Các trưởng lão Có thể có độc giả tưởng rằng chàng trai của tôi là một bản chất bệnh tật, xuất thân kém phát triển, một anh chàng xanh xao mơ mộng, ốm o và gầy võ. Trái lại, Alecxei hồi ấy là một thanh niên mười chín tuổi dáng người cân đối, má hồng hào, dồi dào sức khỏe, có cái nhìn tươi sáng. Hồi ấy thậm chí anh rất đẹp trai, thon thả, tầm vóc vừa phải, tóc nâu sẫm, khuôn mặt hình trái xoan đều đặn tuy hơi dài, hai mắt màu xám sẫm cách nhau khá xa, long lanh, anh rất mực trầm tư và có lẽ là rất điềm tĩnh. Có lẽ người ta sẽ nói rằng hai má đỏ hồng không ngăn cản sự cuồng tín và đầu óc thần bí; nhưng tôi cho rằng Alecxei có óc thực tế hơn bất cứ ai khác. Ồ, cố nhiên sống ở tu viện anh hoàn toàn tin vào phép lạ, nhưng theo tôi phép lạ không bao giờ làm cho người có óc thực tế rối trí. Không phải phép lạ lái người có óc thực tế theo hướng tín ngưỡng. Một người đích thực là có óc thực tế nếu không tín ngưỡng, bao giờ cùng có đủ sức mạnh và khả năng không tin cả phép lạ, còn nếu phép lạ hiển hiện trước người đó như một sự kiện không thể chối cãi thì người đó sẽ nghi ngờ giác quan của mình hơn là chấp nhận sự kiện. Mà nếu có chấp nhận thì chỉ coi đó như một điều tự nhiên mà cho đến giờ mình chưa hề biết. Ở người có óc thực tế, tín ngưỡng không do phép lạ sinh ra, mà phép lạ do tín ngưỡng sinh ra. Nếu như người thực tế có tín ngưỡng thì do óc duy thực tế của y, nhất định y phải chấp nhận cả phép lạ. Sứ đồ Tom tuyên bố rằng ông không tin chừng nào ông chưa thấy, còn khi thấy rồi thì ông nói: "Lạy Chúa tôi và Chúa Trời của tôi!"(1) phép lạ đã khiến ông phải tin chăng? Nhiều phần chắc là không phải, ông tin chỉ vì ông muốn tin, có lẽ trong đáy lòng sáu kín ông đã tin hoàn toàn, ngay cả khi ông thốt lên: "Ta không tin chừng nào ta chưa thấy".
Có lẽ người ta sẽ nói rằng Aliosa ngờ nghệch kém phát triển, học hành dở dang, vân vân. Bảo anh học hành dở dang thì đúng, nhưng bảo anh ngờ nghệch và ngu ngốc thì rất là bất công. Tôi sẽ chỉ nhắc lại điều tôi đã nói ở trên: anh bước lên con đường ấy chỉ vì hồi đó duy có nó làm xáo động tâm tư anh và anh hình dung nó là con đường lý tưởng để tâm hồn đầy khát khao của anh thoát khỏi bóng tối, vươn tới ánh sáng. Nên nói thêm rằng anh là một chàng trai phần nào thuộc thời kỳ gần đây nhất của chúng ta, tức là bản chất chính trực, đòi hỏi sự thật, đi tìm sự thật và tin vào sự thật, và khi đã tin thì cần lập tức tham gia vào đó bằng tất cả sức mạnh tâm hồn, cần mau mau lập kỳ tích, nhất quyết muốn hy sinh tất cả cho kỳ tích đó, kể cả tính mạng. Tuy rằng bất hạnh thay, các chàng tôi ấy không hiểu rằng hy sinh tính mạng có lẽ là loại hy sinh nhẹ nhàng nhất trong nhiều trường hợp loại này, chẳng hạn hy sinh năm, sáu năm trong quãng đời thanh niên sôi nổi của mình cho việc học tập gian khổ, cho việc nghiên cứu khoa học, dù là để tăng gấp mười sức lực của mình nhằm phụng sự vẫn cái sự thật ấy và kỳ tích ấy mà anh ta yêu mến và muốn thực hiện - sự hy sinh như thế, đối với nhiều người trong bọn họ, hầu như hoàn toàn không vừa sức.
Aliosa chỉ chọn con đường trái ngược với mọi người, nhưng vẫn với lòng khao khát mau chóng lập kỳ tích như vậy. Một khi đã nghĩ chín và tin chắc rằng có linh hồn bất diệt và Thượng đế thì lẽ tự nhiên họ tự nhủ: "Ta muốn sống cho linh hồn bất diệt, ta không chấp nhận sự thoả hiệp nửa vời". Cũng hệt như vậy, nếu họ cả quyết rằng không có linh hồn bất diệt và Thượng đế thì lập tức họ sẽ trở thành người vô thần hay người xã hội chủ nghĩa (bởi vì chủ nghĩa xã hội không chỉ là vấn đề công nhận hay cái gọi là đẳng cấp thứ tư, nhưng chủ yếu là vấn đề vô thần, vấn đề biểu hiện thời nay của chủ nghĩa vô thần, vấn đề tháp Baben xây cất không có Thượng đế, không phải để từ dưới đất ngoi lên trời, mà để lôi trời xuống đất). Aliosa thậm chí cảm thấy rằng, cứ sống như trước thì thật kỳ lạ và không thể được. Đã có câu rằng: "Hãy đem cho hết mọi thứ và đi theo ta, nếu ngươi muốn được hoàn hảo"(2). Aliosa tự nhủ: "Ta không muốn chỉ cho hai rúp thay vì cho tất cả", ta không muốn chỉ đi lễ thay vì "đi theo ta".
Trong số nhưng kỷ niệm tuổi thơ, có lẽ ký ức vẫn còn lưu lại điều gì về tu viện ngoại ô của chúng tôi, có thể là mẹ đã đưa anh đến xem lễ. Có thể đây là ảnh hưởng của những tia nắng tà dương chênh chếch trước bức ảnh thánh mà người mẹ "ngộ dại" đã bồng anh dâng lên trước Đức Mẹ. Dáng vẻ trầm tư, anh về địa phương chúng tôi có lẽ chỉ để xem ở đây người ta cho tất cả hay chỉ hai rúp, và ở tu viện anh ta gặp vị trưởng lão ấy…
Vị trưởng lão ấy, như tôi đã nói rõ ở trên, là trưởng lão Zoxima, nhưng ở đây nên nói vài lời về việc nói chung thế nào là "trưởng lão" trong các tu viện của chúng ta, đáng tiếc rằng trong lĩnh vực này tôi không có đủ thẩm quyền và không nắm chắc lắm. Tuy nhiên, tôi sẽ thử trình bày sơ qua chút ít. Thứ nhất, những người chuyên môn có thẩm quyền khẳng định rằng các trưởng lão và chế độ trưởng lão xuất hiện trong các tu viện Nga của chúng ta mới gần đây thôi, thậm chí chưa đến một trăm năm, trong khi đó tại phương Đông theo đạo chính thống, đặc biệt ở Xinai và Atox, chế độ ấy tồn tại đã hơn một nghìn năm. Có người cho rằng chế độ trưởng lão đã có ở nước Nga từ cổ xưa hay nhất định phải có, nhưng do nhưng tai biến của người Nga, hoạ Tarta, những cuộc biến loạn, việc đoạn tuyệt quan hệ trước kia với phương Đông sau khi Conxtantinopol bị chinh phục(3) thể chế ấy mai một ở nước ta và do đó không còn các trưởng lão nữa. Nó được khôi phục lại ở nước ta từ cuối thế ký trước nhờ nhà khổ tu vĩ đại (người ta gọi ông như vậy) Paixi Velitskovsky và các môn đệ của ông, nhưng cho đến hiện nay, sau ngót một trăm năm, vẫn chỉ một số ít tu viện có trưởng lão, thậm chí đôi khi việc lập trưởng lão gần như bị đàn áp vì đó là sự đồi mới chưa từng có ở Nga. Đặc biệt thể chế ấy ở nước Nga chúng ta rất thịnh đạt tại một hoang mạc trứ danh, Kozenskaia Optinnaia(4).
Nó được du nhập vào tu viện chúng tôi từ bao giờ và ai lập nên thì tôi không thể nói được, nhưng đã có ba trưởng lão kế chân nhau và trưởng lão Zoxima là người sau cùng, nhưng Cha đã gần kề miệng huyệt do yếu sức và ốm đau và người ta không biết sẽ tôn ai lên kế chân Cha. Đây là vấn đề quan trọng đối với tu viện chúng tôi, bởi vì cho đến lúc ấy tu viện chúng tôi chưa có gì đặc biệt nổi tiếng: ở đó không có các thánh cốt, cũng không có các tượng thánh mới phát hiện, cũng không có nhưng kỳ tích lịch sử và công đức đối với tổ quốc. Tu viện thịnh đạt và nổi tiếng khắp nước Nga chính là nhờ các trưởng lão, chính là để được nhìn thấy và nghe các trưởng lão mà người hành hương từ khắp nước Nga vượt hàng ngàn dặm đường để về cùng chúng tôi. Vậy thế nào là trưởng lão? Trưởng lão là người thâu tóm tâm hồn và ý chí của người ta vào tâm hồn và ý chí của mình. Khi đã chọn trưởng lão là ta từ bỏ ý chí của mình và dâng nó cho đấng ấy để hoàn toàn chối bỏ bản thân. Kẻ chọn con đường này tình nguyện nhận cuộc thử thách ấy cái trường đời ấy với hy vọng rằng sau cuộc thử thách lâu dài sẽ vượt thắng được bản thân, làm chủ được bản thân đến mức rốt cuộc, nhờ sự vâng lời suốt đời, sẽ đạt được tự do hoàn toàn, nghĩa là tự do đối với chính mình, tránh được số phận của những kẻ cả đời không tìm được chính bản thân mình. Phát kiến đó, tức là thể chế trưởng lão, không phải chỉ trên lý thuyết, mà ở phương Đông nó nảy sinh từ kinh nghiệm thực tế đã có từ ngàn năm nay, bổn phận đối với trưởng lão không phải là "sự vâng lời" bình thường xưa nay vẫn có trong các tu viện Nga của chúng ta. Ở đây tất cả các tín đồ phải vĩnh viễn xưng tội với trưởng lão và mối liên hệ giữa người ràng buộc và người bị ràng buộc là không gì phá bỏ được. Chẳng hạn, người ta kể rằng có lần vào thời cổ xưa của Kito giáo, một người tập tu không vâng lời trưởng lão về một việc gì đó, ông ta bỏ tu viện ra đi, đến một nước khác, từ Syri sang Ai Cập. Ở đấy, sau những công tích lâu dài và vĩ đại, cuối cùng ông ta đã xứng dáng chịu sự hành hạ và nhận cái chết tuẫn đạo. Khi nhà thờ mai táng ông ta, bấy giờ đã được tôn sùng như một vị thánh, thì đúng lúc viên trợ tế hô lên: "Những người sắp nhập đạo hãy ra ngoài!", cỗ quan tài mang thi hài người quẫn đạo bỗng rơi khỏi chỗ và bật ra khỏi nhà thờ, như thế ba lần. Cuối cùng người ta mới biết rằng vị thánh tuẫn đạo này đã phạm tội không vâng lời và lìa bỏ trưởng lão của mình trốn đi, vì vậy nếu không được trưởng lão giải tội thì không thể được tha thứ, dù đã có công tích khổ luyện cao cả. Chỉ khi vị trưởng lão được mời đến đã giải bỏ cho ông ta lời thề vâng lời thì mới chôn cất được. Cố nhiên đấy chỉ là truyền thuyết đời xưa, nhưng đây là chuyện thật mới xảy ra chưa lâu: một tu sĩ thời nay ẩn mình trong núi Aton, bỗng nhiên vị trưởng lão phán truyền cho ông ta rời khỏi nơi mà ông ta hết lòng yêu quý và coi là thánh địa, là nơi ẩn dật thanh vãng, để trước hết sang Jeruzalem chiêm bái các thánh địa, rồi trở về Nga, lên miền Bắc, vùng Sibir: "Chỗ của con là ở đấy chứ không phải ở đây". Sửng sốt và đau buồn, thầy tu đến Conxtantinopol yết kiến Đại Giáo trưởng cầu xin Ngài giải bỏ cho lời thề vâng lời, nhưng vị chúa lể của thế gian trả lời rằng chẳng những Ngài, Đại Giáo trưởng không thể giải được lời thề ấy, mà trên thế gian này không có uy quyền nào làm được việc đó, ngoài chính vị trưởng lão đã nhận cho ông ta nguyện thề. Như vậy chẳng những trường hợp nhất định, thể chế ấy đem lại cho trưởng lão một quyền lực vô hạn và khó hiểu. Đấy là lý do vì sao trong nhiều tu viện định chế trưởng lão thoạt đầu gần như bị trấn áp. Thế nhưng các trưởng lão lập tức được dân gian hết sức tôn sùng. Chẳng hạn, người ta đổ đến tu viện chúng tôi, cả dân đen, và người quyền quý để sụp mình trước các trưởng lão, thổ lộ với họ những nghi ngờ, lội lỗi, đau khổ của mình và xin một lời khuyên hay lời răn bảo. Thấy thế, những kẻ chống đối các trưởng lão la lối lên - ngoài những lời buộc tội khác, - rằng ở đây bí tích xưng tội bị hạ thấp một cách tuỳ tiện và nông nổi, tuy rằng việc người tập tu hay người thường không ngớt thổ lộ nỗi lòng với trưởng lão hoàn toàn không diễn ra như một bí tích. Tuy nhiên, cuối cùng định chế trưởng lão đã đứng vững và dần dần nhập vào các tu viện Nga. Kể ra các phương tiện cải hoá tinh thần đã có tự ngàn xưa và đã được thử thách đó nhằm giúp con người thoát khỏi sự nô lệ vươn tới tự do, tới sự hoàn diện đạo đức cũng vẫn có thể là con dao hai lưỡi, vì thế đôi khi đáng lẽ đem lại sự khuất phục và tự chủ hoàn toàn, nó lại đẩy người ta tới sự kiêu ngạo quái quỷ, nghĩa là tới xiềng xích chứ không phải tới tự do.
Trưởng lão Zoxima khoảng sáu mươi nhăm tuổi, xuất thân từ tầng lớp địa chủ, hồi mới bước vào tuổi thanh niên đã đừng là quân nhân, là sĩ quan ở Kavkaz. Hẳn là Cha đã làm cho Aliosa cảm phục về một thiên khiếu đặc biệt nào đó của tâm hồn, Aliosa ở ngay trong trai phòng của trưởng lão. Cha yếu mến anh và cho anh ở với mình. Cần lưu ý ráng Aliosa hồi đó sống trong tu viện nhưng chưa hề bị ràng buộc gì, anh có thể đi đâu tuỳ ý nhiều ngày ròng, còn anh mặc áo thầy tu là do tự nguyện, để khỏi khác biệt với mọi người trong tu viện. Tuy cố nhiên chính anh cùng thích như thế. Có lẽ trí tưởng tượng non trẻ của Aliosa bị kích động mạnh bởi cái quyền lực và quang vinh không ngừng bao quanh vị trưởng lão của anh. Về trưởng lão Zoxima, nhiều người nói rằng sau bao nhiêu năm tiếp tất cả những ai đến thổ lộ nôi niềm với Cha, khao khát chờ mong Cha ban cho một lời khuyên hay một lời chữa lành bệnh, Cha đã tiếp nhận vào tâm linh mình vô vàn điều giãi bày kín đáo, những nỗi đau buồn, nhưng lời thú nhận, đến độ rốt cuộc Cha đã có được cái nhìn thấu suốt tinh tế khiến Cha thoạt trông mặt một người lạ đến gặp mình đã đoán ngay được người đó đến để làm gì, người ấy cần cái gì, thậm chí nỗi đau khổ nào đang giày vò lương tâm người đó, và Cha khiến cho người đến gặp mình phải ngạc nhiên, bối rối đôi khi gần như hoảng sợ vì Cha biết điều bí mật của họ trước khi họ thốt lên lời. Thế nhưng Aliosa nhận thấy rằng nhiều người, hầu như tất cả khi đầu tiên vào gặp riêng trưởng lão thì sợ hãi và lo lẳng, mà khi ra khỏi đó thì hầu như bao giờ cùng hớn hở vui sướng, khuôn mặt rầu rĩ nhất cũng ngời lên vẻ hạnh phúc.
Còn một điều nữa khiến Aliosa ngạc nhiên lạ thường: trưởng lão hoàn toàn không nghiêm khắc, trái lại hầu như bao giờ cũng vui vẻ trong lúc giao tiếp. Các tu sĩ nói rằng Cha có lòng quyến luyến những người phạm tội nặng hơn, và người phạm tội nặng nhất là người Cha yêu mến nhất. Thậm chí đến tận cuối đời trưởng lão, vẫn còn nhưng tu sĩ thù ghét hay ghen tỵ với Cha, nhưng sổ người đó ít đi, và họ im hơi lặng tiếng, tuy rằng trong số họ có mấy nhân vật rất nổi tiếng và quan trọng trong tu viện, chẳng hạn một trong nhưng thầy tu già lão nhất, một người kiêng nói(5) vĩ đại, một người ăn kham phi thường. Nhưng dẫu sao thì tuyệt đại đa số hiển nhiên vẫn đứng về phía Cha Zoxima, trong đó rất nhiều người thậm chí còn yêu mến Cha nồng nhiệt và chân thành; một số người gắn bó với Cha gần như cuồng tín.
Những người như thế nói thẳng, tuy không công khai lắm, rằng Cha là vị thánh, điều đó không còn nghĩ ngợi gì nữa, và thấy trước Cha sắp từ trần nay mai, họ chờ đợi những phép lạ diễn ra tức khắc và vinh quang lẫy lừng mà người quá cố để lại cho tu viện trong thời gian sắp tới. Cả Aliosa cũng một lòng tin vào pháp lực kỳ diệu của trưởng lão, cũng như anh một lòng tin câu chuyện về cỗ quan tài bay ra khỏi nhà thờ. Anh đã thấy nhiều người mang theo trẻ con hay người thân thích đau ốm đến cầu xin trưởng lão đặt tay lên họ và cầu nguyện cho họ, ít lâu sau họ trở lại có người trở lại ngay hôm sau, nước mắt chan hoà quỳ sụp trước trưởng lão tạ ơn Cha đã chữa lành người bệnh của mình. Có khỏi bệnh thật không hay chỉ là bệnh tự nhiên đỡ hơn, Aliosa không hề đặt câu hỏi ấy vì anh đã hoàn toàn tin vào sức mạnh tinh thần của thầy mình và quang vinh của thầy dường như là thắng lợi của anh. Trái tim anh rộn rực hẳn lên và cả gương mặt anh rạng rỡ khi trưởng lão ra gặp đám dân đen hành hương đông đảo đang chờ đợi Cha ở cổng tu viện, họ từ khắp nơi trong nước Nga đổ đến chỉ cốt để nhìn thấy trong lão và được Cha ban phước. Họ sụp xuống trước mặt Cha, khóc lóc, hôn chân Cha, hôn mảnh đất Cha đứng, kêu gào, phụ nữ giơ con lên trước mặt Cha, đưa những người bị bệnh "ngộ dại" đến.
Trưởng lão nói với họ, đem những đoạn kinh ngắn cầu khẩn cho họ, ban phước rồi để họ về. Thời gian gần đây Cha cứ ốm luôn đến nôi có khi không đủ sức ra khỏi phòng, và những người hành hương đôi khi phải chờ đợi đến mấy ngày ở tu viện. Aliosa không hề tự hỏi vì sao Cha được yêu mến như vậy, vì sao chỉ cần nhìn thấy mặt Cha là người ta sụp xuống và khóc vì cảm động.
Ôi anh hiểu rất rõ rằng tâm hồn nhẫn nhịn của người bình dân Nga rã rời vì đời cần lao vất vả đầy rẫy đau thương, nhất là vì sự bất công và tội lỗi thường xuyên diễn ra cả trong nước cũng như khắp cõi thế gian, đối với tâm hồn ấy không có nhu cầu và sự an ủi nào mạnh hơn nhu cầu có được một chốn thiêng liêng hay một vị thánh để quỳ sụp xuống mà tôn sùng: "Nếu phần dành cho chúng ta là tội lỗi, dối trá và cám dỗ thì dẫu sao ở đâu đó trên trái đất này vẫn có một vị thánh, một đấng tối cao: đấng ấy nắm trong tay sự thật, đấng ấy biết sự thật, vậy là sự thật không tiêu vong trên trái đất này và rồi một ngày kia nó sẽ đến với chúng ta và ngự trị trên toàn cõi thế gian này, như Ngài đã hứa".
Aliosa biết rằng dân chúng cảm thấy chính như thế, thậm chí suy xét như thế, anh hiểu điều đó, còn về việc trưởng lão chính là vị thánh ấy, đấng gìn giữ sự thật của Thượng đế trong con mắt dân chúng thì anh không mảy may hồ nghi, anh cùng một lòng một dạ với những người dân quê khóc lóc kia, với những người vợ ốm của họ đang đưa con ra trình trưởng lão. Trong thâm tâm anh tin tưởng - có lẽ còn mãnh liệt hơn bất cứ ai khác trong tu viện - rằng trưởng lão sau khi tạ thế sẽ đem lại vinh quang phi thường cho tu viện. Nói chung thời gian gần đây, một niềm hân hoan nội tâm nồng nhiệt sâu sắc nào đó ngày càng rực cháy trong tìm anh. Anh không hề bối rối rằng vị trưởng lão này vẫn chỉ là một cá nhân lẻ loi. "Dù sao Cha là vị thánh, trái tim Cha có bí quyết đổi mới cho mọi người, có cái pháp lực cuối cùng sẽ thiết lập sự thật trên cõi thế gian, và mọi người sẽ đều thánh thiện, sẽ yêu mến nhau, sẽ không còn kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn, tất cả sẽ đều là con của Thượng đế và nước Chúa Kito thực sự sẽ đến". Aliosa mơ ước trong lòng như vậy.
Hình như việc cả hai anh đều về nhà đã gây ấn tượng hết sức mạnh đến Aliosa, từ trước đến nay anh chưa hề biết mặt họ. Anh bắt quan hệ với Dmitri Fedorovich nhanh hơn và thân hơn, tuy Dmitri về nhà sau người anh cùng mẹ với anh: Ivan Fedorovich.
Aliosa rất muốn biết rõ Ivan, nhưng mặc dù Ivan ở nhà đã hai tháng và hai anh em gặp nhau khá thường xuyên, họ vẫn không sao thân nhau được: Aliosa thì trầm lặng, dường như chờ đợi cái gì, dường như ngượng ngùng cái gì không rõ, còn ông anh Ivan thì lúc đầu Aliosa nhận thấy hay nhìn mình hồi lâu bằng con mắt tò mò, nhưng chẳng bao lâu hình như Ivan cũng chẳng bận tâm gì đến em nữa. Nhận thấy điều đó, Aliosa hơi bối rối. Anh cho rằng Ivan thờ ơ là vì hai người chênh lệch về tuổi, đặc biệt về học vấn. Nhưng Aliosa cũng còn một ý nghĩ khác nữa: Ivan ít chú ý và ít thiện cảm với anh, như thế có lẽ còn do một điều gì mà anh hoàn toàn không biết. Không hiểu sao anh vẫn có cảm giác rằng Ivan mải lo một chuyện gì thuộc thế giới nội tâm và quan trọng, anh ấy đang nhắm một mục đích nào đó có lẽ rất khó khăn, thành thử chẳng bụng dạ đâu mà nghĩ đến em, và đây là nguyên nhân duy nhất khiến anh nhìn Aliosa một cách lơ đãng. Aliosa còn nghĩ: phải chăng đây là thái độ khinh miệt của một người vô thần thông thái đối với một gã tập tu ngờ nghệch.
Aliosa biết mười mươi rằng anh mình là người vô thần. Sự khinh miệt ấy nếu có, cũng không thế khiến Aliosa oán hận được, nhưng có một cảm giác bối rối lo lắng mà chính anh cũng không hiểu nổi. Aliosa vẫn chờ đợi lúc Ivan muốn lại gần anh hơn nữa.
Anh Dmitri Fedorovich tỏ ra hết sức kính trọng anh Ivan, nói về Ivan với giọng đặc biệt thiết tha. Qua Dmitri, Aliosa biết mọi chi tiết của các việc quan trọng kia trong thời gian gần đây đã làm cho hai anh gắn bó mật thiết với nhau. Sự thán phục của Dmitri đối với Ivan càng có ý nghĩa đặc biếc trong con mắt Aliosa vì so với Ivan thì Dmitri gần như vô học, và hai người ấy đặt cạnh nhau dường như tạo thành một sự đối lập nổi bật, cả về cá tính cũng như tính cách, đến nỗi có lẽ không thể tưởng tượng ra được hai con người khác nhau hơn thế.
- o O o -
Chính trong thời gian ấy đã diễn ra cuộc hội kiến, hay nói cho đúng hơn là cuộc họp mặt tất cả các thành viên của cái gia đình hỗn độn ấy trong trai phòng của vị trưởng lão đã có ảnh hưởng kỳ lạ đối với Aliosa. Cái cớ cho cuộc họp mặt ấy thực ra chỉ là bịa đặt. Chính lúc bấy giờ sự bất đồng giữa Dmitri Fedorovich và bố chàng, Fedor Pavlovich, về quyền thừa kế và sự định giá tài sản có lẽ đã đến cực điểm. Quan hệ căng thẳng tới mức không thể chịu đựng nổi nữa. Hình như Fedor Pavlovich là người đầu tiên làm như bông đùa đưa ra ý kiến cả nhà họp mặt trong phòng của trưởng lão Zoxima, để tuy không nhờ đến sự hoà giải trực tiếp của Cha, mà vẫn có thể thoả thuận với nhau một cách tử tế hơn, vì chức sắc và nhân cách của trưởng lão có thể khiến mọi người vị nể nên dễ dàn hoà hơn. Dmitri Fedorovich chưa bao giờ đến chỗ trưởng lão, thậm chí chưa từng thấy mặt Cha, nên cố nhiên chàng nghĩ rằng người ta muốn dùng trưởng lão để đe mình; nhưng bởi vì trong thâm tâm, chàng cũng tự trách mình thời gian gần đây đã nói nhiều điều quá quắt trong lúc cãi cọ với bố, nên chàng chấp nhận sự thách thức. Nhân tiện xin lưu ý rằng chàng không ở nhà bố như Ivan Fedorovich mà ở nơi khác tại đầu thành phố. Tình cờ Petr Alecxandrovich Miuxov thời gian này đang ở vùng chúng tôi cũng sốt sắng vồ lấy ý kiến ấy. Là một người theo chủ nghĩa tự do những năm bốn mươi và năm mươi, là người có đầu óc tự do và vô thần, có lẽ vì buồn tình, cũng có thể vì muốn tiêu khiển bông lông, ông dự phần đặc biệt trong việc này. Đột nhiên ông muốn xem tu viện và "vị thánh".
Bởi vì cuộc tranh chấp lâu năm của ông với tu viện vẫn tiếp tục và vụ kiện vẫn còn kéo dài - đấy là về chuyện phân chia địa giới đôi bên, về quyền đốn gỗ trong rừng và đánh cá trên sông gì gì đó - ông vội lợi dụng cơ hội này, lấy cớ rằng chính ông muốn dàn xếp với Cha viện trưởng: liệu có cách nào chấm dứt êm thấm cuộc tranh chấp giữa hai bên không? Vị khách có thiện ý, như vậy cố nhiên có thể được chú ý và được đến đón ân cần hơn một người đến thăm chỉ vì hiếu kỳ. Vì tất cả những lý do kể trên, trong tu viện người ta có thể nài xin trưởng lão tiếp họ: thời gian gần đây vị trưởng lão ốm đau gần như không rời khỏi phòng, và bởi vậy không tiếp ngay cả những khách thăm thường lệ. Cuối cùng trưởng lão chấp thuận và người ta đã định ngày.
"Ai đã đặt ta vào địa vị phân xử cho họ?" - Cha chỉ mỉm cười nói với Alecxei.
Được biết về cuộc gặp mặt đó, Aliosa rất bối rối. Trong số những người kiện cáo và tranh chấp nhau ấy, nếu có người nào có thể coi trọng cuộc hội họp này thì hiền nhiên chỉ có anh Dmitri. Còn hết thảy những người khác đến chỉ với ý định bông lông và có lẽ là xúc phạm đến trưởng lão. Aliosa hiểu như vậy.
Ivan và Miuxov đến vì một sự hiếu kỳ. Có thể là hết sức thô thiển, còn ông bố đến có lẽ để làm trò hề và dựng nên một cảnh sân khấu gì đó. Ôi, Aliosa tuy không nói ra nhưng biết rõ bố mình lắm. Tôi xin nhắc lại, anh chàng hoàn toàn không chất phác như người ta tưởng. Anh chờ đến ngày đã định mà lòng nặng trĩu.
Chắc chắn là trong thâm tâm anh thầm mong có cách nào chấm dứt tất cả những bất hoà ấy trong gia đình. Tuy nhiên anh lo nhất về trưởng lão; anh run sợ cho thầy, cho danh úếng của thầy, sợ những điều xúc phạm đến thầy, nhất là những lời giễu cợt đặc biệt tinh tế, lễ độ của Miuxov, những câu lấp lửng cao ngạo của anh Ivan thông thái. Aliosa hình dung cất cả sự việc ấy như thế.
Thậm chí anh muốn đánh liều báo trước cho trưởng lão, nói với thầy điều gì về những người có thể đến dự cuộc gặp gỡ này, nhưng anh nghĩ thế rồi lại thôi. Có điều, trước ngày đã định một hôm, anh nhờ một người quen của Dmitri nói hộ với anh mình rằng anh yêu anh mình lắm và mong anh làm đúng như đã hứa…
Dmitri đâm ra nghĩ ngợi, bởi vì chàng chẳng làm sao nhớ được mình đã hứa gì với em, chàng chỉ viết thư trả lời rằng chàng sẽ gắng hết sức để đừng "đi đến chỗ đê mạt", và tuy chàng kính trọng sâu sắc trưởng lão và anh Ivan, nhưng chàng tin chắc rằng người ta đặt cho chàng một cái bẫy hay một hài kịch nhơ nhuốc.
"Tuy vậy, thà anh nuốt lưỡi anh đi còn hơn là nói điều gì thiếu tôn kính với bậc thánh nhân mà anh sùng mộ" - Dmitri kết thúc lá thư của mình như vậy. Bức thư không làm cho Aliosa phấn chấn lắm.
Chú thích:
(1) Gioan, XX Z8 (N.D)
(2) Mathieu, XIX, 12 (N.D)
(3) Conxtantinopol (nay là Istanlbul) bị Suntan Thổ Nhi Kỳ Mahomet ri chiếm năm 14S3 (N.D).
(4) Một tu viện rất nổi tiếng, gần Kaluga (N.D).
(5) Tiếng Nga trong nguyện bán "motsalnik" nghĩa đen là "người im lặng" - người tu hành đã khấn nguyện suốt đời không nói năng gì vì lý do tôn giáo. Đây là một giáo phải cực kỳ cuồng tín trong đạo Chính giáo, giáo phải này xuất hiện ở tỉnh Tambov, chủ trương hoàn toàn cắt đứt sự giao tiếp với mọi người xung quanh để tìm sự "cứu rỗi" (N.D).
Kết Thúc (END) |
|
|