Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Mê Lộ Tác Giả: Nguyễn Minh Trân    
Vào Đời

    Từ khi cha mất, Hưng tiếp tục học rồi cũng đến ngày ra trường. Ước vọng của Hưng muốn theo nghiệp anh cả làm giáo viên. Nhưng năm ấy người ta không tuyển thêm giáo viên. Hưng được tuyển làm cho Toà Sứ Trung Kỳ và được điều động lên Đàlạt. Cuộc hành trình thật dài vượt đèo Ngoạn Mục rồi qua thác Prenn… Hưng đặt chân lên Đàlạt vào một chiều đông. Chiếc xe thổ mộ gập ghềnh, tiếng vó ngựa gõ đều trên mặt đường cùng với tiếng roi của người cầm cương vút nhẹ trong gió… Đó là những âm thanh đầu tiên Hưng cảm nhận về Đàlạt. Xe chạy vòng hồ Xuân Hương cuối cùng đã đưa Hưng vào trung tâm thị trấn trầm lặng nhỏ bé này.
    Một tuần sau Hưng bắt đầu những ngày làm việc thật sự với người Pháp. Viên đốc lý tên Darles nghe nói đã từng có thời làm công sứ ở Thái Nguyên và đã là nguyên cớ gây nên cuộc nổi dậy ở đó. Y là một trong bốn tên thực dân cai trị có tiếng dữ nhất Việt nam, “nhất Bích nhì Be tam Ke tứ Đạc”. May mắn thay cho Hưng, viên phó đốc lý lại nhiệt tình giúp đỡ che chở khiến Hưng có đủ nghị lực vượt qua mọi khó khăn sai lầm của một người thiếu kinh nghiệm khi mới bước chân vào đời.
    Hưng đã từng đứng chết lặng khi thấy viên phó đốc lý bị tên Darles xô đẩy ra khỏi văn phòng chỉ vì muốn bênh vực cho Hưng đã hớ hênh để lộ một bản dịch của một mật báo viên trên bàn làm việc, không khoá lại khi tiếp xúc với nhiều người ra vào văn phòng.
    Những bồng bột sôi nổi, những bất cẩn trong việc xử thế dần dần được khắc phục… Mọi việc trở nên trôi chảy. Hưng rời Huế đi làm tại Đàlạt hầu làm vơi đi gánh nặng cho anh đã nuôi mình ăn học bấy lâu nay. Ngày xa anh, Hưng ôm anh thật lâu, có cảm giác như không muốn rời xa… Thật kỳ lạ! Chưa bao giờ Hưng cảm thấy buồn và xúc động như lúc đó. Không hiểu tại sao?
    Ngày nghỉ đầu tiên lang thang trong rừng Ái Ân, khi đứng trên nhịp cầu gỗ bắc qua con suối nhỏ, chợt thấy bóng mình lững lờ nhấp nhô theo dòng nước Hưng thầm mong bao nhiêu gió bụi kinh thành, bao nhiêu vướng mắc, tất cả rồi cũng trôi xuôi thật nhẹ nhàng như những cọng lá thông kia. Chìm đắm trong cái không gian tĩnh mịch, sống giữa thiên nhiên tuyệt hảo của núi rừng, Hưng tưởng mình đã quên được tất cả.
    Cho đến một ngày chủ nhật đẹp trời, khi đang rong ruỗi trên lưng ngựa, nhìn xuống khung cảnh phía dưới thấp thoáng sắc hồng trên những cây mai anh đào nở rộ ven đường… Mùa xuân đã đến rồi! Thế là bố mất đã hơn tám mùa xuân. Tám mùa xuân chưa một lần được thắp nhang trên mộ bố. Hưng không mường tượng được ngôi mộ của ông cụ nằm ở vị trí nào trong làng. Ngày nghe tin cha mất Hưng ngỡ rằng mình sẽ về làng ngay để chịu tang nhưng lại bị phản ứng quyết liệt của anh cả ngăn không cho về. Đã bao lần Hưng gặng hỏi nhưng mọi người đều lảng tránh không muốn nói gì nữa. Có lần khi nghe Hưng cương quyết muốn biết lý do anh cả bảo rằng:
    _ Anh sẽ cho chú biết nhưng không phải lúc này! Bây giờ chú cứ lo học hành đi!
    Hưng nhớ lại kỳ nghỉ cuối cùng về quê thăm cha. Cha vẫn còn khoẻ mạnh sắc sảo lắm mà! Cái chết bất ngờ của cha có nhiều khúc mắc. Hưng biết có nhiều người trong làng hay đến nhờ cha làm giấy tờ kiện tụng đất đai nhà cửa… Có lẽ vì vậy mà có kẻ thù? Nếu thế thì sao mọi người trong nhà có vẻ sợ hãi tột cùng khi đề cập đến cái chết của cha như vậy? Nghĩ mãi, thắc mắc hoài mà không tìm được câu trả lời Hưng phát khùng hai chân húc mạnh vào hông ngựa. Con ngựa lồng lên, hí vang rồi phi nước đại. Tiếng hí như xé thinh không, tiếng gió lùa qua tai, thảo nguyên trải dài hiu quạnh… Một lát sau Hưng trấn tĩnh lại hai tay buông lỏng dây cương, cúi rạp trên lưng ngựa… Tiếng vó câu gõ nhịp chạy theo bóng mây nghiêng nghiêng bên sườn đồi… Mơ hồ Hưng cảm thấy hình như trong mình có một vết thương lâu lâu lại nhói đau chưa bao giờ lành hẳn.
    Một thời gian sau, nơi làm việc của Hưng nhận được công điện của Toà Khâm chuyển một thông báo của Phủ Toàn Quyền Đông Dương cho biết Nouvelles Hebrides ( VANUATU) cần thư ký. Vì muốn có dư tiền gởi về cho anh em ngoài Huế, Hưng làm đơn xin nhưng trong lòng không chắc lắm vì cả ba kỳ bắc, trung, nam chắc không thiếu gì người có ý định như mình. Thật bất ngờ ngay sau đó Hưng nhận được công điện chấp nhận biệt phái Hưng qua Nouvelles Hebrides. Theo chỉ thị Hưng phải xuống Sàigòn ngay để đáp tàu Hà-Lan (Tasman) qua bên ấy. Không thể về Huế từ giã anh em, chỉ kịp viết thư thông báo… Trước khi xuống tàu Hưng chỉ có một ngày tham quan Sàigòn.
    Sàigòn nằm giữa đông và tây nam bộ với hai mùa mưa nắng chan hoà giống như một viên ngọc lấp lánh nổi lên giữa vùng mênh mông nước, là trung tâm kinh tế hành chính với Rạch Bến Nghé, Kênh Tàu Hủ, Kênh Lò Gốm… ghe thuyền ngược xuôi tấp nập. Hơn thế nữa Sàigòn còn là một thương cảng vì có con sông cùng tên chạy ngang qua thành phố hoà với sông Đồng Nai hướng ra biển. Sàigòn mang phong cách châu âu với những đại lộ tuyệt đẹp hai bên trồng toàn xoài dẫn đến những cung điện lăng tẳm nguy nga hoặc những công viên rợp bóng mát với đủ loại cỏ cây muông thú của Đông Dương. Nổi bật giữa Sàigòn là nhà thờ Nhà nước (Đức Bà) với lối kiến trúc La Mã làm toàn bằng gạch đỏ, hai tháp hai bên như hai mũi tên nhọn vươn lên giữa bầu trời xanh, ngạo nghễ kiêu hãnh trong ánh nắng lấp lánh của miền nhiệt đới.
    Hưng chỉ kịp ghé qua chợ Sàigòn. Ngắm mặt tiền của khu chợ có lầu và đồng hồ. Không đủ thì giờ đi hết khu chợ với bốn nhà ở bốn góc chỉ dừng lại ở khu nhà tròn chính giữa mà thôi!
    Đến gần chiều thấy đói cồn cào, lại nghe nói Chợ Lớn có nhiều cao lương mỹ vị cũng như những thức ăn dân dã rất rẻ nên Hưng tranh thủ xuống thăm vì chỉ cách Sàigòn khoảng vài cây số.
    Khác Sàigòn, Chợ Lớn được thiết kế với những mái nhà cong vút theo lối Trung Hoa. Dân cư phần đông là khách trú. Trải qua bao cuộc bể dâu những vùng đất sình lầy ao vũng đã trở thành những con đường với những khu cửa hiệu rực rỡ sắc màu, sầm uất nhộn nhịp nối liền hai thành phố Sàigòn-Chợ Lớn.
    Những chú Ba đầu bếp, mình trần trùng trục bóng nhẫy mồ hôi bên những bếp lửa hồng, nói chuyện xí xa xí xố líu lo như chim hót. Hưng say sưa nhìn những đầu bếp người Hoa xào nấu. Những đôi đũa đảo qua đảo lại nhanh như chớp. Hoặc những cánh tay hất lên hất xuống thật tài tình y như biểu diễn xiếc những cái chảo đen xì đầy thức ăn nóng hừng hực bốc mùi thơm không chịu được. Hưng ước gì mình có thể thưởng thức tất cả món ăn ở đây. Cuối cùng Hưng cũng chọn được cho mình hai món ưng ý nhất. Đó là món đậu hủ xốt Tứ Xuyên cay xé lưỡi và món cháo đậu đỏ nước dừa ăn với hột vịt muối. Hưng mang theo hương vị Chợ-Lớn bước xuống tàu…
    Tối hôm ấy tàu rời Sàigòn. Ngay trên chuyến tàu Tasman, Hưng đã cảm nhận sự phân biệt rất rõ. Cabine hạng nhất dành cho người Úc và Tân tây Lan đi du ngoạn. Tàu ghé Djakarta, lấy phu mộ cho xứ Nouvelles Calédonie. Những người phu bị đưa xuống hầm tàu, họ không được tự do đi lại. Tàu ghé qua Singapore, Semarang, Somabaya, Port Moresby trước khi đến Port Vila.
    Tân đảo là một quần đảo thuộc Hải Dương Châu chạy dài từ bắc xuống nam gần 1000 cây số giữa vĩ tuyến 10 độ và 20 độ nam và hai kinh tuyến 100 độ và 170 độ đông phía đông Úc Đại Lợi.
    Trên đường đi Hưng thường nhìn thấy những dải hoả diệm sơn còn hoạt động bốc lửa ở phía xa xa…
    Tàu cập bến đến Port Vila [1] trong một chiều ảm đạm. Hưng lầm lũi đi trong cơn mưa phùn bay trắng xoá cả một vùng. Ẩn hiện trong làn mưa bụi là những căn nhà. Những nếp nhà sàn tường ván, lợp tôn sơn đỏ, một kiểu kiến trúc của những nơi hay có động đất. Đường phố chật hẹp, xe cộ dường như không có… Hưng hỏi dò đường tới Sở Di Trú khi chợt bắt gặp một người băng qua đường. Anh ta bảo:
    _ Anh cứ đi thẳng sẽ thấy ngay!
    Hưng dễ dàng tìm ra nơi muốn tìm vì tấm bảng to để trước cửa ra vào của ngôi nhà. Người đàn ông ngồi đằng sau đống giấy tờ xem xét hồ sơ rồi ngước lên hỏi:
    _ Ông là người Việt Nam? Ông đến từ Đàlạt?
    _ Vâng!
    Người đàn ông chỉ tay vào ghế trống nói:
    _ Nãy giờ quên mất! Xin mời ông ngồi. Bây giờ tôi sẽ chỉ dẫn ông đăng ký làm thủ tục di trú.
    Trong lúc làm thủ tục người đàn ông bắt chuyện:
    _ Cuộc hành trình tốt đẹp chứ?
    _ Dạ mệt nhưng vui.
    Người đàn ông hỏi tiếp:
    _ Ông đi một mình, lênh đênh trên biển một tháng trời cũng mong tàu cập bến phải không?
    _ Vâng lúc đầu tôi có cảm giác như vậy nhưng khi phải chia tay với những bạn trên tàu nhất là với một phụ nữ tóc vàng mắt xanh để lên bờ tôi cảm thấy bồi hồi tiếc nuối sao ấy!
    _ Tại sao lại là người phụ nữ tóc vàng mắt xanh? Vì cô ta đẹp?
    _ Không hẳn vậy! Nếu chỉ đẹp thôi thì không ấn tượng lắm! Cô ta có những cử chỉ thật lạ! Suốt ngày ôm kè kè một con búp bê da đen tóc quăn tít (nègre). Cô ta coi nó như người thật. Nói chuyện nựng nịu đôi khi hôn chùn chụt, còn hát ru cho nó ngủ nữa chứ! Giọng hát cũng tuyệt vời! Thấy vậy tôi hỏi có phải con búp bê này là vật kỷ niệm của một ai đó rất thân thương với cô thì cô ta trả lời không phải vậy chỉ đơn giản là cô ta thích cái nét của con búp bê ấy!
    Người đàn ông cười rộ lên:
    _ Ồ! Thú vị quá nhỉ? Ước gì tôi trở thành con búp bê ấy nhỉ?
    Hưng nói đùa:
    _ Tôi cũng đã từng nghĩ như ông.
    Khi làm xong thủ tục người đàn ông thân mật vỗ vai Hưng nói:
    _ Ông đến đúng lúc. Chúng tôi đang chờ ông. Hy vọng sẽ được làm việc cùng ông. Mảnh đất này là nơi hội tụ những người không cùng nguồn gốc và mong ông sẽ không hối hận khi tới đây làm việc cũng như sẽ nuối tiếc nếu một mai phải ra đi.
    Nhìn ra đường ông ta chép miệng:
    _ Trời còn mưa lạnh hay ông uống với tôi một ly rượu rồi chờ tôi hết giờ làm sẽ đưa ông tới nơi ông ở.
    Hưng sốt ruột nói:
    _ Thôi để khi khác tôi muốn biết chỗ ở mới trước khi trời tối. Ông cứ chỉ đường tôi sẽ tìm ra.
    Người đàn ông lưỡng lự một chút rồi gật đầu:
    _ Này nhé! Ông đi đến cuối đoạn đường này nhìn qua góc phải sẽ thấy duy nhất một ngôi nhà. Đấy là ngôi nhà của một bác sĩ sắp sửa hết hạn làm việc. Chúng tôi dành nó cho ông. Ông ta cũng là người Việt Nam đấy! Hay là ông để tôi vào lấy áo mưa rồi cùng đi?
    Hưng gạt đi:
    _ Không cần phiền thế đâu ông. Cám ơn ông đã có lòng nhưng ông không cần mất công như vậy! Gần mà! Tôi đi một mình được rồi. Tôi không cần áo mưa. Ông biết không nhìn mưa ở đây tôi nhớ những đêm đi trong sương lạnh của Đàlạt, một cái thú đó ông à!
    Nói rồi Hưng bắt tay chào người đàn ông và lao ra ngoài. Đi chưa được hai trăm thước Hưng dừng lại trước ngôi nhà nằm lẻ loi ở góc đường. Đứng ngoài nhìn thấy có một lối nhỏ đi vào nhà chia khoảng sân cỏ thành hai mảnh vuông vắn được cắt tỉa gọn gàng. Những cây bơ trái to lủng lẳng toả bóng rợp mát. Đang ngắm nghía Hưng chợt thấy bóng người phụ nữ xuất hiện từ khung cửa chính. Cô ta bước ra ngoài chống tay lên lan can nhìn mông lung. Khi thoáng thấy người lạ cô ta vội vã đi vào trong. Chỉ vài phút sau một người đàn ông xuất hiện. Người này nhìn về phía Hưng rồi hấp tấp bước xuống cầu thang chạy về phía cổng. Hai tay giang rộng về phía trước như đón mời, miệng cười tươi hỏi với lại:
    _ Có phải Hưng, thông dịch viên từ Việt Nam qua đó không?
    Hưng tiến sát cửa cổng:
    _ Vâng đúng ạ!
    Người đàn ông vừa tra chìa khoá vừa nói:
    _ Xin tự giới thiệu tôi là bác sĩ Thành.
    Then cổng kêu lách cách, cửa mở toang. Đỡ chiếc vali từ tay Hưng, anh ta nói:
    _ Mời anh vào nhà. Một tháng nữa ngôi nhà này sẽ là của anh. Tôi sắp về nước. Tôi được nhân viên Sở Di Trú cho biết từ mấy hôm trước anh ạ!
    Người phụ nữ đi trước họ. Cô thong thả bước lên bậc thang, đôi môi hồng tươi khẽ nở một nụ cười hướng về Hưng thay cho lời chào. Bác sĩ Thành giới thiệu:
    _ Đây là cô Mơ! Người phụ giúp việc cho tôi.
    Anh ta kéo Hưng vào chỉ trỏ:
    _ Anh vào đây! Đây là phòng khách, phòng ăn, phòng bếp, phòng của tôi, phòng kia dành cho anh và trên gác kia là của cô Mơ. Khi còn tôi ở đây anh không cần phải nấu ăn, chúng ta ăn chung cho vui. Tôi có đầu bếp tới đây nấu ăn mỗi ngày.
    Buổi tối hôm ấy Hưng dùng cơm với họ. Một tháng lênh đênh trên biển với những người xa lạ. Bây giờ được ngồi ăn với những người đồng hương Hưng thấy lòng mình như ấm lại. Vừa nhấp những ngụm rượu do Thành mời Hưng vừa chăm chú nghe anh ta kể về cuộc sống nơi đây. Lâu lâu Thành quay qua gắp thức ăn cho người phụ nữ, liếc nhanh với cái nhìn trìu mến khác thường. Ngồi dưới ánh đèn đối diện với Mơ, được dịp nhìn kỹ, Hưng nghĩ cô ta chỉ là một thiếu nữ thôi. Tất cả những gì toát ra nơi con người này đều tương phản với sự sắc sảo già dặn của bác sĩ Thành. Nét mặt vẫn còn thơ dại. Chỉ có ánh nhìn trong veo nhưng hơi lạ! Làm liên tưởng đến cái gì đó không êm đềm. Một mặt nước đang gợn sóng? Ngay cả khi cười khuôn mặt vẫn đượm vẻ xa xăm buồn bã. Tại sao lại có một phụ nữ trẻ đẹp như thế xuất hiện nơi đây? Theo như Thành kể vợ con anh ta còn ở Việt Nam kia mà! Sự thắc mắc chỉ thoáng qua… Hưng ít khi muốn tìm hiểu sâu về cuộc sống người khác. Sự mệt mỏi rã rời sau một cuộc hành trình dài làm Hưng chỉ muốn vùi đầu vào giường đánh một giấc thật sâu.
    Hưng làm việc tại Sở Thanh Tra Lao Động với tư cách là một thông dịch viên. Hai tuần đầu trôi qua mau chóng vì Hưng phải lo sắp xếp lại công việc của người mới ra đi.
    Buổi trưa thứ bảy thay vì ra về sớm Hưng nán lại lôi những tập hồ sơ cũ trong tủ ra đọc. Những dòng chữ trôi qua trước mắt. Mới đầu chỉ gây sự tò mò. Thế rồi càng đọc, Hưng càng không thể nhấc mình khỏi chỗ ngồi. Những cảm xúc hỗn tạp tuôn trào theo dòng chữ. Tất cả những gì Hưng nghe mọi người rỉ tai hình như đang được chồng hồ sơ cũ này khẳng định. Số phận người công nhân Việt Nam thật bi thảm! Bị giết, bị giam cầm, hãm hiếp. Bị định mức khoán quá cao, thiếu mọi phương tiện sinh hoạt cần thiết đe doạ đến sức khoẻ. Làm không đủ khoán bị phạt vạ, khấu vào lương. Bị bỏ đói trong hầm kín… Khi một công nhân chết, chủ thiệt số tiền tàu từ Việt Nam qua đây, một số tiền không nghĩa lý gì với họ.
    Hưng đứng dậy mở cửa phòng nhìn ra ngoài… Những đám mây đen ánh vàng vần vũ nơi cuối trời. Không khí thật oi bức! Hưng nhìn về phía xa. Những đồn điền mênh mông bát ngát chạy dài tít tắp. Chủ đồn điền là ai? Có phải phần lớn là những tên tù khổ sai? Những người được chính phủ tha tội hình bằng cách đưa họ qua những vùng xa xôi hẻo lánh này khai hoang lập nghiệp chuộc tội? Đỡ chi phí cho ngân sách nhà nước vừa xem đó như một sự khoan hồng, an ninh không bị đe doạ mà còn có thể có ích? Do đó sự tàn bạo mà công nhân Việt Nam phải hứng chịu là điều dễ hiểu. Hưng trở lại ghế, rút khăn tay lau mồ hôi rịn ra trên trán, lấy lại bình tĩnh cúi xuống đọc tiếp… Người viết bản báo cáo là một người Pháp. Bản tường trình như một sự biết ơn vì cho thấy công lao to lớn của người công nhân Việt nam để Tân đảo được như ngày hôm nay. Mồ hôi, máu và nước mắt của họ đã đổ xuống nơi đây biến những vùng đất hoang thành rượu sâm banh cho các chủ đồn điền mặc sức tưới lên pông (Pond) tàu trước khi khiêu vũ mừng tàu buôn cập bến.
    Những dòng cuối cùng tựa như một tiếng gào phẫn nộ bức thiết xót xa muốn có chút lẽ phải cho những người cần cù vô tội này. Sự bất đồng ngôn ngữ cũng đóng góp một phần làm cho công nhân Việt nam bị thiệt thòi và đó là lý do tại sao Hưng được phái qua đây!
    Hưng gấp mạnh tập hồ sơ lại, đứng lên bàng hoàng, có cảm giác như vừa bị tra tấn xong. Hưng đi đi lại lại một lúc. Chuông đồng hồ điểm hai giờ chiều… Chợt nhớ có thể mọi người đang chờ cơm Hưng bước nhanh ra khỏi phòng đóng sập cửa lại, lầm lũi đi thật nhanh như muốn thoát khỏi cái không khí ngột ngạt mình vừa trải qua.
    Về tới nhà Hưng ngạc nhiên khi thấy người đầu bếp còn đứng xớ rớ trước nhà. Thấy Hưng anh ta vội nói:
    _ Thầy vào rửa mặt rồi tôi dọn cơm thầy ăn.
    Hưng kêu lên:
    _ Chết thật! Tôi quên mất! Trễ rồi sao anh không về? Chiều nay thứ bảy anh về nghỉ đi! Tôi tự lo được lần sau không cần chờ vậy đâu.
    Tuy chưa ăn nhưng Hưng dối là đã ăn rồi cho anh ta thảnh thơi đi về khỏi áy náy. Nhìn căn nhà vắng lặng Hưng đoán Thành và Mơ đã ra bãi biển chơi. Hưng bước nhanh vào phòng, chưa kịp thay quần áo gieo mình lên giường một cách nặng nề. Hưng cố nhắm mắt lại nhưng không tài nào ngủ được. Nằm bất động một lúc Hưng chợt nghe có tiếng cười nói ngoài hiên. Rồi tiếng đàn của Thành cất lên. Giọng Mơ hoà theo tiếng đàn. Mơ đang hát một bài dân ca đồng bằng bắc bộ. Hưng mở mắt nhìn ra khung cửa. Giọng hát còn non nớt nhưng sao nghe vẫn xót xa u uẩn? Tiếng hát cứ lướt ngang rồi bay bổng vút cao làm xao xác lay động cả những tán lá dừa. Lần đầu tiên từ khi đặt chân lên Port Vila, Hưng cảm thấy một nỗi buồn thương nhớ quê hương da diết. Nhớ rõ từng khuôn mặt của những người thân, nhớ giàn hoa thường ôm ấp bóng cha già, nhớ gió Đàlạt thất thường trong nắng trong mưa. Có khi gió tung vạt áo thêu mùa nắng, xoay tít sau màn mưa, mất hút bên chiếc cầu bảy sắc vắt ngang qua bầu trời… Suy nghĩ miên man nhớ thương rồi nuối tiếc Hưng chìm vào trong giấc ngủ say…
    (còn tiếp)
    
    
    
    CHÚ THÍCH:
    
    [1]: Port Vila là thủ phủ của Nouvelles Hébrides thuộc địa cũ của thực dân Anh và Pháp, bây giờ là Vanuatu.
    

Xem Tiếp Chương 3Xem Tiếp Chương 18 (Kết Thúc)

Mê Lộ
  » Xem Tập 1
  » Đang Xem Tập 2
  » Xem Tiếp Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York