Trong cuộc họp giữa các bên do sở mình chủ trì, ông Vinh Giám đốc Sở Tư pháp lật lại vấn đề:
- Thì truyền hình Trung ương vẫn tường thuật trực tiếp một số buổi xử án ấy chứ đồng chí Trần Kiên?
Không nhẽ, ông tư pháp này lại suy nghĩ giản đơn thế.
Kiên không tin. Thật ra ông ta đặt câu hỏi ấy, chỉ là gián tiếp nói rằng, đề án của đồng chí rất vớ vẩn, chả có mảy may ý nghĩa gì. Anh cảm thấy như mình bị khiêu khích hay coi thường. Không nhẽ, ông ta không đọc đề án. Mà cũng có thể lắm. Không chịu đọc văn bản, phó mặc người giúp việc đọc là một trong những thói thường của quan chức. Tình thế buộc anh phải nói:
- Thưa đồng chí giám đốc, ai cũng biết là, các buổi tường thuật phiên toà của ta, nếu có, bao giờ cũng chỉ thực hiện ở buổi khai mạc hoặc buổi kết thúc, hoặc cả hai buổi. Có lý do kĩ thuật, có lý do kinh phí. Như thế, hỏi có bao nhiêu tác dụng xã hội?
Kiên mới nói đến đấy, rõ ràng là chưa hết ý kiến, tuy chừng ấy thôi đã đủ trả lời thẳng ý kiến ông ta rồi. Không biết có phải cậy mình là người chủ trì cuộc họp không, ông Vinh, mái tóc, ruồi cũng phải trượt chân khi nhỡ đậu vào, cắt ngang lời Kiên:
- Đồng chí nói thế, chả hoá ra đài Quốc gia làm một việc vô ích à?
Rõ là khiêu khích.
Lắm khi đồng ý hay phản đối một ý kiến, không phải vì bản thân ý kiến ấy, con người ấy, mà bởi vì những gì ngầm đằng sau ý kiến ấy, con người ấy. Kiên là người từ cơ sở lên.
Anh chưa phải là loại già dặn chốn quan trường Thanh Hoa, nên không biết rằng, Vinh vốn là người thân tín của Bí thư cũ. Bí thư không còn nhưng người của Bí thư còn đấy, thừa sức cho người của kíp lãnh đạo mới biết thế nào là lễ độ. Đừng có tưởng được Tổng Bí thư gặp mà vênh mặt nhé. Có vào Trung ương, đây mới quan tâm nhé.
Kiên vốn ngây thơ chính trị, làm công tác chính trị như làm công tác khoa học - khoa học quản lý, không hề biết đến thủ đoạn, nên Kiên cứ thành thật đối đáp:
- Thưa đồng chí, lâu nay ta chỉ tường thuật trực tiếp phiên khai mạc và phiên kết thúc thôi, nên nó chỉ có ý nghĩa chính trị, không có bao nhiêu ý nghĩa xã hội. Bởi, thật ra, điều quyết định làm nên tính công bằng, tính khách quan dân chủ, tính minh bạch, công khai của một phiên toà là ở khâu tranh tụng. Ở khâu này, lâu nay vẫn có tình trạng toà chỉ sử dụng kết quả điều tra của bên công an, buộc người ta phải nhận tội…
Một lần nữa, ông tiến sĩ Vinh lại thô bạo cắt ngang lời Kiên, tuy có lịch sự hơn, bằng lời nói lấy lệ:
- Tôi xin lỗi cắt ngang ý kiến đồng chí! Toà xét xử không căn cứ vào kết quả điều tra của công an thì căn cứ vào đâu?
Kiên nóng mặt. Không biết trong cuộc họp này còn ai phản đối đề án của mình. Đến lúc này, rõ ràng ông ta, chi một ông ta chơi lại mình. Anh không nắm chắc luật bằng ông tiến sĩ này. Nhưng, lẽ nào toà xử chỉ căn cứ vào kết quả điều tra của công an? Nếu thế, vì sao toà phải hỏi tỉ mỉ lại mọi chuyện diễn ra trên hiện trường? Nếu thế, vì sao nhiều trường hợp viện kiểm sát trả lại hồ sơ, yêu cầu bên công an điều tra lại, làm rõ tình tiết này, tình tiết kia, động cơ phạm tội. Tỉ lệ vụ án oan, án sai, án bị huỷ có ít đâu. Những câu hỏi ấy lướt rất nhanh trong cái đầu đã nóng lên của Kiên. Anh thấy cần làm rõ ý kiến mình và… phải tỏ thái độ mới được.
- Trước khi phát biểu tiếp, tôi đề nghị không ai cắt ngang lời tôi kế cả đồng chí Vinh - người chủ trì cuộc họp. Trong thành phần cuộc họp này còn có đại diện Thành uỷ, Uỷ ban và các đồng chí khác, chứ không phải chỉ có tôi với đồng chí. Đây không phải là một cuộc tranh luận tay đôi, - ngừng một tí, anh dấn thêm, - nếu còn bị cắt ngang, tôi xin phép hội nghị được ra về. Đồng chí sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thành uỷ và Uỷ ban về sự bất thành của hội nghị.
Phòng họp căng lên trong im lặng tuyệt đối. Hôm nay, ông Vinh mới bị ăn đòn phản pháo. Không thể ngờ Kiên cứng cựa thế, đành ngồi im. Gương mặt đàn ông đẹp, cương nghị của anh đã giãn ra. Anh tiếp:
- Nếu tôi hiểu đúng thì, điều tra của cơ quan công an chỉ là thủ tục ban đầu để có cơ sở pháp lý đề nghị Viện Kiểm sát phê chuẩn lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Còn điều tra công khai, giữa thanh thiên bạch nhật của toà án mới là điều tra chính thức. Thế mới có chuyện trong thời gian điều tra xét hỏi, nhiều bị can bị mớm cũng, bức cung, ép cung, thậm chí còn bị đánh đập. Ra toà họ mới tố cáo họ phản cung… Những chuyện như thế, không nhẽ chỉ mình tôi biết? Còn phần tranh tụng của luật sư hai bên nữa chứ, giữa Kiểm sát viên và các luật sư nữa chứ. Cái lối cứ bằng bản cáo trạng đã được định sẵn, viết sẵn, bất chấp những tình tiết mới nảy sinh, bất chấp nhân chứng đưa ra những lời khai mới, luật sư đưa ra bằng chứng mới, bất chấp luật sư bào chữa đúng đến đâu, là chuyện không hiếm ở ta. Các đồng chí cũng như tôi, không hề biết, bởi chúng ta không bị rơi vào vòng lao lý ấy.
Sở dĩ nảy ra đề xuất này, chính là vừa rồi, tôi có dự một phiên toà dân sự ở quận tôi, mà đã thấy bức bối lắm. Mong các đồng chí chia sẻ tâm trạng của tôi. Đã là tâm trạng thì chắc cũng có phần chủ quan, cảm tính, thái quá. Mong được các đồng chí cảm thông, ủng hộ.
Đến lúc này, Chánh văn phòng Thành uỷ (mới được bổ nhiệm thay Kim sau một thời gian ông Trân về) thấy cần thiết phải có lời cảnh báo. Ông đứng dậy hướng cái nhìn về phía ông Vinh:
- Tôi xin lưu ý các đồng chí. - Dù là "lưu ý các đồng chí" thì câu này hẳn là dành cho ông Vinh đây - Chúng ta chỉ có bàn vào, chứ không bàn ra. Bàn việc thực hiện ý kiến mà đồng chí Bí thư Thành uỷ đã bút phê trong văn bản hiện có trong tay các đồng chí. Không phải chỉ vì, đấy là ý kiến của người lãnh đạo cao nhất Thành phố, mà chính vì đây là đòi hỏi bức xúc của công luận, của nhân dân. Mục tiêu đầu tiên của xã hội chúng ta là công bằng, rồi đến dân chủ, sau đó mới là văn minh. Hơn bất cứ chỗ nào, Chính toà án là nơi phải đạt bằng được sự công bằng. Cán cân công lý chỉ được nằm ngang. Nếu nó từng dao động, bấp bênh, bập bềnh thì nay phải thăng bằng trở lại. Không thể nghiêng về bên nào có đường dây chạy án khỏe. Chạy từ khâu điều tra, khâu kiểm sát, khâu xử án đến cả khâu thi hành án nữa.
Ý kiến này là một đòn, giáng không chỉ vào ông Vinh, mà còn giáng vào những ai còn mơ hồ tình thế.
Sau phát biểu ấy, thấy mình bị chiếu tướng, ông Vinh mới thôi công kích. Ba cơ quan Công an, Toà án, Viện kiểm sát xin có cuộc họp riêng bàn thảo việc chọn một vụ án điểm nào đó không quá đơn giản, cũng không quá phức tạp để truyền hình trực tiếp. Cũng xin Thành phố không cho thí điểm ở toà án quận như Lâm Du đề nghị, mà là xử ở toà hình sự thành phố. Bên toà án và viện kiểm sát sẽ chọn những cán bộ vững nhất về nghiệp vụ để "ra quân". Quan trên trông xuống, bàn dân thiên hạ trông vào, nên xin có thời gian chuẩn bị rồi sẽ báo cáo sau. Đài Truyền hình cam kết sẽ đưa xe truyền hình đến triển khai, đảm bảo kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng tốt. Thành phố sẽ họp báo để giải thích về việc này, đề nghị các báo đưa tin viết bài.
Đấy là kết quả cuối cùng của cuộc họp.
Thình lình, hơn chục tờ báo ra hằng ngày có mặt trên địa bàn Thanh Hoa đồng loạt đưa tin: Giám đốc công ty Thiên Thai bước đầu khai nhận đã dùng bao nhiêu tiền "bôi trơn" bộ máy công quyền tử phường lên quận, thành phố, các cơ quan hữu quan trung ương để có được giấy phép sử dụng đất, giấy phép xây dựng thuỷ cung Thần Tiên. Và khi vụ việc bị báo chí phanh phui thì đã dùng bao nhiêu tiền nhờ chạy án.
Vụ án đất đai với cái đuôi là thuỷ cung Thần Tiên hơn nửa năm trước đã khép lại. Hơn chục cán bộ đã bị xử lý. Một Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân dân Thành phố bị buộc thôi việc, một bị cách chức. Một Phó chủ tịch thành phố bị chuyến làm việc khác. Phó chủ tịch thường trực cho về hưu trước tuổi. Mấy cán bộ trưởng phó phòng của mấy sở: Kế hoạch đầu tư, Tài chính Vật giá bị cánh cáo v.v…
Vụ án đã khép lại, bởi chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Đất chưa mất vào tay tên lưu manh khoác áo nhà đầu tư.
"Nhà đầu tư" vào trại giam bóc lịch. Bây giờ với diễn biến mới, cơ quan cảnh sát điều tra lại triệu các vị lên lấy lời khai.
Các vị tưởng đã nấp kỹ trong đống rơm. Ai ngờ lại bị lôi ra!
Đọc mẩu tin, nhớ như in hôm theo Tổng Bí thư về làm việc với Thanh Hoa, ông Tiến báo cáo:
- Báo cáo anh, bên công an đã khôi phục điều tra vụ thuỷ cung Thần Tiên đấy ạ!
- Thế à? Đồng chí theo dõi sát sao vụ này giúp tôi. Thế cái đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân có mấy sợi tóc chải ngang bây giờ làm gì?
- Báo cáo anh, tôi không chắc chắn lắm, hình như đồng chí Huỳnh đi phụ trách ban quản lý dự án khu công nghiệp thì phải. Để tôi kiểm tra lại rồi báo cáo anh sau ạ.
- Công tác tổ chức của mình cũng lạ nhỉ? Thế từ ngày anh Trân về, tình hình thế nào? Có khá hơn không?
Báo cáo anh, biến chuyển tốt ạ.
- Thế cái đồng chí gì, Bí thư mà ta để kiêm Chủ tịch ấy, tình hình thế nào rồi?
- Đồng chí Kiên làm nhiều cái hay làm ạ. Tôi có nghe báo cáo hằng tháng của nhóm chuyên viên biệt phải xuống đấy.
- Ba tháng phải họp lại, sáu tháng phải có nhận định đánh giá kết quả thí điểm xem, dưới ấy gặp khó khăn trở ngại gì phải giúp họ tháo gỡ kịp thời. Tôi đồ rằng cách làm mới đã khó, cái khó hơn chính là anh em mình đấy. Hay có lối kỳ đà cản mũi lắm. Không biết…
Nói đến ấy, Tổng Bí thư ngừng lại. Ông biết người đi rồi, thường vẫn lưu luyến chiếc ghế cũ. Có người còn dùng ảnh hưởng của mình tác động vào nơi cũ, để bảo vệ những người do mình dựng lên… để bảo vệ lợi ích của mình sau bao năm gây dựng? Có khi cũng chỉ để chứng minh rằng, người mới không hơn gì mình, không bằng mình. Không biết tình hình ở đấy có thế không?
Lần nói chuyện với "Cụ" làm ông phải suy nghĩ. Anh Trân cũng đã nhắc rồi. Biết vậy thôi, chứ cũng chưa biết nên thế nào. Thành thứ cứ canh cánh không yên. Quen với lối nghĩ việc nào ra việc ấy, cưa đứt đục suốt, mà việc này, biết là phải làm rõ, mà lại không thể làm rõ ngay được, nên mấy đường nhăn như dòng kẻ nhạc trên trán ông càng hằn sâu
Ông bảo ông Tiến mời ông Trân lên làm việc với mình.
Cứ ngờ Tổng Bí thư yêu cầu báo cáo tình hình nhân sự - chuẩn bị đại hội Đảng bộ Thành phố, nhưng ông lại hỏi tình hình chung, có gì mới không. Ông Trân hào hứng báo cáo ý định truyền hình trực tiếp một phiên toà. Lạ quá, Tổng Bí thư hỏi ngay:
- Ai đề xuất việc này? Mục đích? Đồng chí hình dung được kết quả mong đợi của việc này như thế nào? Hiệu ứng phụ, phản ứng từ nhiều phía như anh lưu ý tôi nữa chứ.
- Báo cáo anh, đây là đề xuất của đồng chí Trần Kiên, Bí thư kiêm Chủ tịch Lâm Du.
- Tôi nghe nói đồng chí ấy có nhiều suy nghĩ rất sáng tạo, độc đáo phải không?
- Báo cáo anh. Đồng chí ấy còn một số đề xuất khác, để tôi báo cáo sau. Đồng chí cho phép tôi tập trung vào việc này đã đồng chí ấy trình bày rằng, công bằng là đòi hỏi cao nhất, cấp thiết nhất của mọi người. Lâu nay toà án ta xử - theo thống kê của chính ngành bảo vệ pháp luật - thì những vụ án oan sai, những vụ án xử sót người, sót tội chiếm một tỉ lệ không nhỏ
- Theo đồng chí, vì những nguyên nhân gì?
- Báo cáo anh, có nguyên nhân về luật pháp của ta còn nhiều bất cập, nhưng chắc chắn có một nguyên nhân về năng lực, về phẩm chất đạo đức cán bộ mấy ngành này. Đồng chí ấy cho rằng, nếu truyền hình trực tiếp thì có nghĩa là, song song với việc xét xử của toà án, sẽ là việc xét xử của toà án công luận. Toà án công luận giám sát cả việc điều tra lại tại toà, giám sát cả việc tranh tụng trước toà, khâu bất cập nhất mà Bộ Chính trị đã có chỉ thị và cuối cùng là giám sát việc xét xử, xem như thế có công bằng không? Tôi nghĩ, đến cả thái độ tác phong, ngôn ngữ của cán bộ bảo vệ pháp luật cũng bị công luận nhận xét:
- Rõ rồi! - Đột nhiên Tổng Bí thư đứng dậy, đi đi lại lại.
Hai tay chắp sau lưng, đầu cúi thấp, vẻ trầm ngâm. Ông gật đầu liền mấy cái. - Rất hay đấy. Cách làm này tạo điều kiện tốt cho chúng ta thực hiện một số chủ trương của Bộ Chính trị Chủ trương đúng mà không có giải pháp hay thì việc thực hiện cũng không được bao nhiêu. Thế hiệu ứng phụ? Chắc là về phía mấy đồng chí công an, toà án, viện kiểm sát?
- Thưa, đúng thề ạ!
- Đã chọn vụ án nào chưa?
- Thưa anh, tôi chưa bàn với anh em. Nhưng ý tôi là chọn chính vụ thuỷ cung Thần Tiên mà khi về làm việc với Thanh Hoa, anh đã chất vấn. Vụ ấy đang khôi phục điều tra.
- Tôi nghĩ sẽ là một vụ án để ta thí điểm, sẽ vỡ ra nhiều điều…
Trong trí nhớ ông Trân, vẫn còn nguyên lời Tổng Bí thư dặn trước khi về Thanh Hoa: "Qua vụ đất đai và vụ thuỷ cung Thần tiên, tôi thấy đội ngũ lãnh đạo Thanh Hoa có không ít vấn đề. Nó bộc lộ điểm yếu nhất trong hệ thống chính quyền nước ta. Ấy là sự không khoa học trong thể chế và cơ chế vận hành, nhất là cơ chế tổ chức và giám sát, dẫn đến hậu quả tất yếu là sự kém hiệu lực của hệ thống chính quyền. Một cái chết nữa là phẩm chất đạo đức đội ngũ cán bộ… Đồng chí hãy kiên quyết tháo khớp những đốt nào loại tử. Nếu được thì lọc máu. Cần nữa thì thay máu".
- Tôi đồng ý. Đồng chí bàn kỹ với anh em làm tốt công tác chuẩn bị. Tôi sẽ bàn với Ban Nội chính, các đồng chí bên công an, tư pháp, toà án, và kiểm sát.
Tiễn ông Trân về rồi, Tổng Bí thư ngồi vào bàn làm việc thoải mái trong chiếc ghế cứng quen thuộc. Ông không thích ngồi ghế xoay. Không phải vì loại ghế ấy đã một lần thụt xuống vô lối. Ông thích sự ổn định, vững chãi.
Trong đầu ông, bỗng vẳng lên câu hát của người lính năm nào: "Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân. Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn… Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui… "
Tổng Bí thư thấy vui vui. Cũng đã lâu ông mới có lúc vui thế này. Ngẫm ra, những niềm vui ấy thường do cuộc sống dưới cơ sơ mang lại. Sự sáng tạo thường nảy ra từ thực tiễn. Đồ Sơn khoán chui. Anh Kim Ngọc cũng khoán chui mà bị kỷ luật. Mình vừa gánh trọng trách này. Còn đang thời kỳ làm quen với qui mô công việc mới. Hãy học anh Kim Ngọc. Nếu chưa nghĩ được điều gì mới, thì hãy ủng hộ những việc làm mới, những nhân tố mới của quần chúng, rồi nhân rộng nó lên. Đây là một việc rất bay. Nó giải quyết cùng lúc các tính: dân chủ, công khai, minh bạch và khách quan của mấy ngành gây bức xúc nhiều nhất trong đời sống xã hội. Khi kiện, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện tập thể, khiếu kiện vượt cấp là vì các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa làm tròn chức trách của mình. Mấy điểm nóng các tỉnh là nguyên nhân từ đây chứ đâu.
Ông mời Trưởng ban Nội chính Trung ương sang trao đổi. Ông này nghe xong nói:
- Báo cáo anh, tôi chưa suy nghĩ kỹ. Nhưng thấy không có gì trái với mọi quy định hiện hành. Chắc chắn nhân dân rất hoan nghênh. Chỉ có các anh bên công an, toà án, kiểm sát thì chắc có phần lúng túng, vì chưa quen, mà thật ra thì cũng chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, nhất là bên toà án.
Tổng Bí thư bảo:
- Tôi hoàn toàn nhất trí với anh. Nhưng phải mạnh dạn làm. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Anh làm việc với các anh bên Chính phủ để có sự phối hợp đồng bộ nhé!
Tổng Bí thư không ngờ, cuộc làm việc với lãnh đạo các ban ngành liên quan lại diễn ra như thế.
Không ai hào hứng hưởng ứng. Mọi người đều dè dặt.
Lừng chừng và lừng khừng.
Vẫn với ai độ quen thuộc của người ưa nói thẳng, ông hỏi:
- Tôi phải hiểu sự im lặng của các đồng chí thế nào đây? Đồng ý hay phản đối?
Không ai trả lời. Ông Thụ, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương muốn nói lắm, nhưng không thể nói trước mặc dù ông rất muốn trình bày suy nghĩ đã nung nấu khá kỹ của mình.
"Đây là công tác chuyên môn thì bên chuyên môn phải có ý kiến trước. Mình là cái anh tư tưởng văn hoá, chỉ giải quyết vấn đề tư tưởng thôi. Mà chuyện tư tưởng thì vô cùng. Đến chuyện sờ sờ trước mắt, ai cũng nhìn thấy, cũng nghe thấy, nhìn tận mặt, bắt tận tay, cân đo đồng đếm được, mà còn mỗi người một ý, nữa là chuyện tư tưởng. Tư tưởng các vị kia… có vấn đề là cái chắc. Có giải quyết được vấn đề tư tưởng, để bắt tay vào làm, tôi mới huy động đội quân báo chí, rồi đến văn hoá nghệ thuật vào cuộc được chứ!" - ông nghĩ bụng.
Tổng Bí thư nhắc lại lần thứ hai, vẫn không ai nói. Ơ hay, việc của mình, việc đến tay mình lại ngồi như phỗng thế kia là nghĩa làm sao. Lạ thật đấy. Thái độ này buộc phải dùng biện pháp "quân sự", nghĩa là chỉ định. Ông Bộ trưởng bộ Tư pháp rụt rè:
- Báo cáo Tổng Bí thư, lâu nay ta cũng có làm truyền hình trực tiếp đấy ạ!
Ngạc nhiên nhìn ông này, Tổng Bí thư hỏi:
- Chết chửa. Chẳng lẽ đồng chí không biết, đấy chỉ là hình thức mang tính tuyên truyền thôi à? Mà cũng chỉ làm một số vụ án chỉ đạo điểm thôi chứ. Trong nội bộ ta cứ nói thẳng ra như thế phải không đồng chí Thụ? Còn hàng trăm vụ án diễn ra hằng ngày, ta đã bao giờ làm đâu. Còn như cách ta định làm sắp tới thì mục đích yêu cầu rất khác.
Ông hỏi từng người, buộc họ phải thể hiện chính kiến.
Người thứ hai ông hỏi là Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao.
Ông này cũng buộc lòng phải thừa nhận nên làm. Có lẽ vì việc này liên quan, trước hết, trực tiếp và nhiều nhất đến ngành mình nên ông này tỏ ra lo ngại. Lí do lo ngại chắc hẳn không nằm trong câu trả lời sau đây:
- Báo cáo Tổng Bí thư, đúng là như vậy ạ. Nhưng việc mới quá, chưa ai quen ạ. Vá lại,… nếu truyền hình cả quá trình diễn ra một phiên toà thì dài lắm ạ. Có những phiên toà kéo dài nhiều ngày ạ. Tốn kém lắm ạ…
Nghe cái giọng kêu ca toàn những khó khăn trở ngại, Tổng Bí thư ngán ngẩm kêu lên:
- Trời ơi, làm cách mạng mà chỉ hành động theo đường mòn, lối cũ, theo thói quen thì… đồng chí định đi tới đâu? Sự nghiệp của chúng ta bây giờ, có phải là công cuộc đổi mới do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng không? Hay là đồng chí định làm theo lối cũ? - ông lắc đầu. - Còn khó khăn đồng chí nêu ra là đúng, nhưng đó là chuyện kỹ thuật, chuyên môn. Các đồng chí bên truyền hình sẽ có cách giải quyết phù hợp. Làm sao để người xem truyền hình có thể nắm được diễn biến của vụ án. Có thế mới theo dõi được. Theo dõi được mới có cơ sở nhận xét… Theo đồng chí, trong công tác xét xử, đâu là khâu yếu nhất?
- Báo cáo Tổng Bí thư, đấy là khâu tranh tụng trước toà ạ!
- Đồng chí nói cụ thể xem yếu là yếu thế nào? Yếu cái gì?
- Thưa Tổng Bí thư… yếu về nhiều mặt ạ!
- Vậy là vì yếu về nhiều mặt nên ta giấu nhẹm đi, theo cách ứng xử các cụ ta là đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại chứ gì? Câu ấy các cụ chỉ dùng vào việc tiếp khách thôi, khách đi rồi thì phải mở ra mà làm lại, mà dạy bảo nhau chứ. Đóng cửa một chốc một lát chứ đóng cửa cả năm, cả đời được à?
Ông thấy vấn đề thật sự nghiêm trọng. Mà không phải chỉ ngành toà án, chỉ người đứng đầu nó suy nghĩ như thế. Có lẽ các ngành khác, các đồng chí ngồi đây, ít nhiều, đều có tư tưởng này. Đồng chí Thụ ơi, đây là phần việc của đồng chí đấy. Đây mới là trở ngại lớn nhất khiến bộ máy các cấp của chúng a trì trệ đấy. Đồng chí cho biết cụ thể xem, về năng lực chẳng hạn?
- Báo cáo Tổng Bí thư, chưa nói về chất lượng, chỉ nói về số lượng thôi, chúng tôi đã phải vơ vét, nhặt nhạnh tất cả những người có máu mặt trong ngành, mới tạm đủ, để bổ nhiệm cho đủ số lượng thẩm phán các cấp, theo quy định hiện hành ạ.
- Thế nghĩa là công tác quy hoạch phát triển ngành làm không tốt, quy hoạch cán bộ ngành làm không tốt. - nghĩ một tí, ông chợt hỏi - Thế bao nhiêu sinh viên luật mới ra trường đâu, sao không nhận họ, không bồi dưỡng, để họ chạy vào các tổ chức nước ngoài, các văn phòng luật sư, các công ty luật. Tôi thấy có công ty còn được tổ chức quốc tế công nhận và xếp vào loại mấy công ty luật uy tín trong khu vực có đúng thế không?
- Thưa Tổng Bí thư, ngân sách ngành có hạn, không có khả năng thu hút những người giỏi như thế ạ.
- Nhưng những người năng lực yếu thì thừa chứ gì?
Im lặng.
- Thế còn chất lượng?
- Báo cáo Tổng Bí thư, chúng tôi chưa có số liệu cụ thể xem bao nhiêu phần trăm có trình độ trên đại học, đại học hoặc chưa có trình độ đại học, nhưng công tác lâu năm trong ngành, có nhiều kinh nghiệm xét xử, cũng được bổ nhiệm.
- Đồng chí phải cụ thể ra, ngay cả trình độ đại học cũng phải xem, bao nhiêu đại học nước ngoài, bao nhiêu trong nước, bao nhiêu học tại chức, bao nhiêu đào tạo từ xa? Ấy là đơn thuần bằng cấp, còn thực lực nữa chứ. Lại còn chuyện học giả bằng thật nữa chứ. Lại còn chuyện bằng giả nữa chứ.
Hiếu ra lý do im lặng của các vị này, ông phân tích:
- Các đồng chí ạ. Chính vì đây là khâu yếu nhất nên chúng ta mở đột phá khẩu, tấn công vào. Chính ở khâu này, cả ba ngành mới bộc lộ mặt được, mặt chưa được của mình. Nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật thì bao giờ chúng ta mới xây dựng được một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một nền tư pháp nghiêm minh, minh bạch, thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, quyền sống của con người. Phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Không cách gì che đậy sự yếu kém của một hệ thống chính quyền đâu. Người dân yêu mến chính quyền này, không phải vì đọc các bài xã luận rất kêu đâu đồng chí Thụ ạ, mà chính là họ nhìn vào các cơ quan công quyền của ta, trước hết là các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đương nhiên họ còn phải nhìn vào hiệu quả kinh tế, đời sống xã hội, quản lý xã hội của chính quyền v.v…
Ông ngừng lại, nhấp ngụm nước, nhìn vào mắt từng người rồi tiếp tục dòng suy tư của mình:
- Không biết có ai định chụp cho tôi cái mũ ca ngợi pháp quyền tư sản không, khi tôi nói, đất nước ta phải cảm ơn luật sư Loseby, người đã cãi thành công để Bác Hồ chúng ta không bị toà án Hồng Công kết tội, và cũng chính nhờ vị ân nhân này tổ chức cho Bác trốn, nên mật thám Pháp mới không bắt được Bác đưa về Việt Nam xét xử. Nếu toà án Hồng Công không chịu lý lẽ của ông Loseby thì không biết tình hình sẽ như thế nào? Thế nghĩa là việc tranh tụng trước toà là cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc toà án ra án quyết đúng hay sai phải không các đồng chí? Các đồng chí có hiểu vì sao Bộ Chính trị phải có chỉ đạo về cải cách tư pháp trong đó có việc này không? Theo thông tin trên báo, nhiều vụ chúng ta không xử theo pháp luật mà theo ý muốn chủ quan của ta. Có đúng thế không?
- Thưa, có không ít đâu ạ! - ông Thụ trả lời.
Tổng Bí thư tiếp tục truy kích những ý nghĩ luẩn quẩn đang chạy trốn trong đầu mọi người. Ông quyết dồn họ vào quỹ đạo của mình:
- Chỉ nói đến trình độ thôi, đến cách xét xử thôi, chúng ta đã xử nhiều vụ không theo pháp luật. Chúng ta phải trả giá cho những sai phạm và sự kém cỏi của mình. Ta mới có quy định phải bồi thường cho nạn nhân những vụ án ấy, phải cỏng khai xin lỗi người ta, rồi đến lúc phải xem trách nhiệm của những người cầm cân nẩy mực những vụ ấy đến đâu mà xử lý cá nhân. Làm tốt việc ấy sẽ lấy lại một phần niềm tin của nhân dân vào công lý.
Nói đến đấy ông dừng lại hỏi:
- Nếu ý kiến tôi sai chỗ nào, các đồng chí nói ngay cho. Không có gì phải ngần ngại. Chỉ có mấy người thôi. Các đồng chí là những người có trách nhiệm cao nhất về Đảng và chính quyền ngành mình mà còn không thống nhất được với tôi thì nói gì đến hàng triệu người khác.
Một lần nữa, ông lại phải chỉ định từng người. Ông biết thế này có phần thô bạo đây, nhưng ông còn biết một điều sâu xa hơn. Nó đang ẩn sâu ở góc khuất nào đó trong mỗi người. Nó là cái không thiện bên cái thiện trong mỗi con người, mà vì không thắng nổi nhau trong cuộc vật lộn giữa cái cũ và cái mới nên cái không thiện vẫn kéo họ xuống, khiến họ không dám bứt lên. Trông những nét mặt khó đăm đăm của họ, ông biết họ chưa vượt được chính mình.
Họ đang nghĩ đến những khó khăn khi thực hiện. Khi phá bỏ những cách nghĩ, cách làm đã ăn vào máu thịt mỗi người. Họ biết rõ quân cán mình cũng không ít chuyện mờ ám đâu.
Truyền hình trực tiếp là công khai giữa bàn dân thiên hạ công việc của mình. Ai diễn, biết ngay. Ai cố tình bao che cho bị cáo, ai cố tình xử nhẹ đến mức khó hiểu biết ngay.
Ông công an lo không ít. Chuyện vi phạm luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, chuyện không bảo vệ hiện trường, cố tình không lấy lời khai nhân chứng, chuyện làm sai lệch hồ sơ vụ án… v.v… và v.v… ông kiểm sát ngồi kia, cố tình trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra lại, cố tình không ra cáo trạng, ông không đủ chứng cớ kết tội v.v… và v.v… ông nào cũng lo. Chỉ những lo là lo.
Tổng Bí thư làm thế này thì chết cả lũ.
Mà xem ra ông còn tấn tiếp. Đã thấy kết luận gì đâu. Y như rằng, Tổng Bí thư lại tiếp tục mổ xẻ:
- Nảy, đồng chí Chánh án mới nói đến sự thiếu hụt về mặt số lượng. Thế còn về chất lượng chuyên môn và về phẩm chất đạo đức của đội ngũ? Đồng chí không cần phát biểu. Đây là vấn đề chung của đội ngũ công chức chúng ta. Thế nên mới phải cắn răng đưa ra khẩu hiệu Làm trong sạch và vững mạnh đội ngũ. Bao nhiêu đơn vị đã giành được danh hiệu đơn vị trong sạch và vững mạnh mà có người, nhiều trường hợp là người đứng đầu cơ quan vẫn ra toà? Đến cấp Trung ương quản lý mà còn có hàng chục người mắc tội thì đủ biết vấn đề trầm trọng đến mức nào.
Điều tôi lưu ý các đồng chí là, khi người cán bộ ngành bảo vệ pháp luật sai phạm, thì tác hại gấp nhiều lần sai phạm của cán bộ ngành khác. Vì nó tác động đến sinh mạng chính trị, đến vị thế xã hội, tức là danh dự, uy tín của người ta, chứ không phải chỉ đến lợi ích vật chất đâu. Và không phải chỉ mình người ta chịu, mà thân nhân họ, con cháu họ cũng bị tai tiếng theo. Nhiều gia đình tan cửa nát nhà vì có người đi tù, các đồng đủ có biết không? Những người ấy, và cả dư luận xã hội sẽ oán chúng ta. Niềm tin của họ vào lẽ công bằng của chế độ sẽ bị thương tổn ghê gớm. Các đồng chí làm tốt hay không tốt sẽ góp phần quan trọng vào sự hưng vong của Nhà nước đấy.
Đấy, tôi trao đổi thẳng thắn với các đồng chí rồi. Các đồng chí bàn bạc trong lãnh đạo ngành mình, trước mắt để giúp Thanh Hoa triển khai thí điểm. Nếu làm tốt - mà tại sao không tốt nhỉ, sẽ nhân rộng ra các địa phương khác. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tất nhiên không phải vụ án nào cũng truyền hình trực tiếp. Nhưng làm vụ nào phải có tác dụng tốt vụ ấy. Chắc chắn các đồng chí sẽ bị phê phán đấy. Nhưng nhân dân phê phán đúng vào chỗ yếu kém của ta thì tốt chứ sao.
Tôi không động viên các đồng chí. Tôi chỉ ra cái tất yếu của công việc này. Nói như đồng chí Nguyễn Văn Linh, đây chính là việc cần làm ngay để chúng ta xốc lại đội nghĩ ngành mình. Cả ba ngành chứ không phải chỉ bên toà án đâu. Các đồng chí phải xem lại, phải bổ sung, phải điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch cán bộ. Phải có kế hoạch đào tạo đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài, tạo đổi kinh nghiệm với các nước phát triển xem họ làm thế nào.
Phải đào tạo lại, đào tạo tại chỗ nữa. Và tôi đặc biệt lưu ý các đồng chí đến việc đào thái. Đấy là quy luật. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành, nếu cần phải truy tố nhũng người không đủ phẩm chất hoặc mắc sai phạm nặng làm ảnh hưởng đến uy tín ngành.
Đêm ấy ông ghi vào số công tác mấy cái gạch đầu dòng:
- Xốc lại đội ngũ.
- Chỉnh đốn Đảng.
- Việc bồi thường các vụ án oan sai cần phải luật hoá. |
|
|