Áp Đảo Đối Phương Trước Là Sách Lược Hay Có một nhà hiền triết từng nói: “ý nghĩ là người mở đường cho hành động“, người phát ngôn trước sẽ truyền cho đối phương những nhận thức của mình nên đối phương sẽ đi theo phương hướng mà người đó vừa chỉ ra. Điều này là hợp với quy luật tâm lý, kết quả thực nghiệm tâm lý học có liên quan cũng cho thấy, trong những kích thích xã hội (tin tức) như nhau kế tiếp tác dụng đối với mọi người, kích thích xã hội nào xuất hiện trước sẽ gây được ấn tượng mạnh nhất đối với mọi người, đây cũng là điều mà tâm lý học gọi là hiệu ứng nhân tố đầu tiên.
Trong giao tiếp, người cạnh tranh của bạn sẽ tìm cơ hội hạ thấp, bêu giễu bạn trước mặt lãnh đạo, nếu bạn cảm nhận được sự nguy hiểm này, thì nên áp đảo đối phương trước, hãy tuyên truyền một ý nghĩ vào đầu lãnh đạo trước, nói một người nào đó hận ghét bạn như thế nào, có thể sẽ chia rẽ quan hệ giữa lãnh đạo và bạn. Trước khi chuyện đó xảy ra, nếu bạn trấn áp đối phương trước, gặp gỡ trước với lãnh đạo, tạo được sự coi trọng của lãnh đạo, khi sau này thực sự có kẻ muốn bôi nhọ bạn, thì trong lòng lãnh đạo đã vững tin rồi, sẽ không làm khó bạn, thế là bạn có thể bình an vô sự rồi .
Tuyệt chiêu thắng lợi của Trần Chẩn
Trần Chẩn là thuyết khách nổi tiếng thiên hạ, trứ danh tung hoành khắp nơi thời Chiến Quốc. Con người này về mưu lược ngoại giao và chính trị đều có những kiến giải rất độc đáo, nhưng lại không trung thành với một nước nào.
Trong suốt cuộc đời chính trị của mình, Trần Chẩn không được hài lòng lắm.
Ban đầu, Trần Chẩn và Trương Nghi đều ở trong cung Tần Huệ Văn Vương và đều được trọng dụng. Cả hai là những cao thủ về mưu lược ngoại giao và rất có tài ăn nói. Điều này cũng phản ánh câu tục ngữ “Hai hổ không thể nhốt chung một chuồng“, Trương Nghi du thuyết Tần vương với thuật liên hoành, đã được vua Tần sủng tín, đồng thời còn được phong chức thừa tướng, quyền lực khuynh đảo thiên hạ một thời. Trương Nghi lợi dụng sự tín nhiệm của Tần vương đã dụng kế phản gián, hãm hại rất nhiều quần thần cũ của nước Tần, để củng cố địa vị thêm cao của mình. Trần Chẩn biết Trương Nghi từ lâu đã muốn hãm hại mình nên không đợi Trương Nghi ra tay, Trần Chẩn đã trấn áp đối phương trước, nhờ Điền Cách tâu với Tần vương: “Nước Sở có thể sẽ gây nguy hại cho nước Tần chúng ta, nước Sở biết Hoành Môn Quân giỏi dùng binh; Trần Chẩn tinh thông mưu lược, tất để cho Trương Nghi tới hãm hại hai người, xin đại vương đừng tin lời Trương Nghi“.
Không ngờ, sau đó quả nhiên Trương Nghi đến nói xấu Trần Chẩn, nhưng ông ta vừa mở miệng thì Tần vương nổi cơn thịnh nộ không thèm nghe.
Ở đây, Trần Chẩn đã biết việc sớm muộn Trương Nghi sẽ hãm hại mình, thế là liền chủ động xuất kích, áp đảo đối phương trước, nhờ Điền Cách ra tay, truyền cho Tần Vương ý nghĩ của mình, đó là diệu pháp giành được thắng lợi của Trần Chẩn. Nếu đích thân Trần Chẩn tuyên truyền cho Tần vương ý nghĩ này thì chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả bằng nhờ người khác làm hộ. Mọi người thường cho rằng, khi mình nói cho mình thì sẽ bị thiên kiến, không khách quan, chẳng phải là mọi người thường nói “Bà Hoàng bán dưa, vừa bán vừa khoe“ đó sao. Còn lời nói của người bên cạnh mình, gần như thay mặt cho một kiểu dư luận xã hội, bất luận điều đó có chính xác hay không, ấn tượng đối với người khác là, người nói ấy không phải nói cho bản thân họ nên quan điểm đó sẽ tương đối khách quan. Trần Chẩn đã khéo léo vận dụng kiểu tâm lý này của mọi người, vì vậy đã đạt hiệu quả cao.
Trương Nghi gặp khó khăn như vậy nhưng vẫn không từ bỏ ý đồ của mình, tiếp tục tâu điều giả dối với Tần vương: “Trần Chẩn làm đại thần nước Tần, nhưng lại thường tiết lộ chuyện cơ mật quốc gia với nước Sở, thần không muốn cùng làm chuyện đó, mong đại vương hãy cho bắt ông ta, xử tội chết.“ Có đại thần theo địch phản quốc thật là việc tày trời, vì vậy, Tần Vương cho gọi riêng Trần Chẩn lại hỏi. “Nghe nói, ngươi sắp đến nước Sở, có chuyện đó không?“ Trần Chẩn trả lời đúng sự thực: “Thưa, đúng“, sau đó liền kể cho Tần vương câu chuyện:
Một người nước Sở có hai vợ, có kẻ tán tỉnh người vợ cả, bị người vợ đó chửi mắng thậm tệ, hắn liền xúi giục, dụ dỗ người vợ bé kia, được cô ta hứa hẹn. Sau này, người Sở kia chết, người ngoài hỏi kẻ dụ dỗ đó: “Anh muốn lấy cô vợ cả hay cô vợ bé đó ?“ Kẻ dụ dỗ trả lời: “Tôi muốn lấy cô vợ cả làm vợ.“ Người ngoài không hiểu hỏi anh ta: “Người vợ cả đó mắng anh, còn người vợ bé kia lại lấy thân mà hẹn thề cùng anh, tại sao anh lại muốn lấy người vợ cả kia?“ Kẻ dụ dỗ trả lời: “Vì tôi muốn vợ của tôi là một người trung trinh, cô ấy có thể vì tôi mà chửi mắng thậm tệ kẻ muốn tán tỉnh cô ấy.“
Kể xong câu chuyện, Trần Chẩn nói: “Sở vương và Sở tướng đều rất hiền minh, bây giờ làm thần của nước Tần mà thần lại bất trung với đất nước, đi - bán chuyện cơ mật quốc gia với nước Sở, vậy thì liệu nước Sở có tin tưởng được ở nhân phẩm của thần không?“
Trần Chẩn lại nói tiếp: “Thần sắp đến nước Sở, chuyện này ngay kẻ đi đường cũng biết. Bệ hạ biết không, bởi vì con người Hiếu Kỉ rất hiếu kính với cha mẹ mình, vì vậy cha mẹ trong thiên hạ đều mong muốn có được người con như ông ta; Tử Cốt trung thành với vua của mình nên minh chủ trong thiên hạ đều muốn có được đại thần như ông ta; người con gái tốt thì ai cũng muốn lấy, thần bất trung với nước Tần thì nước Sở sao có thể đón làm trung thần? Trung thành với nước mình thì bị từ chối, thần không đến nước Sở thì còn cách nào khác nữa đây?“
Trần Chẩn đã thông qua câu chuyện trên để “nói với Tần vương một đạo lý: “Kẻ không trung trinh sẽ không thực sự được người khác hoan nghênh, mà chỉ có người trung thành kiên định mới được tôn trọng, để ngầm cho Tần vương biết chuyện này không thể xảy ra với con người tài năng trí tuệ, đầu óc tỉnh táo như ông. Còn những lời nói sau bỗng có ý khác, từ việc mình được hoan nghênh tới nước Sở để nói bản thân là trung thần của nước Tần. Trần Chẩn nhờ có ảnh hưởng của chiến thắng lần trước lại thêm tài ăn nói xuất sắc của mình mới tiếp tục giành được sự tín nhiệm của Tần vương, làm cho Trương Nghi bị trúng thương, âm mưu hãm hại Trần Chẩn bị phá vỡ, thậm chí Tần Huệ Văn vương phải cảm khái nói với Trương Nghi: “Trần Chẩn là người hùng biện biệt tài trong thiên hạ.“
Vận dụng sách lược áp đảo đối phương trước chủ yếu tức là trước tiên thông qua lời nói để được lãnh đạo coi trọng, nếu như có người gièm pha bạn, lãnh đạo có thể sẽ lấy những lời nói trước của bạn làm cơ sở xem xét sự việc, đem ra đối chiếu với nhau, vì “hiệu ứng nhân tố trước tiên“ của tâm lý con người luôn rất quan trọng và giành chiến thắng. Như thế, bạn có thể bình an vô sự rồi. Tuy nhiên, dùng sách lược áp đảo đối phương trước cần phải tận dụng mọi khả năng để thu thập các tin tức tình hình của đối thủ, chỉ có “Biết người biết ta“ thì mới có thể “Trăm trận trăm thắng“.
Bí mật giữ mình của Cam Mậu
Cam Mậu là người Hạ Tễ thời Chiến Quốc, người này rất thạo nói giỏi biện, nhiều mưu lược, được Trương Nghi tiến cử với Tần Huệ vương. Sau khi Huệ vương qua đời, Vũ vương kế vị, Cam Mậu vì có công bình định nước Sở phản bội, được lên chức làm Tả thừa tướng.
Cam Mậu sau khi đảm nhiệm chức Tả thừa tướng, có bất hoà với hai đại thần Sơ Lý Tật và Công Tôn Diễn nước Tần. Ông lo sợ Lý Tật, Công Tôn Diễn nói xấu mình trước mặt vua Tần, bất lợi cho mình, liền trấn áp đối phương trước, tìm một cơ hội nói với Tần vương về nỗi lo lắng của mình. Cam Mậu tâu với Tần vương:
“Thần kể câu chuyện Tăng Tham giết người cho đại vương nghe nhé. Tăng Tham là đệ tử của Khổng Tử, nổi danh thiên hạ vì hiếu kính song thân. Tại quê nhà của ông ta, có một người cùng tên cùng họ với ông. Người đó không biết tại sao đã giết người. Có người nghe được tin này, đã lầm đệ tử Tăng Tham của Khổng Tử giết người. Mọi người sau một hồi áy náy cũng đem tin “Tăng Tham giết người“ nói với mẹ của ông. Tại nhà của Tăng Tham, có người tìm thấy mẹ Tăng Tham đang bận khâu vá, nói với bà: “Tăng Tham giết người rồi“. “Đứa con này không thể giết người.“ Chẳng ai hiểu con bằng mẹ, mẹ của Tăng Tham vẫn cứ thản nhiên khâu vá như lúc đầu. Một lúc sau, lại có người khác đến, nói với mẹ của Tăng Tham “Tăng Tham giết người rồi“. Mẹ Tăng Tham vẫn không tin con trai mình có thể giết người, không hề động lòng, cứ im lặng khâu vá tiếp. Không ngờ, một lúc sau đó, lại có người đến, trịnh trọng nói với bà: “Tăng Tham giết người rồi“. Lần này mẹ của Tăng Tham không thể không tin rồi! Tục ngữ nói: lời bất quá tam. Mẹ Tăng Tham nghe xong lời của người thứ ba, vội bỏ ngay công việc, chạy đi tìm hiểu sự tình.“
Sau khi kể xong câu chuyện, Cam Mậu tiếp tục bình luận: “Thực ra, với nhân cách của Tăng Tham, thêm sự tin tưởng giữa hai mẹ con Tăng Tham, đáng lẽ rất khó tin những lời nói đó. Song, từ xưa đến nay, lời rêu rao đều đáng sợ, lời rêu rao năm lần bảy lượt truyền đến, ngay đến mẹ Tăng Tham hiểu Tăng Tham đến vậy còn tin vào nó, huống chi người bình thường. Thần là kẻ tầm thường, nhân cách của thần đương nhiên không thể cao thượng như Tăng Tham, mức tin tưởng của đại vương với thần không thể nhiều như của mẹ Tăng Tham đối với ông ấy. Cho nên, hiện giờ thần không lo lắng gì khác ngoài một điều, có một ngày nếu như có người tố cáo thần với đại vương, đại vương chắc hẳn sẽ tin lời người đó. Như vậy, lẽ nào thần không......?“
Cam Mậu nói một mạch nhiều như thế, Vũ vương cứ im lặng chăm chú nghe. Đợi Cam Mậu vừa ngừng, Vũ vương bèn sốt sắng nói ngay: “Ta có thể thề với trời, ta hoàn toàn tin tưởng ngươi, ta tuyệt đối sẽ không nghe theo lời của hai đại thần bên cạnh ta, huống hồ bọn họ có tư giao rất sâu đậm với nước khác.“
Vũ vương sợ Cam Mậu không tin, bèn trịnh trọng cùng thề với Cam Mậu.
Sau này, Sơ Lý Tật, Công Tôn Diễn dù nói xấu Cam Mậu trước mặt Vũ vương như thế nào, Vũ vương đều không nghe. Có thể thấy uy lực của việc Cam Mậu áp đảo đối phương trước, truyền bá trước cho Vũ vương suy nghĩ của mình rất có hiệu quả.
Cam Mậu còn rất biết lợi dụng một số tin tức tình báo để áp dụng sách lược áp đảo đối phương trước.
Cam Mậu nhiệm chức Tả thừa tướng cho Tần Vũ Vương, nhưng Tần Vũ Vương cũng vô cùng sủng ái Công Tôn Diễn. Có một lần, Vũ vương vui mừng nói với Công Tôn Diễn: “Không lâu nữa, ta muốn lập ngươi làm tướng quốc.“
Đúng lúc đó, câu này không sót một từ lọt vào tai Cam Mậu. Ông ta nhận thấy địa vị của mình có thể bị uy hiếp. Để giữ được chức thừa tướng quí báu, ông nghĩ phải có hành động áp đảo đối phương trước. Nếu không, sẽ đúng như lời Vũ vương nói, không lâu sau Tể tướng của nước Tần không phải là ông - Cam Mậu, mà là Công Tôn Diễn.
Cam Mậu cuối cùng đã nghĩ ra một kế sách, trong một cơ hội ông cho là thích hợp, ông đi bái kiến Vũ vương trước. Cam Mậu áp dụng kế áp đảo đối phương trước, sau khi hàn huyên đôi chút, liền chúc mừng Vũ vương: “Nghe nói đại vương có một hiền tướng, thật là một hỉ sự vô cùng!“
Tần Vũ vương bất giác giật mình, hỏi Cam Mậu: “Đại sự quốc gia đều nhờ ngươi cả. Việc có được hiền tướng, ngươi muốn chỉ ai?“
Cam Mậu không chờ Vũ vương nói hết, tiếp lời luôn: “Đại vương chẳng phải đã định sau một thời gian nữa sẽ lập Công Tôn Diễn làm tướng quốc đó sao?“
Vũ Vương giật mình, vội nói: “Ngươi nghe ai nói vậy?“
Cam Mậu trả lời: “Là Công Tôn Diễn buột miệng nói với thần, nếu không thần không tin đâu! Ông ta nói đại vương sau một thời gian nữa sẽ lập ông ta làm tướng quốc, cho nên thần đến để chúc mừng đại vương?“
Chỉ là những câu đối thoại đơn giản này đã làm mất hết sự tín nhiệm của Vũ vương đối với Công Tôn Diễn. Tần Vũ vương nghĩ trong lòng, hoá ra Công Tôn Diễn là kẻ không biết giữ bí mật, thì sao mình lại còn trọng dụng hắn chứ ? Ít lâu sau, Vũ vương bèn tìm cớ, trục xuất Công Tôn Diễn ra khỏi nước. Cam Mậu áp đảo đối phương trước như vậy, chỉ bằng những câu nói dối lung tung, chẳng tốn hơi sức gì đã đánh bại được đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của mình, từ đó yên tâm với chức tể tướng.
Bàng Thông khéo can gián Nguỵ vương
Thời Chiến Quốc, Bàng Thông ở nước Nguỵ phải dẫn thái tử Nguỵ đến nước Triệu Hàn Đan làm con tin. Bàng Thông nghĩ, lần này thái tử ra đi, không biết ngày nào trở lại trong lòng vô cùng buồn bã. Để dự phòng sau khi ông đi, Ngụy vương sẽ nghe theo những lời dối trá vu khống mình, ông nhận thấy phải nên cảnh tỉnh Nguỵ vương trước. Thế là trước khi đi xa, Bàng Thông nói với Nguỵ vương: “Nếu bây giờ có người đến báo trên đường có hổ, đại vương có tin không?“
Nguỵ vương trả lời: “Không tin.“
Bàng Thông hỏi tiếp: “Nếu bây giờ có hai người đến báo trên đường có con hổ lớn xuất hiện, đại vương có tin không?“
Nguỵ vương nói: “Thế thì ta có chút hoài nghi.“
Bàng Thông lại hỏi: “Giả dụ có ba người đến báo với đại vương trên đường có hổ lớn, đại vương có tin không ?“
Nguỵ vương nói: “Nếu ba người đều nói như vậy, thì ta không thể không tin rồi.“
Bàng Thông nói: “Trên đường sẽ không có hổ, đây là việc hiển nhiên, nhưng một rồi hai, hai lại ba người nói trên đường có hổ, thực sự đúng là có hổ rồi. Hiện nay, Hàn Đan cách Đại Lương còn xa hơn nhiều so với ở ngoài đường mà người trách mắng thần trước mặt đại vương chắc chắn không chỉ có ba người, mong đại vương phải minh xét mới được.“
Nguỵ vương gật đầu nói: “Tự ta sẽ xem xét cẩn thận.“
Bàng Thông thông minh ở chỗ đã liệu được trước sau này có kẻ thù địch của mình sẽ nói xấu ông trước mặt Nguỵ vương, mà ông lại không thể ở bên Nguỵ vương, ngay đến cơ hội giải thích cũng không có, chi bằng áp đảo đối phương trước, nói lời cảnh tỉnh trước, để Nguỵ Vương chú ý. Cơ hội cũng phải chọn được lúc thích hợp, chọn ngay trước đêm đưa thái tử đến Hàn Đan làm con tin, càng khiến cho Nguỵ vương có ấn tượng với những điều ông nói, nếu như sau này có kẻ nói xấu Bàng Thông, Nguỵ vương tất sẽ nhớ đến lời Bàng Thông nói trước khi ra đi, lấy đó làm cơ sở để đối chiếu, hơn nữa, vào lúc không nỡ rời xa này, lời nói càng dễ khiến lòng người cảm động. Nguỵ vương đã quá xúc động nên hứa: “Ta sẽ xem xét cẩn thận.“ Đó tất nhiên là lời hứa mà Bàng Thông hy vọng đạt được sau khi bày tỏ suy nghĩ của mình với Nguỵ vương.
Quán triệt sách lược áp đảo đối phương trước tức là chủ động xuất kích, giành quyền chủ động về phía mình, khiến cho đối phương phải thuận theo hướng suy nghĩ của mình, từ đó buộc đối phương phải thay đổi hành vi hoặc quan điểm bất lợi cho mình. Xin hãy nghe mẩu chuyện sau.
Roberpier mưu trí cứu cô gái trẻ
Roberpier là nhà cách mạng kiệt xuất của giai cấp tư sản nước Pháp. Thời kì đại cách mạng, ông là lãnh tụ chính quyền của phái Yagebin, trước khi tham gia hoạt động cách mạng, là một luật sư ưu tú, vừa thông thạo pháp luật, lại rất công trực, dám lên án những thói xấu và hủ tục, dám bảo vệ cho những người bị ức hiếp lăng nhục. Mưu trí cứu được cô gái trẻ này chính là minh chứng cho việc dám bảo vệ những người bị ức hiếp của ông. Câu chuyện như sau:
Một hôm, một người thiếu nữ tìm cách tự tử, vừa hay bị Roberpier phát hiện, khéo léo khuyên giải, cuối cùng đã khiến cho thiếu nữ đó từ bỏ ý nghĩ đi tìm cái chết, thiếu nữ Morna kể cho Roberpier, khi cô tới giáo đường cầu nguyện, cha cố có ý đồ xâm phạm cô, cô rất tức giận đã tát cho cha cố mấy bạt tai, cha cố ngượng quá hoá khùng, kiện lên pháp đình, vu tội cho Morna nhục mạ Chúa. Morna cảm thấy không thể tự giải thích, nên mới nghĩ đến lấy cái chết để chống lại.
Nghe lời kể của Morna, Roberpier không nén nổi sự tức giận, nói với Morna là mình sẽ bào chữa cho cô ấy.
Moma còn cho Roberpier biết một chi tiết quan trọng: Khi cha cố khiển trách cô đã xâm phạm đến Chúa, cô đã tháo chiếc nhẫn đá, đưa ra trước “Tượng thánh bằng vàng“, để xin chúa bớt giận. Chiếc nhẫn đó có giá trị rất lớn. Cha cố lại nhân lúc cô cầu nguyện, xảo quyệt cho ngay vào túi áo chiếm làm của riêng. Trên chiếc nhẫn có đánh dấu mà cha cô khi mua nó đã dặn người thợ vàng làm. Roberpier đã nhớ kĩ chi tiết này.
Trước toà án, trận giao chiến giữa chính nghĩa và ác tà đã bắt đầu. Nguyên cáo cha cố khởi tố trước: “ Morna hôm đó vừa xông vào giáo đường đã chạy ngay tới trước tượng chúa mắng chửi ầm lên, tội này Chúa thật khó tha.“
Roberpier nói: “Thượng đế đã từng nói: Trên đời này tội ác lớn nhất không gì bằng là tội nói dối. Morna đứng trước Thượng đế, chưa từng nói dối một câu nào.“ (Đây là câu nói áp đảo đối phương trước để nắm ngay quyền chủ động, vấn đề Morna nhục mạ thánh thần trong chốc lát sẽ chuyển thành vấn đề ai là người nói dối, hơn nữa, vì là lời của Chúa nên càng dễ khiến mọi người chú ý. Như thế, sẽ gây chú ý rất mạnh đối với nhiều người, mọi người sẽ hành động theo ý muốn của ông ta, quả thực không hổ là cao thủ trong việc áp đảo đối phương trước.)
Thẩm phán nói: “Ngài, có phải là ngài đã nói cha cố đã đánh lừa Chúa không?“
Roberpier trả lời: “Không chỉ Chúa, mà còn đánh lừa cả chính nghĩa của toà án, coi thường thánh địa toà án này.“ (Lần này càng nắm chắc quyền chủ động hơn, từ vấn để Morna lừa dối Chúa bỗng chốc đã chuyển thành vấn đề cha cố lừa dối Chúa, đánh lừa cả sự chính nghĩa của toà án và coi thường thánh địa toà án.)
“Xin mời nguyên cáo đưa ra chứng cớ trước!“. Roberpier khinh thường liếc nhìn cha cố có vẻ đạo mạo trang nghiêm lắm.
“Vu khống ? Dối trá trước Chúa chính là ngươi! Việc này chính mắt ta đã chứng kiến.“ Cha cố tức giận nói.
“Xin hỏi, Morna vì cớ gì mà nhục mạ Chúa?“ Roberpier hỏi.
Cha cố không biết trả lời ngay thế nào, một lúc sau mới nói: “Điều này, điều này, điều này phải hỏi kẻ nhục mạ Chúa, Morna!“
Morna trả lời: “Tôi không biết tội là ở chỗ nào, chỉ có cha cố hiểu rõ, nên để chính cha cố trả lời.“
Trước sự bác bỏ chính đáng của Morna, cha cố cảm thấy khó có thể ứng phó được, bèn giả bộ thành kính ngước mắt lên trần nhà, sau khi cầu nguyện vài câu, rồi lẩm bẩm: “Thượng đế thực sự biết, Morna không thể nguỵ biện bào chữa và tiếp tục lừa dối Thượng đế!“
“Thượng đế tốt bụng nhất thực sự hiểu Morna là thiếu nữ đáng thương bất hạnh. Xin toà án hãy thẩm tra, Morna không hề nhục mạ Chúa, tội danh lẽ nào lại do kẻ khinh thường toà án định?“
Roberpier nói xong, đưa cho ban bồi thẩm những căn cứ biện hộ. Ban bồi thẩm xét duyệt nửa tiếng, đưa cho từng bồi thẩm viên phân tích, thẩm tra cẩn thận căn cứ biện hộ của Roberpier.
Nửa tiếng sau, cuộc phúc thẩm bắt đầu.
Thẩm phán hỏi cha cố: “Người có nhân chứng nghe thấy Morna nhục mạ Chúa không?“
“Chỉ có một mình tôi.“
“Morna thần trí tỉnh táo, người nhận thấy chứ?“ Thẩm phán hỏi.
“Thần trí của cô ấy tương đối tỉnh táo.“ Cha cố đáp, ông ta cho rằng trả lời như vậy thì khó có thể biện minh cho tội nhục mạ Chúa của cô ta.
Không ngờ thẩm phán hỏi: “Lẽ nào một người đầu óc tỉnh táo, lại vô duyên vô cớ chạy đến trước mặt Chúa mà nhục mạ Chúa? Đây đâu phải là người điên trong viện tâm thần.“
Câu hỏi của thẩm phán, thực là một lý lẽ mà hai cái khó, vì: Nếu như thần trí Morna tỉnh táo, tất sẽ không vô duyên vô cớ nhục mạ Chúa. Nếu như Morna thần trí không tỉnh táo, tất không nên xét tội cho hành vi của cô ta. Bất kể câu trả lời như thế nào, đều có lợi cho Maria. Cha cố cho rằng Morna thần trí tỉnh táo, lại không đưa ra được lý do Morna nhục mạ Chúa, nên đã khiến cho cha cố rơi vào thế khó xử. Cha cố quả thực không có lời nào để đáp lại câu hỏi của thẩm phán.
Roberpier lại hỏi: “Giả như tất cả điều đó là có thật, xin hỏi, cha đã làm những gì ?“
“Ta lập tức đuổi cô ta ra khỏi giáo đường” Cha cố trả lời
“Lẽ nào những cái tát đó chỉ là phản kháng lại khi bị cha đuổi?“ Roberpier hỏi.
Cha cố há miệng mắc quai, mặt đỏ bừng.
Roberpier dồn ép từng bước: “Như lời thẩm phán nói, Moma không phải người điên, Thượng đế sẽ không tin lời dối trá của ông? Morna vì mẹ bệnh nặng nên đã đến cầu nguyện Chúa, không ngờ Morna xinh đẹp như hoa, Chúa không nhìn thấy, mà lại dẫn đến một con ong độc!“
Roberpier mời ban bồi thẩm đưa ra kết luận tại chỗ.
Thẩm phán vốn tưởng sẽ không bại lộ “chuyện chiếc nhẫn“, định xử nhẹ cha cố, nhưng không tránh được lời yêu cầu kịch liệt của Roberpier, đành phải cho người đưa chiếc nhẫn ra. Cha cố còn muốn giảo biện, Roberpier lập tức tiết lộ: chỗ vòng xoắn của chiếc nhẫn có ba chữ “ Morna“. Thẩm phán kiểm tra ngay tại chỗ vòng xoắn quả nhiên như thế thật. Đến lúc đó, nỗi oan của Morna mới được xoá bỏ.
Morna được minh oan, lại còn được một khoản tiền bồi thường của cha cố, cô tìm lại được hạnh phúc của đời mình.
Trong vụ xét xử ở toà án này, Roberpier đã chọn sách lược áp đảo đối phương trước, ông ta không bị đối phương xỏ mũi, không nhằm vào “tội danh“ mà đối phương đã định. Ông theo hướng chứng minh Morna vô tội, trong sạch, đã xỏ mũi được đối phương là cha cố, khiến cho cha cố phải vất vả ứng phó với tội lỗi của mình. Thế là, Roberpier đã hoàn toàn nắm quyền chủ động về phía mình, cuối cùng chân tướng vụ án đã rõ,vì vậy đã cứu được một thiếu nữ thanh bạch vô tội.
Trên thương trường, để mình có thể đứng vững hơn, cũng cần phải vận dụng sách lược “áp đảo đối phương trước“, làm cho đối phương cuối cùng phải dựa vào mình, từ đó mà đạt được thoả thuận. Sau đây xin nghe cuộc trò chuyện tiếp thị, vận dụng tuyệt vời sách lược “áp đảo đối phương trước“ của một nhân viên tiếp thị:
Nhân viên tiếp thị: Trọng lượng hàng trung bình các anh vận chuyển mỗi lần là bao nhiêu?
Khách hàng: Rất khó nói, khoảng hai tấn!
Nhân viên tiếp thị: Có lúc nhiều, có lúc ít, đúng không?
Khách hàng. Đúng vậy.
Nhân viên tiếp thị: Vậy thì cần loại xe chở hàng nào, một mặt phải xem chở hàng gì, mặt khác phải xem đi trên đường gì đúng không ?
Khách hàng: Anh nói đúng, song,...
Nhân viên tiếp thị: Giả như anh đi qua khu đồi núi, hơn nữa mùa đông ở đó tương đối dài, lúc này máy móc của xe và xe phải chịu áp lực chẳng phải là lớn hơn rất nhiều so với bình thường sao?
Khách hàng: Đúng là như vậy.
Nhân viên tiếp thị: Số xe các anh xuất đi vào mùa đông nhiều hơn mùa hè đúng không?
Khách hàng: Nhiều hơn nhiều, mùa hè làm ăn không được lắm.
Nhân viên tiếp thị: Có khi hàng nhiều quá, lại đi qua vùng đồi núi trong mùa đông, có phải xe thường rơi vào tình trạng quá tải.
Khách hàng: Đúng, đó là sự thực.
Nhân viên tiếp thị: Khi các anh chọn mua loại xe, thì phải tính khoảng dư lớn, đúng không?
Khách hàng: Ý của anh là....
Nhân viên tiếp thị: Về lâu về dài, nhân tố gì quyết định mua một loại xe là đáng hay không?
Khách hàng: Đương nhiên phải xem tuổi thọ sử dụng cua nó.
Nhân viên tiếp thị: Một chiếc xe luôn chở quá tải, một xe khác chưa từng chở quá trọng lượng, anh thấy chiếc xe nào có tuổi thọ dài hơn?
Khách hàng: Đương nhiên là chiếc xe mã lực lớn, trọng tải nhiều.
Nhân viên tiếp thị: Cho nên, ý của tôi là mua chiếc xe trọng tải bốn tấn tốt hơn.
Trong ví dụ này, nhân viên tiếp thị đã dùng sách lược áp đảo đối phương trước, khiến cho khách hàng cứ thuận theo ý mình, nên đã đạt được mục đích tiêu thụ thành công.
Rõ ràng, trước những khách hàng do dự chưa quyết định, bạn nên chủ động xuất kích, áp đảo đối phương trước, dẫn dắt khách hàng đưa ra quyết định có lợi cho bạn, như vậy, bạn mới có thể đứng vững trên thương trường và ngày càng phát triển.
Trong thương trường, bạn muốn ngồi đợi khách hàng vào cửa hay là muốn chủ động xuất kích, sớm tìm được khách hàng ?
Tuy cơ hội trong thương trường là rất nhiều, nhưng còn phải phụ thuộc vào bạn có chủ động khai thác hay không. Nên nhớ, trên đời sẽ có vô số cạm bẫy, cũng chẳng có bữa ăn miễn phí. Hãy chủ động xuất kích! Thành công thuộc về bạn ! |
|
|