Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Lửa Đắng Tác Giả: Nguyễn Bắc Sơn    
    Chưa bao giờ Thanh Hoa có một phiên toà đông người dự đến thế. Trước kia, tiếng là xử công khai nhưng không phải ai muốn vào dự cũng được. Phải có giấy mời. Lần này, ai muốn dự thì vào. Đến sớm thì có ghế. Không thì đứng hoặc ngồi dưới tán những cả long não cổ thụ trong khuôn viên rộng, vốn là toà án thời thuộc Pháp. Thấy có xe truyền hình đỗ ngoài sân, các quay phim, kĩ thuật viên, phóng viên tất bật đèn đóm, dây dợ lăng nhằng nên người tò mò càng đông.
    Máy quay cố định có giá đỡ và một máy lưu động. Ba màn hình lớn đặt ở ba khu vực phía ngoài phòng xử án cho những người đứng ngoài theo dõi. Ngoài đường, Cảnh sát giao thông rải ra, hướng dẫn xe qua lại, đảm bảo không ùn tắc.
    Cảnh sát trật tự, môi người một vị trí trấn giữ. Xe bảo vệ, cái trước cái sau dẫn hai xe chở các bị cáo vào. Đám người nhà bị can sấn lên, chen lấn, cố đến thật gần, những mong nắm được tay, chạm được vào người nhà mình. Các bị cáo bắt được mắt người thân, mừng tủi, buồn vui lẫn lộn. Không biết họ nói gì, trên những đôi môi mấp máy kia?
    Ai vị trí nào, đã yên vị ở đấy. Quản giáo ngồi kèm các bị cáo ngay sau vành móng ngựa. Thư ký toà mời mọi người đứng dậy. Các quan toà vào vị trí. Không khí trang nghiêm, căng thẳng.
    Vị chủ toạ đứng dậy dõng dạc:
    - Nhân danh Toà án nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…
    Ở dưới thiên hạ tha ho bàn tán, nhận xét.
    - Cái con bé thư ký xinh quá nhỉ? Cứ như người mẫu ấy. Được cặp chân dài nữa thì nhất.
    - Ngày xưa cứ bảo quan toà mặt sắt đen sì. Bây giờ, cha nào cũng mập mạp, mũm mĩm, mỡ màng.
    - Ăn của đút mới được thế chứ.
    - Đương nhiên! Thế mới có đường dây chạy án chứ. Chạy cả công an, cả kiểm sát, chạy cả toà án. Vào tù thì chạy cả quản giáo, nên ở tù mà vẫn chửa được mới tài chứ.
    - Thử xem vụ này, các bố xử thế nào. Toàn công chức nhé. Chuyện, có chức có quyền mới có người hối lộ chứ. Tao trông cái mặt lão Định mới ghét chứ. Mặt đầy mặt thịt, tròn xoe như đĩa sắt tây. Đầu như quá bí ngô ủng ấy. Ở mà sao toàn đàn ông nhỉ? Chả nhẽ đàn bà không ai dính vào à?
    - Tao chỉ muốn nhìn cái thằng Trưởng phòng sở Kế hoạch Đầu tư, xem cái mặt nó khi tao lên nộp hồ sơ đăng kí kinh doanh với mặt nó hôm nay khác nhau thế nào… A, nó kia. Trông mới thiểu não chứ. Ngẩng lên để tao nhìn rõ cái mặt ăn tiền của mày một tí. Tao quên không mang cái ống nhòm đi, để nhìn cận cánh cái bản mặt mày. Con ông cốp Thành uỷ viên, có ngờ đâu lại đến nông nỗi này? Không muốn ai nhìn mặt mình, mà lại không thể lấy rổ mà che, lấy nong mà đè, lấy ra mà úp mới nhục chứ. Không muốn nhìn ai mà lại không thể nhắm tịt mắt lại mới nhục chứ. Đành cứ gằm mặt xuống thế kia. Ở kìa, nó ngẩng mặt lên, dớn dác nhìn về phía đám đông. Chắc nghe tiếng gọi? Vợ? Con? Hay bồ?… Vẫn dớn dác tìm. Chắc không thấy. Kể cũng tội nghiệp. Thế lúc cầm phong bì của tao, mày có tội nghiệp không? Có phải ai sản xuất kinh doanh cũng xúc được tiền đâu mà bất kể ai, mày cũng mơi, cũng moi, cũng dền dứ để phải đưa phong bì ra mới giải quyết…
    Nhà nào cũng bật ti vi. Cả thành phố bàn tán về phiên toà xét xử dàn quan chức Thanh Hoa nhận hối lộ. Dân sản xuất, kinh doanh muốn xem mặt những kẻ đã hành mình, lúc ra toà thế nào. Ngay những người vốn là đồng nghiệp trong cơ quan cùng tò mò muốn nhìn họ. "Ăn cho lắm vào… tham thì thâm". Chẳng biết, nếu người nói mà ngồi vào ghế ấy, liệu có thoát khỏi vòng tội lỗi này không? Tại lòng tham không đáy, hay tại cơ hội đến tay, tội gì không ăn. Chắc nhiều quan chức giật mình sờ gáy.
    Sau này, khi công bố thăm dò dư luận theo chỉ thị của Tổng Bí thư, quả thật mấy ngành kế hoạch đầu tư, tài chính vật giá, cảnh sát giao thông… được dư luận "bầu" vào loại "top ten" tham nhũng.
    Đài Truyền hình Thanh Hoa chọn cách làm khôn ngoan: những buổi toà lấy lời khai bị cáo, công tố viên đọc cáo trạng thì chỉ thu hình một đoạn rồi biên tập lại. Buổi tối, sau chương trình thời sự của đài Trung ương, mới phát lại để bạn đọc theo dõi diễn biến vụ án, đảm bảo tính liên tục, hệ thống. Đến khâu tranh tụng mới lại truyền hình trực tiếp.
    Phạm Tấn, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Thai trông khá bảnh bao. Hắn là một người nhanh nhẹn, hoạt bát, khôn ngoan và xảo quyệt vào loại đẳng cấp quốc gia.
    Không có chí làm quan, nhưng gan làm giầu thì có hạng. Khi phát hiện ra khâu vé máy bay từ Nga về nước có thể ăn được, Tấn quyết định bỏ học đại học. Thì cũng thế thôi. Học xong về nước đã chắc gì có việc. Có việc chắc gì đã đủ ăn tiêu? Công chức tính thu nhập hằng tháng, không, tớ tính thu nhập hằng năm kia. Mua hàng bên này, đóng côngtenơ gửi về mà không hay à? Mấy năm tích lại, Tấn được một món kha khá.
    Về Thanh Hoa, đúng vào thời kỳ mở cửa. Kiếm mấy mảnh đất cho chắc ăn. Đùng một cái, cả Thành phố lên cơn sốt đất, Tấn bán đi, quyết định đầu tư vào một công trình lớn, mới chỉ có ở thành phố Hồ Chí Minh - công viên nước.
    Nhưng hắn sáng tạo thêm: kết hợp với thuỷ cung. Tấn tính chán rồi. Ngần ấy vốn liếng chỉ đủ rắc trên đường từ nơi thuê đất lên đến… trời. Khi đã có trong tay hai giấy phép sử dụng mấy ngàn mét vuông đất và giấy phép xây dựng, chỉ cần cắt ra vài chục lô đất bán đi và gọi thiên hạ góp cổ phần là đủ chi phí xây dựng và mua sắm trang thiết bị.
    Nói gọi thiên hạ mua cổ phần, không phải dưới gầm trời này, hễ ai có tiền xỉa ra là mua được. Tao chỉ bán cho những vị tai to mặt lớn, để họ còn che chắn, phòng khi sự cố xảy ra. Trong lễ cắt băng khánh thành chỉ riêng sự có mặt của những vị ấy cũng đã làm vẻ vang cho tao rồi.
    Gần hai năm trời chạy chứ ít gì. Mọi chuyện đều trót lọt, nhờ làm tốt việc "đầu tiên". Từ phường lên quận, tới thành phố, đến tận các bộ liên quan. Xong hết. Tao không lót tay thì có đến tết chúng mày mới giở hồ sơ ra. Mà đâu chỉ lót tay. Phải lót cả chân, cả người chúng mày ấy chứ. Ngần ấy tiền của tao đủ bọc kín người ngợm chúng mày, thành cái quan tài tiền đấy.
    Thế mà một thằng nhà báo chó chết nào đó lại moi ra. Chết cái, đó là báo Thời luận. Thế là các báo nhâu nhâu vào đánh hội đồng. bung bét, tứ tung cả.
    Miếng ăn đã vào mồm. Mới trệu trạo nhai đã phải nhè ra. Rồi vào đây bóc lịch. Mất cả chì lẫn chài. Thân bại danh liệt. Chúng mày thì vẫn ung dung phè phỡn ăn chơi. Vẫn được tiếng là trong sạch. Thằng nặng nhất mới bị buộc thôi việc vì đã quá sốt sắng làm hộ cả công văn giấy tờ cho tao.
    Ông là ông đ… có chịu đâu nhé. Mẹ kiếp, không ăn thì ông đạp cho đổ kềnh đổ càng hết. Bọn mày phải nôn ra và cũng phải vào đây bóc lịch với bố mày.
    Trái với các quan chức cúi gằm nhìn đất, hắn nhìn quanh khắp lượt. Nhìn xoáy vào hàng ghế những người hắn đã từng cầu thân, chạy vạy, nhờ vả. Điều cốt tử là phải chứng minh được rằng, chúng nó đã nhận tiền của mình. Bấy lâu ở trong tù Tấn đã nghiền ngẫm chuyện này. Hắn nhớ lại mọi chi tiết những lần tiếp xúc, đã ghi nhớ cẩn thận. Vốn là tay buôn bán lọc lõi, hắn cũng lường trước tình huống xấu nhất. Không bao giờ chịu nắm đằng lưỡi, nên chưa bao giờ bị hớ. Vậy mà lần này mất hết. Bao nhiêu vốn liếng đi đời nhà ma.
    Tất cả các báo in đều có bài vừa tường thuật, vừa bình luận sự kiện này. Vụ án thuỷ cung Thần Tiên trước đây, xử lý qua loa chiếu lệ, gây không khí bất bình trong dư luận Thanh Hoa và cả nước. Nay toà án mang ra xử công khai, làm mọi người háo hức chờ đợi. Thử xem kết cục thế nào?
    Sáng nay bắt đầu cuộc tranh tụng giữa hai bên.
    Toà hỏi bị cáo Trần Thanh Định:
    - Khi còn đương nhiệm Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban Nhân dân thành phố Thanh Hoa, bị cáo có ký công văn trả lời công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Thai, đồng ý cho công ty này sử dụng đất ở bán đảo Kim Ngưu, trong vòng năm mươi năm làm công viên nước và thuỷ cung không?
    - Thưa toà có ạ!
    - Sau đó, bị cáo đã ký thay Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Thanh Hoa, kính đề nghị các cơ quan hữu quan Trung ương xem xét quyết định, có đúng không?
    - Thưa toà đúng ạ.
    - Để được tờ trình ấy, bị cáo Phạm Tấn có đưa, tặng, hay biếu bị cáo tiền, ngân phiếu hay đồ vật gì không?
    - Thưa toà, hoàn toàn không ạ.
    Định rất vững tâm. Chẳng để lại dấu vết gì, chẳng ký tá gì, chẳng nhân chứng, vật chứng gì. Thằng chó chết kia đừng hòng làm gì được tao.
    - Một công trình lớn như thế, đi lại gần hai năm trời, trước lạ sau quen, có thể trở nên thân thiết chưa chừng. Chả nhẽ lại không hậu tạ cái gì à?
    - Thưa toà, hồ sơ của họ hội đủ điều kiện theo luật định. Sở Kế hoạch Đầu tư và sở Tài chính Vật giá, sở Tài nguyên Môi trường, Nhà đất đã xem xét, có tờ trình Uỷ ban, lại có ký nháy của Phó chánh văn phòng, bị cáo chỉ việc ký thôi ạ.
    - Trong hơn hai năm đi lại, hai bên có lần nào ngồi với nhau, có kéo nhau đi đâu, có mời nhau ăn uống gì không.
    - Thưa toà, việc ấy thì có ạ.
    - Bị cáo hãy khai cụ thể.
    - Thưa toà, sau khi nhận được tờ trình do bị cáo ký, ông Tấn có mời bị cáo và một số người nữa đi chiêu đãi ạ.
    - Ăn ở đâu? Uống rượu gì? Có những món gì, có nhớ không?
    - Thưa toà, ăn ở nhà hàng Toà Sen ạ! Thưa, khai vị là món súp vây cả mập ạ, có món tiết canh cá sấu ạ, thịt đà điểu ạ, cuối cùng có món yến hấp đường phèn tráng miệng ạ. Còn nhiều món khác nữa, bị cáo chỉ nhớ mấy món lạ miệng ấy thôi ạ.
    Một gã ngồi dưới bình luận: "Chà chà! Toàn những món giờ mới được nghe. Tao chưa được nếm bao giờ nên không tiết nước bọt. Chúng mày không làm món ngấu pín chim sẻ à?"
    Toà vẫn tiếp tục hỏi:
    - Thế còn rượu?
    - Thưa toà, là rượu XO ạ.
    - Ăn xong có được chiêu đãi gì không?
    - Thưa toà, không ạ!
    - Có phong bì lót tay không?
    - Thưa toà, không ạ!.
    - Toà hỏi xong, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Tấn có ý kiến gì?
    Ở dưới, bàn dân thiên hạ có ý kiến ngay: "… Không thể nào ngửi được. Thời buổi xin - cho, mà lại không có phong bì phong bao thì… chó cũng không nghe được". "No cơm, ấm cật rượu ngà ngà, chân tay dậm dật ngay ấy mà. Mấy em váy ngắn, chỉ dài hơn váy vũ nữ ba lê tí tẹo, áo thì phía dưới hở bụng, phía trên hớ nửa vú. Chỉ mới trông, các bố đã "điên" lắm rồi. Bét nhất thì cũng sang phòng bên, hát Karaoke bằng… tay. Khoái em nào thì dìu ngay sang phòng nghỉ gần đấy "làm việc". "Nó còn kéo nhau đi đánh bạc nữa cơ. Cũng các em áo váy kiểu ấy, mỗi thằng một em. Thắng thì nhét tiền thưởng vào giữa hai bầu vú nung núc trắng ngần, thua thì kéo luôn vào phòng gần đây… giải đen. Mà thắng thua thì các em cũng sẵn sàng làm dịch vụ sinh lý cả. Lo gì? Trông các vị cặp đen xách tay, từ ô tô bước xuống thì oai phong lẫm liệt thế thôi, chứ thả ra ấy à, ăn chơi tàn bạo!…"
    Đến lượt Phạm Tấn bị toà thấm vấn:
    - Toà hỏi bị cáo Phạm Tấn: Dự toán toàn bộ khu công viên nước, thuỷ cung Thần Tiên, kể cả tiền thuê khu đất là bao nhiêu?
    - Thưa toà là x tỉ ạ.
    - Thế vốn liếng của bị cáo là bao nhiêu?
    - Thưa toà… bị cáo chỉ có y tỉ thôi ạ.
    - Nếu chỉ có ngần ấy tiền thì làm sao bị cáo lại được các cơ quan chức năng của thành phố Thanh Hoa duyệt dự án để trình lên cấp trên.
    - Thưa toà… thì bị cáo hứa sẽ chạy đủ vốn sau khi dự án được phê duyệt.
    - Bị cáo định chạy vốn bằng cách nào?
    - Thưa toà, bị cáo sẽ dùng cách mà các doanh nghiệp chưa đủ vốn vẫn dùng là… "lấy mỡ nó rán nó ạ".
    - Yêu cầu bị cáo nói cụ thể.
    - Thưa toà, bị cáo sẽ phát hành cổ phiếu ạ.
    - Đã tiến hành chưa? Bán được bao nhiêu cố phiếu rồi? Sao không ai biết việc ấy?
    - Thưa toà, bị cáo có thông báo đấy ạ.
    - Nhưng khi thông báo đưa ra thì đã ban hết rồi phải không? Bị cáo trả lời, có đúng thế không?
    - Dạ thưa toà đúng ạ.
    - Ngoài biện pháp ấy ra, bị cáo còn dùng biện pháp nào không?
    - Thưa toà không ạ.
    - Thế sao lại có danh sách những người mua đất trong đám hồ sơ của bị cáo. Và diện tích đất trong bản thiết kế so với diện tích đất được phép sử dụng lại chênh lệch nhau nhiều đến thế? Bị cáo trả lời toà, diện tích đất để lại bị cáo sẽ dùng vào việc gì?
    - Dạ thưa quý toà… đế… để bị cáo bán cho các đối tác đã giúp đỡ bị cáo và những người thân quen ạ.
    - Giá bán thế nào?
    - Thưa toà, theo giá thị trường ạ.
    - Bán được bao nhiêu lô rồi?
    - Thưa toà, cũng được vài chục lô rồi ạ, nhưng khi sự việc vỡ lở, bị cáo đã trả lại tiền họ rồi ạ.
    - Bị cáo làm thế nào mà lại được chứng nhận vốn pháp định gặp nhiều lần số tiền thực có trong tài khoản như thế?
    - Thưa toà, thật sự việc ấy là rất bình thường ạ. Ai ở vào hoàn cảnh như bị cáo chả làm thế ạ.
    - Cụ thể là làm thế nào? Bị cáo khai rõ ra
    - Thưa toà, bị cáo nói thế là rõ rồi chứ ạ.
    Thẩm phán có vẻ cáu. Ông gay gắt:
    - Đã nói gì đâu mà bảo rõ. Bị cáo có thành khẩn khai báo trước toà hay là để bị ghép thêm tội quanh co chối tội?
    - Thưa toà, tất nhiên là phải biếu tiền những người làm việc này.
    - Việc biếu tiền ấy theo nguyên tắc nào, hay tuỳ theo khả năng của bị cáo?
    - Thưa toà, không phải theo khả năng đâu ạ. Nó có luật bất thành văn đấy ạ.
    - Cụ thể là thế nào? Bị cáo nói rõ ra, đừng làm mất thì giờ mà tội càng nặng thêm đấy.
    - Thưa toà, bị cáo hiểu rồi ạ. Thưa toà, cứ xác nhận khống ngần này thì phải biếu ngần này ạ.
    - "Ngần này" là bao nhiêu? Nói cụ thể ra.
    - Thưa toà, "ngần này" là một đơn vị tiền mặt được quy ước là mười triệu ạ. Vâng, cứ ngần ấy thì phải biếu một trăm. Bị cáo thấy thế là rẻ ạ. Người ta giúp mình giải quyết được một trở ngại rất lớn ạ.
    - Thề khi nhận tiền, có ký nhận gì không?
    Tấn hơi cười cười. Từ khi bắt đầu cuộc thẩm vấn, ống kính máy quay đều chĩa vào hắn. Vì thế, bàn dân thiên hạ đều thấy rõ hắn cười. Chỉ không nghe thấy tiếng cười thôi, còn bộ mặt, nhất là cái mồm nhe hẳn răng ra thì rô mười mươi là cười rồi còn gì? Hắn cười gì mới được chứ? Ra toà, chết đến đít rồi còn cười. Trên đời chưa thấy ai láo như hắn. Nhưng ngẫm ra hắn cười cùng có lý. Bởi vì không chỉ hắn cười. Những ai nghe thấy câu hỏi ấy của thẩm phán đều cười. Hãy nhìn mọi người theo dôi phiên toà xem. Bao nhiêu người cười. Người ta cười vì câu hỏi quá ngu ngơ, ngủ ngớ, nghĩ ngờ. "Nó có ngu ngơ khối ra tay. Nó thừa biết là không bao giờ có chuyện kẻ nhận hối lộ lại ký khi nhận hối lộ. Thế nghĩa là mày không có chứng cớ gì hết. Mà đã thế thì tất cả những lời khai của mày không mảy may có giá trị pháp lý, hiểu chưa?
    Thẩm phán trông thấy rõ ràng Tấn cười. Biết rất rõ hắn cười mình. Nhưng đành làm ngơ. Thằng nào ngu lại chấn chỉnh: "Bị cáo dám cười quan toà à? Thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời: "Thưa toà, bị cáo xin lỗi đã cười. Lí do cười, ai cũng hiểu, chỉ có toà không hiểu".
    Nhưng vị thẩm phán trên kia đủ khôn để lờ lớ lơ đi cái cười đểu ấy. "Hãy cứ để mày đấy đã". Ông ta hỏi tiếp để cuối cùng mới trói hắn lại:
    - Ngoài vụ biếu tiền để được xác nhận khống vốn pháp định, bị cáo còn phải biếu tiền những ai?
    - Thưa toà chỉ có nhân viên bảo vệ ở cổng ra vào là không phải biếu thôi ạ. Còn đến cơ quan nào, phòng nào, liên quan đến ai đều phải biếu, tuỳ theo người ta tham gia giải quyết việc của mình đến đâu.
    - Bị cáo có chứng cớ gì không?
    Bây giờ Tấn không cười được nữa. Hắn biết câu hỏi ấy đang trói hắn lại - Toà án không bao giờ chấp nhận lời khai ấy hắn đành trả lời:
    - Thưa toà nói chung là không ạ.
    Cũng là người có phản xạ ngôn ngữ, thẩm phán vặn ngay:
    - Bị cáo trả lời toà hỏi, sao lại có chuyện nói chung, nói riêng là thế nào?
    Đến đây, luật sư của Tấn mới đứng dậy xin phép toà được nói:
    - Thưa toà, thân chủ tôi thì trả lời toà rằng, ai cũng phải biếu, trừ người gác cổng. Còn ông Định thì lúc nãy trả lời toà là không nhận bất kỳ quà biếu xén gì. Thưa toà, nếu vậy thì nền hành chính nước ta đã không bị Tổ chức minh bạch thế giới xếp vào loại bét ạ!
    Luật sư phía bị cáo Định bật dậy:
    - Phản đối! Thưa toà, không được có lối nói mỉa mai châm biếm ở đây. Nhất là ông này lại mang cả nền hành chính nước ta ra giễu cợt.
    Toà chấp nhận phản đối!
    Luật sư của bị cáo Tấn thừa biết việc mình cố tình chọc tức toà sẽ bị phản đối, nhưng ông ta cũng biết trong tay mình có một cái mà nhờ nó, tình thế sẽ bị đảo ngược.
    - Tôi xin rút lui lời nói vừa rồi! Xin phép toà cho tôi hỏi bị cáo Trần Thanh Định:
    - Gia đình ông có mấy nhân khẩu?
    Phản đối, câu hỏi không liên quan gì đến vụ án.
    - Có đấy ông luật sư ạ ông chịu khó nghe thêm chút nữa sẽ thay câu chuyện này dẫn đến đâu.
    Quan toà:
    - Phản đối không được chấp nhận!
    - Xin ông Định vui lòng trả lời cho.
    - Gia đình tôi có sáu nhân khẩu.
    - Là những ai, thưa ông?
    Lại có tiếng ai đó bình luận không chính thức: "… Uất thật! Đường đường một vị phó chủ tịch mà phải chịu để nó lục vấn như hỏi cung ấy. Mà đúng là hỏi cung rồi còn gì. Luật tố tụng cho phép kia mà". "Đúng là trót đà tay đã nhúng chàm. Dại rồi còn biết khôn làm sao đây. Định ơi là Định ơi!…"
    Trần Thanh Định buộc phải trả lời:
    - Mẹ tôi, tôi, vợ tôi, hai con đẻ và một con dâu.
    - Cụ chắc không đi xe máy. Ông đã từ lâu chắc cũng không dùng xe máy. Vậy là nhà có bốn chiếc xe máy cho bà nhà và ba cháu dùng?
    Nghe thiên hạ nhận xét là một thứ khoái đặc biệt:
    - Quái quỷ, cái tay luật sư này hỏi vớ vẩn gì thế nhỉ?
    - Này, đừng có bảo người ta vớ vẫn nhé. Nó chăng bẫy đấy. Đến uỳnh một cái, nó mới giật, ngửa bổ chửng cho mà xem…
    Luật sư của Tần tiếp tục:
    - Chắc ông biết, trong bốn chiếc xe tay ga ấy, có một chiếc đắt tiền nhất phải không?
    - Có thể thế, tôi không dùng nên không quan tâm đến đắt rẻ, tốt xấu.
    - Chiếc xe ấy mang biển kiểm soát số hiệu thế nào, chắc ông cũng không biết?
    - Tôi không biết.
    - The mà thân chủ tôi biết.
    - Cái đó không khó. Ai nhìn thấy con tôi đi xe lại chả đọc được biến số.
    - Vâng, cái đó không khó. Nhưng thân chủ tôi lại biết cả số máy, số khung xe con ông thì phật lạ. Thế ông mua cho cháu hay cháu tự mua?
    Bị cáo ngần ngừ một tí rồi trả lời:
    - Cháu tự sắm lấy.
    - Cháu mua ở cửa hàng nào, chắc cháu vẫn nhớ?
    - Cái đó thì tôi không biết.
    - Chắc cháu cùng tự đi đăng ký lấy?
    - T…ấ…t nh…i…ê…là… là như thế.
    Định đã không còn làm chủ được giọng mình.
    - Thế cháu còn giữ hoá đơn không ông?
    Ông hỏi lạ, làm sao tôi biết được chuyện của nó. Sau khi đăng ký xong, người ta chỉ giữ cái giấy đăng ký thôi. Giữ hoá đơn làm gì?
    - Vâng, đúng là không giữ hoá đơn ấy làm gì, vì… có đâu mà giữ. Thưa toà, cái hoá đơn ấy đây. - ông ta cầm tờ giấy đưa đến cho vị chủ toạ. - Đúng hơn là bản phôtô cái hoá đơn ấy đây! Trong hoá đơn ấy, tên người mua là thân chủ tôi. Trong đó có ghi rõ tên xe, kiểu xe, dung tích xilanh, số máy, số khung đầy đủ. Nhưng khi đăng ký lại đứng tên con ông Định, với tất cả các thông số kỹ thuật khớp hoàn toàn với những thông số kỹ thuật ghi trong hoá đơn này, - ông ta cao giọng: - Thế nghĩa là chiếc xe ấy chính là quà biếu của thân chủ tôi cho ông Trần Thanh Định, sau khi dân chủ tôi nhận được tờ trình của Uỷ ban Nhân dân thành phố Thanh Hoa do ông Trần Thanh Định ký, gửi các cơ quan hưu quan Trung ương.
    "Ái chà, thằng cha khiếp quá. Nó đề phòng có lúc phải dùng đến cái hoá đơn ấy nên cất thật kỹ, thấy chưa, đã bảo mà". - Gã ban nãy vừa phì phèo thuốc lá vừa quay sang bạn hất hàm. "Cha Định tắc kỳ ngôn lộ rồi… Sức mấy mà chối được…" - Bạn gã hưởng ứng.
    Luật sư của Tấn tiếp tục:
    - Hôm ấy thân chủ tôi đến nhà ông Định chơi, đúng lúc ra cửa thì con ông Định đi đâu về. Thấy nó đi chiếc Dream đã cũ, thân chủ tôi bảo: "Con đồng chí Phó chủ tịch thường trực Thành phố mà đi xe cà tàng thế này à? Ông Định nói lấy lệ: "Kệ cháu, bao giờ đủ sức thì nó thay xe mới". Và thế là, thân chủ tôi thực hiện ý đồ hậu tạ của mình. Ông Định đưa hộ khẩu, chứng minh thư con ông ta cho thân chủ tôi đi đăng ký xe. Thưa toà, tôi còn mang theo băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa thân chủ tôi và ông Định. Nếu toà cho phép, tôi xin mở đế toà, ông Định và mọi người cùng nghe.
    Quan toà:
    - Có lẽ không cần, bị cáo Trần Thanh Định trả lời cáo buộc của luật sư bị cáo Phạm Tấn.
    - Thưa toà, tôi không có gì để nói cả.
    - Nghĩa là bị cáo Trần Thanh Định nhận rằng, mình đã nhận hối lộ chiếc xe tay ga biển số…
    - Thưa vâng ạ!
    Luật sư của bị cáo Trần Thanh Định có ý kiến gì không?
    - Thưa toà, thế là thân chủ tôi đã thành khẩn nhận tội. Đề nghị toà xem xét như một tình tiết giảm nhẹ.
    Toà nghỉ để hội đồng xét xử nghị án.
    Buổi chiều, sau khi nghị án, vị chủ toạ phiên toà dõng dạc:
    - Bị cáo Trần Thanh Định nghe toà tuyên án:
    Bị cáo Trần Thanh Định, 57 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban Nhân dân thành phố Thanh Hoa, đã không xem xét, kiểm tra cẩn thận hồ sơ xin được cấp phép quyền sử dụng đất của bị cáo Phạm Tấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Thai để làm công viên nước và thuỷ cung Thần Tiên, đã thay mặt Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Thanh Hoa ký vào tờ trình, đồng ý với đề nghị của bị cáo Phạm Tấn, gửi lên các cơ quan hữu quan Trung ương xem xét quyết định. Cho đến lúc bị báo chí lên tiếng, chỉ ra sự bất hợp lý trong việc sử dụng khu đất được coi là địa linh, nằm ở vị trí vào loại đẹp nhất Thành phố, thì công việc mới bị dừng lại. Trong khi tiến hành thủ tục xin làm chủ đầu tư và xây dựng trên khu đất này, bị cáo Phạm Tấn đã có nhiều việc làm khuất tất như khai khống để che đậy năng lực tài chính nghèo nàn của mình. Lại có hành vi hối lộ những người có trách nhiệm nên đã bị truy tố.
    Bị cáo Trần Thanh Định đã nhận hối lộ của bị cáo Phạm Tấn một chiếc xe máy Honda SH. Trước toà, bị cáo Trần Thanh Định đã thừa nhận việc này. (đằng hắng lấy giọng)
    Xét thấy bị cáo Trần Thanh Định xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, trong quá trình công tác đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chung, nhất là sự nghiệp đổi mới thành phố Thanh Hoa, đã từng được thưởng Huân chương chống Mỹ cứu nước và Huân chương Lao động, trong lý lịch tư pháp, chưa hề có một sai phạm nào. Đây là sai phạm đầu tiên.
    Trong quá trình điều tra, bị cáo Trần Thanh Định tỏ ra thành khẩn, không quanh co chối tội.
    Tội trạng của bị cáo Trần Thanh Định là thiếu tinh thần trách nhiệm và nhận hối lộ.
    Nhưng nhờ các cơ quan báo chí lên tiếng kịp thời, nên chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc. Khu địa linh đã thu hồi. Với tội nhận hối lộ, bị cáo Trần Thanh Định đã thừa nhận và đã nộp lại chiếc xe máy Honda SH để hoá giá sung công quỹ.
    Vì những lẽ đó, toà tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Định mức án…
    Cả án trường ào lên tiếng la ó phần nộ. Những người theo dõi qua truyền hình ở gia đình cùng lên tiếng phê phán.
    Ống kính camera hướng người xem truyền hình vào cánh lộn xộn. Người ta đứng dậy, tay vung lên. Những gương mặt méo đi vì giận giữ, miệng thia lia như súng liên thanh.
    Ống kính dừng lại ở một người đàn ông có tuổi:
    - Tôi là một cán bộ quân đội nghỉ hưu. Xử như thế thì còn ai tin vào pháp luật nữa. Nếu báo chí không phát hiện ra thì sao? Trước hết, phải thưởng huân chương cho ai viết bài báo đầu tiên trên báo Thời luận đưa vụ đạt thuỷ cung Thần Tiên ra ánh sáng. Thứ hai là, chỉ một vụ này, ông ta đã nhận hối lộ một chiếc xe máy bằng cả một gia tài lớn, có bằng chứng hẳn hoi, chứ nhận phong bì thì ai ký tá gì, thế là trắng tội. Thử hỏi trong bao nhiêu năm làm Giám đốc sở Tài chính Vật giá, rồi làm Phó chủ tịch thường trực, ông ta đã ký bao nhiêu văn bản như thế. Bao nhiêu giấy phép cấp đất nữa. Chữ ký nào chả ra tiền… Phải xử lại để làm gương cho kẻ khác.
    Một phụ nữ trung niên:
    - Tôi là một người cán bộ bình thường. Nghe toà tuyên án, tôi thấy hình như phần kể thành tích của bị cáo còn dài hơn cả phần luận tội. Luật chống tham nhũng có rồi, mức xử phạt thế nào có rồi. Sao lại xử thế được. Đấy, nhà đài nhìn xung quanh xem, thái độ nhân dân thế nào thì biết ngay.
    Một thanh niên đầu trọc lốc, vừa nói, tay vừa nắm lại vung lên:
    - Đảng phải xem lại mấy cái ông toà án này đi. Có vấn đề đấy! Không phải ngẫu nhiên mà các ông ấy bàn nhau chỉ xử thế này đâu. Lẽ công bằng ở đâu? Nhà toàn xe tay ga thôi. Sâu mọt là đây, chứ đâu nữa?
    Một cô thanh nữ, dáng chừng buôn bán:
    - Dân kinh doanh chúng tôi khổ sở với các loại người này lâu rồi. Bây giờ mới lôi được mấy ông ra thôi. Quan bé ăn bé, quan to ăn to. Xử thế này chỉ là gãi ghẻ. Quá bằng nống bọn tham nhũng lên.
    Mấy ngày nay, tất cả báo phát hành trên địa bàn đều có bài phản ánh sự kiện này. Đều là những bài tóm tắt, phản ánh, tường thuật vụ án. Khi toà tuyên phạt mức án các bị cáo thì các bài chuyển hướng sang nhận xét, bình luận sự kiện, các báo tập trung khẳng định, đây là một cách làm tưởng như cũ nhưng mới thật sự.
    Tờ Chính luận giật tít: Tường thuật trực tiếp xử án - Bước đột phá trong thế chế dân chủ. (Kèm ảnh toàn cảnh phiên toà đông đảo người dự).
    Tờ Thời luận: Tường thuật trực tiếp xử án – Hình thức toàn dân giám sát các cơ quan báo cáo pháp luật. (Kèm ảnh chụp từ trên cao mà cận cảnh là chiếc máy và người quay phim, viễn cảnh là đông đảo người dự. )
    Cả hai báo trên đều đặt câu hỏi: vì sao mức xử phạt thấp như vậy?
    Báo Pháp luật với thời đại giật tít bằng một câu hỏi: Toà án xử theo luật pháp hay theo chỉ đạo của…? Kết thúc bài viết, tác giả kiến nghị: Các cơ quan chức năng cấp trên cần làm sáng to khuất tất bên trong vụ xét xử này.
    Kiên theo dõi tất cả các buổi tường thuật cả trực tiếp và gián tiếp. Có chuẩn bị kỹ cũng có khác, các thẩm phán, kiểm sát viên đều tỏ ra chững chạc, có nghề. Như một cuộc thao diễn nghiệp vụ! Cho đến phút chót mới lộ ra vấn đề. Kiên biết mấy bị cáo quan chức. Có người như ông Định, còn biết khá rõ. Là biết qua công việc thôi. Còn những chuyện sau công việc, ngoài công việc thì chịu.
    Đã có lần Kiên nói chuyện với Hùng - nhớ ra rồi, hôm hai anh em đi tắm bùn, Hùng có nói rằng, nếu anh làm Chủ tịch, nhất là phó chủ tịch phụ trách các sở: Quy hoạch Kiến trúc, tay dựng, Tài nguyên Môi trường Nhà đất, Giao thông Công chính… thì Tết nhất, thiên hạ cứ phải xếp hàng gặp anh đấy.
    Còn bao nhiêu loại giấy phép gì gì ấy… Chính là chuyện này đây? Âu cũng là cái giá phải trả cho sự tham lam. Không biết, nếu mình ngồi vào ghế ấy thì có mắc không? Các cụ ngày xưa dạy rồi: hám quyền, chết vì quyền; hám danh, chết vì danh; hám lợi, chết vì lợi, hám sắc chết vì sắc. Làm công dân bình thường, làm chuyên môn thuần tuý mà muốn đứng ngoài bốn cái cám dỗ ấy còn khó, nữa là làm anh có chức, có quyền.
    Ông Trân cho rằng, nhất định tay thẩm phán này phải chịu sức ép nào đấy? Ai nhỉ? Trong hay ngoài thành phố này? Ông gọi điện cho anh ta, mời lên trao đổi công việc. Không giải thích, không động viên, không rào đón, Bí thư Thành uỷ đặt anh ta trước một sự lựa chọn:
    - Tôi không tin là đồng chí không biết phải xử ông Định mức án nào cho đúng với tội danh. Nếu đồng chí không biết thật thì đồng chí sẽ phải nhận một hình thức kỷ luật vì năng lực yếu kém, làm mất niềm tin của nhân dân vào sự công bằng của toà án chúng ta. Đây lại là phiên toà thí điểm hình thức dân chủ, xã hội ở Thanh Hoa. Còn nếu đồng chí biết phải xử thế nào cho đúng với tội danh, nhưng vì một lẽ nào đấy, một áp lực nào đấy mà phải xử như đã xử thì chúng tôi buộc phải xem xét.
    - Báo cáo Bí thư, tôi biết rõ tầm quan trọng của phiên toà này. Đồng chí Chánh án cũng đã trao đổi kỹ. Chúng tôi cũng đã trao đổi với các đồng chí bên Công an, Viện Kiểm sát Thành phố, để tạo một sự đồng thuận. Không phải chỉ Thành phố mà cả nước sẽ biết tường tận, cặn kẽ phiên toà này. Thế nhưng…
    Ông Trân nhìn thẳng vào mắt anh ta. Đôi mắt sau cặp kính trắng nghiêm nghị, đặt anh ta trước một sự lựa chọn nữa:
    - Nói hay không là quyền của đồng chí. Theo tôi, tình hình không đến mức làm đồng chí phải lo sợ, chắc không phải dùng biện pháp bảo vệ nhân chứng đâu mà lo.
    Thẩm phán ngước nhìn ông Trân như muốn hỏi điều gì.
    Ông giải thích:
    - Đơn giản, vì chúng tôi không làm cái việc như cảnh sát.
    Chúng tôi cần biết nguồn phát ra thông tin đến đồng chí, để hiểu được tính phức tạp của vấn đề, để có biện pháp gỡ rối. Không ai làm chuyện đôi co ba mặt một lời.
    Một lần nữa, thẩm phán lại ngước nhìn ông ngần ngại
    Ông Trân đọc được suy nghĩ của anh ta, nên giải thích:
    - Chắc đồng chí muốn biết chúng tôi sẽ xử lý khuyết điểm của đồng chí như thế nào chứ gì? Tôi nói ngay đây. Tất nhiên, trong suy nghĩ của tôi và nhiều người khác, đồng chí chưa phải là người có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp. Tôi thông cảm cái khó của đồng chí.
    Thẩm phán, tay này bóp tay kia. Bóp rồi lại bỏ ra, bỏ ra rồi lại bóp tiếp. Cứ như không biết làm gì ngoài việc bóp tay như thế.
    Anh ta lại nhìn ông Trân, lần này ra chiều bạo hơn:
    - Báo cáo Bí thư, đồng chí hiểu thế thì phúc cho tôi quá. Thưa đồng chí, anh Định là người tâm phúc của đồng chí ấy. Đồng chí ấy bồi dưỡng cất nhắc lên, để kế cận Chủ tịch. Mối quan hệ này quá nhiều người biết. Dù bây giờ không ở thành phố nhưng… Đồng chí ấy gọi điện cho tôi… ngay trước khi nghị án.
    Mọi việc đã rõ, ông Trân kết thúc câu chuyện:
    - Đồng chuyên tâm. Thế nào ngành dọc của đồng chí cũng chỉ đạo xử lại đấy. Coi như sức ép dư luận thôi! Không phải lo lắng gì nhiều.
    Người lơ lớ cũng theo dõi phiên toà qua truyền hình. Ông ta thầm chê tay Định dại dột. Chê gã Tấn ngu xuẩn. Cứ như tao đây, cũng tốn kém đấy, nhưng tao làm qua tay thằng khác, kín đáo, tự nhiên, hối lộ mà cứ như không. Mưa phùn thấm lâu. Ngay cả khi tay Sán chết tiệt, ngu như chó, bị bắt, ta vẫn bình chân như vại. Chả thằng nào động đến lông chân ta được. Nó vào tù, đường dây vẫn an toàn. Bây giờ toà xử thằng Định và đồng bọn thế này, việc lo lót của ta cũng sẽ nhẹ đi. Chắc chắn khu công nghiệp thứ hai cũng sẽ xong mà xem.
    Khi nghe toà tuyên án, Người lơ lớ vỗ đùi, cười lớn: "Bàn tay Người ngoài hành tinh đây. Chỉ ông ta mới làm được thế. Cho dù không còn đứng đầu Thành phố này, nhưng ảnh hưởng của ông ta, đệ tử của ông ta còn lớn lắm. Ngay cả sau Đại hội này, nghỉ hưu hẳn, cái đầu ấy vẫn còn được việc cho ta".
    

Xem Tiếp Chương 30Xem Tiếp Chương 30 (Kết Thúc)

Lửa Đắng
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Xem Tập 20
  » Xem Tập 21
  » Xem Tập 22
  » Xem Tập 23
  » Xem Tập 24
  » Xem Tập 25
  » Xem Tập 26
  » Xem Tập 27
  » Xem Tập 28
  » Đang Xem Tập 29
  » Xem Tiếp Tập 30
 
Những Truyện Dài Khác