Mười phút sau khi cuộc oanh tạc chấm dứt, chiếc Tatra dừng lại trước một bức tường cao, nơi cổng lớn được canh gác cẩn mật, chờ kiểm tra. Xong, xe chạy vào một sân rộng nền bằng bê-tông, nằm khuất sau một toà nhà tuy xây chưa được bao lâu nhưng không mang vẻ hiện đại, với những đường nét khắc khổ chịu ảnh hưởng lối kiến trúc ảm đạm thời Staline hồi thập niên 1940.
Nơi băng ghế sau trong lòng xe, Mark Sherman đã hoàn toàn hồi tỉnh. Chính giữa trán anh, nơi bị cục gạch vỡ bắn trúng, đỏ rần và u lên một cục. Nhưng anh vẫn ngồi củ rủ trong lòng ghế như trước đó, mặt đờ đẩn chẳng một chút cảm xúc. Mark thụ động để mặc công an áp tải đẩy xuống xe, dẫn qua mấy đợt cầu thang rồi xuống một tầng hầm rất sâu. Tiếp đó, qua các hành lang với hết trạm kiểm soát này tới trạm kiểm soát khác được bố trí cách quãng nhau làm thành một dãy canh phòng chặt chẽ với các toán bộ đội chính qui thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam võ trang bằng súng tiểu liên xung phong AK-47. Họ nhìn Mark với tia mắt cảnh giác và thù nghịch trong khi sĩ quan của mỗi trạm cẩn thận kiểm tra giấy tờ và lệnh công tác của Trần Văn Kim.
Dưới ánh điện vàng võ, chân đeo xích sắt lỏng khỏng và mang đôi dép râu làm bằng vỏ ô-tô cũ dùng quanh năm trong nhà tù, Mark lóng ngóng vụng về lết dọc các hành lang dài như vô tận. Cứ mỗi lần đầu gối Mark sắp khuỵu, hai công an áp tải lại thọc mũi súng vào be sườn anh, thúc thẳng bước và lẹ lên. Trước một cửa lớn không ghi tên ban ngành công tác, không gắn phù hiệu cơ quan nhưng mỗi bên có tới bốn lính gác, người ta ra lệnh cho Mark đứng lại.
Kim gõ lên cửa hai tiếng sắc và rõ rồi một mình đi vào. Mark đứng chờ trong tia mắt gườm gườm đầy căm hận của tám lính gác, như thể họ phải dằn mình lắm mới không nhảy xổ vào rạch da cắt thịt anh ngay tại chỗ. Mark ngược lại không chú ý tới họ. Anh vẫn đứng, đầu cúi xuốngï, hai cổ tay bị còng buông ơ hờ trước thân mình. Thậm chí sau khi được lính gác dẫn vào bên trong và cửa đóng lại đằng sau, Mark cũng không ngước mặt. Anh vẫn chúi đầu tiếp tục nhìn trống rỗng xuống sàn xi-măng.
Trong hầm nhà, đằng cuối phòng, có hình dáng một người Việt Nam lớn tuổi, da nhăn nheo. Ông ngồi nghiêng đầu, một tay cầm điếu thuốc lá cháy dở, một tay viết nắn nót trên một tờ giấy có kẽ ô, giữa các xấp hồ sơ nằm rải rác, vô trật tự trên mặt chiếc bàn dài lớn và bóng loáng, loại dùng cho nhiều người họp chung. Không khí trong căn hầm với những chai bia màu xanh cao cổ và những chiếc ly cạn tới đáy, chưa được dọn dẹp, cùng mấy chiếc ghế có lót nệm mút nằm không ngay ngắn như tỏ cho thấy vừa kết thúc một cuộc họp cấp bộ lãnh đạo chóp đỉnh. Trên vách đằng sau ông lão, treo bức chân dung đen trắng của Lênin nghiêm nghị nhìn xuống căn phòng với đôi mắt bừng bừng nhiệt tình cách mạng và chòm râu vểnh ra đầy khiêu khích dưới cái miệng vuông vắn, cương nghị.
- Đi!
Một lính gác thúc mũi súng tiểu liên đẩy Mark Sherman bước tới trước, và ra lệnh cho anh đứng lại cách bàn họp mấy bước. Suốt một phút ông lão tiếp tục viết, không nhìn lên. Sau cùng, ông đặt bút xuống. Rồi với vẻ hiền từ, ông chầm chậm vẫy tay ra hiệu cho lính gác đứng tránh qua một bên.
Lúc ấy, lần đầu tiên Mark nhướng mắt nhưng không tỏ dấu hiệu nào cho biết anh đã nhận ra vẻ mặt vàng vỏ héo hon với bộ râu lưa thưa đó là của một người mà danh tính đã trở thành một vật thể biểu tượng và gây hứng khởi trên khắp thế giới cho những kẻ thích trở thành người cách mạng, còn hơn bức chân dung của Lênin trên bức vách đằng sau ông ta.
Trái ngược với vẻ mặt oai vệ của Lênin trên bức hình, nhà lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam cao niên này trông có vẻ mỏng mảnh và tầm thường. Da ông ràn rạn như một tờ giấy thời cổ làm bằng da thuộc. Lồng ngực dẹp lép khiến chiếc áo bốn túi làm bằng vải bông rộng thùng thình, trông như chiếc áo bù nhìn giữ ruộng, máng lỏng khỏng trên đôi vai xương xẩu. Chỉ có hai con mắt dường như vẫn lưu giữ mọi tia lửa của sự sống. Đôi mắt ấy sáng quắc và hàm chứa một quyế tâm sắc bén và quyền biến khác thường. Chúng dường như hút hết mọi ánh sáng và năng lượng của căn phòng vào trong những tia nhìn không chút dao động. Đặïc biệt, khi nhìn sâu vào đôi mắt ấy, người ta không đoán được cái gì đang đọng lại trong đáy tâm tư ông. Lúc đôi môi của ông lão hé mở, bộ mặt có vẻ dửng dưng ấy đột nhiên biến đổi hẳn nhờ nụ cười chan chứa thân tình và ấm áp.
Đằng sau khói thuốc lá quyện thành vòng, ông lão tiếp tục mỉm cười. Rồi với ngón tay gầy guộc, ông gõ nhè nhẹ vào một tờ giấy khác trên bàn và nói bằng tiếng Anh. Giọng ông rõ ràng, tự tin:
- Trung úy Sherman ạ, thân phụ của anh có viết cho tôi một bức thư. Anh ngồi xuống nhé.
Lính gác thận trọng nhấc mũi súng và bước lên trước khi người Mỹ lê tới chiếc ghế ông lão chỉ. Nhưng thêm lần nữa, ông nhẹ nhàng vẫy tay ra hiệu cho lính gác lùi lại một hai bước.
Tiếp tục mỉm cười, Hồ Chí Minh đẩy một bức hình nhỏ màu nâu đen qua mặt bàn bóng loáng:
- Kèm với bức thư thăm hỏi, cha của anh còn gởi bức hình đã chụp chung với chúng tôi. Lúc chụp hình này, tuổi của ông ấy không lớn hơn anh bây giờ bao nhiêu. Anh biết không, thuở đó chúng tôi là bạn thân của nhau. Tôi vẫn nhớ mãi khuôn mặt đáng mến của ông ấy, và lúc này tôi có thể thấy là hai cha con anh rất giống nhau.
Đang đứng lặng yên một bên ghế của Hồ chủ tịch, Trần Văn Kim bước vòng ra đằng sau ông, nhìn xuống bức ảnh và xem xét nét mặt người thanh niên Mỹ trong ảnh. Trong bức ảnh, Hồ Chí Minh lúc năm mươi lăm tuổi, đang cười thoải mái với một nhóm nhân viên OSS giữa một bãi đất trống trong rừng vào tháng Tám năm 1945. Những người Mỹ trong ảnh đội mũ lưỡi trai mềm, mặc quần cụt, chân mang ủng đi rừng, và Joseph Sherman đứng cười tươi tắn sát bên vai trái của Hồ Chí Minh.
Hồ chủ tịch thở ra nhè nhẹ và nói:
- Những ngày ấy đối với chúng tôi thật đáng ghi nhớ. Tôi giúp cho cha anh trở về đơn vị sau khi ông bị quân Nhật bắn rơi, rồi sự hỗ trợ mà ông đáp tạ chúng tôi cũng thật vô giá. Nhưng buồn thay và đáng tiếc thay, sự hợp tác mật thiết ngần ấy giữa hai xứ sở chúng ta lại chẳng kéo dài được bao lâu!
Mark Sherman nhìn chằm chặp bức hình của cha mình rồi đăm đăm ngó Hồ Chí Minh. Giữa các tù binh Mỹ gan góc, tên của nhà lãnh tụ Miền Bắc này bị họ nhắc tới khi nói với nhau và cố tình đọc trại đi ngay trước mặt những kẻ hành hạ mình, là “Horse Shit Man: Lão Cứt Ngựa”, hiểu theo tiếng lóng là “Gã ba xạo”; và vì sự xỏ xiên, nhục mạ cố ý đó, lần nào họ cũng bị trừng trị thê thảm. Nhưng đối với họ, việc chỉ gọi tên Hồ Chí Minh theo cách đó trở thành một vấn đề danh dự. Và lúc này, trên mặt Mark thoáng gợn nét bực bội, môi anh mấp máy một hai lần như thể sắp gọi như thế, nhưng rồi nét mặt anh thêm lần nữa rũ xuống, trở về vẻ trống rỗng quen thuộc.
Trong vài giây con mắt lấp lánh của Hồ Chí Minh chằm chặp dò xét Mark rồi môi lại nở nụ cười ấm áp. Đưa tay khui một trong mấy chai bia Trung Quốc để sát bên cạnh, ông rót, bọt bia sủi ngập vành ly. Ông đẩy ly bia sóng sánh màu hổ phách tới trước mặt Mark rồi rót một ly khác cho mình.
- Thật là một thảm kịch lịch sử khi nước Mỹ rút lại bàn tay hữu nghị đã được hoan hỉ đưa ra năm 1945. Thay vào đó, lúc này, nước Mỹ chỉ ấn vào tay chúng tôi thanh gươm thách đấu. Thế thì trung úy ạ, chúng ta nên uống mừng cho sự khôn ngoan của xứ sở anh trong quá khứ — chứ không cho sự điên rồ của nó trong hiện tại. Tôi hy vọng có thể một ngày nào đó, các nhà lãnh đạo xứ sở anh sẽ khôn ngoan trở lại.
Hồ Chí Minh đưa bàn tay xương xẩu lên, ra hiệu mời người Mỹ uống. Nhưng Mark trơ mắt ngó lại ông, không sờ tới ly bia trên bàn.
Ông lão uống ừng ực ly bia của mình, nghe rồn rột, rồi chỉ vào cục u trên trán Mark:
- Tối nay, anh thấy đó, chuyện thật trớ trêu, phải không? Bom của đồng đội của anh suýt giết anh chết trên đường tới đây. Còn tôi chỉ muốn gặp anh cho thỏa tình nghĩa của tôi đối với một chiến hữu cố cựu và cốt để cảm thấy yên tâm về sự an toàn của anh.
Sau lưng ghế của Hồ Chí Minh, Trần Văn Kim kín đáo đưa tay ra hiệu về phía người lính gác thứ hai đứng tận đầu phòng đằng kia. Anh ta quay mình và lặng lẽ bước ra ngoài. Hồ Chí Minh lại mỉm cười với Mark nhưng lần này mặt ông lộ vẻ cứng rắn và không một chút nhượng bộ:
- Anh đã có hai năm nghiền ngẫm về sự điên rồ trong các hành động của xứ sở anh, phải không? Cho tới lúc này, anh đã được học tập đầy đủ về chúng tôi để biết rất rõ rằng chúng tôi có chính nghĩa. Nói cho cùng, chúng tôi chiến đấu đã ngàn năm cho nền độc lập của mình. Và chúng tôi phải làm cho các anh tin rằng ngày nào chưa chiến thắng, ngày đó chúng tôi còn chiến đấu.
Trong một chốc Hồ Chí Minh ngừng nói, đưa mắt chiêu dụ nhìn vào bộ mặt của Mark:
- Chính tại quê nhà anh, có những đồng bào của anh đã càng ngày càng nhận thức rõ rệt rằng Hoa Kỳ phải từ bỏ cuộc chiến tranh xâm lược kiểu thực dân mới của nó. Từ khi anh nằm trong nhà tù của chúng tôi tới nay, đồng bào của anh đã nhận ra rằng rốt cuộc, chắc chắn nhân dân Việt Nam sẽ hoàn toàn chiến thắng. Anh có thể tiếp tay thúc đẩy cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn và hạn chế những đau khổ của bản thân anh và của những người như anh nếu anh công khai tố cáo sự điên rồ của xứ sở anh.
Phản ứng duy nhất của Mark là ngồi khòm người xuống thấp hơn trong lòng ghế. Nhưng ngay lúc đó, sự yên lặng ấy bị phá vỡ bởi tiếng cánh cửa sau lưng anh mở ra và tiếng chân dép của người lính gác thứ hai đang bước thật lẹ về phía họ. Khi tới mép bàn, anh ta đặt một túi vải nhỏ xuống ngay chính giữa vũng ánh đèn.
Trần Văn Kim bước tới, mở túi, dốc hết đồ vật bên trong ra và thận trọng bày ngay ngắn lên mặt bàn. Khi Kim rút tay về, mọi người thấy một bức thư chưa dán trong một bì thư chưa đề địa chỉ nằm kề mấy tờ giấy bạc nhàu nát, một khăn tay và một cái chân thú nhỏ xíu, phủ lông mượt mà, móc vào một sợi dây chuyền mỏng mảnh và đẹp, bằng vàng.
Kim nói thấp giọng:
- Thưa Bác, đây là những món đồ trong người thằng trung úy Sherman mà ta soát thấy khi nó bị bắt.
Chúi mình tới trước, Hồ Chí Minh cầm lá thư, chòm râu dài và bạc quét lên mặt bàn. Ông mở thư ra đọc. Xong ông nhìn thẳng vào mặt Mark:
- Vì lý do nhân đạo và để đáp ứng lời thỉnh cầu của cha anh về anh, lúc này chúng tôi sẽ cho phép gởi đi lá thư đã được anh viết cho mẹ trước khi cất cánh chuyến cuối cùng. Ít ra việc này cũng cung cấp bằng chứng cho gia đình anh biết rằng anh vẫn sống rất an lành. Tôi tin anh sẽ hoan hỉ thấy rằng đây là một nhượng bộ phát xuất từ sự tôn trọng những công tác mà thuở trước cha anh đã làm cho chúng tôi.
Hồ Chí Minh gõ nhè nhẹ lên bì thư để làm nổi bật lời nói của mình nhưng Mark chẳng nghe thấy gì nữa. Ánh mắt anh lúc này không còn vẻ đờ đẩn như trước. Hai con mắt nhìn hau háu vào số đồ vật ít ỏi trên bàn. Cảm giác được thái độ biến đổi của Mark, Trần Văn Kim ra hiệu cho lính gác bước lên. Nhưng khi anh ta chưa tới sát bên Mark, người Mỹ đã đột nhiên phóng mình lên khỏi ghế.
Hai bàn tay bị còng của Mark vươn như điên trên mặt bàn cho tới khi với tới món đồ nhỏ bé đầy lông. Chưa kịp kéo nó về phía mình anh đã bị lính gác lẹ làng mở khuy bao da súng lục, rút súng ra, trở ngược báng súng nện xuống mấy đốt ngón tay của anh. Cùng với cử động đó, từ đằng sau, anh ta cung tay kẹp chặt cổ Mark. Nhưng dù bị nghẹt thở, ú ớ, hai mắt lồi lên trắng dã dưới sức ép của thế khóa, người Mỹ vẫn không buông chiếc bùa ra.
- Vật gì thế?
Lớp giấy da thuộc trên mặt ông lão nhăn lại thắc mắc khi ông nóng nảy hỏi Kim bằng tiếng Việt. Kim trả lời:
- Thưa Bác, cháu nghĩ đó là cái chân thỏ. Theo biên bản thẩm vấn, thằng trung úy Sherman sau cùng đã thừa nhận rằng nó lúc nào cũng đeo cái chân đó trong người, suốt các phi vụ, từ khi cất cánh cho tới khi hạ cánh. Ở bên tây, người ta tin rằng những vật như thế mang lại may mắn cho họ.
Nghe vậy, gã lính gác đột ngột vung cánh tay còn lại chụp bàn tay Mark, cạy bật các ngón tay của anh ra rồi vặn ngược bàn tay anh lại, vồ lấy chiếc chân thỏ. Nhếch mép cười thắng lợi, anh ta ném chân thỏ lên mặt bàn. Nhưng dù hai tay bị còng chặt, Mark vẫn quẩy lộn như điên, vùng được người ra. Thêm lần nữa anh lao mình lên mặt bàn, cố sức chụp lại chiếc chân thỏ. Nhưng người lính gác thứ hai đang đứng nơi cửa phòng lật đật chạy tới, nhảy lên người Mark. Phải lựa thế lắm hai bộ đội người Việt mới vật được người Mỹ xuống sàn nhà, vừa khóa anh nằm không cục cựa vừa thở hổn hển.
Trong một lúc Hồ chủ tịch đứng lặng yên quan sát, mắt lim dim nhìn xuống cả ba con người ta nằm yên quấn lấy nhau như trong một sới vật. Kế đó ông quay sang Kim:
- Tình hình cải tạo của trung úy Sherman như thế nào?
Kim nghiêng mình ghé sát tai ông:
- Thưa Bác, nó là thằng ngoan cố nhất trong tất cả những thằng Mỹ ta bắt được. Suốt chín tháng nay, nó có thể chống lại hết thảy các kỹ thuật thuyết phục của ta. Từ lúc bị ta bắt tới nay, nó bị biệt giam liên tục. Suốt ba tháng vừa qua, kể từ lúc Bác nhận được thư của cha nó, ta phải đưa nó vào chế độ canh giữ sát nút hăm bốn trên hăm bốn giờ để đề phòng nó tự sát.
- Và chính xác, chú Kim này, chú dự tính xử lý nó ra sao? Cho tới lúc này chú chỉ mới nói với bác là chú nghĩ ta có thể sử dụng nó như một công cụ đặc biệt.
- Cháu nghĩ, có lẽ cách khôn ngoan là ta ban phát lòng nhân đạo có kèm theo mục đích tuyên truyền.
Dưới sàn nhà, Mark vẫn gào la khản giọng trong thế kẹp cứng của hai lính gác rành võ thuật. Ngừng một chút Kim nói tiếp, vẫn nhỏ nhẹ:
- Thưa Bác, vào đúng lúc, thế thôi. Sáu tháng nữa chúng ta có thể thả hắn ra — nhưng trong khoảng thời gian từ đây tới đó, Bác cho phép cháu được tự mình giám sát cách riêng việc giam giữ nó. Cháu đã nghiên cứu tỉ mỉ trường hợp của nó. Cháu tin rằng nếu ta xử lý nó đúng cách, nó sẽ cho thấy nó là vốn liếng cực quí cho những người Mỹ đang vận động chấm dứt chiến tranh.
Ông lão Việt Nam gật đầu và thở phào:
- Đồâng chí Kim ạ, chú nổi tiếng thiên tài trong vấn đề này nên bác không tranh luận với chú. Cứ theo ý chú mà làm y như thế.
Kim mỉm cười biết ơn rồi ra hiệu hai lính gác lôi Mark đứng lên. Thêm lần nữa anh nghiêng mình sát vai ông lão, thì thầm vào tai ông. Hồ chủ tịch gật đầu, quay lại bàn cầm chiếc chân thỏ lên. Trong vài giây ông chiếu cặp mắt sắc sảo của mình vào bộ mặt của Mark đang nghiến chặt răng. Rồi tay ông uốn nắn kiểm tra chiếc chân thỏ hai ba lần trước khi gật đầu ra hiệu cho lính gác buông Mark ra. Khi cả ba lùi lại, mắt ông lão không còn bừng bừng mà miệng tủm tỉm cười. Ông cầm chiếc bùa, dịu dàng đưa về phía người Mỹ.
Đăm đăm nhìn Hồ Chí Minh một hồi lâu, mặt Mark căng thẳng phân vân, rồi anh ngập ngừng bước tới. Sau khi đưa mắt nghi kỵ nhìn bộ mặt nhăn nheo ấy lần cuối, Mark giậït lẹ chiếc chân thỏ và ấp chặt nó giữa hai bàn tay bị còng. Ông lão tiếp tục mỉm cười với Mark thêm vài ba giây, như một người bác thân yêu ngắm nghía đứa cháu ruột rất thương mến của mình. Rồi nụ cười ấy đột ngột tắt ngúm và Hồ Chí Minh đưa tay khoát lui ra. Xong ông về lại ghế, lập tức vùi đầu bận rộn với đống hồ sơ giấy tờ như thể lúc này, trong phòng chỉ có một mình ông.
Trên đường giải tới xà lim mới dành đặc biệt cho mình tại Hỏa Lò, trung tâm giam giữ phạm nhân của Sở Liêm Phóng thời Pháp thuộc ngay giữa thủ đô Hà Nội, bàn tay túm chặt chân thỏ của Mark cứ co giật liên tục trong bóng tối nơi băng ghế sau của chiếc Tatra. Mặt của Mark khi dãn ra khi rúm lại theo cử động các ngón tay hết bóp lại nới của mình. Đôi khi anh đâm chiếc chân thỏ vào cườm tay, mạnh tới độ mấy vuốt thỏ nhỏ bé cào anh rướm máu.
Cuối cùng, khi bị bỏ lại một mình trong bóng tối đen như mực của xà lim biệt giam dùng để trừng trị tù nhân phạm kỷ luật, Mark ngồi xổm trên sàn xi-măng. Chúi đầu kẹp giữa hai đầu gối, anh thu mình lại như thai nhi nằm trong bụng mẹ. Miệng anh mút mủi chân thỏ phủ đầy lông như thể đó là một núm vú giả cho trẻ con ngậm.
Không để ý tới lũ chuột đang chạy ríu rít, được giám thị cố ý thả vào qua một lỗ nhỏ dưới sàn, Mark ngồi nhún nhún người, chúi tới ngửa lui như thế trong một hồi lâu. Anh thì thầm rên rĩ với chính mình, cho tới sau cùng, anh buông mình ngã xuống trong giấc ngủ mê mệt.
|
|
|