Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Cô Gái Thành Rome ( Phần I ) Tác Giả: Alberto Moravia    
    Như vậy tôi vẫn làm người mẫu, tuy mẹ tôi càu nhàu không đồng ý - lúc nào mẹ tôi cũng cho rằng tôi chẳng kiếm được bao lăm. Dạo đó, mẹ hay nổi cáu và tuy mẹ giấu không nói ra lý do vì sao lại bẳn tính như vậy, những tôi biết rõ tất cả là tại tôi. Như tôi đã nói, mẹ tôi trông cậy vào sắc đẹp của tôi và hi vọng - có trời mới biết được sẽ đạt tới những kết quả và may mắn nào đấy. Theo ý mẹ, công việc làm người mẫu của tôi chỉ là bước đầu, còn sau đấy, như mẹ vẫn thường thích nói, đâu sẽ vào đó. Việc tôi vẫn còn là một cô gái làm mẫu hèn kém đã gây nên nỗi buồn phiền cho mẹ, thậm chí còn làm cho mẹ tức tối tôi, tựa hồ như do tính xuề xòa cùa mình, tôi đã đánh mất của mẹ tôi một khoản tiền lớn. Tất nhiên là mẹ chẳng nói ra lời những suy nghĩ của mình những mẹ để lộ qua các lời cục cằn, những câu trách móc, tiếng thở dài, cái nhìn buồn rười rượi và những lời ám chỉ khác cũng lộ liễu như vậy. Thật đúng là một sự tra tấn, và có lúc tôi hiểu vì sao nhiều cô gái bị các bà mẹ chán ngán và hám danh eo sèo như trường hợp của tôi, vào một ngày nào đấy, chỉ cần thoát khỏi cái cảnh tai quái tương tự, phá bỏ nhà và túm lấy kẻ đầu tiên bắt gặp. Tất nhiên, mẹ xử sự như vậy chẳng qua là do yêu tôi thôi. Nhưng tình yêu này phần nào giống với mối tình của bà chủ đối với lũ gà mái: khi gà mái thôi đẻ, người ta bắt đầu nắn nắn, nhấc nhấc trên tay xem nặng nhẹ ra sao, suy nghĩ xem có nên làm thịt hay không?
    Tuổi trẻ mới nhẫn nại và ngây thơ biết bao!
    Dạo đó, cuộc sống của tôi thật kinh khủng, nhưng tôi không nhận thấy điều đó. Tôi đưa mẹ không thiếu một xu toàn bộ số tiền nhận được sau những buổi làm mẫu dài dằng dặc, vất vả và buồn chán trong các xưởng họa, còn khi không phải trần truồng lạnh cóng để làm người mẫu thì tôi lại phải gò lưng trên bàn máy may hoặc ngồi khâu giúp mẹ. Tôi ngồi khâu cho tới khuya, mới tờ mờ sáng đã phải dậy, vì các xưởng họa ở xa nên phải đi xe, và buổi vẽ thường bắt đầu rất sớm. Những trước khi ra khỏi nhà, tôi thu dọn giường và giúp mẹ sắp xếp lại nhà cửa. Tôi kiên nhẫn, dễ bảo, không đòi hỏi, đồng thời dịu dàng, vui tính và thanh thản, lòng tôi không hề biết đố kỵ, hằn thù, ghen ghét mà ngược lại, tràn đầy những tình cảm trìu mến và trẻ trung. Tôi không nhận ra cảnh nghèo túng trong căn nhà chúng tôi đang sống. Một căn phòng lớn gần như trống trơn được dùng làm nơi may cắt: giữa phòng kê một chiếc bàn ngổn ngang những mẩu vải vụn, những mảnh vải khác móc trên đầu đinh ở các bức tường xỉn màu và dạn nứt, ngoài ra còn dăm cái ghế ọp ẹp, hai mẹ con ngủ chung một chiếc giường đôi kê tại một căn phòng khác, dưới đúng ngay chỗ trần bị loang ẩm một khoảng lớn, và mỗi khi trời mưa, nước nhỏ giọt vào người chúng tôi. Trong nhà bếp ám khói chật ních những đĩa và xoong chảo mà mẹ vốn dĩ không phải là người quá ưa sạch sẽ, đã chẳng bao giờ rửa đến nơi đến chốn. Tôi không nhận thấy mình đã hi sinh cả tuổi trẻ, không hề biết đến giải trí vui chơi, chưa từng biết yêu và sướng vui. Bây giờ, khi nhớ lại những năm tháng tươi trẻ, tính tình nhân hậu và chất phác của mình, lòng tôi tràn đầy một nỗi cảm thông đối với chính bản thân - một con người nhu nhược và bất lực - tựa hồ như lúc ta đứng trước nỗi bất hạnh của các nhân vật trong tiểu thuyết mà ta muốn họ tránh mọi rủi ro, song lại biết không thể tránh được. Hiển nhiên con người quả thật chẳng rõ họ cần lòng nhân hậu và sự chất phác để làm gì. Điều bí ẩn buồn thảm cho cuộc đời chẳng phải là ở chỗ phẩm chất mà thiên nhiên đã hào phóng ban cho con người và ai nấy đều hết lời ca ngợi trong thực tế chỉ làm tăng thêm nỗi bất hạnh của chúng ta đấy sao?
    Hồi ấy, tôi còn đinh ninh những hy vọng lập gia đình của tôi sớm muộn gì cũng sẽ trở thành hiện thực. Sáng sáng, tôi lên tàu điện tại quảng trường gần nhà tôi. Trên quảng trường này có một tòa nhà dài, không cao, áp sát tường thành, nổi lên giữa những tòa nhà khác. Nó là gara để xe ôtô. Vào giờ ấy, có một thanh niên lau chùi và sửa sang xe của mình bên cửa gara. Anh nhìn tôi chăm chăm. Đường nét trên khuôn mặt ngăm ngăm của anh trông thật thanh tú và hoàn hảo, chiếc mui nhỏ thẳng tắp, cặp mắt đen, vành môi lượn rất duyên và răng trắng. Anh trông giống như một diễn viên điện ảnh Mỹ nổi tiếng hồi đó, vì vậy tôi chú ý đến anh và thoạt đầu còn cho rằng nghề nghiệp của anh không phải là công việc anh đang làm, chẳng là anh ăn mặc rất đẹp và có dáng vẻ đường hoàng như một người có học. Tôi nghĩ đấy là xe riêng của anh, chắc hẳn anh là người phong lưu, chính là một signor mẹ vẫn thường nói với tôi. Tất nhiên tôi thích anh, những chỉ khi nào nhìn thấy anh mới tơ tưởng đến anh còn lúc làm việc thì quên mất. Song, có lẽ anh đã bí mật thuần phục tôi qua ánh mắt anh nhìn. Một bận, vào buổi sáng lúc tôi đang đứng ở bến đợi tàu điện thì bỗng nhiên có tiếng người gọi tôi, hệt như gọi mèo vậy. Tôi ngoảnh lại, thấy anh bước ra khỏi xe và vẫy tôi lại. Tôi không hề do dự trong giây lát, tiến đến bên anh với một sự phục tùng vô ý thức làm tôi rất sửng sốt. Anh mở cửa, và trước khi ngồi trong xe, tôi thấy bàn tay anh đặt nơi cửa xe. Bàn tay anh to tướng và sần sùi, móng cáu đen bị gãy nham nhở, ngón tay vàng khè vì chất nicotine, tóm lại đấy là bàn tay của một người thợ lao động chân tay. Tôi lẳng lặng ngồi vào xe. Anh đóng cửa và hỏi:
    - Chở cô đến đâu nào?
    Tôi đưa địa chỉ của một xưởng họa. Giọng anh nhỏ nhẹ và êm ái, tuy ngay lúc đó tôi đã cảm thấy anh giả dối và thủ đoạn thế nào ấy.
    Anh bảo:
    - Được…bây giờ ta cho xe đi dạo một chút đi, còn sớm mà…sau đấy tôi sẽ đưa cô đến chỗ cô yêu cầu.
    Xe chuyển bánh, rời khu vực của chúng tôi trên con đường hai bên trồng cây ở ngoại ô nằm men theo tường thành, sau đấy chạy trên một con phố dài, ngang qua các ngôi nhà và các quán nhỏ, cuối cùng ra khỏi thành phố. Tại đây, xe lao như điên trên xa lộ hai bên trồng ngô. Không nhìn tôi, anh chỉ đồng hồ tốc độ, chốc chốc lại bảo:
    - Đấy nhé, bây giờ là tám chục kilômét, chín chục…một trăm…trăm hai…trăm ba…
    Rõ ràng anh muốn cho xe chạy với tốc độ ấy để làm tôi sửng sốt, nhưng tôi chỉ bận tâm đến công việc nên sợ do một bất trắc nào đấy xe bị kẹt ở dọc đường. Bỗng anh phanh két xe lại, tắt máy và quay về phía tôi:
    - Cô bao nhiêu tuổi?
    - Mười tám - Tôi đáp.
    - Mười tám…tôi cứ nghĩ già hơn cơ đấy - giọng anh nói không tự nhiên một chút nào. Đôi lúc anh hạ thấp giọng nghe cứ như thì thầm tựa đang trò chuyện với mình hoặc thổ lộ một điều gì thầm kín - Thế tên cô là gì?
    - Adriana…còn anh?
    - Gino.
    - Anh đang làm nghề gì? - Tôi hỏi.
    - Nhà buôn - Anh đáp luôn không cần suy nghĩ.
    - Đây là xe riêng của anh à?
    - Xe của tôi đấy.
    - Tôi không tin. - Tôi tuyên bố thẳng thừng.
    - Không tin…đúng thế mà, nhưng sao cơ? - Anh ngạc nhiên hỏi, giọng bỡn cợt và không hề tỏ ra lúng túng.
    - Anh là lái xe.
    - Cô nói nghe đến là lạ…lái xe…sao cô lại nghĩ vậy? - Anh thắc mắc hỏi, giọng càng giễu cợt hơn.
    - Cứ trông đôi bàn tay anh thì rõ.
    Anh bình tĩnh nhìn đôi bàn tay mình vẻ không ngượng ngùn bảo:
    - Không gì có thể giấu nổi các cô gái…cô đến là tinh…ừ thì tôi là lái xe đấy…Thế nào, đắc chí chứ?
    - Không, tôi không đắc chí - tôi lạnh lùng đáp - đề nghị anh đưa ngay tôi về thành phố.
    - Chuyện gì vậy? Cô giận vì tôi đã nói sai sự thật với cô à?
    Bản thân tôi cũng không rõ tại sao giây phút ấy tôi lại nổi cáu với anh.
    - Thôi đừng nói tôi chuyện đó nữa, anh làm ơn đưa tôi đi đi.
    - Những đùa đấy mà…việc gì phải thế…đùa một tí không được sao?
    - Tôi không thích đùa kiểu đấy.
    - Cô thật là người có chí khí…chẳng là tôi nghĩ cô gái quý tộc này là một nàng công chúa…và, nếu nàng biết tôi chỉ là một anh lái xe nghèo hèn thì sẽ không thèm ngó đến mình…Vì vậy, tôi sẽ bảo nàng tôi là một nhà buôn.
    Anh thoát ra rất khéo bằng cách nói dối tôi, đồng thời để lộ cho tôi thấy anh ấp ủ những tình cảm nhất định nào đó cho tôi. Hơn nữa, anh vừa nói vừa cười vui vẻ, đầy quyến rũ làm xiêu lòng tôi.
    - Tôi không phải là một nàng công chúa…Tôi làm người mẫu và sống bằng công việc ấy. Cũng như anh là lái xe ấy mà.
    - "Làm người mẫu" là làm gì?
    - Tôi tới các xưởng họa, cởi áo xống ra và các ông họa sĩ vẽ tôi.
    - Thế cô còn mẹ không? - Anh phẫn nộ nói.
    - Tât nhiên là còn, anh hỏi làm gì?
    - Và mẹ cô cho phép cô cởi áo xống ra trước mặt đàn ông à?
    Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ nghề của tôi lại có một cái gì đáng hổ thẹn, vì thực ra nó chẳng có gì là xấu cả, song tôi thú vị là anh nhìn nhận sự vật đúng như vậy, điều đó nói lên thái độ nghiêm túc của anh đối với cuộc sống và nhân phẩm của tôi. Như tôi đã nói, tôi rất muốn sống theo tình người, và tuy nói dối, anh nhận thấy rằng (mãi bây giờ tôi cũng không rõ do đâu anh ta có thể như vậy được) anh nói với tôi điều không nên nói. Tôi cho rằng khi biết tôi làm người mẫu khỏa thân, người khác ở cương vị anh thì chế giễu hoặc tỏ ra kênh kiệu. Cảm giác khó chịu ban đầu do phải nghe anh nói dối đã tan biến trong lúc nào tôi không hay biết và tôi nghĩ rằng dẫu sao anh có thể là một chàng trai chín chắn và trung thực, chính là người mà tôi đã hình dung thấy trong các giấc mơ sẽ trở thành người chồng của tôi:
    - Chính mẹ tôi đã tìm cho tôi công việc ấy. - Tôi đáp không giấu giếm.
    - Như vậy thì rõ ràng bà không yêu cô rồi.
    - Không - tôi phản đối - mẹ tôi yêu tôi…nhưng hồi còn con gái bà cũng làm người mẫu…vả lại, tôi cam đoan với anh là việc này chẳng có gì xấu đâu…tôi biết nhiều cô gái làm việc này, tất cả họ đều rất chín chắn.
    Anh lắc đầu, vẻ hoài nghi, rồi khẽ đụng vào tay tôi bảo:
    - Tôi rất vui được làm quen với cô…rất, rất vui.
    - Tôi cũng vậy. - tôi thành thực đáp.
    Vào gây phút ấy, tôi bỗng có cảm tình với anh và những muốn anh hôn tôi. Dĩ nhiên, lúc đó anh hôn thì tôi đâu có phản đối. Song anh nói, giọng nghiêm túc và kẻ cả:
    - Nếu là tôi ấy à, tôi chẳng để cô làm người mẫu đâu, - tôi cảm thấy mình bất hạnh và thầm biết ơn những lời nói vừa rồi của anh - Một cô gái như cô - anh nói tiếp - thì phải ngồi ở nhà, vạn bất đắc dĩ mới phải đi làm…những làm một công việc chân chính và không phải hy sinh thanh danh của mình…Một cô gái như cô phải lấy chồng, chăm lo việc gia đình, có con và yêu quý chồng mình.
    Đúng như tôi mơ ước! Tôi hài lòng là cả anh cũng nghĩ hoặc làm ra vẻ nghĩ hệt như tôi. Tôi bảo:
    - Anh nói đúng…nhưng dẫu sao anh cũng chẳng nên nói không hay về mẹ tôi…mẹ tôi muốn tôi làm người mẫu, ấy chẳng qua là vì yêu quý tôi.
    - Thì tôi cũng có bảo sao đâu. - anh cắt ngang, giọn giận dữ.
    Chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau như vậy ở hàng ghế trên. Như bây giờ tôi vẫn còn nhớ, hồi ấy là tháng năm, trời ấm, mặt trời chiếu chiếc bóng có hình thù kỳ dị xuống mặt đường. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe lao vun vút như điên bên cạnh chúng tôi. Trên cánh đồng xanh tươi chan hòa ánh nắng, tịnh không một bóng người. Cuối cùng anh nhìn đồng hồ và khẽ bảo đã đến lúc phải quay về thành phố. Anh khẽ đụng tay vào tôi có một lần. Tôi chờ xem anh có tỏ vẻ muốn hôn tôi không nhưng điều đó đã không xảy ra, bởi vậy tôi vừa hơi thất vọng lại vừa hài lòng trước việc giữ gìn ý tứ của anh. Thất vọng vì tôi mến anh bất giác liếc cặp môi mọng của anh, còn hài lòng vì thấy anh đúng là một con người nghiêm túc như tôi mong muốn.
    Anh đưa tôi đến xưởng họa và bảo rằng từ nay anh sẽ đưa tôi đi làm, có điều tôi sẽ đến trạm đợi tàu điện vào một giờ định trước, vì thời gian ấy anh rảnh rang. Tôi sẵn sàng chấp nhận lời đề nghị của anh, và ngày hôm ấy, tôi cảm thấy những giờ dài dằng dặc trong các xưởng họa không đến nỗi nặng nề như mọi bận. Tôi thấy cuộc đời của tôi có một ý nghĩa mới. Tôi vui mừng là lại có thể suy nghĩ về anh một cách bình tĩnh không hề bị lương tâm cắn rứt, như suy nghĩ về một người đàn ông tôi ưa thích, không những chỉ vì dáng vẻ bề ngoài, mà còn là những phẩm chất tôi cho là cần có ở một con người.
    Do đó, tôi không nói gì với mẹ tôi và không phải không có cơ sở là mẹ sẽ không cho tôi lấy một anh lái xe nghèo hèn, chẳng có tương lai rực rỡ. Sáng hôm sau, y hẹn, anh đến đón tôi và chở thẳng tới xưởng họa. Vào những ngày sau đó, khi trời đẹp, anh đưa tôi vào một con đường hai bên trồng cây vắng vẻ ở ngoại ô hoặc ra xa lộ để thoải mái cùng tôi trò chuyện. Chúng tôi nói những chuyện nghiêm túc và đúng mực, anh tỏ ra kính nể và cố lấy lòng tôi. Hồi ấy, tôi rất đa cảm, tất cả những gì liên quan đến lòng vị tha, phẩm hạnh, đạo đức, quan hệ gia đình đặc biệt làm tôi xúc động đến trào nước mắt, và từ lòng tôi dâng lên một sự bằng an đầy ưu tư mơ mộng và đắm say, nỗi cảm thông và niềm tin của con người. Dần dần tôi coi Gino là lý tưởng. Đôi lúc tôi suy ngẫm: anh có thể có những thiếu xót gì? Anh đẹp trai, trẻ, thông minh, trung trực, đứng đắn, quả thực không thể chê trách anh ở một điểm nào. Ngẫm vậy mà thậm chí tôi thấy sửng sốt: đâu phải ngày nào cũng gặp được những người lý tưởng. Điều đó làm tôi gần như bàng hoàng. Anh là người như thế nào, tôi tự hỏi, dù cho có thử thách anh ra sao đi chăng nữa anh cũng không hề có một biểu lộ xấu nào, một khuyết tật nào. Tôi không hề nhận thấy mình đang yêu anh. Và ai chẳng rõ tình yêu là nhìn mọi vật qua một lớp kính màu hồng, nhìn người kỳ quái thành một người đầy hấp dẫn.
    Tôi yêu anh tới mức là khi anh hôn tôi lần đầu tiên tại ngay trên xa lộ mà chúng tôi có lần trò chuyện với nhau, tôi cảm thấy lòng được thanh thản, nhẹ nhõm: đấy là bước chuyển tự nhiên từ nguyện vọng chín muồi sang hiện thực. Song tôi hơi hốt hoảng trước nỗi đắm đuối không thể kìm nén được khi chúng tôi môi kề môi. Tôi nhận thấy rằng từ nay tôi không còn làm chủ được những hành vi của mình nữa, mà chúng phụ thuộc vào một uy lực dịu ngọt và mạnh mẽ một mực xô tôi đến với anh. Những tôi hoàn toàn yên tâm, khi hôn xong anh liền bảo là chúng tôi là một cặp vợ chồng chưa cưới. Ngay cả lần ấy, anh đã đoán ra những suy nghĩ thầm kín của tôi và đã nói lên chính điều cần phải nói. Nỗi sợ của tôi do chiếc hôn đầu tiên gây nên đã tan biến như vậy, và trong suốt thời gian đậu xe trên đường, tôi không còn dè dặt nữa, đã hôn với tâm trạng siêu thoát say mê, đắm đuối và tự nhiên.
    Sau đó, tôi đã nhận và đáp lại nhiều cái hôn. Trời chứng giám, không nhiệt tình lắm - tựa như người ta nhận và trao một đồng tiền cũ đã qua hàng ngàn tay - nhưng tôi nhớ mãi cái hôn đầu tiên ấy, vì nó mang lại một ý nghĩ gần như đau buồn, xem ra, tôi gửi gắm vào nó không chỉ tình yêu của mình đối với Gino, mà toàn bộ niềm hy vọng của bản thân. Tôi còn nhớ rõ tôi cảm thấy mọi vật quay cuồng trước mặt, bầu trời và mặt đất đảo lộn tùng phèo. Thật ra tôi chỉ hơi ngả đầu ra sau một chút để có thể hôn được lâu hơn một cái vật sống động , và lành lạnh chạm áp vào răng tôi, và khi tôi hé hai hàm răng, tôi thấy đó là lưỡi anh. Chiếc lưỡi đã từng thì thầm bên tai tôi bao lời dịu dàng, lúc ấy luồn vào miệng tôi, gây cho tôi một khoáicảm chưa từng thấy. Tôi không biết là có thể hôn như vậy và cái hôn lại có thể kéo dài lâu đến thế, vì vậy chẳng mấy hồi tôi bị ngạt thở và như người chếnh choáng say ngây ngất. Khi hôn, tôi ngả người ra lưng ghế, mắt nhắm lại, đầu óc mê mẩn như sắp ngất lịm. Như vậy ngày hôm đó tôi nhận ra rằng trên đời này còn có những niềm vui khác ngoài cuộc sống thanh bình trong gia đình. Và tôi không cảm thấy những niềm vui ấy sẽ tước đoạt mất của tôi chính cuộc sống mà đến nay tôi đã mơ ước. Sau khi nghe Gino hứa cưới tôi, tôi nhận thấy trong tương lai mình có thể hưởng cả hai mà không nghĩ rằng mình phạm lỗi và không bị lương tâm cắn rứt.
    Tôi tin rằng mình đã xử sự đúng và trung thực, vì vậy ngay chiều hôm ấy, có lẽ do quá xốn xang và vui sướng, tôi đã kể hết tất cả với mẹ. Mẹ ngồi may bên bàn may đặt cạnh cửa sổ, dưới ánh đèn sáng chói gắt của ngọn đèn không chụp.Tôi e thẹn nói:
    - Mẹ ơi, con đã có người hỏi rồi đấy, mẹ ạ.
    Tôi thấy mẹ nhăn mặt như một người bị dội nước lạnh suốt từ đầu đến chân.
    - Ai vậy?
    - Một thanh niên, mẹ ạ. Con mới quen anh ấy.
    - Thế anh ta làm nghề gì?
    - Lái xe, mẹ ạ.
    Tôi còn định nói thêm dăm ba lời nữa, những không kịp. Mẹ ngừng may, đứng bật dậy và túm ngay tóc tôi.
    - Mày có chồng chưa cưới…và không thèm hỏi tao…lại là lái xe chứ, ôi đồ vô phúc…mày muốn làm tình làm tội tao! Mẹ vừa gầm lên vừa chực tát tôi.
    Tôi lấy hai tay bưng mặt thật chặt ,sau đó vùng thoát ra, những mẹ liền đuổi theo. Tôi chạy quanh chiếc bàn kê giữa phòng, mẹ đuổi theo, miệng gào lên chửi bới. Cơn kích động cực độ mang tính chất bệnh tật lộ ra trên khuôn mặt gầy guộc của mẹ đã làm cho tôi sợ hết hồn.
    - Tao sẽ giết mày, - mẹ hét vang - tao sẽ giết mày ngay bây giờ.
    Xem ra, mẹ càng một mực nhắc đi nhắc lại "tao sẽ giết mày" thì cơn điên của mẹ càng nổi lên và lời đe dọa càng có cơ sở trở thành hiện thực. Tôi dừng lại, đứng bên bàn chăm chú theo dõi từng động tác của mẹ, vì đúng là nếu không giết, thì dù sao đi chăng nữa, tiện tay vớ được cái gì, mẹ sẽ đập phá ngay. Quả vậy, mẹ vơ luôn chiếc kéo may to tướng và lao về phía tôi, may mà tôi kịp nhảy tránh sang một bên, chiếc kéo đang đà đập mạnh vào tường. Hốt hoảng trước hành vi của mình, mẹ bỗng ngã khụy xuống ghế và đưa tay ôm mặt nức nở khóc. Tiếng khóc nghe có vẻ phẫn nộ hơn là hờn giận. Mẹ bảo qua hai hàng nước mắt:
    - Tao đặt bao nhiêu hy vọng vào mày…với sắc đẹp của mày…tao những hy vọng mày giàu sang…và đùng một cái, mày là vợ chưa cưới của một tên nghèo hèn.
    - Những anh ấy đâu có nghèo hèn, mẹ - tôi rụt rè bảo.
    - Lái xe - mẹ nhún vai và láy lại - lái xe…khốn khổ cho mày, rồi đời mày sẽ lại như tao thôi.
    Mẹ kéo dài giọng những lời này, tựa hồ như nhấm nháp vị đắng cay của chúng.
    - Nó cưới mày, mày sẽ là đầy tớ phục dịch nó, sau đấy phục dịch con mày, đời mày sẽ kết thúc như vậy đấy, - mẹ nói tiếp.
    - Anh ấy sẽ cưới con khi đã tích góp được một số tiền kha khá và sẽ mua xe riêng - tôi tiết lộ một dự kiến của Gino.
    - Chưa chắc…Tao cấm mày không được đưa nó đến đây. - mẹ ngoảnh khuôn mặt ướt đẫm về phía tôi, rồi hét tướng lên bảo - Đừng dẫn nó về đây, tao không muốn thấy mặt nó…muốn làm gì thì làm…muốn gặp nó ở đâu thì tùy…Những đừng dẫn nó về đây!
    Tối hôm đó tôi không ăn tối và lên giường ngủ, lòng buồn bã và lo âu. Nhưng tôi nhận thấy mẹ xử sự như vậy chẳng qua là vì yêu tôi thôi, mẹ đặt vào tương lai của tôi, có trời mới biết những hy vọng gì, mối quan hệ giữa tôi và Gino làm sụp đổ mọi dự kiến của mẹ. Mãi sau này, khi tôi đã rõ đây là những dự kiến gì, dẫu sao tôi cũng không thể trách mẹ được. Chẳng là mẹ suốt đời lao động một cách trung thực, song chỉ toàn thấy phiển muộn, lo âu và nghèo khổ. Nếu mẹ mong ước con gái mình có một số phận hoàn toàn khác thì có gì đáng ngạc nhiên? Cần phải nói thêm rằng chắc chắn mẹ cũng có những dự kiến chính xác và nhất định, ấy là mẹ muốn lấy những ước mơ mơ hồ và đầy hứa hẹn để tự an ủi mình. Do tính chất mập mờ của những ước mơ ấy nên mới có thể ấp ủ chúng mà chẳng hề thấy lương tâm bi cắn rứt. Đấy là giả thiết của tôi, song biết đâu, trong tận đáy lòng mình mẹ đã quyết định rồi đây sẽ có lúc đẩy tôi vào con đường vô cùng nguy hại mà sau này tôi sẽ tự dấn thân vào. Tôi không trách mẹ về chuyện này, tôi nói vậy, vì mãi tới tận bây giờ bản thân mẹ cũng không rõ hồi đó mình đã suy nghĩ gì. Hơn nữa, qua kinh nghiệm của bản thân, tôi biết rằng cùng một lúc có thể có cùng một thái độ ứng xử như nhau đối với những sự việc hoàn toàn trái ngược hẳn nhau và không hề nhận thấy rằng trắng đen, mà còn lựa ra cái mình cho là thích hợp nhất trong một lúc nhất định.
    Mẹ van tôi không đưa Gino về nhà, tôi đã thực hiện yêu cầu của mẹ trong một thời gian nào đó. Nhưng sau những chiếc hôn đầu tiên của chúng tôi, xem rag n không còn giữ được bình tĩnh nữa, anh bảo chúng tôi phải tuân theo mọi thủ tục, lần nào anh cũng một mực bảo tôi phải giới thiệu anh với mẹ. Tôi sợ không dám nói rằng mẹ không muốn giáp mặt anh, vì mẹ cho rằng lái xe là một nghề hèn mạt, nên tôi cố tìm cách khất lần. Cuối cùng Gino nhận thấy tôi có điều gì giấu anh nên căn vặn bắt tôi phải nói sự thật:
    - Mẹ không muốn thấy anh, mẹ nghĩ rằng em phải lấy một signor giàu có chứ không phải một anh lái xe bình thường.
    Cuộc trao đổi giữa chúng tôi diễn ra ngay tại xa lộ ở ngoại thành ấy. Gino nhìn tôi và buồn bã thở dài. Tôi yêu anh say mê đến mức không nhận ra sự giả dối trong hành vi của anh.
    - Thân phận anh nghèo nó thể đấy! Anh thốt lên giọng thống thiết.
    Sau đó anh im lặng một hồi lâu.
    - Anh giận à? - Cuối cùng tôi lên tiếng hỏi.
    - Không, nhưng anh bị xúc phạm - anh lắc đầu đáp - người khác ở địa vị anh sẽ chẳng giới thiệu gì hết, và chẳng đả động đến chuyện đính hôn…mà sẽ hành động như mọi người.
    Tôi bảo:
    - Chuyện ấy thì có quan trọng gì, anh? Em yêu anh mà. Thế là đủ rồi anh ạ.
    - Nếu anh vác một đống tiền tới - anh nói tiếp - và thậm chí chẳng hề hé răng nói chuyện cưới xin gì hết…thì mẹ em vẫn vui vẻ đón tiếp anh.
    Tôi không dám tranh cãi vì anh đã nói đúng sự thật.
    - Anh ạ, anh thử thu xếp thế này xem sao - tôi gợi ý - Một ngày gần đây, em cứ đưa anh về nhà, dù muốn hay không mẹ em vẫn phải làm quen với anh, chẳng nhẽ lại quay lưng lại với anh?
    Vào ngày đã hẹn, tôi đưa Gino về nhà tôi. Mẹ vừa làm xong công việc và dọn dẹp một đầu bàn để chuẩn bị ăn tối. Tôi tiến đến bên mẹ và nói:
    - Mẹ, đây là anh Gino.
    Tôi nghĩ mẹ sẽ nổi cơn tam bành, vì vậy để phòng xa, đã báo trước cho Gino biết. Nhưng thật là bất ngờ, mẹ nhìn Gino từ đầu xuống chân rồi lạnh lùng bảo:
    - Rất hân hạnh!
    Rồi mẹ bước ra khỏi phòng.
    - Anh thấy chưa, mọi việc sẽ đâu vào đấy -tôi tiến đến bên Gino và nói, rồi chìa môi nài - Hôn em đi!
    - Không, không - anh khẽ nói, rồi đẩy tôi ra - Như vậy, mẹ em sẽ có căn cứ để nghĩ xấu về anh.
    Anh luôn luôn biết rõ nên hay không nên làm điều gì. Thâm tâm của tôi không thể nào phủ nhận được rằng ang nói đúng. Mẹ bước vào và không nhìn Gino, bảo:
    - Thành thực mẹ chỉ chuẩn bị bữa ăn tối cho hai người, con đa không báo trước với mẹ…Thôi bây giờ để mẹ đi mua…
    Mẹ nói chưa dứt lời, Gino đã bước lên ngắt lời mẹ:
    - Lạy trời, cháu đến đây đâu phải để tranh bữa ăn ạ, cho phép cháu được mời bác và Adriana cùng đi ăn tối với cháu.
    Anh xử sự đàng hoàng theo cung cách của một con người lịch thiệp. Mẹ chưa quen cái giọng như vậy và những việc mời mọc, nên lưỡng lự trong giây lát, rồi nhìn tôi nói:
    - Tôi thì thế nào cũng được, tùy Adriana.
    - Chúng ta sẽ đến tiệm ăn gần nhất - tôi đề xuất.
    - Tùy em - Gino đáp.
    Mẹ đi thay quần áo. Hai chúng tôi ngồi lại một mình, trong thâm tâm tôi rất vui, tôi cảm thấy mình đã giành được một thắng lợi cực kỳ to lớn, song trên thực tế đây chỉ là một tấn tuồng độc mỗi mình tôi tham gia. Tôi tiến đến bên Gino và đột ngột hôn làm anh không kịp đẩy tôi ra. Qua cái hôn này, tôi muốn bộc lộ niềm vui của mình khi thoáy khỏi tình trạng lo âu trong nhiều ngày đầu, niềm tin là đám cưới của chúng tôi chắc chắn thế nào cũng được tổ chức, và lòng biết ơn Gino đã trò chuyện thân ái với mẹ.
    Tôi chẳng có ý nghĩ thầm kín nào cả, mọi chuyện ở tôi đều rõ như lòng bàn tay: tôi muốn lấy chồng, tôi yêu Gino và mẹ. Tôi chất phác, cả tin, yếu đuối như một cô gái đang độ mười tám, khi lòng còn phơi phới chưa bị vỡ mộng. Mãi về sau này, tôi mới nhận ra rằng sự ngây thơ ấy làm xúc động và hài lòng một số rất ít người, còn đối với đại đa số, nó xem ra chỉ là một trò cười đẩy họ đến những hành vi đê tiện.
    Ba chúng tôi đến tiệm ăn gần nhà, cũng nằm bên này bức tường thành. Trong bữa ăn, Gino chẳng ngó ngàng gì đến tôi cả, anh chăm chăm chú ý đến mẹ, rõ ràng là anh muốn lấy lòng mẹ. Tôi cho rằng ý anh muốn làm mẹ hài lòng xem ra cũng đúng thôi nên không để tâm tới những lời phỉnh nịnh không cần che đậy mà anh tuôn ra hàng tràng. Anh gọi mẹ là signora, mà mẹ có thói quen xưng hô như vậy đâu. Anh cố nhắc đi nhắc lại từ này, nó cứ như một điệp khúc, lúc đặt ở đầu, lúc đặt ở giữa câu. Anh làm ra vẻ vô tình bảo: "Thưa signora, signora là một phụ nữ thông minh và tất nhiên hiểu rằng…" hoặc "Thưa signora, signora từng trải, nên chẳng cần phải giải thích với signora những điều như vậy…" và ngắn gọn hơn: "Với tài trí của signora…". Gino thậm chí còn cần phải nói với mẹ là hồi vảo tuổi tôi, chắc mẹ xinh đẹp hơn tôi.
    - Anh làm sao mà biết được? - Tôi hỏi, giọng hờn giận.
    - Ồ, chuyện đó là đương nhiên rồi…có những cái rành rành như hai năm rõ mười ấy. - anh mập mờ đáp, giọng ngọt xớt.
    Mẹ tội nghiệp chỉ chớp mắt trước một tràng những lời phỉnh nịnh như vậy, mặt mẹ trở nên ân cần, dễ thương, dịu dàng, mẹ, như tôi nhận thấy thầm mấp máy môi, hệt như thầm nhắc đến những lời tán tụng đường mật mà Gino chẳng hề dè dặt tang bốc. Tôi tin rằng lần đầu tiên trong đời mẹ được nghe nói với mình những lời như vậy và trái tim thèm khát dịu dàng của mẹ không tài nào thấy thỏa mãn. Còn tôi, như tôi đã nói, coi thái độ đạo đức gải này là biểu hiện của lòng kính trọng chân thành đối với mẹ và sự chú ý đối với tôi, là sự bổ sung mới, ngời sáng vào toàn bộ những mặt tốt của Gino.
    Trong khi đó, một đám thanh niên đang ngồi ở bàn bên cạnh. Một tên ngà ngà say nhìn tôi chòng chọc và lớn tiếng tán tụng tôi một cách khá tục. Nghe thấy vậy, Gino đứng bật dậy và tiến lại gần tên thanh niên:
    - Nào, anh nhắc lại những gì vừa nói nào!
    - Việc gì tới anh? - Tên thanh niên hỏi, giọng gải vờ say.
    - Signora và signorina đây cùng đi với tôi - Gino cất cao giọng - và chừng nào họ còn ở bên tôi thì chuyện liên quan tới họ là liên quan cả tới tôi nữa…rõ chưa?
    - Rõ rồi, bình tĩnh nào…Thôi được, thôi được rồi. - Tên nọ đáp, vẻ sờ sợ.
    Tất cả những tên còn lại hằn học nhìn Gino song không dám hỗ trợ tên bạn. Còn tên nọ, cố làm ra vẻ say hơn mức thực tế, rót một cốc rượu và mời Gino. Những Gino kiên quyết từ chối.
    - Không muốn uống, không thích rượu này à? - Tên say rượu gào to - Không muốn uống thì thôi…rượu thượng hạng…đây uống vậy.
    Và thế là hắn uống cạn một hơi. Gino lại đưa mắt nghiêm khắc nhìn hắn, rồi quay về chỗ.
    - Một lũ vô giáo dục - anh ngồi xuống ghế và sửa lại áo vét cho chỉnh tề.
    - Anh nói chuyện với chúng làm gì? - Mẹ tôi mát lòng mát dạ bảo - Anh đã rõ chúng là quân đầu trộm, đuôi cướp…
    Những chắc hẳn Gino thấy chưa phô hết thái độ lịch thiệp của mình, nên đáp:
    - Sao lại làm gì ạ? Cháu nhịn chứ, giả như ở đây với một ai đó…cháu hy vọng signora hiểu rõ cháu…cháu sẽ nhịn. Những tại một chốn như thế này: trong tiệm ăn cùng với signora và signorina…Xét cho cùng thì tên ấy hiểu rằng cháu đâu có đùa, signora thấy đấy, hắn câm ngay như hến.
    Sự việc này đã dứt khoát chinh phục được mẹ tôi. Ngoài rag n còn ép mẹ tôi uống rượu đã làm bà say không kém gì những lời tâng bốc của anh. Như mọi người ngà ngà say khác, và tuy ngẫu nhiên có cảm tình với Gino, mẹ tôi vẫn không biết được nỗi buồn về chuyện anh ta là chồng chưa cưới của tôi. Gặp lúc thuận tiện, mẹ sẽ cương quyết nói bóng gió là dù sao mẹ vẫn giữ ý kiến của mình.
    Lúc thuận tiện đó lại đúng là khi tôi mào đầu nói về công việc của tôi. Tôi chẳng còn nhớ tại sao lúc đó tôi lại nói đến ông họa sĩ mới mà tôi làm mẫu lúc sáng. Lúc đó Gino đã bảo:
    - Tôi có thể bị coi là ngốc, là không hợp thời, tùy…song dẫu sao bản thân không tài nào chịu được khi nghĩ rằng ngày nào Adriana cũng cởi áo xống trước mặt tất cả các ông họa sĩ ấy.
    - Thế thì sao? - Mẹ hỏi giọng lạc hẳn đi, báo trước cơn giông mà Gino không tài nào hiểu nổi.
    - Dạ, thế là khiếm nhã ạ.
    Tôi sẽ không nhắc lại nguyên văn toàn bộ lời mẹ tôi nói vì nó xen vào đấy những lời chửi bới mà mẹ tôi thường tuôn ra mỗi khi uống rượu hoặc nổi cáu. Song thậm chí không những từ đệm ấy, ngôn từ của mẹ tôi cũng đã phản ánh quan điểm và tình cảm của mẹ rồi.
    - A, khiếm nhã! - Mẹ dồn sức gào to đến nỗi mọi người xung quanh đều ngừng ăn, quay nhìn về phía chúng tôi - A, khiếm nhã…thế nào là khiếm nhã? Có lẽ ngày nào cũng nai lưng ra rửa bát đĩa, may vá, chuẩn bị bữa trưa, là, giặt, lau chùi sàn, rồi sau đó chiều tối đón đức ông chồng bơ phờ mệt mỏi, lê lết không đi nổi, vừa ăn xong đã nằm lăn ra, nằm quay mặt vào tường ngủ, thì hẳn là không khiếm nhã? Hy sinh thân mình, không được nghỉ ngơi giây phút nào, già đi, nhan sắc phai tàn, chết dần chết mòn, đấy không là khiếm nhã à? Anh có biết tôi sẽ bảo gì anh không? Chúng ta sống trên đời có một lần thôi còn chết rồi là về chầu Trời…anh có thể bán xới với cái khiếm nhã của anh được rồi đấy, còn Adriana thì làm đúng khi cởi quần áo trước mặt ông họa sĩ trả tiền cho nó để làm việc đó…Nó xử sự còn đúng đắn hơn nữa, giá như…
    Liền lúc đó, mẹ tuôn ra một tràng những lời tục tằn với giọng vẫn oang oang, còn tôi nghe chúng mà thấy ngượng chín người:
    - Giá như Adriana làm việc đó -mẹ nói tiếp - tôi không những không ngăn cản nó mà thậm chí còn giúp nó nữa…đúng, còn giúp nó nữa…có điều, tất nhiên, người ta phải trả tiền để làm việc đó - mẹ bổ sung thêm sau một lát suy nghĩ.
    - Cháu tin chắc signorina không thể làm như vậy được - Gino phản đối, giọng không hề lúng túng.
    - Không thể à? Anh cho là như vậy chứ?...Thế anh cứ nghĩ mình là ai, hả? Anh tưởng tôi sung sướng khi thấy Adriana là vợ chưa cưới của một anh lái xe, vợ chưa cưới của một anh nghèo xác xơ như nhà anh đấy hả? Đúng, tôi sẵn sàng hy sinh tất tần tật để nó được sống sang trọng. Anh cho rằng khi thấy một người xinh đẹp như Adriana - những kẻ khác chẳng tiếc gì mà không dâng hàng ngàn cho cái vẻ đẹp ấy - sẵn sàng làm tôi tớ cho anh suốt đời thì sướng lắm đấy hả? Này, anh nhầm đấy, anh nhầm to rồi đấy.
    Mẹ gào lên, mọi con mắt đều đổ dồn về phía chúng tôi, tôi hết sức xấu hổ. Nhưng, như tôi đã nói, Gino không hề lúng túng, anh chộp đúng lúc mẹ im lặng vì hết hơi, liền nhấc bình rượu lên, rót đầy một cốc cho mẹ và mời:
    - Mời signora xơi chút nữa chứ ạ?
    Tội nghiệp cho mẹ chẳng biết nói gì hơn hai chữ: "Cảm ơn" rồi đón chiếc cốc Gino chìa ra mời. Thấy chúng tôi tuy to tiếng với nhau, nhưng vẫn ngồi uống rượu như không có chuyện gì xảy ra, mọi người ai lại vào việc nấy.
    - Một người xinh đẹp như Adriana hoàn toàn có quyền được hưởng cuộc đời của bà chủ cháu - Gino nói.
    - Thế cuộc đời ấy nó ra sao nào? - Mẹ vội hỏi, do muốn chuyển đề tài câu chuyện.
    - Sáng ra - Gino dương dương tự đắc đáp, nét mặt thậm chí còn có vẻ tự hào hơn nữa tựa hồ như sự giàu sang của chủ anh hắt chút xíu ánh sáng lên chính anh vậy - bà ấy ngủ dậy lúc mười một giờ, có khi mãi mười hai giờ ấy…bữa sáng đặt trên khay bạc, bộ đồ ăn cũng bằng bạc được bưng lên tận giường bà…sau đó bà đi tắm, nhưng trước đấy, chị người hầu hòa trong nước tắm một chất muối làm nước thơm ngát. Rồi cháu lấy xe đưa bà đi dạo…bà tạt vào quán cà phê uống một ly rượu nhỏ hòa với nước cỏ cây hoặc ghé vào các cửa hàng…Về đến nhà, bà ăn trưa, ngủ rồi ăn mặc mất hai tiếng đồng hồ…signora giá được thấy chỗ áo dài của bà ấy…mấy tủ chật cứng…rồi lại dùng xe đi thăm chỗ quen biết…sau đó ăn chiều…tối đi xem hát hoặc dự vũ hội…thường thì mời khách đến nhà chơi…họ đánh bài, ca hát, nghe âm nhạc…Đấy là những người giàu có, rất giàu có. Bà có nhiều đồ trang sức quý báu, hàng triệu chứ chẳng chơi.
    Tựa như một đứa trẻ thấy chẳng gì đáng bận tâm chú ý và tính khí thay đổi vì những thứ chẳng đâu vào đâu, mẹ đã quên tôi, quên rằng số phận đã đối xử bất công với tôi, và nín thở nghe câu chuyện về cuộc đời sang trọng này.
    - Hàng triệu à? - Mẹ nhắc lại, giọng tha thiết - Thế bà chủ anh có xinh đẹp không?
    Hút hết điếu thuốc, Gino khinh khỉnh nhổ mẩu thuốc vứt đi.
    - Đẹp cái chết tiệt ấy…đúng là một quái thai…gầy đét, trông cứ như một mụ phù thủy.
    Họ cứ nói chuyện với nhau như vậy về sự giàu sang của bà chư anh Gino, nói cho đúng hơn, anh tiếp tục khoe khoang về sự giàu sang ấy cứ như là của chính anh. Còn mẹ, sau khi nhanh chóng thỏa nỗi tò mò thì đâm ra buồn bã và ngồi im suốt cả buổi chiều không hề hé răng nói một lời nào. Có thể mẹ ngượng đã xử sự không tế nhị, có thể mẹ ghen với sự giàu sang ấy và buồn rầu nghĩ rằng chồng chưa cưới của tôi là một anh nghèo xác xơ.
    Ngày hôm sau, tôi băn khoăn hỏi xem Gino có giận mẹ không những anh đáp là tuy không tán thành quan điểm của mẹ, song dẫu sao cũng hiểu rõ rằng chẳng qua do cuộc đời mẹ gặp quá nhiều nỗi bất hạnh và túng thiếu quá. "Mẹ em chỉ đáng thương mà" - anh bảo. Tôi tin rằng vì yêu tôi nên anh nói như thế. Nghĩ vậy, tôi cảm ơn Gino đã hết sức tế nhị. Thật ra, tôi lo sợ thái độ của mẹ sẽ làm cho mối quan hệ giữa hai chúng tôi trở nên xấu đi. Đúng là tôi biết ơn Gino tỏ ra lịch thiệp và lại ghĩ rằng anh là một con người hoàn hảo nhất trần đời. Nếu tôi không đến nỗi mù quáng và thiếu kinh nghiệm thì đã hiểu rõ chỉ kẻ táng tận lương tâm mới có thể nói thế, con người chân thành sẽ nói cả ưu lẫn thiếu sót và nhược điểm.
    Tóm lại, tôi cảm thấy nhỏ nhoi bên Gino, tôi thường chẳng biết làm gì để đền bù sự kiên nhẫn và thái độ tế nhị của anh. Và mấy hôm sau, tôi đã không kháng cự trước những vuốt ve táo bạo hơn của anh thì chắc là do tính tình dịu dàng của tôi hoặc tôi lờ mờ nhận thấy rằng ở trên đời mọi thứ đều có giá cả. Ngoài ra, như tôi nói về chiếc hôn đầu tiên của chúng tôi, một sức lôi cuốn không thể kìm nén được cứ kéo tôi đến với anh, sức mạnh này có thể sáng ngang với sức mạnh của một giấc mơ vì chính giấc mơ , do muốn bẻ gẫy sự kháng cự của chúng ta, buộc chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang thức - tuy đang ngủ say - và lòng những tin ta đã không đầu hàng.
    Tôi còn nhớ rất rõ những nấc thang sa ngã của tôi vì đối với tôi, mọi thắng lợi của Gino là một điều mong muốn, và cũng chẳng đáng mong muốn, đã làm cho tôi vừa vui vừa thấy bị lương tâm cắn rứt. Biện minh cho điều đó là anh chẳng vội vàng giành từng thắng lợi một, thậm chí còn tỏ ra đủng đỉnh, không nóng vội. Gino có thái độ không phải của một anh si tình say mê đến mức đau khổ, mà xử sự như một viên tướng đang hãm thành, còn tấm thân ngoan ngoãn của tôi dần dần chịu khuất phục anh. Song, sau này Gino thực sự say mê tôi, sự ranh ma và tính toán đã nhường chỗ cho, nếu không phải là một mối tình sâu nặng, thì cũng là một nỗi đắm say mãnh liệt và khôn nguôi.
    Trong thời gian chúng tôi dạo chơi trên xe, anh chỉ hôn lên môi và cổ tôi. Những một bận, khi hôn, tôi thấy ngón tay của anh lần mở cúc áo mặc ngoài của tôi. Sau đó tôi cảm thấy lành lạnh và ngó qua vai anh vào kính chắn gió tôi thấy ngực tôi lộ trần đến nửa. Tôi ngượng nhưng không dám kéo áo che. Tự Gino đã làm giúp tôi, anh vội kéo chiếc áo mặc ngoài lên, và cài cúc lại. Tôi cảm ơn anh vì hành vi ấy. Song sau đấy, lúc đã ở nhà, nhớ lại sự việc này, lòng tôi xao xuyến dễ chịu. Ngày hôm sau, anh lặp lại, lần này tôi thấy thích thú và không còn ngượng nữa. Dần dần tôi quen với cách bày tỏ nỗi say đắm như vậy của anh và nghĩ rằng nếu anh không lặp đi lặp lại nữa, hẳn tôi sẽ hoảng sợ rằng anh đã chán ngấy mình.
    Trong khi đó, anh thường nói nhiều đến cuộc sống của chúng tôi sau ngày cưới. Anh kể rằng bố mẹ anh đang sống ở một tỉnh nhỏ và thật ra các cụ không đến nỗi nghèo túng lắm, các cụ có một mảnh đất nhỏ. Tôi cho rằng trương hợp của Gino cũng giống như trường hợp của nhiều kẻ nói dối khác, nghĩa là bản thân họ thấy tin vào chính những lời tào lao bịa đặt của mình. Tất nhiên, anh say mê tôi, chúng tôi càng gần gũi nhau thì nỗi niềm say mê này càng trở nên chân thành hơn. Còn về phần tôi, những buổi chuyện trò đã dằn sự cắn dứt của lương tâm xuống và gây cho tôi cảm giác hoàn toàn thanh thản, hạnh phúc, mà sau này tôi không bao giờ cỏn cảm thấy nữa. Tôi đang yêu, được yêu, hy vọng chẳng bao lâu nữa sẽ lấy chồng và nghĩ rằng mình chẳng còn ao ước gì hơn nữa.
    Mẹ tôi biết rất rõ những cuộc dạo chơi buổi sáng của chúng tôi không hoàn toàn mang tính chất hồn nhiên, nên thường nói lộ ra bằng cách tuyên bố: "Tao không biết và chẳng muốn biết hai đứa mày đã làm những trò gì trong các lần dạo chơi bằng xe ôtô" hoặc "Mày và thằng Gino bày đặt trò dơ bẩn…rồi mày sẽ chẳng ra gì đâu"…Song tôi không thể nào không nhận thấy rằng lúc này lời trách móc của mẹ đã lộ ra một vẻ vô căn cứ, thản nhiên vả dửng dưng. Xem ra mẹ không những cam chịu ý nghĩ rằng tôi và Gino sẽ là nhân tình nhân ngãi, mà thậm chí còn muốn thế nữa. Mãi bây giờ tôi mới biết chính xác mẹ chờ dịp để phá đám cưới của tôi.

Xem Tiếp Chương 3Xem Tiếp Chương 10 (Kết Thúc)

Cô Gái Thành Rome ( Phần I )
  » Xem Tập 1
  » Đang Xem Tập 2
  » Xem Tiếp Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Hành Trình Của Sói