Trong hầm trú ẩn nhớp nháp và ẩm thấp của mình tại căn cứ hỏa lực Birmingham, đại úy Gary Sherman ngồi dậy và dụi mắt. Bên ngoài, bóng chiều phủ khắp vùng đồng bằng ven biển Quảng Ngãi, một nơi cách Sài Gòn khoảng sáu trăm cây số. Anh vừa ngủ được nửa giờ nhưng mặt vẫn còn vẻ hốc hác phờ phạc.
Chỉ mới ba giờ trước đây, Gary dẫn đại đội Hai với quân số hao hụt trở về căn cứ sau chuyến “lùng và diệt địch” lần thứ ba trong tuần. Với cũng chỉ một mục đích càn quét các thôn ấp nghèo nàn nằm rải rác khắp vùng duyên hải thấp trủng và nhiều đầm lầy của tỉnh Quảng Ngãi, cuộc hành quân không thu lượm được kết quả nào. Diễn tiến từ đầu tới cuối của nó như thông lệ: toàn thể đại đội trải qua hai đêm sục sạo và ăn ngủ giữa trời mà không một lần chạm trán Việt Cộng, ngược lại còn bị mất thêm sáu binh sĩ vì dẫm trúng mìn bẫy của đối phương.
Tới cuối cuộc hành quân, những binh lính sống sót mệt lã mừng vì thoát nạn và buồn bã đưa mắt nhìn các đồng đội thương vong được máy bay trực thăng tải đi. Gary hiểu rằng có một số lính quân dịch non nớt và rụt rè đang được anh ra sức huấn luyện để trở thành những binh sĩ chiến đấu hữu hiệu, hẳn sẽ cảm thấy nhẹ nhỏm nếu bản thân họ được thay vào chỗ các thương binh ấy với một thương tật nào đó nhẹ nhàng ở chân.
Trong số sáu binh sĩ tử thương vì mảnh mìn văng trúng, có hai người chỉ bị nhẹ, một mất bàn chân và một bay trụi các ngón tay phải, ngoài ra có tới ba người chết tại chỗ. Đạp trúng mìn thì kết quả bao giờ cũng y như nhau: thân thể của cả ba nạn nhân vỡ nát không còn hình thù. Những đồng đội còn lại choáng váng nín lặng, mắt đờ đẩn nhìn theo chiếc trực thăng chở ba thi thể bọc trong tấm poncho đi mưa của chính chủ nhân của nó vừa tử trận.
Đây là lần thứ ba trong tuần đại đội Hai bị sa bãi mìn. Tổng cộng tổn thất khoảng ba mươi người trong đó bảy chết tại chỗ, nhiều người bị thương nặng, cụt tay què chân hoặc mất bộ phận cơ thể khiến phải thương tật hay tàn phế suốt đời. Cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân vừa qua làm lực lượng Cộng Sản trả giá đắt khủng khiếp, vì thế, lúc này mọi vùng quê Nam Việt Nam đều trở thành vùng đất cạm bẫy cùng một kiểu như nhau. Những con đường khúc khuỷu dẫn vào chốn đồi núi hoặc lộng gió chạy xuyên qua các xóm làng vùng ven biển giờ đây bị đối phương gài mìn bẫy dày đặc hơn trước, khiến mức độ thương vong của liên quân đồng minh cao hơn bình thường.
Dù hình ảnh chiến trận trên đường phố tại các thành thị lớn của Miền Nam làm công chúng Hoa Kỳ choáng váng cực độ, con số tổn thất của bộ đội Việt Cộng và cán binh Bắc Việt, tính cho tới lúc rút ra, lên tới ba chục ngàn người thương vong. Trong số đó có mười lăm ngàn tử trận, đối chiếu với con số tổn thất của binh sĩ Mỹ và Nam Việt Nam chỉ có khoảng mười ngàn người thương vong trong đó số tử trận về phía Mỹ là ba trăm sáu mươi bảy, phía VNCH là bảy trăm. Cơ sở nằm vùng của Việt Cộng tại Huế và miền trung gần như bị phá vỡ toàn bộ. Cán bộ chính trị hiếm hoi sót lại không dám ra mặt vận động quần chúng vì sợ gặp phản ứng ngược. Nhất là sau khi người ta khai quật nhiều hầm chôn tập thể trong thành phố Huế và các địa điểm phụ cận tại Phú Vang và vùng xa như Nam Đông với tổng số nạn nhân được phát hiện lên tới khoảng ba ngàn người. Hậu quả về quân sự là ngay sau khi chấm dứt cuộc tổng công kích, các đơn vị Cộng Sản kiệt quệ phải quay về lối đánh du kích quen thuộc cũ. Họ tiếp tục chiến thuật lẩn tránh và nghi binh trong vùng rừng rú và đồi núi. Thỉnh thoảng họ huy động quân số và hỏa lực ít nhất cũng hơn gấp ba để tấn công một đồn trọng điểm của VNCH nhưng cơ may thành công vẫn rất mong manh. Như vậy, phía quân đội VNCH, Mỹ và đồng minh lại phải quay về phương pháp “lùng và diệt” như cũ.
Nôn nóng khai thác thế thượng phong ấy, các chỉ huy trưởng quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam khắc nghiệt thúc binh sĩ dưới quyền đuổi theo đối phương. Và vì lý do đó, Gary đã nhiều lần bị từ chối lời anh đề nghị cho đại đội đang sa sút tinh thần của mình được rút khỏi những công tác tích cực.
Tướng Westmoreland, tư lệnh quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam, yêu cầu Hoa Kỳ gởi thêm một số lượng lớn binh sĩ sang để tiếp tay đẩy mạnh chiến dịch truy kích quyết liệt và mới mẻ này. Nhưng cuộc Tổng Công Kích Mùa Xuân đã đẩy phong trào phản chiến mạnh mẽ ở Mỹ lên tới cực điểm và Tổng Thống Jonhson từ chối lời yêu cầu đó. Những tường thuật của các phóng viên quốc tế “xông xáo” và hình ảnh “sống động” trên vô tuyến truyền hình không phản ánh trung thực thành quả chiến thắng của liên quân Mỹ-Việt, tinh thần dũng cảm và khả năng chiến đấu hữu hiệu của lính Cộng hòa, sự thiệt hại đến cùng kiệt của Cộng Sản cũng như tâm trạng chán ghét cực độ MTGPMN của dân chúng Miền Nam. Ngược lai, dư luận thế giới ngày càng hoài nghi các bản báo cáo lạc quan về tình hình chiến sự của tướng Westmoreland. Hậu quả là, ngay cả đại đội Hai của Gary cũng không nhận được quân số điền khuyết đúng mức những binh sĩ thương vong.
Sau khi thức giấc, Gary nằm bất động vài phút trên chiếc nệm hơi, kê trên giường ván, mệt mỏi ngẫm nghĩ về tình trạng gay go của mình. Anh thấy có vẻ như không thể nào chấm dứt được tình trạng suy sụp kinh khủng của binh sĩ thuộc quyền và anh không biết làm thế nào nâng cao tinh thần họ nhằm chuẩn bị cho cuộc hành quân sắp tới.
Chiều nay, ngay lúc vừa trở về căn cứ, Gary hầu như không tin nổi hai tai mình khi nghe đại tá chỉ huy trưởng bốn đại đội Lực lượng Đặc nhiệm tại căn cứ hoả lực Birmingham tuyên bố rằng đại đội Hai của anh được giao nhiệm vụ chận đường rút lui của đối phương trong cuộc đổ bộ sáng mai của toàn bộ lực lượng vào làng Quảng Tơ. Tin tình báo đáng tin cậy cho biết tại đó hiện có mặt một thành phần đông đảo của Tiểu đoàn Cơ động 42 Việt Cộng.
Đầu tóc cụt ngủn và nụ cười tự mãn, đại tá chỉ huy trưởng trình bày với các sĩ quan:
- Tụi chó đẻ đó đang núp trong mấy ngôi nhà gạch và các địa đạo bên dưới. Tôi nghĩ rằng hết thảy các bạn đều cần một cú để lên tinh thần — chúng ta đã trải qua quá nhiều tuần lễ nản chí vì chẳng có cái đếch gì cho mình đánh đấm. Vậy lúc này, các bạn có thể nói với binh lính dưới quyền của các bạn rằng ngày mai, ta sẽ cho họ cơ hội thật sự bắn thủng đít bọn vi-xi.
Nhìn đồng hồ thấy còn ba mươi phút nữa mới tới giờ thuyết trình hành quân, Gary miễn cưỡng lê người đứng lên và bắt đầu rửa ráy. Vừa dấp nước trong chiếc ca cầm tay lên bộ mặt ngái ngủ, hai lỗ tai của Gary bỗng bị ngứa ngáy bởi tiếng cười rậm rật nham nhở từ bên ngoài vọng vào. Anh dừng tay, bước ra ngoài cửa hầm.
Hai tân binh quân dịch trong đại đội Hai, nguyên là hai công nhân ngành thép ở tiểu bang Indiana, đang từ hướng “căn cứ bum-bum” đi loạng choạng về phía hầm trú đóng của đơn vị. “Căn cứ bum-bum” là một dãy mấy hàng quán xiêu vẹo dựng sát Quốc lộ Một, nơi các Miss Chu Lai nhà quê lấy thể xác mình làm sinh kế nuôi thân dưới mắt nhìn láo liên của một Madame Điện Biên Phủ. Thông thường, các tân binh quân dịch từ Mỹ mới qua, mắt ba chớp ba nháng, không phân biệt nổi tuổi tác của các nữ chiêu đãi viên người Việt. Trong quán rượu, nghe gọi Madame Điện Biên Phủ họ biết ngay phụ nữ ấy đứng tuổi, còn Miss Chu Lai tức là thiếu nữ còn nhỏ tuổi. Cả hai vừa chuyền nhau hút chung điếu cần sa vừa khoác vai nhau đi ngúc ngắc, nghiêng ngả. Một trong hai người lính có thân hình vạm vỡ, mái tóc vàng trẻ trung, đang đưa lon bia Mỹ lên miệng tu một hơi rồi cười nắc nẻ. Nhìn hai người lính đi chân nọ quẹt chân kia, Gary nhớ lại sáng nay trên mặt trận, anh đã thấy họ tiếp tay khiêng một thi hài đồng đội vỡ nát lên trực thăng. Cả hai chưa thay quần áo và Gary có thể thấy những vết máu của một đồng đội thương vong nào đó còn dính lốm đốm bộ đồ trận dơ bẩn và bê bết bùn của họ.
Gary nói gọn lõn:
- Các cậu đi thay đồ sạch ngay. Tôi muốn mọi người mặc quần áo đàng hoàng khi tôi thuyết trình vào một giờ sau.
Hai người lính ngừng cười trong mấy giây đủ để đưa tay lên chào chiếu lệ đại đội trưởng. Nhưng khi Gary trở vô hầm, anh lại nghe họ cất tiếng cười sằng sặc và tiếp tục đùa giỡn ầm ỉ trên đường về hầm trú ẩn. Anh đứng yên, suy nghĩ lãng đãng về hai người lính ba gai ấy trong một chốc. Rồi không để tâm tới buổi thuyết trình hành quân sắp tới nữa, anh lôi ra một xấp giấy viết thư và ngồi xuống viết cho cha mình.
Gary bắt đầu: “Bố thân mến,
“Xin bố đừng hiểu lầm việc con chậm trả lời bức thư của bố gởi từ Luân Đôn là một bằng cớ chứng tỏ có chuyện nầy chuyện nọ. Đó chẳng qua chỉ vì vào những ngày này, con thường bận túi bụi và cực kỳ mệt mỏi nên chẳng viết nổi thư. Suốt bốn tháng nay, kể từ khi cơn hoang mang sợ hãi ngày Tết Mậu Thân lắng xuống, cuộc sống ở đây là một loạt náo động và kéo dài dằng dặïc những cuộc hành quân “lùng và diệt địch” nhưng trong đó cái khốn nạn là chúng con lùng thì rất nhiều mà diệt thì chẳng được mấy móng. Bù lại, dĩ nhiên chúng con nhận lãnh đều đặn một số lượng tổn thất những đồng đội thương vong vì mìn bẫy. Đối với bố, chuyện đó nghe như thể “có này có kia như trước đây”, nhưng bố tin con đi, lúc này nó là một loại thuốc mạnh hơn bao giờ hết mà khi nuốt vào chẳng cảm thấy thú vị chút nào.
“Thư của bố đến tuần trước và con đang tranh thủ đôi ba phút giữa các chuyến xuất kích để viết vội vã vài hàng trả lời vì con muốn nói với bố rằng con sung sướng biết bao khi đọc mấy dòng chữ đầu tiên của bố về việc chẳng bao lâu nữa Mark sẽ ra khỏi cái lò hỏa ngục ở Hà Nội.
“Cũng giống như bố, con hoàn toàn chẳng chút để tâm tới mấy nhóm hoà bình nào đó sang tận Hà Nội mang Mark trở về quê nhà, miễn sao nó an toàn thoát ra khỏi tất cả những gì nó đang trải qua là được rồi. Con chắc chắn lá thư riêng mà bố viết cho Hồ Chí Minh đã giúp nó được vô số điều dù con đang ao ước rằng lý ra trước đây bố nên nói cho con biết về lá thư đó — nó có thể giúp con cư xử hợp lý hơn trong đôi ba lần bố con mình gặp gỡ nhau vừa qua.
“Thêm một tiết lộ quan trọng nữa của bố là bố đã âm thầm làm lễ thành hôn với Tiểu thư Boyce-Lewis và quyết định ở hẳn tại Anh cũng làm cho con, theo một cách nói nào đó, cảm thấy hổ thẹn hơn vì việc mình đã làm. Đêm đó, bên ngoài khách sạn Continental, khi thấy bố và cô ấy đi với nhau, con có hơi thiếu lịch sự, và sau đó, lương tâm con ray rứt mãi. Chính vì muốn làm tâm trí mình nhẹ nhỏm mà con nói ra cho bố biết việc đó và con xin bày tỏ lời xin lỗi vụng về cùng với lời chúc mừng chân thành của con cho cả hai...”
Có một tràng tiếng nổ nghe như tiếng súng đại liên xa xa phá tan bầu không khí yên lặng, Gary ngừng viết, lắng tai nghe. Khi tiếng nổ ấy tiếp tục, càng lúc càng lớn và càng nhanh hơn, anh nhận ra đó là tiếng phành phạch lẹ làng của máy bay lên thẳng. Rõ ràng là một trong ba đại đội kia đang trở về Birmingham sau khi hành quân. Anh lãng đãng nghe cho tới khi các trực thăng đáp hẳn xuống đất.
Khi chiếc trực thăng cuối cùng tắt máy, Gary tiếp tục:
“Con vừa có ý nói rằng con hy vọng vai của bố đã lành hẳn, nhưng nay con đoán chắc là nó ổn thoả rồi khi bố cảm thấy có đủ sức khoẻ để “cùng nhau đi lên giữa hai dãy ghế” trong nhà thờ và toà thị chính Caxton. Nếu bố đang bắt tay vào việc phê bình chính sách của chúng ta về Việt Nam dưới hình thức một cuốn sách, như bố đã viết trong thư, thì con đoán lúc này hẳn bố khá sung sức — như vậy, con cũng xin chúc bố thành công trong công việc đó. Một cuốn sách thuộc loại như thế, được viết bởi một người có kiến thức sâu xa về vấn đề đó, chắc chắn sẽ bán được số lượng đáng kể — thế nào các thư viện ở Toà Bạch ốc, Bộ Ngoại giao và Ngũ Giác Đài cũng sẽ đặt trước nhiều cuốn để biết bố viết ra sao về các ông chủ của họ. Riêng phần con, con cảm thấy mình có thể đóng góp đôi dòng ngay lúc này về sự phê bình của chính con đối với tình hình ở đây. (Cái này rõ ràng phải gởi thư đi một cách bí mật qua đường bưu điện dân sự để nó tới tay bố nguyên vẹn những gì mà con có thể hiểu biết về vấn đề đó).
“Chúng con vừa thực hiện tới ba cuộc hành quân trong một tuần và đến rạng sáng ngày mai, chúng con lại lên đườøng nữa. Chúng con bị hao hụt quân số trầm trọng và những kẻ còn lại thì tinh thần xuống rất thấp. Chẳng biết chúng con có còn gặp may mắn nữa hay không, lần này con hết sức nghi ngờ, và e rằng mình đang cảm thấy khá chán nản trước tất cả những cái đó.
“Lúc này, con thấy mình bị giằng co với nỗi khao khát từ nhiệm, rút chân ra, nhưng bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm lại nói với con rằng mình nên ở lại đây và làm điều mình có thể làm để hạn chế phần nào những gì tồi tệ đang diễn ra ở đây. Thí dụ, hiện có một nguyên tắc rằng khi chúng con vào làng mà gặp bất cứ người Việt Nam nào không chịu đứng lại và tự khai báo thì cứ bắn người ấy. Thực tế, nhiều người nhà quê bỏ chạy chỉ vì sợ hãi thôi, và lúc đó, việc “cứ nổ súng rồi đặt câu hỏi” là cả một vấn đề! Việc đó, như bố có thể tưởng tượng ra, đưa tới rất nhiều trường hợp giết người bừa bãi.
“Người ta cũng không bao giờ có thể biết chắc chắn rằng một khi vào làng rồi thì sẽ tìm thấy chỉ đàn bà trẻ em thôi hay vài ba tên bắn sẻ đang núp lén hoặc nguyên cả một tiểu đoàn Việt Cộng khốn nạn. Vậy hễ lúc nào cảm thấy cần thiết là chúng con phải bố trí hoả tiễn và trọng pháo đế bắn phòng ngừa và bắn ào ạt vào làng. Quả thật là điên khùng. Thường dân bị thương ở mức độ rất cao là điều không tránh khỏi, và trong tình huống như thế này, công tác “chinh phục con tim và trí óc của dân chúng” mà người ta đề ra cho chúng con là một việc không thể nào thực hiện nổi...
Gary ngừng viết, lại nhìn đồng hồ. Chỉ còn năm phút nữa bắt đầu cuộc họp thuyết trình hành quân. Anh miễn cưỡng gom mấy trang thư lại, rồi lật đật thêm vào ở cuối trang anh vừa viết:
“Bây giờ con phải chạy đi họp ‘hội đồng chiến tranh’ một lần nữa. Vậy tạm thời con chỉ thêm vào hai chữ bất hủ mà các nhà văn viết chuyện dài trên các báo thích viết: ‘còn tiếp’.”
Không đọc lại những gì vừa viết, Gary gấp mấy trang giấy vào nhau và đút vô túi áo ngực.
Khi Gary ra khỏi hầm, bóng tối bên ngoài ẩm ướt và hơi ấm phả vào mặt anh. Vì trời nóng bức, anh đi chậm rải tới bộ chỉ huy căn cứ, nơi các sĩ quan của bốn đại đội bắt đầu tụ về. Để gạt khỏi tâm trí viễn ảnh ảm đạm của cuộc thuyết trình, Guy buông thả cho ý nghĩ lang thang trở lại lá thư của cha. Và anh vừa đi vừa tự hỏi làm sao chú em Mark ứng xử vấn đề thích nghi với cuộc sống tự do sau một thời gian tù ngục khủng khiếp như thế.
Gary cũng cố mường tượng lối sống của cha trong thời gian sắp tới với bà vợ mới người Anh. Trong óc anh chợt nảy sinh ý nghĩ rằng cuộc đời của em anh, cha anh và của chính anh đều đã bị Việt Nam ghi dấu ấn sâu đậm. Trong khi ngẫm nghĩ như vậy, tâm thức của Gary bất giác loé lên hình ảnh cuộc đi săn dã thú trong rừng sâu Nam kỳ và cao nguyên Trung kỳ của ông nội và người bác đã chết bốn mươi ba năm về trước.
Gary nhớ lại việc cha của anh đã cố giải thích như thế nào về lòng ác cảm của ông đối với cái hoạt cảnh trưng bày ấy trong lần gặp gỡ đầy khốn khổ của hai cha con tại nhà bảo tàng. Những lời được ông nói ra lúc đó một cách ngập ngừng, giờ đây âm vang trở lại trong tai anh, nghe rõ mồn một: “...Gary ạ, có trời mới biết, hầu như tất cả chúng ta đều làm mồi cho những khía cạnh tồi tệ nhất trong bản tính của mình... Chúng ta rất thường bị lôi cuốn bởi ý muốn chiến thắng bằng bất cứ giá nào.”
Vì lý do nào đó, ký ức ấy mang trở lại cảm giác mơ hồ về một điềm gỡ mà Gary từng linh cảm trước đây khi hay tin mình sẽ lại phải xuất kích quá sớm với các tân binh đang mệt lã. Và cảm giác ấy càng lúc càng bốc lên thật nhanh khi anh tới gần phòng thuyết trình. Vào lúc Gary trình diện đại tá chỉ huy Birmingham, tâm trạng của anh hoá ra bi quan cùng cực.
Trong khi diễn ra cuộc thuyết trình ngắn của các sĩ quan Mỹ, cách căn cứ hoả lực gần hai mươi lăm cây số, tại làng Quảng Tơ, hai trăm quân du kích của Tiểu đoàn Cơ động 42 thuộc Quân đội Giải phóng đang dừng quân nghỉ bồi dưỡng qua đêm trong những “chòi” tranh có cửa hầm được che đậy cẩn thận. Mỗi hầm trổ thẳng xuống hệ thống địa đạo ngay bên dưới làng. Các địa đạo dài khoảng hai cây số dẫn tới cửa thoát ở bờ biển. Du kích quân đã trải qua nhiều lần thực tập rút xuống địa đạo thật lẹ để thử nghiệm việc bỏ trống làng theo một tốc độ nhanh nhất và một diễn tiến hoàn chỉnh nhất. Trong những trường hợp như thế, các bà vợ và gia đình của họ lúc nào cũng ở lại trong làng, trên mặt đất.
Đêm đó, trong khi người chính trị viên đứng tuổi của tiểu đoàn đi từ chòi này sang chòi khác thì thầm ra lệnh cho bộ đội rút ra bờ biển, ông ta còn kèm theo lời cảnh báo các gia đình ở lại rằng họ sẽ bị quân Mỹ trừng phạt thê thảm. Về phần dân làng, chính họ cũng biết thân và đang chờ đợi vì đã được một thiếu nữ ở quán bum-bum bên ngoài Căn cứ hoả lực Birmingham báo về cho biết sẽ có cuộc đổ bộ của lính Mỹ vào rạng sáng ngày mai. Và họ cũng được chỉ thị, một cách cực kỳ khắc nghiệt từ phía quân giải phóng, rằng không được hợp tác với bọn lính đế quốc, dù bằng bất cứ hình thức nào.
Sau khi dùng cơm tối xong, các cán binh Việt Cộng chào từ giã gia đình, rồi từ từ kẻ trước người sau, họ chuồn thật êm xuống địa đạo, kéo nhau ra bờ biển. Tới nửa đêm, trên mặt đất làng Quảng Tơ chỉ còn lại đàn bà, trẻ con và người già quá hạn tuổi thi hành quân dịch.
Sáng hôm sau, khi Lực lượng Đặc nhiệm lên đường trong ánh nắng sớm mai, Gary bay trên chiếc trực thăng dẫn đầu. Anh đưa mắt nhìn lui và thấy phần còn lại của đợt xuất quân thứ nhất dàn ra đằng sau mình. Mười hai chiếc bóng hình con ong bay nghiêng nghiêng và dập dềnh theo hàng một, nổi bật trên nền ánh sáng màu da cam chói lọi của mặt trời đang mọc.
Gary cũng nhìn thấy phía đằng trước đoàn quân có chớp loé sáng rồi khói bùng lên, lan khắp năm sáu xóm nhà trong thôn làng sẽ đến. Qua bức màn khói ấy, các trực thăng võ trang Cobra chúi đầu rồi ngóc đầu, phóng hoả tiễn và bắn đại liên xuống các túp lều tranh.
Khi đoàn quân tới gần bãi đáp ấn định trên một cánh đồng dài hai trăm thước ở phía nam Ấp Một, mọi xạ thủ ngồi ngay cửa các chiếc trực thăng chuyển quân đều khai hoả khẩu đại liên 60 li cơ hữu dù không một dấu hiệu nào chứng tỏ có đạn từ dưới đất bắn lên. Hai người lính bị Gary khiển trách tối qua lúc này cùng bay với anh trong chiếc trực thăng dẫn đầu, chung với các chiến sĩ cùng trung đội. Tất cả đều cứng người, căng thẳng. Ai cũng nắm chặt khẩu súng M-16 kẹp giữa hai đùi, mắt nhìn qua cửa trực thăng tìm dấu vết của Tiểu đoàn Cơ động 42. Theo lời đồn đó là một đơn vị Việt Cộng thiện chiến; một khi đã chọn lựa chạm trán, nó sẽ đánh rất quyết liệt và tàn độc.
Một trong hai người lính “thợ sắt” Indiana, kẻ vạm vỡ hơn bạn đồng nghiệp cũ đang ngồi kế bên, vỗ bồm bộp báng súng và nói:
- Bữa nay tụi mình hốt trọn ổ lũ vàng khè khốn kiếp đó. Chỉ còn một vấn đề khốn nạn là lâu hay mau thôi.
Người đi cặp với anh ta, có nước da sậm và thân hình mảnh dẻ, gật đầu đồng ý với bạn rồi quay sang nhe răng cười với Gary:
- Đúng ngay chóc — nếu mấy chả trong đại đội Một lùa được bọn thổ dân khốn kiếp đó chạy về hướng tụi mình. Đại úy ơi, tụi tui sẽ ra tay vì ông đó — và vì các cậu đại đội Hai của mình bị đi đứt mấy chuyến trước.
Gary đáp lại bằng cái gật đầu gọn lỏn rồi để hết tâm trí quan sát mặt đất khi đại đội bắt đầu nhảy xuống khu ruộng đổ bộ. Trong cuộc thuyết trình vừa qua, đại tá chỉ huy trưởng hạ lệnh cho các sĩ quan phải nhấn mạnh vào viễn ảnh rửa hận cho những đồng đội bị thương vong, nhằm làm sôi máu binh lính lực lượng đặc nhiệm. Không tìm được cách nào khác để điều chỉnh tình trạng rã rời tinh thần của đại đội, Gary phải miễn cưỡng làm theo lời cấp trên nhưng anh vẫn áy náy về hai tiếng rửa hận cùng những phát tác vô lường của nó. Và trong khi Gary đang tự hỏi không biết hành động như thế của mình là đúng hay sai, hai càng trực thăng đã chạm mặt đất. Rồi bỗng nhiên nỗi thắc mắc đó không còn là vấn đề khi binh sĩ ào ra cửa trực thăng, nhào xuống lớp cỏ mọc cao ngang hông và cúi mình chạy thật lẹ tìm chỗ núp, với ý nghĩ độc nhất trong đầu mỗi người là phải sống sót đã.
Công tác thứ nhất của đại đội Hai là bảo vệ an toàn bãi đáp. Gary quát lớn ra lệnh các trung đội trưởng dàn quân thành một vòng tròn rộng. Kế đó, suốt mười lăm phút, trực thăng hết gầm lại rú, hết vào lại ra, thả xuống các đại đội xung phong. Cứ mỗi lần máy bay đáp xuống, cánh quạt tạt hơi gió thành những đợt sóng lớn, cuồn cuộn rượt theo nhau trên mặt cỏ cao. Gary quan sát binh sĩ các đại đội Một, Ba và Bốn xô đẩy nhau ào ra khỏi máy bay trực thăng. Vào khoảnh khắc đặt chân xuống đất, vẻ mặt người nào cũng căng thẳng và bồn chồn không kém binh sĩ trong đại đội của anh.
Và trên mọi bộ mặt căng cứng đều lồ lộ dấu vết mệt mỏi. Họ e ngại nhìn vùng đất phía trước, mắt trông chừng mìn bẫy trong khi chân dò dẫm từng bước một trên con đường dẫn vào Ấp Một. Rồi tiếng máy bay trực thăng chìm dần ở chốn xa xa. Tiếng động của các binh sĩ đang tiến vào sâu hơn trong ấp nghe cũng yếu dần. Một bầu không khí tĩnh mịch trùm lên Quảng Tơ. Dần dần, ánh nắng mặt trời đang mọc chuyển từ màu da cam sang màu vàng, nhạt hơn và chói lọi hơn.
Khi Gary khởi sự di chuyển đại đội dàn ra thành hình vòng cung theo tư thế vây chặn ở khu vực phía nam làng, anh bỗng nghe có tiếng nổ ầm thật lớn và thấy đất đen vọt lên như suối bên trên một rặng cây xa xa. Tiếp theo tiếng nổ, khói bồng bềnh lượn lờ rồi chầm chậm bốc lên cao quá ngọn cây.
Người lính tóc đen gốc Indiana bò tới bên sĩ quan phụ tá của Gary, miệng thì thầm:
- Đồ khốn kiếp! Đụ má, lại thêm một trái mìn khốn nạn nữa!
Tiếp theo tiếng mìn nổ là tiếng súng vang lên ròn rã. Gary ra lệnh cho đại đội nằm yên. Súng tiếp tục nổ nhưng tiếng nghe rời rạc và không chuyển biến thành một cuộc trao đổi hoả lực ồ ạt và kéo dài như một dấu hiệu chứng tỏ hai bên đang chạm trán. Tới lúc đại đội Hai vào xong vị trí, Gary nghe rõ tiếng lửa cháy răng rắc. Và từ những ngôi nhà tranh bị đốt, khói đua nhau bốc lên, bắt đầu làm mờ mịt bầu trời.
Người lính Indiana bên cạnh Gary thở phào:
- Rồi rồi, xảy tới đụng độ rồi đó. Đại úy ơi, cuối cùng mình cũng bắn thủng đít tụi da vàng.
Gary Sherman nhăn mặt. Máy truyền tin RTO kêu rào rào tiếng người gọi đi gọi lại nhưng không cho thấy một hình ảnh rõ nét nào về cuộc càn quét. Anh vội vàng ra lệnh cho người lính Indiana:
- Cách tốt là cậu đi ngó qua một cái, xem đang xảy ra chuyện gì — rồi về thẳng đây ngay.
Trong một thoáng, người tân binh trẻ tuổi có vẻ ngần ngại rồi tuân lệnh, lúp xúp chạy tới rặïng cây. Năm phút sau anh ta chạy về. Gary lập tức để ý thấy vẻ mặt anh ta vừa hả hê vừa hãi hùng. Anh ta nói với giọng kinh hoàng:
- Đại úy, đại đội Một bắn tuốt luốt cả cái làng khốn nạn đó. Họ bắn hết thảy bọn bản xứ. Họ đẩy tất cả bọn chúng nó xuống hố. Họ đốt nhà, giết gia súc. Họ chà láng cái chỗ đó — trẻ em, con nít, đàn bà, người già, gà vịt, không chừa một mống!
Gary nhìn anh ta chằm chặp, không tin nổi:
- Cậu có biết chắc chắn rằng cậu đang nói cái gì không? Không có Việt Cộng ở đó à?
Người lính lắc đầu nguây nguẩy.
- Vậy chớ ai đang bắn người ta?
- Ai cũng bắn hết! Mấy ông trung sĩ, một ông trung úy, tất cả bọn họ! Họ cũng hiếp cả đàn bà nữa!
Người lính gốc thợ sắt nói thật lớn bằng giọng sôi nổi. Những người khác trong đại đội thấy vậy cũng chạy tới dỏng tai nghe. Thấy thế, Gary khoát tay giận dữ:
- Tất cả về ngay vị trí! Chúng ta đang làm nút chận, phải giữ kỷ luật. Đại đội giữ đúng công tác, ở lại tại chỗ.
Quát xong, anh vẫy một trung úy:
- Anh phụ trách ở đây. Tôi đi vô làng.
Gary ra hiệu cho hai tân binh Indiana và dẫn họ chạy theo mình vô rặng cây. Anh lao qua bụi cây, vào tới ấp thứ nhất. Tại đó anh thấy hai lính Mỹ chĩa súng bắn thẳng vào một đám đông đàn bà trẻ con đang co rúm dồn sát vào nhau, kế bên một đường mương. Trong hai lính Mỹ đó có một trung úy, kẻ kia là trung sĩ. Và tiếng la rú kinh hoàng của đám dân quê Việt Nam tắt ngấm trong cuống họng khi đạn đại liên cùng với M-16 bắn nát cần cổ họ.
Họ vừa gục xuống đất liền bị một lính TQLC khác bắt đầu đá và hất những tử thi đẫm máu ấy xuống đường mương. Mắt Gary bắt gặp trong đó có chút động đậy. Quay qua, anh thấy một đứa bé đang vạch đám xác chết. Không biết nó đang kiếm một người thân nào đó đã chết hoặc chỉ để tìm chỗ núp đạn. Khi viên trung sĩ thấy ra điều đó, hắn bắn mấy loạt đạn vào đứa bé cho tới khi nó lật ngửa, nằm không chút nhúc nhích.
Miệng khô rang hãi hùng, Gary gỡ khẩu AR-15 của mình xuống khỏi vai và bắn một loạt lên phía trên đầu hai lính Mỹ. Anh vừa lao người ra khỏi rặng cây vừa thét lớn:
- Thả súng xuống không tao giết cả hai đứa!
Liền ngay đó, Gary có cảm giác mình đang bay trên không khí. Chỉ tới khi thân thể anh thôi văng lên, đầu chúi xuống trước, cắm thẳng vào những vòi đất đen đang phun túa lên khắp chung quanh, anh mới nhận ra mình vừa đạp trúng mìn.
Khi cơ thể Gary nằm thẳng cẳng trên mặt đất, hai người lính TQLC gốc Indiana nhìn xuống anh, kinh hãi. Họ có thể thấy tất cả các bộ phận trong người Gary — tim, gan, phổi — đang đập rộn ràng bên trong lồng ngực toang hoác. Và máu anh bắn ra ướt đẫm mặt đất chung quanh họ. Gary hấp hối suốt năm phút. Họ chỉ có thể bất lực ngó anh nằm đó, trên đất đen, quằn quại rên la. Cuối cùng, một người lính gốc thợ sắt chạy trở lại gặp viên trung úy phụ trách đại đội Hai. Rồi tất cả những người còn lại trong các chốt ngăn chận đều tập trung chung quanh thi thể người đại đội trưởng của mình.
Tới lúc y tá cứu hộ của đại đội Hai đến hiện trường, bắt đầu sửa soạn gói thi thể tan nát của Gary vào tấm poncho, nhiều người lính của anh bật khóc nức nở. Những người khác rít lên kêu trời, chửi rủa tục tỉu như kẻ mất trí. Rồi dần dần, từng người một, họ nối bước nhau đi sâu vào làng, tham gia cuộc tàn sát. Nhiều người trong bọn họ tiếp tục vừa khóc tấm tức vừa gào thét trong khi tiếp tay săn lùng và bắn gục những dân làng còn lại. Họ giết người Việt Nam. Giết theo từng người một hoặc theo từng nhóm. Họ cướp phá tan hoang nhà cửa. Đốt làng và thọc lưỡi lê đâm chết trâu bò gia súc.
Có vài người lính rụt người lại, hãi hùng vì những gì đang xảy ra. Họ tìm cách tránh mặt hoặc cố cứu một thôn nữ hay một bà lão lẽ loi. Nhưng những nỗ lực của vài người ít ỏi ấy không tác động gì nhiều trên những binh sĩ còn lại của cả hai đại đội. Cuộc bắn giết kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ, không một chút ngừng nghỉ. Và tới cuối cuộc tàn sát đó, xác chết chất thành đống bên trong và chung quanh làng Quảng Tơ lên tới con số hàng trăm.
|
|
|