Sau khi công việc đã xong xuôi, người chết đã được mồ yên mả đẹp, bà Thập Hữu có đặt một bữa tiệc để tạ ơn chúng tôi. Chúng tôi thật không muốn một tí nào, nhưng chúng tôi biết nếu chúng tôi từ chối thì bà không vui, chúng tôi phải nhận lời.
Tiệc bày ra, bà Thập Hữu rót rượu mời chúng tôi rồi bà thụp xuống lạy:
- Các ông đối với gia đình tôi thật là có cái ơn trời bể…
Tôi đỡ bà dậy, không cho bà nói nốt. Còn Lý tiên sinh thì vừa khóc, vừa nói:
- Tôi rất ân hận khi ông Vạn Ký đến đây, tôi lại không quen biết mà khuyên can. Lúc đã tan tành rồi thì còn làm sao được nữa. Thôi chẳng qua là cái số kiếp như thế, bây giờ mà bà có buồn rầu đau khổ thì cũng không cứu vãn được nữa mà chỉ thêm tổn thọ. Bà nên nghĩ về sau một chút.
Bà Thập Hữu nói cái câu mà sự xót xa, mà cả từ ngữ của loài nguời cũng không đủ để tả:
- Nào tôi còn gì để mà nghĩ về sau.
Bà nói mà không khóc. Lý tiên sinh và tôi đều rùng mình. Giá bà khóc thì ít ra lòng đau cũng nhờ nước mắt mà vợi đi phần nào. Không, bà không khóc, từ khi mồ mả xây xong thì bà không khóc nữa. Đến bây giờ, bà thốt ra câu ấy thì tôi và Lý tiên sinh đã mường tượng thấy rõ cả những chết chóc của tâm hồn bà. Chúng tôi nhìn nhau, lo lắng cái điều tôi ức đoán có thể xảy ra thật. Tôi linh cảm ngay thấy bữa tiệc này là để báo hiệu cái cử chỉ nó sẽ đưa bà ra khỏi cuộc đời mà không còn gì để bám víu vào mà sống nữa. Chỉ còn có cái việc cảm ơn chúng tôi nữa là hết.
Nhìn mớ tóc bạc, nhìn cái vẻ mặt tuyệt vọng, nhìn sự quyết định nó hiện lên trong đôi mắt và lời nói của bà, chúng tôi cuống cuồng lên. Chúng tôi biết rằng bao nhiêu lời an ủi, khuyên can cũng bằng thừa, nhưng mà chúng tôi cũng cứ nói, chúng tôi cố víu lấy một chút hy vọng mặc dầu cả khuôn mặt và lời nói của bà Thập Hữu không để cho chúng tôi một chút hy vọng nào.
Một điều càng làm cho chúng tôi bồn chồn là sự chúng ta nhận thấy đấy là những con người tốt, giàu tình cảm, đẹp tâm hồn đang được sống với nhau những ngày yên vui, ấm cúng trong yêu thương đùm bọc của nhau mà nay phải chết.
Lý tiên sinh nghẹn ngào mãi mới nói được:
- Chúng tôi đối với bà thế nào thì trong mấy hôm nay bà đã rõ. Kiếp người khổ ải cả, đức Phật đã dạy chúng ta thương lấy nhau thì nó đỡ khổ hơn. Bây giờ thì bà có thể tin ở tấm lòng chân thành của chúng tôi. Chúng tôi giúp người là tự giúp mình đấy thôi.
- Vâng, tôi đã hiểu lắm, cho nên trong những ngày gần đây, tôi cũng thấy đỡ tủi nhục.
- Bây giờ, chúng tôi hỏi thật. Bà có thể chắc chắn những điều gì có thể giúp bà về hậu nhật cúng tôi sẽ giúp.
- Như cái thân tôi thì các ông đã biết đấy, còn nói gì đến ngày mai nữa. Bây giờ tôi chỉ thấy chết là mát thôi.
- Ấy bà đừng nghĩ thế. Luật nhân quả nặng nề, nếu kiếp người mà không trọn vẹn thì tiền oan nghiệp chướng theo đuổi chúng ta chưa biết đến kiếp nào cho hết. Bà đừng nên nghĩ thế. Bây giờ chúng tôi hỏi thật bà, công việc xong xuôi rồi, bà có định sang Mỹ nữa không?
- Nhà tôi mất đi, bây giờ còn có họ hàng, thân thích nào nữa mà sang.
- Thế bây giờ chắc là bà định về Hán Khẩu?
Bà Thập Hữu lắc đầu:
- Họ hàng tôi bị nạn thổ phỉ chết hết, chỉ còn hai chị em, em tôi đã chết, cháu và con đã chết, còn ai mà về Hán Khẩu?
Cái người nói với chúng tôi những câu ấy, chúng tôi cứ nhìn cái phong thái và nghe lời nói cũng biết rằng trước kia là con nhà giàu sang, có tư cách, có giáo dục đã tan tành vì loạn lạc một lần, nhưng lần ấy còn ít tuổi thì hy vọng còn. Chứ lần này, thì tuổi đã sáu mươi, còn bám víu vào đâu mà sống, còn chờ mong gì ở cuộc đời mà sống. Cuộc đời tuyệt vọng của bà hiện đến với tôi như một cánh đồng đầy băng tuyết. Tôi xen vào:
- Lý tiên sinh đây là một bực từ tâm cao như núi, tiên sinh thì vì tình đồng loại thành thật muốn giúp bà.
- Vâng, tôi cũng biết thế, và tôi xin đa tạ, nhưng đời tôi thì còn gì để mà các ông giúp nữa.
Lý tiên sinh tay run lên:
- Kiếp người… Nếu quả bà không còn họ hàng ở đâu thì mời bà về làng tôi. Đấy có một ngôi chùa, vì chúng tôi tuy nghèo, nhưng cũng có thể giúp bà không phải lo về tuổi già.
Tôi rút ngay ra số tiền năm vạn của họ Lý cho tôi đặt xuống bàn:
- Tôi cũng có chút ít tiền đây, tôi xin thành tâm góp vào với Lý tiên sinh gọi là một tí chút.
Bà Thập Hữu nhìn tôi òa lên khóc:
- Nếu ông Vạn Ký nhà tôi mà gặp được những người như các ông… Khổ quá, chú cháu hiền lành và tốt lắm. Lúc em tôi lấy được chú nó, tôi đã lấy làm mừng. Vợ chồng thật thương yêu nhau như bát nước đầy. Chú nó lại nhờ đến tôi, viết thư gọi thằng cháu về và hứa gả con cho nó. Vì em tôi chết, chú nó nghĩ tình máu mủ muốn sang với chúng tôi cho cả nhà sum họp. Ai ngờ chính vì cái lòng tốt ấy mà trời giết.
Tôi muốn nói: “Đó là sòng bạc nó giết” nhưng tôi nghĩ, gợi ra chỉ thêm đau đớn cho người ta, tôi nín lặng.
Bà Thập Hữu chùi nước mắt, rồi đẩy tập bạc về phía tôi:
- Tôi tuy già, nhưng còn khỏe mạnh, tôi còn làm lấy tôi ăn được, tôi cảm ơn ông.
Lý tiên sinh bảo ngay bà:
- Không, bà cứ lấy. Bà không nhận thì phụ bụng ông ấy lắm. Nếu bà bằng lòng về làng tôi, hoặc bà muốn vào ở trong chùa, hoặc bà muốn ở nhà tôi, đều tiện cả. Phố Sheung-Ping lại có thể buôn bán, mà họ chúng tôi thì sẵn nhà.
Tôi thấy bà Thập Hữu ngẫm nghĩ một lát, rồi bà nhìn chúng tôi, rồi thì chúng tôi muốn gì bà cũng bằng lòng. Và bà hứa đến ngày kia sẽ theo chúng tôi về Sheung-Ping.
Lý tiên sinh thấy tếh thì mừng rỡ. Lúc về buồng, tiên sinh bảo tôi:
- Tôi sẽ quý bà ta như một người chị ruột. Vợ tôi cũng như tôi là một người rất thương người, thôi thế cuộc đời bà ấy cũng đỡ cô quạnh, và không phải lo về sau nữa.
Tôi thì tôi không nghĩ như Lý tiên sinh. Sự bà Thập Hữu bằng lòng một cách dễ dàng như thế chẳng qua là không muốn làm phật ý chúng tôi là những người mà bà coi như ân nhân của bà đấy thôi. Tôi ngỏ cho Lý tiên sinh biết sự lo nghĩ của tôi.
- Nhưng bà ấy đã hẹn đến ngày kia về Sheung-Ping với tôi cơ mà. Bà ấy ở với mình, thấy mình và người nhà mình tốt, bà ấy sẽ thương mình mà không nghĩ đến chết nữa.
- Bà ấy là một hạng người khá, lòng ruột có dễ quên như những người tầm thường đâu. Nếu mà bà ấy có ở với tiên sinh thì chẳng qua cũng là một cuộc chết dần thôi.
Lý tiên sinh thở dài:
- Thì chúng ta sống đây ai là không là chết dần. Chỉ có bọn ngu si chúng mới tưởng cuộc đời là vĩnh viễn, rồi tham lam tàng trữ, cơ hồ như giữ mãi được những thứ chúng bóc lột của người khác, và truyền vạn đại cho con cháu. Nhà Tần và nhà Hán còn tan tành nữa là.
- Vì thế tôi mới có cái cảm tưởng là bà Thập Hữu không chịu kéo dài cái cuộc đời cay cực và vô vị của bà để chờ chết già. Đời bà còn mục đích gì nữa đâu.
Rồi tôi hồi tưởng lúc bà Thập Hữu còn trẻ trung:
- Bà ta nói thế thì ra lúc trước là con nhà sang cả. Chắc thuở trẻ đẹp lắm và em gái bà chắc cũng đẹp lắm nên ông Vạn Ký mới yêu đến như thế.
- Có lẽ. Nhưng chắc là tâm tính cũng tốt đẹp lắm. Xem bà Thập Hữu thì đủ rõ.
- Thế cho nên tôi mới nghĩ là bà không chịu kéo dài những tháng ngày đau đớn, lại còn vô hy vọng.
Lý tiên sinh ngẫm nghĩ một lát, rồi đứng dậy. Lúc ấy thì sòng bạc ồn ào như một cái tổ ong vỡ, khách khứa, gái điếm, và các người là đi đi lại lại rộn rịp. Đèn điện sáng trưng cứ như ban ngày.
Chúng tôi tiến lại phía buồng bà Thập Hữu, dòm qua khe cửa sổ thì thấy bà vẫn ngồi im như một pho tượng ở chiếc ghế lúc nãy bà ngồi. Vẻ mặt của bà lúc ấy, loài người không có chữ để tả nữa. Tôi thắt ruột lại. Lý tiên sinh kéo tôi đi, không muốn cho tôi nhìn cái vẻ mặt tuyệt vọng ấy. Cái ý nghĩ những con người tâm hồn đẹp đẽ như thế đáng được sống một cuộc đời yên vui lại đến với tôi một cách sôi nổi.
Tôi ngỏ cho Lý tiên sinh biết. Lý tiên sinh giậm gót giày xuống sàn:
- Chỉ tại cái sòng này mà ra cả. Có lẽ tiên sinh nghĩ đúng. Bà Thập Hữu tự tử mất thôi. Bây giờ phải làm thế nào?
Tôi thở dài:
- Còn làm thế nào được với một người nhất định chết. Giữ được người ở, chứ ai giữ được người đi. Mà chúng ta, và cả loài người nữa, cũng không có thể canh mãi được. Nhất định chết thì tìm đâu chả thấy. Bây giờ chỉ có một cách là làm sao thay đổi được những ý nghĩ của bà ấy. Mà chúng ta không có cách gì. Mà bà ấy cũng không phải là hạng người dễ thay đổi tư tưởng. Tôi tin rằng bà ấy sống đến ngày nay chẳng qua chỉ là đã gom góp đủ số tiền sang bốc mộ cho người thân, rồi thì tự tử đấy thôi.
Lý tiên sinh sợ hãi:
- Nhưng chúng ta cũng phải làm thế nào chứ. Chả lẽ cứ khoanh tay để chờ nhìn cái chết của bà ấy à? Hay ta đi báo với sở Sen đầm.
Tôi bất giác cười lên. Nhưng cười xong thì tôi biết cái cười ấy là vô nhân đạo. Chúng ta thường có những cử chỉ vô ý thức như thế mà không sao chế ngự nổi. Tôi cười xong thì tôi thẹn, thẹn với Lý tiên sinh. Ít nhất sự lo sợ của Lý tiên sinh cũng có một cái nghĩa tử tế hơn cái cười của tôi nhiều.
- Báo sở Sen đầm làm gì. Báo thế nào? Sở Sen đầm còn nhiều việc khác. Luật pháp chỉ là để “đối phó” với những sự đã xảy ra thành việc hẳn hoi, chứ…
- Sự tự tử của bà Thập Hữu là một việc hẳn hoi rồi.
- Nhưng mà bà ấy đã chết đâu. Điều đó chỉ có tôi và tiên sinh cảm thấy thôi. Và tôi đã nói cả loài người cũng không giữ nổi một người nhất định chết mà. Thứ nhất cái người ấy lại có những lý do xác đáng để coi cái chết hơn là sống. Bây giờ muốn cho bà Thập Hữu đừng tự tử chỉ có cách là hồi sinh lại những người đã chết. Mà điều ấy thì chúng ta chịu.
Chúng tôi bứt rứt suốt đêm, sáng hôm sau, lúc chúng tôi đang rửa mặt thì người bồi phòng đem vào cho chúng tôi một cái gói to và một bức thư. Chúng tôi hiểu ngay. Lý tiên sinh chồm lại phía người bồi buồng:
- Bây giờ bà ấy đâu?
- Lúc sáng, bà ấy đưa cho tôi cái này bảo chờ các ngài dậy thì đưa cho các ngài. Rồi bà ấy đi xuống gác.
- Có cầm gì không?
- Không. Tay không. Tôi lại tưởng bà ấy đi hứng gió bể.
Tôi và Lý tiên sinh mặc vội vàng quần áo, rồi chạy ra buồng số 13. Thì đồ đạc vẫn y nguyên. Chúng tôi hiểu ngay. Chúng tôi cũng chẳng kịp xem bức thư, mỗi người chạy bổ đi một ngả để tìm. Chúng tôi đi tìm khắp mà không thấy đâu cả. Chung quanh cù lao Ma Cao là bể cả mênh mông, chỗ nào mà không dung được một mạng người đã hết hy vọng ở cuộc sống. Chúng tôi thuê mấy chiếc thuyền đánh cá đi tìm cũng chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Lý tiên sinh hy vọng rồi xác sẽ nổi lên. Chúng tôi còn có cái bổn phận là vớt xác và chôn cất cho bà. Nhưng cái bổn phận ấy, chắc cá bể đã làm thay chúng tôi rồi.
Về phòng, chúng tôi mở bức thư thì mà một bức thư cảm ơn, và xin lỗi chúng tôi về sự bà không thể theo lời chúng tôi. Bà nói bà không còn lòng nào để sống nữa. Còn cái gói ấy là số năm vạn của tôi với số tiền sáu nghìn của bà, bà dặn Lý tiên sinh nếu xét thấy ai nghèo đói mà cần thì cho người ta số tiền ấy. Quần áo và hành lý cũng nhờ chúng tôi đem bố thí cho nguời nghèo.
Xem bức thư xong, chúng tôi ứa nước mắt. Chúng tôi biết có một người ở cạnh chúng tôi muốn chết mà không làm sao ngăn được. Những gì mà sức người có thể làm thì chúng ta đã làm hết cả rồi.
Vì còn hy vọng chờ cho xác bà Thập Hữu nổi lên để chôn cất, nên Lý tiên sinh còn cố giữ tôi lại Ma Cao ba ngày, chứ tôi thì muốn đi ngay.
- Ở sông ngòi hồ ao thì mới có hy vọng xác nổi lên và tìm thấy. Chứ ở bể thì cá mập có bao nhiêu để lại cho chúng ta…
- Đành vậy. Nhưng biết đâu. Chúng ta cứ chờ đấy cho hết lẽ với lương tâm.
- À, nếu tiên sinh mà nghĩ thế thì lại khác. Trưa nào chúng tôi cũng thuê thuyền đánh cá đi tìm. Đều không thấy. Trong ba ngày liền.
Trước hôm về, Lý tiên sinh rủ tôi xuống xem sòng bạc. Tôi lắc đầu:
- Còn xuống làm gì?
- Không, tôi muốn xem lại cái hang hùm ấy một lần cuối cùng.
Rồi mặc dầu tôi không bằng lòng, Lý tiên sinh cũng cứ lôi tôi đi.
Đến cửa sòng, chúng tôi đã bị cái hơi người sặc sụa và tanh tởm làm cho khó chịu. Đấy là ở sòng bạc “Tai-seng” to lớn, tổ chức cực kỳ chu đáo mà còn như thế, chứ ở những sòng nhỏ thì không biết cái không khí còn đến thế nào.
Cái nó làm cho tôi ghê rợn nhất ở sòng bạc là vẻ mặt lạnh lùng của mấy tên hồ lỳ. Thật là những vẻ mặt lạnh lùng của những con cáo, chúng chỉ rình ai hở cơ là lao đến cấu xé và nuốt chửng.
Những người đánh bạc lúc ấy thật là một lũ mất hồn. Những bộ mặt nhờn bóng, ngây ngô vì mê lú với những nét cau có tăng lên vì chờ đợi, vì hy vọng và thất vọng, cả đến cái lòng tham lam xâu xé hiện lên trong những con mắt đỏ ngầu của họ cũng chỉ làm cho tôi thương hại.
Thật đúng như lời trong kinh thánh: “Họ có biết họ làm gì đâu.”
Nhưng bọn hồ lỳ và chủ chúng nó thì biết, biết rõ mục đích cái việc làm của chúng nó lắm. Tôi có cái cảm tưởng như những xác chết nhà họ Vũ đang xõa tóc đứng rũ rượi ở giữa bàn bạc và đang nguyền rủa. Rồi điên cuồng lồng lộn trên những đồng tiền dính đầy máu.
Tôi còn đang bâng khuâng tự hỏi sao mấy ngày trước đây, tôi lại có ý nghĩ làm giàu bằng cờ bạc, nghĩa là bằng sự bóc lột của người khác thì Lý tiên sinh đã kéo tay tôi lôi ra.
Ra khỏi cửa sòng, tiên sinh thở dài:
Trước kia, tôi không hiểu tôi là cái hạng người gì mà tôi lại đi phụ giúp vào những việc bóc lột tàn khốc như thế?
Ra khỏi cửa sòng, tiên sinh thở dài:
- Trước kia, tôi không hiểu tôi là cái hạng người gì mà tôi lại đi phụ giúp vào những việc bóc lột tàn khốc như thế?
Rồi giậm gót giày xuống sàn:
- Thật tôi không ngờ tôi đã sống được ở cái địa ngục này trong hơn hai mươi năm đấy!
Kết Thúc (END) |
|
|