Sáng hôm sau, khi ánh bình mình toả rạng bầu trời nặng màu chì bên trên lòng chảo Điện Biên Phủ, Đào VănLật tháp tùng một nhân vật khổ người tầm thước và chắc nịch, chân bước ngắn và lẹ, tướng Võ Nguyên Giáp, tới đài quan sát tiền phương được bố trí cẩn mật trên một mé núi cao. Như thường lệ, vị tư lệnh khó tính của Việt Minh nhất định phải kiểm tra tới hai lần những dữ kiện mới nhất ông vừa nhận được. Lật nhẫn nại chờ trong khi Võ Nguyên Giáp xoay xoay cặp ống nhòm dã chiến loại cực mạnh, rà soát khắp mọi ngõ ngách chiến trường để nhìn đi nhìn lại, nhìn thật kỹ tập đoàn cứ điểm tan hoang của quân Pháp.
Thậm chí bằng đôi mắt trần, Lật cũng có thể thấy rõ rằng những đợt xung phong ào ạt bằng bộ binh theo sau những loạt pháo kích phủ đầu diễn ra liên tục suốt đêm qua đã dồn binh đoàn Pháp tới thời điểm hoàn toàn sụp đổ. Khắp nơi hỗn độn tràn lan và chất ngất những dấu hiệu tàn phá.
Cơn mưa mùa ào ạt trước lúc rạng sáng làm ngập ngụa thêm các chiến hào phòng ngự. Nước tràn vào các lô cốt sâu cả thước. Cái hố rộng mênh mông và sâu hoắm, hậu quả của quả bộc phá khổng lồ chôn trong đường hầm chân đồi A1, ngập nước tới một nửa. Trên đỉnh đồi, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh từ bên trong bức tường đổ nát của tư thất công sứ cũ chỉa thẳng lên trời, bay phần phật trong gió. Rõ ràng quân Pháp không còn khả năng phản công tái chiếm cứ điểm A1, một vị trí trọng yếu nhìn xuống toàn cảnh trung tâm chỉ huy của họ.
Lật cũng có thể thấy khúc nước cạn của sông Nậm Rốm lúc này nghẻn đầy tử thi của cả hai phe. Dọc hai bên bờ, không còn chiếc xe vận tải hay xe cứu thương nào chạy. Dù máy bay Dakota cất cánh từ Hà Nội lên vẫn thả dù thực phẩm hành quân hằng ngày, không một lính Pháp kiệt sức và đói lã nào dám bò ra khỏi hố phòng ngự sền sệt bùn để lượm đồ tiếp tế. Đằng sau phòng tuyến của Việt Minh, nơi bìa rừng, lô nhô lính Pháp bị bắt đêm qua, hai tay bị trói quặt bằng dây rừng. Cả mấy trăm tù binh ngồi xếp hàng thành từng cụm, im lặng cúi mặt chờ giờ giải tới chỗ tập trung sâu trong rừng.
Nhìn xuống lòng chảo, Lật không thể tiếp tục giấu vẻ hào hứng đang long lanh trong mắt:
- Rốt cuộc, chúng ta có thể đặt vào lòng bàn tay các đồng chí đại biểu tại Hội nghị Genève đúng lá bài các đồng chí ấyï đang cần để mặc cả, đúng vậy không đồng chí đại tướng? Chắc chắn lúc này nước Pháp chẳng còn lối nào thoát.
Hạ ống nhòm dã chiến xuống, Võ Nguyên Giáp gật đầu:
- Đúng thế. Thời điểm tới lúc chín muồi. Rõ ràng đang có dấu hiệu hoang mang tột độ trong hàng ngũ chúng nó.
Vừa nói Võ Nguyên Giáp vừa thêm lần nữa ngước mắt nhìn quá các đám mây đang bay theo chiều gió. Bên trên chúng thấp thoáng bóng Phi đội Hải quân Pháp vẫn thả bom xuống các giao thông hào có Việt Minh. Lật đoán hẳn Giáp đang suy xét không biết vào giờ cuối này, các chiến đấu cơ khổng lồ của Mỹ có tham chiến để cứu vãn binh đoàn Pháp không.
Những tường thuật của báo chí phương tây trong mấy tuần lễ vừa qua cho thấy Pháp đang mưu tìm sự cứu viện khẩn cấp của Hoa Kỳ. Nhưng tại thủ đô Washington, cả tổng thống Eisenhower lẫn các nhà lãnh đạo quốc hội đều không muốn đi trước một bước bằng những cuộc không tập nặng nề xuất phát từ các căn cứ không quân ở Phi Luật Tân khi chưa có được sự ủng hộ hoàn toàn của Anh và các đồng minh hàng đầu trong Liên hiệp Anh.
Tuy nhiên, thủ tướng Anh Winston Churchill đã đích thân tuyên bố cương quyết chống lại sự can thiệp ấy vì một hành động như thế có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột mới trên toàn thế giới. Và lúc này, các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu hội họp ở Genève để thảo luận về hoà bình tại châu Á. Các phái đoàn dành hai tuần lễ vừa qua cho vấn đề Triều Tiên, nơi các bên tham chiến đã ký kết ngừng bắn vào tháng Sáu năm 1953, nhưng họ vẫn không đúc kết được một thoả thuận nào cho xứ sở đông á bị phân chia một cách cay đắng đó. Và theo nghị trình, hội nghị sẽ xoay qua thảo luận vấn đề Đông Dương kể từ mồng 8 tháng Năm, đúng vào ngày mai.
Lật nói giọng trấn an:
- Đồng chí đại tướng ạ, nếu Mỹ có ý định gởi máy bay tới oanh tạc các vị trí của ta, chắc chắn chúng đã làm ngay sáng nay. Theo ý kiến của các đồng chí cố vấn Trung Quốc, nếu Mỹ để qua tới ngày mai, khi ngồi vào bàn hội nghị với Liên Sô và Trung Quốc rồi mới đem bom đi thả, thì thật chẳng có ý nghĩa chút nào.
Trên vẻ mặt khắc khổ của Võ Nguyên Giáp nở một nụ cười xác nhận rằng người chính ủy bộ tư lệnh đã phát biểu chính xác tâm tư của mình. Ông thêm lần nữa nâng ống nhòm lên mắt, nói nhẹ nhỏm, như thể đọc ý nghĩ của ông ra thành từng tiếng:
- Không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, hầu như binh đoàn Pháp chỉ còn một chọn lựa độc nhất là đầu hàng.
Ông lại thận trọng rà soát tỉ mỉ khắp thung lũng. Cặp chân mày của ông nhíu lại, hằn nét suy nghĩ. Kế đó, ông cho ống nhòm vào hộp, đột ngột quay lưng lại với chiến trường. Ông mím chặt môi, gục gặc đầu rồi quay sang Lật, ông nói quả quyết:
- Chúng ta thực hiện quyết định tối hậu trong cuộc họp của các đồng chí cố vấn cùng bộ tư lệnh khuya qua: tấn công dứt điểm. Và đây là lệnh của tôi: "Bám sát quân địch!" Đồng chí cho truyền tin lệnh đó tới hết thảy các chính ủy đại đoàn và trung đoàn. Nói với các đồng chí ấy rằng phải bao vây thật chặt khi bộ đội ta tiến sát vào nhằm tiêu diệt chúng. Không để bất cứ tên địch nào chạy thoát.
- Thật sung sướng được truyền đi mệnh lệnh dứt điểm trận đánh như thế.
Lật nói với vẻ mặt rạng ngời một nụ cười mãn nguyện khi cả hai quay về bản doanh bộ tư lệnh ẩn sâu trong các hang đá bên cạnh một thác nước.
- Đồng chí đại tướng ạ, từ lúc xảy ra cuộc bỏ bom ở Vinh tới nay đã hai mươi bốn năm, tôi ngày nào cũng chờ đợi một bình minh như hôm nay. Suốt những năm dài ấy, hễ lúc nào thấy quyết tâm của mình dao động, tôi lại nhắm mắt mường tượng những hình ảnh kinh hoàng khi bọn Tây dội bom những nông dân đang tuần hành, trên tay không có vũ khí. Chừng nào còn sống chừng ấy tôi còn nhớ mãi vẻ mặt kinh hoàng và tiếng gào rú hãi hùng của những người tử nạn đó.
Võ Nguyên Giáp dừng chân, vỗ vai Lật:
- Vào thời điểm này, hẳn ai trong quân đội ta cũng đang hồi tưởng và mường tượng những lằn roi trong quá khứ - và những đau xót tiếc nhớ thuở trước giờ đây sống động trở lại, tươi rói. Anh có nhớ vợ tôi đã chết thảm trong một nhà giam của bọn Tây không?
Nhìn trân trối vị tướng tư lệnh, Lật tự hỏi phải chăng bằng trực giác, ông đang nắm bắt được những cảm xúc sâu xa và thiết thân anh cố không để lộ ra mặt. Lật nói với giọng đồng thuận:
- Có lẽ không thể tránh khỏi những hy sinh ghê gớm một khi đã quyết tâm cống hiến bản thân cho một nguyên cớ cao quí như chính nghĩa của chúng ta. Chính Hồ Chủ tịch là người đầu tiên làm cho tôi nhận ra điều đó. Nhưng ở đây, tại Điện Biên Phủ này, ta thấy rõ tất cả những năm dài đau thương ấy rất đáng giá.
Võ Nguyên Giáp gật đầu thừa nhận những tình cảm của Lật nhưng không trao đổi ý kiến. Mỉm cười tự tại, Lật đưa bọc giấy anh đang cầm trong tay lên:
- Nhưng cuối cùng, một chọn lựa dẫu sai lầm cũng có thể hữu ích. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản thân và những người chung quanh. Nó còn dạy cho tôi về tầm quan trọng của sự tinh tế. Tôi e mình phải xin lỗi đồng chí về việc trưng dụng một chiếc xe đạp thồ quí báu của chúng ta, để mang cái này và một máy hát từ Hà Nội lên đây. Nhưng tôi hy vọng đồng chí sẽ đồng ý rằng việc làm ấy đáng giá.
Võ Nguyên Giáp nhíu mày, có vẻ sốt ruột:
- Chính xác nó là cái gì vậy, đồng chí Lật?
- Nó là đĩa hát "Chant des Partisans" - "Bài Ca Người Du Kích", do Edith Piaf hát. Tôi nghĩ chúng ta nên phát nó vào máy truyền tin, theo tần số điện đài chỉ huy của địch, trước giờ bắt đầu cuộc tấn công dứt điểm.
Một nụ cười ngưỡng mộ chầm chậm toả khắp khuôn mặt của Võ Nguyên Giáp. Lật nói tiếp:
- Bài ca nầy nói tới một đạo quân ngoại xâm dã man - những con quạ đen - đang bay trên khắp xứ sở, và kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi bọn chúng - đồng chí có nhớ không?
Giáp gật đầu. "Bài Ca Người Du Kích" đã trở thành một bài dân ca của nước Pháp trong những tháng khép lại cuộc Thế Chiến Hai và được nhân dân Pháp biết tới như một hành khúc của Kháng chiến Pháp chống bọn Đức Quốc xã. Nhìn mặt đồng hồ đeo nơi cổ tay trái, tổng tư lệnh Việt Minh tính toán tâm lý thật lẹ:
- Nửa giờ nữa bắt đầu cho phát thanh xuống lòng chảo - nó sẽ trùng với thời điểm xung phong tối hậu.
Ba mươi phút sau, Lật ngồi trước máy truyền tin, giám sát việc hiệu thính viên điều chỉnh cho máy hoà vào tần số điện đài chỉ huy của quân Pháp. Kế đó, anh lên giây thiều để máy hát chuẩn bị quay, rồi anh nói rất dịu dàng bằng tiếng Pháp vào ống liên hợp:
- Các cháu thân mến, khoan phá hủy máy truyền tin của mình. Cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn tặng các cháu một bản nhạc: "Bài Ca Người Du Kích".
Trong các hầm hố đầy bùn và các lô cốt sủng nước khắp trại quân co cụm, lính dù Pháp và lính Lê dương giật mình khi nghe một giọng nữ dồn dập, đầy âm hưởng, vang lên trong hệ thống truyền tin của họ, với tiếng tây ban cầm đệm theo, khích động dồn dập. Tiếng người nữ đệ nhất danh ca Pháp đã đi vào huyền thoại kháng chiến và âm nhạc: "Đồng đội ơi, giờ đây tự do đang lắng nghe chúng ta..."
Khi đĩa hát mòn vẹt và cũ kỹ ấy tiếp tục quay chầm chậm trên hang núi cao, Lật mỉm cười với hiệu thính viên, vỗ vai anh ta:
- Đồng chí ạ, hãy cứ chơi tới chơi lui trên tần số đó, chỉ một bản nhạc này thôi - cho tới khi xong trận!
Anh đứng lên, chuẩn bị ra khỏi hang nhưng chửng lại khi có tiếng gọi anh từ khu đặt dãy máy truyền tin dã chiến. Ép ống nghe sát tai, anh nhận ra giọng của chính ủy Trung đoàn 59, một trong mười sáu người vừa mới mấy phút trước đây nhận được mệnh lệnh trận đánh sau cùng do anh truyền đi. Giọng ấy nói:
- Đồng chí Lật, một đồng chí đại đội trưởng trong trung đoàn tôi yêu cầu tôi chuyển tới đồng chí một lời thỉnh cầu. Đồng chí ấy muốn tình nguyện tham gia công tác cắm cờ của ta lên nóc hầm của thằng tướng Tây chỉ huy trưởng nếu đồng chí có ý định thành lập một toán xung kích đặc biệt.
Lật trả lời ngắn gọn:
- Có. Chúng tôi đang tập hợp một biệt đội tình nguyện. Đồng chí đại đội trưởng ấy tên gì?
Chính ủy Trung đoàn 59 nói:
- Tôi nghĩ đồng chí có biết anh ấy. Đồng chí và người của anh ấy từng kéo khẩu pháo chót lên núi. Tên đồng chí ấy là Ngô VănĐồng.
Lật trả lời không chút đắn đo:
- Dĩ nhiên biết. Đồng chí Đồng là chiến sĩ dũng cảm nổi tiếng. Anh ấy rất xứng đáng với vinh dự đó.
|
|
|