Vĩnh biệt Huế Nhưng những lời khuyến cáo của tôi đã không ích lợi gì. Lê Khắc Quyến, Lê Tuyên và đồng bọn vẫn tiếp tục cuộc tranh đấu chính trị của họ và vẫn chiếm cứ Đại học, gây ra nhiều xáo trộn. Tôi cảm thấy bất lực để đối phó với họ, và quá chán nản tôi đã nghĩ đến việc từ chức Viện trưởng, cuốn gói ra đi, từ biệt xứ Huế mà tôi đã tận tâm phục vụ ngót 20 năm trời.
Vào cuối tháng tám, một hôm vì quá bực mình và chán nản, tôi đã thảo đơn từ chức, nhưng rồi lại bỏ vào hộc bàn viết. Sở dĩ tôi còn ngần ngại chưa dứt khoát quyết định là vì ở Đại học còn nhiều việc chưa làm xong, nhiều dự trù chưa được thực hiện: Đại học Y khoa với viện trợ của Gia Nã Đại chưa xây cất hết, đại giảng đường của Đại học Khoa học cũng đang còn bỏ dở, Đại học Sư phạm vừa xây cất xong chưa được chính thức khánh thành, chương trình xây cất Trung tâm kỹ thuật ở Đồng An Cựu với sự giúp đỡ của Đại học Standfort chưa bắt đầu. Việc hiệu đính các Châu bản triều Nguyễn khởi công từ ba năm trước với sự cộng tác của giáo sư Chen Ching Ho cũng chưa hoàn tất. Ngày 9 tháng 9 tôi vào Sài Gòn để gặp ông Đại sứ Anh xin giúp cho Đại học Y khoa một vài giáo sư và một số dụng cụ thí nghiệm. Từ trước đến nay tôi đã liên lạc mấy lần với Toà đại sứ Aanh để xin viện trợ cho Đại học Huế nhưng luôn luôn bị từ chối, lần này tôi hy vọng thành công vì ông Đại sứ Anh vừa mới ra thăm Huế và hứa hẹn giúp đỡ, tôi vào Sài Gòn mới đươcọ ba hôm công việc chưa xong gì thì ngày 12 tháng 9 xảy ra vụ đảo chánh do nhóm Phạm Ngọc Thảo chủ động. Nhân cơ hội đó Lê Tuyên và Lê Khắc Quyến đã cho phao đồn ở Huế rằng tôi đã vào Sài Gòn lần này chỉ là để cổ xuý và trực tiếp tham gia vào cuộc đảo chánh ấy, họ đã hội họp sinh viên và giáo sư lại để công khai lên án tôi và đòi tôi phải từ chức, phần đông các giáo sư và sinh viên phản đối việc đó vì còn muốn tôi ở lại. Tuy thế ngày 14 tháng 9 tôi đã nhận được một điện tín từ Huế đánh vào yêu cầu tôi từ chức, viện lẽ rằng sự hiện diện của tôi ở Đại học Huế trong giai đoạn hiện tại không còn thích hợp và cần thiết.
Đã nuôi sẵn ý định rút lui từ hai tháng nay rồi nên khi nhận được điện tín ấy của Lê Khắc Quyến đồng ký với Lê Tuyên, Tôn Thất Hanh, Mai Văn Lễ và một vài giáo sư khác, tôi đã không ngần ngại đắn đo lập tức đến gặp Bùi Tường Huân, lúc đó mới được phe Phật giáo đưa lên làm Tổng trưởng Bộ quốc gia giáo dục, và đưa cho ông ta cái thư xin từ chức mà tôi đã viết sẵn hai tháng trước và lúc vào Sài Gòn tôi đã mang theo. Bùi Tường Huân hình như đã sắp đặt trước với nhóm Cứu quốc ở Huế trước nên đã vui vẻ chấp nhận sự từ chức của tôi liền và vài hôm sau đã ký nghị định giải nhiệm cho tôi và bổ nhiệm tôi làm giáo sư Đại học Sư phạm Sài Gòn. Lúc chấp nhận sự từ chức của tôi Bùi Tường Huân có nó: “Ít hôm nữa, lúc nào thuận tiện mời cha trở lại Huế làm lễ bàn giao. Chúng tôi sẽ tổ chức một lễ tiễn đưa cha thật trọng thể và sẽ gắn huy chương cho cha để tỏ lòng tri ân công lao cha đối với Đại học Huế nói riêng và nền giáo dục nói chung”.
Tôi đã từ chối và đã không trở lại Huế làm lễ bàn giao, chỉ nhờ một người bạn ra đưa sách vở và đồ đạc vào Sài Gòn thôi. Tôi không trở lại Huế, thực ra vì không muốn gây xúc động cho nhiều người mà tôi biết chắc là còn mến tiếc tôi và còn muốn cho tôi ở lại điều khiển Đại học Huế. Từ đó tôi sống trong im lặng ở Sài Gòn, tuy nhiên tôi vẫn luôn theo dõi những thăng trầm của Viện Đại học Huế mà ông coi như là sự nghiệp lớn nhất và thành công nhất của đời tôi, một sự nghiệp mà tôi phải vất vả dày công tạo dựng, vun trồng suốt bảy năm, cầu mong cho nó được phát triển và mãi mãi tồn tại với non sông để tên tuổi tôi cũng được mãi mãi gắn chặt vào.
Kết Thúc (END) |
|
|