến đâu cũng có cái hay của nó. Tôi đã mất, tỏng vòng có một tiếng đồng hồ niềm hy vọng thành lập gia đình và có được hạnh phúc nho nhỏ, êm ấm, ngược lại, tôi được tự do. Mặc dầu những ước mơ thầm kín nhất của tôi như vậy là không được thực hiện, song tôi thấy thích cuộc sống dễ dãi và cái vẻ hào nhoáng của cuộc sống ấy đã lấn át mọi khía cạnh buồn chán và bẽ bàng của nó. Những lời khuyên của mẹ và của Gisella cuối cùng đã đem lại kết quả. Suốt thời gian sống một cuộc sống trung thực, tôi cứ bị thuyết phục rằng với sắc đẹp của bản thân, tôi muốn gì được nấy. Và sáng hôm ấy, tôi ngắm nhìn thân hình tôi như một phương tiện rất thuận tiện để đạt được những điều mà tôi không thể đạt được bằng lao động lẫn phẩm hạnh.
Mải mơ tưởng, hay nói cho đúng hơn, suy tưởng như vậy, buổi sáng hôm đó trôi qua lúc nào không hay, tôi ngạc nhiên nghe tiếng chuông ở nhà thờ bên cạnh đổ mười hai tiếng, và tôi thấy một vệt nắng dài lọt qua cửa sổ bò vào tận giường tôi. Cả tiếng chuông lẫn những tia nắng, cũng như sự vô công rỗi việc của tôi - tất cả đối với tôi mới khác thường, dễ chịu và khoan khoái làm sao. Có lẽ các signor giàu sang sống trong các tòa nhà biệt thự như chủ của Gino cũng khoan khoái nắm trong chăn đệm mơ, ước, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ và dõi theo tia nắng như thế. Và với ý thức cho rằng tôi chẳng còn là một cô lao công Adriana nghèo khổ nữa mà là một con người hoàn toàn mới lạ và khác hẳn, cuối cùng tôi ngồi dậy, tiến đến bên tủ gương, cởi bỏ bộ đồ ngủ ra. Tôi ngắm mình trong gương và lần đầu tiên nhận ra niềm tự hào của mẹ khi nhớ lại lời mẹ bảo ông họa sĩ: “Ông ngó thử xem, ngực này... chân này... hông này”
Tôi nhớ lại Astarita, nhớ lại nỗi ao ước muốn chiếm đoạt tấm thân này đã làm tính tình, cung cách và ngay cả giọng nói của anh ta đã thay đổi như thế nào, và tôi thầm nhủ rằng tất nhiên sẽ tìm được không ít gã đàn ông muốn tận hưởng tấm thân tôi sẽ trả hậu hĩnh và có khi còn hơn cả Astarita.
Tôi đủng đỉnh, thích hợp với tâm trạng mới của bản thân, mặc áo xống, uống cà phê, rồi rời khỏi nhà. Tôi vào một quán ở gần nhà và gọi điện cho Gino. Anh ta cho tôi số điện thoại ở biệt thự nhưng kèm theo một lời khuyên đầy vẻ thận trọng là chỉ gọi khi nào thật cần thiết vì chủ không muốn kẻ hầu người hạ sử dụng điện thoại. Một chị phụ nữ nào đó nghe điện, chắc chị hầu phòng, một phút sau Gino bên máy. Anh ta liền hỏi ngay xem tôi có bị ốm đau gì không, làm tôi không nhịn được cười thầm, vì sự ân cần này phù hợp với phẩm hạnh mực thước bất di bất dịch của anh ta, chắc chẳng phải bao giờ anh ta cũng chân thành, do đó tôi đâm ra bối rối.
- Em khỏe lắm – Tôi đáp – Chưa bao giờ thấy khỏe như lúc này.
- Thế bao giờ chúng ta sẽ gặp nhau?
- Tùy anh – Tôi đáp – Song có điều em muốn chúng ta sẽ gặp nhau như hồi nào trước đây... nghĩa là tại biệt thự khi chủ anh đi vắng.
Anh ta hiểu ngay ý tôi, vội bảo:
- Ông bà ấy phải độ mười ngày nữa mới đi cơ... vào dịp lễ Giáng sinh... không sớm hơn được đâu.
- Nếu vậy thì mười ngày nữa chúng ta sẽ gặp nhau – Tôi khinh khỉnh đáp.
- Sao – Anh ta ngạc nhiên hỏi – Nghĩa là chúng ta sẽ không gặp nhau sớm hơn được à?
- Sớm hơn thì em không có thời gian.
- Chuyện gì vậy? – Anh ta hỏi, giọng nghi ngờ - Em giận anh à?
- Không – Tôi đáp - Nếu giận, em đã không hẹn gặp anh ở biệt thự - Đến đây, tôi nảy ra ý nghĩ anh ta có thể nổi cơn ghen và chán tôi, nên đã nói thêm - Đừng sợ, em vẫn yêu anh như trước mà... chẳng qua em phải giúp mẹ hoàn thành một món đặt hàng quá gấp cho kịp ngày lễ... phải rất khuya em mới ra khỏi nhà được, thế mà thời gian đó anh lại bận, vì vậy tốt nhất là đợi khi nào chủ anh đi vắng.
- Thế buổi sáng?
- Sáng em ngủ - Tôi đáp – Tiện đây em báo cho anh biết là em không làm người mẫu nữa.
- Tại sao?
- Em chán rồi, anh hài lòng chứ? Như vậy mười ngày nữa chúng ta sẽ gặp nhau nhé... em sẽ gọi điện cho anh.
- Được.
Anh ta đáp, giọng không tin tưởng lắm, nhưng tôi biết khá rõ anh ta để có thể tin rằng, tuy ấm ức nghi ngờ, anh ta sẽ im lặng không tìm gặp tôi trước mười ngày. Và hơn nữa, chính anh ta nghi ngờ một điều gì đấy nên sẽ không xuất hiện sớm hơn. Gino chưa bao giờ là một người dũng cảm, và nghĩ rằng bị tôi lật mặt dối trá nên đã sợ hãi và hồi hộp. Treo ống nghe lên, tôi nhớ là mình đã bình tĩnh, ân cần, thậm chí còn lịch sự trò chuyện với Gino nên lòng cảm thấy vui vui. Sau này, trong tình cảm của tôi đối với anh ta, tôi biết cách giữ bình tĩnh ân cần và lịch sự như vậy, và tôi có thể gặp anh ta mà không sợ bộc lộ sự giả tạo, nối buồn chán và lòng oán hận trong bản thân tôi, trong con người anh ta và trong những mối quan hệ giữa chúng tôi. |
|
|