Cách Hà Nội một ngàn bảy trăm cây số ở phương nam, trong khi đứa con trai thứ của mình mệt lã ngã người ngủ chập chờn trong một xà-lim tồi tệ, Joseph Sherman bước đi trên những con đường đầy bóng tối của Sài Gòn và cố giữ cho con mắt tâm trí đừng ngó thấy những bóng ma quá khứ đang như ẩn như hiện, ám ảnh từng góc đường.
Đã mười hai năm, đây là lần thứ nhất Joseph quay lại thủ đô của Miền Nam. Tiếng gầm rú không ngớt và tình trạng hỗn độn cực độ do các nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ khiến Sài Gòn thay đổi tới độ gần như không còn có thể nhận ra. Nhưng mắt anh chẳng cảm thấy xốn xang chút nào khi nhìn hoạt cảnh đó vì lòng đang bồi hồi xúc động theo những hoài tưởng quá khứ, sau một quãng thời gian xa cách quá dài và nay mới được đặt chân trở lại.
Bước sóng đôi trên vĩa hè đường Công Lý bên cạnh dáng người nhỏ thó của Trần Văn Tâm, Joseph gần như không thấy vẻ ngoài Dinh Độc Lập rất hiện đại của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nổi bật đằng sau những tấm lưới chống hỏa tiễn B-40 giăng quanh khuôn viên. Thêm vào đó, trên quãng đường trước mặt dinh, lính phòng vệ đặt rào gỗ ngăn không cho các loại xe có động cơ và trên ba bánh qua lại, khiến nó có vẻ cô lập và đáng sợ.
Nhưng khi nhìn xuyên qua những lỗ lưới mắt cáo, thấy các bãi cỏ rộng mênh mông và đầy bóng tối được các chuyên gia thiết kế vườn bố trí quanh cái dinh thự vĩ đại, nguyên thủy là của Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp, Joseph lại liên tưởng tới một cậu bé mười lăm tuổi thuở nào. Đêm ấy, ngượng nghịu trong bộ lễ phục dạ hội trắng tinh mặc lần đầu trong đời, cậu đã lao như điên qua sân thềm cẩm thạch nơi dinh thống đốc Nam kỳ ngày trước, nay là dinh Tối cao Pháp viện, cách nơi này ba trăm thước, hòng cứu chiếc độc bình Trung Hoa vô giá sắp bị rơi vỡ bởi một chú khỉ con chui tuột vào đó.
Joseph cũng thấy hiện lên trong tâm trí cảnh vị sứ thần nam triều tại Sài Gòn, mặt tuy điềm đạm nhưng lòng thường bứt rứt, thân phụ của người lúc này đi bên anh, kinh hoảng đứng trên thềm cao của dinh thự ấy khi anh ló mình ra với con vật đang vùng vẫy vì bị ôm chặt vào chiếc áo dạ hội rách bươm của anh. Và cũng từ chốn sâu thẳm tận đáy tâm thức của Joseph chợt hiện lên nét thơ ngây tới độ bí nhiệm và vẻ rạng rỡ trên khuôn mặt mười tuổi của đứa con gái vị quan kia khi cô bé tròn xoe mắt, nhìn cậu bé ngoại quốc xa lạ vừa cứu cho con vật yêu quí của mình thoát án chết.
Liếc Trần Văn Tâm thật lẹ, Joseph tự hỏi không biết người Việt Nam này có cảm nhận được tâm trí anh đang tràn ngập những hoài cảm chất ngất ấy không. Mắt Tâm mãi miết nhìn theo một đoàn xe GMC của quân đội VNCH ầm ầm lăn bánh trên đường Pasteur. Đôi môi làm thành cái miệng nhỏ như con gái của anh ta chu lại tỏ vẻ gớm ghiếc khi ở đằng xa, đoàn xe tải đó vừa chạy vừa bóp còi inh ỏi và phun khói mù mịt làm cả một quãng đường bị khuất lấp trong vùng khói xám dày đặc.
Không ai bảo ai, cả hai cùng rẽ qua đường Tabert cũ, đi về hướng Câu lạc bộ Thể thao ở một góc vườn Tao Đàn, nơi chiều nay Joseph vừa khám phá khách lui tới thời nay gồm các chủ đồn điền người Pháp mặt mày khinh khỉnh, các viên chức người Mỹ nói cười huyên náo và các thương gia người Việt lẫn người Hoa Chợ Lớn rất nhũn nhặn, cùng nhau quần tụ thành một xã hội hỗn tạp và chõi nghịch. Dù không còn chút dấu vết nào của sự độc quyền thuở trước dành cho các tây thực dân quyền cao chức trọng nhưng ngay lúc hai cổng vào hai đầu Câu lạc bộ xuất hiện trong tầm mắt của Joseph, hình ảnh thơ mộng với chiếc xe thổ mộ nhỏ nhắn năm nào, khi anh đưa Lan về nhà nàng sau trận chung kết quần vợt, lại lọc cọc lăn bánh trong tâm tư Joseph khiến anh cảm thấy ruột mình đau thắt và buồn thấm thía.
Dù chỉ mới quay lại Sài Gòn có ba ngày nhưng ngay trước khi máy bay chạm bánh lên phi đạo Tân Sơn Nhứt, những hình ảnh xa xưa ấy đã bắt đầu sống động trở lại trong tâm trí Joseph. Suốt hai mươi bốn giờ phi hành từ Washington, Joseph hầu như không phút nào chợp mắt. Khi chiếc máy bay Boeing của hãng Hàng không Pan Am bắt đầu lướt thật dài và thật êm qua một ngả ba sông của dòng Cửu Long chín nhánh xoè ra như những đường gân lấp lánh bạc của một bàn tay, anh bắt gặp xa xa và thấp thoáng hai đỉnh tháp sóng đôi của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Lập tức, Joseph nhớ lại hai cột mốc dẫn đường hải hành ấy đã, hơn bốn mươi năm trước, huyền ảo như hai tai thỏ giấu mình rồi trồi lên hụp xuống khắp bốn hướng rừng khi con tàu Avignon chầm chậm uốn mình chạy theo dòng sông Lòng Tảo ngoằn ngoèo.
Tuy thế, khi đặt chân xuống mặt đất, Joseph thấy Sài Gòn nay chỉ còn lưu giữ vài ba dấu tích ngày cũ. Thành phố vẫn còn nguyên không khí ẩm ướt quen thuộc khiến con người như ngây ngây sốt, nhưng ngày nay, khói xăng ngột ngạt dường như lúc nào cũng làm cho cổ họng nghèn nghẹt. Chuyến đi từ phi trường Tân Sơn Nhứt tới khách sạn Continental Palace đã hoá thành một cơn ác mộng vì xe phải chạy qua những ngả tư ngả ba kẹt cứng người đi xe và đủ thứ tiếng động, đủ loại khói xe.
Vẫn tồn tại những chiếc xích-lô với các phu đạp xe người Việt gầy guộc không kém các cu li kéo xe tay thời thuộc địa. Còn luôn cả những chiếc tắc-xi Renault nhỏ bé sơn xanh với trắng cùng một ít xe Citroešn và Peugeot xộc xệch, tài sản của những tây thực dân người Pháp thuở nào. Nhưng lúc này, những chiếc xe hơi nhỏ bé ấy bị khuất lấp bởi từng đoàn xe tải to lớn, dài thườn thượt, kéo rơ-moóc của quân đội chạy đè lên chiếc bóng của hàng trăm xe hơi nhỏ Chevrolet, Pontiac và Mercury của viên chức các cơ sở ngoại giao nhiều nước và các phái bộ Hoa Kỳ.
Các thanh niên thiếu nữ người Việt trên những chiếc Lambretta và Honda máy nổ ròn rã, len lõi lách mình, khi rúc vào khi lạng ra khỏi đám xe cộ hỗn tạp. Và Joseph cảm thấy khoan khoái vì vẫn còn nhiều thiếu nữ mặc chiếc áo dài tha thướt và đầy quyến rũ. Thậm chí một số cô còn che mặt bằng khăn lụa để tránh hít phải khói xe ngột ngạt. Tà áo họ trôi nổi bồng bềnh giữa những dòng xe cộ ngược xuôi với vóc dáng mảnh mai mượt mà từng làm cậu bé Joseph mười lăm tuổi như say như ngây khi lần đầu tiên ghé lại Sài Gòn bốn mươi hai năm trước.
Rồi chẳng bao lâu, Joseph lại khám phá ra rằng cái tất bật hối hả thời chiến đã làm biến mất giấc ngủ trưa của Sài Gòn. Ngay cả sự thinh lặng trong quãng thời gian giới nghiêm dài bốn giờ, bắt đầu từ nửa đêm, cũng bị lấy mất bởi những đoàn xe tải quân đội gầm rú, chạy ào ào và bất tận, qua những đường phố không một bóng người.
Tới mười hai giờ trưa, một số chủ tiệm vẫn kéo cửa sắt xuống trong khoảng một hai giờ nhưng những quán rượu đèn nê-ong sặc sỡ, các ki-ốt bán đồ lưu niệm loè loẹt rẻ tiền mọc lên dọc hai bên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Tự Do vẫn mở cửa để phục vụ những tốp lính Thủy quân Lục chiến được nghỉ phép, đi đông nghẹt các đường phố vốn ngột ngạt sẵn vì xe cộ. Khắp nơi mọc lên những chúng cư xây cất kém chất lượng để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho số lượng người nước ngoài đang gia tăng hơn bao giờ hết. Joseph nản lòng khi thấy chúng dường như sẽ tẩy xóa hoàn toàn vẻ thanh lịch đang ngày càng mất dần của một thành đô Sài Gòn thời thuộc địa Pháp.
Nhưng sau cùng, Joseph cũng cảm thấy khuây khoả phần nào khi thấy ra mình được cấp nguyên một biệt thự cũ xây từ thời thực dân, bên đường Duy Tân, vì anh tới đây lần này là để giữ một chức vụ chính quyền. Sau khi suy đi nghĩ lại nhiều lần, anh chấp nhận làm cố vấn cao cấp cho JUSPAO — Joint United States Public Affairs Office: Cơ quan phối hợp các hoạt động dân sự của Hoa Kỳ, được chính thức dịch ra tiếng Việt là Cơ quan Dân Sự Vụ Hoa Kỳ.
Cũng ngay tại biệt thự ấy, Joseph vừa mời Trần Văn Tâm dùng cơm tối do một đầu bếp người Việt đứng tuổi, cơ hữu của biệt thự, phụ trách việc nấu nướng và dọn bàn. Mặc dù cả hai đã quen biết nhau mấy chục năm và Joseph từng có thời đi lại thân mật với Tâm cùng gia đình của anh ta nhưng gần như suốt buổi tối, viên chức cao cấp Việt Nam ấy vẫn đối đáp rất dè dặt và thường tìm cách tránh né.
Vẫn nụ cười khúc khích che đậy vẻ bồi rối khi Tâm bị hỏi về những đất đai mênh mông anh ta thừa hưởng ở đồng bằng sông Cửu Long. Và ngay lúc đó, Joseph bỗng nhận ra rằng sự kiện Tâm vẫn được hưởng đặc quyền đặc lợi của một đại gia sau nhiều năm người Mỹ gây sức ép nhằm có một loại cải cách điền địa sâu rộng nào đó đã khiến trong thái độ của anh ta có thêm một khía cạnh thủ thế mới cho bản thân.
Tâm hiện là phụ tá bộ trưởng thông tin trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Và Joseph suy ra rằng chính địa vị đó, với sự xuất hiện ít ỏi trước công chúng và vì thế ít chịu nguy cơ về chính trị, đã và đang tự nó cung cấp cho anh ta những hiểu biết sâu xa về các cơ hội đầu cơ trục lợi trong một nền kinh tế thời chiến đang phất lên và bị tham nhũng lèo lái của Nam Việt Nam.
Bị Joseph thúc giục, Tâm thừa nhận, kèm thêm một nụ cười khúc khích bối rối nữa, rằng hiện nay anh ta có nhiều đầu tư kinh doanh khác nhau “trong mấy thứ đại khái như bất động sản, ngành xây dựng và các đại lý nhập cảng”. Mặc dù tiết lộ như thế, thái độ của Tâm vẫn giữ kẽ, như thể anh ta biết chắc chắn rằng không sớm thì muộn thế nào cũng sẽ có ngày và có người đặt ra cho mình một câu hỏi khó chịu nhất.
Thế nhưng câu hỏi đang được Joseph canh cánh và rất thèm đặït ra cho Tâm lại chẳng liên quan chút nào tới việc kinh doanh và kinh nghiệm quan lại của gia tộc cùng lợi thế chính trị hiện nay của Tâm. Anh dằn lòng cho đến khi cả hai nhắp ly rượu mùi Pháp trên thềm nhà và hít vào thật sâu hương đêm đậm đà trong khu vườn đầy bóng tối quanh biệt thự. Lúc đó, người Mỹ mệt lã với các câu hỏi về nội các mới, hiến pháp vừa được ban hành, quan điểm của Tâm về chương trình bình định... và tới lượt người Việt Nam nhiệt liệt khen ngợi Joseph về món chả giò của bác đầu bếp cùng mùi vị tinh khiết của rượu Pháp anh ta vừa được thiết đãi.
Rồi Joseph cũng tìm cách đặt được đặt câu hỏi đó. Khi nghe nhắc đến tên Tuyết, Tâm lại rơi vào im lặng, lâu tới độ Joseph có cảm tưởng anh ta không muốn đề cập đến vấn đề đó. Sau cùng, Tâm trả lời. Không ngó Joseph, mắt chỉ nhìn chăm chú vào bóng tối trong vườn. Và dù làm như thế, anh ta vẫn để lộ vẻ bối rối trong cung giọng. Ém hơi thở, Tâm nói rất nhẹ:
- Tôi không biết cụ thể hơn những gì tôi từng kể với anh hồi năm 1956. Giản dị là con gái của anh biến mất — gần như không để lại dấu vết nào.
Joseph hỏi lại với giọng nói không giấu nổi chút hy vọng le lói:
- Anh nói “gần như”, vậy có nghĩa kể từ lúc đó, anh có đôi chút tin tức về nó?
Người Việt Nam lại rơi vào im lặng và ngồi trầm ngâm như suy tính. Joseph mường tượng thấy trán anh ta cau lại:
- Vài tin tức cụ thể và rất nhiều lời đồn không thể kiểm chứng. Và vì Tuyết đã quyết định triệt để trung thành với phía bên kia nên xin anh biết cho rằng cả nhà chúng tôi không bao giờ có ý định dò hỏi tới nơi tới chốn. Sau khi nó bỏ nhà ra đi, chúng tôi nghe tin nó lập gia đình với một thanh niên cha Hoa mẹ Việt, được biết tới dưới cái tên Triệu Hùng Lương. Rồi sáu bảy năm sau, thằng đó chết.
- Tại sao chết?
- Bên Trung ương Tình báo có cho người sang gặp tôi để lấy thêm thông tin. Họ cho tôi biết rằng Triệu Hùng Lương trước năm 1954 là biệt động thành của Việt Minh. Sáu năm sau, nó bị bắt vì tình nghi hai mang, vừa là Việt Cộng vừa có liên hệ với một nhóm Mao-ít đang âm mưu ám sát Thái cực Quyền sư Triệu Trúc Khê, Đường chủ Tinh Võ Đường Chợ Lớn. Thằng ấy chết trong lúc bị thẩm vấn. Dù gì đi nữa, tên của vợ hắn là Tuyết, cháu gọi tôi bằng cậu ruột. Họ nói khi tới nhận diện xác chồng, cô ta chỉ mặt nhân viên an ninh và thề sẽ trả thù cho cái chết của chồng. Tuần lễ sau, cô ta biến mất, hình như gia nhập biệt đội ám sát của Việt Cộng. Mấy tháng sau, có vài phần tử trong cơ quan an ninh của họ bị ám sát và họ tình nghi thủ phạm là Tuyết. Tôi chỉ trả lời là chúng tôi đã mất liên lạc với nó từ lâu.
Joseph bấu chặt mép bàn, rướn người tới:
- Rồi sau đó anh có biết thêm tung tích của nó không?
Nhìn xuống các móng tay mình, Tâm thở hắt:
- Từ đó, chỉ toàn là lời đồn. Nghe nói cũng chính cô gái ám sát mật thám ấy về sau trở thành một trung đội trưởng chủ lực quân nổi tiếng ở miệt dưới. Cô ta lấy danh xưng là “Tuyết Lương”, để tưởng nhớ chồng mình.
Joseph nhảy nhổm trên ghế, kinh hãi ngó người Việt Nam:
- Tôi không tin có chuyện đó!
Tâm vội vàng nói thêm:
- Thì tôi đã nói là không có đủ bằng chứng để khẳng định rằng cô “Tuyết Lương” ấy chính là con gái của anh. Đó mới chỉ là tin đồn thôi. Nói cho cùng, tại Việt Nam, “Tuyết” không phải là cái tên hiếm thấy. Nhưng cũng có dư luận nói “Tuyết Lương” là con lai.
Joseph dựa ngửa ra lưng ghế, im lặng choáng váng. Trí óc anh mụ mẫm theo những ngụ ý trong lời Tâm vừa nói. Rồi anh đứng lên và bắt đầu đi tới đi lui trên thềm nhà:
- Anh Tâm này, anh nghe lời đồn đó vào lúc nào vậy?
- Vào đầu những năm sáu mươi.
- Rồi kể từ lúc đó, anh có nghe thêm gì về “Tuyết Lương” nữa không?
Tâm lắc đầu:
- Dường như cô ta đột ngột biến mất khỏi chiến trường đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng giữa năm 1963.
Joseph thất kinh nhìn chằm chặp người Việt Nam:
- Vậy có thể nó bị người ta giết rồi!
Né ánh mắt của Joseph, Tâm trả lời nhẹ nhàng:
- Dĩ nhiên là có thể. Nhưng như tôi vừa nói, gia đình của tôi không để tâm tới chuyện dò hỏi tới nơi tới chốn. Có thể lãnh đạo của Mặt Trận Giải Phóng đã bố trí cho nó một công tác nào đó ít có sức mê hoặc ít có vẻ cá nhân chủ nghĩa. Anh cũng biết, Cộng Sản đòi hỏi sự chấp hành mệnh lệnh và tinh thần kỷ luật trên tất cả mọi thứ khác. Một phụ nữ trẻ tuổi xinh đẹp mang bên hông khẩu súng lục của Mỹ và lang thang khắp nơi chỉ vì trả thù rửa hận mà thôi thì trông y hệt một tay cao bồi miền Viễn Tây Hoa Kỳ, không thích hợp chút nào với kiểu mẩu đấu tranh trong khuôn khổ kỷ luật của Cộng Sản. Cũng có thể vì cô ta quá nổi tiếng; đảng phải hóa giải hoặc khai thác danh tiếng dũng sĩ đó theo kiểu có lợi hơn nữa.
Joseph ngừng bước, rót rượu đầy hai ly. Trong một hồi lâu hai người ngồi im nhắp rượu. Rồi thêm lần nữa Joseph quay sang Tâm, mặt băn khoăn và trầm ngâm:
- Anh có nghĩ rằng biết đâu Tuyết Lương có thể được phái ra Đà Nẵng với nhiệm vụ tình báo nào đó?
- Anh có ý nói để do thám các phi công Mỹ khi họ ra phố, phải vậy không?
Joseph nôn nao gật đầu:
- Đúng vậy!
- Cũng có thể. Tại sao anh hỏi như vậy?
- Vì Mark, đứa con trai thứ hai của tôi, gia nhập không quân và đóng ở Đà Nẵng cho tới ngày nó mất tích tại Miền Bắc trong một phi vụ oanh tạc hai năm trước đây. Chúng tôi không biết sau khi máy bay rớt nó còn sống hay không nhưng trong lá thư sau cùng của gởi cho mẹ, nó có nhắc tới một cô gái Việt Nam lai tây sống ở thành phố đó mà nó nghe người ta gọi tên là “Tuyết”. Không có gì rõ ràng trong lá thư đó, nhưng hình như “Tuyết”, dù cô ta làm cái gì đi nữa, cũng có biết tới tên của Mark. Qua một cô gái khác, cô ta nhờ chuyển cho Mark một lời nhắn mơ hồ về “cha của cô ta đang ở bên Mỹ”. Mark viết điều ấy một cách rất tình cờ và rõ ràng nó chẳng hiểu chút gì về chuyện đó.
- Mark có biết nó có một người chị cùng cha khác mẹ không?
Joseph lắc đầu thật lẹ và quay nhìn chỗ khác:
- Không. Tôi không kể cho đứa con trai nào của mình nghe về Tuyết. Tôi vô cùng ân hận là kể từ khi chúng nó khôn lớn, tôi rất ít liên lạc với cả hai.
- Vậy anh ra Đà Nẵng chưa?
Joseph gật đầu:
- Tôi có bay ra đó, gần như ngay sau khi vừa đặt chân xuống Sài Gòn.
- Anh có tìm được điều gì không?
Joseph thở ra chầm chậm:
- Không — hoàn toàn chẳng có gì. Tôi không tìm được dấu vết nào của cô gái đó. Nhưng hôm đó, tôi chưa có được đôi ba thông tin cụ thể về nó như lúc này.
Một nụ cười thiện cảm và có phần nào phiền muộn chợt xuất hiện trên mặt Tâm:
- Nếu “Tuyết Lương” là con gái của anh thì Joseph ạ, hẳn anh rất đau lòng khi nghĩ nó đang đứng về phía đối nghịch. Nhưng có lẽ cái đó giúp anh hiểu rõ thêm phần nào xứ sở bất hạnh của chúng tôi. Lúc này, chúng ta đang có chung một điều, là trong cuộc chiến tranh kinh hoàng này, cả hai chúng ta đều cùng có người ruột thịt của mình đang ở phía bên kia và đang đánh nhau với chúng ta.
Joseph nói trầm giọng:
- Tôi xin lỗi. Tôi chỉ nghĩ tới mình mà quên mất người em Trần Văn Kim của anh.
- Anh không nhất thiết phải xin lỗi. Họa hiếm lắm mới có một người Mỹ thấy mình đang ở trong hoàn cảnh giống như của anh, nhưng đối với người Việt chúng tôi thì chuyện xảy ra như vậy là bình thường.
Joseph trả lời đờ đẩn:
- Cách đây trăm năm, chúng tôi có một cuộc Nội Chiến Nam Bắc vì thế chúng tôi nghĩ mình có thể hiểu rất rõ tình cảnh anh em thù nghịch nhau, bắn giết nhau. Mấy chục năm nay anh có liên lạc gì với Kim không?
Tâm nhún vai và thêm lần nữa quay mặt:
- Một phần tử chóp bu trong Bộ Chính Trị tại Hà Nội thì liên lạc gì bây giờ với một phụ tá bộ trưởng nhỏ bé của “chính quyền ngụy” ở Sài Gòn?
- Nhưng cũng thường xảy ra nhiều trường hợp du kích Việt Cộng lẽn về nhà ăn Tết với gia đình dù họ ở bên kia chiến tuyến.
- Chuyện đó chỉ có thể xảy ra đối với cán bộ địa phương cấp thấp thôi. Còn đối với chú em của tôi, kẻ xem việc lãnh đạo cách mạng là quan trọng hơn mọi thứ trên đời, thì chẳng biết phải “cống hiến” thêm bao nhiêu nữa mới đủ. Vào ngày nó làm mất danh dự của thân phụ tôi, tôi đã thề không bao giờ nói chuyện với nó nữa. Nay cũng thế, cho tới khi nó gập đầu gối xuống trước bàn thờ cha tôi mà năn nỉ xin tha thứ.
Nói tới đây, Tâm cất tiếng cười cay đắng và buồn bã:
- Liệu anh có thể tưởng tượng rằng giờ đây, sau tất cả những xương máu đã đổ ra ngần ấy, Kim tới quì xuống trước mặt tôi ngay tại Sài Gòn này không? Mẹ tôi sống với trái tim tan nát và bằn bặt nín lặng trong rất nhiều năm cho tới khi bà qua đời. Kể từ ngày Kim sỉ nhục thậm tệ cha tôi và tất cả ông bà tổ tiên nội ngoại của chúng tôi cho ngày cuối cùng trong đời mẹ tôi, bà chẳng bao giờ còn biết hạnh phúc là gì.
Tâm lại nhún vai như một cử chỉ bất lực:
- Nhưng cho dù có quá nhiều cái chia rẽ chúng tôi, cho dù Kim là Cộng Sản, thì dù gì đi nữa, chú ấy vẫn là em ruột của tôi. Không ai có thể tự mình tự cắt ruột mình.
- Đúng. Và Tuyết, cho dù nó ở bất cứ nơi nào và đang làm điều gì đi nữa, nó vẫn là con gái của tôi.
Joseph nói như thế với giọng cam đành. Tiếp đó, cả hai lại ngồi im tránh nhìn nhau. Để nguôi lòng phiền muộn, Joseph sau cùng đề nghị cả hai đi dạo dưới trời đêm, qua những đường phố đô thành. Họ đi bên nhau nhưng mỗi người có một cõi riêng. Mỗi người bị vây kín với những ý nghĩ riêng tư. Và chầm chậm, trong vườn lòng khô héo của họ từ từ lại trỗi lên một tình cảm thiết thân nhau.
Chợt nghĩ tới một chuyện Joseph xao xuyến hỏi Tâm về đứa con trai của Lan nay ra thế nào. Người Việt Nam rầu rĩ lắc đầu nói với anh rằng cậu bé ấy tử trận chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp Trường Võ bị Đà Lạt. Tin này làm tâm trạng cả hai ủ ê thêm lên, và từ phút đó, họ không còn chuyện trò với nhau nữa.
Ngay giữa trung tâm thủ đô, nhiều tốp lính Thủy quân Lục chiến Mỹ ồn ào, mặc áo hoa hòe, chân đi lảo đảo, hết vào lại ra các quán rượu. Tại công viên Quách thị Trang trước mặt chợ Bến Thành, một số người tị nạn không nhà cửa đang nâng dân số Sài Gòn tăng thật nhanh lên tới khoảng ba triệu người, mệt mỏi ngả lưng nằm xuống ngủ thêm một đêm nữa trước hiên nhà ai đó hoặc trên vĩa hè.
Joseph và Tâm bất giác cất chân bước thật lẹ để bỏ lại sau lưng những cảnh tượng chỉ thúc ép tâm trí họ nghĩ tưởng tới những gì chiến tranh đang gây ra cho một Sài Gòn từng thanh tịnh hơn và phẩm cách hơn, thành phố được cả hai từng biết và rất yêu mến thuở niên thiếu. Khi tới công viên trước Nhà thờ Đức Bà, Joseph và Tâm bắt tay nhau, chúc nhau thêm một đêm an lành, rồi chia tay người đi mỗi hướng.
Joseph đi về phía biệt thự cung cấp cho mình ở đường Duy Tân, nhưng chỉ mới vài bước, anh tần ngần đứng lại. Dù tối nay thật ủ dột với Tâm, đau đớn về Tuyết và kinh hoàng trước những thay đổi của Sài Gòn hiện thời, nhưng vẫn có điều gì đó đầy quyến rũ được thành phố này cùng dân cư của nó lưu dưỡng cho anh, và lúc này điều đó vẫn tiềm ẩn lãng đãng trên các đường phố. Trong cái nóng nham nháp và ẩm ướt, Joseph chợt nhận ra mình vẫn cảm nhận có điều gì đó kỳ lạ, gần như thú vị. Đó là cảm giác xôn xao như một loại bồn chồn ray rứt đang làm ngòn ngọt cổ họng và kéo mọi giác quan anh căng ra, tới tận cùng ranh giới của hơi thở.
Sau khi đứng tần ngần một lúc, Joseph lại thấy mình cất chân đi về phía đường Catinat, hiện nay vẫn bám víu một cách không chính thức vào cái tên Pháp nguyên thủy của nó hơn là đại lộ “Tự Do”. Cố tình băng qua bên kia đường để tránh chỗ vĩa hè ngay trước sân thềâm khách sạn Continental, anh rảo bước tới Công trường Lam Sơn.
Dưới chân tượng đài do Nguyễn Văn Thiệu lập nên, bên trên đặt tượng hai người lính Thủy quân Lục chiến Việt Nam khổng lồ, sần sùi và đen đủi, xung phong chĩa súng thẳng vào Tòa nhà Quốc hội, đang tụ tập sẵn một đám người nhàn tãn. Khi tới gần hơn, Joseph thấy đèn quay phim vô tuyến truyền hình rọi sáng chói lọi trên đầu những kẻ đứng xem. Một trong các nhiệm vụ Joseph sắp phải đãm trách tại JUSPAO là điều hợp cuộc họp báo hàng ngày trong một hội trường có máy lạnh ở đường Nguyễn Huệ. Thường lệ vào lúc xế chiều, tại đó có buổi thuyết trình tóm tắt tình hình chiến sự trong ngày, với sự tham dự của đội ngũ ký giả Mỹ và đám phóng viên nước ngoài càng ngày càng đua nhau đa nghi. Họ gọi một cách bêu riếu các buổi họp báo đó là “Hành động ngu xuẫn lúc năm giờ”. Và một trong các công tác chủ yếu của Joseph là tìm cách gia tăng tính thuyết phục cho diễn tiến đó.
Phát xuất từ tính hiếu kỳ nghề nghiệp và hy vọng sẽ thấy thông tín viên của một mạng lưới quan trọng nào đó thuộc hệ thống truyền hình Mỹ, Joseph bước tới gần hơn để tìm hiểu kẻ ấy phát biểu ra sao. Nhưng anh sửng sốt khi nghe giọng nữ đang nói lời tường thuật trước ống kính lại thuộc loại bị một số người Mỹ giễu là “Anh ngữ quí tộc Luân Đôn”.
Vươn cổ nhìn qua đầu những người Việt Nam đang túm tụm ngó, Joseph thấy trong ánh sáng đèn chiếu nóng rực, một thiếu nữ dong dỏng cao. Cô ta đứng nổi bật với đôi bốt-đờ-sô, loại giày trận của lính, và bộ đồ đi săn bốn túi nhăn nhúm, bằng vải màu nhạt. Tất cả gợi cho thấy nàng và toán truyền hình vừa trải qua mấy ngày ngoài mặt trận để quay phim chiến sự.
Đằng sau máy thu hình, chuyên viên thu thanh đưa lên cao cho nàng nhìn rõ xấp bảng nhỏ ghi thời lượng và các tiêu đề vắn tắt. Joseph đoán người nữ phóng viên đang thu hình ảnh và lời đúc kết cho một cuốn phim vừa quay xong ở các khu vực giao tranh. Trong khi anh lắng tai nghe, một đôi lần nàng đọc trật chữ vì quá mệt và phải lặp lại lời bình luận. Nhưng nhịp điệu và cung giọng cho thấy nàng sắp chấm dứt. Joseph bước tới gần hơn khi nàng ngừng một chút cho chuyên viên quay phim thu nhỏ dần hình ảnh để kết thúc.
Người nữ phóng viên nói, giọng cố ý chậm lại:
- Lần thứ nhất tôi tường thuật cuộc chiến tranh này là vào năm năm trước đây, lúc đó mới chỉ có vài ngàn cố vấn Mỹ can dự. Hiện nay, có tới hơn nửa triệu người Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Dù các phát ngôn viên chính thức của Hoa Kỳ liên tục nói với chúng tôi rằng “hết thảy mọi thẩm định bằng số lượng” đều cho thấy Cộng Sản đang bị đánh bại, thế nhưng chiến thắng vẫn như làn khói lọt qua kẽ tay, lãng tránh và khó nắm bắt.
Nàng dừng lại một chút để làm nổi bật lời kết luận ấy, rồi nói thêm theo thông lệ:
- Đây là Naomi Boyce-Lewis, tường thuật từ Sài Gòn.
Joseph đăm đăm nhìn bộ mặt sáng rỡ và chói lọi của người nữ phóng viên Anh khi chuyên viên thu hình giữ ống kính cố định một chỗ để lấy thêm vài đoạn phim cuối cho các chuyên viên ráp nối ở Luân Đôn. Trong vài giây ấy, anh cố lục lọi trí óc mình nhưng không thể nhớ ra cái họ nghe có vẻ quen thuộc ấy. Kế đó, đúng khoảnh khắc máy thu hình ngừng quay và đèn đóm tắt lịm, trí nhớ của Joseph bỗng loé sáng. Đám đông người Việt vừa im lặng đứng quan sát cuộc thu hình nay miễn cưỡng tản đi. Và ngay lúc ấy, Joseph lách vào, bước tới chân tượng đài nơi nàng đang lúi húi giúp các nhân viên trong toán thu dọn máy móc.
Joseph nói, giọng thật thấp:
- Lời đúc kết của cô vào điểm cao nhất của phim khiến ai cũng phải lắng nghe, cô Boyce-Lewis ạ. Không biết cô có chút liên hệ nào với Ngài Đại tá Harold Boyce-Lewis từng ở đây với Quân đội Anh hồi cuối Thế Chiến Hai không?
Nghe tiếng nói của Joseph, Naomi quay lại, giật mình nhìn lên:
- Có phải ông có ý nói tới thân phụ tôi...
Người Mỹ cười thật tươi, chìa bàn tay:
- Hẳn đúng như vậy. Tôi là Joseph Sherman. Thưa, Ngài Harold có mạnh khoẻ không ạ?
- Cha tôi bị hạ sát ở đây hồi năm 1945, ông Sherman ạ.
Naomi trả lời với giọng nhỏ nhẹ rồi khi nhìn Joseph chăm chú hơn, mắt nàng chợt sáng lên vẻ quan tâm:
- Nhưng nếu ông biết rõ về cha tôi thì thật thú vị cho tôi được trò chuyện với ông vào một lúc nào đó.
|
|
|