TỪ ĐÀ LẠT ĐỢI LỆNH 1 giờ 30 ngày 1-11 súng nổ tại Sài Gòn thì cũng ngày giờ đó tại dinh số 1 và số 2 Đà Lạt vẫn yên tĩnh như thường lệ. Khi biết tin ở Sài Gòn có đảo chính, Đại uý Nguyễn Ngọc Hạp cho biết: "Những người gần ông Nhu nhận được tin này không một ai ngạc nhiên. Có thể nói chúng tôi đã chờ đợi cả tháng". Đại uý Hạp tuỳ viên của ông Cố vấn Nhu gọi điện thoại thẳng về Sài Gòn, hỏi ông Nhu: "Bây giờ chúng cháu ở trên này phải làm thế nào?".
Đại uý Hạp buông máy gật gù: “Đợi lệnh". Ông Hạp nói với sĩ quan : "Ông cố vấn bảo tôi, mọi sự cứ làm như thường lệ". Tuy nhiên lực lượng phòng vệ trên Đà Lạt cũng lo việc bố trí canh phòng. Buổi chiều ông Hạp gọi điện thoại về Sài Gòn lần nữa. Lần này ông Nhu chỉ nói vắn tắt : "Mọi việc cứ như thường". Trong tay Đại uý Hạp lúc ấy có 4 thiết giáp với quân số khoảng 50 người.
Ông Hạp mới lên Đà Lạt từ sáng 30, cùng đem theo 3 người con ông Nhu gồm Trác, Quỳnh, Lệ Quyên và một chiếc vali. Chiếc vali ấy sau này trở thành "trung tâm" thu hút bao nhiêu cặp mắt tinh đời.
Đại uý Hạp cũng như Trung uý Sung, sĩ quan hầu cận được coi là những người sống gần bà Nhu hằng ngày trong nhiều năm.
Vào ngày 22-10 do một "đường dây" đặc biệt, ông Nhu được loan báo khá đầy đủ về kế hoạch đảo chính do bộ ba Đôn, Kim, Xuân, thực hiện. Đường dây này còn cho biết ngày giờ nào Cabot Lodge sẽ gặp một tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa, ở đâu. Người chung quanh ông cũng lấy làm lạ tại sao Đại tá Tung đã báo cáo : "Phải coi chừng Phạm Ngọc Thảo và Đỗ Mậu”, song Phạm Ngọc Thảo vẫn ra vào văn phòng ông Nhu hàng ngày, nhất là từ trung tuần tháng 10. Một lần ông Nhu nói với chính Trung tá Phạm Ngọc Thảo "Bọn nó thì biết cái gì mà làm... Mỹ nó bảo sao nghe vậy". Trung tá Phạm Ngọc Thảo ngồi nói chuyện với ông Nhu hàng giờ và một ngày có khi Trung tá Thảo xin gặp ông Nhu hai ba lần.
Giới thân cận nghe tin Trung tá Thảo sắp thay Đại tá Mậu làm Giám đốc Nha An ninh quân đội mà trước đây đáng lẽ do Trung tá Huỳnh được cử thay thế. Giới thân cận ông Nhu vẫn thường nhắc nhở với nhau : "Coi chừng ông Mậu nghe. Khả nghi". Khí nghe cuộc cấp báo về Đại tá Mậu thì ông Nhu chỉ nói nhát gừng: "Nó thì mần ăn được cái chi. Lo là lo ba cái thằng Mỹ đó".
Kể từ trung tuần tháng 10, Cabot Lodge gặp ông Nhu luôn. Có khi cuộc hội kiến kéo dài cả 1, 2 giờ. Những lần hội kiến như vậy, ông Nhu đều cho ghi âm một cách kín đáo. Sau đó cho người dịch lại để ông phân tích đắn đo từng lời của Cabot Lodge. Ông Nhu thường nói với một số sĩ quan thân cận như Trung tá Đằng, Trung tá Khôi, Đại tá Tung : "Cabot Lodge nguy hiểm lắm.. Coi chừng bọn CIA. . . bây giờ đâu cũng có hết lận ". Rồi mỗi khi nhắc đến Hilsman, người đầu não của cơ quan “Việt Nam Task Force" ông Nhu thường nói với mấy Bộ trưởng như ông Ngô Trọng Hiếu, Trương Công Cừu : “Cái thằng con nít đó (chỉ Hilsman) coi chừng có ngày mình chết với nó đấy nghe ! Kể cả Kennedy nữa. Kennedy cũng vẫn bị CIA sỏ mũi dắt đi".
Vào khoảng tháng 9, ông Nhu lại gặp Đại sứ Lalouette luôn. Cuộc gặp gỡ chỉ có hai người và kéo dài hàng 2, 3 giờ.
Cách đó ít lâu, khi săn cọp ở Phan Rang, ông Nhu nói với Trần Văn Phước, thị trưởng Đà Lạt:
- "Cabot Lodge sang đây mình sẽ mất đi nhiều viện trợ. Mình phải lo tự lực càng sớm càng hay. Người Pháp hứa sẽ viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa". Từ dạo đó Đại sứ Lalouette hay đến thăm ông Nhu. Mỗi lần gặp nhau, hai người có vẻ tương đắc như đôi bạn tâm giao.
Thường hay tháp tùng ông Nhu đi săn cọp tại khu rừng già Phan Rang, chưa có lần nào Đại uý Hạp thấy ông Nhu tiếp xúc với Việt cộng tại vùng này. Song sự tiếp xúc với Cộng sản Bắc Việt đã diễn ra ngay tại Sài Gòn và trong mấy tháng liền thì Đại uý được biết. Cuộc tiếp xúc gần như định kỳ mỗi tháng 2, 3 lần. Có lần khi trở về dinh ông Nhu rất tươi vui. Có lần ông đăm chiêu cau có.
Lần tiếp xúc cuối cùng với đại diện của Bắc Việt đã diễn ra vào ngày 21-22 tháng 10-1963. Khoảng 7 giờ tối hôm đó, ông Cố vấn Nhu cho gọi Đại uý Hạp vào dinh để sửa soạn cho ông dùng cơm chiều với ông Đại sứ Ấn Độ Ram Chundur Goburhun tại Ủy hội quốc tế. Ông Ram Chundur Goburhun khoảng 50 tuổi, người đảo Maurice Ấn, cùng là bạn học của ông Nhu khi hai người du học tại Pháp. Đại sứ Ấn Độ vốn là một nhà ngoại giao khôn khéo, lanh lợi, ăn nói rất lịch thiệp và đã phục vụ tại Rabat (Maroc) Tunis (Tunisie) cũng như tại Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa.
Từ khi đến Sài Gòn, tân Đại sứ Ấn trở thành trục nối giữa Hà Nội và Sài Gòn. Mỗi khi từ Hà Nội về, có tin tức gì, ông Đại sứ Ấn lại vội vã đến thông báo cho ông Nhu. Hoặc mỗi lần có mang theo "khách lớn" từ Hà Nội thì ông Đại sứ Ấn lại tổ chức một bữa cơm chiều tại tư dinh của ông, Cố vấn Nhu trở thành thượng khách.
Buổi tối hôm ấy, ông Nhu không có vẻ gì là vội vã. Như thường lệ, có hai xe hộ tống. Khi vào trong tư dinh của ông Đại sứ thì ông Nhu ra lệnh quay xe tất cả ra ngoài.
Đại uý Hạp tò mò theo dõi thì lần nào cũng chỉ thấy 3 người dùng cơm với nhau : ông Nhu, Đại sứ Ấn và một nhân vật quan trọng nào đó, lần nào ông ta cũng cài trên túi áo ngực một ngôi sao vàng trên nền màu đỏ.
Bữa cơm vào cuối tháng 10, kéo dài đến 11 giờ khuya, khi ông Nhu ra về thì chỉ có Đại sứ Ấn tiễn ông ra tận cửa.
Trước đó trong dịp đi săn cọp tại Phan Rang, ông Nhu đã nói thẳng với ông Phước và Đại uý Hậu, đại ý: “Mỹ họ gây cho mình nhiều khó khăn quá. Ngoài Bắc Việt họ tính chuyện hoà hoãn với mình. Mình cũng nên tìm cách hoà hoãn với họ trong một thời gian xem sao ". Ông Cố vấn Nhu cũng ngỏ ý như vậy với Trung tá Đường vào một lần giữa năm 1963 khi ông đến Bình Tuy săn cọp.
Ngày 26-10-1963, phe đảo chính không ra tay được vì ông Nhu đã được báo trước, ông Nhu phàn nàn :
- Cứ dùng dằng mãi nó làm tới bây giờ thì trở tay không kịp, chết hết cả đám". Ông Nhu lại uống từng ly Martell lạnh lùng: "Tất cả những người quanh mình yếu quá"... Rồi ông Nhu lại phàn nàn: “Nói mãi mà ông Tổng thống không nghe, biết làm thế nào ? ".
Một số kế hoạch của ông Nhu đệ trình lên Tổng thống Diệm không được chấp nhận kể cả việc thay thế Đại tá Đỗ Mậu, Tổng thống Diệm cũng không chịu.
Về việc này Tổng thống Diệm nhăn mặt nói với mấy người thân cận như Đại uý Bằng : "Các người chỉ lắm chuyện... Đỗ Mậu nó có lỗi gì đâu". Về kế hoạch hoà hoãn với Bắc Việt, Tổng thống Diệm vì nể ông Nhu nên tuy không công khai phản đối song lại nói: "Cứ để đấy tính xem thế nào hẵng hay ".
Sau ngày 26-10, ông Nhu quyết định xuất ngoại, ông bắt đầu uống nhiều rượu Martell trong một đêm, một hiện tượng chưa từng thấy. Mặt ông nặng trĩu lo âu và bẳn gắt. Vẫn đường dây đặc biệt đã gởi đến ông 1 bản báo cáo đặc biệt và khá đầy đủ trong đó khuyến cáo ông nên tạm thời xuất ngoại. Những ngày cuối của chế độ, giới thân cận chưa từng thấy ông Nhu lầm lì như vậy. Bao nhiêu toan tính song cuối cùng vẫn phải khoanh tay trước cơn bão táp.
Cuối tháng 10-1963, nhân ngày lễ, các con ông Nhu: Quỳnh, Trác, nội trú tại trường D Adran Lasan về Sài Gòn nghỉ. Sáng 30 thì chúng trở lại Đà Lạt.
Trong khi đó ông Nhu cũng sửa soạn xong hành lý để ra đi, không hiểu lộ trình ông sẽ đi đến đâu Ấn Độ, Tunis , Rabat ... , Lon don rồi Pari . Ông Nhu đã sắm sửa 12 bộ quần áo mới kể cả áo pardessus.
Nếu không có sự cản trở của Tổng thống Diệm vào phút chót thì có thể ông đã lên đường vào ngày 28. Theo Đại uý Hạp cũng như một số người thân cận xung quanh ông, ông Nhu bắt đầu lo lắng vào giữa tháng 10, ông thường nói với một số Bộ trưởng thân tín như Bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu : “Bọn Mỹ nó muốn mình như Cao Ly. Âm mưu của nó là dựng lên một Chính phủ quân sự. Nếu đảo chính thì nó sẽ cho mấy anh tướng lên cầm quyền từ đây cho đến 10, 15 năm là ít. Nếu có khá lắm thì cũng giống như chế độ của Phibuz Song ram của Thái Lan. . . Rồi các anh coi”. Những ngày cuối cùng, ông Nhu bắt đầu cởi mở.
Đêm 30-10, Trung uý Sung thuật lại: ông Nhu bảo Đại uý Hạp vào ngay để ông biểu. Khi Sung gọi điện thoại cho ông Hạp, ông này còn lừng khừng: “Ăn cơm đã chứ, tôi ăn xong vào được không". Hỏi lại ý ông Nhu, ông Nhu bảo vào ngay, khỏi cần ăn cơm nhà.
Dùng dằng nửa ở nửa đi
Khi Hạp cùng mấy anh em vào phòng riêng… của ông Nhu thì ông chỉ ghế mời ngồi rồi gọi ông già Tường, quản gia
- “Làm hai ly Martell cho các chú ấy uống đi”. Tay ông vẫn cầm ly rượu. Trán ông thỉnh thoảng nhăn lại, cằm ông bạnh ra. Đây là lần thứ nhất, Sung và Đại uý Hạp được cái vinh dự ông Nhu chỉ ghế mời ngồi và cùng nhau "cụng ly". Chưa ai dám lên tiếng. Ông Nhu đã than thở: “Quyết đinh đi thì ông Tổng thống không cho đi. Giữ lại thì ông cũng không chịu nghe… ".
Rồi ông Nhu yên lặng một lúc lâu. Đại uý Hạp lên tiếng: "Ông Cố vấn kêu chúng cháu vô đây có việc gì ". Ông Nhu khẽ thở dài rồi yên lặng, nhìn hai người một lúc lâu rồi mới nói: “Sáng mai, các anh đưa mấy đứa nhỏ lên Đà Lạt giùm tôi". Hạp hỏi: “Ông cố vấn không đi?”. Suy nghĩ một lát ông Nhu trả lời: "Chắc không đi được". Rồi lại yên lặng hàng 10 phút ông Nhu mới lại lên tiếng bảo Đại uý Hạp: “Lấy hết quần áo về chưa? Cứ sắp xếp sẵn… Khi nào cần thì bảo ".
Đại uý Hạp hỏi: "Bao giờ chúng cháu phải đưa hai cậu và em Quyên về?”. Ông Nhu thủng thẳng đáp nhát gừng: "Bao giờ gọi điện thoại thì về".
Rồi lại yên lặng… lát sau ông nói một mình vu vơ: “Nghe thì không nghe, đi thì không cho đi. Tụi nó làm tới bây giờ rồi tính sao. Khó cho tao quá đi”.
Đại uý Hạp ngồi yên im lặng vì không biết phải nói gì hơn. Ông Nhu ngồi lặng thinh khoảng 30 phút như một pho tượng. Tay vẫn cầm ly Martell, ông Nhu nằm ngả người trên ghế tựa, uống đến ly Martell thứ ba, ông ngồi như thế lặng lẽ hàng giờ.
Bỗng ông Nhu ngồi nhổm dậy, nét mặt chảy dài, nói vu vơ: "Chà,…mẹ con nó đi hết rồi". Ông Nhu quay lại hỏi Đại uý Hạp:
- Mười ngàn tôi đưa Đại uý còn không? Hạp đáp: "Thưa ông Cố vấn đã hết từ lâu rồi". Đại uý Hạp vẫn thường tâm sự với ông già Tường, Trung uý Sung: "Ông Cố vấn tiêu xài kỹ quá. Từ khi bà đi ngoại quốc thì ông ở nhà lo việc chi tiêu. Đưa cho đồng nào, ông Cố vấn bắt ghi từng mục". Đưa cho Hạp mười ngàn, Hạp tiêu xong lại phải trình bản quyết toán ghì đầy đủ chi tiết.
Ông Nhu hỏi Hạp:
- Bây giờ đưa bọn nhỏ lên Đà Lạt thì cần bao nhiêu?. Hỏi rồi ông Nhu đáp liền: "Thôi đưa Đại uý 15 ngàn đủ chứ? ".
Hạp hỏi ông Nhu: "Thưa ông đưa các cậu đi bằng máy bay nào? Đi Air Việt Nam cho tiện được không?”. Ông Nhu trầm ngâm rồi lắc đầu: “Đi Air Việt Nam nguy hiểm lắm. Nó đi thẳng, bắt mấy đứa nhỏ làm con tin thì sao "
Ông Nhu bảo Hạp hên lạc với Đại uý Hiển để lấy máy bay của không quân cho chắc.
Lặng thinh một lúc lâu bỗng ông Nhu đứng lên lấy hai khẩu súng lục kiểu "22" loại không gây tiếng nổ trao cho Hạp. Ông Nhu khoe: “Họ mới biếu moa. Loại súng này đặc biệt lắm. Để ở nhà sợ thằng Trác nó bắn bậy bạ ". Rồi ông Nhu lại con cà con kê một lúc lâu.
ĐỨA TRẺ THƠ
Tình hình Đà Lạt vào ngày 1-11 vẫn như vô sự. Đại uý Hạp và Hữu đi phố xem xét tình hình như thường lệ. Ông Hạp cho bốn chiếc thiết giáp đi tuần tiễu quanh phố. Tình hình biến chuyển đột ngột. Sáng ngày 2, Trường Võ bị Đà Lạt trở thành tổng hành dinh của phe đảo chính gồm Trung tá Trần Ngọc Huyền và Thiếu tá Ngô Như Bích… ông Trần Văn Phước vẫn trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm.
Rút kinh nghiệm vụ đảo chính hụt 11-11-1960, ông Huyền chỉ "ra tay" khi được tin thành Cộng hoà và dinh Gia Long thất thủ. Ngay sau đó, ông Trần Văn Phước, Thị trưởng Đà Lạt bị phe Trung tá Trần Ngọc Huyền bắt giữ tại Trường Võ bị. Điều quan trọng đối với phe ông Huyền là làm thế nào bắt được 3 đứa con của ông Nhu. Một vài người khác có máu tham thì lại đặc biệt lưu ý đến chiếc vali mà Đại uý Hạp mang ở Sài Gòn lên từ ngày 30.
Phía đầu dây bên kia ông Phước gọi Đại uý Hạp: "Anh mang Quỳnh, Trác, Quyên vào đây cho tôi". Ông Hạp quay sang hỏi Đại uý Hữu: “Không hiểu như thế nào, giọng ông Phước lại hơi run run, ngắt quãng. Có lẽ bị bắt". Tuy vậy, ông Hạp cũng hứa là sẽ đưa ba đứa nhỏ vào ngay. Mặt khác, ông Hạp lại cho người lên Trường Võ bị do thám và gặp ông Phước, ở đây cho biết không thể nào gặp ông Phước được. Đại uý Hạp bắt đầu nao núng.
Đại uý Hạp và Hữu quyết định đem 3 đứa con ông Nhu đi trốn. Để làm kế nghi binh, Đại uý Hạp cho người lái xe Mercedes chạy vòng quanh phố cứ làm như trên xe có 3 đứa nhỏ. Trong khi đó, Hạp, Hữu cùng đoàn cận vệ đem 3 đứa con của ông Nhu tẩu thoát, lẩn trong rừng thông, đi từ dinh số 1 về dinh số 2 rồi men theo đường rừng đi thẳng xuống Đơn Dương. Đại uý Hạp định tâm xuống Phan Rang tìm đến Trung tá Khánh Tỉnh trưởng của tỉnh này.
Lặn lội trong rừng suốt buổi chiều, phải dừng lại cho dựng lều và phân phối cận vệ lo việc bố phòng. Lúc ấy, Đại uý Hạp lo nhất là đám người xung quanh và Việt cộng trong vùng. Nhưng biết làm thế nào hơn. Các con ông Nhu vẫn chưa được thông báo về cha mình đã bị giết. Đi mỗi ngày đường lại trải qua một đêm giữa rừng, con bé Quyên bắt đầu đau. Đại uý Hạp cố tìm cách bắt liên lạc với Sài Gòn nhưng đều bặt tin.
Phe đảo chính cũng xua quân đi lùng bắt đám con ông Nhu. Trưa ngày mùng 3, máy bay của quân đoàn II lượn quanh vùng Đa Nhím phát thanh kêu gọi Đại uý Hạp đem theo 3 đứa nhỏ về trình diện Hội đồng Quân nhân. Đại uý Hạp và Hữu đều lo ngại.
Tổng thống Diệm và ông Nhu còn bị giết huống chi ba đứa nhỏ. Ông Hạp đề nghị lữ hành sẽ băng rừng xuống Phan Rang, rồi một là tìm cách về Xuân Lộc ẩn náu, nếu thuận tiện thì về thẳng Sài Gòn nếu không sẽ qua Phước Long rồi sang Cao Miên.
Nhưng cuối cùng, đoàn lữ hành phải khoanh tay vì không còn tiền. Mấy bữa liền, bọn con ông Nhu phải ăn đồ hộp và uống nước lạnh. Con bé Quyên đã đuối sức. Quyên cũng như Quỳnh tỏ vẻ ngạc nhiên trên bước đường lưu lạc. Cận vệ thì anh nào cũng súng cầm tay, sẵn sàng đối phó. Hai ông Hạp và Hữu không dám rời bọn nhỏ lấy một phút.
Mãi đến ngày 3, Đại uý Hạp mới cho Trác biết tin ba và bác của Trác đã chết. Lúc đầu Trác không tin. Sau cho Trác theo dõi radio, bấy giờ Trác mới tin. Đôi mắt chú bé rưng rưng nhưng không nói được lời nào.
SĂN ĐUỔI
Phi cơ vẫn bay lượn trên bầu trời Đa Nhím, phát thanh kêu gọi Hạp và Hữu đưa bọn nhỏ trở về Đà Lạt. Trác nói với Đại uý Hạp: “Đại uý đưa các em tôi về”. Hạp nói: "Cậu và các em về thì không sao nhung còn bọn tôi, họ đâu có tha". Trác lại nói: "Hai em tôi nó mệt quá, ở trong rừng lạnh chết mất… làm sao đi được nữa… ". Đại uý Hữu đáp: “Nếu ý cậu muốn như vậy cũng được. Đại uý Hạp sẽ tìm cách thu xếp để cậu về ".
Sau đó "lữ hành đoàn" kéo nhau băng rừng, trở về thành phố. Cho chắc hơn, ông Hạp vẫn để bọn nhỏ ở trong rừng thông. Ông cho người về phố quan sát đồng thời gọi cho phe đảo chính báo tin với một điều kiện ông Hạp chỉ nộp 3 đứa nhỏ cho tướng Khánh. Gọi máy xong, ông Hạp lại cho di chuyển 3 đứa nhỏ đến một địa điểm khác vì sợ lộ mục tiêu. Phe đảo chính vẫn xua quân đi tìm rất ráo riết.
Ngày 3-11, tướng Khánh đã có mặt ở Đà Lạt nhận lãnh 3 đứa con ông Nhu. Tướng Khánh nắm tay Đại uý Hạp, giọng buồn: "Tụi nó làm không ra cái gì hết. Giết người ta, thảm quá". |
|
|